TẠ PHONG TẦN: THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN VỚI TÔI NHƯ THẾ NÀO?

TẠ PHONG TẦN: THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN VỚI TÔI NHƯ THẾ NÀO?

Posted on 10/01/2016

Tạ Phong Tần 

Năm tôi học lớp 9, tình cờ có lần tôi mượn được một quyển sách dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt ở thư viện tỉnh Bạc Liêu và đọc nó với tất cả sự tò mò của tuổi trẻ.  Sách dày khoảng 300 trang, bìa mỏng màu xanh biển, ruột giấy rơm vàng khè, chữ đen mờ mờ (giống như tất cả những sách in thời đó), tên sách là gì thì tôi đã quên bẵng từ lâu, nhưng nội dung thì tôi nhớ, “ấn tượng” là đàng khác. Trong đó, tác giả (xin cứ cho là vậy, bởi lẽ sách dịch, nên nội dung tiếng Việt là của chính tác giả viết ra hay của người dịch thì còn phải xem lại) mô tả cuộc đời Chúa Yêsu bằng cách trích dẫn từng đoạn, từng đoạn Thánh Kinh (sau nầy tôi mới biết đó là Tin Mừng) rồi diễn giải theo kiểu Yêsu là một kẻ lười biếng, khôn vặt, láu cá, hèn nhát, có chút khả năng về tâm lý quần chúng, dùng lời nói lừa bịp quần chúng để kiếm cơm, kiếm tiền. Tất nhiên, lúc đó tôi không biết gì về một người tên là Yêsu “tự xưng con Thiên Chúa” và một đứa nhỏ như tôi càng không đủ trình độ lý luận lẫn kiến thức để nhận biết sách viết đúng hay sai. Và tôi đã tin những điều trong sách này.

Cuối năm lớp 9, chương trình môn Văn, học sinh được học tác phẩm Bão Biển của Chu Văn. Tác phẩm lại dựng lên hình ảnh các linh mục, tu sĩ là những người có tâm hồn dị dạng, lạnh lùng và thâm độc, còn giáo dân là những người nhà quê ii1t học rất dễ sai khiến “bảo sao nghe vậy”, mở miệng ra là cứ kêu lên câu “Giê-su-ma.”Những người Công giáo ở quê tôi sống biệt lập, các sinh hoạt tôn giáo tách khỏi đời sống dân cư. Người không Công giáo khinh thường người Công giáo là không khoa học, mê tín, quái đản; còn người Công giáo khinh khỉnh với người không Công giáo là một lũ vô thần, không có linh hồn đáng tởm.

Có câu chuyện được kể truyền miệng như vầy: Đứa trẻ Công giáo nói: “Chúa ở khắp mọi nơi”. Đứa không Công giáo hỏi vặn lại: “Chúa ở khắp mọi nơi. Vậy Chúa của mầy có ở dưới gầm giường không?”. Vậy là nhảy xổ vào đánh nhau chí chóe. Lũ trẻ con cứ vậy mà hầm hè nhau suốt.

“Vật chất là nguồn gốc của ý thức”, đứa trẻ nào đi học cũng được nhà trường nhồi nhét như thế cả. Suốt một thời gian dài, tôi đã cho rằng khoa học mới là thứ đáng tôn thờ.

Khỏang năm 1998-1999, đơn vị tôi nhận điều tra vụ án “Truyền đạo trái phép” do nhóm các đệ tử của bà Thanh Hải Vô Thượng Sư thực hiện. Lúc này, tôi đang công tác tại Cơ Quan An Ninh Điều Tra Công An tỉnh Bạc Liêu. Có khoảng 7 người bị bắt giam, và chúng tôi có nhiệm vụ phải hỏi cung, ghi lời khai, lập hồ sơ đề nghị truy tố những người ấy ra Tòa. Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ rằng họ là những kẻ kém văn hóa, cuồng tín và bị người khác dụ dỗ trục lợi. Nhưng khi tiếp xúc, làm việc với họ, tôi bỗng nhận ra một điều: Trong khi các cán bộ điều tra bực tức,nóng nảy gọi họ là “những kẻ cuồng tín ngoan cố” thì các bị can lại bình thản, an nhiên, vui vẻ vì có thể…hy sinh thân mình làm sáng danh đạo của họ.

Thời đó, “án tại hồ sơ” được coi là chuyện bình thường. Về mặt quản lý nhà nước, có thể coi như chúng tôi là người có quyền quyết định số phận của họ, chúng tôi đứng trên họ, án tù của họ bị tuyên dài hay ngắn phụ thuộc vào hồ sơ điều tra của chúng tôi. Tuy nhiên, họ không khúm núm, van xin chúng tôi như những kẻ trộm cắp, cướp giật hay buôn bán phụ nữ…mà tôi đã từng làm việc. Tôi bỗng nhận ra một điều, tôi là kẻ chiến bại chứ không phải các bị can đang ngồi trước mặt tôi. Tôi cảm thấy mình thất bại thê thảm vì tôi không thể đem cái kiến thức khoa học lẫn pháp luật (mà tôi vốn vẫn tự hào hơn hẳn người đồng sự) thuyết phục họ chấp nhận rằng họ mê tín vớ vẩn. Tôi thua họ vì họ thản nhiên, tự hào, vui vẻ chấp nhận “cái gông” chúng tôi tròng vào cổ họ. Bởi đâu mà họ có được sức mạnh đó? Phải chăng là niềm tin mãnh liệt vào cái tôn giáo của họ?

Thời gian trôi đi, tôi chuyển ngành làm công tác quản lý du lịch thì chuyện vụ án Thanh Hải Vô Thượng Sư kia tôi cũng quên lãng. Nhưng cũng chính thời gian làm quản lý du lịch, phải tự học những tài liệu khoa học về di tích lịch sử, các cơ sở thờ tự đền chùa, miếu mạo, nhà thờ, văn hóa tín ngưỡng…để làm hướng dẫn viên chuyên dẫn các đoàn khách báo chí, cán bộ nơi khác đến tham quan thì tôi lại có dịp quay về tìm hiểu sâu hơn về thế giới tâm linh của con người.

Không biết từ bao giờ, các cơ quan nhà nước tỉnh tôi có tâm lý ngán ngại cảnh báo chí, và các đoàn cán bộ ở trên xuống, nói chuyện với báo chí sợ họ “bắt giò” đưa lên báo. Sếp bự nhất cơ quan tôi (xin nói rõ ông nầy là một người tốt) nói rằng tôi có trình độ pháp luật lẫn chính trị, đi với cánh báo chí đỡ “nói hớ” nên không phải lo “cơ quan ta” bị “vạch áo trên báo”. Âu cũng là một chữ “duyên”.

Mấy năm sau, sự kiện giáo dân Hà Nội cầu nguyện suốt 9 tháng trời ở khu đất Tòa Khâm sứ làm cho những ai thờ ơ nhất cũng phải đặt câu hỏi: Những người cầu nguyện đó là ai? Cầu nguyện như thế nào? Cầu nguyện thì được cái gì và thiệt hại cái gì? Tại sao họ lại làm như vậy?…

Tự mình đặt câu hỏi, và tìm hiểu, tôi mới biết những giáo dân ấy không phải là các mụ nhà quê mê tín, dễ bảo như được mô tả trong “Bão Biển”, có rất nhiều người tham gia là thành phần trung lưu, trí thức. Họ im lặng và đọc kinh, hát thánh ca ở khu đất mà trước đây chính là “nhà của Chúa”. Tham gia cầu nguyện, họ bị mất thời gian, mất việc làm, mất thu nhập, đau ốm khi thời tiết bất lợi, và bị đánh đập dã man…chớ không hề được… lãnh lương. Cả một đám đông chấp nhận thiệt hại vật chất chỉ để bảo vệ điều mà họ cho là đúng, là bảo vệ công lý, bảo vệ tài sản hợp pháp của Giáo Hội. Chỉ có niềm tin, tình yêu thương trong sáng không vụ lợi mới đủ sức giữ chân từng ấy con người kiên nhẫn đem thân thể phàm tục của mình thi gan cùng mưa nắng.

Một người bạn của tôi ở nước ngoài nói: “Trong chữ nghĩa thánh hiền “đạo” tức là “đường” bất kể là Thiên Chúa giáo hay Phật giáo, Hồi giáo. Con người ai cũng phải đi theo một con đường nào đó, người không có đạo cũng như không đi theo con đường, tất đâm quàng vào bụi rậm”. Chân lý thực đơn giản, vậy mà phải mất mấy chục năm mới có người nói cho tôi nghe.

May mắn thay, sau đó Văn Phòng Luật Sư (VPLS) nơi tôi làm việc nhận bào chữa cho 8 giáo dân Thái Hà bị nhà cầm quyền Hà Nội truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Hủy hoại tài sản”. Cáo trạng buộc rằng các bị cáo đã “hành lễ trái phép”. Các bị cáo phản bác rằng họ chỉ “cầu nguyện” chớ không “hành lễ”. Lục tìm trong toàn bộ các văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành tôi không tìm thấy văn bản nào có khái niệm “cầu nguyện” và “hành lễ”, hình như chính những người thảo ra văn bản pháp luật cũng không phân biệt được hai khái niệm này. Tất nhiên muốn bác bỏ khái niệm của cáo trạng, tôi phải tìm hiểu sự khác biệt nhau giữa “cầu nguyện” và “hành lễ”, ai có quyền “cầu nguyện” và ai có quyền “hành Lễ”.

Trong đời tôi đã vài lần đến nhà thờ với tư cách bàng quan, dạo chơi theo đuôi người khác, khi cần thiết tôi lại không nhớ ra địa chỉ của nhà thờ ấy ở chỗ nào. Để làm sáng tỏ vấn đề, nơi tôi nghĩ đến trước nhất là nhà thờ Kỳ Đồng, vì có lần tôi thấy thông tin trên mạng nhà thờ nầy tổ chức hiệp thông cầu nguyện với giáo xứ Thái Hà. Một buổi sáng, lên mạng tìm địa chỉ xong, tôi dắt xe máy ra, từ Gò Vấp chạy đi một mach mờ ớ, không biết đường Kỳ Đồng nằm ở hướng nào, cứ thế đi đại tới thôi. Thấy người ta đi thì tôi đi, thấy người ta đứng thì tôi đứng, thấy người ta quẹo thì tôi quẹo, trong bụng nghĩ: “Chạy lộn thì chạy lại, lo gì, ngồi xe chớ có phải đi bộ đâu mà sợ mệt”. Không ngờ chạy bon bon một hồi, tôi bỗng thấy lù lù trước mặt mình cái bảng hiệu tên đường Kỳ Đồng và tấm bảng to tướng Giáo Xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp đập ngay vào mặt mình. Mừng quá, tôi bèn lùi ngay vào.

Sau vài lần tiếp xúc với các linh mục và được giảng giải tận tình, tôi thầm tiếc tại sao đến bây giờ tôi mới được biết những người này. Các linh mục, tu sĩ không có khả năng ban cho ai quyền lực, danh vọng, địa vị, tiền bạc… nhưng có thể rộng rãi ban phát cho những con người bất hạnh đang bị xã hội vô tình chà đạp những thứ mà có quyền lực, danh vọng, địa vị, tiền bạc cũng không thể mua được. Đó là tình thương và sư tôn trọng phẩm giá con người. Trong lúc cao hứng, tôi đã trình bày với quý Cha tôi muốn học giáo lý để theo Chúa Yêsu.

Ngày đầu tiên đi học giáo lý, sắp đến giờ học thì bỗng đổ trận mưa tối trời tối đất, làm tôi hết muốn đi học. Bệnh làm biếng nổi lên, nhưng đã lỡ nói là đi học rồi, mình là người lớn (chẳng những lớn mà còn hơi già nữa) nói không giữ lời thì kỳ lắm, ai còn coi mình ra gì, phải có “lý do chính đáng” để trốn học chớ. Tôi ra đứng ngoài sân ngước nhìn lên bầu trời u ám đang đổ nước xuống xối xả, chống nạnh hai quai nói to với lên: “Mưa gì mà vô duyên, bộ không biết bữa nay bản tại hạ đi học giáo lý sao? Đúng 4 giờ kém 10 mà không nắng thì nghỉ học”, rồi vô nhà ngồi xem ti-vi tiếp. Không ngờ, đúng 4 giờ kém 10 thì trời quang mây tạnh, nắng chói chang. “Ý trời! Hồi nãy nói chơi vậy, bộ “ở trên” nghe được hay sao dị? Sợ quá!” Bèn lếch thếch dắt xe ra đi học.

Có học rồi, tôi mới biết Tân Ước. Hóa ra ngoài phần Tin Mừng có có phần Công Vụ Tông Đồ và những cuốn khác, mà theo ý tôi thì các phần sau quan trọng chẳng kém gì phần trước, thậm chí nhờ phần sau mà đánh bại được cái kiểu suy diễn bậy bạ, vớ vẩn như kiểu quyển sách dịch tôi đọc hồi nhỏ. Một người có hơn 20 năm bị nhồi nhét vào đầu tư tưởng “chủ nghĩa duy vật biện chứng” tôn sung vật chất, quen với lập luận “Yêsu là kẻ lừa đảo” đâu dễ gì một sớm một chiều gột rửa cái tư tưởng ấy. Ngay cả Chúa Yêsu mà có xuất hiện trước mặt, có thể tôi cũng giống như ông Tôma, ccoi người như một kiểu David Copperfield (“ông vua” ảo thuật) mà thôi. Thánh Phaolô chứ không phải ai khác, là người làm thay đổi và rung động tâm hồn những kẻ cứng lòng không tin Chúa. Tôi “tâm phục khẩu phục” tin rằng Chúa Yêsu thật sáng suốt khi Người chọn ông Saolô (tức Phaolô) làm người truyền giáo cho mình.

Trong nhà sách Đức Mẹ (nhà thờ Kỳ Đồng), tôi thấy có bức tượng Thánh Phao lô cao chừng 1 mét. Tôi rất thich bức tượng này. Tượng khắc họa hình ảnh một người đàn ông nước ngoài đứng tuổi, dáng người ốm, gò má hơi cao, tóc đen quăn thả dài xuống vai, nét mặt khắc khổ, mình mặc y phục kiểu cổ La Mã thường thấy trong phim. Điểm nổi bật ở bức tượng này (và khác hoàn toàn với tất cả những bức tượng Thánh khác) là tay trái Thánh Phaolô cầm một thanh gươm tuốt trần, mũi gươm chúc xuống chân; tay phải nâng cao ngang ngực quyển Kinh Thánh đang mở ra. Tượng các Thánh tay cầm quyển Kinh Thánh là bình thường, chỉ duy nhất mỗi một mình tượng Thánh Phaolô là có kèm gươm thôi. Thanh gươm trong tay ông Pharisêu trẻ Saolô đã một thời, mỗi khi vung lên là con chiên của Chúa phải đầu rơi máu chảy, giờ đây nó đã chúc mũi xuống đất khi ông Saolô trở thành ông Phaolô dâng hiến cả cuộc đời cho mục đích vinh danh Thiên Chúa. Nhưng ông Phaolô vẫn giữ thanh gươm bên mình tượng trưng cho tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt đấu tranh và hy sinh cho sự nghiệp rao giảng Tin Mừng.

Cảm ơn hồng ân Chúa Yêsu, bằng những phép lạ gần như tình cờ, và thông qua hình ảnh Thánh Phaolô, đã đến và dẫn dắt tôi đến bên Người.

Tạ Phong Tần

(Trích sách “Hành Trình Đức Tin”, trang. 39-45 do Nguyễn Đức Tuyên thực hiện, phát hành 2014

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay