Bộ Lạc Tà Ru A-20 – Tưởng Năng Tiến
Đất này chẳng có niềm vui
Ngày quệt mồ hôi, đêm chùi lệ ướt
Trại lính, trại tù người đi không ngớt
Người về thưa thớt dăm ba…
Mấy câu thơ trên được trích dẫn từ thi phẩm Đất Này của Nguyễn Chí Thiện, viết vào năm 1965. Gần chục năm sau, trong đám “người về thưa thớt dăm ba” đó, có Bùi Ngọc Tấn. Tác giả Chuyện Kể Năm 2000 (nxb Câu Lạc Bộ Tuổi Xanh, CA: 2000) xác nhận tình trạng “trại tù người đi không ngớt” bằng một câu văn rất ngắn: “Gặp ai, ở đâu hắn cũng tưởng như gặp lại bạn tù cũ.”
Thế nhỡ gặp lại đúng bạn tù cũ thật rồi sao?
Tay bắt, mặt mừng, bá vai, bá cổ … rồi kéo nhau vào quán (hay mời ngay bạn về nhà) tiếp đãi linh đình – cơm gà cá gỏi không thiếu món chi, ăn uống phủ phê, nhậu nhẹt linh đình – chăng?
Hổng dám “phủ phê” đâu. Ở Đất Này làm gì có mấy cái vụ “linh đình” như vậy:
Một buổi chiều, con Thương đi học về bảo hắn:
– Bố. Có ai hỏi bố ở dưới nhà ấy?
– Ai con?
– Con không biết, trông lạ…
Hắn xuống thang. Hai người quần nâu, áo nâu đứng dựa lưng vào tưởng chỗ bể nước. Quen quen. Đúng rồi. Min: toán chăn nuôi, người đã giũa răng cho hắn. Còn một anh nữa mặt loang, tay loang. Thấy hắn, cả hai cười rất tươi. Người mặt loang bảo:
– Anh không nhận ra em à?
Trời ơi. Thì ra là Dự. Dự có con chuột được đem xử án. Dự hay bắt tóp. Dự cũng đã được ra rồi. Dự bảo:
– Em bị cháy, bỏng.
Hắn mời hai người lên nhà, nhưng Dự lắc đầu:
– Thôi, chúng em đứng ở đây thôi. Hắn liếc nhanh vào cửa sổ của gia đình gần bể nước. Bọn hắn thì chẳng lẫn vào đâu được. Bây giờ bè bạn hắn rặt một loại như vậy… người ta còn dặn con, dặn vợ:“Cửa rả cẩn thận. Quần áo kéo vào đi…( Bùi N.T., s.đ.d, II, trang 13 – 20).
May mà thời thế không đứng mãi về phe những kẻ cầm quyền hà khắc nên dân làng Tà Ru (tù ra) giờ đây không còn bị thiên hạ xem thường là “rặt một loại như vậy” nữa. Phạm Thanh Nghiên, Việt Khang, CấnThị Thêu, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn … đều được thân bằng quyến thuộc (cùng hàng xóm, láng giềng) đón rước tưng bừng – ngay khi bước ra khỏi nhà giam – như những anh thư hoặc anh hùng thời đại.
Chả những thế, nhiều tù nhân– từ Trại Tù Trừng Giới A-20 – còn tiếp tục gắn bó chặt chẽ với nhau như những thành viên của một đại gia đình vậy. Họ nối kết và liên lạc qua một trang mạng (Quán Lá Của Trại Tù A20) có cả ngàn người, hiện đang sống ở khắp mọi nơi trên thế giới, tham dự thường xuyên.
A-20 Nguyễn Chí Thiệp, tác giả Trại Kiên Giam, mô tả: “Trại Xuân Phước là nơi tập trung thành phần chống đối của các trại cải tạo miền Nam, cũng là nơi tập trung của các người lãnh đạo các tổ chức phản động ở khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam, Nghĩa Bình chuyển vào, từ cao nguyên Ban Mê Thuột đến và cả những người ở tận Rạch Giá, Long Xuyên, Cần Thơ.”
A-20 Lê Hoàng Ân cho biết thêm: “Những anh em chúng ta không được coi như những con người nữa, mà chỉ được coi như những con vật, không hơn không kém. Chúng muốn để cho sống thì sống, chúng muốn giết thì chúng giết không nương tay. Vài mẩu khoai mì H.34, ít nước muối hay nước mắm ròi. Có nhà tù nào trên thế giới đối xử với tù nhân như vậy không?”
Dù vậy, đám tù nhân ở đây vẫn sống mãnh liệt từng ngày, từng giờ. Họ hành xử cứ như những nhân vật trong tiểu thuyết, hay phim ảnh vậy. A-20 Phạm Đức Nhì kể chuyện :
Ngày đầu tiên bị giải đến Trại Trừng Giới A20 Xuân Phước, tất cả chúng tôi – thành phần cứng đầu, khó cải tạo từ các trại – bị lùa vào hội trường để được dằn mặt và đưa vào khuôn phép.
Mở đầu là màn văn nghệ ca tụng đảng và nhà nước có tính cách bắt buộc. Cán bộ giáo dục yêu cầu một người tù trong chúng tôi ra bắt giọng cho mọi người hát một bản nhạc cách mạng để lấy khí thế. Hối thúc hoài cũng chẳng ai thèm ra.
Cuối cùng, khi hắn giở giọng đe dọa thì tôi nóng mặt đứng lên bắt nhịp cho anh em hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang. Được gãi đúng chỗ ngứa anh em hát muốn bể tung hội trường. Cán bộ giáo dục và ban thi đua ú ớ chẳng biết gì nên dù “ngờ ngợ có cái gì không ổn” cũng không làm chi được.
Tuy đây quả là một màn “ngoạn mục” nhưng vẫn chỉ là … chuyện nhỏ thôi, như nhiều chuyện nho nhỏ tương tự (tuyệt thực, chất vấn cán bộ quản giáo, trình diễn văn nghệ phản cách mạng ) đã xẩy ra không chỉ một lần, tại Thung Lũng Tử Thần – một tên gọi khác của trại Kiên Giam Xuân Phước.
Sự xuất hiện của tờ báo chui (underground press) Hợp Đoàn mới thực sự là vụ lớn, làm chấn động không chỉ Cục Quản Lý Trại Giam mà đến cả Bộ Công An nữa. Cái giá phải trả, tất nhiên, không rẻ. A-20 Nguyễn Thanh Khiết cảm thán :
Sáu năm biệt giam
ba muỗng nước, ba muỗng cơm
chưa lần lung lay ý chí
một đời anh – một đời sĩ khí
bước thấp, bước cao cắn nhục mà đi
ngọn bút hiên ngang
thay làn tên mũi đạn
giữa trại thù nét mực chưa phai
Những nhân vật tham gia báo Hợp Đoàn (A-20 Nguyễn Hùng Cương, A-20 Nguyễn Hữu Giao, A-20 Phạm Văn Hải, A-20 Trần Kim Hải, A-20 Trần Bửu Ngọc, A-20 Phạm Đức Nhì, A-20 Trần Danh San, A-20 Phạm Chí Thành, A-20 Nguyễn Chí Thiệp…) đều bị biệt giam, và chỉ được nhận được khẩu phần tiêu chuẩn (“ba muỗng nước, ba muỗng cơm”) mỗi ngày nhưng không ai ngã gục.
Theo A-20 Vũ Ánh [người khởi xướng vụ clandestine press (*) này] thì họ vẫn có thể sống sót không chỉ nhờ cái tâm thiền định, và ý chí mãnh liệt của chính bản thân mà còn nhờ vào tấm lòng quả cảm của nhiều bạn đồng tù nữa: “Nếu ở ngoài các bạn bè tâm phục không liều chết tổ chức cho một người liều chết leo qua bức tường cao 4 thước có kẽm gai trước họng thượng liên của vọng gác tiếp tế thuốc vitamin B-1 cho chúng ta, chắc chúng ta cũng không thể sống nổi.”
Sống chí tình với nhau đến thế nên không có gì ngạc nhiên khi những cựu tù nhân từ Trại Trừng Giới Xuân Phước đã hợp thành bộ lạc Tà Ru A-20. Họ tổ chức những cuộc họp mặt mà có người phải vượt nhiều ngàn dặm (hoặc cả một đại dương) chỉ để tay bắt, mặt mừng và hàn huyên với bạn tù ngày cũ.
Họ cũng tận tình chia sẻ với nhau những niềm vui bình dị khi con cháu thành hôn hay thành đạt. Đôi khi, họ còn tận tụy giúp đỡ lẫn nhau một cách thiết thực khi biết có kẻ lâm vào cảnh túng quẫn, giữa lúc nhà có việc và tang gia bối rối.
Họ là biểu trưng của một thứ hội ái hữu với tinh thần tương trợ cao đẹp nhất dù chỉ là những người đồng cảnh, chứ không phải là đồng hương/đồng môn hay đồng đội gì ráo trọi.
Tự thâm tâm – có lẽ – tất cả A-20 vẫn chưa bao giờ quên đại cuộc, cùng những hoài bão lớn lao khi tóc hãy còn xanh. Tuy thế, dòng đời (và tuổi đời) khiến tất cả đều nhận ra rằng cái cơ hội để có thể tham dự vào lịch sử của đất nước quê hương (vốn) rất hiếm hoi trong một kiếp nhân sinh. Chúng ta thường vẫn chỉ là nạn nhân, hay “những người cam chịu lịch sử” mà thôi, theo như cách nói của tù nhân Bùi Ngọc Tấn.
Tôi cũng là một người thuộc bộ tộc Tà Ru nhưng trong suốt thời gian bị giam giữ chưa hề dám có một hành động phản kháng nào ráo (ngoài những câu “phát biểu linh tinh” mà không quên dòm trước/ngó sau ) nên khi nhìn cách “cam chịu” của những anh hùng A-20 trong Trại Kiên Giam Xuân Phước (và những ân tình mà họ dành cho nhau sau đó) thì không khỏi sinh lòng kính trọng và vô cùng ngưỡng mộ.
Tưởng Năng Tiến
(*) Trong những trang sổ tay kế tiếp, chúng tôi hy vọng sẽ có thể viết thêm đôi điều về tờ báo Hợp Đoàn (và những người chủ xướng) cũng trên diễn đàn này.