SỨC MẠNH CỦA CHỦ NGHĨA NGU DÂN – Nhà văn Dương Thu Hương.

TrongDe Ho

SỨC MẠNH CỦA CHỦ NGHĨA NGU DÂN

Nhà văn Dương Thu Hương.

Một lần, một nhà văn Pháp hỏi tôi:

– Cái gì tạo nên sức mạnh của chúng mày trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ?

Tôi đáp:

– Một nửa là thói quen của hàng ngàn năm chống xâm lược. Nửa kia là sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân.

Anh bạn chưng hửng:

– Mày không đùa đấy chứ? Ai có thể tin nổi một thứ lý thuyết quái gở như thế.

Tôi cười:

– Rất nhiều thứ quái gở ở phương Tây lại là sự thực đơn giản ở phương Đông. Và ngược lại.

Bây giờ, tôi xin giải thích “thứ lý thuyết quái gở” này.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ được đảng cộng sản phát động với lời tuyên bố: Đánh đuổi quân xâm lược Mỹ.

Năm 1964, tôi mười bẩy tuổi. Vào tuổi ấy, tất thảy thanh niên ở miền Bắc không có quyền nghe đài nước ngoài, không có ti-vi, không có máy quay đĩa, không có bất cứ nguồn thông tin nào ngoài báo chí cộng sản và đài phát thanh trung ương. Lần đầu tiên, tôi được nghe những bài hát nước ngoài là năm tôi mười sáu tuổi. Mùa hè năm 1963, anh họ tôi là phiên dịch tiếng Nga dẫn tôi cùng đứa em trai đến nhà ông chuyên gia mỏ thiếc Tĩnh Túc ở Hà Nội. Ông bà ấy đón tiếp rất tử tế, ngoài việc chiêu đãi bánh ngọt và nước trà chanh, còn mở máy quay đĩa cho chúng tôi nghe. Cảm giác của tôi lúc đó là choáng váng, như muốn chết. Đó là cảm giác thật sự khi con người lạc vào một thế giới mà họ vừa cảm thấy ngây ngất vừa cảm thấy như ngạt thở. Đĩa nhạc đó là của Roberto… (không nhớ họ), một giọng ca Ý tuyệt diệu nhưng chết trẻ. Những bài hát tôi nghe là các bài nổi tiếng cổ truyền: Ave Maria, Santa Lucia, Paloma, Sérénade, Histoire d’amour, Besame Mucho…

Ra khỏi cửa nhà ông chuyên gia Nga nọ, tôi bước đi loạng choạng. Lần đầu tiên, tôi hiểu rằng cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống của những kẻ bị nhốt dưới hầm. Những bài hát kia là một thứ ánh sáng mà lần đầu tiên tôi được thấy. Ánh sáng đó rọi từ một thế giới khác, hoàn toàn ở bên ngoài chúng tôi. Kể lại chuyện này, để hậu thế nhớ rằng, thời đại của chúng tôi là thời đại của một thứ chủ nghĩa ngu dân triệt để. Một thứ chủ nghĩa ngu dân tàn bạo, nó buộc con người sống như bầy súc vật trong một hàng rào được xây nên bằng đói khát, hà hiếp và tối tăm.

Khi con người bị điều khiển cùng một lần bằng tiếng gào réo của dạ dầy và cái bỏng rát của roi vọt thì họ không thể là người theo nghĩa thực sự. Chủ nghĩa ngu dân là thứ lá chắn mắt ngựa, để con vật chỉ được quyền chạy theo chiều mà ông chủ ra lệnh. Khi tất cả những con ngựa đều chạy theo một hướng, ắt chúng tạo ra sức mạnh của “bầy chiến mã”, nhất là khi, trong máu chúng đã cấy sẵn chất kích thích cổ truyền “chống xâm lăng”.

Với lũ trẻ là chúng tôi thời ấy, danh từ Xâm lăng dùng để chỉ: quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh, và bây giờ là quân Mỹ. Danh từ ấy đồng nghĩa với Tô Định, Mã Viện, Thoát Hoan… Tóm lại, Mỹ là lũ giặc phương Bắc nhưng mũi lõ, mắt xanh, tóc vàng.

Ngôn ngữ vốn là một nhà tù, mà chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin khác, các ngôn ngữ khác, nên hiển nhiên chúng tôi là đám tù binh ngoan ngoãn sống trong nhà tù ấy, đinh ninh rằng mình ra đi là để bảo vệ non sông.

Bởi vì, tổ tiên chúng tôi đã quen chết hàng ngàn năm để chống lại những kẻ thù mạnh hơn họ bội phần, chúng tôi cũng sẵn sàng ra chiến trường chống quân xâm lược Mỹ theo đúng cách thức ấy.

Đó là lý do tôi nói, “sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân”.

Fb Vũ Tuân

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay