TIN AFGHANISTAN SAU NGÀY TALIBAN TRỞ LẠI 20-8

TIN AFGHANISTAN SAU NGÀY TALIBAN TRỞ LẠI 20-8

– Sân bay Kabul căng thẳng: Mỹ siết bên trong, Taliban chặn bên ngoài

– Thay đổi ở Kabul nhìn từ khách sạn: Đàn ông ngừng cạo râu, nhân viên nữ ‘biến mất’

– Hé lộ ‘tổng thống’, thể chế chính trị theo luật Hồi giáo Sharia khi Taliban nắm quyền

– G7 kêu gọi Taliban mở lối sơ tán dân khỏi Kabul

********

Sân bay Kabul căng thẳng: Mỹ siết bên trong, Taliban chặn bên ngoài

Hàng ngàn người ở Kabul đang tuyệt vọng tìm đường rời khỏi Afghanistan, trong bối cảnh lực lượng Mỹ siết chặt kiểm soát bên trong sân bay, còn các chiến binh Taliban chặn tất cả lối vào sân bay.

Hôm 19-8, lực lượng Taliban kêu gọi đám đông người Afghanistan đang chờ bên ngoài sân bay Kabul mau chóng rời khỏi, vì không muốn họ gặp nguy hiểm.

Theo Hãng tin Reuters, 12 người đã thiệt mạng ở bên trong và xung quanh sân bay kể từ ngày 15-8, ngày Taliban giành quyền kiểm soát Kabul. Các thủ lĩnh Taliban cho biết người chết là do bị bắn hoặc giẫm đạp lên nhau trong lúc hỗn loạn.

Theo báo New York Times, bạo lực diễn ra ngay bên ngoài lối vào chính của sân bay. Đám đông cố gắng tràn vào bên trong, nhưng lực lượng Taliban dùng gậy đánh trả, đôi lúc có tiếng súng vang lên.

Taliban nổ súng đẩy lui người dân bên ngoài sân bay Kabul – Nguồn: NY TIMES

Đám đông gồm nhiều gia đình có trẻ em tụ tập bên ngoài cổng chính của sân bay. Các chiến binh Taliban nổ súng chỉ thiên để trấn áp bớt đám đông hỗn loạn.

“Taliban đã bắn chỉ thiên, xô đẩy người dân, đánh họ bằng AK-47”, Hãng tin Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết.

Trên các con đường xung quanh sân bay, nhiều người dân Afghanistan tụ tập và chờ đợi, mong bắt được chuyến bay rời khỏi đất nước.

Binh sĩ Taliban đi tuần tra dọc đường tới sân bay. Tiếng súng nổ vang khắp đường phố để kiềm chế dân chúng.

Tại lối vào phía đông cổng chính, các chiến binh Taliban đứng canh gác trên các bức tường bê tông.

“Cổng này đã đóng. Chỉ người nước ngoài và người có giấy tờ mới được qua”, một tay súng Taliban nói với người dân.

HÌNH:

– Sơ đồ tình hình sân bay Kabul ngày 19-8 – Ảnh: NY TIMES

– Rất đông người dân Kabul tụ tập bên ngoài con đường dẫn tới sân bay – Ảnh: NY TIMES

– Họ ngồi chờ đợi một chuyến bay để thoát khỏi Afghanistan – Ảnh: NY TIMES

– Người dân e dè trước nòng súng của các binh sĩ Taliban – Ảnh: NY TIMES

– Một tay súng đứng trên bức tường bê tông bên ngoài sân bay kêu gọi người dân kiềm chế – Ảnh: NY TIMES

https://www.nytimes.com/…/kabul-airport-tailban…

********

Thay đổi ở Kabul nhìn từ khách sạn: Đàn ông ngừng cạo râu, nhân viên nữ ‘biến mất’

Hai ngày sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát, người Afghanistan đã quay trở lại làm việc, nhiều xe hơi hơn xuất hiện trên đường phố. Hành vi của mọi người bắt đầu thay đổi ở thủ đô Kabul.

Mới trước đó vài ngày, Taliban còn được xem là kẻ thù, nhiều nhân viên an ninh mặc đồng phục bảo vệ cả bên trong lẫn xung quanh khách sạn. Nay thì Taliban đang ở trong thành phố, họ trang bị súng và tùy ý mở cửa những chiếc xe.

Theo anh Malik Mudassir, phóng viên Đài BBC, tất cả các nhân viên nam tại khách sạn anh ở tại Kabul đã ngừng cạo râu.

Tất cả các nhân viên nữ đều “biến mất”. Tại quầy lễ tân, ở khâu dịch vụ buồng phòng, vệ sinh, tất cả đều không còn bóng dáng phụ nữ. Khách sạn cũng ngừng mở nhạc. “Tôi hỏi một nhân viên, người đó trả lời rằng: “Những người bạn” (PV – Taliban) đang ở đây vì thế không được có nhạc”.

Theo anh Malik Mudassir, tối 17-8, một nhóm 28 người đàn ông tự nhận là Taliban đến khách sạn nơi anh đang thuê phòng. Họ mang theo súng và yêu cầu được phục vụ đồ ăn. Các nhân viên của khách sạn rất lo lắng.

Quản lý an ninh của khách sạn nói với nhóm này: “Các anh thông cảm, chúng tôi cần bảo vệ nơi này. Bây giờ, bất kỳ ai cũng có thể mang súng và tự xưng là Taliban dù thực tế là trộm cướp. Vì vậy, phiền quý anh xác nhận ai thuộc nhóm mình, ai là Taliban và ai không. Các anh biết rõ hơn chúng tôi”.

Cuối cùng, tất cả những người đàn ông đều được ăn.

Trở về phòng mình, sau đó anh Mudassir đặt đồ ăn lên phòng nhưng khách sạn cho biết đoàn Taliban đã ăn hết sạch mọi thứ.

Ngày 17-8, Kabul có vẻ nhộn nhịp trở lại, xe cộ đông hơn ngoài đường, hàng quán mở cửa nhiều hơn, nhiều người quay lại các công việc hằng ngày.

Không có tin về các vụ bạo lực trong thành phố, không có tiếng súng nổ hay tiếng trực thăng, dù tiếng máy bay quân đội bay ở tầm cao thì vẫn có thể nghe được.

Sự hiện diện của lực lượng Taliban hiển nhiên là tăng. Các chiến binh đến từ nhiều nơi khác nhau ở khắp Afghanistan, tuy nhiên đa số đến từ tỉnh Logar ở phía nam thủ đô. Họ cho biết họ có mặt để đảm bảo trật tự.

Phóng viên BBC cho biết những người Taliban anh có dịp quan sát đối xử tử tế với người dân. Đôi khi họ còn hỏi thăm xem người dân có ổn không, có cần giúp đỡ gì không.

Khi hỏi thăm hai người bán rong ở trung tâm thành phố, họ giải thích với những người dân nghèo này rằng sự có mặt của Taliban hay Mỹ không có gì khác biệt.

Cũng theo BBC, hiện nay, có báo cáo cho rằng Taliban đã gây khó khăn cho những người muốn đến sân bay Kabul. Mặc dù khoảng 4.500 lính Mỹ đang kiểm soát sân bay nhưng tất cả các con đường dẫn đến các sân bay lại do Taliban kiểm soát.

Lực lượng này đặc biệt không cho người Afghanistan không mang theo giấy tờ đến sân bay. Nhưng ngay cả người có giấy tờ cũng gặp khó khăn.

Mỹ, Anh, Hà Lan và nhiều nước vẫn đang tiến hành công tác sơ tán người Afghanistan khỏi đất nước.

– Một chiến binh Taliban trên đường phố Kabul và hình ảnh phụ nữ trên các biển quảng cáo đã bị bôi đen – Ảnh: AFP

*******

Hé lộ ‘tổng thống’, thể chế chính trị theo luật Hồi giáo Sharia khi Taliban nắm quyền

Trước đây Taliban bắt phụ nữ phải mặc trang phục trùm kín mặt và thân người, che cả mắt, chỉ khoét những lỗ nhỏ để nhìn khi ra đường. Giờ đây chưa rõ quy định cụ thể, nhưng Taliban khẳng định không theo thể chế dân chủ.

Ngày 18-8, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Waheedullah Hashimi, một thành viên cấp cao của Taliban, tiết lộ có thể một hội đồng cầm quyền sẽ điều hành đất nước Afghanistan.

“Sẽ không có thể chế dân chủ nào cả vì nó không có bất kỳ nền tảng nào ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thảo luận về hệ thống chính trị sẽ áp dụng ở Afghanistan vì điều đó đã rõ ràng. Đó là (áp dụng) luật Hồi giáo Sharia” – ông Waheedullah Hashimi khẳng định trong cuộc phỏng vấn với Reuters.

Là người được tiếp cận quá trình ra quyết định của Taliban, ông Waheedullah Hashimi cho biết Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh tối cao của Taliban, có thể vẫn nắm quyền lãnh đạo về tổng thể.

Ông Akhundzada có thể sẽ nắm vai trò cao hơn người đứng đầu hội đồng cầm quyền. Người đứng đầu hội đồng cầm quyền là vị trí tương đương với tổng thống của Afghanistan.

“Có thể phó tướng của ông Akhundzada sẽ nắm vai trò tổng thống” – ông Hashimi thông tin.

Hiện nay, ông Akhundzada có 3 phó tướng, gồm Mawlavi Yaqoob, Sirajuddin Haqqani, và Abdul Ghani Baradar.

Ông Hashimi nói nhiều vấn đề liên quan tới cách điều hành đất nước Afghanistan của Taliban đều chưa được quyết định, nhưng khẳng định Afghanistan sẽ không theo thể chế dân chủ.

Thành viên cấp cao Taliban này cho biết ông sẽ tham gia một cuộc họp của các lãnh đạo Taliban trong tuần này để thảo luận về vấn đề điều hành đất nước.

“Các học giả của chúng tôi sẽ quyết định các bé gái có được phép đi học hay không. Họ sẽ quyết định phụ nữ nên mặc hijab (khăn trùm đầu và ngực), burqa (loại trang phục trùm kín mặt và thân người, che cả mắt, chỉ có một lớp lưới gồm những lỗ nhỏ để có thể nhìn xung quanh), hay chỉ mạng che mặt và mặc áo choàng abaya, hay thứ gì khác. Điều đó sẽ tùy thuộc các học giả” – ông Hashimi cho biết.

Theo đó, “99,99% người dân ở Afghanistan là người Hồi giáo và họ tin vào đạo Hồi. Khi bạn tin vào luật, chắc chắn bạn cần tuân thủ luật đó. Chúng tôi có một hội đồng gồm các học giả lỗi lạc. Họ sẽ quyết định cần làm gì”.

Trong video đăng ngày 18-8-2021, báo USA Today (Mỹ) chiếu lại một số hình ảnh cũ ở Afghanistan, trong đó có ảnh phụ nữ mặc burqa – Video: USA Today

Trước đó, tại một cuộc họp báo ở Kabul vào ngày 17-8, ông Zabihullah Mujahid, người phát ngôn chính của Taliban, nói phụ nữ sẽ được đi làm việc và học tập. Taliban cam kết sẽ tôn trọng quyền phụ nữ, nhưng phải trong khuôn khổ luật Hồi giáo.

Trong thời gian nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1996 – 2001, Taliban đã sử dụng luật Hồi giáo Sharia để điều hành. Họ không cho phụ nữ đi làm việc. Các bé gái không được đi học và phụ nữ phải mặc burqa khi đi ra ngoài.

Đôi khi những người vi phạm quy định sẽ bị cảnh sát tôn giáo của Taliban đánh đập ở nơi công cộng.

Hiện nay các nhà lãnh đạo phương Tây cho biết họ sẽ đánh giá Taliban dựa trên hành động – gồm cách đối xử với các bé gái và phụ nữ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo các nước không vội công nhận chính quyền mới ở Kabul và rằng phải đánh giá Taliban dựa trên hành động, thay vì lời nói của lực lượng này.

– Phụ nữ Afghanistan mặc burqa đứng cạnh một chiếc taxi ở Kabul vào ngày 31-7 – Ảnh: AFP

– Ông Waheedullah Hashimi (giữa), một thành viên cấp cao của Taliban – Ảnh: REUTERS

********

G7 kêu gọi Taliban mở lối sơ tán dân khỏi Kabul

Ngoại trưởng các nước nhóm G7 kêu gọi Taliban mở lối an toàn cho người dân sơ tán khỏi Kabul. Trong khi đó, biểu tình chống Taliban đã lan đến thủ đô của Afghanistan.

“Các bộ trưởng kêu gọi Taliban đảm bảo lối an toàn cho người nước ngoài và người Afghanistan muốn rời đi” – Hãng tin AFP dẫn tuyên bố đầu tiên của G7 về tình hình Afghanistan.

Nhóm này, bao gồm các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản và Canada, cũng hối thúc việc tìm kiếm giải pháp chính trị, hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan. “Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan đòi hỏi một phản ứng quốc tế” – G7 cho biết.

Lời kêu gọi đưa ra trong lúc các tay súng Taliban đang canh giữ tại các chốt kiểm soát làm gia tăng lo ngại lực lượng này có thể chặn người di tản.

Mỹ và các nước vẫn đang di tản hàng ngàn người từ sân bay ở Kabul sau khi thành phố này rơi vào tay Taliban ngày 15-8. Nhiều người vẫn đang đổ dồn về đây với hy vọng được sơ tán.

Ngày 19-8, Hãng tin Ariana của Afghanistan và một liên đoàn thể thao ở nước này xác nhận 1 trong 2 người rơi khỏi máy bay sơ tán trong đoạn video đăng trên mạng xã hội là 1 cầu thủ bóng đá trẻ.

“Zaki Anwari, cũng như hàng ngàn thanh niên Afghanistan, muốn rời khỏi đất nước nhưng đã rơi khỏi một chiếc máy bay của Mỹ và tử vong” – liên đoàn thể thao này cho biết.

Tại Kabul, cuộc biểu tình chống Taliban cũng đã lan tới thành phố này sau khi bùng lên tại một số thành phố. Trước đó, một số người đã thiệt mạng khi tham gia biểu tình tại Asadabad và Jalalabad.

Theo Hãng tin Reuters, Taliban đã kêu gọi đoàn kết và người dân không nên rời khỏi Afghanistan.

Dù vậy, một tài liệu mật của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho thấy Taliban đang tăng cường truy lùng những người từng làm việc cho Mỹ và NATO dù nhóm này đã cam kết sẽ không trả thù. Tài liệu, do Trung tâm phân tích toàn cầu Na Uy soạn thảo, cũng cảnh báo lực lượng này có thể nhắm vào cả những người nước ngoài ở Afghanistan.

Trong khi đó, cuộc đàm phán hòa bình giữa các quan chức Afghanistan với Taliban vẫn đang tiếp diễn.

Phó tổng thống Afghanistan Fawzia Koofi, một đàm phán viên với Taliban, cho rằng việc Mỹ rút đi quá sớm đã gây bất lợi cho cuộc đàm phán. Theo bà Koofi, nếu Mỹ ở lại thêm 1 tháng có thể kết quả sẽ khác.

“Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có thể hoãn việc rút quân, thậm chí chỉ một tháng thôi, để chờ một thỏa thuận chính trị. Họ có thể đã có một thỏa thuận” – bà Koofi nói.

Trước đó, ông Biden đã nói các binh lính Mỹ có thể ở lại lâu hơn thời hạn rút quân là 31-8 để đảm bảo mọi công dân Mỹ được sơ tán khỏi Afghanistan.

– Một nhóm người chờ lên máy bay sơ tán ở Kabul, Afghanistan, ngày 18-8 – Ảnh: REUTERS

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay