Jackhammer Nguyễn
18-3-2022
Chuyện gì đang xảy ra ở Ukraine với đội quân của một cường quốc quân sự hàng thứ hai thế giới là nước Nga? Mà hơn nữa đây là hậu duệ của lực lượng Hồng quân vang bóng một thời, từng mang tiếng là đập tan quân đội phát xít Đức hồi thế chiến thứ hai!
Bài phân tích khá chi tiết của báo Financial Times về chiến thuật và vũ khí của hai đội quân, Nga và Ukraine, cho chúng ta biết thêm một số điều thú vị.
Các sư đoàn cơ giới Nga đầy sắt thép
Theo Financial Times, từ năm 2012, với dự án “cải tổ tận gốc”, quân đội Nga bắt đầu được tổ chức thành những sư đoàn chiến thuật trang bị xe cơ giới rất hùng hậu. Mục đích của việc tái cấu trúc này được nói là nhằm để vừa mềm dẻo, vừa có sức mạnh tấn công lớn. Theo giới tình báo phương Tây, hiện có đến 100/170 sư đoàn như vậy của Nga đang có mặt ở chiến trường Ukraine.
Mỗi sư đoàn như thế gồm 10 xe tăng hạng nặng, khoảng 10 giàn hỏa tiễn và đại pháo di động, hai giàn hỏa tiễn phòng không di động, ba xe cơ giới chở quân trang bị hỏa lực mạnh, một giàn phóng hỏa tiễn nhiều nòng, các đơn vị hỗ trợ bao gồm hỏa tiễn vác vai, súng cối, tác chiến điện tử, công binh, quân báo…
Mỗi sư đoàn có tới khoảng 75 xe cơ giới, nhưng lại chỉ có khoảng 200 quân đi kèm, làm cho các sư đoàn này dễ bị địch quân tấn công ở mạn sườn.
Quân Ukraine trang bị vũ khí di động phương Tây
Sau sự kiện Nga sát nhập Crimea của Ukraine vào năm 2014, quân đội nước này bắt đầu được phương Tây trang bị vũ khí và huấn luyện.
Trong những loại vũ khí này, nổi bật nhất là hai loại hỏa tiễn Javelin chống xe tăng và cơ giới nói chung, loại thứ hai là Stinger nhắm bắn trực thăng và các máy bay bay thấp.
Hỏa tiễn Javelin được thiết kế khá nhẹ để có thể di chuyển nhanh, và tương đối dễ sử dụng. Theo một số bản tin phương Tây, một người không biết gì về vũ khí có thể học sử dụng Javelin trong vòng 1 giờ. Hỏa tiễn này chụp hình mục tiêu, sau đó khi bay ra khỏi nòng sẽ tìm mục tiêu và ụp từ trên xuống. Điều này giúp cho Javelin rất có lợi thế khi tấn công vào tháp pháo của xe tăng Nga, nơi lớp vỏ thép mềm nhất. Hỏa tiễn này có đến hai ngòi nổ, cho nên nếu nó chạm vào phần thân của xe tăng Nga với các hộp thép nổ bảo vệ, thì ngòi nổ thứ hai sẽ làm nhiệm vụ phá hủy chiếc xe.
Loại hỏa tiễn thứ hai mà quân đội Ukraine được cung cấp là Stinger bắn máy bay thấp. Loại này là vũ khí cá nhân, nhẹ, đã thể hiện hiệu quả của nó trong cuộc chiến Afghanistan, khi các nhóm Mujaheedin bắn rơi rất nhiều máy bay và trực thăng Liên Xô.
Du kích quân Javelin
Quân đội Nga, theo tính toán ban đầu, dự định tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng, chiếm đóng ngay các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Kyiv nằm không xa biên giới với Belarus, đồng minh của Nga.
Các mũi tiến quân của họ tung ra dọc theo các xa lộ với các đoàn xe cơ giới dài hàng chục cây số. Như đã đề cập bên trên, các đoàn xe này hở mạn sườn, làm mồi cho các nhóm quân Ukraine.
Tên lửa Javelin của Mỹ viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống quân Nga. Nguồn: Sgt. Michael T. Crawford/ Quân đội Mỹ
Quân Nga thiếu cả chuẩn bị về hậu cần và bảo trì khí giới, theo các nhà phân tích quân sự phương Tây. Xe tăng dọc đường hết xăng, xích xe tăng bị sa lầy, các xe khác thì bánh xe cao su bị bể.
Sau vài ngày đầu của cuộc chiến, lực lượng phòng không Ukraine vẫn được bảo toàn, nhưng quan trọng hơn hết là người Ukraine thấy rằng dù đường sá có rộng đi nữa thì tốc độ tiến công của Nga vẫn lệ thuộc vào chiếc xe đi đầu, chỉ cần phá nó là xong. Điều thứ hai là quân Ukraine vẫn di chuyển qua các cánh rừng, làng mạc, thị trấn dễ dàng, từ đó họ tổ chức thành các nhóm nhỏ với Javelin và Stinger tấn công mạn sườn quân Nga.
Sau ba tuần lễ, quân đội Nga hùng mạnh không làm gì được quân đội Ukraine nhỏ hơn cả chục lần, tổn thất về nhân mạng đã lên tới khoảng 7000 người, theo các đánh giá thận trọng. Ngoài ra, hàng ngàn xe cơ giới của Nga bị phá hủy, hàng chục máy bay và trực thăng bị bắn hạ.
Hậu duệ Kim trướng Hãn quốc
Hình ảnh thê thảm của quân Nga ở Ukraine gợi cho tôi nhớ đến các đội kỵ binh Mông Cổ trên chiến trường Đại Việt, hơn 700 năm trước.
Theo sử sách ghi lại, các kỵ sĩ Mông Cổ sa lầy tại vùng chiêm lầy lội của nước Đại Việt ngày xưa, không khác gì xe tăng Nga rối tung dây xích trong các bãi bùn mùa xuân trên những cánh đồng ở Ukraine. Các đội quân Nga thiếu ăn, thiếu xăng dầu, cũng giống như các chiến binh Mông Cổ xưa không tìm được thức ăn vì người Việt tiêu thổ kháng chiến.
Nước Nga từng bị Mông Cổ thống trị đến 200 năm, dưới thời Kim trướng Hãn quốc (The Golden Horde). Viên tướng Nga làm bộ trưởng quốc phòng hiện nay là Shoigu, là một người thuộc dòng dõi Mông Cổ Tarta. Có điều là các thủ lĩnh Mông Cổ xưa như Bạt Đô, Mông Kha, Hốt Tất Liệt… không vướng vào những hợp đồng béo bở tân trang quân đội, cung cấp thức ăn cho binh lính, như ông tướng Nga – Mông Shoigu ngày nay.
Trong tất cả các quốc gia nằm ở lục địa Âu – Á ngày nay, không có nước nào xứng đáng là hậu duệ của Kim trướng Hãn quốc như nước Nga, ngay cả nước có tên là Mông Cổ.
Kim trướng Hãn quốc lụn bại vì lãnh thổ quá rộng lớn, vượt qua sức cai trị của mình. Nước Nga, Nga Sa hoàng, hay Nga Xô Viết ngày trước, và Nga Putin ngày nay, theo phân tích của Stephen Kotkin, một nhà nghiên cứu về nước Nga, là những đế quốc có tham vọng lớn hơn sức mình, vì thế mà sụp đổ.
Và cho đến tận hôm nay, năm 2022, đế quốc Nga của tổng thống Putin vẫn hãy còn là một đế quốc trung cổ với những tham vọng lãnh thổ lỗi thời.
Nước Nga Putin đang oằn mình dưới sự tấn công của các đế quốc hiện đại là Mỹ và phương Tây (phương Tây nhưng gồm cả các quốc gia phương Đông như Nhật Bản, Nam Hàn), nhưng không phải là xe thiết giáp hay hỏa tiễn, mà là kinh tế và tài chính.
Bên cạnh đó, thiết giáp Nga, đội kỵ binh thời hiện đại đang sa lầy bởi các du kích quân Javelin của Ukraine, đúng răm rắp lời khuyên của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ngày trước: Lấy đoản binh mà thắng trường trận.