Ngày trở về của “người thua cuộc”- Cảm xúc 30 tháng 4- Lê Nguyễn.

Cảm xúc 30 tháng 4- Lê Nguyễn.

Ngày trở về của “người thua cuộc”

Người đàn ông râu tóc bạc phơ trong ảnh là Đại tá VNCH Nguyễn Công Vĩnh. 13 năm sau ngày chiến tranh kết thúc (1975-1988), ông từ trại cải tạo trở về theo chuyến xe lửa dừng lại ga Hòa Hưng, Sài Gòn.

Người vợ vẫn còn phảng phất nét xuân sắc một thời, duy chỉ có những chiếc răng đã rụng dần theo năm tháng chờ trông. Người con trai tóc ngã hoa râm đã nắm tay cha và khóc như một đứa trẻ. Nhiều người nhìn tấm ảnh này cũng đã khóc theo anh, như để chia sẻ nỗi đau ngút ngàn mà anh đã trải qua và niềm hạnh phúc mà gia đình anh đã tìm lại được sau những tháng năm đầy ác mộng. Dù sao “người thua cuộc” Nguyễn Công Vĩnh cũng còn có những năm tháng cuối đời được sống trong vòng tay thương yêu của gia đình. Nhiều người bạn tù của ông không có được diễm phúc này, họ vĩnh viễn gửi nắm xương tàn nơi đất lạ quê người như nhân vật trong bài thơ đầy cảm xúc dưới đây:

***

MẢ TÙ

Một đàn gọng vó chèo đò,

Dăm con nhái bén thập thò miệng hang.

Đầu thừa đuôi thẹo nghĩa trang,

Rào thưa nẻo tắt dọc ngang trâu bò.

Thanh minh còn thấy xanh ngô,

Mưa ngâu tháng bảy nhấp nhô nổi chìm.

Mộ phần chẳng thấy tuổi tên,

Dăm ba chữ số vạch trên ván thùng.

Hỏi “sao đắp chỉ lưng lưng”,

Rằng “nông choèn tiểu đất chừng ấy thôi”.

“Trẻ-già, trai-gái ngược xuôi ?”

“Đã nằm góc ấy chỉ người trại giam !”

Cỏ khâu ngoi nước úa tàn,

Kiếp người còn lại nhân gian chút này.

Chết rồi hết nợ sạch vay,

Nhúm xương tù tội biết ngày nào tha !

Sống thành nhân chết làm ma,

Ngậm ngùi kiếp nạn xót xa phận người.

Hương hoa – bẹ chuối thả trôi,

Biết rằng còn được luân hồi nữa chăng…

Nghĩa trang Phủ Lý, 2001

Thơ Nguyễn Thái Sơn

***

Đây có lẽ là một trong những bài thơ có tính nhân văn sâu sắc nhất về thân phận con người. Thật cảm kích khi lần đầu tiên có người thể hiện những cảm xúc tinh tế trước cảnh thê lương của ngôi mộ một người tù xa xứ, nép mình trong một góc nghĩa trang bị hoang phế giữa cái bộn bề của cuộc sống nhân gian, ngày Thanh minh tháng ba còn xanh mượt những hàng ngô mà tháng bảy đã nhấp nhô chìm nổi dưới những trận mưa rào.

Cỏ khâu ngoi nước úa tàn,

Kiếp người còn lại nhân gian chút này.

Chết rồi hết nợ sạch vay,

Nhúm xương tù tội biết ngày nào tha !

Người nghệ sĩ đáng trân trọng không phải là người chỉ biết ngẩng đầu lên, tụng ca ánh hào quang trên chiếc mũ triều thiên của đấng quân vương, mà là người biết cúi xuống, rung động và cảm thương từng số phận nghiệt ngã của những con người đã sống và chết đi trong sự lãng quên của người đời, như người tù nằm dưới ngôi mộ vô danh trong bài thơ này.

Càng cảm kích hơn khi chúng ta biết được rằng nhà thơ Nguyễn Thái Sơn từng là một bộ đội miền Bắc, cầm súng chiến đấu chống lại “bè lũ Mỹ-Ngụy” ở miền Nam. Tình cảm anh dành cho một “kẻ thù” cũ nay đã trở thành một nắm xương vô định thật đáng quý, nó nói lên một chuyển biến đáng mừng trong tâm thức những người Việt đã nhận chân được tính cách thiêng liêng của tình tự dân tộc, nghĩa đồng bào, vượt qua mọi giá trị phù phiếm khác của cuộc sống.

Quá khứ đau tủi của cả một dân tộc đã khép lại từ lâu, song nhiều vết thương vẫn chưa lành miệng. Chính vì thế, những cảm xúc chân thành của nhà thơ, dù rất đỗi bình thường, cũng có giá trị như một niềm an ủi tinh thần đáng quý đối với những “người thua cuộc” , nhất là vào mỗi 30 tháng tư hàng năm, khi âm vang “bài ca chiến thắng” cùng bao lời thóa mạ nổi lên như những nhát cứa vào lòng.

Con đường “hòa hợp hòa giải dân tộc” đích thực còn dài, lắm trắc trở, nhiều chông gai, đất nước vẫn còn cần rất nhiều những con người có tấm lòng nhân ái như Nguyễn Thái Sơn.

Bài của anh Lê Nguyễn.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay