NÓI VỀ CẦU CHỮ Y và NHỮNG XỨ KHÁC CÓ TÊN DÍNH SỐ 3, SỐ 7, SỐ 5.

Lương Văn Can

NÓI VỀ CẦU CHỮ Y

và NHỮNG XỨ KHÁC CÓ TÊN DÍNH SỐ 3, SỐ 7, SỐ 5.

***

Cầu Chữ Y vì sao lại là …chữ y và có 3 nhánh? Vì ngay khúc đó là ngã ba sông. Cái cầu chữ y tẻ ra 3 hướng

Kinh Tẻ là kinh đào, năm 1905 người Pháp đào con kinh này từ sông Sài Gòn tại khúc cầu Tân Thuận ngày nay đến Kinh Tàu Hủ khúc cầu Chữ Y làm thủy đạo xuống Miền Tây chia bớt ghe tàu cho rạch Bến Nghé

Từ sông Sài Gòn trổ vô kêu Kinh Tẻ, từ khúc cầu Chữ Y đụng Kinh Tàu Hủ thì kêu là Kinh Đôi

Cầu Chữ Y bắc ngang Kinh Tàu Hủ và Kinh Đôi. Một đầu nó bên quận 5 ngay đường Nguyễn Biểu trổ qua bên kia ở hai hướng, hướng thẳng là qua Phạm Thế Hiển, Rạch Ông, hướng phải là qua Hưng Phú

Đường Hưng Phú trổ qua Chánh Hưng cắt ngang để gặp Bến Ba Đình. Chánh Hưng là vùng có nhiều lò mổ trâu, bò,heo, ngựa và cả gà vịt

“Ðốt đêm đen trái châu treo thay đèn lấp lánh

Cầu chữ Y, Lộ Hàng Xanh

Lửa bao thiêu tám nẻo đường thành”

Cầu Chữ Y ngày xưa là một miền quê ngoài rìa đô thành Sài Gòn nhiều sông rạch thuộc vùng Bình Xuyên là vùng đất Nam SG, bắt đầu bên bờ nam cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y kéo dài xuống Rạch Đỉa, Nhà Bè, Bình Hưng, Phong Đước, An Phú, Cần Giuộc

Khúc cầu Tân Thuận đi xuống Nhà Bè khi đó minh mông sình lầy sông nước, khi chưa có cầu Rạch Ông thì chỉ có đi đò qua Sài Gòn

Sài Gòn ngày xưa là đô thành bên sông, là xứ sông nước không thua Miền Tây. Sài Gòn có nhiều ngã ba kinh, ngã ba sông lắm

“Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”

Sông Sài Gòn chảy từ rừng Lộc Ninh cùng sông Đồng Nai gặp nhau ở ngã ba rồi hòa làm một thành sông Nhà Bè

Cái tên Nhà Bè có giai thoại giải thích về cái bè làm việc thiện của viên thơ lại thành Gia Định là ông Thủ Hoằng (Võ Thủ Hoằng)

Tuy nhiên đó cũng là một cách giải thích thuần Việt, đâu phải cứ Nhà Bè thì phải có cái bè? Nhà Bè và Cái Bè có thể là phiên âm từ tiếng Khmer

Quận Nhà Bè nằm sát nách đô thành Sài Gòn là đất thuộc tỉnh Gia Định. Nhà Bè xưa có 9 xã với quận lỵ đóng ở làng Phú Xuân Hội , sau đó dời về đất làng Phú Mỹ. Từ đô thành Sài Gòn đường Trình Minh Thế -Liên Tỉnh 15 chạy dài từ Cầu Khánh Hội, cầu Tân Thuận, cầu Phú Xuân tới doi đất gọi là mũi Nhà Bè có cái cầu bắc

Phú Xuân Hội là một cái đảo nằm giữa bốn con sông là Nhà Bè, Soi Rạp, Phú Xuân, Phước Long, chiều dài từ cầu Phú Xuân xuống tới mũi Nhà Bè theo đường Liên Tỉnh 15 là 5 cây số và ngang từ sông Nhà Bè tới sông Mương Chuối độ hơn 3 cây số

Phú Xuân Hội là gì? Là đất mới nhưng đô hội như kinh kỳ Phú Xuân ngoài Huế, là tên gọi của người đi khai hoang đã lấy tên Phú Xuân ở Huế đặt cho vùng đất mới

Gọi là đường Liên Tỉnh 15 là vì con đường từ cầu Tân Thuận tới tận doi đất có bến đò, sau là bến bắc Bình Khánh, Phước Khánh.dài đúng 15 cây số

Hồi xưa đất Phú Xuân Nhà Bè là đất của các tổng kho xăng dầu vì nằm cặp sông sâu, rộng thuận tiện cho tàu chở dầu cặp bến. Các hãng có tiếng như Caltex, Esso, Mobil Oil, Shell đều có kho lớn ở Nhà Bè, thành ra trong đô thành Sài Gòn đường lộ còn đất đỏ bụi mù thì khúc 15 cây số này đã tráng nhựa láng o để cho xe chở dầu ra vô tiện lợi

Ngày nay còn địa danh “ngã ba Shell” bên Phú Xuân

Dân đô thành SG muốn về Nhà Bè hồi xưa có hai cách là đi bằng xe ngựa và xe lam. Tại đầu cầu Phú Xuân có bến xe ngựa và sau là xe lam. Nhà Bè là quận của tỉnh Gia Định nên dân từ Nhà Bè muốn về làm giấy tờ hành chánh ở tòa bố tỉnh Gia Định phải đi xe lam 2 tới 3 chặng, một chặng từ Phú Xuân tới Tân Thuận, đến chợ Xóm Chiếu, Khánh Hội và chặng từ Sai Gòn đến Lăng Ông và chợ Bà Chiểu ở Bình Hòa xã

Đất Nhà Bè minh mông sông rạch nên thưa dân, đất sình lầy gọi là đất không chưn rất khó xây nhà bê tông cao ốc, đây là vùng chứa nước mưa tự nhiên của đô thành Sài Gòn.Sau 1975 đã làm Phú Mỹ Hưng chặn lại nên cứ mưa là thành phố bị ngập cũng ở chổ này

Từ đây trổ về mé Cần Giờ, dọc sông Lòng Tàu Soi Rạp, Cần Giuộc gọi là Rừng Sác xưa là hang ổ của V C

Có câu “Cọp Biên Hòa, ma Rừng Sác”

Cọp Biên Hòa dữ nổi tiếng, muốn tìm hiểu thì mời đọc “Săn cọp Đồng Nai” của Bình-nguyên Lộc

Còn “Ma Rừng Sác” thì sao? Cái xứ “Ma Rừng Sác” cũng rùng rợn có tiếng, vùng này đi vô chỉ có chết, là “vùng đất chết “

Xứ Nhà Bè có những cây cầu nổi tiếng nghe ngộ ngộ như cầu Rạch Đỉa,cầu Long Kiểng

Có những món ăn đặc sản từ cua, cá bông lao, cá chìa vôi

Nhà Bè mang tiếng đất xa xôi, đất thưa dân nhưng là đất khai phá sớm thành ra có nhiều nhà cổ. Đọc các cuốn sách của ông già ó đâm Vương Hồng Sển bạn sẽ biết ngôi nhà cổ của ổng, cái “Vân Phủ Đường” ở đường Nguyễn Thiện Thuật tỉnh Gia Định là năm 1952 ông Vương trúng số, đã mua cái xác nhà cổ 5 gian 2 chái ở miệt Phú Xuân Hội –Nhà Bè về cất lên

Miền Nam mình tỉnh nào không có ngã ba sông, có tỉnh còn có ngã năm, ngã bảy sông nữa kìa

“Sông Ngã Bảy chảy về bảy ngã

Thuyền đến đây về ngã nào đây

Buồm không theo kịp chim bay

Xa nhau biết hẹn ngày nào gặp nhau”

Ngã bảy Phụng Hiệp là nơi giáp các con kinh và sông sau: Kinh Xáng, Bún Tàu, Lái Hiếu, Xẻo Môn, Xẻo Đông, Cái Côn, Mang Cá

Chợ nổi Ngã Bảy được thành lập năm 1915 hình thành từ những con sông, kinh đào, kinh xáng múc, xáng thổi

Người Pháp đã đào kinh Xáng để hình thành bảy ngã sông đi khắp mọi hướng để nó trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhứt Nam Kỳ thời ấy

Ngã bảy đi ra 7 hướng

Chợ nổi Ngã Bảy càng vang danh tên tuổi hơn hơn khi bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả tài hoa Viễn Châu qua giọng ca của ông Út Trà Ôn vang dội, trở thành câu ca thất tình ngâm nga của dân Lục Tỉnh

“Hỡi ôi….! con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã thì lệ của tôi nó cũng lai láng muôn dòng”

Người Khmer Nam Kỳ kêu Ngã Bảy là Tonlé Prambil Muk, có nghĩa là sông bảy mặt

Chợ nổi Ngã Bảy huy hoàng dập dìu ghe hàng từ sáng sớm, mùa nào thứ đó, từ trái cây tới những hàng thủ công của miệt Miền Tây, bảy nhánh sông là bảy làng nghề

Những người lấy ghe làm nhà, bán buôn quanh năm ở chợ nổi, chạy tứ tung Lục Tỉnh ông bà mình kêu là “khách thương hồ”

“Hò ơ..!

Đạo nào vui cho bằng đạo đi buôn

Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông

Bớ ghe sau chèo mau tôi đợi

Khúc sông này bờ bụi khó qua”

Thương hồ là thương nhân “rày đây mai đó”,”lang bạt kỳ hồ” hoặc “phiêu bạt kỳ hồ”,cuộc đời ví như bông lục bình

“Thiên hạ thường chê thứ lục bình

Phận hèn bèo giạt sống linh đinh

Sông hồ bể cả trôi thân mọn

Bãi cát ghềnh hoang gửi kiếp xình

Đêm đến chờ trăng soi dáng nguyệt

Ngày qua đợi sáng đón bình minh

Theo mây tận hưởng đời phiêu bạt

Lướt sóng an nhàn số nhục vinh”

Ngẫm thiệt vui! Trên bờ ngã ba, ngã bảy tưng bừng thời dưới sông ngã bảy,ngã ba cũng rộn ràng

“Anh đi ngã bảy ngã năm

Anh về anh mệt anh nằm ngã ba”

Mà số ba là số linh

Đạo đức kinh của Lão Tử nói “Đạo sanh ra Một, Một sanh ra Hai. Hai sanh ra Ba. Ba sanh ra vạn vật”

Con số ba của Kinh Dịch là một con số thần bí, thiêng liêng

Ai cũng biết mỗi một quẻ của bát quái đều gồm có ba hào, là ba vạch liền nhau hoặc đứt gãy

Ba hào dương gọi là quẻ Càn, ba hào âm gọi là quẻ Khôn, Kinh Dịch có hết thảy 64 quẻ

Thí dụ quẻ Càn ☰ còn đọc là Kiền được đặt tên theo nghĩa 3 hào dương do ba khúc cây được ghép lại với nhau

Tại sao lại là ba vạch ? Đó là ba bậc của trật tự trong vũ trụ, trật tự của thiên giới, trật tự của nhân giới và trật tự của vạn vật

Đó là tam tài. Vì vậy, một quẻ có ba hào tượng trưng cho: Thiên, Địa và Nhân (Trời,Đất, Người)

Ông bà ta hay nói “Thiên thời, Địa lợi, Nhơn hòa” là nói lên sự viên mãn, hanh thông của đời sống . Đây cũng là ba yếu tốt quyết định sự thành công của một người thành đạt

Trong chánh trị ai nắm ba cái này sẽ làm lãnh tụ

Trong Hán tự, số ba viết là 三(tam) gồm ba vạch như tam tài, chữ Vương 王 trong quyền lực chỉ rõ sự kết nối giữa Thiên-Nhơn-Địa nhiều hơn chữ tam, 王道 vương đạo là sự thẳng thuốm của người cầm quyền cũng vậy

Số ba ở Tây Phương cũng kỳ bí

Đi lễ nhà thờ Công giáo, ta hay nghe linh mục đọc “Nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, Amens” là nội dung lời kinh có tên là “Dấu Thánh giá”

Đây là Thiên Chúa Ba Ngôi của đạo Công giáo, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Số 3 linh thiêng

Địa danh Ba Làng ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá là gọi tắt của ba ngôi làng tên là Sung Mãn, Ngoại Hải, Như Xuân

Ba Làng là vùng khỉ ho cò gáy khi xưa, nhưng Ba Làng đi vào lịch sử Đạo Thiên Chúa ở VN rất sớm. Năm 1627 Linh Mục Đắc Lộ Alexandre De Rhodes từng đến Lạch Bạng và rửa tội nhiều người dân ở đây

Lạch Bạng hay Cửa Bạng là tên của một cửa sông thuộc làng Do Xuyên nằm về phía đông Tĩnh Gia,Thanh Hoá

Giáo xứ Ba Làng ra đời như vậy, năm 1955 khi giáo dân Ba Làng Thanh Hóa đến biển Nha Trang định cư. Họ lấy tên làng cũ ở Thanh Hóa để đặt cho khu định cư mới tại thành phố Nha Trang nên cũng gọi là khu Ba Làng

Ba Đình là địa danh của huyện Nga Sơn Thanh Hóa gọi chung 3 làng Mỹ Khê, Hương Thọ và Mậu Thịnh.Thời Nguyễn quy định mỗi làng phải có một cái đình, đình làng Mỹ Khê, Hương Thọ, Mậu Thịnh nằm cũng gần nhau

Khu ba làng này có cuộc khởi nghĩa do Đinh Công Tráng và Phạm Bành làm thủ lãnh trong giai đoạn kháng Pháp 1886 – 1887 mà bản doanh là ba cái đình làng đó, dân kêu là khỏi nghĩa Ba Đình

Hà Nội thời Pháp phía trước Phủ Toàn quyền có vườn hoa Puginier nằm giữa các con đường Avenue de la République, Avenue Brière de l’Isle, Rue Elie Groleau, và Avenue Puginier

Có một bùng binh ở giữa cũng tên là Pugininer, dân Hà Nội xưa gọi vườn hoa Pugininer là quảng trường Tròn

Năm 1945 thời Việt Minh cướp chánh quyền đã đổi tên vườn hoa Puginier thành vườn hoa Ba Đình

Bây giờ xin mời về Định Quán tỉnh Đồng Nai

Định Quán là xứ rừng của tỉnh Biên Hòa xưa, đường lên Đà Lạt, xứ núi lửa cổ. Xứ này nổi tiếng về những tảng đá lớn lô nhô mọc lên mặt đất, không ai hiểu vì sao nó có

Nổi tiếng nhứt vì sát quốc lộ 20 là ba tảng đá lớn xếp chồng lên nhau với độ cao gần 40 m, dân gian kêu là Đá Ba Chồng

Ngộ cái nữa,gần đó có cái thác tên là thác Ba Giọt

Nam Kỳ chúng ta có một cái đất Ba Giồng vang danh lịch sử

Theo Hồ Biểu Chánh thì :

“Phía Tân Hiệp gồm tới ba cái giồng nằm gần nhau. Ấy là gịồng Trấn Định tại Tân Hiệp Củ Chi, giồng Cánh Én nằm tại ranh tỉnh Tân An, giồng Thuộc Nhiêu nằm dài theo qnan lộ Trung Lương xuống Cai Lậy.

Mà giồng nào cũng không có danh bằng ba cái giồng nầy. Sử có ghi chép ba giồng nầy gọi là vùng” Tam Phụ”. Thường nhơn nói nôm na thì gọi là xứ “Ba Giồng” (Hết trích)

Ba Giồng vang danh vì lập ra đạo quân Đông Sơn đánh lại Tây Sơn

Đội quân Đông Sơn của tướng Đỗ Thành Nhơn làm Nguyễn Huệ khiếp sợ, về sau Đỗ Thành Nhơn bị chúa Nguyễn Ánh giết chết đoạt binh

Thời Nguyễn,sử Nguyễn ít nhắc tới chữ Ba Giồng không biết vì lý do gì, có lẽ dân xứ này có tham gia vụ binh biến Lê Văn Khôi

Ngày nay chữ “Ba Giồng” chỉ còn tồn tại nhờ giáo xứ Ba Giồng là trung tâm hành hương của giáo phận Mỹ Tho, một thánh địa Công giáo Mỹ Tho xưa cổ

Tất nhiên đạo CG vào đất Ba Giồng sau này, chữ Ba Giồng của CG chỉ là một nhánh nhỏ của xứ Ba Giồng xưa

Ba Vát là một địa danh trên đường Mỏ Cày đi Chợ Lách, xưa là quận lỵ của quận Đôn Nhơn tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre), nay là xã Phước Mỹ Trung, Mỏ Cày Bắc

Trong xứ Nam Kỳ ta các địa danh chữ Ba rất nhiều, thí dụ: Ba Giồng, Ba Thắc, Ba Lai, Ba Tri…

Ba Vát gốc Khmer Préah Wat, nghĩa là chùa Phật, các quan xưa phiên âm sang từ Hán Việt thì chữ vát không có trong Hán tự nên biến âm thành Ba Việt

“Đèn nào cao bằng đèn Ba Vát

Gái nào bạc bằng gái chợ Giồng

Ngày em làm lễ tơ hồng

Là ngày em bẻ gãy chữ đồng với anh”

Ba Vát ghi tên trong lịch sử Việt Nam vì nó là nơi diễn ra một trận đánh giữa Nguyễn và Tây Sơn:Trận Ba Vát 1777

Địa danh VN còn có Ba Lòng, Ba Chúc, Ba Lai, Ba Láng cũng chưa rõ nghĩa, xuất xứ của nó, có thể là tiếng dân tộc bổn địa phiên âm ra Việt ngữ

“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

Anh có thương em thì cho bạc cho tiền.

Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”

Từ cái “Cầu Chữ Y” mà kéo dài qua Nhà Bè, rồi xuống tận Miền Tây là quá xá dài rồi, xin ngưng ở đây.

– Nguyễn Gia Việt – 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay