Biden kêu gọi thông qua luật kiểm soát súng sau vụ thảm sát ở Texas

Biden kêu gọi thông qua luật kiểm soát súng sau vụ thảm sát ở Texas

May 25, 2022 

WASHINGTON, DC (NV) – Trở về sau chuyến thăm Châu Á vào hôm Thứ Ba, 24 Tháng Năm, Tổng Thống Joe Biden phát biểu về vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở Texas, đồng thời kêu gọi thông qua luật kiểm soát súng đạn để ứng phó với vấn nạn này, theo hãng thông tấn AP.

Chỉ một tiếng sau khi hạ cánh từ chuyến đi năm ngày và hay tin về vụ xả súng tại Texas trên chiếc Air Force One, ông Biden liền phát biểu về sự kiện đáng buồn tại phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc.

Tổng Thống Joe Biden phát biểu về vụ thảm sát ở Texas. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

“Khi nào thì chúng ta mới dám đứng lên chống nhóm vận động hành lang súng đạn?” ông Biden nói trong sự xúc động. “Vì sao chúng ta cho phép chuyện này tiếp diễn?”

Vị tổng thống Mỹ, thấu hiểu nỗi đau mất mát người thân khi hai người con của ông qua đời – tuy không phải do bạo lực súng đạn, bày tỏ sự cảm thông với những người sống sót và chia buồn với gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ thảm sát tại Texas.

“Mất đi một người con giống như mất đi một phần linh hồn,” Tổng Thống Biden chia sẻ.

Ông Biden kêu gọi toàn thể nước Mỹ cùng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời biến nỗi đau thành hành động để ngăn chặn bi kịch này tái diễn trong tương lai.

Trước khi trở về Washington, vị tổng thống đã nói chuyện với ông Greg Abbott, thống đốc Texas, và ngỏ ý giúp đỡ nếu tiểu bang này cần.

Tổng Thống Biden cũng ra lệnh treo cờ rủ cho tới buổi chiều tối Thứ Bảy để tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng.

Chính quyền thị trấn Uvalde, Texas, công bố có 21 người bị giết, gồm 19 học sinh và hai giáo viên. Kẻ nổ súng đã bị cảnh sát bắn chết.

Chỉ mới một tuần trước, một vụ nổ súng tại cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York, khiến 10 người da đen thiệt mạng.

Hai sự kiện xảy ra liên tiếp là lời cảnh tỉnh về nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ.

“Những vụ xả súng rất hiếm khi xảy ra tại các quốc gia khác,” ông Biden nhận xét rằng thù hận và vấn đề tâm lý tồn tại ở các quốc gia khác, nhưng chẳng có quốc gia đã phát triển nào có tần suất bạo lực súng đạn cao như Mỹ.

Tổng Thống Biden nhiều lần đề nghị thông qua lệnh cấm mua võ khí tấn công, đồng thời siết chặt quy định liên bang về kiểm tra lý lịch để tránh những người có vấn đề về tâm lý mua được vũ khí.

Một bé gái ngồi khóc ở nơi cung cấp dịch vụ tư vấn tinh thần tại Uvalde, Texas. (Hình: Allison Dinner/AFP via Getty Images)

Lời kêu gọi hành động của ông Biden được Phó Tổng Thống Kamala Harris và cựu Tổng Thống Barack Obama ủng hộ.

Tại một buổi gặp gỡ người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương nhằm chào mừng chuyến đi vừa qua của ông Biden, bà Harris tuyên bố: “Chúng ta phải có đủ dũng khí hành động để bảo đảm bi kịch này không bao giờ lặp lại.”

Ông Obama gửi lời chia buồn đến với các gia đình tại Uvalde, gợi nhắc lại vụ thảm sát trường Sandy Hook – sự kiện mà ông xem là thời khắc tăm tối nhất trong nhiệm kỳ của mình.

“Gần 10 năm sau sự kiện Sandy Hook – và chỉ mới 10 ngày sau vụ nổ súng tại Buffalo – quốc gia chúng ta vẫn không có hành động, không phải do sợ hãi, mà do các nhóm vận động hành lang súng đạn và một đảng phái chính trị không dám làm gì để ngăn chặn những thảm kịch này,” ông Obama tuyên bố.

Tại một buổi mít tinh mà ông Herschel Walker, ứng cử viên Thượng Viện Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, phần lớn người tham gia phản đối lời kêu gọi của Tổng Thống Biden, một bằng chứng về sự bất đồng quan điểm của người dân trong vấn đề súng đạn.

Khó có thể biết được liệu các sự kiện bạo lực gần đây có thay đổi quan điểm của mọi người về luật kiểm soát súng đạn hay không, do trước đây cũng có rất nhiều vụ nổ súng tàn bạo khác, như vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook Elementary School tại Newtown, Connecticut, vào năm 2012 khiến 26 người thiệt mạng, bao gồm 20 trẻ em.

Kể từ sau sự kiện trên, Quốc Hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua bất kỳ dự luật kiểm soát súng đạn do không đạt được sự đồng thuận lưỡng đãng.

Trải qua nhiều tháng, một dự luật về súng đạn được đa số các thượng nghị sĩ ủng hộ, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được 60 phiếu bầu và bị trì hoãn do thủ tục “filibuster” (câu giờ).

Tại nghị trường Thượng Viện hôm Thứ Ba, Thượng Nghị Sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut), từng là thành viên Hạ Viện khi vụ thảm sát Sandy Hook xảy ra, phê bình các thượng nghị sĩ khác rằng chỉ biết thờ ơ đứng nhìn mà không hành động, đồng thời tuyên bố ông sẽ tìm cách thuyết phục Thượng Nghị Sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) và Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) ủng hộ dự luật tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng.

Cũng trong tối hôm Thứ Ba, Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer, trưởng Khối Đa Số Thượng Viện, đã đề ra kế hoạch siết chặt quy định liên bang về kiểm tra lý lịch người mua súng trong hai dự luật vừa được Hạ Viện thông qua.

Hiện phía Thượng Viện chưa công bố khi nào hai dự luật này sẽ được bỏ phiếu. (V.Giang) [qd]

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay