TỪ VỤ KITTEST VIỆT Á, SOI VÀO GỐC VẤN ĐỀ -Chu Mộng Long

Lê Vi

TỪ VỤ KITTEST VIỆT Á, SOI VÀO GỐC VẤN ĐỀ

Chu Mộng Long

Khi Bộ Công an khởi tố vụ án Kittest Việt Á, tôi chỉ hình dung, nhiều lắm thì tóm vài nhân vật điển hình. Nay vụ án lan rộng đến hầu hết các tỉnh thành. Cứ đà này, không chừng phải có nhà tù riêng cho vụ án?

Nhiều người hả hê, riêng cá nhân tôi thật sự đau buồn. Không phải cái đau buồn do “tính nhân văn” hay sự đau xót cho nhiều “tinh hoa” bị nướng trong lò. Tôi đau buồn vì có truy quét hết 64 tỉnh thành liên quan đến Việt Á cũng chưa phải là nhổ tận gốc cái mầm cặn bã trong tinh thần của những kẻ đã quen “ăn không chừa thứ gì”, theo lời bà Phó chủ tịch Doan.

  1. Tôi bắt đầu bằng câu chuyện thật. Tất nhiên, mọi chuyện thật có ý nghĩa phổ quát đều có tính ngụ ngôn. Thời tôi học cấp 2, một lần đi học về ngang qua một ngõ ở một làng nọ, bọn học trò chúng tôi hè nhau bắt một con gà và bị kiểm điểm đến mức suýt bị đuổi học. Đói, chúng tôi tham ăn là có. Thời đó, chỉ tưởng tượng ăn thịt gà đã thấy ngon. Nhưng chúng tôi không dám bắt khi thấy con gà đi lạc giữa đường. Chỉ khi thầy giáo đi cùng đường thách: “Tụi mày bắt được con gà này mới giỏi. Bắt được đem về nhà tao, tao cho nhậu một bữa!” Thầy mà bảo như ra lệnh, mẹ nó, sợ gì không bắt? Thế là chúng tôi ném sách vở sang vệ đường, và hò nhau bắt. Nhưng khi vừa tóm được con gà thì chủ nhân xuất hiện và tóm chúng tôi. Bất ngờ, thầy giáo mắng chúng tôi và đưa chúng tôi về trường kiểm điểm. Thế là có khai thầy giáo ra lệnh thì cũng chẳng ai tin…
  2. Bây giờ các bạn hình dung về vụ án Việt Á. Nếu không có ai đó hô hào, rằng trong đại dịch, so với toàn cầu, ta là hình mẫu chống dịch, là cường quốc kittest, là cường quốc vaccine thì đã không có dự án khoa học về kittest, về nghiên cứu vaccine. Lại có chỉ tiêu thúc bách, rằng phải kịp thời, khẩn trương, nếu không có sự thúc bách như vậy thì đã không có chuyện chỉ trong vòng mấy tháng, dự án đã phải nghiệm thu. Và lại, nếu không có danh hiệu, huân chương trao gấp gáp để cổ động, thì đã không có sự tự tin đến mức, không làm kịp, thậm chí không làm ra được thì làm giả để đối phó. Hậu quả là cứ nhập của người rồi biến thành của ta để ra sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Trong không khí bừng bừng của tinh thần diệt dịch, nếu có ý kiến hoài nghi thì có thể bị trấn áp, chụp mũ ngay lập tức. Vậy thì hậu quả tiếp theo, như cái đám trẻ con của chúng tôi trên kia, mẹ nó, sợ gì không thi đua tiêu thụ cho hết sản phẩm mà chủ trương đã đặt ra? Ăn hoa hồng chỉ là chuyện nhỏ, chuyện thường ngày, có xảy ra điều gì thì cái anh chủ trương, giống như anh thầy trên kia, gánh chịu trách nhiệm chứ?

Tôi đồng cảm sâu sắc với các cán bộ khi bị tóm đã bưng mặt khóc hu hu, vì cũng như khi tham gia bắt con gà, chúng tôi cũng từng bưng mặt khóc như vậy.

  1. Từ vụ Việt Á, tôi cứ hình dung có vô số Việt Á trong tất cả các ngành. Ở đây tôi chỉ dám nói về giáo dục, lĩnh vực mà tôi có 30 năm ở trong chăn. Tôi chỉ kể những sự vụ điển hình, còn lại các bạn tự suy rộng ra.

Không biết ở đâu ra có sự áp đặt công chức, viên chức, đặc biệt là giáo viên các cấp phải đạt chuẩn tiếng Anh? Sự đòi hỏi từ trên trời rơi xuống này thúc giục các trung tâm, các trường đại học ào ạt tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, không cần một lộ trình đào tạo, bồi dưỡng bài bản, bất chấp nhu cầu công việc và xã hội, hầu hết tất cả các công chức, viên chức, đặc biệt là giáo viên, có ngay chứng chỉ tiếng Anh theo yêu cầu để nộp vào hồ sơ. Trong khi, theo tôi biết, đa số một chữ tiếng Anh bẻ làm đôi cũng không biết. Thử tính toán số tiền thu được từ cách thi cử kiểu này là bao nhiêu so với phi vụ làm đề tài và chi hoa hồng của Việt Á?

Các loại đào tạo liên thông, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, kể cả các loại văn bằng chứng chỉ khác như Tin học, Chính trị, giữ, nâng hạng ngạch đều có tình trạng tương tự. Cứ trên hô với chủ trương và chỉ tiêu nào đó thì dưới ứng rất kịp thời, bất chấp chất lượng. Bằng cấp, chứng chỉ được sản xuất nhiều hơn giấy lộn nơi bãi rác. Tôi hình dung, hồ sơ về bằng cấp, chứng chỉ ở xứ này là một bãi rác khổng lồ gây ô nhiễm các công sở.

Sự vụ nổi bật gần đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương làm nghiên cứu sinh, ứng cử Phó giáo sư, Giáo sư, kể cả xếp hạng đại học, phải có bài báo quốc tế. Chuyện gì xảy ra khi có chủ trương này? Thì báo chí vừa phanh phui có hàng trăm bài báo đăng trên các Tạp chí giả mạo, viết thay, viết thuê bài báo đấy! Nhiều trường đại học trích quỹ thưởng hàng trăm triệu đồng cho những bài báo như vậy để cổ vũ… gian lận. Bây giờ sự vụ đổ vỡ, không thấy ai chịu trách nhiệm, trong khi trò gian lận này còn khủng hơn Việt Á.

Bộ Công an thử một lần sờ vào các công trình khoa học lưu trữ từ trung ương đến địa phương với hàng triệu công trình, số tiền chi hàng ngàn ngàn tỉ, xem tính chất khả thi đến đâu? Đó là tôi chưa nói đến các dự án cải cách giáo dục, gọi là cải cách nhưng hiệu quả thế nào so với số tiền chi hàng ngàn tỉ?

  1. Cần nhìn thẳng vào sự thật ở xứ này. Khi cái gì không thể làm được bằng năng lực thì đều có thể mua được bằng tiền. Các chủ trương, chỉ tiêu đưa ra bất chấp năng lực thực tế, bất chấp nhu cầu xã hội thì chỉ có thể đối phó gian dối. Giáo viên không có thời giờ học tiếng Anh, nhưng khi yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh thì họ chỉ có thể chạy chứng chỉ tiếng Anh. Nghiên cứu sinh, ứng cử viên Phó giáo sư, Giáo sư không có khả năng viết bài báo quốc tế, nhưng khi buộc phải có bài báo quốc tế thì họ chỉ có thể chạy bài báo quốc tế, hoặc làm giả…

Điều này đã thành hệ thống trong giáo dục. Trên sao thì dưới vậy. Chỉ tiêu 90, 99% học sinh khá và giỏi hay đậu tốt nghiệp, thì bằng mọi giá sẽ có ngay, bất chấp học sinh có năng lực thực hay chỉ là danh hiệu giả!

Người ta chỉ nhìn thấy cái lợi của thành tích để khoe như khoe hàng mã mà không thấy được tác hại chết người của cuộc chạy đua không phải bằng năng lực mà bằng tiền này. Khỏi cần phải nói lại, rằng bệnh thành tích kích thích sự hám danh, hám lợi trong tâm lý của dân, làm rối loạn và lũng đoạn xã hội của giới có tiền, có quyền. Ở đây, tôi gọi là “tác hại chết người” vì cái trò này từng gây chết người thật. Đọc tài liệu và nghe các nhân chứng kể về cải cách ruộng đất, chúng ta nhớ xem từng có bao nhiêu người chết oan vì chủ trương và chỉ tiêu đưa ra trong đấu tố địa chủ? Nhà người ta chỉ có con bò và vài sào ruộng công cũng xếp vào địa chủ cho đủ chỉ tiêu thì đúng là họ phải chết vì chỉ tiêu và thành tích!

Quay lại chuyện bắt gà thời trẻ con của chúng tôi. Người ta đã xử lý đám trẻ con của chúng tôi vì trực tiếp bắt con gà, trong khi ông thầy hô hào, xúi giục kia thì lại được xem là có công và khen thưởng. Cứ tình hình như vậy thì có tạo ra hàng triệu cái lò cũng không thể đốt hết được rác!

Chu Mộng Long

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay