DI NGÔN CỦA THÀY
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Di ngôn của Chúa không phức tạp dài dòng, chỉ vỏn vẹn mấy câu cốt lõi: Hãy giữ lời Thày. Hãy yêu mến nhau. Hãy an tâm, đừng xao xuyến. Những lời này đã đem lại sức mạnh và nghị lực thiêng liêng cho các môn đệ vào thời Giáo Hội sơ khai, cho các tín hữu suốt bề dày hai mươi thế kỷ và cho chúng ta hôm nay.
Chuẩn bị mừng lễ Thăng Thiên, Phụng vụ cho chúng ta nghe những lời tâm sự của Chúa Giêsu với các môn đệ vào cuối bữa tiệc ly. Đây là những di ngôn của một người Thày đối với các môn sinh, là những người từng bao năm gắn bó và chia sẻ ngọt bùi. Những lời này đã làm nên tôn chỉ cốt lõi của cộng đoàn tín hữu sau này. Di ngôn của Chúa không phức tạp dài dòng, chỉ vỏn vẹn mấy câu cốt lõi: Hãy giữ lời Thày. Hãy yêu mến nhau. Hãy an tâm, đừng xao xuyến. Những lời này đã đem lại sức mạnh và nghị lực thiêng liêng cho các môn đệ vào thời Giáo Hội sơ khai, cho các tín hữu suốt bề dày hai mươi thế kỷ và cho chúng ta hôm nay.
“Hãy giữ lời Thày!” Đây không phải là lần đầu tiên Chúa nói câu này. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là lời mời gọi thường xuyên trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Chúa đã so sánh ai nghe và tuân giữ Lời Chúa giống như xây nhà trên đá, luôn vững bền trước mọi phong ba bão táp của cuộc đời. Nhờ xây dựng đời mình trên Lời Chúa, mà các thánh đạt tới mức hoàn thiện ngay khi còn sống ở đời này. Lời Chúa vừa ngọt ngào ban niềm vui, nhưng Lời Chúa cũng như “thuốc đắng dã tật,” sửa phạt khi chúng ta lầm lỗi. Lời Chúa không để cho chúng ta ngủ yên trong vỏ bọc ích kỷ của cái tôi tầm thường nhỏ mọn, nhưng mở rộng tâm hồn để đến với tha nhân. Đức Maria là một mẫu gương cho chúng ta về việc tuân giữ Lời Chúa. Thánh Luca ghi lại, khi Mẹ chứng kiến vui buồn xảy đến với Đức Giêsu, Mẹ ghi nhớ và suy niệm trong lòng (x. Lc 2051). Giữ lời Thày là bằng chứng hùng hồn của tình yêu dành cho Thày.
“Hãy yêu mến nhau!” Yêu mến là cốt lõi giáo huấn Kitô giáo. Đây cũng là lời mời gọi thường xuyên của Chúa Giêsu. Có thể nói lời mời gọi yêu thương trải dài trên từng trang của Tin Mừng. Chúa Giêsu không chỉ kêu gọi suông, mà chính Người làm gương cho các môn đệ. Người đã rửa chân cho các ông vào cuối bữa tiệc ly. Đây vừa là cử chỉ yêu thương đối với các ông, vừa là một gương mẫu sống động để qua đó, Người khẳng định với các ông: yêu thương và phục vụ đi đôi với nhau. Ngay từ khi Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam chúng ta, những người lương dân chưa biết danh xưng của tôn giáo mới có nhiều người theo. Họ căn cứ vào những gì người Công giáo làm hằng ngày mà gọi Đạo Công giáo là “Đạo Yêu Thương.” Tiếc rằng trong cuộc sống hôm nay, hai từ yêu thương có nguy cơ trở thành câu khẩu hiệu và lý thuyết vô hồn. Đây đó tại một số nơi, trong các bài phát biểu, các bài viết, người ta nói đến yêu thương như một công thức, còn trong thực tế thì ngược lại. Tình trạng xung đột, chia rẽ và khép kín của một số cộng đoàn đã làm biến dạng hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô.
“Hãy an tâm, đừng xao xuyến!” Giữa bối cảnh xã hội đầy bất an hôm nay, lời khuyên hãy an tâm dễ bị hiểu như một sự trấn an giả tạo nhằm ru ngủ người nghe. Tuy vậy, nếu chúng ta có niềm xác tín nơi tình yêu của Chúa, tin Ngài là Đấng dẫn dắt cuộc đời chúng ta, thì làm sao chúng ta còn lo lắng buồn phiền. Bởi lẽ, lo lắng cũng không làm cho cuộc sống của chúng ta kéo dài thêm, dù chỉ một gang tay (x. Mt 6, 27). Nếu chúng ta có thể an tâm, là vì chúng ta có ơn Chúa Thánh Thần. Ngài luôn hoạt động trong Giáo Hội để hướng dẫn Giáo Hội trong cuộc lữ hành trần gian. Bài đọc I kể lại một biến cố quan trọng trong lịch sử, đó là Công đồng đầu tiên của Kitô giáo, được tổ chức tại Giêrusalem vào khoảng năm 46 sau Công nguyên. Các tông đồ đã ý thức trách nhiệm của mình trước những ý kiến dư luận trái ngược nhau về những thực hành trong Đạo Do Thái như cắt bì, ăn thịt cúng, tuân giữ Luật ông Môisen… “Văn kiện” đúc kết của Công đồng rất đơn sơ, nhưng nêu rõ “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…” Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần hướng dẫn suốt bề dày của lịch sử, giữa những thăng trầm thử thách. Cũng trong những di ngôn, Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” Chúa Thánh Thần vừa bảo trợ Giáo Hội, vừa soi sáng cho Giáo Hội nhớ lại giáo huấn của Chúa Giêsu, để luôn thực hành những gì Chúa đã chỉ dạy.
“Hãy giữ lời Thày. Hãy yêu mến nhau. Hãy an tâm, đừng xao xuyến.” Khi thực hiện những lời khuyên này, chúng ta cảm nhận sâu xa sự hiện diện của Chúa Giêsu, mặc dù Người đã về trời. Xác tín vào sự hiện diện và tình yêu thương của Chúa, tuy còn sống ở trần gian, chúng ta đã được hưởng hạnh phúc tương lai. Trong một thị kiến, Thánh Gioan tông đồ đã thấy những hình ảnh về Giêrusalem (Bài đọc II). Đây là một cách diễn tả hạnh phúc thiên đàng, ở đó, tình yêu, an bình và chân lý sẽ ngự trị. Không còn gian dối và mưu mô. Không còn những toan tính vụ lợi trần tục, nhưng tất cả đều được vinh quang Thiên Chúa bao trùm trong một nghi lễ phụng vụ thiên quốc, tràn đầy hạnh phúc và niềm vui.
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” Hãy nghe những lời tâm huyết của Chúa. Đó là di ngôn của người sắp đi xa. Yêu mến Thày là cội nguồn của bình an và là bảo đảm của hạnh phúc hôm nay cũng như suốt đời.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
From: Langthangchieutim