Ngô Nhân Dụng
Ukraine với Nga cũng giống như Việt Nam đối với Trung Quốc. Trong thế kỷ đầu tiên sau khi người Việt tuyên bố độc lập (Ngô Quyền, 939), quân Trung Quốc cũng tính chiếm lại thuộc địa cũ nhiều lần.
Theo lời Tướng Kyrylo Budanov, chỉ huy trưởng Tình báo Quân đội Ukraine nói với nhật báo The Wall Street Journal thì cuộc chiến sẽ chỉ chấm dứt khi nào Ukraine tái lập lại biên thùy năm 1991, là năm Ukraine tuyên bố độc lập khi Liên Xô tan rã. Muốn vậy, quân Ukraine phải chiếm lại hết các vùng đất đã bị Nga cướp từ năm 2014, gồm bán đảo Crimea và hai “nước Cộng Hòa Nhân Dân” ly khai trong vùng Donbas ông Vladimir Putin đã công nhận.
Tướng Budanov hy vọng Ukraine được viện trợ thêm các hệ thống Himars có thể bắn nhiều hỏa tiễn đủ loại, cùng với trọng pháo tầm xa và máy bay chiến đấu, để đấu với quân Nga. Điều này không chắc chắn. Vì Mỹ và các nước NATO không muốn quân Ukraine dùng các vũ khí mới này đánh thẳng vào nước Nga; là cách duy nhất nếu muốn đạt được mục tiêu của ông Budanov. Hiện quân Nga đã thất bại phải rút lui, ngưng bao vây thành phố Kharkiv, rút quân về vùng Donbas. Theo ước tính của NATO, đến cuối tháng Ba, Nga đã mất 40,000 lính, bị thương, tử trận hoặc bị bắt. Nhưng ông Budanov biết Nga vẫn còn 93 tiểu đoàn chiến đấu, với khoảng 141,500 quân. Cuộc chiến có thể kéo dài cho đến khi ông Putin bị lật đổ.
Tướng Kyrylo Budanov, 36 tuổi là một trong những người quyết định chiến lược chống Nga của chính phủ Zelensky. Cơ quan tình báo GUR không những thâu lượm tin tức mà còn chỉ huy những toán biệt kích. Các điệp viên gài trong nước Nga theo dõi các hành động của ông Putin và giới lãnh đạo Nga. “Chúng tôi biết hết các kế hoạch của họ,” ông nói, “Putin đang lâm vào ngõ bí. Ông ta không thể thắng mà cũng không thể ngưng chiến.”
Sau khi thất bại không chiếm được thủ đô Kyiv và thành phố lớn thứ nhì Kharkiv, quân Nga tập trung vào việc bảo vệ các vùng đã chiếm được ở phía Đông và Nam Ukraine; chiếm thành phố Mariupol sau gần ba tháng vây hãm, nối liền được hai tỉnh ly khai với Crimea. Bộ trưởng quốc phòng Ukraine, ông Oleksii Reznikov nói với các đồng sự Âu châu rằng chiến cuộc đang bước vào giai đoạn cầm cự. Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài, củng cố các địa điểm họ đã chiếm gần đây như vùng Kherson và Zaporizhya.
Trong mặt trận cầm cự bây giờ, trọng pháo đóng vai trò quan trọng, thay cho chiến xa. Quân đội Ukraine đã bắt đầu sử dụng các đại pháo 155 ly do Mỹ viện trợ. Quân Nga cố gắng vây hãm các lực lượng Ukraine đang chiến đấu trong vùng Donbas nhưng có vẻ không thành công. Thành tích đáng kể nhất của quân đội Nga là vẫn chưa phải rút về nước. Nhưng họ còn đứng vững được bao lâu là điều không biết chắn.
Tình báo các nước Tây phương thấy dấu hiệu nhiều lính Nga đã từ chối chiến đấu, theo Eliot Cohen, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington. Nhiều binh sĩ đi trốn, hoặc tự ý rút lui khi đụng trận. Tình báo quân sự Mỹ thấy Nga không thể phối hợp các chiến binh mới được đưa từ miền Đông hoặc từ Chechnya qua Ukraine. Cuộc chiến sẽ đi đến tình trạng bất phân thắng bại “nếu quân Nga cố thủ và thêm quân tiếp viện bù vào số tổn thất đáng kể.” Nhưng quân đội Ukraine tận dụng khả năng di động và ưu thế chiến thuật, họ chủ động chọn khi nào thì tấn công địa điểm nào.
“Chiến tranh nhiều khi là một cuộc chạy đua coi bên nào kiệt sức trước. Mặc dù cả hai bên đều khốn khổ nhưng bên nào đứng vững được lâu thì sẽ thắng; như năm 1918” khi Đại chiến Thứ nhất kết thúc.”
Michael Clarke, cựu giám đốc Royal United Services Institute, ở London thấy quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ ($40 tỷ đô la) chứng tỏ Mỹ sẽ giúp Ukraine đến cùng. Quân Ukraine trong vùng Donbas có thể chịu đựng được các cuộc tấn công của quân Nga, và sẽ phản công với các vũ khí mạnh hơn. Quân Nga có thể cầm cự nếu được tăng viện từ 150 ngàn đến 180 ngàn người. Số quân này cần được huấn luyện, đến cuối năm mới có thể ra mặt trận. Cohen nhận xét: “Trên căn bản, ông Vladimir Putin đã thất bại.”
Ông Putin có thể dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật và vũ khí hóa học để thay đổi cuộc cờ hay không? Eliot Cohen nghĩ rằng nếu nhận được lệnh đó các tướng lãnh Nga sẽ cố tình trì hoãn. Muốn điều động vũ khí nguyên tử của Nga, cần ít nhất năm người đồng ý; chỉ một người cũng có thể ngăn cản.
Nhưng dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật rất khó vì quân Ukraine không tập trung đông đảo trên một trận địa nào; trong khi các vũ khí hóa học và nguyên tử sẽ làm cho quân đội cả hai bên bị hại. Rất khó điều khiển vũ khí hóa học để tránh không giết quân mình.
Nếu ông Putin dùng bom đạn nguyên tử và hóa học, Mỹ và NATO sẽ không trả đũa với các thứ tương tự. Nhưng họ sẽ tiếp viện Ukraine với các vũ khí mạnh hơn, cấm vận kinh tế nặng nề hơn. Họ sẽ dùng biện pháp “cấm máy bay” (no-fly zone), đưa phi cơ chiến đấu ngăn chặn không quân Nga. Hạm đội Nga ở Hắc Hải có thể bị tấn công. Đó là điều họ sẽ không ngần ngại sử dụng nếu ông Putin bước qua lằn ranh cấm.
Cứ như thế, cuộc chiến Ukraine sẽ giằng co, kéo dài, không bên nào có thể toàn thắng, trong một, hai năm tới.
Nhưng chính phủ Ukraine có theo đuổi cuộc chiến cho đến khi chiếm lại được toàn thể vùng Donbas và Crimea, như Tướng Kyrylo Budanov chủ trương hay không?
Tổng thống Volodomyr Zelensky có thể chấp nhận một thắng lợi tối thiểu, là thu hồi lại những phần lãnh thổ do Kyiv kiểm soát trước ngày 24 tháng Hai, ngày Putin tiến quân.
Các tướng lãnh như ông Budanov có thể phản đối. Họ sẽ phải đối diện với thực tế, là một cuộc hành quân tấn công sẽ khó khăn gấp bội so với công cuộc phòng thủ mà quân Ukraine đã thắng lợi. Trong những vùng ở Donbas và Crimea, quân Nga đã củng cố vị trí từ khi chiếm đóng năm 2014, việc tái chiếm sẽ khó khăn. Hơn nữa, các nước Âu châu có thể muốn giữ thể diện cho ông Putin, không muốn khuyến khích ông Zelensky đánh tới cùng. Họ mong chấm dứt chiến tranh, còn người Ukraine mới muốn chiến thắng!
Người ta có thể chờ ông Putin sẽ bị lật đổ, như có nhiều dấu hiệu bất mãn trong nội bộ. Tuần này, Mikhail Khodaryonok, một đại tá hồi hưu, đã lên đài truyền hình “Kênh Số Một” thú nhận rằng cuộc “hành quân đặc biệt” ở Ukraine càng ngày càng tệ hơn” trong khi các nước Tây phương gia tăng tiếp viện cho Kyiv. “Điều quan trọng nhất đối với chúng ta,” Khodaryonok nói, “là cố thủ trên mặt quân sự cũng như chính trị. Nếu thất bại, lịch sử sẽ phê phán nặng nề, và chúng ta không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra!”
Cũng trên “Kênh Số 1,” Igor Markov, một đại biểu quốc hội Ukraine theo Nga cũng thú nhận quân Nga có thể sẽ thất trận. “Chúng ta đang tranh đấu cho chính mạng sống của mình, và chỉ có một lựa chọn: Phải chiến thắng!” Markov lại nói tiếp, “Như tình hình hiện nay thì, tôi không biết làm thế nào để đạt mục đích đó.”
Số phận ông ông Vladimir Putin để cho dân Nga lo. Còn ông Volodomyr Zelensky, ông có thể học óc kiên nhẫn của người Việt Nam.
Ukraine với Nga cũng giống như Việt Nam đối với Trung Quốc. Trong thế kỷ đầu tiên sau khi người Việt tuyên bố độc lập (Ngô Quyền, 939), quân Trung Quốc cũng tính chiếm lại thuộc địa cũ nhiều lần. Năm 1076, quân nhà Tống tấn công, bị Lý Thường Kiệt chặn lại. Vua nhà Tống phải rút quân về sau khi thiệt hại quá nửa (phần lớn vì bệnh) nhưng vẫn chiếm đóng châu Quảng Nguyên (các vùng Cao Bằng, Lạng Sơn), đổi tên thành Thuận Châu. Không khác gì quân Nga đang chiếm Crimea và một phần vùng Donbas bây giờ, cũng đổi thành hai nước mới. Hai nước thương thượng, trao đổi tù binh, tặng quà qua lại, mãi đến năm 1084 nhà Tống mới trả lại châu Quảng Nguyên cho nước Đại Việt, sau chuyến đi ngoại giao của Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh, Binh bộ Thị Lang (tương đương với chức thứ trưởng bộ quốc phòng).
Chắc ông Volodomyr Zelensky sẽ không phải chờ lâu đến 8 năm mới lấy lại được vùng Donbas. Thế giới bây giờ thay đổi nhanh lắm!