BÓ HOA CỦA NGƯỜI NHẬT

BÓ HOA CỦA NGƯỜI NHẬT

Trong các lần trao giải thưởng ở Olympic Tokyo 2020, ngoài cái khay đựng ba huy chương vàng, bạc, đồng khác nhau được trao ở lượt đầu tiên; còn một cái khay đựng ba bó hoa hoàn toàn giống nhau được trao tặng ngay sau khi các vận động viên nhận huy chương.

Điều đáng nói đầu tiên là cách trao tặng huy chương và hoa này rất khiêm tốn. Hai lãnh đạo của Ủy ban Olympic quốc tế và Ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 sau khi trao huy chương và hoa đều lặng lẽ rút lui để cho các vận động viên trên bục vinh quang cùng tham gia lễ thượng quốc kỳ nước mình và nghe quốc thiều (của nước có vận động viên đạt huy chương vàng) rồi chụp ảnh lưu niệm cùng cánh phóng viên báo chí.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020, các bó hoa tặng kèm huy chương được kết một cách đơn giản. Nó chỉ gồm bốn bông (hướng dương, long đởm, cát tường và ngọc trúc) bó lại, nhưng điều quan trọng là bốn loại hoa này đều do học sinh ở ba vùng chịu hậu quả nặng nề nhất của động đất và sóng thần vừa qua là Fukushima, Miyagi và Iwate tự tay trồng và chăm bón.

Vì thế, tuy nhỏ bé và đơn giản nhưng nó rất ý nghĩa: từ hoang tàn, đổ nát do thiên tai [thảm họa động đất sóng thần và nổ nhà máy điện hạch tâm nguyên tử năm 2011- NĐ chú thích], chính bàn tay của thế hệ trẻ Nhật Bản sẽ khắc phục để hồi sinh và nâng tầm cuộc sống cũng như các vận động viên chiến thắng đạt huy chương đều phải bắt đầu khổ luyện từ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả bằng máu trong những lần thất bại trước đây của mình.

Bó hoa quá nhỏ bé, quá khiêm tốn, quá đơn giản so với tầm vóc các huy chương vàng, bạc, đồng nhưng nó quá ý nghĩa vì đó là bài học nhân văn sâu sắc đối với mỗi vận động viên.

Ngoài khiêm tốn, đơn giản, bó hoa Olympic Tokyo 2020 còn rất thiết thực. Nó được công nghệ bảo quản hoa hiện đại của Nhật làm tươi trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội. Người xem vẫn thấy đoàn vận động viên các nước còn khoe huy chương và bó hoa tươi trong đêm bế mạc và sau đó có thể mang về nước báo công cùng huy chương rồi lưu trữ lâu dài trong bộ sưu tập thành tích thể thao cá nhân của mình.

Người Nhật rất khiêm tốn, giản dị, thiết thực và hiệu quả. Chúng ta vô cùng ngạc nhiên và khâm phục dân tộc Nhật vốn nổi tiếng là một “dân tộc lùn” ở châu Á (chiều cao trung bình của nam là 1,50m vào năm 1950) bây giờ đã cao trung bình đến 1,72m (trong khi hai số liệu tương ứng của Việt Nam lần lượt là 1,54m và 1,63m: điều này có nghĩa 70 năm trước chúng ta cao hơn người Nhật 4cm; sau 70 năm chúng ta thấp thua họ 9cm! – theo số liệu do Nytimes, đơn vị trực thuộc WHO cung cấp). Nhờ có nhiều vận động viên đạt tới chiều cao lý tưởng từ 1,80m đến 1,90 m nên Nhật mới sòng phẳng thi đấu và giành những thắng lợi bất ngờ vang dội: đạt huy chương vàng môn bóng chày vốn là thế mạnh truyền thống của nước Mỹ, đạt huy chương bạc môn bóng rổ nữ, xếp trên cả hai đội nổi tiếng Pháp và Serbia; giành xứng đáng huy chương vàng duy nhất nội dung bóng bàn đôi nam nữ (5/6 huy chương còn lại đều nằm trong tay các vận động viên Trung Quốc).

Trong khi lãnh đạo nước ta “nổ” như lựu đạn về “một Việt Nam đáng sống”, rằng “người Việt Nam sẽ làm ra những thứ mà thế giới không làm được”, rằng “nếu có chân, cột điện ở Mỹ cũng chạy về Việt Nam”… và giới cầm đầu thể thao điên cuồng rùm beng kết đèn, trao hoa ngập mặt sau một chiến thắng cỏn con ở sân chơi bóng đá Sea Games chỉ có giá trị như một cuộc đua thuyền thúng ở ao làng… thì bó hoa nhỏ bé của người Nhật đã nói lên tất cả.

Sao ở khá gần nước Nhật và làm ăn kinh tế thường xuyên với họ mà quái lạ, ta không học được một chút gì sất cái hay ho từ con cháu Thái Dương Thần Nữ?

Biết bao giờ ta mới ngửi được mùi thơm khiêm tốn, giản dị, thiết thực và hiệu quả tỏa ra từ bó hoa ngát hương của người Nhật?

Bài: Nguyễn Văn Cam, 9-8-2021

From: Do Tan Hung & KimBằng Nguyễn

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay