Có ai biết xin trả lời giúp?

May be an image of 1 person, standing, temple and outdoors

Nhà Báo XHCNVN mà còn không trả lời được thì chỉ còn các quan nhớn XHCN… Nhưng chúng cui rúc gầm giường hết rồi, kể cả Tổng Lú…

***

Có ai biết xin trả lời giúp?

Nhà báo Đức Liên

LTS: Đây là bài tường trình đăng trên Facebook của một cựu nhà báo, giảng viên ngành báo chí ở Sài Gòn- ông Nguyễn Đức Liên- về cuộc chạy cấp cứu của chính bản thân vào đêm hôm qua, Thứ Hai 16 Tháng Tám. Cuối ‘bản tường trình’, ông Liên đã phải thốt lên: “Xin các quan ở thành phố thử một chuyến vi hành đến phòng cấp cứu giữa trời mưa gió và giữa mùa dịch”!

Điều tôi lo lắng trong trường hợp phải đi cấp cứu giữa tình trạng giới nghiêm và dịch bệnh, rốt cuộc đã xảy ra cho chính bản thân tôi vào chiều tối qua 16 Tháng Tám, ngay sau giờ giới nghiêm có hiệu lực. Thiệt lòng mà nói, dẫu có bình tĩnh cách mấy, tôi cũng không thể không sốc khi tận mắt chứng kiến, nhìn thấy khung cảnh đầy nguy cơ ở các phòng cấp cứu!

Hai cha con tôi đã lần lượt đến các bệnh viện (BV): 175, Hoàn Mỹ, An Sinh, Phú Nhuận và Bình Dân giữa Sài Gòn vắng lặng vì giới nghiêm và trong cơn mưa tầm tã. Nhà gần BV 175, xe tôi chạy đến đây trước, nhưng trình bày của tôi không hề lay động trái tim sắt đá của nhân viên bảo vệ cổng BV 175 trên đường Nguyễn Thái Sơn, với lý do không tiếp nhận là BV đang diệt khuẩn bên trong.

May là có xe nhà, hai cha con tôi vội chạy đến BV tư nhân Hoàn Mỹ. Tôi bước xuống xe vào phòng cấp cứu giữa cơn mưa. Các nhân viên y tế đang tất bật trong trang phục bảo hộ y tế trùm kín. Nhân viên phòng cấp cứu ở đây hỏi tôi bệnh gì và dọa luôn: Anh có chấp nhận rủi ro khi bị lây nhiễm trong lúc cấp cứu, vì toàn là bệnh nhân F0? Anh sẽ không có quyền khiếu nại về sau.

Tôi đứng chờ giữa mưa, không nghe tiếng sét đánh từ không trung, mà nghe sét đánh sát lỗ tai mình. Tôi thấy quá nhiều bệnh nhân cấp cứu, covid có, bệnh khác có, rất đông nên phải xếp hàng, giữ khoảng cách an toàn. Anh nhân viên y tế BV Hoàn Mỹ đã quên tôi còn đứng đó để chờ lời vàng ngọc của anh. Anh ta tiếp tục hỏi các bệnh nhân khác… Tôi tự biết thân phận bèo bọt lúc này và tự tìm BV khác cứu thân.

Xe tôi chạy nhanh qua BV An Sinh, ở đây tôi được tiếp đón ân cần, chu đáo từ cổng vào, có lẽ là một bác sĩ trực tiếp khám sàng lọc bên ngoài. Trong trang phục bảo hộ y tế trùm kín, anh bác sĩ trực hỏi sơ qua tình trạng sức khỏe tôi, đo thân nhiệt và bảo chờ anh gọi điện vào phòng cấp cứu xem có thể tiếp nhận hay không. Sau khoảng 10 phút, được đồng ý, tôi đi bộ vào phòng cấp cứu. Nhưng vào tới phòng cấp cứu, tôi bất ngờ khi tất cả giường lưu bệnh đều đông kín. Một nhân viên y tế nói nhanh, phòng cấp cứu đang nhiều ca là FO, anh cẩn thận! Và sau đó gợi ý tôi nên chạy sang BV Phú Nhuận!

Tôi không cách nào khác, ngoan ngoãn nghe lời đi tìm “ánh sáng cuối đường hầm” ở BV Phú Nhuận. Đến cổng BV Phú Nhuận, tôi đã mệt lã người. Một nữ nhân viên y tế từ phòng cấp cứu không cho tôi bước đến gần và bảo đứng bên ngoài chờ gọi bác sĩ. Vài phút sau, một bác sĩ trong phòng cấp cứu bước ra đứng nguyên đó (tôi không thấy bác sĩ, y tá mặc trang phục bảo hộ y tế như hai BV trước), giữ khoảng cách với tôi, hỏi han vài câu. Rồi bác sĩ này nói, ở đây không nhận cấp cứu cho anh vì đang có bệnh nhân là F0. Đó là một cách từ chối, không thể nói gì thêm. Tôi ngạc nhiên, sao phòng cấp cứu ở BV Phú Nhuận có ca F0 mà từ y tá đến bác sĩ chỉ khoác áo blouse như bình thường?

Tôi gần tắt hy vọng. Hai cha con tôi bắt đầu tìm gọi các mối quan hệ, quen biết từ danh bạ điện thoại. May quá, trong lúc tưởng chừng như “tiêu”, tôi nghe cuộc gọi lại từ bác sĩ Trịnh Minh Quân, BV An Sinh, hai cha con tôi mừng hết cỡ. BS Quân bảo, anh quay lại BV, em cấp cứu cho anh (may là tôi và Quân từng quen biết và giữ liên lạc). Tôi lập tức trở lại BV An Sinh và chờ đợi, do Quân đang cấp cứu các bệnh nhân khác… Rồi tôi đã được bác sĩ Quân ra tay cấp cứu trong niềm hy vọng cuối cùng, giữa lúc tôi không còn khả năng kéo dài sự chờ đợi lâu hơn. Sau khi kiểm tra, cấp cứu nhanh, bác sĩ Quân cho toa mua thuốc và dặn dò tôi cách tự bảo vệ khi về nhà và phòng hờ tình huống xảy ra trong tuần tiếp theo. Tôi chỉ kịp vài câu cảm ơn để bác sĩ Quân tiếp tục ca trực.

Cha con tôi chạy từ BV An Sinh để ra BV Bình Dân, vừa tìm chỗ mua thuốc, vừa xem tình hình cấp cứu ở BV Bình Dân thế nào. Suốt tuyến đường Ba Tháng Hai, Điện Biên Phủ không bóng người, xe tôi chầm chậm qua BV Bình Dân trong nỗi lo khi không thấy cổng BV mở, không thấy dấu hiệu BV đang hoạt động!

Từ đường Điện Biên Phủ về đường Hai Bà Trưng, tìm các nhà thuốc tây, tất cả đều tắt đèn khóa cửa. Trên đường về, tôi tranh thủ gọi điện thoại nhờ tư vấn của bác sĩ Pham Diep Thuy Duong, một người bạn thiện nguyện, tư vấn, và động viên tôi. Gần đến nhà, tôi gọi lại cuộc cuối cho bác sĩ Phú ở BV 175, cũng được Phú tư vấn cách xử lý khi về nhà và dặn tôi uống thuốc ngay. Nhưng, các nhà thuốc tây quanh BV 175 đều không mở cửa!

Tôi về nhà trong sự lo lắng, không thể mua thuốc theo toa, người nhà phải tìm thuốc còn trong tủ thuốc gia đình. Tôi lại gọi bác sĩ Thuy Dương và hỏi, thuốc hiện có, có thể dùng tạm không, nghe bác sĩ trả lời ok, cả nhà tôi thở phào. Tôi đã qua khỏi nguy kịch nếu không được cấp cứu, và tư vấn qua điện thoại của các BS thân quen…

Tôi may mắn, nhưng tự hỏi nếu đêm qua, không phải là tôi, mà là một người nghèo, người yếu thế trong xã hội, không thể có phương tiện đi lại giữa đêm hôm mưa gió, trong giờ giới nghiêm, không một ai quen biết, thân cô thế cô, liệu thân phận họ sẽ thế nào và ai sẽ lên tiếng dùm họ giữa lúc tuyệt vọng? Nếu không quen biết, đêm qua tôi e bệnh mình đã trở nặng… không thể ngồi viết status như bây giờ.

Xin các quan ở thành phố thử một chuyến vi hành đến phòng cấp cứu giữa trời mưa gió, giữa mùa dịch. Và xin các quan hãy nghĩ cách, làm sao đi mua thuốc chữa bệnh trong khi nhà thuốc tây không hoạt động sau 18 giờ tại các nơi tôi kể ở trên!

Có ai biết xin giúp tôi câu trả lời?

Nhà báo Đức Liên (ảnh: từ facebook Duc Lien Nguyen)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay