Những Nén Hương Thắp Muộn Trên Đỉnh Tiền Đồn 5 – Phạm Tín An Ninh
Kỳ 2
Tháng 7/ 2019 trong dịp đến Úc Châu, Vinh cũng trình bày về cái chết của cha và ước mong được liên lạc với những người đồng đội cũ cùng đơn vị của ông ngày trước để được biết tường tận hơn về cái chết và địa điểm nằm xuống của cha mình. “Tờ trình ủy khúc” cũng đã thất lạc sau ngày mẹ Vinh qua đời.
Vinh được Luật sư Nguyễn Văn Thuần giới thiệu đến tôi, vì Thuần là người bạn đồng hương khá thân, biết tôi từng phục vụ gần mười năm ở Trung Đoàn 44 BB, đơn vị cuối cùng mà cha của Vinh, Thiếu úy Nguyễn Xuân Quang đã hy sinh. Vợ chồng LS Nguyễn Văn Thuần cũng là những người có nặng tấm lòng, tích cực hỗ trợ tổ chức “Ngọc Trong Tim”, gom góp yêu thương mang đến cho những người khuyết tật cùng các anh Thương Binh VNCH còn đang sống khốn khổ ở quê nhà.
Tôi liên lạc với Vinh qua điện thư, rồi qua điện thoại. Ngay sau khi biết rõ cấp bậc, tên họ và đơn vị cuối cùng của người đồng đội Nguyễn Xuân Quang, tôi liên lạc hỏi thăm một số bạn bè cùng Tiểu Đoàn 1/44 với anh Quang lúc xưa, được biết chắc chắn là anh Quang đã hy sinh tại Tiền Đồn 5 ở Kontum. Tôi nhớ ngay đến trận đánh tại địa danh này qua lời kể của Trung Tá Phạm Văn Như, lúc chúng tôi bất ngờ gặp nhau tại trại tù số 6 ở Nghĩa Lộ. Trung Tá Như là người may mắn sống sót nhưng bị thương và bị bắt làm tù binh trong trận này.
Tôi còn nhớ mang máng Tiền Đồn 5 nằm không xa, nhìn xuống con đường đất nối liền Kontum – Quảng Ngãi, lúc ấy bỏ hoang vì chiến tranh, nhưng không biết ở quãng nào, thuộc địa danh nào, hơn nữa thời gian đã quá lâu, hơn 45 năm rồi, có biết bao biến đổi. Tôi tìm cách liên lạc với một số sĩ quan thâm niên ở Tiểu Khu Kontum, may mắn gặp một anh đồng hương với vợ tôi, trước kia anh là Đại úy Chi Đoàn Trưởng Chiến Xa M-48, vì phản đối một khẩu lệnh hành quân của cấp chỉ huy mà anh cho là vô lý, chắc chắn sẽ đưa Chi đoàn của mình vào sa lầy, thảm bại, như trường hợp một chi đoàn bạn, anh bị kỷ luật, cho ra khỏi binh chủng, chuyển về Tiểu Khu Kontum giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn ĐPQ.
Anh đã từng đóng quân tại Tiền Đồn 4, Tiền Đồn 5, và giữa tháng 10/1974, đơn vị anh bị địch quân tràn ngập ở Chương Nghĩa, anh bị bắt làm tù binh, khi ấy anh vừa được thăng cấp Thiếu Tá hơn một tháng. Anh ngồi vẽ lại vị trí Tiền Đồn 5 cho tôi, và để bảo đảm chính xác hơn, anh gọi cho một anh trung úy, đại đội trưởng dưới quyền của anh lúc xưa, là người Kontum và cũng đã từng đóng quân một thời gian dài tại Tiền Đồn 5. Trí nhớ anh bạn này rất chính xác.
Tôi liền viết một điện thư khá dài cho Vinh :
“Hai hôm nay, chú đã liên lạc với chú Sơn, chú Khanh (ở cùng Tiểu Đoàn 1/44 với ba cháu) và vài người khác, đã tham dự các trận chiến trong cùng thời gian, cùng và chung quanh địa điểm mà ba cháu đã hy sinh, đặc biệt trong số này có người từng sinh ra, lớn lên và đi lính tại Tiểu Khu Kontum.
Đến hôm nay chú và chú Sơn, chú Khanh đã có được một số chi tiết tương đối chính xác về trường hợp hy sinh của ba cháu.
Ba cháu hy sinh tại Tiền Đồn 5 (khác với Căn Cứ 5 ở Tân Cảnh). Tiền đồn này nằm bên con đường từ Kontum đi Quảng Ngãi (lúc ấy bỏ hoang, không sử dụng từ lâu vì chiến tranh), bây giờ là Quốc Lộ 24.
Tiền Đồn 5 này nằm cách Thị Xã Kontum khoảng 15 km, gần khu vực Kon Xom Luh, giữa 2 địa danh có tên Kon Cha Re và Kon Se Tieu (không tìm thấy tên trên Google Map, có lẽ vì hai địa danh quá nhỏ).
Đặc biệt, tại Kon Xom Luh hiện có nhà thờ Kon Xom Luh.Nếu có dịp đến Kontum, cháu tìm đến nhà thờ này hỏi thăm các vị linh mục, nhờ quí ngài chỉ giúp, hay hỏi thăm người dân địa phương (lớn tuổi) Kon Cha Re và Kon Se Tieu nằm ở đâu.
Riêng ngày mất của ba cháu, chú nghĩ trong khoảng 15 đến 30 Tháng Sáu, 1974, nhưng chú Sơn và chú Khanh đang tìm hiểu từ những bạn bè có tham dự trận đánh ấy, để cho cháu một ngày chính xác hơn.
Tiếc quá, nếu cháu còn giữ ‘giấy báo tử’,lúc ấy được gọi là “Tờ Trình Ủy Khúc”, dành cho người mất tích (Lính hy sinh nhưng không tìm thấy xác đều gọi là mất tích), trong đó có ghi rõ ngày giờ và đặc biệt là tọa độ (địa điểm chính xác nhất) nơi ba cháu hy sinh.
Thời gian đã quá lâu, mọi sự đã thay đổi, các dấu tích chiến tranh và cả xương thịt những người lính hy sinh, chắc cũng không còn. Tuy nhiên tất cả đều để lại trong lòng những người còn sống như các chú và nhất là cháu, những vết thương khó lành cùng với một nỗi hoài niệm khó nguôi.
Các chú xin được thành tâm chia sẻ về sự mất mát và nỗi buồn lớn lao này của cháu và cầu nguyện ơn Trên che chở và giúp cháu tìm lại được những điều mà cháu từng mong ước…”
Vinh nhận được email này của tôi lúc đang trên đường ra phi trường Sydney để rời Úc trở về lại Việt nam. Vinh chỉ kịp gởi cho tôi vài hàng tin nhắn qua Viber:
-Cháu sẽ lên Kontum ngay sau khi về lại Việt nam, cháu sẽ làm theo lời hướng dẫn của chú. Có gì cháu sẽ gọi chú qua Viber.
Trời đã không phụ lòng những con người hiếu thảo, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ được trái tim, đặc biệt đối với một tâm hồn không hề vướng chút bụi bẩn của một xã hội kim tiền, vô cảm, Vinh đã được tất cả mọi người giúp đỡ tận tình, từ các vị nữ tu, đến người lính Thượng miền Nam thuở trước và cả những người lái xe ôm nghèo khổ, tận tình hướng dẫn và giúp Vinh đến Tiền Đồn 5.
Vinh kể:
“Cháu đến chân núi của Tiền Đồn 5 là 11 giờ trưa ngày 28 Tháng Bảy, 2019. Lúc đó trời muốn mưa và mây phủ kín hết ngọn đồi của Tiền Đồn 5. Những ngọn đồi thấp hơn nằm chung quanh thì còn thấy thấp thoáng. Nhiều người dân nơi đó lo lắng cho cháu, khuyên không nên lên vì đường khó đi, nhưng lòng cháu lại cảm thấy rất nôn nóng, muốn đi liền ngay tức khắc.
Với sự giúp đỡ của người dân, hai thanh niên địa phương dùng hai chiếc xe gắn máy mà bánh xe phải ràng dây xích, một chiếc chở cháu, một chiếc chở đồ ăn, thức uống, hoa quả, bắt đầu leo núi.
Sau một tiếng leo núi bằng xe Honda qua nhiều đồi khác nhau, khi đến chân đồi của Tiền Đồn 5 thì không còn đường để xe gắn máy chạy nữa, nên cháu bắt đầu đi bộ, vừa đi vừa phải dùng rựa chặt cây mở đường. Sau 30 phút, cháu đến được đỉnh đồi của Tiền Đồn 5.
Những bao cát dùng làm chiến hào bị rách nát, vài đế giày bốt-đờ-sô vương vãi, những cục pin dẹp nằm chỏng chơ, những cọng kẽm gai phần chôn dưới đất, phần ló lên trên… là những gì cháu nhìn thấy trên khoảng đồi trống của Tiền Đồn 5. Cháu có cảm giác dấu tích trận đánh và âm thanh súng đạn năm nào vẫn còn hiển hiện, phảng phất nơi đây.
Nhìn những gì còn sót lại đó, cháu cảm thấy rất xúc động. Và thật lạ, là từ lúc lên đây sương mù đã phủ kín hết bầu trời, nhưng khi cháu lấy hoa quả bày ra và thắp bó nhang cho ba cùng các chú, các bác đã nằm lại nơi này, thì trời lại bỗng dưng ló nắng”.
Cuối cùng thì Vinh cũng đã đến được đỉnh Tiền Đồn 5, nơi mà xác thân Thiếu úy Quang, người cha thân yêu của Vinh đã nằm lại đó từ 45 năm trước, giờ chắc cũng đã tan cùng tro bụi.
Quỳ giữa đỉnh đồi vắng lặng, bàn tay trái duy nhất cầm chặt bó nhang, Vinh cúi đầu khấn vái hồn thiêng của cha và những người lính miền Nam đã chết cho quê hương và lý tưởng cao đẹp của mình. Bốn mươi lăm năm, đã trải qua biết bao chia lìa, khốn cùng, bi thảm, nhưng Vinh đã vươn lên, vượt qua những thử thách cay nghiệt nhất, để ngẩng cao đầu trong một xã hội mà cả gia đình mình từng là nạn nhân, luôn bị bên thắng cuộc cố tình xô đẩy ra bên lề xã hội, đến bước đường cùng, bởi một thứ hận thù không còn nhân tính.
Nhưng cuối cùng, nhờ dòng máu của người cha còn luân lưu trong huyết quản, Vinh đã chiến thắng. Không chỉ thắng được số phận của chính mình, mà cao cả hơn, cũng giống như cha mình và những đồng đội của ông, Vinh đã thắng được lòng người. Cái thắng xem chừng vinh quang và bất diệt nhất.
Vinh đã được mời lên nói chuyện ở các đài truyền hình, tọa đàm trong các buổi tu học tại các cơ sở Phật giáo trước hàng vài ngàn Phật tử, được ví như “Cây Xương Rồng Trên Cát”, nói chuyện trong các hội văn nghệ, văn học. Cuốn tự truyện “Ông Giáo Làng Trên Tầng Gác Mái” của Vinh được độc giả cả nước bình chọn là “Tác phẩm Xuất Sắc Nhất của năm 2018, với nội dung truyền cảm hứng và động lực nhất để sống và để cống hiến”. Vinh nhận được giải thưởng lớn,100 triệu đồng, và đã góp hết vào ngân quỹ của gia đình Hướng Dương.
Trong cuốn tự truyện của mình, Nguyễn Thế Vinh cho biết: “Chính những ngày tháng dạy học cho các trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật… đã làm nảy nở trong tôi ước mơ về một ngôi trường, cũng là mái nhà cho mấy đứa trẻ thiệt thòi ấy chui ra chui vào, vừa học chữ, vừa học làm người. Lũ trẻ và tôi sẽ dũng cảm bước đi trên con đường hướng tới tương lai bằng tinh thần tích cực và độc lập nhất”.
Một nhà phê bình đã viết về cuốn tự truyện của Vinh:
“Cuốn sách này kể cho bạn nghe chuyện đời của một “hạt bụi” ngát hương, hết sức hồn nhiên trong cõi trăm năm đi về. Sức sống của “hạt bụi” ấy có thể khiến những ai đang bị cuộc đời dồn ép hoặc thấy mình sắp bị đời xô ngã sẽ kiên cường đứng vững và chân thật mến yêu cuộc đời”
Một nhạc sĩ tên tuổi đã từng thổ lộ: “Một lời tử tế chưa đủ để nói về Vinh”.
Hầu hết học trò của Vinh đều bảo “Thầy Vinh là cha, là bạn và cũng là vĩ nhân”
Vinh dự trù sẽ tổ chức một buổi tưởng niệm và cầu siêu cho cha và những đồng đội của ông đã hy sinh trên ngọn đồi Tiền Đồn 5, vào dịp cuối năm hay Tết Nguyên Đán với sự đồng tế của các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo. Tất cả sẽ cùng thắp sáng lại trong tâm hồn một mùa Xuân, mùa của lòng biết ơn và hy vọng.
Vinh cũng nhờ các cơ quan truyền thông, báo chí và đồng đội của cha, giúp tìm cách thông báo đến thân nhân của những chú, bác đã cùng hy sinh với cha Vinh. Xin hãy liên lạc với Vinh để cùng tham dự buổi lễ tưởng niệm đặc biệt này. Người đầu tiên đã nghe được tiếng gọi của Vinh, một thanh niên hiện định cư ở bên Úc , chính là trưởng nam của cố Thiếu Tá Nguyễn Đức Vinh, sĩ quan liên lạc Pháo Binh của Tiểu Đoàn 233/PB cũng đã nằm lại trên Tiền Đồn 5 ngày ấy.
Điều may mắn là cậu ta còn giữ được “Tờ Trình Ủy Khúc” trong đó có ghi rõ ngày giờ và địa điểm chính xác nơi cha anh đã hy sinh: ngày 16 tháng 7 năm 1974, tại Tiền Đồn 5, Tọa độ AR 863-994. Những chi tiết mà cháu Nguyễn Thế Vinh cũng đang cần muốn biết. Sau đó Vinh cũng đã liên lạc được với con của Cố Thiếu Tá Dương Đình Chính ở Sài Gòn, và sẽ gặp một thuôc cấp cũ của ba Vinh ở Sông Mao, để có thể liên lạc với gia đình những tử sĩ khác.
Cuộc chiến đã kết thúc – dù trong tột cùng bất công và tức tưởi – nhưng mãi đến 45 năm sau, hơn nửa đời người, những người con mới tìm đến được nơi cha mình đã hy sinh, xác thân vùi chôn ở đó. Nhìn hình ảnh người con trai chỉ còn một cánh tay với những nén nhang thắp muộn trên ngọn đồi hoang vắng, điêu tàn, từng xảy ra bao trận chiến đẫm máu đồng đội, lòng tôi lắng xuống.
Hồi tưởng lại thời gian cuối cùng của cuộc chiến, tôi bỗng thấy đồng cảm, thấm thía với tâm trạng của người lính trẻ Paul Bäumer, nhân vật chính trong “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh” (All Quiet On The Western Front), tác phẩm viết về chiến tranh nổi tiếng của nhà văn Erich Maria Remarque, mặc dù câu chuyện đã xảy ra từ thời Đê Nhất Thế Chiến:
“Ngày tháng trôi qua. Mùa hè 1918 này là mùa hè đẫm máu và kinh hoàng nhất. Thời gian giống như những thiên thần đang bay lượn trên vùng hủy diệt một cách không thể hiểu nổi. Dường như ai cũng biết rằng chúng tôi sẽ phải thua trong cuộc chiến này. Nhưng rất ít ai nói ra điều ấy. Chúng tôi đang bị đẩy lui. Chúng tôi không còn đủ quân số, không đủ tiếp liệu, đạn dược để có khả năng phản kích sau cuộc tổng công kích này. Duy chỉ có các chiến dịch hành quân là còn đang tiếp diễn – và những cái chết sẽ vẫn còn tiếp tục…”
Chỉ có một điều khác biệt. Anh Paul Bäumer may mắn hơn chúng tôi, đối phương của anh dù là người không cùng một nước, nhưng chắc chắn không tàn ác và man rợ như kẻ thù đã chiến thắng chúng tôi, những người có cùng dòng giống nhưng không hề có trái tim người.
PHẠM TÍN AN NINH
Kỳ trước
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1058780504899609&id=335287627248904
==========
LỄ CẦU SIÊU VÀ CHIÊU LINH ĐÃ DIỄN RA TẠI TIỀN ĐỒN 5 VÀO NGÀY 26.12.2019
Trong hình, từ phải sang trái:
Chị Việt Ly (ân nhân về từ Mỹ)** – cháu Nguyễn Quang Minh (con của cố Th.tá Nguyễn Thạnh TĐT 280 ĐPQ) -Cháu Nguyễn Đức Hợp (con của cố Th. tá PB Nguyễn Đức Vinh) – cháu Nguyễn Thế Vinh – cháu Dương Đình Chinh ( con của cố Th.tá Dương Đình Chính)- anh Vũ Phương Điền + anh Yên (em của TS1 Vũ Phương Lâm – (Riêng con gái của cố Đại úy Nguyễn Văn Hiệp (ĐĐT/ ĐĐCH) thì không leo núi nổi, nên nhờ cháu Chinh cầm bài vị luôn.)