8-10-2022
Hôm qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, có tus đặt câu hỏi: “Nhà văn Việt Nam nào sẽ trở thành ứng cử viên giải Nobel?”, nhằm thăm dò sự đề cử của độc giả. Tôi có lội vô đọc comment, thấy đa số bạn đọc hăng hái đề cử nhà văn A, nhà thơ B… Rồi sau lại thấy nhiều người lên bài, bàn luận không ngớt về một giải Nobel cho Việt Nam. Tôi đọc, chợt nhớ đến chuyện chiếc ô tô.
Việt Nam có thể sản xuất được ô tô không? Có bạn sẽ dứt khoát, “Vin đấy!”. Không đâu, với tình hình này, 100 năm nữa chưa chắc Việt Nam có thể tự mình làm ra một chiếc ô tô, chưa nói là hạng sang hay siêu sang, mà “thường thường bậc trung” cũng còn là thách thức.
Làm ra một chiếc ô tô không phải chỉ là chuyện mua dây chuyền, xây dựng nhà xưởng, thuê chuyên gia về… Đó thực ra là mua ô tô, không phải làm ô tô. Chiếc ô tô là sản phẩm của một nền công nghiệp có lịch sử nhiều trăm năm, sơ đẳng từ chuyện sản xuất phôi thép trở đi, đến các kỹ thuật điện tử hiện đại. Phía sau mỗi chiếc ô tô, nơi chúng ta không thể nhìn thấy được bằng sự quan sát trực quan, là một nền khoa học đồ sộ, từ Toán học, Vật lý, Sinh học, thậm chí cả Triết học, đã tích trữ qua cả ngàn năm.
Tóm lại, bên dưới, và đằng sau chiếc ô tô là cả một nền văn hóa, văn minh, là một lớp trầm tích đã biến thành máu huyết của con người, nó ở trong mỗi cá nhân, hiện diện ngay trong đời sống và tư duy của cá nhân. Nó thấm đẫm từ đời thường tới trường ốc, nhà xưởng.
Chúng ta có gì? Không gì cả. Thậm chí đến việc sản xuất nguyên liệu để tiện ra một con ốc đủ chuẩn cũng chưa làm nổi thì tạo ra ô tô bằng cách nào đây? Nền khoa học Việt Nam có gì? Hình như cũng không gì cả. Làm sao có thể trồng lúa trên bãi cát? Một tòa nhà chọc trời bao giờ cũng có chân móng vĩ đại chìm sâu dưới lòng đất, cái chân móng mà ta không nhìn thấy được nhưng nó quyết định việc có thể xây cao bao nhiêu và đứng vững được tới khi nào. Cái móng nhà ấy ta chưa có, chưa làm, thì biết đặt tòa nhà vào đâu? Nó sẽ đổ kềnh ra, thành một đống gạch vụn, vừa bi vừa hài.
Nobel? Chúng ta xưa kia dùng rổ rá đan bằng tre, nay ta dùng rổ rá nhựa. Văn minh của chúng ta là văn minh làng xã, là tiểu nông. Xưa ta dùng cái khéo tay mà làm ra vật dụng, nay ta lấy cái tiện lợi có sẵn mà sản xuất; xưa ta đóng kín mà nhặt nhạnh sống, nay ta mở cửa để vay mượn dùng, ta có gì?
Không có lịch sử, đến lịch sử cũng không có. Chúng ta luôn tự chặt đứt lìa mình khỏi quá khứ, nghĩa là luôn trong tình trạng là những cây bạch đàn chồi. Ai trồng bạch đàn thì biết, hễ cứ chặt ngang gốc là bạch đàn lại chồi lên, bám vào cái gốc ấy mà vươn lên đuồn đuỗn, nhưng chỉ cần một cơn gió là đổ kềnh ra ngay. Bạch đàn chồi là loại không có lõi, gốc thì gần như gốc giả, cây chồi chỉ gá vào cái gốc đã bị chặt ngang mà lớn lên, không bao giờ có thể trở thành cổ thụ. Loại bạch đàn ấy chỉ làm củi, không dùng vào việc gì được cả, vì mềm và không lõi. Cả một vùng bạch đàn chồi, nhìn xa thì như rừng, lại gần thì non choẹt, gió nhẹ thì cũng lao xao lắm, nhưng gió khẽ giật thì ngả rạp hết cả.
Không có lịch sử. Cứ triều đại mới lên thì xóa sổ quá khứ, thậm chí mồ mả của triều trước cũng bị trốc lên, “duy ngã độc tôn”. Rồi bể dâu, triều đại ấy lại bị triều sau ra sức tẩy trắng. Chúng ta chỉ có hiện tại, không có quá khứ. Văn hóa, văn minh? Chỉ còn mỗi cái bản năng sinh tồn là di truyền và bất diệt, mọi thứ khác luôn tan thành tro bụi sau một cơn biến thiên dâu bể.
Nobel sẽ mọc lên từ đâu trên cái sa mạc ấy? Cổ thụ sẽ mọc lên từ đâu trên cái gốc bạch đàn bất động chết giả và sống giả ấy? Một nền văn hóa rổ rá mây tre “dĩ thực vi thiên” luôn nhăm nhăm biến tôn giáo thành tín ngưỡng và biến các học thuyết xã hội thành tôn giáo, thì nó lớn lên bằng cách nào để mà nói chuyện Nobel?
Nobel cũng như ô tô, không phải cứ đi vay, đi mượn, đi mua những thứ tân kỳ về ráp lại để mà tự hào. Mặc ở thế kỷ 21, sống ở thế kỷ 20 và nghĩ ở thế kỷ 19, thì Nobel cũng như iPhone thôi, xài nhoay nhoáy nhưng chịu, không cách gì tạo ra được.
Bây giờ nếu phương Tây sụp đổ thì ta cũng về thời đồ đá, vì ta chỉ đang xài ké thôi. Cả tư tưởng, quan niệm cũng là xài ké. Lối viết của Nguyễn Huy Thiệp là một quả bom trong văn học Việt Nam, nhưng là một vũ khí đã thành đồ cổ của các nền văn học khác. Bây giờ phương Tây sụp đổ thì ít hôm sau ta sẽ trồng tre trở lại, phụ nữ thì gánh lúa, đàn ông ngồi nhà đan rổ. Văn học ta cũng thế thôi.
Nói chuyện Nobel cho vui cũng được. Ta cũng có những tác phẩm kha khá đấy chứ, nhưng ta không phát minh ra chúng. Chỉ là các ông nông dân Đồng bằng sông Cửu Long chế ra máy gặt, chế ra máy bay phun thuốc sâu và lên tivi, ta cứ “chế” vậy thôi, chế bằng cách thừa hưởng dăm trăm năm của người trong những nút bấm mà bất cần biết gì về dăm trăm năm đó, mà muốn biết cũng khó lắm, “đi tắt đón đầu” nhanh và nghiêm túc cũng phải bỏ ra một trăm năm chứ?!
Ai cũng có quyền tự hào cả, thì cứ tự hào thôi. Biết đâu đấy, vì những niềm tự hào đó mà ta sống, tuy không sống trong đời thực thì đôi cánh tưởng tượng nhiều khi cũng nâng ta lên được 9 tầng mây, du hành qua những vì sao và nhìn xuống những kẻ đang dò dẫm đi trên mặt trăng mà cười khẩy, há chẳng sướng lắm ư!