Có ít đồ ngon dâng người khác xơi

Có ít đồ ngon dâng người khác xơi

Đỗ Ngà

20-8-2022

Nếu anh là người tạo ra việc làm nhiều hơn số người trong dòng họ của anh, thì rõ ràng anh mang đẳng cấp doanh nhân. Và rất nhiều người sẽ xếp hàng chờ anh gật đầu để họ được vào làm việc để làm giàu cho anh. Còn nếu anh không kiếm nổi việc làm cho bản thân, thì anh mang bản chất của môt anh nhà nghèo. Đó là ranh giới phân biệt đẳng cấp của kẻ giàu và người nghèo.

Đối với Nhà nước cũng vậy, Nhà nước nào mà tạo ra số việc làm nhiều hơn nguồn lao động của quốc gia đang có thì đấy là đẳng cấp của một Chính quyền, Chính quyền ấy được sinh ra để làm giàu cho đất nước. Còn nếu Chính quyền nào để dân phải đi tản mát làm culi khắp thế giới thì đấy là bản chất của một Chính quyền ăn hại, Chính quyền này được sinh ra để làm nghèo đất nước. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Canada v.v… là những Nhà nước được sinh ra để làm cho quốc gia cường thịnh. Còn Chính quyền Cộng Sản Việt Nam là loại chính quyền được sinh ra để phá hoại đất nước.

 

 

Nhật, Hàn, Đài chủ yếu thiếu người cho việc làm nặng nhọc và rủi ro, nhưng Úc và Canada thì thiếu người cho cả những công việc cần được đào tạo với trình độ cao và họ có chính sách nhập cư cho những lao động như vậy. Đây là cơ hội lớn cho các du học sinh muốn “tị nạn kinh tế” sau khi đã “tị nạn giáo dục”.

Để được định cư theo diện đầu tư vào Úc hay Canada, thông thường nhà đầu tư phải mất từ 20 đến 50 tỷ đồng mà chưa chắc gì thành công. Cho nên, người ta dùng số tiền hàng triệu đô ấy đầu tư cho con cái đi du học rồi sau đó tìm kiếm cơ hội định cư là một giải pháp không tồi chút nào. Được làm công dân của Úc, Canada là một đặc ân cho cuộc đời của con người nên người ra không ngại đầu tư tiền lớn để có được nó.

Hiện nay trên các diễn đàn của các du học sinh, người ta tư vấn nhau về việc nên học ngành nào để có thể dễ dàng nộp hồ sơ xin visa định cư vào Úc, vào Canada. Điều này cho thấy, thị trường tị nạn kinh tế thông qua con đường du học đã hình thành từ lâu. Như nước chảy vào chỗ trũng, làn sóng di cư từ Việt Nam đến những quốc gia này là không thể ngăn được. Nó hình thành một cách tự nhiên vì sự khác biệt về xã hội, về mức sống, về môi trường v.v…

Với khoảng 2 tỷ đồng/năm, phụ huynh có thể đầu tư cho con học hết đại học mà chỉ mất có 8 tỷ đồng. Sau khi học, nếu có việc làm thì con cái của họ đã tự túc về tài chính và tự lo về thủ tục xin visa nhập cư. Như vậy, với khoảng 24 tỷ đồng (tương đương 1 triệu đô la) thì một gia đình có thể lo cho 3 đứa con đi du học nước ngoài và tìm kiếm cơ hội định cư sau đó.

Cách đầu tư du học cho con để tìm kiếm cơ hội định cư là cách đầu tư nhất cử lưỡng tiện, con cái vừa nhận được một nền tảng giáo dục chất lượng, vừa có cơ hội định cư một nơi đáng sống để thoát khỏi “địa ngục” đầy lừa lọc hại nhau như ở Việt Nam. Ở phía ngược lại, các quốc gia phát triển họ hút được nguồn lao động chất lượng đóng góp cho sự phát triển đất nước mà không phải tốn tiền đào tạo (tiền đào tạo do du học sinh tự trả).

Chính quyền Cộng sản đang bỏ phế giáo dục rất rõ ràng. Với ngân sách cho giáo dục chỉ bằng 1/14 ngân sách cho Công an thì đủ thấy chính quyền Cộng sản coi nhẹ việc trồng người như thế nào. Để có giáo dục tốt thì phải có triết lý giáo dục đúng, quản trị ngành tốt, và đầu tư ngân sách lớn. Thiếu một trong ba thì giáo dục đã là thất bại chứ đừng nói thiếu cả ba như nền giáo dục Việt Nam.

Nền giáo dục Việt Nam đang là đống đổ nát, nhân lực nó tạo ra đa phần là kém chất lượng, trong đó kém về tri thức và kém về phẩm chất con người. Trong số nhân lực nó tạo ra ấy, cũng có số ít có chất lượng. Số có chất lượng ấy, đa phần tìm cách này hay cách khác cống hiến cho đất nước khác để tìm kiếm cơ hội định cư. Phần còn lại là để dành cho đất nước.

Với bản chất công an trị, Chính quyền Cộng sản thà đem tiền đổ vào công an chứ không đầu tư giáo dục, thì mãi mãi không thể nào phá vỡ được thị trường tị nạn giáo dục như hiện nay. Còn Cộng sản thì còn hiện tượng đem chất xám “dâng hai tay” cho nước ngoài, vẫn cứ diễn ra ngày một nghiêm trọng mà thôi.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay