Vì sao cái ác hễ chiến thắng nơi đâu thì tồn tại mãi ở đó?
August 13, 2022
Vann Phan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Sự thể quân đội của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, sau khi chiếm đoạt rồi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Liên Bang Nga hồi năm 2014 mà thế giới đành bất lực đứng ngó, đã dẫn đến việc các lực lượng Nga ngày nay đang ngang nhiên giày xéo và hủy diệt từng phần đất nước Ukraine, bất chấp Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cùng với “loài người tiến bộ” trên thế giới lên tiếng phản ứng.
Người Duy Ngô Nhĩ tại Kashgar, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi phải đối mặt với những hạn chế về văn hóa và tôn giáo của chính phủ Trung Quốc. (Hình minh họa: Kevin Frayer/Getty Images)
Trong tình thế này, nếu một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Nga-Ukraine không đạt được thì hậu quả trông thấy sẽ là, cuối cùng, con gấu Nga sẽ nuốt chửng con cừu Ukraine dựa trên cán cân lực lượng quá chênh lệch giữa siêu cường quân sự Nga và quốc gia đang phát triển Ukraine, kẻ tuy thuộc dòng máu anh hùng cái thế nhưng lực lượng quân sự lại yếu kém hơn nhiều so với đối thủ.
Rồi chuyện nước Cộng Hòa Ukraine bị vĩnh viễn xóa sổ trên bản đồ thế giới, cũng giống như trường hợp của Tây Tạng, miền Nam Việt Nam – và kế tiếp có thể là Đài Loan – sẽ không còn là viễn tượng nữa mà sẽ trở thành sự thật. Và điều này có nghĩa là nếu, một lần nữa, phe Thiện lại để mất Ukraine vào tay phe Ác thì những quốc gia bị nước khác thôn tính đó sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được phục hồi sự sống.
Những chiến thắng liên tiếp của phe Ác trước phe Thiện
Lịch sử nhân loại từ sau Thế Chiến Thứ Hai cho đến nay đầy dẫy những chuyện cái Ác hễ đã chiến thắng ở đâu thì cứ tồn tại mãi nơi đó.
Tại Châu Á, các lực lượng Cộng Sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã đánh chiếm lục địa Trung Hoa khỏi tay chính quyền Trung Hoa Dân Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tưởng Giới Thạch, tổng thống, từ năm 1949 tới nay. Thấy thế giới chẳng có phản ứng gì nhằm ngăn cản hoặc trừng phạt chế độ độc tài, đảng trị của Cộng Sản Trung Quốc trong hành động đặt ách cai trị lên dân chúng tại lục địa Trung Hoa, Cộng Sản Trung Quốc bèn đem quân xâm chiếm luôn vùng Tây Tạng tự trị hồi năm 1950 và sáp nhập phần đất này vào Hoa Lục.
Bắc Kinh hiện cũng đang cai trị vùng lãnh thổ Tân Cương (Xinjiang), với đa số dân chúng theo Hồi Giáo, dưới bàn tay sắt, và đang thi hành chính sách đồng hóa tàn bạo, nếu không nói là diệt chủng, để trừ khử cho bằng hết người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) bản xứ. Hồi năm 1989, Cộng Sản Trung Quốc cũng đã dập tắt một cách tàn nhẫn các cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ của giới trẻ tại Hoa Lục, khiến cả ngàn sinh viên, học sinh tham gia biểu tình bị tàn sát dưới mắt xích của xe tăng Giải Phóng Quân Trung Hoa.
Chế độ Cộng Sản tại Bắc Hàn, do Trung Quốc thiết lập từ thời Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953) đến nay, dù là một chế độ độc tài, gia đình trị, đảng trị, tàn bạo, và không hề tôn trọng nhân quyền, vẫn tồn tại từ ngày đó đến giờ. Sự thật thì Bắc Hàn đang ngày càng hùng mạnh hơn về quân sự nhờ thủ đắc thêm võ khí nguyên tử, để trở thành mối hiểm nguy trực tiếp cho Nam Hàn, Nhật Bản và ngay cả cho Hoa Kỳ.
Chế độ Cộng Sản tại Cuba, chiếm quyền trên đảo quốc này từ năm 1959 cho tới nay, vẫn còn là một chế độ độc tài, độc đảng và vi phạm nhân quyền trầm trọng mà thế giới vẫn cứ phải để yên. Chế độ Cộng Sản Việt Nam, nắm quyền cai trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam sau khi đánh bại đối thủ là nước Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1975 đến nay, vẫn là một chế độ độc tài, đảng trị, hà khắc và đầy tham nhũng, khiến dân chúng Việt Nam chán ghét tới mức rủ nhau bỏ nước ra đi qua các cuộc vượt biển tìm tự do trong suốt hai thập niên 1970 và 1980.
Chế độ Hồi Giáo chính thống tại Iran, nắm quyền từ năm 1979 cho tới nay, cũng như chế độ xã hội chủ nghĩa của Hugo Chávez và Nicolás Maduro, cướp chính quyền từ 1999 tới nay, vẫn còn là những chế độ phi dân chủ và đàn áp nhân quyền bị dân chúng thù ghét mà thế giới đành bó tay và không có cách nào lật đổ được. Mới đây, nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran đã ra mặt ủng hộ ông Putin trong cuộc xâm lăng tàn bạo và diệt chủng của quân Nga tại Ukraine. Chế độ độc tài, tàn bạo của Bashar al-Assad tại Syria, được nước Nga của ông Putin hà hơi, tiếp sức, vẫn sống mãi với thời gian để cỡi đầu, cỡi cổ dân chúng Syria từ khi đảng Ba’ath lên cầm quyền hồi năm 2000 cho tới nay.
Islami Oikya Jote, một đảng chính trị Hồi Giáo ở Dhaka, Bangladesh, trong cuộc biểu tình vào ngày 4 Tháng Sáu, 2021, để phản đối Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và tưởng niệm 32 năm vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc. (Hình minh họa: Munir Uz Zaman/AFP via Getty Images)
Năm 2008, sáu năm trước khi nước Nga của ông Putin cướp lấy bán đảo Crimea khỏi tay Ukraine và hơn một thập niên trước khi nước Nga khởi sự cuộc chiến tranh diệt chủng và thôn tính nước Ukraine hiện nay, Moscow đã xúi giục người dân gốc Nga tại hai tỉnh Abkhazia và South Ossetia nổi lên tách ra khỏi nước Georgia và xin sáp nhập vào Liên Bang Nga. Các chế độ độc tài, đảng trị tại những quốc gia và vùng đất nói trên vẫ tồn tại mãi với thời gian sau khi giành được quyền cai trị.
Vì sao cái Ác hễ đã chiến thắng nơi đâu thì cứ tồn tại mãi ở đó?
Một khi đã bại trận và bị phe Ác thôn tính rồi, các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc phe Thiện chẳng bao giờ có khả năng khôi phục lại sự tồn tại hoặc vị thế cũ của mình trên trường quốc tế, cho dẫu phần còn lại của thế giới, được coi như thuộc phe Thiện, có đứng ngoài giậm chân thình thịch và la hét ỏm tỏi đến cách mấy đi nữa.
Các sự kiện sau đây có thể giải thích sự trường tồn của cái Ác trên những vùng đất và lãnh thổ mà họ từng chiếm được, đặc biệt là trong thế giới ngày nay:
1-Chủ nghĩa vật chất (materialism) ngự trị thế gian: Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, với sự phát triển vượt bực của khoa học và kỹ thuật cùng với sự giàu có gia tăng của con người và của những quốc gia, chủ nghĩa vật chất đã phát triển song hành và đang tìm cách thay thế hai chủ nghĩa Tư Bản và Cộng Sản từng đối đầu nhau quyết liệt. Dựa trên nguyên tắc bất hủ “Cái gì lúc đầu không mua được bằng tiền thì cuối cùng cũng sẽ mua được bằng rất nhiều tiền,” chủ nghĩa vật chất liền xông lên ngự trị khắp thế gian sau khi đã thay thế hầu hết các giá trị tâm linh và tinh thần của con người, từ tôn giáo cho tới đức tính quân tử và tinh thần hiệp sĩ mà mãi cho tới hạ bán thế kỷ trước vẫn còn thấy tồn tại đó đây. Chính cái chủ nghĩa đầy tính thực tiễn này đang hỗ trợ và củng cố hết sức đắc lực cho chiếc ngai vàng của phe Ác, đồng thời hà hơi, tiếp sức cho cái Ác ngự trị lâu dài trên cõi thế gian ngày càng gian manh và gian ác này.
2-Thế giới đang thiếu vắng những tay “sen đầm quốc tế” cỡ siêu cường Mỹ từ sau Thế Chiến Thứ Hai (1945) cho đến lúc cuộc Chiến Tranh Iraq kết thúc (2011). Lẽ ra, sau khi Hoa Kỳ thôi không chịu đứng ra làm tay “sen đầm quốc tế” nữa, vai trò này phải do một tổ chức quốc tế lớn rộng như Liên Hiệp Quốc đảm đương, nhưng vì tổ chức quốc tế này chỉ có tính cách hữu danh, vô thực nên nó không thể can thiệp để chận đứng những cuộc xâm lược của nước này chống nước kia, mà cụ thể là cuộc xâm lược của quân Nga vào đất nước Ukraine đang diễn tiến hiện nay.
3-Chủ nghĩa thỏa hiệp (compromise) làm suy yếu sức chiến đấu chống cái Ác: Chủ nghĩa thỏa hiệp, qua các thể thức như “cho đi, lấy lại” (“give and take”), “dung hòa” (“finding a middle ground”, và “đánh đổi” (“trade off”), làm các cá nhân cũng như các quốc gia không chịu kiên nhẫn theo đuổi cuộc chiến đấu chống cái Ác cho đến khi đạt được chiến thắng sau cùng, dẫn đến tình trạng cái Ác cứ tồn tại mãi.
4-Con người ngày càng ham sống, sợ chết: Lúc con người ngày càng giàu có và ngày càng ham hưởng thụ các khoái lạc vật chất như hiện nay thì họ lại càng ham sống (để hưởng thụ mãi) và sợ chết (do chết đi thì uổng quá chừng), dẫn đến tình trạng thiếu các tay Kinh Kha dám liều mạng sống để lao vào chỗ chết mà diệt trừ cái Ác.
5-Tinh thần “quân tử” và “hiệp sĩ” xưa nay không còn nữa: Muốn diệt cái Ác để giúp đời và giúp người, cần phải có tinh thần của người “quân tử” thời xưa và các “hiệp sĩ” thời Trung Cổ mới thúc giục con người chấp nhận hy sinh, gian khổ để cứu người và giúp đời trên bước đường trừ gian, diệt bạo.
6-Đường lối lãnh đạo tập thể cản trở hành đông quyết liệt: Thế giới ngày nay hầu hết theo đường lối lãnh đạo tập thể qua các chính quyền hoặc tự do, dân chủ hoặc độc tài, đảng trị, dẫn đến tình trạng thiếu các hành động quyết liệt để trừ gian, diệt bạo, tức là loại trừ cái Ác ra khỏi cộng đồng nhân loại, điều mà các vua chúa và các vị tướng quân thuở xưa vẫn một mình hoàn thành sứ mạng. Giới lãnh đạo tập thể thường hay bị trói tay trong tình huống cần phải hành động nhanh chóng và dứt khoát để loại trừ kẻ Ác.
7-Tâm lý “liệng chuột sợ bể đồ” hoặc “chén kiểu ngại đổi chén sành”: Chính tâm lý này của một số dân tộc đang giàu sang, phú quý và có mức sống cao đã khiến cho họ ngần ngại phải lao đầu vào những cuộc chiến tranh với các đối thủ so ra kém phần giàu sang hơn họ. Ngược lại, tâm lý “cùi không sợ lở” tại những nước chỉ mới đủ sức phát triển về quân sự chứ chưa thể trở nên giàu có về kinh tế (cỡ Bắc Hàn) dễ khiến cho họ liều lĩnh hơn, cương quyết hơn và hiếu chiến hơn trong nỗ lực gây hấn với các nước khác hoặc làm điều ác.
8-Mô thức “toàn cầu hóa kinh tế” hiện nay đã ràng buộc đời sống vật chất và mức phồn thịnh của nước này vào nước kia: Việc “toàn cầu hóa kinh tế” dẫn đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong các nỗ lực trừng phạt kinh tế, chứ đừng nói gì đến đánh nhau, của phe Thiện chống phe Ác, rồi lại vô tình giúp giữ nguyên hiện trạng Ác thắng Thiện khắp nơi. Công cuộc trả đũa và trừng phạt các chế độ tàn ác chuyên vi phạm nhân quyền hoặc xâm lấn các nước khác, trong đó có cuộc cấm vận của thế giới chống Nga hiện nay và nỗ lực trừng phạt kinh tế Trung Quốc của Hoa Kỳ trước đây, xem ra chẳng hề dễ dàng gì.
9-Sự thiếu kiên nhẫn của các quốc gia thuộc phe Thiện trong nỗ lực cô lập hóa nhằm trừng phạt các quốc gia thuộc phe Ác: Tình trạng này lại có tác dụng “nối giáo cho giặc” khi, rốt cuộc, lại giúp các nước thuộc phe Ác củng cố thêm vị thế của họ và kéo dài tuổi thọ của các hành vi xâm lược hoặc vi phạm nhân quyền. Khi Hoa Lục mới được phe Cộng Sản “giải phóng,” ngoại trừ Liên Xô và các chư hầu của họ, hầu như không có quốc gia Tây phương nào ngoài Anh công nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông cả. Ấy thế mà ngày nay, tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đều hớn hở và lấy làm vinh dự được thiết lập bang giao với Trung Quốc.
Cảnh một tòa nhà tại thị trấn Vasylkiv gần Kiev bị hỏa tiễn tàn phá trong cuộc tấn công của quân Nga vào Ukraine ngày 27 Tháng Hai, 2022. (Hình minh họa: Dimitar Dilkoff/AFP via Getty Images)
Sự thể này dẫn tới tình trạng đối thủ của cường quốc khổng lồ này, là Đài Loan, tuy được thế giới mặc nhiên công nhận là thuộc phe Thiện, ngày càng bị các nước trên thế giới về hùa với các nước khác mà cắt đứt quan hệ ngoại giao đang có đặng có thể công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Mỉa mai thay, chính siêu cường Hoa Kỳ, từng là kẻ tử thù của Mao Trạch Đông thời chiến tranh Quốc-Cộng trước và sau Thế Chiến Thứ Hai, đã gục ngã trước sức cám dỗ mê hồn của thị trường béo bở cả tỷ người tại Hoa Lục mà tham đó bỏ đăng, phản bội tình đồng minh thân thiết và lâu đời với Đài Loan mà đành đoạn đi công nhận Cộng Sản Trung Quốc.
Thay lời kết
Nghĩ cho cùng, chính lòng tham lam cộng với tâm lý nhà giàu ham sống, sợ chết của của con người thời đại đã dung dưỡng cho các chế độ tàn ác trên thế giới tồn tại qua thời gian, khác hẳn với ngày xưa, khi các cường quốc bạo ngược, cỡ Quốc Xã Đức, đã bị thế giới xúm lại đánh cho tan tác rồi diệt vong.
Phải chăng, trong các giai đoạn Bắc thuộc thời phong kiến Trung Quốc, và Pháp thuộc vào các thế kỷ 19 và 20, vì dân tộc Việt Nam còn nghèo và kém mở mang nên đã có thể sản sinh được nhiều vị anh hùng dân tộc biết hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để giải phóng đất nước Việt Nam khỏi ách nô lệ ngoại bang? Ngược lại, ngày nay, khi đời sống kinh tế của con người được cải thiện hơn và tâm lý ham sống, sợ chết ngày càng gia tăng, người ta chờ mãi vẫn chưa thấy vị anh hùng nào nổi lên giải phóng dân tộc mình khỏi xích xiềng Cộng Sản. (Vann Phan) [qd]