Từng bị đuổi học vì cầm dao, nhờ cha mẹ, cô gái gốc Việt trở thành nhà giáo

  Nếu bạn có một đứa con ngỗ ngáo hay làm một việc gì đó vi phạm pháp luật và bi cảnh sắt bắt hay bị đưa ra Tòa. Là cha mẹ bạn sẽ xử trí ra sao? Bạn cứ để pháp luật trừng trị, mà không thèm quan tâm? Hay bằng mọi giá phải cứu và đưa nó về với gia đình? Hãy đọc qua câu chuyện này để lấy kinh nghiệm hay góp ý nếu bạn có biện pháp nào hay hơn?…

***

Từng bị đuổi học vì cầm dao, nhờ cha mẹ, cô gái gốc Việt trở thành nhà giáo

Tâm An

GARDEN GROVE, California (NV) – Gặp Tiffany Nguyễn, cô gái gốc Việt 32 tuổi, hiện đã tốt nghiệp cao học ngành giáo dục và đang là giáo viên tại một trường Trung Học Đệ Nhất Cấp (Middle School) với mức lương khá cao, không ai có thể ngờ cô đã từng bị đuổi học vì cầm dao tới trường, khiến cha mẹ cô một phen điêu đứng.

“Bố tôi là người tuyệt vời. Ông là người luôn chủ động giải quyết sự việc, nhờ vậy mà tôi đã vượt qua lỗi lầm để có được ngày hôm nay,” Tiffany tâm sự như vậy, nhân lúc ghé thăm cha của cô, tại nơi ông làm việc miệt mài suốt mấy chục năm qua, để nuôi cô nên người.

“Mẹ cũng rất yêu thương và luôn đồng hành với tôi nhưng bà là người dễ xúc cảm. Bố đã giúp tôi trở nên mạnh mẽ tự tin hơn,” cô nói thêm.

Mang dao tới trường vì bị bắt nạt

Câu chuyện xảy ra vào khoảng 18 năm về trước, lúc Tiffany mới bước vào năm đầu tiên trung học.

“Năm đó tôi mới quen biết một anh chàng là họ hàng của bạn tôi. Anh ta đã có bạn gái nhưng lại thú nhận với cô này là anh ta thích tôi. Thế là ngay lập tức có một ‘đàn chị’ thuộc hàng ‘gangster’ học lớp 12, là bạn của cô bạn gái đó, đòi gặp tôi để hẹn một cuộc ‘đánh ghen.’ Mặc dù tôi đã giải thích với chị ta rằng tôi không hề có tình cảm gì với anh chàng đó hết, nhưng chị ta vẫn không chấp nhận làm hòa, vẫn muốn đánh nhau với tôi,” Tiffany kể lại câu chuyện.

“Tôi đã nói với giáo viên nhưng họ lại nói nếu tôi còn bị đe dọa nữa, hãy nói với giám thị của trường. Ngày hôm sau, chị ta lại hối thúc tôi để hẹn một cuộc đánh nhau. Tôi đành hẹn chị ta vào trưa ngày hôm sau,” Tiffany kể tiếp.

“Tôi không dám nói với cha mẹ mình vì sợ họ lo lắng. Tôi hỏi một người bạn trong trường hợp này nên làm gì để chống đỡ đây? Người bạn khuyên tôi nên cầm một con dao để phòng khi chị ta kéo nhiều người tới vây đánh tôi một lúc,” cô kể thêm.

Thế là cô bé 15 tuổi đã lặng lẽ lấy con dao từ bếp của nhà mình, loại dao dùng để cắt thịt bò bít tết, cho vào ba lô tới trường. Mặc dù cô biết rằng một học sinh có thể bị phạt rất nặng khi mang vũ khí tới trường, nhưng “lúc đó tôi không quan tâm tới điều gì khác ngoài tự vệ bản thân,” Tiffany kể lại.

“Sau giờ học, chúng tôi gặp nhau ở bãi đậu xe tại trường. Chị ta có xe hơi riêng còn tôi thì không. Mới chỉ bắt đầu đánh nhau, con dao vẫn nằm trong cặp, thì đã thấy giám thị đang từ xa đi tới. Chắc có ai đó gọi ông. Thấy thế, chị kia vội vàng nhảy lên xe hơi chạy vụt mất còn trơ lại mình tôi. Tội sợ quá lấy con dao vứt vào bụi rậm gần đó rồi chạy. Cuối cùng, tôi bị giám thị bắt lại, cùng với con dao họ tìm ra trong bụi,” cô kể.

Bài thơ ông viết cho con gái Tiffany. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Khi ấy, nhà trường lập tức gọi cảnh sát tới, đồng thời họ cũng gọi điện thoại để báo tin cho cha mẹ cô.

“Các giáo viên không bao giờ hỏi lý do vì sao tôi phải cầm dao tới trường. Họ chỉ quan tâm tới việc có một học sinh dao (được coi là cầm vũ khí) tới trường, điều này vi phạm nghiêm trọng luật lệ của trường và cần phải trừng phạt,” Tiffany kể tiếp.

Phản ứng của cha mẹ

Khi nhận được cuộc gọi từ ban giám hiệu thông báo về việc con gái “cầm vũ khí tới trường đánh nhau,” ông Thi Nguyễn, cha của Tiffany, hết sức “bàng hoàng.”

“Lúc đó, tôi có cảm giác như chính tôi đang vướng vào rắc rối, chứ không phải con tôi. Tôi đi ngay tới trường muốn xem chuyện gì xảy ra. Tôi muốn biết lý do vì sao con tôi lại làm như vậy,” ông bồi hồi nhớ lại.

Trên đường tới trường, ông thầm nghĩ: “Sao tính con gái mình nó giống cái tính ‘không biết sợ ai’ của mình đến thế! Lỗi cũng tại mình một phần, mình đã mải làm việc quá, không có thì giờ theo sát con.”

“Có đôi lần nó nói với tôi là nó bị ăn hiếp ở trường, nhưng tôi lại chủ quan không cho đó là vấn đề nghiêm trọng. Tôi nói vui với nó: Ai ăn hiếp con, con ăn hiếp lại nó. Nếu nó đánh con, con đánh lại nó, nhưng đừng bao giờ đánh nó trước,” người cha tâm sự.

Lời nói đó của cha lại khiến cô bé 15 tuổi nhớ mãi tới bây giờ, bởi cô rất thần tượng cha và luôn xem lời cha như là một chân lý.

Tại buổi họp hội đồng kỷ luật, với hành động cầm dao tới trường, bất kể với lý do gì, Tiffany đã bị đuổi học một năm trên toàn học khu. Trong khi kẻ gây hấn là cô học sinh lớp 12 kia lại không hề bị trừng phạt, vẫn tiếp tục được học ở đó.

Khi nhà trường hỏi về suy nghĩ của mình tại hội đồng kỷ luật, trái với suy nghĩ của mọi người, Tiffany không hề tỏ ra hối hận, cô bé trả lời: “Tôi mang dao là để tự bảo vệ mình. Nếu như có gặp cảnh tương tự, tôi sẽ làm y chang như vậy nữa!”

Không ai quan tâm, cô bé vẫn bị trừng phạt.

Không một lời trách mắng con, ông Thi tỏ ra rất bình tĩnh và ấm áp. Ông đưa con gái về nhà, trong đầu ông chỉ nghĩ một điều duy nhất: “Làm sao để giúp con vượt qua rắc rối này, làm sao giải quyết?”

“Mẹ tôi khóc ngất, bà như điên lên. Bà hỏi tại sao tôi lại làm như vậy, bất kể là tôi có giải thích thế nào,” Tiffany nhớ lại.

Người cha tuyệt vời

Thông thường, những học sinh bị đuổi học, sẽ phải tới một trường học đặc biệt dành riêng cho họ, tương tự như trường Hare High School ở Garden Grove hay trường Harbor Learning Center ở Fountain Valley.

Ông Thi bàn với vợ: “Chúng ta bằng mọi giá, dù có phải tốn rất nhiều tiền bạc, cũng không thể để con mình vào môi trường như thế được.”

Hai cha con đã đi tới hàng chục trường học ở Orange County và khu lân cận để xin cho Tiffany tiếp tục học lớp 9. Nhưng tất cả các trường đều bị từ chối nhận con ông vào học, vì đó là lệnh trừng phạt trên phạm vi toàn học khu, không phải chỉ ở mỗi trường trung học hiện tại.

“Cuối cùng, có một trường tư ở bên Công Giáo đã chịu nhận con tôi vào học, với một điều kiện: Con tôi phải học Kinh Thánh,” ông Thi kể.

Tiffany tỏ ra rất chán nản khi học ở ngôi trường mới vì nhà cô không phải đạo Công Giáo. Trường cách nhà khá xa, nhưng cha cô luôn đưa đón con mỗi ngày. Ông đi mua những cuốn Kinh Thánh cho cô học. Mỗi khi nhìn thấy con buồn, người cha lại động viên: “Con ráng một năm thôi, chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác. Con thấy đấy!”

Đọng lại nhất trong câu chuyện này là hình ảnh người cha tuổi xế chiều, ngồi yên lặng nhìn ra mặt hồ xa xăm, cô con gái duy nhất đang tuổi trăng tròn, thấy thế, bèn lại gần hỏi cha: “Bố buồn à? Con hư nên bố không còn thương con nữa phải không bố?”

Người cha vẫn nhìn xa xăm, chậm rãi trả lời: “Con ngoan bố cũng thương. Con hư, bố cũng vẫn thương. Chỉ có điều… nếu con ngoan, thì bố vui, còn con hư, thì bố buồn! Vậy thôi.”

Câu nói đó đã khiến Tiffany yên tâm và có động lực để cố gắng không làm cha mẹ buồn lần nữa. Sau hai tháng học ở trường Công Giáo, cô đạt điểm cao nhất cả lớp bài kiểm tra về Kinh Thánh và các môn khác.

Sau khi một năm học tại trường Công Giáo, cô được trở lại trường trung học công lập để học lớp 10 như những bạn bè khác. Nhưng cha cô đã chọn trường khác, ông không muốn cô trở lại trường học cũ để bị ám ảnh những ký ức buồn.

Chia sẻ kinh nghiệm làm cha của mình, ông Thi cho biết: “Tôi luôn lắng nghe những điều con tôi chia sẻ và không đánh giá hay cấm cản. Tuổi trẻ cũng có lúc nó đòi đi chơi khuya, đi quán bar, đi tiệc, tôi vẫn cho con đi thoải mái, chỉ với một điều kiện là tôi sẽ chở nó đến nơi, rồi chừng nào về thì tôi sẽ ra đón về.”

“Tiffany có phòng riêng từ khi rất nhỏ. Tôi nói với nó rằng ‘ba mẹ sẽ yên tâm khi thấy con ở trong phòng luôn được bình an.’ Vì thế nó luôn mở cửa phòng, để chúng tôi yên lòng,” ông nói.

Học bổng $10,000 cho cô học trò từng bị đuổi học

Tiffany đã tốt nghiệp lớp 12 với học lực giỏi và nhận được học bổng trị giá $10,000 cho bốn năm học đại học. Tuy vậy, vì học lớp 9 tại trường Công Giáo không được chấp nhận, cô đã không đủ tiêu chuẩn để được tuyển thẳng vào đại học University of Irvine (UCI).

Cũng may vẫn còn một lựa chọn khác, đó là học hai năm tại trường Orange Coast College (OCC) sau đó mới chuyển tiếp lên đại học.

Cô cho biết: “Điều làm tôi thay đổi nhiều nhất là khi tôi được bố mẹ mua cho chiếc xe hơi để đi làm thêm. Tôi đi làm 40 giờ/tuần , người ta chỉ trả tôi có $6/giờ, trừ tiền đổ xăng đi cũng không còn bao nhiêu. Tôi nhận ra rằng kiếm đồng tiền nếu không có học hành, thì không hề dễ dàng.”

“Từ đó tôi thấm thía câu nói của bố tôi ‘con muốn thích làm cái gì cũng được, ngay cả việc bố không thích như xăm mình hay đi quán bar, mua sắm… nhưng trước hết con phải học, để có nghề nghiệp, có tiền lương cao, rồi thì con mới có được những thứ con thích,” cô nói thêm.

Với sự dìu dắt của người cha, sự dạy dỗ nghiêm khắc của người mẹ, Tiffany luôn cố gắng học để “không làm cha mẹ buồn” và để “có tiền làm những thứ mình thích.”

Cô đã tốt nghiệp OCC với kết quả học tập tuyệt đối 4.0, và tốt nghiệp UCI, đồng thời sau đó tốt nghiệp cao học ngành giáo dục tại đại học Chapman University.

Tiffany chia sẻ: “Nếu như không có được người cha tuyệt vời như vậy. Nếu như cha mẹ đều chỉ biết trách mắng tôi, không nghe tôi giải thích, không đồng hành cùng tôi, có lẽ tôi sẽ cảm thấy cả thế giới quay lưng lại với mình. Có thể một đứa trẻ như tôi sẽ bỏ nhà ra đi, gặp những người bạn xấu và không biết tương lai sẽ đi về đâu.”

Khi đã “đủ lông đủ cánh,” chính ông Thi đã đề nghị con gái phải dọn ra ngoài, mặc dù ông bà rất nhớ con vì Tiffany là đứa con duy nhất. “Tôi nghĩ mình không nên ích kỷ cho bản thân, phải để nó có cuộc sống riêng của nó. Mặc dù con tôi là đứa sống tự lập từ nhỏ,” ông nói.

“Hồi Tiffany 2-3 tuổi, bác sĩ khuyên chúng tôi nên có đứa con thứ hai, vì bé bị một căn bệnh chỉ có 10% khả năng sống sót,” ông Thi tâm sự.

“Tôi đã trả lời bác sĩ rằng: nếu có đứa con nữa, thì khác gì là chấp nhận từ bỏ đứa con này? Tôi sẽ không làm vậy. Hoặc là có nó hoặc là không,” người cha già ngoài 70 tuổi kể về lý do vì sao ông bà chỉ có một đứa con. Có lẽ vì sự quyết tâm của ông mà cô bé đã khỏi bệnh một cách kỳ diệu.

Giờ đây khi đã trở thành một cô giáo dạy các em học sinh đang tuổi mới lớn, giống mình 18 năm về trước, Tiffany bày tỏ: “Tôi nói với học sinh của mình, nếu mình muốn bạn khác đối xử tốt với mình ra sao, hãy làm tương tự như vậy với họ. Nếu gặp ai ăn hiếp mình thì phải nói ngay với thầy cô và giám thị cũng như cha mẹ mình.”

Cô cho biết: “Luật pháp hiện nay đã thay đổi rất nhiều, chẳng hạn như bắt buộc nhà trường và thầy cô phải có trách nhiệm trước pháp luật để các học sinh không bị ăn hiếp. Có nghĩa là cha mẹ có thể kiện nhà trường nếu như con họ rơi vào tình cảnh như tôi ngày xưa. Ngoài ra, một em học sinh bị ăn hiếp, nếu lỡ cầm dao tới trường tự vệ, thì có thể chỉ bị trường đó cho ngừng học một năm, chứ không phải bị ‘expel’ toàn học khu như vậy. Điều đó công bằng hơn, giúp ngăn chặn được vấn nạn bị ăn hiếp trong trường học hơn.”

Tiffany chia sẻ: “Tôi chọn nghề giáo viên vì tôi thích dạy học và muốn có một nghề thu nhập ổn định để sau này lo cho ba mẹ lúc tuổi già.”

Nghe được câu này từ đứa con trưởng thành, chắc hẳn cha mẹ cô rất hạnh phúc!

HÌNH:

– Bài thơ ông viết cho con gái Tiffany. (Hình: Nhân vật cung cấp)

– Lá thư của trường Orange Coast College cho thấy Tiffany là một trong 478 sinh viên đạt điểm tối đa 4.0 trong khi trường có 24,000 sinh viên. (Hình: Nhân vật cung cấp)

– – Tiffany cùng cha mẹ hạnh phúc trong lễ tốt nghiệp cao học ngành giáo dục tại đại học Chapman University. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay