Ngày 20/11 của những Nhà giáo lên tiếng vì hiện trạng đất nước

Ngày 20/11 của những Nhà giáo lên tiếng vì hiện trạng đất nước

Cao Nguyên
2021-11-19

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa án ở Nghệ An hôm 15/11/2019

Báo Nghệ An

Từ xa xưa nghề giáo là một trong những công việc được coi trọng nhất ở Việt Nam. Với văn hoá “tôn sư trọng đạo”, đã có rất nhiều tác phẩm ra đời nhằm ca ngợi công ơn của thầy cô giáo vì đã truyền đạt cho học trò không chỉ kiến thức mà còn đạo làm người.

Tuy nhiên, nhà giáo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam lâu nay chỉ được phép giảng dạy theo giáo trình, việc lên tiếng, bình luận về những mặt trái của xã hội là điều cấm kỵ.

Nhân ngày mà Việt Nam dành riêng để tôn vinh những người thầy, RFA phỏng vấn một số nhà giáo, họ đã dành hàng chục năm trời trong sự nghiệp “trồng người”, nhưng đồng thời, họ cũng là một người dân quan tâm và lên tiếng trước những bất công của xã hội hay chủ quyền đất nước. Vì vậy, họ gặp không ít khó khăn, chèn ép và thậm chí bị cô lập trong chính môi trường sư phạm.

Nhà giáo bị bỏ tù vì lên tiếng trước bất công xã hội

Thầy giáo, tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh trước đây từng dạy nhạc và là giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Ông người được biết đến qua các video dạy học sinh những bài hát bị cấm tại Việt Nam như “Trả lại cho dân” hay “Việt Nam Tôi đâu”…

Còn vợ là chị Nguyễn Thị Tình, hiện đang là giảng viên bộ môn Sinh tại trường Đại học Đồng Tháp.

Từ năm 2012, thầy giáo Tĩnh vẫn thường lên tiếng về nhiều vấn đề xã hội. Do đó, ông luôn bị Chính quyền theo dõi, sách nhiễu hay thậm chí là tấn công nhiều lần. Đến năm 2019, ông Tĩnh bị bắt và kết án 11 năm tù giam và năm năm quản chế về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Chị Tình chia sẻ với RFA rằng, khi chồng mình bị quy cho là phản động rồi bị bắt, tất cả mọi động thái, điện thoại hay các tài khoản cá nhân của chị đều bị kiểm soát chặt chẽ. Dù vẫn được đi dạy bình thường nhưng chị cảm thấy như bị cô lập, bạn bè đồng nghiệp không ai dám trò chuyện nhiều:

Trong cái xứ miền Tây này chị cảm thấy cô đơn, lạc lõng vì tư tưởng không giống ai.

Nói chung là bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, nhà trường người ta đều sợ. Tại vì chị lên tiếng viết bài cho chồng, người ta sợ dính dáng. Có giáo viên, sinh viên hủy kết bạn. Chung quy lại là người ta thương mình nhưng mà người ta sợ.”

Chị nói từ ngày anh bị bắt, đồng lương giảng viên của chị không thể đủ để trang trải vừa nuôi hai con nhỏ ăn học, vừa gửi đồ thăm nuôi chồng, may nhờ có ông bà hai bên giúp đỡ và phải tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu qua ngày.

Không chỉ áp lực về tài chính, chị Tình chia sẻ thêm rằng chị rất khổ tâm khi phải nói dối các con rằng ba không bị bắt, ba chỉ đang đi làm việc ở một nơi xa chưa về, mỗi tháng ba được gọi điện về thăm nhà 10 phút. Con trai lớn của chị tận mắt chứng kiến cảnh ba của nó bị còng tay bắt đưa đi, từ đó con bị kích động mỗi khi nhìn thấy công an. Chị sợ con mang trong lòng nỗi thù hận, nên đành phải nói dối. Mỗi dịp lễ tết, chị mua quà gởi về nhà cho con và nói đó là quà do ba gởi tặng.

Dù cuộc sống khó khăn, dù bị đồng nghiệp xa lánh, nhưng với chị Tình, nghề giáo cũng như ngày 20/11 có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng đối với một người thầy như chị:

“Nhưng mà đối với chị ngày 20/11 là một ngày rất là thiêng liêng, vì đó là ngày mà tôn vinh người giáo viên. Dù không quan trọng về vật chất, quà cáp nhưng mà cái tình cảm của học trò đối với giáo viên cũng rất là thiêng liêng.”

Hình minh hoạ: Biểu tình phản đối Trung Quốc Hà Nội hôm 17/7/2016. Reuters

Nhà giáo đấu tranh cho chủ quyền Quốc gia

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, người đã mạnh mẽ lên tiếng cho chủ quyền đất nước, đặc biệt là chủ quyền biển đảo Việt Nam, từ Sài Gòn nói với RFA rằng ông luôn tự hào được là một người thầy, với sự nghiệp 35 năm giảng dạy tại trường Đại học Cần Thơ và trường Đại học Mở TPHCM. Ông cũng từng vấp phải nhiều khó khăn, xung đột khi lên tiếng trước những vấn đề xã hội, đất nước. Tuy nhiên, ông coi đó như là một bài học cho bản thân mình:

Quá trình mà đi dạy của tôi cũng có nhiều xung đột rất nhiều về kiến thức và các phương pháp trong giảng dạy. Nhưng đối với tôi, tôi không cho đó là một cái khó khăn, một thất bại hay là một vấp ngã hoặc là thua cuộc trong một cuộc đấu tranh, mà tôi cho đó là một kinh nghiệm cho mình đứng lên.

Tôi không coi khó khăn đó cản trở con đường tiến của mình, cái khó khăn đó là để cho mình biết mình đúng hay sai, và cái khó khăn đó dạy cho mình một bài học để giờ này, khi bước ra khỏi giảng đường đại học, khi đã đến tuổi về hưu, mình có thể tự hào mà nói “Tôi là một ông thầy”.

Một trong những kỷ niệm mà nhà giáo Đinh Kim Phúc không thể quên trong sự nghiệp giáo dục của mình là ông đã khơi dậy lòng yêu nước trong lòng sinh viên. Chính ông đã “gợi ý” cho các học trò của mình xuống đường tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa hồi năm 2007:

Trong lần biểu tình đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh trong vấn đề Tam Sa vào năm 2007, thì tôi có “bỏ nhỏ” với một số sinh viên là đệ tử ruột, tôi nói rằng “ngày mai lúc chín giờ sáng, ra trước Tòa Lãnh sự quán Trung Quốc ở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tao sẽ đứng bên kia đường, tụi bây cứ coi cánh tay của tao và tất cả mọi người, ai đưa lên chừng nào thì chủ quyền của Việt Nam đến gần với đất nước chừng đó”. Đó là cuộc biểu tình mà không bao giờ quên được trong cuộc đời của tôi.

Nhà nước Việt Nam không khuyến khích vì sợ những cuộc biểu tình đó sẽ dẫn đến những cuộc bạo loạn lật đổ, nhưng bảo vệ chủ quyền là nghĩa vụ của tất cả người dân yêu nước xuất phát từ trái tim, từ khối óc, nói mà không làm gì cả thì tất cả chỉ là những lời sáo rỗng.”

Giờ đây, khi đã về hưu, ông vẫn còn nhiều trăn trở về những vấn nạn đang hiện hữu trong nền giáo dục Việt Nam và khẳng định giáo dục Việt Nam phải thay đồi thì mới mong Đất nước này phát triển được:

Nền giáo dục Việt Nam phải thay đổi thì mới mong có được những con người sáng tạo, xây dựng trong tương lai. Xây dựng theo chiều hướng nào, xây dựng theo mô hình nào, vấn đề đó xã hội sẽ trao đổi, vấn đề đó thế hệ trẻ sẽ quyết định.

Thế hệ trẻ hiện nay phải có kiến thức, phải có quyết tâm, có tấm lòng, nhưng chỉ có tấm lòng không mà không có kiến thức thì cũng không làm gì được cho sự phát triển của đất nước hiện nay.”

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay