Chúng ta không thể vô can

Than Ngoc Pham

Chúng ta không thể vô can

Dư luận kết án mẹ kế Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã đành, vì kẻ này còn trẻ, có học nhưng thường xuyên lên Facebook khoe ảnh hở hang và có những stt kể lể mình thương yêu con gái của chồng. Lên án cô ta là đúng vì hình ảnh câu chuyện Tấm Cám đã hằn sâu vào tâm trí người Việt, hơn nữa tra tấn con chồng là tội ác bị người đời căm ghét hạng nhất, có lên án Quỳnh Trang cũng là điều nên làm nhằm cảnh báo những con người tương tự.

Nhưng người cha cũng không tránh khỏi bị dư luận lên án, bởi chính anh ta im lặng trước tội ác của vợ và vì vậy anh ta không thể thoát tội đồng lõa giết người. Dư luận lên án anh ta hai mặt: Đạo đức và trách nhiệm. Đạo đức: anh ta không có tình phụ tử, một thứ tình mà thượng để ban phát đồng đều cho mọi người ngoại trừ anh ta. Trách nhiệm: anh ta không bảo vệ con, hay chí ít của một đồng loại trước hành vi dã man của người vợ kế đối với một đứa trẻ.

Còn hàng xóm thì sao?

Việt Nam không có luật chế tài đối với người dân khi biết một vụ bạo hành gia đình mà không báo lại với cơ quan chức năng như nhiều nước khác trên thế giới, do đó người dân tự thấy không bị ràng buộc vào một điều luật có tính cưỡng chế, vì vậy mọi án mạng, tai nạn, hay bạo hành xảy ra thường xuyên hơn nhưng không có ai cảm thấy mình có lỗi khi không khai báo những việc ác độc mà họ chứng kiến.

Luật pháp như cái lưới bắt cá, cá lớn thì lưới lớn, chắc chắn, cá nhỏ thì sợi lưới nhỏ, mỏng nhưng đan dày hơn. Việt Nam không có lưới bắt những loại cá nhỏ mà xã hội cho là vô can.

Nếu luật pháp đan lưới dày hơn thì những con cá “vô can” không những sẽ sợ hãi và hai chữ vô can sẽ không còn trong tự điển pháp luật. Bắt buộc người ta phải báo cáo lại những gì họ nghe hay nhìn thấy từ đó giúp nạn nhân nhiều vụ tránh được cái chết tương tự như của cháu Vân An và hàng trăm người khác.

Là người Việt, chúng ta không thể vô can.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay