Con Người Ta Sống Để Làm Gì?

Van Pham

CÙNG NHAU SUY GẪM…

***

Con Người Ta Sống Để Làm Gì?

Có bao giờ trong cuộc sống bon chen vội vã hằng ngày, ta dừng lại vài phút và tự hỏi mình sinh ra đời để làm gì?

– Phải chăng là để chạy theo sau đồng tiền, danh lợi, địa vị, tình yêu, sắc đẹp, của cải v.v…?

– Ðể lập gia đình, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường?

– Ðể gây dựng một sự nghiệp?

– Ðể tranh đấu cho một lý tưởng chính trị, kinh tế, xã hội…?

– Hay là chỉ để đơn giản đi làm kiếm ăn sống qua ngày như bao nhiêu người khác?

– Ðể rồi một ngày kia nằm xuống và ra đi với hai bàn tay trắng?

***

Có ai dừng lại vài phút để tự hỏi hay tự kiểm lại xem cuộc đời mình đang sống đây có ý nghĩa gì không?

– Mình có hài lòng với những gì mình đang có và đang sống không?

– Những cái đó có đem lại cho mình hạnh phúc hay không?

– Hay mình chỉ là một kẻ nô lệ, một người máy rôbốt, mặc cho xã hội vật chất lôi kéo và điều khiển?

Ở đây không bàn đến những người theo chủ nghĩa vô thần (vô đạo), chủ trương duy vật, sống chỉ để hưởng thụ, chết là hết.

Trong Phật giáo, đa số cho rằng sinh ra ở đời là để tạo nghiệp và trả nghiệp, vay trả trả vay cho kiếp trước, mãi mãi không ngừng. Trên luật nhân quả thì mỗi khi ta cử động, nói năng hay suy nghĩ một chút, dù chỉ vài giây thôi cũng là tạo ra nghiệp lực, và như vậy thì đương nhiên sẽ gặp quả báo, tránh sao cho khỏi.

Nhưng quan niệm này nếu không khéo thì có thể khiến cho người ta trở nên thụ động, gặp việc gì cũng đổ thừa là tại “nghiệp” rồi ngồi yên chịu trận.

Cuộc đời đã lắm khổ đau, sao ta không tìm những quan niệm khác giúp ta lạc quan hơn trong cuộc sống?

Ðối với tôi, con người sinh ra ở đời là để học hỏi những kinh nghiệm để tiến hóa.

Mỗi kiếp sinh ra là một lớp học. Ta có thể chọn học một hoặc nhiều môn, nhưng bài học phải được hiểu và học cho xong thì mới được lên lớp (lên các cõi cao hơn như cõi trời để học tiếp).

Nếu học không xong thì sẽ bị ở lại (cõi người) hoặc bị giáng cấp (cõi atula, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục)

  • Ta lấy vợ lấy chồng không phải để thỏa mãn tình cảm nhục dục hay lấp vá cô đơn, mà là để học sự thương yêu và sống chung hòa hợp.
  • Ta sinh con đẻ cái không phải để tiếp nối giòng dõi hay để nhờ vả khi về già, mà là để chính ta tập học làm cha làm mẹ, tập thương yêu dạy dỗ giúp đỡ con cái.
  • Ta làm vua hay tổng thống một nước không phải để ăn trên ngồi trốc, bóc lột của dân, mà là để học thương dân trị nước.
  • Ta làm bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ không phải để có nhiều tiền hay danh vọng, mà là để học cách giúp đỡ thương yêu bệnh nhân.
  • Ta làm bác học, kỹ sư không phải để chế ra những vũ khí máy móc sát nhân hay nô lệ hóa con người, mà là để đóng góp xây dựng cho cuộc đời bớt khổ về vật chất….
  • Ta có thể tiếp tục nói về từng nghề, nhưng tóm lại thì tất cả nghề nghiệp trong đời, từ cùng đinh hạ tiện cho đến quý phái sang trọng, không có nghề nào thực sự hơn nghề nào.

Vì nghề nào cũng có giá trị và cùng đóng góp cho sự tiến hóa của nhân loại, nếu như ta đứng trên quan niệm: – Cuộc đời là một trường học tiến hóa và để yêu thương …

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay