KHÓ NGHÈO ĐÍCH THỰC-TGM Giuse Vũ Văn Thiên

KHÓ NGHÈO ĐÍCH THỰC

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Những lời lên án gay gắt của ngôn sứ Amốt rất hợp với xã hội hôm nay, bởi trong bối cảnh “nền kinh tế thị trường,” người ta có khuynh hướng biến mọi sự thành hàng hóa trao đổi.  Hậu quả là ngày càng có nhiều những nhà đầu tư chỉ lo kiếm sao cho có nhiều lợi nhuận; những cha mẹ chỉ lo làm giàu mà quên trách nhiệm với gia đình; những tín hữu vì lợi lộc vật chất không ngần ngại vi phạm luật Chúa; những người bạn bè hay họ hàng thân thuộc vì tiền mà coi nhau như kẻ thù.  Vì lợi lộc vật chất, người ta không trừ một thủ đoạn nào.  Ngôn sứ A-mốt nêu ra những thủ đoạn gian lận như làm cho chiếc đấu nhỏ lại, quả cân nặng thêm, pha trộn thóc tốt với thóc mục để bán cho người nghèo…  Những thủ đoạn ấy vẫn đang tồn tại trong xã hội hôm nay, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Lợi lộc vật chất khiến cho lương tâm ra tối tăm.  Đó cũng là lý do khiến con người coi thường đạo lý và tiếng nói của lương tâm.  Người tín hữu được mời gọi biết dùng của cải cho hợp lý.  Lời Chúa giúp cho chúng ta “nghèo mà không hèn,” “giàu mà không sang.”

Một hiện tượng xã hội khá phổ biến hiện nay là sự lãng phí.  Người giàu lãng phí, mà người nghèo cũng lãng phí.  Người ta lãng phí thời gian, lãng phí vật chất và lãng phí cả sức khỏe và mạng sống.  Tại các quốc gia phát triển, mỗi ngày đều có một khối lượng lớn thực phẩm bị đem đi hủy vì hết hạn sử dụng, trong khi ở các nước nghèo, biết bao người lớn và trẻ em không đủ chất dinh dưỡng để có một cuộc sống bình thường.  Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo Hoàng của người nghèo, đã khẳng định: “Lương thực để lãng phí là lương thực ăn cắp của người nghèo” (Huấn từ nhân Ngày Quốc tế về môi trường, 5-6-2013).  Có thể chúng ta lập luận: “Của cải tôi làm ra, hoặc tôi mất tiền để mua sắm, tôi có quyền lãng phí!”  Nói như thế, là chúng ta quên rằng, người sở hữu đích thực mọi của cải là Thiên Chúa, chúng ta chỉ là người được Chúa trao cho quản lý.  Người quản lý trong lãnh vực nào cũng phải trung thành và tận tâm lo cho việc sử dụng của cải đúng mục đích, tiết kiệm, có ý nghĩa và sinh ích lợi cho mọi người.

Chúa Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Người hãy sống khó nghèo.  Khái niệm “khó nghèo” thường hay bị hiểu sai.  Vị Đáng kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận giải thích với chúng ta: “Khó nghèo không phải là không có của: đó là khốn khổ, thiếu thốn.  Khó nghèo trước tiên là tập trung của cho đúng.  Một cốc cà phê, một cốc bia!  Nhưng cũng là một cốc mồ hôi, một cốc nước mắt, một cốc máu đổi lấy nó.  Một khói thuốc, nhưng cũng là một hơi thở hổn hển của người lao động vô danh” (Đường Hy Vọng 412).  Như thế, khó nghèo là sự trân trọng với tất cả những gì chúng ta đang có, đang sử dụng và cố gắng để đừng lãng phí chúng.  Đức Hồng Y kết luận: “Không có của mà tham lam vẫn chưa phải là thanh bần; có của mà không dính bén vẫn có thể ‘có lòng khó khăn’ thực sự” (ĐHV 411).

Khó nghèo đích thực còn là khả năng và thiện chí dùng của cải của mình để xây tình liên đới và nối tình đệ huynh, góp phần xây dựng một xã hội an bình.  Nhân vật người quản lý trong Tin Mừng hôm nay được chính Chúa Giêsu gán cho một tính từ là “bất lương.”  Như thế, anh không thể làm mẫu mực cho chúng ta trong việc quản trị tài sản được.  Chúng ta không thể hiểu đúng giáo huấn của Chúa, khi chỉ trích dẫn một câu hay một đoạn Tin Mừng, nhưng cần liên kết với toàn thể để tìm ra ý nghĩa sứ điệp mà câu chuyện muốn diễn tả.  Chắc chắn Chúa không không muốn chúng ta mưu mẹo gian lận như người quản lý bất lương này.  Điều Chúa dạy ta là hãy dùng những của cải mình có mà giúp đỡ anh em, bởi lẽ sự giàu nghèo chỉ nhất thời, tình huynh đệ mới tồn tại mãi mãi.  Giúp người khác khi mình thịnh vượng chính là của để dành phòng khi mình sa cơ lỡ vận thì có người giúp đỡ lại mình.   Khi nhắm mắt xuôi tay, để lại của cải chẳng giá trị bằng để lại tình thân nghĩa.  Bởi lẽ của cải chỉ một ít người được hưởng, còn tình thân nghĩa thì lưu danh rộng khắp và lâu dài.

Thiên Chúa là Đấng Cứu độ chúng ta.  Ngài cũng là Chủ tể của lịch sử và là Đấng sáng tạo muôn loài.  Những quyền hành nơi trần gian từ bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải phục quyền Ngài, vì Ngài là Đấng tối cao.  Vì vậy, từ bậc vua chúa đến những người bình dân, ai nấy đều phải sống thánh thiện ngay thẳng.  Như thế, họ sẽ đẹp lòng Chúa và được Ngài ban ơn (Bài đọc II).

“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ.”  Thiên Chúa là đấng độc tôn, có nghĩa là ta chỉ được thờ một mình Ngài.  Không được phép đặt Thiên Chúa ngang hàng với của cải vật chất hay bất cứ thần linh nào.  Sự trung tín trong việc phụng thờ Chúa là nét riêng của Do Thái giáo và cũng là của Kitô giáo chúng ta.  Sự khó nghèo đích thực còn là tâm tình cậy trông và phó thác nơi Chúa, luôn luôn cảm thấy cần có sự che chở của Ngài.  Nếu một giây phút ta bị Thiên Chúa lãng quên, thì ta sẽ không còn hiện hữu trên cõi đời.  Nhờ sự hiện diện của Chúa, ta thấy cuộc đời có ý nghĩa và ta được đong đầy niềm vui.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay