Luật sư bị hành hung, ai sẽ bảo vệ luật sư? (RFA)

Luật sư bị hành hung, ai sẽ bảo vệ luật sư?

Diễm Thi, RFA
2022.05.18

 

Chiếc cân biểu tượng cho công lý

AFP

04:50/08:39

Những năm qua, việc một số luật sư bị đối xử thô bạo, thậm chí bị hành hung tại tòa đã gây dư luận không tốt cho ngành tư pháp Việt Nam. Bởi lẽ, chức năng xã hội của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ. Nếu quyền và lợi ích hợp pháp khi hành nghề của luật sư mà không được bảo vệ, thậm chí bị xâm phạm thì làm sao quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ được bảo vệ?

Mới đây, Luật sư Lê Hoàng Tùng, Công ty Luật TNHH Everest, có đơn tố giác bị điều tra viên hành hung khi làm việc tại Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có công văn đề nghị Công an TP.HCM xem xét, xác minh và có biện pháp xử lý hành vi xâm phạm sức khỏe, thân thể và quyền hành nghề luật sư.

Trao đổi với RFA, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho hay:

“Dù muốn hay không thì phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản chính thức để gửi cho Ban Giám đốc Công an thành phố và Viện kiểm sát. Họ phải trả lời trước công luận để xử lý đúng quy định của pháp luật. Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì chúng tôi sẽ theo dõi và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư khi tham gia tố tụng. Cái này đã được Luật luật sư quy định. Luật sư người ta có quyền tham gia tố tụng, thực hiện các dịch vụ pháp lý, bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức cũng như quyền tự do dân chủ của công dân. Không ai được xâm phạm.

Ở đây thì tôi xác định đó là một cá nhân họ làm không đúng thôi, tức là nhiều khi là luật sư người ta nói cái gì đó rồi hai bên cự cãi và họ không kiểm chế được, không làm chủ được bản thân. Tôi thấy rằng cần phải được xử lý một cách nghiêm túc nếu có xảy sai phạm. Một người bình thường thôi là đã vi phạm rồi, tức là thân thể của một con người là bất khả xâm phạm trong quy định của hiến pháp.”

Bảo vệ quyền và lợi ích hành nghề hợp pháp của luật sư, bảo đảm hành nghề theo pháp luật của luật sư được cho là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tôi thấy rằng cần phải được xử lý một cách nghiêm túc nếu có xảy sai phạm. Một người bình thường thôi là đã vi phạm rồi, tức là thân thể của một con người là bất khả xâm phạm trong quy định của hiến pháp. – Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Câu chuyện Luật sư Lê Hoàng Tùng không phải là cá biệt. Vào tháng 11 năm 2015, hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị tám người bịt mặt bằng khẩu trang đánh đập, sau khi hai luật sư đến nhà bà Đỗ Thị Mai, mẹ của một người bị đánh chết tại Trại Tạm giam là Đỗ Đăng Dư, để tìm hiểu sự việc bà Mai cho biết bị Công an Hà Nội ép từ chối luật sư.

Tháng 11 năm 2021, Luật sư Ngô Anh Tuấn thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tố cáo việc ông bị lực lượng công an xã Thanh Khương, Bắc Ninh lăng mạ và xua đuổi khi tới làm việc cùng với thân chủ. Trên trang Facebook Tuan Ngo, ông viết: “Tôi sẽ giữ đúng bổn phận của người luật sư và phẩm giá của một luật sư đàng hoàng cho tới ngày cuối cùng, khi tôi còn giữ tấm thẻ luật sư trên tay. Mọi hành vi sai trái, xâm phạm quyền hành hợp pháp của tôi và đồng nghiệp, tôi sẽ sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng”.

Trước đó, hôm 14  tháng 11 năm 2019, Luật sư Nguyễn Duy Bình, người tham gia bào chữa trong vụ án vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải, đã bị một tốp cảnh sát bảo vệ “kẹp nách, bẻ tay, lôi ra” khỏi phòng xử án và sau đó bị “kẹp cổ, xốc nách, lôi lên xe” đưa về đồn công an phường Phước Tân (Thành phố. Nha Trang).

Luật sư Nguyễn Duy Bình bị lôi ra khỏi phòng xử án hôm 14 tháng 11 năm 2019. Photo: Viettan

Trò chuyện với RFA sáng 18 tháng 5 năm 2022, Luật sư Nguyễn Duy Bình cho hay, ông bị chính những người trong hệ thống tư pháp đối xử thô bạo ít nhất ba lần. Có lần còn bị công an lấy điện thoại rồi xóa hết dữ liệu lưu trữ của ông. Ông nêu nguyên nhân xảy ra những vụ hành hung, xúc phạm luật sư những năm qua:

“Nguyên nhân trước hết để xảy ra những vụ việc là do cái nền tố tụng của đất nước Việt Nam. Nhất là bên các cơ quan điều tra và một số điều tra viên có cái dấu hiệu lạm quyền cản trở việc hành nghề của luật sư. Khi các điều tra viên thấy các luật sư vào thì việc buộc tội sẽ khó hơn; khó chứng minh tội phạm hơn. Cũng có thể họ cho rằng luật sư sẽ tư vấn cho thân chủ của mình theo quy định của pháp luật để tạo cho thân chủ của mình sự vững tâm trả lời các câu hỏi, các vấn đề của cơ quan điều tra cho nên họ cố tình ngăn cản ngay từ đầu.

Tóm lại, cái mục đích của họ mà hay gây nên những vụ việc này, thứ nhất là họ không muốn luật sư tham gia để cho họ dễ làm. Từ ‘dễ làm’ nó có nhiều nghĩa cho nên thường thường họ rất ghét luật sư không muốn luật sư can thiệp vào. Trong hàng ngũ công an thì cũng có những người là trình độ văn hóa còn thấp và đạo đức còn kém cho nên họ thường hay sử dụng những hành vi côn đồ, vô pháp đó. Số mà hay hành hung hay giở những cái thủ đoạn bỉ ổi như vậy thì cũng ít thôi không phải là nhiều.”

Luật sư Nguyễn Duy Bình nói thêm, theo quy định của pháp luật, cảnh sát tư pháp có nghĩa vụ bảo vệ luật sư ở trụ sở tòa án; khi luật sư làm việc ở công an thì công an cũng có nghĩa vụ bảo vệ luật sư. Nói chung, khi luật sư làm việc ở bất cứ cơ quan nào của nhà nước thì cũng được lực lượng của cơ quan nhà nước bảo vệ. Tuy pháp luật quy định như vậy nhưng đôi khi, chính người tiến hành tố tụng, điều tra viên, công an viên lại sử dụng những hành vi có tính chất côn đồ với luật sư.

Nguyên nhân trước hết để xảy ra những vụ việc là do cái nền tố tụng của đất nước Việt Nam. Nhất là bên các cơ quan điều tra và một số điều tra viên có cái dấu hiệu lạm quyền cản trở việc hành nghề của luật sư. Khi các điều tra viên thấy các luật sư vào thì việc buộc tội sẽ khó hơn; khó chứng minh tội phạm hơn. – Luật sư Nguyễn Duy Bình

Theo nhận định của những người quan tâm, dường như các luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án chính trị, hoặc những vụ án được coi là “nhạy cảm” thường bị theo dõi và dễ bị hành hung hơn các luật sư khác.

Trong khi phiên tòa “Đồng Tâm” diễn ra, một số luật sư cho biết họ bị các đối tượng lạ mặt đeo bám trên đường về. Trong đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Nguyễn Văn Miếng và Luật sư Ngô Anh Tuấn bị công an xốc nách xô từ trên thềm xuống mấy bậc thang.

Bình luận về việc các luật sư bị đối xử thô bạo, Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu ý kiến của mình với RFA qua ứng dụng Facebook messenger sáng 18 tháng 5 năm 2022: 

“Tình trạng công an viên “giơ cao tay” hoặc “nhấc cao chân” để công dân “va” vào bị thương tích trở nên phổ biến trong xã hội. Điều đó làm méo mó đi mối quan hệ lành mạnh giữa “bạn dân” với người dân. Thậm chí, giới luật sư vốn hiểu biết luật pháp đôi khi cũng từng là nạn nhân của tình trạng này. 

Tôi nghĩ, giải pháp cho vấn đề là nên nhìn thẳng vào sự việc và gọi đúng tên hành vi trái pháp luật là hành hung trái phép công dân để có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật. Giải pháp này không chỉ là sự chế tài mà còn là cách răn đe, phòng ngừa tình trạng này tái diễn. Giúp lành mạnh hóa trở lại quan hệ giữa nhân viên công lực với người dân.” 

Ngoài những vụ luật sư bị hành hung, sách nhiễu khi tham gia bào chữa trong các vụ án dân sự, những luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án chính trị cũng cho biết họ phải đối mặt nhiều rào cản, đe dọa và có người bị tước thẻ hành nghề như Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên…

Trách nhiệm của luật sư là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, nhằm bảo vệ sự công minh của pháp luật. Luật sư được coi là tiêu chí đánh giá mức độ phát triển dân chủ của xã hội. Nếu luật sư không được bảo vệ pháp lý đúng mức thì niềm tin vào nhà nước pháp quyền của người dân có thể bị lung lay.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay