BAO GIỜ ?
Tác giả: Lm. Vĩnh Sang, DCCT
nguồn:conggiaovietnam.net
Từ ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngày Đức Phanxicô đắc cử ngôi Giáo hoàng, thông tin của các trang mạng Công giáo cho chúng ta chứng kiến nhiều hành động, nhiều câu nói của vị tân Giáo hoàng Giáo hội Công giáo Roma, những dấu hiệu nổi bật về một vị đứng đầu Giáo hội Công giáo Roma đang tiếp tục loan đi, báo trước về một triều đại dành cho người nghèo, người bị áp bức, người bị bỏ rơi, báo trước về một triều đại mà vị giáo chủ sẽ quan tâm nhiều đến công bằng xã hội, đến công lý, đến hoà bình và đến môi trường như những lời ngài đã nói khi chọn tước hiệu Phanxicô.
Thành phố Assisi ngày nay của thánh Phanxicô vẫn tiếp tục giữ tinh thần khó nghèo, bình an và thân thiện môi trường như những gì mà vị thánh sáng chói của Giáo Hội mong muốn. Một bầu khí êm đềm thân thiện với mọi người, một phòng ăn lớn đơn giản đón tiếp tất cả mọi người, nhiều khu vườn và đặc biệt khu vườn hoa hồng (không có gai) cuốn hút khách hành hương thưởng lãm và cầu nguyện, những hành lang hun hút thinh lặng chìm đắm trong bầu khí tâm linh, một tổ bồ câu nghe nói đã nhiều thế hệ, cả trăm năm vẫn cứ sinh sống, làm tổ, đẻ trứng ấp ra con, cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia sống chung với con người, sống chung trong tu viện, sống trong tinh thần của vị thánh yêu thiên nhiên, yêu muôn loài muôn vật.
Nghe, đọc, nói về vị Giáo hoàng mới chúng ta không khỏi khắc khoải, rồi đây thân phận của những người nghèo, người bị áp bức ở Việt Nam có được cải thiện chút nào không ? Có còn hàng đoàn lũ dân oan kéo nhau đi khiếu kiện khắp nơi không ? Hay chẳng còn ai đi nữa vì muốn khiếu kiện phải đóng tiến thế chân, kiện thua thì mất mà còn phải chịu án phí ? Người nghèo, người bị mất của cải do chính mồ hôi nước mắt mình làm ra, chính máu xương của mình làm ra cứ dần đội nón ra đi “hợp pháp” ? Uất ức, tức tưởi nhìn những mảnh đất nhuộm máu và mồ hôi của mình sang tay các nhà tư bản với những giá tiền cao ngất ngưởng mà cả đời không bao giờ dám nghĩ tới ?
Nơi bầu trời trong lành, yên tĩnh êm ả ở Assisi có biết đến con kênh Nhiêu Lôc, tiêu tốn biết bao tiền bạc thuế dân nhưng vẫn đặc trưng một mầu đen, đặc trưng một mùi hôi không đâu có. Vừa qua cá chết nổi trắng kênh bốc mùi hôi thối ! Những khu rừng xanh thẳm bao quanh Assisi có biết đến hàng ngàn cánh rừng ở Việt Nam quằn quại tan nát chảy máu đỏ cả một góc trời ? Còn bao nhiêu điều để thân thưa với đấng đứng đầu Giáo Hội.
Chiều hôm nay, chiều thứ năm Tuần Thánh, chương trình thông báo Đức Giáo Hoàng đến thăm và dâng lễ tại một nhà tù ở Roma, thật phúc cho những người tù ở đất nước “dân chủ kém ngàn lần” đất nước chúng ta, ở tù mà được các tuyên uý viếng thăm ban các bí tích, ở tù mà thứ năm Tuần Thánh được Đức Giáo hoàng viếng thăm và dâng lễ, những bậc cao cấp của Hội Thánh ở Việt Nam chẳng bao giờ mơ được chuyện đó. Tội nghiệp cho những tù nhân ở đất nước “dân chủ gấp ngàn lần” Roma, ở nơi “dân chủ gấp ngàn lần” này không bao giờ một giáo sĩ được phép vào thăm, dù là để ban các bí tích cuối cùng cho tù nhân. Tạ Phong Tần người tù Công giáo muốn có được một chuỗi hạt để cầu nguyện nhưng cũng không được. Em của Tần kể lại gương mặt Tần nhăn nhúm đau khổ biết chừng nào, Tần đã gầm lên khi người nữ công an giật chiếc tràng hạt do em của Tần mang vào khi đi thăm và tiếp tế cho Tần. Tần ơi, Chúa biết hết mọi sự, Chúa biết Tần đặt niềm tin cậy nơi Chúa, Chúa biết Tần yêu mến Chúa, yêu mến đồng bào ruột thịt, Chúa biết Tần cần sự nâng đỡ của ơn Chúa, Chúa sẽ bù đắp cho Tần những gì Tần chịu thua thiệt. “Phúc cho ai bị ngược đãi vì chính đạo, vì họ sẽ được nước Thiên Chúa”. Luật sư của Phương Uyên đang lên tiếng “xin” được gởi mắt kính cận thị vào cho Phương Uyên, Phương Uyên bị cận thị bẩm sinh và mang tật ở mắt, không có kính Phương Uyên thường xuyên chóng mặt, nhức đầu ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ, chỉ cái quyền được đeo kính do bệnh tật cũng phải xin nhưng chưa chắc đã cho. Nếu Phương Uyên là con, là em, là cháu, là người thân của mình, chúng ta nghĩ sao ?
Giáo hội Công giáo Roma với vị Giáo chủ mới sẽ mang lại điều gì cho cả một thế giới nghèo khổ bất công, cách biệt giữa đông tây, chênh lệch giữa nam bắc. Giáo Hội chắc chắn không làm chính trị, không tham gia quyền lực thế gian, những Giáo Hội vẫn phải là ngọn đèn, là niềm hy vọng không bao giờ tắt, là sự ủi an nâng đỡ, là ánh sáng chiếu soi, là địa chỉ tin cậy của nhân loại. Không lý thuyết viễn vông, không ước mơ trừu tượng, bao giờ người mang thân tù tội ở Việt Nam được viếng thăm và được hưởng các bí tích cần thiết ?
Lm Vĩnh Sang, dcct.
Thứ Năm Tuần Thánh 2013