VỀ CA KHÚC “GÁI XUÂN”

VỀ CA KHÚC “GÁI XUÂN”

Có thể nói nhạc xuân là một phần quan trọng của việc đón xuân. Nhất là đối với những kẻ tha hương. Ngày xưa, Tết đi đôi với mai vàng, pháo nổ, bánh chưng, hạt dưa, đánh bài, xông đất, hái lộc. Từ khi có cassette, rồi băng nhạc, rồi video, rồi CD, rồi DVD, thì nhạc – và nhạc xuân – đã đi vào từng ngõ ngách của đời sống.

Nghe nhạc xuân không giống như nghe nhạc tình hay nhạc êm dịu. Nhạc xuân không để nghe một mình. Nhạc xuân không để ru dỗ giấc ngủ. Nhạc xuân là cái gì chung, phải mở lớn ra cho mọi người cùng nghe. Đã thế, không phải là ngồi yên lặng mà phải vừa nghe vừa làm một cái gì đó. Chẳng hạn như nhậu, đánh bài, nấu nướng, cúng quẫy, trò chuyện râm ran về xuân hoặc dọn dẹp nhà cửa. Nhạc xuân có tính chất “hâm nóng” thêm không khí Tết. Nó lan tỏa mọi nơi, chan hòa.

Tuy nhiên, nhạc xuân từ sau năm 1975 rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ viết về xuân. Nhưng lại rất ít bài khi nghe mà lòng mình thấy nôn nao xuân về, mặc dù trong ca từ nhắc đến từ xuân rất nhiều, nhưng vẫn không thấy xuân… Đó là điều đáng buồn…

Và ngược lại hầu hết những ca khúc xuân đi vào lòng người yêu nhạc lại nằm ở thời điểm sáng tác trước năm 1975 rất bất hủ, mỗi khi nghe, lòng người thấy rộn ràng, tươi trẻ…mọi điều phiền muộn đều được cởi bỏ ra khỏi tâm hồn mình và có cảm giác như mùa xuân đang đến bên lưng….

Về ca khúc Gái Xuân

“Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần…”.

“Gái xuân” nay đã 69 tuổi. Nhưng sức hút của ca khúc này như cô gái tuổi “teen”, vẫn trẻ mãi không già, cho dù người thi sĩ sinh ra “cô” đã hóa thành người thiên cổ từ lâu, và người nhạc sĩ nuôi nấng/tô điểm cho “nàng” giờ đây đã bước sang tuổi 90. Có thể nói, trong danh mục bài hát Việt, nói về mùa xuân, ngày càng dài thêm, thì “Gái Xuân” vẫn là một trong những nhạc phẩm đặc sắc nhất.

Hát thì cứ hát, nghe thì cứ nghe, nhưng có mấy người biết “Gái Xuân” đã ra đời như thế nào? Phần lớn, người ta chỉ biết “Gái xuân” là một trong những bài thơ hay của thi sĩ Nguyễn Bính, được phổ nhạc một cách xuất thần. Nhưng ít ai biết, người đã thổi âm điệu cho hồn thơ đó bay cao chính là Từ Vũ.

Tên khai sinh của Từ Vũ là Trần Đỗ Lộc. Ông sinh năm 1932 tại Thường Tín, Hà Đông (nay là Hà Tây, Hà Nội). Năm 1950, ông theo gia đình vào Nam sinh sống.

Mùa xuân năm 1953, chàng trai Từ Vũ tròn 21 tuổi, sống kiếp tha phương giữa đất Sài Gòn hoa lệ, không có gia đình, người thân, bạn bè bên cạnh. Ông nằm trên gác trọ tìm quên nỗi buồn bằng sách báo cho vơi nỗi nhớ nhà. Bất chợt ông tìm thấy trong đống sách báo lộn xộn đó tập thơ “Mây Tần” của thi sĩ Nguyễn Bính. Khi đọc đến bài “Gái xuân”, một bài thơ rất ngắn, chỉ vỏn vẹn 2 khổ, 8 câu, ông đã rung động tận đáy lòng. Nhạc sĩ Từ Vũ nói: “Tôi không thể nén được cảm xúc khi đọc câu “Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”.

Đích thị đây phải là một cô gái Hà Đông, quê tôi. Bởi lẽ, không chỉ lụa Hà Đông đã nổi tiếng từ ngàn xưa trên đất Bắc, mà gái Hà Đông cũng nổi tiếng đẹp đẽ, ngoan hiền, dịu dàng như lụa. Chẳng kém cạnh gì những cô gái quan họ Bắc Ninh. Rồi thì “…Đôi tám xuân đi trên mái tóc/ Đêm xuân cô ngủ có buồn không?”. Thi sĩ Nguyễn Bính đã diễn tả tâm trạng cô gái quá tài tình. Tôi đọc đi, đọc lại bài thơ dăm ba lần là “ngấm” ngay vào máu, vào tim. Trong giây phút xuất thần, tôi viết ngay một mạch, không chỉnh sửa gì cả. Thế là thành nhạc phẩm “Gái xuân”. Ông quả quyết: “Mọi lãnh vực sáng tác, kể cả âm nhạc đều tùy vào “thần hứng”. Không phải lúc nào cái giây phút thăng hoa, khiến tâm hồn mình bay bổng cũng đến. Một đời, đôi khi “thần hứng” chỉ đến một đôi lần, nếu không kịp ghi lại cảm xúc tuyệt vời đó là coi như chẳng có được gì”.

Nhạc sĩ tiết lộ: “Có một điều, nguyên tác ‘Gái xuân’ của Nguyễn Bính ngắn quá”:

Khi phổ nhạc, chẳng lẽ cứ lặp đi, lặp lại bấy nhiêu lời. Thành thử Ông mạn phép tác giả, thêm 2 câu trong khổ thơ này:

Xuân đi. Xuân đến hãy còn xuân,

Cô gái trông xuân đến bao lần.

Sau khi hoàn thành “Gái xuân” cho đến khi bài hát được thịnh hành rồi đi vào lòng công chúng, mãi mãi tôi không một lần được gặp Nguyễn Bính để nói với ông một vài lời. Lòng tôi áy náy lắm! Không biết thi sĩ có gì trách móc hay không?

Không ai có thể nói thay Nguyễn Bính, 2 câu mà ông thêm vào nghe cũng rất … Nguyễn Bính, và cũng chẳng kém phần tài hoa, đã nhập với toàn bộ bài thơ một cách hài hòa. Do đó, chắc Nguyễn Bính cũng vui lòng, bởi sự thêm thắt không làm mất đi giá trị của nguyên bản.

Từ Vũ có đến 20 ca khúc, và một số bài hát ngoại quốc do ông đặt lời Việt. Tuy nhiên, nhắc đến ông, người ta chỉ nghĩ đến “Gái xuân”. Ca khúc này đã đưa ông lên hàng “chiếu trên” của làng âm nhạc VN.

“Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”

Chúng ta chắc đều thắc mắc không biết Sông Vân ở đâu? – Trả lời khi được phỏng vấn Nhạc sĩ cho đó là một dòng sông rộng lớn và rất đẹp chảy qua làng Vân Tử, phủ Thường Tín, Hà Đông, nơi các cô gái thường đến giũ lụa (Hà Đông). Nhưng theo thời gian vật đổi sao dời, hiện nay chỉ còn là một làn nước chảy.

Vân cũng là tên người con gái ông yêu (Thanh Vân), mặc dù chỉ trong một niên học, mà ông muốn viết bài hát này để tặng cô ấy, nhưng sau đó cô ta đã xuất ngoại.

Một ca khúc được nhiều ca sĩ thuộc nhiều thế hệ nối tiếp hát, mỗi người một chất giọng, một phong cách khác nhau, nhưng hầu hết họ đều thể hiện thành công. Đó chính là điểm đặc sắc của Từ Vũ. Nói như giọng hát vượt thời gian Thái Thanh: “Bởi vì tự thân “Gái Xuân” quá hay, khó mà hát dở cho được”. Khởi thủy, Từ Vũ viết “Gái Xuân” bằng điệu Tango dồn dập, lôi cuốn một cách sang trọng. Nhưng về sau, nhiều ca sĩ lại chuyển sang điệu Rumba, rồi Chachacha, với tiết tấu trẻ trung, phần phối âm, phối khí hiện đại, đã khoác cho ca khúc này một chiếc áo mới. Từ Vũ nhận xét: “Sự chuyển thể này tôi nghe cũng thấy hay, rộn ràng và tươi trẻ hơn. Vấn đề là vẫn giữ được cái hồn và tình cảm của ca khúc”.

Điều đặc biệt “Gái xuân” là nhạc phẩm mang âm hưởng miền Bắc đã trở thành món ăn tinh thần được yêu quý ở miền Nam. Từ ca sĩ đến người dân miền Nam chưa một lần đặt chân đến đất Bắc nhưng vẫn hào hứng hát: “Xuân đến hoa mơ hoa mận nở/ Gái xuân rũ lụa bên sông Vân”. Chính ca khúc này đưa nhạc sĩ Từ Vũ ngang hàng với các nhạc sĩ nổi tiếng ở thế hệ trước. gần 70 năm sau, ca khúc “Gái Xuân” vẫn sống khỏe qua các thế hệ ca sĩ và trở thành một nhạc phẩm thân thuộc không thể thiếu trong dịp tết đến xuân về từ Nam ra Bắc.

Theo lời kể của nhạc sĩ Từ Vũ khi ra mắt “Gái Xuân”, ông đã nhờ nữ ca sĩ Linh Sơn hát đầu tiên, nhưng ông không lấy làm hài lòng cho lắm. Một hôm, tình cờ gặp nữ ca sĩ Tâm Vấn, bà trách ông sao không tặng bà bài “Gái Xuân”? Ông đã viết vội ca khúc này lên một mảnh giấy và trao cho Tâm Vấn. Sau đó, Từ Vũ theo gia đình ra Phan Thiết và chưa được nghe Tâm Vấn hát một lần nào cả. Nhưng theo lời bạn bè kể cho ông thì Đài Phát thanh Sài Gòn đã thường xuyên phát đi, phát lại ca khúc “Gái xuân” với tiếng hát Tâm Vấn, rất được công chúng ưa thích.

Một buổi tối cuối năm 1953. Từ Vũ rảo bước lang thang trên dường phố Phan Thiết, bỗng dưng từ loa phóng thanh công cộng của Ty Thông tin Phan Thiết, tiếp sóng Đài Phát thanh Huế vang lên điệu nhạc Tango của bài “Gái Xuân” qua tiếng hát của nữ ca sĩ Diệu Hương. Từ Vũ đã xúc động đến trào nước mắt. Đó là lần đầu tiên Từ Vũ gặp lại đứa con tinh thần của mình kể từ khi ông cho nó ra đời. Dù ông không biết Diệu Hương là ai, và đó là lần đầu ông mới nghe tên, thế mà cứ thẫn thờ, tiếc nuối! Biết bao giờ mới được nghe lại thêm lần nữa. Tối hôm đó, Từ Vũ không chợp mắt được. Ông nằm thương nhớ “Gái Xuân” vang vọng mãi trong hồn giọng hát từ xứ Huế xa xôi.

Sau Linh Sơn, Tâm Vấn, Diệu Hương, đến lượt Thái Thanh, Sĩ Phú, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan, Hoàng Oanh, Lan Ngọc, Hương Lan, Băng Tâm, Ý Lan, Ánh Tuyết… và nhiều ca sĩ danh tiếng của thế hệ kế tiếp như: Trang Nhung, Quang Linh, Cẩm Ly, Hiền Thục, Hồng Ngọc, ban tam ca Áo Trắng, ban tam ca 3A…cũng hát “Gái Xuân”. Nhất là vào dịp tết, cùng với “Ly Rượu mừng”, “Xuân và Tuổi trẻ”, “Gái Xuân” là 3 ca khúc kinh điển, luôn vang lên trong từng mái ấm gia đình VN ở trong nước cũng như nhiều nơi trên khắp thế giới. Khi nghe ban tam ca Áo Trắng tập bài “Gái Xuân”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: “Hồi mới lớn, ‘moa’ đã rất thích bài này. Có thể nói, tết mà thiếu ‘Ly Rượu mừng’, ‘Xuân và tuổi trẻ’, ‘Gái xuân’ là đã mất đi một nửa mùa xuân”. 

– Đầu xuân 20022, mời các bạn nghe NGÂM THƠ Gái Xuân:

https://www.youtube.com/watch?v=D1QzJEo4tM4

Và xuân Nhâm Dần – tết con cọp, mời thưởng thức Gái Xuân (Ý Lan):

https://www.youtube.com/watch?v=W_jtxllV7v0

VĂN KÝ tổng hợp

From: TU-PHUNG

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay