S.T.T.D Tưởng Năng Tiến –  Ơn Nghĩa

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

19/02/2024

Ngày 11 tháng 11 năm 2018, báo Nhân Dân trang trọng loan tin: “Lễ kỷ niệm 100 năm ngày ký Hiệp ước đình chiến kết thúc cuộc chiến tàn khốc trong lịch sử nhân loại, đã diễn ra tại Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Elysée ở trung tâm thủ đô Paris. Tham dự sự kiện này có 72 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia.”

Tui lấy kính lúp xăm soi hoài nhưng không thấy mặt mũi của “lãnh đạo quốc gia” Việt Nam đâu ráo trọi. “Đại diện của dân tộc” này cũng khỏi có luôn, theo như lời phàn nàn của nhà báo Lưu Trọng Văn:

“Gã ngạc nhiên tại Paris trong lễ kỉ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến lần thứ Nhất đại diện của dân tộc gã không được mời. Ngài tổng thống Pháp đã mời vua Ma rốc và lãnh đạo một số nước Bắc Phi để tri ân nhưng đã quên rằng giành lại hoà bình và độc lập cho nước Pháp trong Thế chiến này có hơn 100.000 người VN của tổ quốc gã… Chua xót cho những hương hồn dân Việt!”

Khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt tôi vẫn chưa mở mắt chào đời nên không biết chi nhiều về những chuyện vào thưở đã xa lắc, xa lơ, hồi đầu thế kỷ XX. May là vừa đọc được một bài viết rất công phu (“Chiến Binh Gốc Việt Trong Lịch Sử”) của nhà văn Giao Chỉ:

“Khi Pháp thực hiện việc xâm lăng và cai trị Việt Nam (khi đó họ gọi là An Nam) để bình định thêm các thuộc địa và gây chiến với nhiều quốc gia khác, lực lượng binh lính người Việt được chiêu mộ để phục vụ cho mục đích chiến tranh này, dấu chân của họ đã in khắp các chiến trường Âu Phi. Không thể tưởng tượng con số thanh niên Việt trong 4 năm 1914-1918 đã có đến gần 100,000 ngưởi tham dự đại chiến thế giới lần I tại Pháp…

Thời kỳ đó thanh niên Việt Nam đi lính cho Pháp tham dự đệ nhị thế chiến dường như hiếm có các sĩ quan. Giỏi lắm chỉ là ông cai, thầy đội hay lên đến quan quản tức là thượng sĩ đã là cao cấp lắm. Riêng có trường hợp đại úy phi công anh hùng của quân đội Pháp là ông Đỗ Hữu Vỵ con trai của tổng đốc Nam Kỳ Đỗ hữu Phương.”

Wikipedia (tiếng Việt) cho biết thêm:

“Trong số những phi công đầu tiên của Pháp xuất xứ từ Đông Dương được ghi nhận có Phan Tat TaoCao Đắc Minh, Felix Xuân Nha (Nguyen Xuan Nha), Đỗ Hữu Vị, nhưng Đỗ Hữu Vị được xem là nổi tiếng nhất. Vì vậy, chính phủ Pháp cho in hình ông trên con tem phát hành khắp Đông Dương, lấy tên ông đặt cho nhiều trường học, nhiều đường phố ở các thuộc địa và chính quốc.”

Đỗ Hữu Vị từ trần vào năm 1916, hơn trăm năm sau nước Pháp vẫn còn “trường học, đường phố” mang tên ông. Như thế – kể ra – trí nhớ của  dân Tây cũng không đến nỗi bạc bẽo gì cho lắm, như bác Lưu Trọng Văn vừa mới than phiền. Ít nhất thì nó cũng đến nỗi “bạc” như dân Ba Đình, Hà Nội. Họ xóa sổ liền đám Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ngay sau khi cuộc chiến Nam/Bắc vừa tàn.

Thân phận của những cán binh miền Bắc, hay còn gọi là lính bác Hồ, cũng không khác mấy:

“Lúc tôi tình nguyện vào Nam, số học sinh của cả bốn lớp 10 của trường chúng tôi vào chiến trường khoảng 120 người, vậy mà chỉ 2 người may mắn sống sót, là tôi và một người nữa. Tôi thì bị bom làm điếc tai bên phải; người còn lại là cậu Lương thì bị cụt một tay và trở nên ngớ ngẩn. Tất cả những bạn khác của tôi không ai sống sót. Khi tôi đi tìm mộ của những bạn đã chết, tôi mới biết, trong những trận đánh mà bộ đội miền Bắc thua, thì người ta xóa sạch dấu vết và tên tuổi liệt sĩ không được ghi lại. Họ giải thích rằng dân tộc ta là dân tộc anh hùng phải chiến thắng quân thù, nhưng trận này chưa thắng cho nên không thể kiểm kê các liệt sĩ được. Cho nên hàng trăm người chết dưới đáy hồ, dưới đáy vực mà hoàn toàn không ai tìm được tung tích.” (Đinh Quang Anh Thái. “Giọt Nước Mắt Người Phụ Nữ Bên Thắng Cuộc.” Ký 2. Người Việt Books: Westminster, CA 2018).

Chế Lan Viên cũng ghi lại cái tâm cảm (gần) tương tự:

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30 …
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!

Rải rác trên Đường Mòn Hồ Chí Minh, theo G.S. Nguyễn Văn Lục: “Người ta phỏng đoán có khoảng 300.000 vừa là TNXP, vừa là cán binh bộ đội đã đào ngũ hay mất tích hoặc chấm dứt đời sống. Bệnh tật như kiết lỵ, sốt rét đã nhanh chóng hoàn tất cuộc đời của họ mà có thể chưa một ngày lâm trận. Thân xác chỉ còn là những bộ xượng lụi tàn, nằm chờ chết như một niềm an ủi cuối cùng.”

Nhặt nhạnh lại số hài cốt vương vãi khắp nơi, khi đất nước tôi không còn chiến tranh, là việc của những mẹ già lên núi tìm xương con mình hay của những … nhà ngoại cảm, những liên lạc viên (không khả tín gì cho lắm) giữa cõi âm và cõi dương – ở VN.

Trong cuộc chiến kế tiếp thì con số tử sĩ và thương vong “nhẹ nhàng” hơn. Theo Đại tá Phạm Hữu Thắng, chuyên gia về Campuchia thuộc Viện Lịch Sử Quân Sự, con số binh sỹ Việt Nam thiệt mạng là gần bốn chục ngàn người. Ông cũng khẳng định: “Trong tay tôi có con số thống kê của ngành Quân y, Tổng cục Hậu cần, số thương vong trong mười năm, cả bị thương và hy sinh là hơn 156.000.”

Trao đổi với BBC, trong cuộc tọa đàm hôm 25/9/2014, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy đưa ra một số liệu khác: “Những con số đưa ra hiện nay cũng chưa chính xác lắm… Nhưng người ta nói khoảng 55.000 binh sỹ, tức là bộ đội cộng với thanh niên xung phong Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Campuchia thời gian đó.” Đây là “cuộc chiến bị lãng quên” (theo như cách nói của nhà báo Kevin Doyle ) nên – thực ra – cũng chả ai bận tâm chi nhiều đến hậu quả của nó, xá chi đến những bọ xương khô hay những thân xác bị tàn phế.

Kế tiếp nữa là chiến tranh biên giới Việt/Trung. Nó không “bị” nhưng “buộc” phải lãng quên, như cách nói của FB Hồ Hữu Hoành: “ Không có lấy bất cứ một bài học, một nội dung về nó trong sách giáo khoa, từ tiểu học cho đến đại học. Đã có thời, nhắc đến nó cứ như nói chuyện húy kỵ, đụng đến nhà vua… không dân tộc nào đau thương và đầy kinh nghiệm với chiến tranh như Việt tộc. Nhưng không có dân tộc nào, mà những kẻ ở thượng tầng sẵn sàng xóa bỏ lịch sử, kiến tạo một sự thật khác, như ở dân tộc này.”


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tuổi Rồng

Báo Đàn Chim Việt

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng.

Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”

Hổng dám “cao” đâu! Phạm Viết Đào, Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành đều nhâm thìn hết trơn đó chớ nhưng hậu vận – rõ ràng – lận đận (thấy bà luôn) chớ có “tốt đẹp” hay “hạnh phúc” khỉ mốc gì đâu. Cả bốn ông đều đã (hoặc đang) trong hộp!

FB Lê Văn Sơn cho hay:

“Vào buổi sáng … ngày 23/5/2020, nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy bị nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đang khám nhà và đọc lệnh bắt giam. Ông Thụy là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập.

Nhà văn Phạm Chí Thành, có bút danh là Phạm Thành, người gốc Thanh Hóa, sống tại Hà Nội. Thường biết đến như là chủ trang blog Bà Đầm Xòe đã bị cộng sản Hà Nội bắt giam ngày 21/5/2020 với cái gọi là ‘Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 117 BLHS 2015.

Trước đó, vào ngày 23/4/2020, nhà thơ Trần Đức Thạch, người Nghệ An bị bắt với cái gọi là ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 109 Bộ luật hình sự.

Có một vài điểm chung của 3 nhà yêu nước, các ông đều sinh năm 1952. Ông Thụy, ông Thạch là cựu chiến binh. Ông Phạm Thành từng giữ chức vụ thư ký tòa soạn của Đài phát thanh Việt Nam.”

Thực ra thì chả riêng gì ông Thụy, với ông Thạch mà cả bốn ông đều đã từng là cựu chiến binh ráo trọi. Sau một cuộc chiến tương tàn, họ mới (chưng hửng) nhận ra rằng chống Mỹ chả cứu được ai mà chỉ để dọn đường cho Tầu xâm lược Việt. Tệ hơn nữa là sau tháng 4 năm 1975 thì cả hai miền – Nam/Bắc – đều bị đặt dưới sự thống trị của một tập đoàn lãnh đạo bất xứng, bất tài, ngu dốt, tham lam, và lệ thuộc ngoại bang.

Bởi thế nên sau khi buông súng thì Phạm Viết Đào, Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành cầm bút. Chính ngòi viết, và những vấn đề thường được xuyên được họ đặt ra (chủ quyền đất nước và vô số những bất cập của chế độ hiện hành) đã khiến cả bốn đều bị bắt giam, chứ chả phải vì tuổi rồng hay tuổi rắn gì đâu.

Mà rồng rắn, nói nào ngay, cũng có này con nọ. Hanh thông hay lận đận còn tùy vào thái độ sống của từng người. Xin đan cử một thí dụ, một con rồng khác (Nguyễn Thế Thảo) để rộng đường dư luận.

Theo Wikipedia: “Ông sinh ngày 21 tháng 3 năm 1952, nguyên quán tại xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ông là Kiến trúc sư tốt nghiệp tại Ba Lan, Tiến sĩ Kinh tế và Lý luận Chính trị cao cấp… là một cựu chính khách Việt Nam. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IXX và XI, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ (2007 – 2015), Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI và XII, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh… Sau Đại hội XII năm 2016 ông nghỉ hưu.”

Tuy sinh cùng thời và cùng nơi nhưng Phạm Viết Đào, Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành đều đi vào nơi lửa đạn còn Nguyễn Thế Thảo thì đi du học. Thảo có đủ thử bằng cấp, kể cả bằng Tiến Sỹ Lý Luận Chính Trị (và đại biểu quốc hội nhiều khóa) nhưng không bao giờ mở miệng trước mọi vấn đề cấp thiết của đất nước: Bauxit, Vinashin, Formosa, Giàn Khoan …

Lần duy nhất ông đã lên tiếng (vào hôm 13 tháng 7 năm 2012) là để phê phán những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, và cáo buộc những người người tham gia khiếu kiện về đất đai là gây phức tạp an ninh – trật tự.” Tuy “kín tiếng” nhưng Nguyễn Thế Thảo lại có nhiều sáng kiến và hành động thì vô cùng quyết liệt.

Ông là tác nhân chính trong vụ đốn hạ 6700 cây xanh (trên 190 tuyến phố ở Hà Nội) và chính là tác giả của những vở kịch “cắt đá” hay “múa đôi” vẫn được trình diễn hằng năm, cho mãi đến hôm nay. Cứ đến ngày 17 tháng 2, khi người dân Hà Nội đến trước tượng đài Lý Thái Tổ để tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ biển đảo và biên giới (Việt /Trung) thì thế nào cũng có những màn ca vũ … “tự phát” để giúp vui cho thêm phần … rôm rả!

T.S Nguyễn Xuân Diện có nhận xét rằng Nguyễn Thế Thảo “đã để lại một nhiệm kỳ tồi tệ và không có một di sản gì đáng kể.” Nhà báo Trương Duy Nhất thì có cái nhìn hơi khác. Theo ông dấu ấn đậm nét nhất mà Nguyễn Thế Thảo lưu lại trong lòng người Hà Nội là hình ảnh “một con rắn khổng lồ, án ngữ trên tầng trung tâm của Thủ đô: tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.”

Chắc hẳn là ông Nguyễn Thế Thảo không bận tâm chi nhiều về dăm ba điều tiếng eo sèo thượng dẫn. Điểm chính là là ông đã hạ cánh an toàn và sẽ có một cuộc sống phú túc, an nhàn, và dật lạc – thế thôi. Thế mới biết hậu vận của chúng ta không tùy vào tuổi tác mà tùy vào cách ứng xử của từng người. Kẻ đốn cây, người đốn chữ. Kẻ ngồi mát ăn bát vàng và kẻ ngồi tù đếm lịch.

Và hậu vận đất nước cũng tùy thuộc không ít nhiều vào hậu vận của con dân. Xứ sở càng nhiều những con rồng vinh thân phì gia nhờ cõng rắn thì tương lai đất nước càng khốn nạn.


 

 Chiêu Nam Đảo những ngày cuối năm- Tưởng Năng Tiến

 Báo Tiếng Dân

Tưởng Năng Tiến

5-2-2024

Khoảng cách từ Kuala Lumpur đến Singapore, có lẽ cũng chỉ bằng đoạn đường Sài Gòn/ Đà Lạt là cùng. Bởi vậy thay vì chạy ra phi trường, tôi phóc đại lên một cái xe đò cho nó đỡ hao xu.

Chuyến đi tuy hơi lâu nhưng thú vị. Đã quen với những con đường chật hẹp của Cambodia, hoặc lỗ chỗ ổ gà (cùng với bụi mù) của Myanmar nên quốc lộ thênh thang và phẳng lì ở Malaysia khiến tôi ngạc nhiên không ít.

Trông cũng tân kỳ y như hệ thống freeway của California vậy. Chỉ có điều khác là xe lao vun vút qua những cánh rừng nhiệt đới thâm u, hoang dại, hay những rừng kè ngút ngàn mà nhìn từ trên không tôi cứ ngỡ là dừa.

Tuyệt nhiên không thấy bóng một cha nội cảnh sát, hay công an giao thông nào ráỏ nhưng có BOT. Qua ba trăm km đường dài, tài xế phải trả phí hai lần – mỗi lần 5 RM, gần 2 USD – nhưng họ cà thẻ nên không có cái vụ đếm tiền lẻ, và dựng bảng “Cấm ngừng quá 5 phút” như ở quê mình.

Tính ra thì cứ trung bình 100 km quốc lộ thì giới xe đò phải trả thêm cho nhà nước Mã Lai thêm 65 xu (theo đơn vị Mỹ kim) dù đã đóng thuế lưu hành. Tuy nhiên, số tiền phụ thu này đã được chi dùng hết sức đàng hoàng và rõ ràng nên không có gì để phàn nàn cả.

Quốc lộ rộng đến sáu làn. Dải phân cách mọc đủ thứ loài hoa nhưng tôi chỉ nhận ra được hoa phượng đỏ, chen lẫn với phượng vàng, và hoa giấy. Loài hoa này tuy không tàn nhưng trông có nét buồn buồn ngay từ khi vừa hé nhụy. Giữa nắng chiều vàng hanh mà nhìn mầu xác pháo thì ngay đến cả tôi – một anh già ham chơi và nát rượu – cũng thoáng chút bâng khuâng:

Mẹ cha ơi đừng đợi

Chiều nay con chưa về

Chị ơi thôi đừng đợi

Chiều nay em không về

(TNT – 1980)

Khác với ở Kuala Lumpur, phần lớn dân Singapore là người Hoa (hoặc gốc Hoa) nên Chinese New Year được chuẩn bị kỹ càng và rình rang hơn hẳn. China Town, tất nhiên, đỏ rực. Chùa Tàu mầu mè hoa hoè và khói hương nghi ngút đã đành; chùa Chà (kế đó) cũng trưng bày đèn lồng, cùng với hàng chữ chúc mừng –  “Wishing All A Happy & Properous Lunar New Year” – và cũng đông đúc tín đồ không kém.

Thế mới biết là người Ấn có một không gian tâm linh rất rộng, và rất “sính” chuyện hội hè đình đám. Tết Nguyên Đán lại hay trùng hợp với Lễ Hội Ngày Mùa (Pongal Festival) kéo dài đến bốn ngày của họ: Từ 14 đến 17 tháng Giêng.

Khác với Little Sài Gòn ở California, Little India ở Singapore lúc nào cũng lúc nhúc người. Bombay hay New Delhi, tôi đoán, chắc cũng đông đúc đến vậy là cùng. Ngó mà chóng mặt luôn.

Đã vậy, tôi còn lạc bước đến “thánh địa” này đúng vào lúc người ta đang làm lễ tạ ơn Mẹ Thiên Nhiên (Mother of Nature) hay Thần Mặt Trời (The Sun God) gì đó. Họ bày ra những cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy. Nguyên cả một tập thể người rồng rắn vừa đi vừa thực hành những nghi lễ truyền thống vô cùng lạ mắt, và hơi kỳ dị. Thêm cái đám du khách hiếu kỳ bao quanh, hay rùng rục theo sau, tạo nên cả một rừng người.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi có mặt ở Singapore nhưng chưa bao giờ thấy cảnh sát của Đảo Quốc này xuất hiện nhiều đến vậy. Dù vậy, họ phải vô cùng chật vật mới giữ cho đám đông không làm tắc nghẽn giao thông.

Đ… mẹ, ở Việt Nam mà tràn ra đường lễ lạc kiểu này thì chắc chết, chết chắc. Súng nổ như không. Những kẻ sống sót – tất nhiên – sẽ đều phải ra toà về tội “gây rối trật tự công cộng”, chớ chả phải chuyện đùa đâu.

Cái chính phủ của Đảo Quốc Sư Tử này rõ ràng đã không “quản lý” được cái đám dân ngụ cư (chỉ chừng vài trăm ngàn người) gốc Ấn. Dường như có sự tỷ lệ thuận giữa tự do dân chủ và phồn thịnh. Nhờ vào sự “buông lỏng quản lý” nên Singapore có lợi tức đầu người cao nhất, nhì thế giới, còn xứ sở của tôi thì ngược lại!

­Dù mới cuối tháng Giêng nhưng cái nóng nhiệt đới và cái đám đông hừng hực hơi người vẫn khiến tôi hơi ngột ngạt. Thay vì đón xe buýt, tôi vẫy taxi về nhà trọ cho nó đỡ phiền. Tôi về khu Đèn Đò Geylang nên bác tài nheo mắt:

– Đi kiếm gái hả?

– “Đang mệt thấy bà đây, gái với gú cái gì – cha nội?” Tôi chỉ nghĩ (thầm) vậy thôi chứ cũng ráng nhếch mép cười cho nó qua chuyện, khỏi phải giải thích lôi thôi. Đến tuổi tôi thì có lẽ không ai còn đủ can đảm cho một cú sexual adventure nữa. Đây là cách “phiêu liêu” hứa hẹn rất nhiều phiền toái mà (chắc chắn) cũng chả hứng thú gì.

Theo cách nhìn của những kẻ cầm quyền thì khu vực đèn đỏ nào cũng đều là nơi … phức tạp, cần phải được canh chừng. Với riêng tôi thì Khu Đèn Đỏ Quốc Tế Geylang chỉ là nơi tập trung của những cô gái kém may mắn nhất ở Đảo Quốc giàu sang này. Giữa một trung tâm thương mại phồn thịnh mà họ lại không có gì để bán, ngoài thân xác. Tôi cũng “đứng về phe nước mắt” nên chỉ quen sống kề cận với những kẻ bất hạnh mà thôi.

Không phải mọi phụ nữ Việt Nam trôi dạt đến Geylang đều làm gái cả. Không ít người vì tuổi tác, hay vì không đủ “vốn liếng trời cho” nên phải làm công việc nặng nhọc hơn, và lợi tức cũng khiêm tốn hơn nhiều. Họ đi bán giấy chùi miệng và lau tay.

Thực khách ở Singapore không ai cần giấy nhưng họ vẫn vui vẻ (và tế nhị) chia sẻ vài đồng tiền lẻ với những kẻ không may ở nước láng giềng, qua hình thức bán/ mua. So với dịch vụ xuất khẩu lao động rất nhiêu khê, tốn kém, phải cầm cố nhà cửa, và bị lường gạt đều đều thì “thương vụ” bán giấy (rất lương thiện này) quả một là phát kiến thần tình, rất đáng được hoan nghênh.

Điều đáng tiếc là đồng bào của tôi lại không được “hoan nghênh” mãi mãi – theo như ghi nhận của nhà báo Huy Phương:

Báo chí lại loan tin, những người Việt Nam, đồng bào của chúng ta, từ Sài Gòn đến phi trường Changi, Singapore, bị từ chối nhập cảnh, nói rõ ra là bị đuổi về.

Singapore là một trong 48 quốc gia mà người mang thông hành Việt Nam vào không cần thị thực, nhưng lần này mặc dù có đầy đủ giấy tờ tùy thân, nhiều hành khách Việt Nam, phần lớn là phụ nữ, vẫn bị nhà chức trách Singapore từ chối cho vào xứ của họ…

Chính quyền Singapore cũng không hề nói lý do họ không cho những người Việt này vào nước họ, nhưng cái lý do này thì những người trong cuộc, hay toàn thể ‘khúc ruột ngàn dặm’ trên khắp thế giới đều biết rõ, đều cảm thấy xấu hổ và đau lòng”.

Dân Tân Gia Ba, rõ ràng, đã oải. Họ không còn đủ kiên nhẫn và bao dung với những kẻ khốn cùng (không vốn liếng, không ngoại ngữ, không nghề nghiệp) cứ tiếp tục đến mãi từ một nước (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) láng giềng!

Thảo nào mà khác hẳn với hồi tôi đến khu đèn đỏ Geylang vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, bây giờ người Việt ở đây gần như chả còn ai cả. Đợi ngày mai đỡ  mệt, tôi phải đi kiếm đồng bào mình mới được. Có thể là những đứa cháu gái của tôi đã di chuyển qua một khu vực khác chăng? Chớ không lẽ tôi phải ăn tết mình ên ở Chiêu Nam Đảo hay sao? Mà Tết thì tới nơi rồi!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Chiều tảo mộ

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

06/02/2024

“Vừa rồi tôi có đi Tây Nguyên dự lễ bỏ mả của gia đình ông Y Ngông Niết Đam. Người Eđê có một tục lệ rất đặc biệt. Khi nhà có người chết, gia đình con cháu hàng ngày vẫn nuôi nấng, vẫn mang cơm nước ra mộ, khi có điều kiện họ làm lễ bỏ mả.

Đó là bữa tiệc linh đình chia tay vĩnh viễn với người chết. Sau đó họ không quan tâm đến ngôi mộ ấy nữa, để linh hồn người chết được siêu thoát, không còn vướng víu cõi trần.” (Trần Đăng Khoa. Chân Dung và Đối Thoại. Nxb: Thanh Niên, 1988).

Bãi mả, thực ra, không phải là “một tục lệ rất đặc biệt của người Eđê” mà là tập tục chung của nhiều sắc dân bản địa – ở Việt Nam:

“Đối với người Roglai – sắc dân sống rải rác các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và Lâm Đồng – lễ cúng bỏ mả có nghĩa là người sống từ giã người chết. Lễ này được cử hành sau mùa gặt hái đầu tiên, tính từ ngày người chết qua đời.

Mùa gặt hái hoàn tất, mọi người đều rảnh rang nên lễ cúng bỏ mả làm linh đình lắm. Có giết trâu mổ bò, mời thầy cúng làm lễ cho người khuất rồi đãi làng nước. Sau lễ bỏ mả là hết, ngôi mộ không được ai chăm sóc nữa.

Người Rhadé, đa số sinh sống tỉnh Darlac và Quảng Đức, cũng có lệ bỏ mả vào mùa gặt năm sau. Người nhà ra mộ khóc lóc một lần cuối rồi mộ bị bỏ hẳn. Kỷ niệm của người chết cũng chìm dần vào quên lãng.

Người Bahnar – sắc dân sống ở Đông Nam Kômtum, Tây Bắc Pleiku, và phía Tây Bình Định – cũng chỉ chăm sóc mộ phần một năm… Sau đó họ làm lễ tạ rồi san phẳng, và từ đây không còn ai ngó tới.” (Toan Ánh. “Tang Lễ Của Đồng Bào Thượng.” Nhật báo Cách Mạng Quốc Gia, Sài Gòn 01 Sept 1963).

Bỏ mả, hay bãi mả là điều bắt buộc trong nếp sống du canh. Tục tảo mộ hằng năm, chắc chắn, chỉ bắt đầu khi nhân loại tiến đến giai đoạn định canh. Còn tôi thì phải  mãi cho đến cuối năm 2014, mới được rủ đi tảo mộ (lần đầu) khi đang lơ ngơ giữa một chiều Xuân, nơi đất lạ.

Cái nắng của những buổi chiều cuối năm thường khiến tôi hay bị nặng lòng, dù ở bất cứ đâu. Nhưng phải trải qua một buổi chợ chiều, chợ tết, ở một làng quê nơi đất lạ thì mới hiểu ra thế nào là nỗi buồn xa xứ.

Dân Việt túm tụm dọc mé sông Tonle Sap, đoạn chảy qua xã Phsar Chhnang (tỉnh Kampong Chhnang) có thể đông đến vài ngàn. Tuy thế, cái đám người trôi sông lạc chợ nhếch nhác, te tua, rách nát này không tạo nổi không khí Tết cho khu chợ cạnh bờ.

May mà vẫn còn vài cái cặp đèn lồng đỏ, năm bẩy cây quất, và mấy chậu cúc vàng của những gia đình gốc Hoa nên hè phố trông cũng đỡ phần ảm đạm. Tôi cứ nhìn mãi một em gái nhỏ, đứng bán đôi cành mai đã héo mà không khỏi cảm thấy có đôi chút bận lòng.

Như mọi người Việt khác ở bến sông này, tôi cũng là kẻ phiêu bạt không nhà nên chả có chỗ để cắm hoa. Muốn biếu em một số tiền nho nhỏ, đủ để sắm sửa một bữa cơm chiều cuối năm tươm tất cho gia đình nhưng đang loay hoay chưa biết cách sao cho tế nhị thì chợt nghe tiếng đồng hương quen thuộc:

  • Sao ông thầy lang thang gì mình ên vậy ? Đi tảo mộ với tụi em nha, gần xịt thôi hà.

Thấy tôi hơi ngần ngừ, bà vợ rụt rè thêm:

  • Dạ, sẵn bữa nay có làm gà với mua được xị rượu để cúng nên mới dám mời ông thầy …

Nghe cách xưng hô thì tôi đoán là họ có con đang theo học ở trường làng Kandal, dưới bến sông. Không ai biết tôi tên gì cả, họ chỉ thấy ông già này thường lui tới ngôi trường này và hay chơi đùa với lũ trẻ con nên gọi tôi bằng “thầy” cho nó tiện việc sổ sách – thế thôi.

Phải nhìn thấy cảnh nuôi gà trên những túp lều nổi tả tơi, và những bữa cơm đạm bạc quanh năm (toàn với khô hay cá vụn nhỏ li ti) của những người suốt đời sống lênh đênh thì mới hiểu được rằng được mời ăn gà là một hân hạnh không thể chối từ – dù tôi chả mặn mà gì với gà và vịt!

May mà từ chợ đến nghĩa địa gần thật, chỉ chừng hơn cây số. Đang là mùa khô, nước rút nên mới lộ ra vài chục tấm mộ bia thô kệch và xấu xí. Chả ai sống qua tuổi sáu mươi. Khi còn tại thế (chắc) họ chưa bao giờ được giáp mặt với một ông nha sĩ, hay bác sĩ – dù chỉ một lần.

Sau khi thắp hương, nhổ cỏ, vun xới mộ phần, mọi người ngồi quanh chuyện trò ăn uống. Dường như ai cũng cảm thấy mãn nguyện vì đã làm xong chút bổn phận, cuối năm, với kẻ đã khuất.

Khó có thể ngờ rằng được đó là lần tảo mộ cuối cùng của cộng đồng người Việt ở xã Phsar Chhnang. Năm sau, từ Phnom Penh, thông tín viên Sơn Trung ̣(RFA) tường thuật: “Làng nổi của người Việt bị di dời… Theo thông báo của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang thì việc di dời sẽ được thực hiện từ ngày 10 tháng 10 và chấm dứt trước ngày 25 tháng 10 năm 2015.”

Tháng 10 thì Á Châu vẫn còn mưa, và mưa tầm tã. Bia mộ vẫn còn chìm sâu dưới nước. Với cái “thông báo” bất ngờ (và bất nhơn) trên thì chắc chắn không ai có cơ hội tạ mả, trước khi tiếp tục trôi xuôi theo kiếp lục bình.

Ở trời Âu, có những kẻ may mắn hơn nên được nằm yên mãi mãi trong những mộ phần và được thăm viếng thường xuyên:

“Tôi vào tiệm tạp hóa Tàu ở Luân Đôn mua một thẻ nhang ngắn rồi xuống Portsmouth, bắt phà qua Normandy… Bây giờ là mùa đông. Khi phà tiến gần vào bờ cho đến khi cặp bến Ouistreham nằm phía cực đông của bờ biển Normandy, trời còn rất tối. Sao Mai sáng long lanh, các ngọn đèn rải thưa quanh bến tàu, ánh sáng vàng đứng bóng, không hắt hiu…

Tôi đi bộ dọc bờ biển từ hướng đông, bắt đầu từ chỗ giáp mép biển của con kênh đào từ Caen (cách biển chừng 16 cây số). Cứ khoảng 100 thước, một tấm biển tưởng niệm, hình ảnh thế hệ các người lính thuộc binh chủng đã đổ bộ, và tên tuổi của một người lính tử trận ngày 6.6.1944…

Từ nơi này đi bộ hai cây số đến nghĩa trang đồng minh ở làng Ranville, ngôi làng đầu tiên trên đất Pháp được giải phóng sau khi người lính Dù chiếm giữ cầu Pegasus. Trên bản đồ là nghĩa trang của Anh, nhưng ở góc bên trái từ cổng vào có 330 bia mộ người lính Đức, chia cùng mảnh đất nghĩa trang với 2.235 người lính nhảy dù thuộc quân đội Anh, Úc, New Zealand, Bỉ, Pháp, Ba Lan…

Mỗi ngôi mộ người lính Đức đều có bia như các ngôi mộ của người lính đồng minh, tên tuổi, ngày sinh và ngày chết, chỉ khác là huy hiệu binh chủng được thay bằng dấu Thập tự Sắt. Dưới bầu trời xám đục, đài thánh giá trắng có hình cây kiếm mũi hướng xuống đất nổi bật ngay giữa nghĩa trang. Những linh hồn nơi đây không còn chiến tranh nữa. Kiếm đã cắm hay cất. Không có một chữ ‘hòa giải’ nào trong nghĩa trang chung này. Nhưng các bia mộ của người lính Đức và người lính đồng minh nằm bên nhau. Người sống không thù hận nên người chết yên lành.” (Hồ Đắc Túc. “Những Mộ Phần Bên Nhau”. Dân Luận 01/01/201̣9).

Cùng lúc với Hồ Đắc Túc, Ngô Thanh Tú cũng đi tảo mộ ở quê nhà (Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà) nhưng với tâm trạng hoàn toàn không thư thái:

“Cứ mỗi bước chúng tôi đi đều phải chịu sự giám sát của ít nhất hai bảo vệ nơi này. Ánh mắt soi mói, những câu hỏi vô duyên, như : chụp hình để làm gì? Có động cơ gì không? làm chúng tôi vô cùng khó chịu. Người bạn đi cùng tôi nói, dường như cái chủ trương truy cùng giết tận còn được áp dụng cho cả người chết. Chế độ này ko chỉ trả thù người chết mà còn sợ họ đội mồ sống dậy nên kiểm soát rất chặt chẽ.”

FB Từ Đức Minh cho biết thêm : “Với bản chất thú tính, bất chấp luân lý và tình người. Người Cộng Sản không cần biết thế nào là nghĩa tử, nghĩa tận. Họ chủ động giáo dục cho đám con trẻ gọi mộ người lính Việt Nam Cộng Hòa là ‘mả ngụy’, ‘mả giặc’. Người ta canh tác rau trên mộ, tưới nước phân dơ bẩn, thả trâu bò lội giẫm đạp lên mộ. Khốn nạn hơn nữa, họ cho người đào giữa ngôi mộ và trồng lên đó những cây to. Mấy năm sau cây lớn làm xập mộ…”

Người đang sống ở Lộc Hưng mà họ còn ủi cho xập nhà, xập cửa thì xá gì đến chuyện mộ bia ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà!


 

 Tây Nguyên, miền đất bất yên-Tưởng Năng Tiến

Ba’o Tieng Dan

Tưởng Năng Tiến

1-2-2024

Về binh nghiệp của Tả Quân Lê Văn Duyệt, Wikipedia tiếng Việt có ghi nhận sự kiện sau: “Năm 1808, lại sai Lê Văn Duyệt mang quân đến Đá Vách. Thấy Phó quản cơ Lê Quốc Huy, vì nhiễu hại quá, nên dân mới nổi dậy. Lê Văn Duyệt bèn xin lệnh chém này, từ đó Quảng Nghĩa lại được yên”.

Sao mà ổng “dẹp loạn” lẹ làng, gọn gàng, dễ dàng dữ vậy cà? Nó dễ tới cỡ khiến cho hậu thế hả hê và (lắm kẻ) không khỏi ngỡ ngàng, cùng với ít nhiều … nghi ngại! Tôi thuộc loại đa nghi nên muốn tìm hiểu xem Wikipedia đã lấy sử liệu từ đâu về cái vụ “chém chết viên quan nhiễu hại” này?

Đọc Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu (Quyển II) thì thấy có chi tiết hơi khang khác: “Năm Mậu Thìn thứ VII (1808) … lại sai Lê Văn Duyệt đánh giặc mọi. Lúc ấy mọi khổ vì Phó quản cơ Lê Quốc Huy nhiễu hại quá, cho nên làm phản, Duyệt xét được việc ấy, bắt Quốc Huy tâu xin chém, quân mọi liền ra đầu hàng”.

Như thế, rất có thể là do “lỗi thằng đánh máy” nên Wikipedia đã ghi sai là “dân mới nổi dậy”. Chắc là “dân mọi nổi dậy” mới đúng!

Vũ Man Tạp Lục Thư của Ôn Khê Nguyễn Tấn (bản do Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú thích) cũng ghi chép gần như thế nhưng bằng thứ ngôn từ văn minh và nền nã hơn nhiều:

Công cuộc bình định Cao nguyên của tiền nhân đã không hề đơn giản: Tả quân Lê Văn Duyệt, người được tín nhiệm nhất; người đã dùng uy lực thu phục được các bộ lạc Thượng hung dữ nhất, vào tháng Giêng năm Mậu Thìn, 1808, đã chém đầu Phó quản cơ Lê Quốc Huy khi ông này sách nhiễu quá đáng khiến người Thượng nổi loạn”.

Tôi chưa có dịp được xem Vũ Man Tạp Lục Thư và chỉ được đọc đoạn văn thượng dẫn trong một status ngắn (“Chém Đầu Viên Quan Sách Nhiễu Khiến Người Thượng Nổi Loạn”) của nhà báo Trương Huy San, xuất hiện nơi trang Facebook của ông vào hôm 26/09/2023.

Bên dưới status này là đôi ba lời bình rất … đắt:

– Yen Vu: “Rối loạn Tây nguyên xét cho cùng, cũng do người Kinh gây ra hết … em nói thật”.

– Hoàng Phi: “Tây Nguyên bất ổn mấy năm nay không biết đem ông nào ra chém đây”?

Nếu học được theo gương trị an của Triều Nguyễn, Hà Nội (chắc chắn) cũng đã phải chém ít nhất vài chục quan chức của họ ở Tây Nguyên. Hãy xem lại đôi ba sự việc nghiêm trọng, đã làm xáo trộn đời sống ở vùng đất này, từ hai thập niên qua.

Ngày 6 tháng 9 năm 2002, hãng thông tấn AFP loan tin, Việt Nam đã bắt giữ khoảng 30 người Thượng – sau khi họ tham dự vào một cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại làng Sao, huyện Madrak, thuộc tỉnh Dak Lak. Tuy nhiên, khi được hỏi về biến cố này, ông Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk – đã lắc đầu quầy quậy:

Làm gì có biểu tình, bất ổn hay bắt bớ những người dân thiểu số trong thời gian gần đây. Không, tuyệt đối là không có…” (“There have been no demonstration, unrest or arrest of any ethnic minorities in recent days. No, absolute, not…” – theo như tường thuật của AFP, vào ngày 6-9-2002, “Demonstrators Arrested in Vietnam’s Central Highlands”.)

Tưởng ai xa lạ, chớ ông Lạng này thì tôi đã có lần nhìn thấy hình trên tờ Việt Mercury (trang 44, số phát hành ngày 23-3-2001) khi ông ấy đang trả lời phỏng vấn, về những biến động xảy ra ở Đắk Lắk – hồi tháng 2 năm 2001. Bữa đó ông Lạng cũng nhún vai, bầy tỏ một thái độ (thản nhiên) tương tự: “Ðấy chẳng qua chỉ là những vụ cãi vã giản dị về văn khế đất đai tại hai ngôi làng mà thôi… Con số của người biểu tình đã tăng lên là do sự thổi phồng của những tay cực đoan phản cách mạng!

Cái được ông Nguyễn Văn Lạng mô tả là “những vụ cãi vã giản dị… giữa hai ngôi làng”, theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy khác, gồm “nhiều ngàn nông dân đã sử dụng vũ khí – phần lớn là cuốc xẻng và dao rựa – để đấu tranh chống lại sự thối nát của của đảng Cộng sản và những chính sách của chính phủ về chuyện đất đai. (Nguyên văn: “Credible reports suggest that several thousand peasants took up arms – mostly shovels, hoes and machetes – to do battle over Communist Party corruption and government policies on land use”, theo như tường thuật của Mark Mc Donald “Peasants Battling Hanoi Over Land In Central Highlands Fight Over Premier Coffee-Growing Region Taking On Political And Religious Overtones”, trên San Jose Mercury News, hôm 26-2-2001).

Sau đó, ai cũng biết là Hà Nội phải huy động cả lực lượng công an cũng như bộ đội và đã sử dụng đến trực thăng để uy hiếp và truy lùng những kẻ đã tham dự vào “những vụ cãi vã giản dị” này. Hàng trăm người Thượng đã bị bắt giữ, hàng ngàn người khác đã bị truy nã. Họ đã chạy sang Cao Miên xin tị nạn.

Tuy thế, ông Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Đắk Lắk không bị xử tử, xử chém (hay khiển trách gì ráo) mà còn được báo chí quốc doanh vinh danh là vị lãnh đạo “xử lý bạo loạn bản lĩnh” nữa cơ. Bởi thế, vài năm sau, máu lại đổ ở Tây Nguyên vào Lễ Phục Sinh (hôm 10 và 11-4-2004) nên thường được gọi là cuộc Thảm Sát Phục Sinh.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Dũng (tất nhiên) lại chối: “Việt Nam cực lực bác bỏ tin của tổ chức Human Rights Watch nói rằng một số người biểu tình đã bị ‘đánh đến chết’ ngày 10-4 ở đường Phan Chu Trinh, bên ngoài Buôn Ma Thuột trong các cuộc biểu tình cuối tuần qua”.

Cứ chối hết, chối liền, chối ngay, chối bay, chối biến, chối phăng, chối phắt, chối đây đẩy, chối nằng nặc, chối bai bải, chối quầy quậy, chối tuốt luốt … là kể như huề cả làng thôi! Tuy “huề” thiệt nhưng không “huề” luôn, và cũng chẳng “huề” lâu.

Đến năm 2011 thì xảy ra biến cố khác, với sự tham dự của bảy ngàn người dân bản địa H’mong, ở huyện Mường Nhé – tỉnh Điện Biên. Hậu quả được Wikipedia ghi nhận như sau: “Vào thời điểm vụ biểu tình xảy ra, theo hãng thông tấn DPA của Đức, đã có ít nhất 40 người biểu tình được cho là thủ lĩnh của người H’Mông ở Điện Biên đã bị công an bắt, trong đó có ít nhất 3 em nhỏ đã chết.

Trong khi đó, Trung tâm Phân tích Chính sách Công (CPPA) tại Washington DC ngày 9 tháng 5 năm 2011 ra thông cáo báo chí cho rằng, đã có ít nhất 63 người chết và hơn 1.000 người H’Mông chạy thoát vào rừng trong khoảng thời gian từ ngày 30 tháng 4 năm 2011 đến ngày 9 tháng 5 năm 2011 – khi vụ biểu tình kết thúc. Tuy nhiên, về phía công an giám sát vụ việc, đã không có thương vong hay bạo lực gì được gây ra bởi các người dân/ công an trong suốt thời gian vụ biểu tình diễn ra”.

Về sự kiện này, trang Bauxite Việt Nam có nhận xét ngắn gọn nhưng vô cùng chính xác (tôi tiếc là không nhớ được nguyên văn) là … nếu thay thế hai từ Điện Biên bằng Tây Nguyên thì kịch bản xảy ra giống nhau y hệt!

Chớ nào có khác gì đâu. Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: Đất đai, tôn giáo, chủng tộc … Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man, tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét xử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài – nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Đôi lời thâm tạ

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

31/01/2024

Mấy thập niên sau, sau khi Vietnam War đã vùi sâu vào ký ức – có hôm – một cư dân ở tiểu bang Philadelphia nhận được tin nhắn (ngăn ngắn) qua điện thoại:

“Ông là Richard Hiebsch phải không? Tôi có một chút này để biếu ông, đó là những gì ông đã để lại ở Việt Nam. Hiebsch, 56 tuổi, gọi lại. Và rồi ông gặp Tracey Hansen, 36 tuổi, một nhân viên cứu hỏa ở San Jose, California, người đã về Việt Nam hai chuyến.

Trong chuyến đi gần đây nhất, bà đã ra Huế và dừng lại mua nước uống ở một điểm bán giải khát bên đường. Người đàn ông già bán hàng có một cái bàn nhỏ bày đầy những đồ trang sức rẻ tiền. Một cái bát bằng thủy tinh trên bàn có chứa cái gì đó khiến bà Tracey chú ý.

‘Ðó là một bộ thẻ bài,’ Hiebsch nói. ‘Bà ấy cầm lên xem và thấy đó là của quân nhân Hoa Kỳ. Bộ thẻ bài ấy mang tên tôi. Tôi nghĩ là bà ấy đã bỏ ra hai đô la để mua những tấm thẻ bài ấy.’

Một tuần lễ sau thì gói hàng đó đến. Bên trong có hai miếng kim loại khắc tên, số quân, loại máu và tôn giáo của người sở hữu. Bà Tracey Hansen có viết kèm theo mấy chữ:

‘Tôi muốn nói lời cám ơn về sự phục vụ của anh và tất cả những gì anh đã hy sinh ở bên đó. Tôi rất lấy làm  buồn và hối tiếc về cái cách mà người ta đã đối xử với các anh khi các anh trở về. Tôi quả tình là không thể nào hiểu nổi.” (Như Sao. “Những Tấm Thẻ Bài.” Tuần Báo Trẻ 18/06/ 2020).

Câu chuyện thượng dẫn tuy không có gì vui nhưng cũng không đến nỗi buồn (thê thiết) như những lời nhắn, vẫn thường đọc được trên những trang báo – hay trang mạng – của cộng đồng người Việt. Xin ghi lại dăm ba:

  • Một gia đình nông dân trong khi đào đất xây nhà đã phát hiện ra hài cốt của một người lính VNCH, địa điểm là dưới chân đèo An Khê khoảng 3 km thuộc tỉnh Bình Định. Gia đình này đã chôn cất lại hài cốt đó và giữ lại thông tin, gồm 2 thẻ bài quân nhân (dog tag), và một cái ví da nhưng đã mờ hết thông tin, chỉ còn lại thẻ bài quân nhân là rõ thông tin. Ai biết thì xin chỉ giúp để ông ấy được về doàn tụ với gia đình. NGUYEN NUOI SQ.57/219394. Email lien he: hoahuehoahong@gmail.com
  • Chị Christine Tạ, một y tá, lái xe gần 40 phút đến tòa soạn Người Việt để nhờ đăng mẩu tin liên quan đến việc có người tìm thấy ba bộ hài cốt của ba người lính VNCH với ba thẻ bài ở bên Lào…

Một người quen, anh Phạm Văn Quý, là cố vấn của một công ty tư vấn về trồng trọt, nhân một chuyến công tác, thăm một nông trại ở Savanakhet, bên Lào, đã tình cờ biết được tin tức về ba bộ hài cốt, như sau:

Khi họ đào đất, phát hiện ba bộ hài cốt quấn bằng poncho, có thẻ bài. Có thể tử trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Lam Sơn 719. Có lẽ binh chủng dù. Chỉ là đoán. Giám đốc nông trại đã cho cải táng, làm mộ, làm miếu thờ:

  1. Ngô Tâm hay Ngô Tam Số quân: SQ 58/217455 Loại máu: LM O
  2. Trương Lương hay Lượng Số quân: SQ 57/208.815 Loại máu: LM A
  3. Trương Văn Lễ hay Lề Số quân: không đọc được. Đoán là: SQ 14/201701 Loại máu: LM A

Thân nhân có thể liên lạc anh Quý ở Việt Nam, điện thoại: 0988.747.064. Anh sẽ giúp liên lạc với nông trại bên Lào, để sớm đưa những người con lưu lạc về đất mẹ.

Hy vọng lòng mong mỏi của anh Quý, của chị Christine Tạ và người cậu sẽ được mọi người nhìn thấy và tiếp tục chia sẻ thông tin này đến với nhiều người để những người hiện còn ‘lạc lõng’ nơi đất khách có dịp đoàn tụ cùng gia đình, thân nhân vào một ngày không xa. (Ngọc Lan. “Những Bộ Hài Cốt Quân Nhân Quân Lực VNCH Hiện Còn Trên  Đất Lào.” Người Việt 25/04/ 2018).

  • Trong khi làm việc tại Đồn Điền Cao Su (KCN Dầu Giây ngày nay) Ba tôi tìm thấy một xác lính VNCH tên Lâm Quang. Thẻ bài bị đạn bắn thủng nên không còn số quân. Theo nguồn tìm hiểu từ các Hồi Ký của Đ/Tá VNCH Ngô Kỳ Dũng và Tác Giả Phạm Huấn v.v.. Những ngày cuối cùng của chế độ VNCH tại Dầu Giây có đại đội 2, tiểu đoàn 2 , trung đoàn 52, SĐ18BB , Chi Đoàn 3/5 Kị Binh, Địa Phương Quân và Tiểu đoàn Địa Phương Quân từ Định Quán về.

Các Cô, Chú, Anh, Chị từng có người thân từng đi lính cho các Đơn vị kể trên xin vui lòng cho Tôi gặp gỡ và xin một ít thông tin để tìm lại thân nhân cho người lính này. Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu rồi cùng là người Việt Nam nhưng trong hoàn cảnh đó lý tưởng khác nhau nên trở thành 2 chiến tuyến. Nghĩa tử là nghĩa tận. Đâu đó có gia đình đang mong chờ tìm thấy được cố nhân qua những ngày binh đao khói lửa. Từ một nấm đất xây cho Chú mồ yên Gia Đình con đã mãn nguyện lắm rồi. Lương tâm không còn áy náy.

Cám ơn Bác Vinh (Quận 2) , Ông Chỉnh (Q.Tân Phú), Bác Lâm (Hố Nai) và các cô chú khác đã nhiệt tình giúp đỡ để con có thể tìm hiểu thông tin trong nhiều tháng qua. (FB Hoàng Đức Tín September 5, 2020).

Hài cốt của tất cả các quân nhân vừa ghi đều đã được cải táng, lập mộ, và khói  nhang ấm áp. Kẻ đã khuất, chắc hẳn, cũng đều cảm thấy được yên ủi đôi phần. Thực là những câu chuyện ấm lòng.

Cũng như bao nhiêu đồng đội khác, tôi chỉ là một người lính vô danh. Có khác chăng là tôi may mắn vẫn còn sống sót nên xin được nói lên đôi lời thâm tạ vì những nghĩa cử chí tình đã dành cho những chiến hữu vắn số của mình.

Dù cuộc chiến đã tàn gần nửa thế kỷ nhưng mãi cho đến giờ con số binh sĩ thương vong của bên thắng cuộc vẫn chưa được “giải mật.” Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi không ít xương cốt của binh sĩ (của cả hai bên) vẫn còn vương vãi khắp nơi nhưng không hề khiến cho những kẻ đang nắm giữ quyền bính có chút bận tâm nào cả.

Riêng với những người lính được chôn cất ở Nghĩa Trang Biên Hòa  – trước 30 tháng 4 năm 1975 – mà ai cũng ngỡ là đã mồ yên mả đẹp thì hiện vẫn đang bị “quản lý” một cách chặt chẽ (và vô cùng khó hiểu) bởi … bên thắng cuộc – theo như lời than phiền của rất nhiều người:

  • Việt Hùng: “Ðã 40 năm, nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa vẫn còn là một nơi nhạy cảm và là tâm điểm của người Việt khi nói về hòa hợp, hòa giải dân tộc. Mặc dù nhà nước CSVN đã biến nơi này thành tên gọi Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An, nhưng xem ra, còn lâu sự bình an thật sự mới đến với nơi này.”
  • Từ Đức Minh: “Người Cộng Sản không cần biết thế nào là nghĩa tử, nghĩa tận. Họ chủ động giáo dục cho đám con trẻ gọi mộ người lính Việt Nam Cộng Hòa là ‘mả ngụy’, ‘mả giặc’. Người ta canh tác rau trên mộ, tưới nước phân dơ bẩn, thả trâu bò lội giẫm đạp lên mộ. Khốn nạn hơn nữa , họ cho người đào giữa ngôi mộ và trồng lên đó những cây to…”
  • Ngô Thanh Tú: “Cứ mỗi bước chúng tôi đi đều phải chịu sự giám sát của ít nhất hai bảo vệ nơi này. Ánh mắt soi mói, những câu hỏi vô duyên, như: chụp hình để làm gì? Có động cơ gì không? làm chúng tôi vô cùng khó chịu. Người bạn đi cùng tôi nói, dường như cái chủ trương truy cùng giết tận còn được áp dụng cho cả người chết. Chế độ này ko chỉ trả thù người chết mà còn sợ họ đội mồ sống dậy nên kiểm soát rất chặt chẽ.”

Tuy bị “kiểm soát rất chặt chẽ” nhưng vẫn có người  “liều” đi tảo mộ hằng năm  (Ai liều tảo mộ chiều nay/Mà hương tảo mộ bay đầy hoàng hôn). Ông Lý Văn Lang (người vừa cùng con cháu và bè bạn ghé qua NTQĐBH vào ngày 3, tháng Giêng năm 2021) tâm sự:

“Tôi và mấy bạn già, con cháu đến làm những công việc trong nghĩa trang với tấm lòng tôn kính những người đã nằm xuống cho một vùng miền đất nước. Và tôi cũng thấy buồn, xót xa những nấm mồ hoang lạnh, u buồn, xác thân người xưa nằm dưới lòng đất, thiếu người nhang khói, chăm sóc… chúng tôi có những suy nghĩ giống nhau là còn khả năng, sức khoẻ làm được gì đó để các vị anh linh tử sĩ ấm áp và bớt đi sự điêu tàn, vong linh bớt tủi hờn vì những phần mộ nơi đây bất hạnh, không may.”

Một lần nữa xin thay mặt đồng đội cảm ơn ông Lý Văn Lang cũng như tất cả những ai đã “liều” tảo mộ cho những chiến hữu của  chúng tôi trong những năm qua.

Vô cùng trân trọng và kính mến.


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Nguyễn Công Khế

 Ba’o Tieng Dan

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

26/01/2024

Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.”

“Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần.

Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải,  theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”

Tôi vốn không “sính” chuyện thơ văn, cũng không sinh cùng thời (và sống cùng nơi) với nhị vị nghệ sỹ nói trên nên chả dám vội vã đồng tình với cái nhìn hơi khắt khe thượng dẫn. Là một thường dân, tôi chỉ nghĩ giản dị rằng việc “xếp hàng cả hai cửa” là một cách ứng xử bình thường – nếu chưa muốn nói là khôn ngoan – của bất cứ ai.

Gặp thời thế, thế thời phải thế!

Mà cái thế nước hiện nay, theo như nguyên văn cách nói của G.S Tương Lai, lại “chông chênh” lắm! Cỡ Tổng Bí Thư trong một xứ sở đảng trị mà có lúc vẫn phải bám liền hai ghế (cho nó chắc ăn) thì nói chi tới nhà văn với nhà thơ, đám “người ăn kẻ ở trong nhà” của Đảng.

Ngay đến quí vị đại biểu quốc hội cũng thế, cũng vẫn phải chạy cái quốc tịch thứ hai mà! Nghĩ cho cùng thì chả có ai đáng trách. Sống trong hoàn cảnh xã hội bấp bênh thì trừ đám dân đen (không tóc) mới đành chịu trận, chứ giới quan chức có quyền hành và tiền bạc thì ai cũng phải lo sao cho bản thân và gia đình được an ổn mới thôi.

Thảng hoặc, mới có trường hợp quá lố – đáng bị phàn nàn – theo như ghi nhận của họa sỹ Đỗ Duy Ngọc : “Một anh từng là tổng biên tập tờ báo lớn, sau khi thu vén được hàng triệu đô la bèn đưa hết vợ con qua Mỹ, sắm nhà to, xe đẹp còn anh thì qua lại hai nước, lâu lâu viết bài biểu diễn lòng yêu nước thương dân, trăn trở với tiền đồ tổ quốc, khóc than cho dân nghèo, kinh tế chậm lớn, đảng lao đao…”

Thế Nguyễn Công Khế đã “biểu diễn lòng yêu nước” ra sao mà bị than phiền như vậy?

Ngày 19 tháng 11 năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn do Mặc Lâm (RFA) thực hiện, nhân vật này chê trách lãnh đạo những tờ báo hiện nay “sợ bị ‘mất ghế’ cho nên không dám dũng cảm để nói lên sự thật” mà “chỉ sa đà vào những chuyện vặt vãnh.”

Trong suốt hai mươi năm làm Tổng Biên Tập báo Thanh Niên chả hiểu có bao giờ ông Khế đủ “dũng cảm” để nói lên cái sự thật trần trụi (hèn với giặc, ác với dân)  của chế độ đảng trị (và toàn trị) hiện hành không?

Có bao giờ ông “dám” nêu lên vấn đề đa nguyên, và phân quyền như là những phương thức khả thi để đưa đất nước ra khỏi cái vũng bùn nhầy nhụa hiện tại chưa? An toàn hơn là những vấn đề liên quan đến thảm họa môi sinh, bất công xã hội, và nạn cướp đất vẫn diễn ra hằng ngày (ở khắp mọi nơi) ông cũng lặng thinh thôi.

Ông chỉ sôi nổi trong những cuộc thi hoa hậu, hay những trận túc cầu giữa lúc cả nạn ngoại xâm lẫn nội xâm đang đe dọa sự tồn vong của đất nước thì trách chi thiên hạ “sa đà vào những chuyện vặt vãnh” ?

Ngày 27 tháng 10 năm 2019, sau thông tin 39 người Việt bị chết ngạt trong một chiếc xe vận tải ở Anh, ông Nguyễn Công Khế liền bàn về “con đường thoát nghèo” và đòi hỏi “mọi thứ phải là trên cơ sở của Nhà nước pháp quyền”!

Ông cũng đặt vấn đề: “Một xã hội mà cán bộ không sống bằng đồng lương, thì phải sống bằng đồng ‘lậu’ thôi. Rất nhiều cán bộ hiện nay rất sợ câu hỏi này: Sao đồng lương anh như thế, mà anh có nhà như thế này, xe như thế kia, con anh đi du học.”

Có lẽ đó là những câu hỏi mà Nguyễn Công Khế nên đặt ra cho chính mình, về khối tài sản của ông ở trong cũng như ngoài nước, về chuyến xuất ngoại êm ru của cả gia đình mình trong khi thiên hạ thì phải đi chui mà tiền mất mạng vong.

Trong trường hợp ông Nguyễn Công Khế không cảm thấy thoải mái lắm trong việc tự vấn thì cũng chả sao, nỏ phải lăn tăn chi cả. Cái thời bao cấp đã qua. Đảng và Nhà Nước “đã dũng cảm và quyết tâm” đổi mới. Xứ sở đã thoát cảnh xếp hàng, đặt hai cục gạch, để mua nhu yếu phẩm từ lâu rồi.

Bây giờ thì có thể mua nhà ở tận nước ngoài luôn :

“Trên con đường dài dẫn ra biển Huntington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của ‘Việt cộng’.

Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình.” (Tuấn Khanh. “Người Việt cố Giàu Lên Để Làm Gì?” – RFA 2015/10/02).

Tôi không biết “ước mơ thầm kín” của Nguyễn Công Khế ra sao (nếu có) chỉ cầu mong ông nên sống “khép kín” như bao người khác thôi, đừng láu táu hay bao biện quá. Loại người đứng chàng hảng – chân trong, chân ngoài – trên hai cục gạch như ông mà thỉnh thoảng vẫn học đòi (“phù thế giáo một vài câu thanh  nghị”) để tỏ lòng “yêu nước thương dân” thì e có hơi lố bịch, nếu chưa muốn nói là trơ tráo!

 


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Chiếc cầu qua sông Hố Lương

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

24/01/2024

Năm 2007 nhiếp ảnh gia Ngy Thanh đi qua một chuyến phà (ở Neak Loeung, tên Việt: Hố Lương) và ống kính chuyên nghiệp của ông đã ghi lại hình ảnh của một thiếu nữ bán soài vô cùng sống động và sắc nét, cùng với đôi lời chú giải – bằng Anh Ngữ – về địa phương này:

“This is Neak Luong or Phumĭ Prêk Khsay, a little town belongs to Prey Veng (‘long forest’ in Khmer), one of the poorest provinces in Cambodia, prone to both floods and droughts. The province, situated near the Vietnamese border, was one of the most heavily bombed during the Vietnam War.”

[Đây là Neak Luong hay còn gọi là Phumĭ Prêk Khsay, một thành phố nhỏ thuộc Prey Veng (nghĩa là ‘rừng dài” theo tiếng Khmer), nơi nghèo nhất Cambodia, thường bị cả lụt lội lẫn hạn hán. Thị trấn này nằm gần biên giới Việt, là một trong những nơi chịu bom đạn nặng nề nhất vào thời chiến tranh Việt nam.]

Sáu năm sau, phóng viên Thanh Trúc cũng đã dừng chân ở nơi đây, và ghi lại một bài phóng sự ngắn (“Những Mảnh Đời Trôi Nổi Của Người Việt Ở Hố Lương”) với hơi nhiều xúc cảm:

“Tại Hố Lương, nhiều người Việt Nam, bây giờ được gọi là người Khmer gốc Việt, tuy đã sống ở chốn này gần bốn năm thế hệ nhưng mãi vẫn là những người gạo chợ nước sông, không có giấy tờ cũng không có quốc tịch.

Nghèo và không có tương lai thì không thể tránh được chuyện đi khỏi làng khỏi xóm để kiếm việc mà có khi lại rơi vào những cạm bẫy xã hội vốn đầy dẫy bên ngoài, điển hình như những quán cà phê, sự thực là quán gái, nơi rất chuộng các thiếu nữ Việt Nam…

Cuộc sống của người Việt ở Kampuchia, hoặc người Miên gốc Việt ở Xứ Chùa Tháp, những người không có quốc tịch, không có giấy tờ, không có đất đai, là cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt, chẳng có lối để thoát ra hay vươn lên khỏi cảnh túng đói.”

Hố Lương nằm bên dòng Bassac, thượng nguồn của Tiền Giang, tuy chỉ cách Nam Vang chừng hơn hơn một giờ xe nhưng lại rất xa khu du lịch quen thuộc Đế Thiên – Đế Thích nên du khách không mấy ai lui tới. Tôi lò dò đến đây vào cuối năm 2014, và nhận ra rằng cuộc sống của đồng bào mình hoàn toàn không có gì thay đổi: “… vẫn đơn điệu, tẻ nhạt, chẳng có lối để thoát ra hay vươn lên khỏi cảnh túng đói.”

Ngoại trừ những thanh niên thiếu nữ có thể lên thủ đô Nam Vang làm thuê, làm mướn, phụ hồ, phụ bàn, khuân vác, chạy xe ôm, bán quán cà phê (và đôi khi cũng phải bán thân luôn) còn người già và trẻ con ở Neak Loeung thì chỉ còn có cách mưu sinh là đi ăn xin hay bán hàng rong trên những chuyến phà – qua lại hàng ngày – ở khúc sông này.

Phà qua sông Hố Lương. Ảnh NCB

Nhìn những cụm hoa lục bình tim tím, lơ lửng trên dòng nước đục màu phù sa, dưới ánh nắng vàng rực, giữa hai bờ cỏ dại xanh um – ngút xa tầm mắt –  ở bến sông Hố Lương khiến tôi không dưng mà chợt nhớ đến hình ảnh an vui nơi Bắc Mỹ Thuận, vào những tháng ngày xa xưa cũ:

Trong lúc cả đoàn xe xếp hàng dài, chờ đến luợt xuống phà, hành khách tấp nập ra vào những quán ăn nằm san sát bên đường. Không khí thơm lừng mùi gà nuớng, tôm nướng, heo nướng, bò nướng, cá nướng, chuột nướng… Không gian tươi tắn màu sắc của đủ loại trái cây quen thuộc, của miền Nam: khóm, mận, ổi, nhãn, soài, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, sa pô chê, cam, quýt … 

Duới phà chen lẫn với hành khách là những em bé bán hàng rong: xôi vị, cốm dẹp, bánh bèo nước dừa, bánh tằm bì, chuối nướng, chè đậu, gỏi gà, cháo vịt, nem nướng, chả chiên, mía hấp, bì cuốn, bún mắm, chả giò, đậu phụng, cà rem, trà đá, ốc gạo hấp lá gừng, ốc leng xào dừa, chim mía rô ti…

Bến phà Hố Lương chiều nay tuy cũng an bình nhưng không nhộn nhịp và không có được cái sắc thái, cũng như sắc màu, phong phú và tươi vui như Mỹ Thuận năm nào. Anh bạn đồng hành, dân bản xứ, chỉ vào đám đông đang lao nhao vây quanh những chiếc xe chở khách:

– They’re all Vietnamese! Họ đều là người Việt!

Dù đã sống hơn nửa đời tha phương cầu thực, qua rất nhiều nơi, tôi chưa bao giờ thấy đồng hương của mình trong tình cảnh nhếch nhác, khốn cùng, và thảm thương đến thế. Tháng trước, nơi khu Phố Đèn Đỏ Geylang (ở Singapore) tôi cũng có gặp năm bẩy phụ nữ Việt Nam đi xin tiền – với phương cách vô cùng lịch sự: họ đi lanh quanh bên những bàn ăn chào mời thực khách mua giấy chùi miệng.

Thực khách ở Singapore không ai cần đến dịch vụ thừa thãi này nhưng họ vẫn vui vẻ (và tế nhị) chia sẻ vài đồng tiền lẻ với những kẻ không may ở nước láng giềng, qua hình thức bán/mua.

Singapore là một đảo quốc giầu có, với lợi tức bình quân đầu người hàng năm cao nhất nhì thế giới. Người dân bản xứ không ai phải đi bán hàng rong hoặc đi xin ăn nên họ “nhường” công việc này cho những người Việt tha hương, ở bước đường cùng.

Lợi tức bình quân hàng năm của người dân Cambodia thì ngược lại: thấp nhất nhì thế giới. Có thể vì cái khó nó bó cái khôn nên chính phủ của đất nước này không được bao dung gì cho lắm.

Theo tường trình của Minority Rights Organization (“The Situation of Stateless Ethnic Vietnamese in Cambodia”)  đọc được vào hôm 19 tháng 3 năm 2014 thì có khoảng năm phần trăm, hay 750.000 người gốc Việt đang sinh sống ở Cambodia (sắc dân thiểu số đông nhất ở đất nước này) và phần lớn bị coi là những kẻ vô tổ quốc nên họ bị tước đoạt tất cả những quyền lợi căn bản.

Không quốc tịch, không khai sinh, không căn cước … nghĩa là không có quyền sở hữu đất đai, tài sản, không được quyền tiếp cận với bất cứ dịch vụ căn bản nào về xã hội, giáo dục, hay y tế.

Bị kỳ thị là chuyện phổ biến xẩy ra cho tất cả những nhóm dân bản địa hay thiểu số, ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, tình trạng này thường chỉ xẩy ra ở bình diện cá nhân – at personal level.Không luật pháp của xứ sở nào có thể ngăn cấm hay xử phạt sự thù ghét, khinh miệt giữa kẻ này và người nọ nếu những tình cảm tiêu cực này chưa được bầy tỏ qua ngôn ngữ hay hành động.

Còn ở bình diện thể chế, institutional level, Công Ước Quốc Tế về “xoá bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc” được hầu hết mọi quốc gia ký kết. Cambodia cũng “ký” nhưng chỉ “ký” chơi thôi!

Bởi vậy, dân Việt ở xứ Chùa Tháp bị đẩy vào cảnh khốn cùng là chuyện… tất nhiên. Tôi cũng đã bưng xề đi bán hàng bánh tiêu trong một thời gian không ngắn (ở chợ Nhà Lồng và bến xe Rạch Giá, hồi năm 1979) và cũng suýt trở thành ăn mày – đôi bận – nên khó giữ được cho lòng bình thản trước cảnh thương tâm mà nhìn thấy chiều nay, nơi bến sông này.

Giữ im lặng hay lắc đầu trước một lời van xin của một người ngoại quốc – nói tình ngay, và nói với ít nhiều xấu hổ – vẫn dễ hơn là nói “không” với những đồng bào cùng khổ, nhất là giữa cảnh sông nước bao la, nơi đất khách quê người.

Tuy nhiên, tôi biết chắc rằng mình chỉ cần hỏi nhỏ một đứa bé ăn xin một câu thôi (“Con là người Việt phải không?”) và nó gật đầu là tôi sẽ ôm cháu bé vào lòng rồi vỡ òa lên khóc. Tôi sẽ móc hết đồng bạc cuối cùng cho nó, rồi sẽ bị bao vây bởi hàng trăm người đồng hương khác, và chưa chắc đã rời khỏi được bến phà này.

Nhìn nét mặt bỗng khác thường khiến cho người đồng hành ái ngại:

– Don’t do stupid thing, man. Đừng có làm cái gì lố bịch nha, cha nội. Không có mày họ vẫn sống đấy thôi, và họ đã sống như vậy từ bao lâu nay rồi mà.

Có điều là anh bạn, cũng như chính tôi (ngay lúc đó) không hề biết rằng những chuyến phà qua sông Hố Lương đang sắp sửa đi vào …  lịch sử. Rồi ra, chúng sẽ cũng cùng chung số phận – hẩm hiu – y như những chiếc phà ở sông Tiền Giang năm nào, theo  như thông tin mà tôi vừa tiếp cận sáng nay:

Neak Loeung Bridge plan

Amount: $131 million

Grant from: Japan

Start: late 2010

Finish: February 2015

Length: 2210 m/ Width: 13.5 m/ High: 37.5 m

Khi công trình kiến trúc trị giá 131 triệu Mỹ Kim này hoàn tất (vào tháng hai năm 2015) chắc chắc lưu thông sẽ dễ dàng và thông thoáng hơn nhiều. Điều chắc chắn không kém là giá thành của nhiều sản phẩm trong vùng sẽ hạ, và hành khách sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian vì khỏi phải chờ phà. Chỉ duy có điều không ai dám chắc là cuộc đời vốn đã bấp bênh của không ít người dân Việt (ở Hố Lương) rồi sẽ ra sao – trong những ngày tháng tới?

  2014


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Người rơm

 Báo Đàn Chim Việt

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

19/01/2024

Cuối năm, blogger Hoàng Giang (VOA) gửi đến độc giả một câu chuyện rất “nhẹ nhàng” và “đáng yêu” ngăn ngắn:

“Tôi mới đọc được mẩu tin nho nhỏ, mà chắc chả mấy ai bận tâm, mẩu tin cũng nhẹ nhàng tình “củm” có tựa đề là “How did this Swedish cat turn up in south France?”. Tức là có một chú mèo tên là Glitter sống ở Bromolla, miền nam Thụy Điển mất tích đã 8 tuần. Anh chủ Sammy Karlsson tưởng chừng như sẽ không có hy vọng tìm lại được Glitter nữa thì bỗng dưng vào đúng tuần lễ Thanksgiving, anh nhận được một cuộc gọi từ vùng Nimes tại miền nam nước Pháp hỏi anh về chú mèo lông xù này. 

Sammy ngạc nhiên tới mức anh tưởng người ta đang đùa cợt mình, nhưng khi bức hình được gửi đến, thì chú mèo đó chính xác là Glitter của anh. Trong một bài phỏng vẫn, anh nói đùa rằng “Có lẽ Glitter đã phải lòng một cô gái Pháp nào đó, và chàng quyết định đội chiếc mũ bê rê.” Hiện chàng mèo đang được tiêm phòng và làm quốc tịch Pháp sau đó sẽ được gửi trả về với chủ tại Thụy Điển. Câu chuyện mới đáng yêu làm sao, cứ tưởng tượng một chú mèo thong dong trên khắp nẻo phố châu Âu, chu du hơn 1,700km, mà tự dưng cũng muốn mình được như thế, vô lo vô nghĩ… 

Ước muốn được “thong dong trên khắp nẻo phố châu Âu” của Hoàng Giang tuy không có gì là viển vông nhưng vẫn rất xa vời, và mỗi lúc một thêm xa, nếu chúng ta (chả may) sinh ra là… người Việt Nam – cái xứ sở mà nhiều người dân phải cầm cố nhà cửa/ruộng vườn mới đủ chi trả cho con cái một chuyến đi ra khỏi nước.

Dù giá quá đắt nhưng không phải ai đi (rồi) cũng đến. Hãy nghe qua một mẩu đối thoại của hai người Việt, từ hai phòng giam sát cạnh nhau, trong một nhà tù nào đó ở Âu Châu:

Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói:“Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên cạnh em chết ngạt.”

“Chết!?”

“Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở.

Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi về… Anh có nghe không đấy?”

“Nghe rõ cả.”

“Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không?”

“Chắc đúng.”

“Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó tựa vai em lầm bầm ‘Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.’ Giọng nó như đứa trẻ con ba tuổi.” (Tâm Thanh. “Người Rơm” – Diễn Đàn Thế Kỷ 01/07/2010).

Người rơm còn có một tên gọi khác – dễ nghe hơn – theo ngoại ngữ: nouveaux boat people, những thuyền nhân mới. Khác với lớp người tị nạn từ Việt Nam vào cuối thế kỷ trước, những kẻ đến sau không còn được thế giới chào đón nữa.

Nhân loại, xem chừng, đã oải. Không ai còn đủ kiên nhẫn và bao dung với những kẻ khốn cùng (không tiền bạc, không ngoại ngữ, không nghề nghiệp, không cả một mảnh giấy tùy thân) cứ tiếp tục đến mãi từ một xứ sở… Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc!

Thêm một điều khác biệt nữa là tuy được gọi tên “những thuyền nhân mới” nhưng họ không vượt biên bằng thuyền. “Trong cuộc hành trình dài bằng phần nửa vòng trái đất, họ thường bám trên các xe vận tải hạng nặng xuyên qua Châu Âu. Trốn trong những thùng chứa hàng trong xe, họ phải ép xác, có khi chịu đựng không ăn uống trong nhiều ngày…” (Phương Vũ Võ Tam Anh, “Người Việt Khốn Khổ Tại Paris”).

Sau khi đặt chân được đến miền đất hứa (Anh Quốc) có một hiện tượng lạ xẩy ra là lớp người rơm, ở tuổi vị thành niên, đều mất biến – theo bài tường thuật (Missing Kids UK) của Sam Judah, qua Tạp Chí Thời Sự BBC:

“Người ta tin rằng hầu hết các trường hợp đều được các băng đảng đưa lậu vào Anh, bị cảnh sát phát hiện và đưa vào các trung tâm chăm sóc. Các em rõ ràng là không bỏ trốn khỏi những kẻ bắt giữ mình, mà còn thường trốn khỏi các gia đình nhận nuôi dưỡng mình và các trung tâm chăm sóc để trở lại với những kẻ đó, nhằm tìm cách trả các khoản nợ lớn và nhằm để gia đình ở Việt Nam khỏi bị trả thù.

Văn, một cậu bé người Việt 15 tuổi, mà dường như được đăng tải trên trang mạng trẻ mất tích dưới một cái tên khác, đã được đưa lậu vào Anh bằng xe tải và đã bị buộc phải giúp việc nhà cho những kẻ đã đưa cậu vào. Sau đó, cậu được đưa vào làm ‘thợ vườn’ ở một số trại trồng cần sa trên cả nước…

Hồi năm ngoái, 96 thiếu niên người Việt đã được chuyển tới cho cơ quan quản lý tình trạng buôn bán người của chính phủ, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều đối tượng được cho là nạn nhân ở tuổi vị thành niên nhất tại Anh. BBC còn cho biết thêm một khía cạnh tồi tệ khác: “Số liệu từ Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh Quốc (NCA) cho thấy trẻ em từ Việt Nam nằm đầu bảng danh sách bị đưa lậu vào Anh vì mục đích lạm dụng tình dục.”

Cập nhật hơn, The Guardian  có bài tường thuật (“3,000 children enslaved in Britain after being trafficked from Vietnam”) của hai ký giả Annie Kelly và Mei-Ling McNamara. Xin ghi lại vài đoạn ngắn, theo bản dịch (“3.000 trẻ em bị buôn bán từ ‘đất nước Hồ Chí Minh’ sang Anh làm nô lệ”) của blogger Nguyễn Công Huân:

“Giống như nhiều trẻ em Việt Nam khác, Hiền đã được đưa đến Anh để sống một cuộc đời nô lệ hiện đại. Em cuối cùng phải vào tù về tội trồng cần sa…

Chuyến đi của Hiền tới Anh Quốc bắt đầu khi em bị bắt cóc khỏi làng lúc 5 tuổi bởi một người nói rằng ông ta là chú của em. Như một đứa trẻ mồ côi, em không còn lựa chọn nào khác ngoài làm theo những mệnh lệnh của người khác. Em đã mất năm năm đi qua nhiều quốc gia bằng đường bộ, hoàn toàn không biết mình đã đi qua những đâu, từ Việt Nam qua biên giới giữa Pháp và Anh để tới một căn nhà ở London. Ở đây em phải làm nô lệ trong nhà trong 3 năm, nấu ăn và dọn dẹp cho nhóm những người Việt đi ra vào ngôi nhà em bị giam giữ.”

Ước mơ của đám trẻ con Việt Nam đang bị giam giữ trong những trang trại trồng cần sa, hay những nơi mua bán tình dục – nếu có – hẳn không phải là được “thong dong trên khắp nẻo phố châu Âu” (như chú mèo Glitter trong câu chuyện của Hoàng Giang) mà là được trở lại quê hương. Được “cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời,” như nguyên văn tâm sự của một nhân vật (dẫn thượng) của nhà văn Tâm Thanh.

Chuyện hồi hương, buồn thay, cũng không dễ dàng chi – theo tường trình của thông tín viên Lê Hải, từ Luân Đôn: “Khi đã vào đến nước Anh rồi thì tùy thuộc vào chính quyền Việt Nam có chịu nhận những người này về hay không. Thường thì số lượng người bị trục xuất về Việt Nam gia tăng khi giữa hai nước có các đoàn công tác cấp cao, và chính phủ Anh có thể đề nghị tăng viện trợ để đổi lại bằng chuyện Việt Nam nhận người về.”

Cách ứng xử của những người lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay (Luân Đôn phải tăng viện trợ Hà Nội mới chịu nhận người về) dễ làm người ta liên tưởng đến lời lẽ cứng rắn trong bức thư mà ông Lý Quang Diệu gửi cho bà Thủ Tướng Anh, về vấn đề thuyền nhân Việt Nam, vào ngày 5 tháng 6 năm 1979. Xin được trích dẫn đôi dòng, theo bản Việt Ngữ của nhà văn Phạm Thị Hoài:

“Phải nói, phải nhắc đi nhắc lại, cho nhân dân và các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới biết rằng chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính là kẻ tích cực xúc tiến cuộc di tản ồ ạt này, gây thiệt hại nặng nề cho các nước Đông Nam Á…

Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời thu về thì rất nhanh.”

(People and leadears throughout the world must be told, again and again, that this is the government of the Socialist Republic of Vietnam which has actively promoted this massive migration, causing havoc to the countries of Southeast Asia… They have cold, calculating minds, which, whilst incapable of compassion to their own people, are nevertheless most acute in computing cost-benefits.)

Từ 1979 đến nay là gần nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian này đã có hai đợt di dân tập thể từ Việt Nam: thuyền nhân cũ và những thuyền nhân mới – ancient boat people and nouveaux boat people. Giữa hai lớp người này có nhiều điểm dị biệt nhưng chính sách của nhà đương cuộc Hà Nội thì trước sau như một, hoàn toàn xuyên suốt và nhất quán: “Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời lãi thu về thì rất nhanh.”

Nói cho nó gọn thì đây là một hình thức buôn dân của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Nước họ còn dám bán thì buôn dân, tất nhiên, chỉ là chuyện nhỏ.

 


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Dương Trung Quốc

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Lúc bé, tôi vẫn thường xem phim cọp. Lý do, giản dị, chỉ vì tôi rất ít khi có tiền mua vé. Lúc có, tôi lại muốn dùng tiền để mua những thứ khác (bắp nuớng, đậu phụng rang, cà rem, bánh kẹo…) để nhai lai rai trong lúc coi phim cơ.

Nhưng làm thế nào để vào cửa cọp mới được chớ? Ít nhất cũng có hai cách. Thứ nhất là đứng xớ rớ truớc cửa rạp, thấy một ông hay một bà trông có vẻ bảnh bao và dễ tính là mình xà ngay đến:

  • Thưa chú, thưa dì, thưa cô, thưa bác… con muốn coi cái phim này hết sức nhưng không có tiền, làm ơn dắt con vô luôn nha?

Nếu họ gật đầu là kể như… khỏe. Theo lệ, mỗi nguời lớn đi xem phim có quyền dắt theo một trẻ em – miễn phí.

Lối thứ hai rắc rối hơn một chút, kém đàng hoàng hơn một tí, và cần một ít vốn đầu tư. Mấy đứa phải hùn hạp đủ tiền cho một thằng hay một con nào đó mua vé đàng hoàng. Sau đó, nó sẽ len lén mở cửa hông cho cả lũ vào luôn!

Có lần vì giông bão rạp chiếu bóng cũng chỉ có mấy ngoe mua vé vào xem. Lũ nhi đồng chúng tôi quên chi tiết đó, vẫn tiếp tục rủ nhau coi cọp. Không những thế, nhiều đứa còn “mời” cả anh chị và bố mẹ “đi” luôn. Dân trong xóm tôi đều nghèo, đều rất ham… vui; do đó, gặp ngày mưa buồn bã và rảnh rỗi (rạp hát lại gần nhà) nên mọi nguời đều vui vẻ… nhận lời!

Chủ rạp kinh ngạc khi thấy vé không bán được bao nhiêu mà bên trong rộn rã tiếng cười đùa vỗ tay của trẻ con, rôm rả tiếng bàn tán nói cười của nguời lớn. Không cần phải thông minh lắm nguời ta cũng tìm được lý do, không lâu, sau đó.

Thế là bất ngờ, sau một lời xin lỗi ngắn ngủi qua hệ thống phát thanh, đèn bật sáng trưng, nhân viên ào vào soát vé. Lần lượt từng mạng một, không phân biệt già trẻ lớn bé, không sót một ai, cả xóm bị “mời” ra khỏi rạp bằng những lời lẽ hoàn toàn … không nhã nhặn.

Ðã có lúc vui miệng, tôi kể cho mấy đứa con nghe về cái kỷ niệm ấu thơ (không mấy êm đềm) này. Chúng đều tỏ vẻ ái ngại và vô cùng thất vọng về thái độ rất thiếu đàng hoàng, lương thiện của một người làm cha không lấy gì làm khả kính:

  • It’s not fun.Như vậy đâu có vui bố.
  • And it’s not fair, either!Cũng không công bằng mấy bố à.
  • Ờ thì bố cũng thấy là không vui gì cho lắm và có hơi kỳ kỳ một chút.
  • Kỳ một chút sao được. It’s cheating,như vậy là ăn gian!

Tôi miễn cưỡng đồng ý với tụi nó mà bụng dạ (nói thiệt) có hơi buồn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã gian lận gì nhiều trong chuyện xem phim cọp cả. Cũng như tất cả những nguời dân lớn nhỏ khác của cả xóm mình, tôi chỉ có tội nghèo mà ham… vui (và hơi láu cá chút đỉnh) thế thôi.

Láu cá (rõ ràng) không phải là một đức tính, dù nhìn theo quan niệm đạo đức của bất cứ ai. Bởi vậy, càng già tôi càng đàng hoàng thấy… rõ! Những nguời tử tế, biết phục thiện, và tử tế như tôi – tiếc thay – hơi ít.

Tạp chí Khởi Hành số 34, phát hành tháng 8 năm 99, từ California, có bài viết “Khi Chính Trị Chi Phối Văn Hoá”, của Trần Anh Tuấn, về những nguời… rất không đàng hoàng như thế. Những kẻ mà đến lúc chết vẫn còn (vô cùng) láu cá!

Một phần của bài viết, ông Trần Anh Tuấn dùng để điểm cuốn Lịch Sử Và Văn Hoá Việt Nam – Những Gương Mặt Trí Thức, tập I, do Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân và Tạ Ngọc Liễn sưu tầm và biên tập, Nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin Hà Nội xuất bản năm 1998. Nội dung cuốn sách được ông Trần Anh Tuấn ghi nhận như sau:

Với hơn 700 trang, các tác giả đã chọn ra 71 nhân vật mà họ vinh danh là những trí thức Việt Nam tiêu biểu trải qua 770 năm lịch sử, với 9 thời đại và thời kỳ (Trần, Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa V.N.)”.

Nhưng nhìn vào danh sách là chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách: trong suốt 720 năm (1225 – 1945) họ chỉ chấm có 38 nhân vật tức 53%. Ðó là Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Trãi, Triệu Thái, Lê Thánh Tông, Lê Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Lê Qúi Ðôn, Lê Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ, Võ Trường Toản, Phan Huy Chú, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Ðình Chiểu, Phạm Thuật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Truờng Tộ, Nguyễn Quang Bích, Lương Văn Can, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn An Ninh, và Phạm Tuấn Tài.”

Trong 50 năm sau cùng (1945 – 1995), họ đưa ra một số lượng khổng lồ là 33 nguời, tức 47%. Trong số 33 tên, chỉ trừ giáo sư Hoàng Xuân Hãn sống ở Pháp, còn lại 32 tên không ai khác hơn là những đảng viên cao cấp của Ðảng Cộng sản Việt Nam và những nguời phục vụ chế độ cộng sản. Ðó là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Truờng Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Khánh Toàn, Ðặng Thái Mai, Trần Huy Liệu, Phạm Huy Thông, Tôn Thất Tùng, Hồ Ðắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Giáp, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Ngụy Như Kon Tum, Dương Ðức Hiền, Ðặng Văn Ngữ, Hoài Thanh, Nam Trân, Nguyễn Khắc Viện, Lê Văn Thiêm, Từ Chi, Nguyễn Ðổng Chi, Cao Xuân Hy, Trần Ðức Thảo, Hoàng Thúc Trâm, Ðào Duy Anh, và Hoàng Xuân Hãn.”

Cứ theo như lời của ông Trần Anh Tuấn thì “nhìn vào danh sách là chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách”. Là kẻ hậu sinh, tôi không hề dám có nghĩ tranh luận hay bút chiến với một nguời cầm bút vào hàng truởng thượng – và nặng ký – như ông Trần Anh Tuấn. Tuy nhiên vì đã lỡ biện minh cho chuyện vào cửa cọp của chính mình, tôi tự thấy có bổn phận phải lên tiếng để bênh vực cho một số những nguời vừa được vinh danh là “trí thức Việt Nam tiêu biểu” – trong nửa thế kỷ qua.

Theo tôi thì qúi ông Ðào Duy Anh, Trần Ðức Thảo, Hoàng Xuân Hãn… đều dư sức dắt theo ba trự lóc nhóc cỡ như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh… đi vào lịch sử mà khỏi cần mua vé. Như đã thưa, tuy không bằng luật nhưng theo lệ (ít nhất cũng là lệ ở những thành phố miền Nam) mỗi nguời đi xem phim có quyền dắt theo một nhi đồng – miễn phí. Hồi nhỏ tụi tôi vẫn đi xem phim ké theo kiểu đó mà. Ðiều này đâu có gì là gian lận mà ông Tuấn phải phàn nàn và nặng lời dữ vậy?

Giữa chuyện ham vui (của lũ bé con chúng tôi, ngày truớc) và chuyện ham danh (của những ông lãnh tụ cộng sản Việt Nam, bây giờ) có một điểm này chung: túng làm liều. Ðiểm chung đó, với ít nhiều chủ quan, tôi tin tưởng là thông cảm và chia sẻ được.

Nếu không, nghĩa là nếu ông Trần Anh Tuấn không đồng ý, tôi xin đề nghị chúng ta nên nhìn vấn đề theo cách khác – dựa vào hình ảnh, kinh nghiệm phổ cập hơn với phần lớn mọi người, và cũng vẫn với phong thái nhẹ nhàng tương tự. Hãy tưởng tượng đến cảnh quá giang.

Chiếc bè chở những “gương mặt trí thức Việt Nam tiêu biểu” của nửa thế kỷ qua đi vào lịch sử mà chỉ có vài ba ông cỡ như Ðào Duy Anh, Trần Ðức Thảo và Hoàng Xuân Hãn… thì ngó bộ hơi neo đơn và cũng (có phần) phí phạm. Nó còn rộng chỗ nên quí ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh… xin được quá giang – vậy thôi.

Nguời ta mượn lời để diễn ý. Ðặng ý thì bỏ lời. Thiên hạ mượn bè để qua sông. Miễn sao họ qua lọt thì thôi. Câu nệ quá tôi sợ… mất lòng và, chắc chắn, cũng sẽ mất vui!

Tôi chỉ tận tình chia sẻ nỗi bất bất bình của ông Trần Anh Tuấn về việc những vị sử quan đương đại – Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân, và Tạ Ngọc Liễn – theo chỉ thị, đã mở cửa hông cho thêm cả đống ông nữa (tổng cộng lên đến 33 mạng) ào ạt nhào luôn vào lịch sử.

Cũng như đi coi phim cọp, đi quá giang – dù là bằng thúng, bằng mủng, bằng bè, bằng ghe tam bản, bằng thuyền ba lá, bằng ca nô, bằng tầu (hay bằng thủy phi cơ… chăng nữa) cũng đều nên tránh chuyện đàn đúm, kéo bè, kết đảng đông đảo quá. Xô đẩy, giành giật, chen lấn là cảnh (luôn luôn) rất khó coi và dễ gây hiểu lầm là một vụ thủy tặc hay không tặc. Ðó là chưa kể chuyện quá tải, rất không an toàn.

Chìm xuồng, cả lũ, như chơi.

Gần cả thế kỷ qua dân Việt dở sống dở chết. Giữa lúc muôn họ lầm than, nhân tâm ly tán, nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm; danh nhân, trí thức, kẻ sĩ… ở đâu mà hăm hở chen lấn đi vào lịch sử đông dữ vậy – hả Trời? Chợ chưa họp mà kẻ cắp đã đến đủ mặt như thế thì (ngó) cũng kỳ.

Mới đây ông Nguyễn Chính còn khám phá ra vụ này, ngó bộ, còn kỳ dữ nữa về chuyện khai thác bauxite ở Việt Nam: “Quốc hội chưa họp, nghĩa là chưa ai có ý kiến gì, ông dân biểu Dương Trung Quốc đã phát ngôn trên báo Tuổi Trẻ rằng “Nhưng Bộ Chính trị đã quyết rồi thì bây giờ ta chỉ bàn làm sao cho tốt, cho an toàn thôi” khiến nhiều cử tri rất ngỡ ngàng.”

Tôi thì không ngỡ ngàng gì cho lắm vì đã được họp tập trước về việc “Đảng chỉ tay, Quốc hội vỗ tay, dân trắng tay” tự lâu rồi. Chỉ hơi ngờ ngợ vì cái tên của ông Dương Trung Quốc nghe (có vẻ) quen quen. Té ra, ông chính là một trong ba nhân vật đã sưu tầm và biên tập cuốn Lịch sử và văn hoá Việt Nam – Những gương mặt trí thức (tập I) do Nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin Hà Nội xuất bản năm 1998.

Tưởng sao chớ “đi ra, đi vô cũng cái thằng cha khi nẫy” chớ ai! Mười năm trước ông Dương Trung Quốc tô vẽ cho nhiều kẻ bất hảo trở thành “Những gương mặt trí thức” của lịch sử và văn hoá Việt Nam. Bây giờ thì ông mở đường để con những người này mang đất nước ra băm xẻ, cho bằng thích.

Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Đua xe giữa mùa xuân Tây Bắc

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban:

“Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”

Thảo nào mà hằng năm vẫn có Lễ Hội Hoa Ban (hay còn gọi là lễ hội Xên Mường, theo Wikipedia) “được người Thái ở Tây Bắc tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch, khi hoa ban nở trắng  núi rừng.” Chỉ có điều hơi đáng tiếc là giữa không gian thi vị và thơ mộng như thế mà Sở Văn Hóa Thể Thao Du Lịch (tỉnh Điện Biên) lại tổ chức đua xe nên ngó cũng thấy hơi kỳ.

Báo Công An Nhân Dân cho biết:

“Đây là lần thứ 3 cuộc thi này được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban nhằm tái hiện lại hình ảnh những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến chở hàng ngàn tấn lương thực vào chiến trường chỉ bằng chiếc xe đạp thồ thô sơ … góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ngoài ra, chiếc xe đạp thồ còn là hình ảnh biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, quyết tâm giành độc lập, tự do cho đất nước.”

Chỉ “hơi kỳ” thôi thì bỏ qua đi. Chuyện nhỏ mà. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn cần phải đặt ra là thế cái Nhà Nước CHXHVN (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) đã đãi ngộ “những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến … góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” ra sao?

Trận chiến này kết thúc vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 nhưng mãi đến hơn 60 mươi năm sau, nhà đương cuộc Hà Nội mới ban hành Quyết định 49/2015/QĐ -TTg – ký ngày 14 tháng 10 năm 2015 – về chính sách đối với dân công hỏa tuyến (tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế) như sau:

Chế độ trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến (trường hợp có thời gian tham gia dân công hỏa tuyến ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn) cụ thể như sau:

  1. a) Dưới 01 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng;
  2. b) Đủ 01 năm đến dưới 02 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng;
  3. c) Từ đủ 02 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng.

Má ơi! Sao “tham gia làm nhiệm vụ quốc tế” mà chỉ được trợ cấp có một lần thôi (và ít xịt vậy Trời) dù tuyệt đại đa số những người trong cuộc đều đã qua tuối 80, hoặc đã chết hết trơn rồi?

Người tuy đã chôn sâu (hay nói theo ngôn từ cách mạng là đã đi vào lịch sử) nhưng mấy cái xe thồ thì chưa. Thỉnh thoảng, thiên hạ vẫn thấy chúng xuất hiện trên đường phố ở khắp ba miền. Tuy chủ nhân không còn phải thồ lương thực/súng đạn như xưa nhưng trách nhiệm thì vẫn nặng nề, đường thì vẫn dài lê thê, và (e) sẽ không có điểm dừng:

Qua một bài phóng sự ngắn (“Thương Cảnh Mẹ Đạp Xe 50 KM Đưa Con Đến Trường”) phóng viên Q. Chiến cho biết thêm nhiều tình tiết về cách mưu sinh cọc cạch, và nhọc nhằn, này:

Đã 3 năm nay, bất kể mưa hay nắng, người mẹ tóc đã bạc ấy vẫn hằng ngày đạp xe 50 km đi về, đưa con đến trường rồi sau đó cùng đứa con gái bệnh tật đi nhặt ve chai mưu sinh. Quê ở Kiên Giang, lên thành phố kiếm sống rồi bị chồng bỏ từ khi mang thai đứa con thứ 2, hằng ngày bà Nguyễn Thị Mai (53 tuổi) đều đạp xe đưa con gái nhỏ đi học miễn phí cùng với đứa con gái bị bại não. Hiện mẹ con bà đang trọ ở quận 2, TP HCM.

Để cho con gái nhỏ, bé Khưu Thị Huỳnh Giao (9 tuổi) được đi học trường tình thương Ánh Sáng (quận 3, TP HCM) đã 3 năm nay bà Nguyễn Thị Mai phải đạp xe từ đường Nguyễn Thị Định, quận 2 sang đường Tú Xương, quận 3. Từ 5 giờ sáng, bà Mai đã dậy sớm khăn gói đưa con đến trường.

 Cuộc mưu sinh cùng cực bằng chiếc xe thồ và sức chịu đựng vô song của những người trong cuộc nhắc nhớ đến những kỳ tích của những dân quân hoả tuyến, hồi giữa thế kỷ trước – theo tường thuật của Vietnamnet:

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng gần 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao.

Xe đạp thồ là một phương tiện linh hoạt nó có thể khắc phục được nhiều nhược điểm của các phương tiện khác. Mỗi chiếc xe thồ có thể chở trung bình từ 80kg đến 100kg tương đương với sức mang của 5 người. Nhiều xe thồ đến hơn 200 kg, đặc biệt có những xe thồ đến hơn 300 kg.

Các học giả nước ngoài nói rằng, chưa ở đâu có như ở Việt Nam, khi sử dụng một lượng lớn xe đạp thồ – một phương tiện đơn giản trở thành phương tiện vận tải hữu hiệu. Họ đã đánh giá rất cao chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Việt Nam đã huy động được mọi sức mạnh, huy động mọi lực lượng, huy động mọi yếu tố, phát huy mọi sáng kiến để phục vụ cuộc kháng chiến cho nên Việt Nam giành thắng lợi là tất yếu. 

Hơn nửa thế kỷ sau – sau khi Việt Nam đã dành thắng lợi – nhiều bà mẹ tả tơi vẫn nhẫn nại chở con theo đi nhặt ve chai, nhiều ông bố khốn cùng vẫn đèo con cùng với thùng kem bán dạo, và không ít những đứa trẻ bẩm sinh dị tật vẫn chưa bao giờ được nhà nước hiện hành nhìn nhõi đến. Cái đất nước này “đã huy động được mọi sức mạnh, huy động mọi lực lượng, huy động mọi yếu tố, phát huy mọi sáng kiến để phục vụ cuộc kháng chiến” và “dành thắng lợi” cho ai?

Đã thế, hằng năm vẫn “sôi nổi tổ chức đua xe đạp thồ” để làm gì vậy chứ? Ăn mày dĩ vãng như thế liệu có “nuôi” được hiện tại không?

Ông Đào Ngọc Lượng, Phó Giám Đốc Sở Văn Hóa Thể thao Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: “Ban tổ chức mong muốn qua cuộc thi này giúp người dân hiểu về công tác hậu cần đưa lương thực từ hậu phương đến tiền tuyến, góp phần rất lớn trong chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954. Đây là hoạt động trải nghiệm tốt để thế hệ học sinh, bộ đội tân binh cảm nhận được sự gian nan, vất vả của ông cha trong kháng chiến cứu nước, giáo dục ý thức trách nhiệm của thanh niên với quê hương, đất nước.”

Thế cái nhà nước hiện nay có chút “ý thức trách nhiệm” nào đối với dân không?


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Ông già Ba Tri Lê Đình Kình

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

08/01/2024

 

Tôi mém viết hồi ký mấy lần, lần nào cũng đang lúc chuyến choáng hơi men. Ngủ một giấc – thức dậy – ngẫm nghĩ thấy đời mình chán như con gián và nhạt còn hơn nước ốc nữa (chả có cái con mẹ gì để mà “ký” cả) nên … thôi!

Thôi, không viết thì đọc vậy. Cho nó đỡ buồn. Năm ngoái, tôi coi lại nguyên bộ Trả Ta Sông Núi của Đại Tá Phạm Văn Liễu. Năm nay, nghe Đinh Quang Anh Thái dụ, tôi đặt mua cuốn Hồi Ký Tống Văn Công – do Người Việt Books xuất bản.

Tống Văn Công cùng quê với Xuân Vũ. Cả hai ông đều là dân miền Nam nên không biết làm dáng, cũng không quen mầu mè (riêu cua) gì ráo, viết cứ như nói, và nghĩ sao thì nói vậy hà. Xin coi chơi một đoạn ở chương dẫn nhập:

“Tôi cứ tưởng ông già Ba Tri là chỉ những vị nổi tiếng của quê tôi như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan văn Trị nhưng ông nội tôi bảo sự tích này có từ thời Minh Mạng: Ông Trần văn Hạc, Hương cả của làng An Hòa Tây cho đắp con đập ngăn vàm rạch làm tắc nghẽn đường ghe chở hàng hóa vào chợ Ba Tri.

Dân chúng cả vùng phát đơn kiện, nhưng thế lực Trần Văn Hạc quá mạnh, quan tổng, quan huyện, quan tỉnh đều xử ông ta thắng kiện. Bà con bàn bạc cử ba ông già có uy tín nhất vùng là Thái Hữu Kiếm, Nguyễn Văn và Lê Văn Lợi mang đơn ra Huế kiện lên triều đình.

Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn. Vua Minh Mạng cho các ông vào chầu tấu trình sự việc. Vua nghe xong, hạ chiếu cho các ông thắng kiện. Từ đó, danh xưng ‘ông già Ba Tri’ là chỉ những cụ già nhưng chí khí không già, dám dũng cảm bảo vệ lẽ phải.”

Thiệt, đọc mà ái ngại hết sức: “Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn.” May mà còn gặp vị vua nhân đức (“hạ chiếu cho các ông thắng kiện”) chớ không thì công cốc.

Thời nay lỡ xẩy ra những chuyện oan khuất tương tự thì chả ai còn phải cất công đi lại xa xôi như vậy nữa. Địa phương nào cũng có hội đồng nhân dân các cấp, trên nữa là quốc hội. Thêm vào đó là hàng ngàn tờ báo, chưa kể vô số các cơ quan truyền thông, mọi chuyện khuất tất đều sẽ bị phơi bầy trước công luận tức thì nên mấy ông già Ba Tri bị thất nghiệp là cái chắc (và cũng hết còn đất sống) đúng không?

Không!

Tưởng vậy chớ không phải vậy đâu. Tưởng vậy là tưởng năng thối. Năm rồi, xã Đồng Tâm vừa xuất hiện một ông già Ba Tri khiến cả nước phải giật mình kinh ngạc. Ông được Tạp Chí Luật Khoa bình chọn là một trong “Mười Nhân Vật Chính Trị Việt Nam Năm 2017,” cùng với không ít lời ưu ái:

“Trước tháng 4/2017, công chúng không biết Lê Đình Kình là ai. Vụ chính quyền huyện Mỹ Đức, Hà Nội xô xát và bắt giữ ông cụ 82 tuổi này vào ngày 15/4 đã thổi bùng làn sóng phản đối của người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, vốn đang có tranh chấp đất đai tại khu vực đồng Sênh.

Tất cả những diễn biến sau đó cho người ta thấy hình ảnh của một lãnh đạo cả về tinh thần lẫn quyết sách của những người nông dân Đồng Tâm. Ngoài trí tuệ minh mẫn và khả năng trình bày khúc chiết, ông Lê Đình Kình hội tụ nhiều yếu tố để trở thành người được tín nhiệm ở một làng nông thôn Bắc Bộ …”

Về vụ “xô xát” nói trên, nhà báo Nguyễn Đình Ấm cho biết thêm chi tiết:

“Việc ngày 15/4/2017  ba sĩ quan quân đội và đội cảnh sát, an ninh CAHN mời dân ra đồng Sênh ‘kiểm tra mốc giới’ khi đến mốc 15- 20 thì nổ súng uy hiếp, trung tá Trần Thanh Tùng phó CA huyện Mỹ Đức đá cụ Kình văng 2m rồi cùng ‘côn đồ mặc quần bò, áo thun’ xốc nách cụ đưa lên ô tô khóa tay, bịt miệng đồng thời bắt 4 người nữa chở lên Hà Nội thẩm vấn, tra khảo…”

Ông già Ba Tri của xã Đồng Tâm – huyện Mỹ Đức – bị “côn đồ đấm đá, tra khảo” nhưng cả trăm đại diện của Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hà Nội  đều câm như hến. Còn ĐBQH Đào Thanh Hải thì đứng về phía … công an, để vu cáo nạn nhân: “Gia đình ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân” – theo như tường trình của báo Người Lao Động, đọc được vào hôm 7 tháng 11 năm 2017.

Một năm sau, trên trang Tiếng Dân – đọc được vào ngày 6 tháng 8 năm 2018 –  Nguyễn Đăng Quang (một nhà báo tận tụy và đặc biệt quan tâm về sự việc Đồng Tâm) cho biết:

“Cuộc khủng hoảng Đồng Tâm vẫn đang bế tắc. Người dân đã hai lần gửi TÂM THƯ đến HNTƯ7 và Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội vừa qua, nhưng không có ai trả lời họ. Mới đây, cụ Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh của người dân Đồng Tâm, với danh nghĩa người bị hại trong biến cố Đồng Tâm, đã gửi tới Ủy ban Tư pháp Quốc hội và bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban này một “Thư công dân gửi ĐBQH”.

Thư gửi qua ‘Chuyển phát nhanh’, song đến nay đã hơn 2 tháng mà chẳng một ai hồi âm hay phúc đáp cả!

Cụ Kình nhờ tôi hỏi giúp việc này. Tôi có điện hỏi bà Lê Thị Nga, được bà cho biết là chưa nhận được, và đề nghị tôi nhắn cụ Kình gửi lại cho riêng bà, đừng gửi cho ai khác…

Trong cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, người viết bài này cũng như tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan chức năng cần hồi đáp đơn thư và các nguyện vọng, kiến nghị của người dân.”

Khi đất nước còn ở trong tình cảnh một cổ hai tròng (thực dân & phong kiến) nếu bị đám quan lại địa phương ức hiếp, mấy ông già Ba Tri thời trước chỉ cần mất vài tháng đi bộ từ quê mình ra đến kinh đô – nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn – rồi chầu tấu trình sự việc là … kể như xong.

Còn bây giờ “tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan chức năng hồi đáp đơn thư” thôi nhưng điều “mong muốn” giản dị này – xem ra – vẫn hơi có vẻ xa vời, nếu chưa muốn nói là xa xỉ.

Chúng ta đang sống vào cái thời đại (thổ tả) gì vậy, hả Trời?

27/08/ 2018