Vài suy nghĩ về ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
một chứng nhân cho đức tin tình yêu Thiên Chúa
và tinh thần khiêm tốn, phó thác
by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Vài suy nghĩ về ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: một chứng nhân cho đức tin, tình yêu Thiên Chúa và tinh thần khiêm tốn, phó thác.
(Radio Veritas Asia – 17/09/2002) – ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình qua đời lúc 18 giờ (giờ Roma) thứ hai ngày 16/09/2002, tại “Bệnh Viện Pio XI” ở Roma, trên đường Aurelia, sau bốn tháng điều trị, trước hết tại Bệnh viện Gemelli và sau đó Bệnh Viện Pio XI, nơi người qua đời.
Sau lễ Phục sinh năm 2001, ÐHY đã được giải phẫu tại Boston (Hoa kỳ). Cuộc giải phẫu lần thứ hai vào tháng 5 năm 2002, được làm tại Trung tâm ung thư quốc tế ở Milano, một trong bẩy trung tâm thời danh chuyên về ung thư trên thế giới: Milano, Lyon, Paris, London, Amsterdam, Washington và Tokyo. Sau hai cuộc giải phẫu, bệnh tình của ÐHY không khả quan hơn. Thực ra chứng ung thư của ngài có tính cách khác thường. Tại Ý cứ một triệu người mới có một người mắc chứng ung thư này. Tuy vậy, trên nguyên tắc, chứng ung thư nầy không phải là chứng bệnh không thể chữa được. Nhưng trong trường hợp của ÐHY, thì chứng bệnh ung thư, đã đi vào giai đoạn khó khăn. Vì thế, trong cuộc giải phẫu lần thứ hai tại Milano, nhóm bác sĩ không thể làm gì hơn. Trong những tháng điều trị tại hai bệnh viện ở Roma. Không bao giờ nghe ÐHY than phiền. Trong những lúc đau đớn, bác sĩ muốn cho thuốc làm dịu cơn đau, ngài không muốn, hay chỉ dùng một chút, để làm vui lòng bác sĩ mà thôi. Dù trong tình trạng yếu mệt, ngài không bao giờ từ chối các người đến viếng thăm. Ngài nhớ từng người và có lúc còn khôi hài, để làm cho các người viếng thăm lên tinh thần. Chỉ trong ít ngày trước khi qua đời, vì quá yếu sức, ngài mở mắt như chào các người viếng thăm, nhưng không nói gì nữa.
Nói đến đây, chúng tôi nhớ lời ngài thuật lại trong thời gian ở tù, như sau: “Nếu tôi đợi đến lúc được trả tự do mới làm việc, thì không biết chờ đợi đến bao giờ. Chúa cho mình ở trong tình trạng này, mình làm việc theo hoàn cảnh này”. Có thể trong những tháng trên giường bệnh, ÐHY cũng theo nguyên tắc như lúc ở trong tù: làm việc trong cơn bệnh và làm tông đồ, truyền giáo bằng đau khổ lại có giá trị và công hiệu lớn lao hơn nữa, vì được cộng tác với công việc cứu chuộc của Chúa Kitô trên Thánh giá. Những ai đọc các sách ngài viết, có thể hiểu ngài đã sống những điều ngài viết ra như thế nào. Ngài đã sống những điều ngài đã viết ra. Những người đã đọc sách của ngài và nghe ngài giảng đều công nhận ngài là chứng nhân của đức tin, của tình yêu và của tinh thần khiêm tốn, phú thác.
Chứng nhân của Ðức tin – ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận không phải đổ máu như nhiều vị tử đạo trong các thời kỳ bách hại, nhưng trong hơn 13 năm tù, ngài đã sống “Via Crucis” (chặng đường Thánh giá) của Chúa Giêsu. “Per Crucem ad Lucem”: qua đau khổ mới tới vinh quang.
ÐHY Phanxicô là chứng nhân của tình yêu. Trong những năm sống trong tù, ngài chỉ dùng tình yêu thương để chinh phục các người gây đau khổ cho ngài hoặc anh em công an canh giữ ngài. Trong những năm làm việc tại Roma, chúng tôi thường đến viếng thăm ngài, nhưng không bao giờ nghe ngài nói xấu ai, cả những người đã gây đau khổ, tù đầy cho ngài. Ngài không hở miệng chỉ trích Nhà Cầm quyền đã giam tù ngài. Ngài chỉ lấy đức ái đáp lại những lời chỉ trích, vu khống, theo gương Chúa Giêsu trên Thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là gương mẫu đức khiêm tốn, phú thác. Trong những năm ngài sống tại Roma, mọi người đều thấy rõ sự khiêm tốn của ngài, cách riêng các vị cộng tác của ngài tại Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Một vị cấp cao của cơ quan làm chứng rằng: “Ngài thật là người cha của riêng tôi và của tất cả chúng tôi”. Luôn luôn hiền từ, dịu dàng, nhã nhặn, khiêm tốn với người trên cũng như người dưới. Ân cần hỏi thăm, và hiểu biết từng nhân viên làm việc với mình.
Vì là chứng nhân của đức tin, của tình yêu thương, và khiêm tốn – phú thác, ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được mọi người mến phục, không phải chỉ các người thường dân, nhưng cả các vị cấp cao trong Giáo hội hoặc thuộc giới chính trị, trí thức, ngoại giao. Ngài đã được mời diễn thuyết tại Ðại học Nhà nước ở Roma hai lần. Vào các ngày Chúa nhật, ngài thường được mời đi giảng hay diễn thuyết nơi này, nơi kia, không những trong nước Ý, nhưng còn tại Pháp, Ðức, Thụy sĩ, Hoa kỳ. Ngài không đi nghỉ hè. Ngài dùng các ngày nghỉ để đi giảng hoặc diễn thuyết các nơi. Vì chứng tá đời sống của ngài, nhiều giám mục Ý và nước ngoài thường mời ngài giảng tuần tĩnh tâm cho các linh mục hoặc thanh niên. Trước khi đi Milano giải phẫu, theo lời thỉnh cầu của ÐHY Giovanni Battista Re, Tổng trưởng Bộ Giám mục, bạn thân của ngài, đã mời ngài đến Brescia giảng. ÐHY Camillo Ruini, Tổng đại diện Roma, thường mời ngài giảng tại Ðền thờ Thánh Gioan in Laterano cho nhóm nay, nhóm khác… Với sự khiêm tốn ngài trả lời: “Chúng con ở trong giáo phận Roma, con cái ÐHY. ÐHY dạy bảo gì con xin vâng như vậy”. Vì là một chứng tá sống động, ÐTC chỉ định ngài giảng Tuần tĩnh tâm của Giáo Triều, với sự hiện diện của ÐTC. ÐHY nhận với nhiều lo sợ. Trở lại nhà, ngài chạy vào nhà nguyện quì gối cầu nguyện: “Lạy Chúa xin dạy con phải nói gì”. Ðơn sơ, khiêm tốn, phú thác: đây là tinh thần của ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài qua đi, nhưng sách vở và nhất là chứng tá đời sống của ngài sẽ không qua đi.
Vài nét chấm phá về Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận: xem thêm
Bài vở liên quan đến Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận xem thêm