Trong bối cảnh toàn cầu hóa, trừng phạt kinh tế đã trở nên phổ biến hơn can thiệp quân sự

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, trừng phạt kinh tế đã trở nên phổ biến hơn can thiệp quân sự

Đăng ngày: 12/05/2022

Một người biểu tinh chống Nga cầm tấm biển ghi ‘loại Nga khỏi SWIFT’ tại Frankfurt am Main, Đức ngày 26/02/2022. AFP – YANN SCHREIBER

Phan Minh

 

Đã có 1.275 lệnh trừng phạt mới được ban hành, đặc biệt là việc loại trừ Nga khỏi hệ thống thông tin tài chính quốc tế (SWIFT). Đây là phản ứng của nhiều quốc gia trên thế giới trước việc tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận các nước cộng hòa ly khai Lugansk và Donetsk, và sau đó tiến hành cuộc xâm lược vũ trang Ukraina.

QUẢNG CÁO

Cuộc khủng hoảng hiện nay là một ví dụ điển hình về việc sử dụng cái được gọi là “địa kinh tế”. Trong chính sách đối ngoại, biện pháp này có thể được định nghĩa bằng việc sử dụng các công cụ kinh tế để tác động đến các mục tiêu chính trị của một quốc gia khác. 

Vào năm 1989, trong một bài báo dự báo về tương lai, chuyên gia về chiến lược quân sự người Mỹ Edward Luttwak đã dự đoán về việc phổ cập công cụ địa kinh tế. Theo ông, trong bối cảnh kép như việc toàn cầu hóa và Chiến tranh Lạnh kết thúc, cán cân quyền lực sẽ dựa vào kinh tế nhiều hơn là các phương tiện quân sự. 

Theodore Levitt, nhà kinh tế học tại Trường Kinh doanh Harvard, nơi ông là tổng biên tập của tạp chí trong 4 năm vào năm 1983 đã thông báo sự lên ngôi của “toàn cầu hóa”. Ông chỉ ra thực tế rằng các thị trường đang gia tăng sự kết nối với nhau trên quy mô toàn cầu. Hiện tượng này không hề suy yếu nếu dựa theo chỉ số KOF do một viện kinh tế Thụy Sĩ tạo ra, cường độ toàn cầu hóa các trao đổi thương mại và tài chính đã tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua. 

Đồng thời, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển ngoạn mục của các hình thức chiến tranh khác nhau. Trong khi xung đột giữa các quốc gia trở nên hiếm hoi hơn, thì nội trong một quốc gia, căng thẳng và xung đột đã tăng hơn gấp đôi. 

Vào năm 2020, chỉ có ba cuộc xung đột giữa các nước trên thế giới nhưng lại có khoảng 50 cuộc nội chiến. Trong đó có Syria, Ethiopia, Miến Điện và Mali. Ở tất cả các quốc gia này, Nhà nước đang phải vật lộn với các thành phần của xã hội dân sự chống lại nhau hoặc đối đầu với chính Nhà nước. Đây là một trong những dấu ấn của thời đại này : chiến tranh, từ lâu là một biểu hiện của (siêu) sức mạnh của các quốc gia, nhưng nay thường là dấu hiệu của sự sụp đổ của một quốc gia. 

Lợi ích kép 

Việc các xung đột giữa các quốc gia giảm không có nghĩa là các nước, đặc biệt là những quốc gia giàu nhất và quyền lực nhất đã từ bỏ việc bảo vệ hoặc áp đặt lợi ích của mình. Đơn giản là vì họ có xu hướng sử dụng các công cụ quyền lực khác, đỡ tốn kém hơn quân sự. 

Sự chuyển dịch từ địa chính trị quân sự sang địa kinh tế phần lớn bắt nguồn từ sự liên đới giữa các nước do toàn cầu hóa kinh tế tạo ra. Mặc dù địa chính trị truyền thống chưa biến mất, nhưng địa chính trị giờ đây dựa vào các vũ khí của thời đại này : dùng sắt thép (vũ khí) ít hơn tư bản (kinh tế), ít đại bác, nhưng nhiều trừng phạt. Theo Joseph Nye, một lý thuyết gia lỗi lạc của Mỹ về « sức mạnh », và thường được coi là đồng nghiệp bảo thủ hơn cả Samuel Huntington, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia có xu hướng thay thế các trừng phạt quân sự bằng trừng phạt kinh tế. 

Có hai lý do : Tương quan lực lượng trong địa kinh tế nhắm vào chính nền tảng của toàn cầu hóa, tức là việc tạo ra giá trị, mà không phá hủy vốn tư bản về lâu dài, các cơ sở hạ tầng, thành phố hoặc không trực tiếp giết hại nhân mạng như chiến tranh thông thường. 

Với việc áp dụng các trừng phạt, nguyên tắc trò chơi có tổng lớn hơn KHÔNG của toàn cầu hóa (tức các bên đều có lợi) trở thành trò chơi có tổng bằng KHÔNG (người thua kẻ thắng) : một khi áp dụng trừng phạt thì không phải tất cả mọi người đều có lợi. 

Kỷ nguyên trừng phạt mới 

Việc xem xét về định lượng và cấu trúc về bản chất của các biện pháp trừng phạt mà các nước áp dụng với nhau cho thấy tính chất của xung đột đã phát triển ở mức độ nào. Không chỉ số lượng các lệnh trừng phạt tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990, mà trên hết, bản chất của chúng đã thay đổi. 

Các trừng phạt truyền thống, chẳng hạn như việc cấm vận vũ khí hoặc thương mại, vẫn còn tồn tại cho đến nay. Thế nhưng, các trừng phạt liên quan trực tiếp đến sự phát triển của toàn cầu hóa về tài chính và việc di chuyển của con người đã phát triển mạnh. Hội nhập tài chính, theo dõi chặt chẽ hơn các khoản thanh toán, nguyên tắc ngoài lãnh thổ của luật pháp Mỹ gắn liền với việc sử dụng rộng rãi đồng đô la Mỹ, cũng như mong muốn sử dụng các trừng phạt nhắm vào các mục tiêu chọn lọc, các yếu tố này đã góp phần vào việc đa dạng hóa các công cụ trừng phạt địa kinh tế. 

Kỷ nguyên mới của các trừng phạt cũng liên quan đến các mục tiêu của chúng. Ngày nay, phần lớn các biện pháp trừng phạt là sáng kiến của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (EU), tức là những nước có khả năng mạnh mẽ trong thương lượng kinh tế. Các nước này thường hướng tới việc buộc tôn trọng các nguyên tắc nền tảng của họ ở nước ngoài như việc bảo vệ nhân quyền và bảo đảm pháp quyền. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào các trừng phạt cũng đạt được mục đích. Trung bình, các biện pháp trừng phạt chỉ thực sự thành công trong hơn một phần ba trường hợp. Vì vậy, trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, điều đáng lo là địa kinh tế có thể sẽ nhường chỗ cho địa chính trị cổ điển, đặc biệt nếu Nga cố gắng tăng cường hợp tác thương mại với các đối tác kinh tế vẫn giữ lập trường trung lập như Trung Quốc. Các đồng minh của Kiev đang tính đến việc hỗ trợ quân sự Ukraina lâu dài bằng việc cung cấp cho nước này các vũ khí hạng nặng. 

Cuối cùng, cần phải nhớ rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể sẽ không đạt được kết quả như mong đợi, trong khi lại gây ra những hậu quả khủng khiếp cho những người dân phải chịu đựng các biện pháp trừng phạt đó. Tác phẩm của nhà sử học Nicholas Mulder về Chiến tranh thế giới thứ nhất và các đế chế thuộc địa nhắc nhở mọi người về điều này.

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay