Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, (315-368), tiến sĩ Hội Thánh-Cha Vương

Dù bạn đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nơi nào, lúc nào, chúc bạn có được một cảm thức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa đang nói với bạn: Ta biết con… It’s OK! Con đừng sợ, đã có Thầy đây…”

Cha Vương

Thứ 7: 13/01/2024

Hôm nay 13/1 Giáo Hội mừng kính  Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, (315-368), tiến sĩ Hội Thánh. Thánh Hilariô được đánh động bằng một lời Cựu Ước: “Ta là Ðấng tự hữu”. Từ khi được Chúa Thánh Thần soi sáng và tác động mạnh mẽ, thánh nhân đã quyết tâm tìm gặp Chúa và quyết đi theo Chúa.

MỘT CUỘC ÐỜI: Thánh nhân sinh tại Aquitaine nước Pháp vào năm 315 trong một gia đình thế giá và giầu có, danh tiếng. Thánh nhân đã được hấp thụ một nền giáo dục tốt và đầy đủ. Chính vì thế, Ngài đã có một đức tính cương trực, ngay thẳng và trong sạch. Thánh nhân ham mê và thích văn chương, triết lý ngay từ thuở thiếu thời. Mặc dầu ngoại giáo nhưng sự đắm chìm vào những suy tư sâu sắc, Hilariô đã sớm giác ngộ và tìm về chân lý. Ngài đã xin trở lại đạo và xin rửa tội làm con Chúa và con của Giáo Hội. Trở về với Chúa, thánh nhân đã nêu gương một đời sống thánh thiện và đạo đức. Nhờ tài ăn nói lưu loát, thánh nhân đã mau chóng trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu. Vào năm 350, thánh nhân được chọn làm giám mục poitiers. Ngài nhiệt thành với sứ vụ mới Chúa trao. Ngài hăng say chống lại bọn lạc giáo Ariô. Ngài đã triệu tập công đồng các giám mục để ra vạ tuyệt thông cho Ursace và Valens vì bọn lạc giáo được hoàng đế Constance che chở. Tuy nhiên, bọn lạc giáo đã cấu kết với nhau để đầy Ngài qua đảo Phrygie. Dù tù tội, thánh nhân không nao núng, Ngài đã viết bộ tổng luận 12 cuốn trình bầy về Thiên Chúa Ba Ngôi để chống lại bè rối Ariô. Bốn năm tù đầy, thánh nhân luôn hướng về địa phận của Ngài và viết nhiều thư luân lưu, động viên giáo dân của Ngài giữ vững niềm tin. Hoàng đế Constance đã cho triệu tập công đồng tại Séleucide, tại đây thánh Hilariô cũng được mời tham dự. Thánh nhân với tác động của Chúa Thánh Thần đã hăng say bênh vực Hội Thánh và thuyết phục được toàn bộ các giám mục tin vào Giáo Hội, tin vào giáo lý chân chính của Chúa Giêsu và các tông đồ. Tại công đồng Séleucide, bọn lạc giáo bị thất bại chua cay, nên đã bàn với hoàng đế Constance tha cho Ngài được hồi hương. Ngày trở về địa phận của thánh nhân đã làm cho mọi người hân hoan, vui mừng Chúa đã làm một phép lạ minh chứng quyền năng của Ngài qua bàn tay của thánh nhân: một em bé đã chết chưa kịp rửa tội, được Ngài làm cho sống lại.

CHÚA THƯỞNG CÔNG THÁNH NHÂN: Mặc dầu tuổi già, sức yếu, thánh Hilariô vẫn hăng say chu toàn sứ mạng mục tử và tiếp tục viết nhiều sách rất có giá trị. Thánh nhân được Chúa gọi về ngày 13/01/369. Tại Bordeaux, các giám mục đã thỉnh cầu Ðức Thánh Cha Piô IX ban cho thánh Hilariô tước vị tiến sĩ Hội Thánh ngày 10/01/1852.

Lạy thánh Hilariô, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con luôn hăng say nhiệt thành loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng cứu độ của Chúa.

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

From: Do Dzung


 

Thánh Elizabeth Ann Seton Nữ Tu Hoa Kỳ (1774-1821).

Một ngày mới thật tốt lành và hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 04/01/2024

Hôm nay 04/01 Giáo Hội mừng kính Thánh Elizabeth Ann Seton Nữ Tu Hoa Kỳ (1774-1821).

– Là người thứ nhất sinh tại Mỹ được phong thánh năm 1975.

– Là người đầu tiên mở trường học Công giáo cho giáo xứ,

– Là người đầu tiên lập nhà mồ côi trong giáo xứ.

– Là người đầu tiên lập nữ tu viện cho phụ nữ Hoa kỳ

Trong 46 năm, bà vừa nuôi con vừa làm các việc trên.

  1. Thân thế: Thánh Elizabeth Ann Seton có cha mẹ theo đạo Episcopan (Anh giáo). Mẹ bà và mẹ nuôi đã dạy bà cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Cha bà là một bác sĩ đã dạy bà yêu thương và giúp đỡ người nghèo.

Khi còn là thiếu nữ, Seton thường đem đồ ăn cho những người nghèo gần nhà cô. Sau khi lập gia đình, bà và người chị dâu thường thăm viếng người nghèo và người đau yếu trong xóm nghèo. Lấy chồng lúc 19 tuổi là ông Wil Seton ở New york, con nhà giầu có. Hai người rất yêu nhau và sinh được 3 gái 2 trai.

Mọi sự tốt đẹp cho tới năm 1803, chồng bà bị phá sản (bankrupt) và yếu đau. Ông đã qua đời khi đi thăm người bạn bên nước Ý. Gia đình Ý này đã giúp bà Elizabeth và các con trở thành những người Công giáo. Bà tin Chúa trong Thánh Thể, lòng sùng kính Đức Mẹ, Giáo hội tông truyền từ các thánh Tông đồ. Vì việc này bà và các con bị họ hàng ghét bỏ. Bà Seton trở thành bà góa chồng lúc 30 tuổi. Để có tiền nuôi con, bà đã mở trường nội trú Công giáo cho các thiếu nữ tại Baltimore, bang Maryland. Mấy bà khác đến giúp đỡ và nhà nội trú phát triển.

Ít lâu sau, bà thấy tiếng Chúa gọi trong lòng, hiến mình cho Chúa, nên bà và mấy bà bạn cùng nhau lập tu viện, sau này trở thành Dòng Nữ tử Bác ái (Daughters of Charity). Hai con trai bà nhập lính hải quân, 2 con gái đi tu, một người chết trẻ, một người làm việc cho tù nhân. Ngày nay, hàng ngàn ngàn nữ tu Bác ái đang phục vụ trong các bệnh viện, nhà dưỡng lão, và nhà trường.

  1. Hoàn toàn phó mình theo ý Chúa, vui chịu đau khổ, tôn kính Mình Thánh: Thánh Elizabeth Ann Seton không có ơn khác thường như làm phép lạ, nói tiên tri, in dấu thánh… nhưng bà có 2 điều đặc biệt là: hoàn toàn phó mình làm trọn Ý Chúa, vui chịu đau khổ: mẹ chết, chồng chết, con chết, họ hàng ghét bỏ… Thánh nữ nổi bật về lòng tôn kính Mình Thánh Chúa, yêu mến Đức Mẹ…

(Nguồn: Dân Chúa)

Noi gương Thánh nhân, mời Bạn hãy tập sống câu nói sau đây của Ngài: “Tôi thiết nghĩ mục đích trước nhất trong công việc hằng ngày của chúng ta là:

(1) Thi hành thánh ý Thiên Chúa;

(2) thứ đến, thi hành điều ấy trong phương cách mà Ngài muốn;

(3) và thứ ba, thi hành điều ấy vì đó là ý Chúa.”

From: Do Dzung

Xin vang

Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô-Cha Vương

Chúc bình an! Sau những ngày yến tiệc linh đình, chịu khó vận động tay chân một tí để đốt calo nhé. Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô. Mừng bổn mạng đến những ai chọn các ngài làm qua thầy.

Cha Vương

Thứ 3: 02/01/2024

Sở dĩ Giáo Hội cho chúng ta mừng chung hai thánh Basiliô Cả và Grêgoriô Nazianzênô trong một ngày là bởi vì cuộc sống của các ngài có những điểm chung thật thú vị. Trước hết các ngài đã vào cuộc đời làm người ở cùng một nơi, tại Cappadocia và cha mẹ của các ngài đều là những người thuộc dòng giống quí phái, danh tiếng, có địa vị trong xã hội thời đó. Các ngài đã được cha mẹ cho học cùng một trường tại kinh thành Athènes nổi tiếng của Hy Lạp rồi sau khi tốt nghiệp các ngài cùng về quê sống chung với nhau trong một tu viện. Điểm chung cuối cùng rất đáng chúng ta cảm phục là các ngài đã cùng đứng chung trong một trận tuyến khi phải đối đầu với bè rối Ariô để bảo vệ niềm tin trong sáng đối với Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc toàn thể nhân loại chúng ta. Dù rằng tính khí mỗi người khác nhau, nhưng các ngài đã sống hết sức nghĩa thiết đối với nhau theo gương vị mục tử nhân hậu hiền lành là Thầy Giêsu chí thánh. Basiliô có tài lãnh đạo, có óc tổ chức, chỉ huy và điều khiển. Còn Grêgôriô Nazianzênô lại thích chiêm niệm, sống âm thầm và là một tu sĩ sáng ngời các nhân đức. Cả hai vị thánh đều được chọn làm Giám mục cai quản Giáo Hội.

Thánh Basiliô được đặt làm Giám mục Caesarea Mazaca thuộc vùng Capadocia, Tiểu Á năm 370. Ngài là một mục tử can trường, đầy dũng khí và hiên ngang. Nhờ lòng dũng cảm, lời giảng dạy và nhờ sự tài khéo khéo khi giao tiếp với mọi người mà Ngài đã đem lại chỗ đứng vững chắc cho Giáo Hội thời đó. Dưới sự dẫn dắt của Ngài, thần quyến và thế quyền đã có chỗ đứng riêng tránh được những sự phiền toái làm ảnh hưởng đến tính trong sáng của Tin Mừng. Ngài hết sức lo cho những người nghèo để họ được sống đúng với phẩm giá của mình cũng như bảo vệ họ luôn được đứng vững trong niềm tin trong sáng của Chúa và Giáo Hội.

Ngài đã viết nhiều bài luận về Chúa Thánh Thần, phát triển nền thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài cố gắng rất nhiều trong việc hàn gắn những chia rẽ trong Giáo hội.

Trong Giáo Hội Công giáo Rôma, Ngài được công nhận là Tiến sĩ Hội thánh năm 1568 do Đức Giáo hoàng Piô V.

Thánh Grêgôriô Nazianzênô được tấn phong Giám mục Sasime năm 371, và vào năm 380, thánh nhân được cử làm Giám mục Constantinople giữa lúc bè rối Ariô đang hoành hành gây nên nhiều khó khăn cho Giáo Hội. Nhờ tài hùng biện và sự thánh thiện của Ngài, mà Ngài đã chinh phục được mọi người, đem lại sự bình an cho Giáo Hội lúc đó. Người ta đã phong tặng cho thánh nhân một cái tên hết sức thân thương: “Cha của những kẻ khốn cùng”.

Thánh Basiliô qua đời ngày 01/1/379 và thánh Grêgôriô Nazianzênô tạ thế ngày 25/1/390.

Cả hai vị thánh đã sống đời sống hiền lành, khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu Cứu Thế. Cuộc sống của các Ngài đã họa lại bộ mặt đầy yêu thương của Chúa. Thánh Grêgôriô đã để lại câu nói bất hủ: “Nếu vì tôi mà bão táp này (bè rối Ariô) nổi dậy, hãy ném tôi xuống biển, để anh em khỏi bị khổ sở“.

Thánh Basiliô cũng còn là một người hết lòng chăm sóc cho những người nghèo. Có lần Ngài đã phát biểu: “Thực phẩm mà bạn không dùng là thực phẩm của người đói; quần áo bạn treo trong tủ là quần áo của người trần truồng; giày dép bạn không dùng là giày dép của người chân không; tiền bạc bạn cất giữ là tiền bạc của người nghèo; hành động bác ái mà bạn không thi hành là những bất công mà bạn đã phạm.” (Nguồn: Lm. Giuse Đinh Tất Quý, TGP Sài Gòn)

Nguyện xin 2 thánh Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô cầu bầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng


 

Thánh Juan Diego (1474-1548)

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Juan Diego (St. Juan Diego), 1474-1548, vị thánh được ít người Việt biết đến. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thư 7: 9/12/2023

Lúc đầu người ta gọi ngài là Cuauhtlatohuac (“Con đại bàng cất tiếng”), tên Juan Diego thì mãi mãi đi liền với Ðức Mẹ Guadalupe vì chính ngài là người được Ðức Mẹ hiện ra ở đồi Tepeyac lần đầu tiên vào ngày 9/12/1531.

Ông là một thổ dân nghèo hèn, 57 tuổi, goá vợ, tên thật là Cuatitlatoatzin và sau khi rửa tội có tên là Juan Diego. Vào buổi sáng thứ Bảy, 9 tháng Mười Hai 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Ðức Mẹ. Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót. Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec. Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Ðức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu đức giám mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.

Dĩ nhiên vị giám mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ. Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng. Ðiều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ. Tuy nhiên, đức trinh nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị giám mục. Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp. Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị giám mục.

Trước sự hiện diện của đức giám mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị giám mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy. Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Ðức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac. Ðó là ngày 12 tháng 12 năm 1531.

Sau đó, người ta không đề cập gì nhiều đến Juan Diego. Có lúc ông sống gần một ngôi đền được dựng ở Tepeyac, được mọi người kính trọng như một giáo lý viên thánh thiện, vô vị lợi và đầy lòng nhân ái qua lời nói cũng như gương mẫu. Ông Juan Diogo qua đời vì già yếu bệnh tật ngày 30 tháng 5 năm 1548 tại Guadalupe, Mexico.

Juan Diego được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phước tại Vatican ngày 09 tháng 4 năm 1990. Trong chuyến công du đến Mễ Tây Cơ ngày 06 tháng 5 năm 1990, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác nhận lại một nghi thức có từ lâu đời nhằm vinh danh Juan Diego qua việc phong chân phước cho ông. Ngài được nâng lên bậc hiển thánh ngày 31 tháng 7 năm 2002 trong một buổi lễ được tổ chức long trọng tại Vương cung Thánh đường Ðức Mẹ Guadelupe, Mexico với khoãng 4.3 triệu người tham dự.

Trong bài giảng Lễ tuyên phong Chân Phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Cũng như các nhân vật trong phúc âm xưa đại diện chung cho mọi dân tộc, chúng ta cũng có thể nói rằng Juan Diego đại diện cho những người thổ dân đã chấp nhận Tin Mừng của Ðức Giêsu, nhờ sự trợ giúp của Mẹ Maria, là người luôn luôn sát cánh với hành động của Con Mẹ và sự phát triển của Giáo Hội, như khi ngài hiện diện với các Tông Ðồ trong ngày Hiện Xuống”

(Nguồn: Người Tín Hữu Online) 

From: Do Dzung

Maria ngày xa xưa ấy 

Thánh Am-rô-xi-ô – Cha Vương

Thánh Am-rô-xi-ô

Xin Chúa che chở và ban nhiều ơn lành xuống cho bạn và gia đình hôm nay. Hãy gạt bỏ quá khứ, chào đón mỗi ngày với niềm vui và hy vọng. Sống hồn nhiên vui vẻ với những nụ cười thật to nhé!

Cha Vương

Thứ 5: 07/12/2023

Hôm nay 07/12, Giáo hội mừng kính Thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Thánh Am-rô-xi-ô chào đời ở Trê-vê-rô khoáng năm 340 trong một gia đình người Rô-ma. Thánh nhân theo học ở Rô-ma và bắt đầu sự nghiệp hiển hách ở Xiếc-mi-ô. Năm 374, lúc đang ở Mi-la-nô, thánh nhân bất ngờ được bầu làm giám mục và được tấn phong ngày 7 tháng 12. Người trung thành thi hành bổn phận, nổi bật về lòng bác ái đối với mọi người. Đối với các tín hữu, người vừa là mục tử, vừa là tôn sư. Người đã can đảm bênh vực các quyền của Hội Thánh, người vừa viết lách, vừa hoạt động để bênh vực giáo lý đức tin chân thật, chống lại những người theo phái A-ri-ô. Người qua đời thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 4 tháng 4 năm 397. Sau đây là những câu danh ngôn của ngài mời bạn đọc và hình dung ra như ngài đang nói vời bạn điều gì đó…:

❦  Chúng ta tránh né con mắt người đời, nhưng chúng ta lại phạm tội ngay trước mắt Thiên Chúa.

❦  Hỡi những người giàu có, anh em muốn mở rộng tính tham lam của mình đến tận đâu? Anh em định làm những người duy nhất cư ngụ trên trái đất này sao? Vậy tại sao anh em lại xua đuổi những người cùng chia phần thiên nhiên và tự nhận nó là của riêng anh em? Trái đất này được tạo dựng cho mọi người, giàu cũng như nghèo, chung cho tất cả. Tại sao những người giàu có như anh em lại tự nhận nó làm độc quyền của mình?

❦  Nếu bạn có hai cái áo trong tủ, một cái là của bạn còn cái kia là của người nghèo không có áo mặc.

❦  Nhẫn nại chịu đựng là sự trọn lành của đức ái.

❦  Lòng nhân ái thật tốt lành vì làm cho người ta nên hoàn thiện, noi theo Chúa Cha là Đấng hoàn thiện. Không gì làm cho linh hồn người tín hữu nên khả ái cho bằng lòng nhân ái.

❦ Đối với người lành thánh, chết là một mối lợi. Người ngu dại sợ chết như điều dữ dằn kinh hãi nhất, còn người khôn ngoan mong mỏi cái chết như sự nghỉ ngơi sau bao nhiêu lao nhọc và chấm dứt những bệnh tật.

❦  Phúc cho ai dứt bỏ được thói tham lam là cội rễ của các tính mê…. Của cải thừa mứa trên thế gian này có ích gì, chúng không giúp được chúng ta sinh cũng chẳng cản được chúng ta tử? Chúng ta sinh vào thế gian này trần trụi, và chúng ta chết đi mà chẳng mang theo được một xu nào, chúng ta bị chôn táng mà không đem theo được sản nghiệp của mình.

❦  Không ai có thể tự chữa lành cho bản thân bằng cách đả thương người khác.

❦  Chúng ta đã yêu thương họ khi họ còn sống, vậy chúng ta cũng đừng lãng quên họ cho đến ngày chúng ta dẫn đưa họ – bằng lời cầu nguyện của chúng ta – vào đến nhà Chúa.

❦  Đời sống của Đức Maria là bài học cho tất cả mọi người… Bạn hãy đặt trước mắt bạn cuộc đời thánh khiết của Đức Trinh Nữ, Đấng đã phản chiếu, như một tấm gương, vẻ lộng lẫy, sự thánh khiết, và sức mạnh nhân đức.

 Câu nào đánh động bạn nhất? Tại sao?

Lạy Thánh Am-rô-xi-ô, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

Cho Đi Là Lãnh Nhận (Sáng tác: Duy Nhạc) – Angelo Band 

CÁC PHÉP LẠ CỦA THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ…

CÁC PHÉP LẠ CỦA THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ…

1–Thánh Phanxico Xavier đã hoán cải được rất nhiều linh hồn. Trong một năm mà ngài xây dựng được đến 45 cộng đoàn Công giáo ở trong vùng truyền giáo của ngài. Thiên Chúa đã sử dụng ngài để làm nhiều phép lạ kỳ diệu.

Tại Malacca, thánh Phanxico Xavier đã làm cho một người chết đã chôn trong nhiều ngày được sống lại. Khi Thánh Phanxico đi xa trong nhiều ngày thì người con gái của một phụ nữ chết. Người mẹ này đi tìm kiếm ngài khắp nơi khi con gái bà còn bịnh. Khi bà biết được thánh Phanxico về rồi thì bà tin rằng ngài có thể làm cho con bà sống lại. Giống như thánh Martha nói với Chúa Giêsu rằng:

“Nhưng bây giờ con biết là ngài xin điều gì với Thiên Chúa thì Chúa sẽ ban cho ngài.” (Gioan 11:22)

Khi người mẹ gặp thánh Phanxico thì bà quỳ mọp dưới chân ngài giống như bà thánh Martha. Thánh Phanxico ngạc nhiên trước đức tin vững mạnh của bà mẹ và ngài đã cầu nguyện để xin Chúa cho người con gái của bà sống lại. Rồi ngài bảo người mẹ hãy ra ngoài mộ tìm con vì con gái bà đã sống lại. Người mẹ vừa mừng, vừa sợ bởi vì thánh Phanxico không tự mình ra mộ và con bà thì đã được chôn 3 ngày rồi.

Tuy nhiên bà không hỏi thêm ngài mà chạy vào nhà thờ, nơi có mộ con bà. Tại đó, bà cùng nhiều người chứng thấy tảng đá lấp mộ được rời đi và người con gái đã được chôn 3 ngày mà sống lại. Ai ai cũng vui mừng vì phép lạ ấy.

2–Thánh Phanxico có quyền năng dù ở một nơi xa nhưng làm cho người chết sống lại. Tại Nhật Bản ở vùng Cagoxima, có một người giàu có ngoại giáo vừa mất một con gái duy nhất. Ông ta  quá sức đau buồn. Có một số người Kitô giáo cảm thương ông nên bảo ông hãy tìm đến gặp Thánh Phanxico Xavier, một thầy giáo vĩ đại người Bồ Đào Nha. Người cha bèn đến gặp ngài và quỳ dưới chân ngài. Ông ta nức nở mà không nói thành lời nhưng vị thánh hiểu tâm tình của người cha đau khổ.

Thánh Phanxico bèn vào nhà nguyện dâng thánh lễ. Người giúp việc ngài là ông Joam Fernandez, đi vào nhà nguyện với ngài. Sau khi thánh Phanxico cầu nguyện, ngài đi ra ngoài và bảo người cha tội nghiệp ấy rằng lời cầu nguyện của ông ta đã được Chúa nhận lời. Thế là người cha đi về và cảm thấy buồn bã.

Trên đường đi, ông ta gặp một người đầy tớ báo tin rằng con gái của ông vừa được sống lại. Rồi người con gái chạy đi và gặp cha mình. Cô ta kể rằng khi cô tắt thở thì có hai con quỷ ghê gớm đến kéo cô đi. Bọn chúng đang định ném cô vào hỏa ngục thì có hai người thánh đến cứu cô ra. Và thế là cô được sống lại khỏe mạnh.

Khi người cha dắt con gái đến gặp thánh Phanxico thì cô ta nhận ra chính là ngài và ông Fernandez đã cứu cô thoát hỏa ngục. Thế rồi hai cha con đã xin học đạo và rửa tội.

3–Một phép lạ khác xảy ra khi thánh Phanxico ở trên chiếc tàu tên Santa Croce đến vùng San Chan. Bỗng dưng một bé trai 5 tuổi rớt xuống biển khi tàu đang chạy mau. Người cha đau buồn trong suốt 3 ngày. Đến khi Thánh Phanxico gặp ông trên tàu, ngài hỏi xem ông có tin Chúa Giêsu cứu được con ông không. Ông ta nói rằng ông ta tin dù biết đứa con đã rớt xuống biển 3 ngày và tàu đã đi xa nơi con ông rớt hàng trăm dặm.

Sau khi thánh Phanxico cầu nguyện thì người cha bỗng dưng thấy lại đứa con đang chạy đến với ông với vẻ vui mừng và hoan hỉ. Thế là hai cha con đều xin được rửa tội.

4–Tại Nhật Bản ở vùng Cagoxima, thánh Phanxico đã chúc lành cho một em bé bị tàn tật nặng nề, ngay lập tức, thân xác em trở lại bình thường và đẹp đẽ.

Một đức tính của vị thánh: Làm cho mọi người ngay thẳng và đẹp đẽ trong đôi mắt của Thiên Chúa.

5–Ngoài ra, thánh Phanxico còn làm cho một phụ nữ ngoại đạo được sống lại sau khi bà ta đã chết một ngày. Tại Malacca, ngài làm cho một người thanh niên tên là Francis Ciavos sống lại. Người này sau trở nên một linh mục dòng Tên.

Thánh Phanxico mất ngày 3 tháng 12 năm 1552, vào lúc ngài được 46 tuổi. Sau đó, khi cải táng, người ta tìm thấy xác ngài còn nguyên như ngù mà không hư hại.

Sau chỉ có 12 năm kể từ khi ngài ra đi truyền giáo thì ngài chết và xác ngài được đưa về Goa để tôn kính. Có rất nhiều phép lạ xảy ra chung quanh xác của ngài. Khi xác ngài được đặt tạm ở nguyện đường College of St. Paul vào ngày 15 tháng 3 năm 1554, có rất nhiều người mù được sáng mắt, những người liệt được hết bệnh, những người động kinh được khỏe mạnh. Ngày nay xác ngài được đặt tại Vương Cung Thánh Đường Born Jesu ở vùng Goa, nước Ấn Độ.

From: ngocnga_12 & NguyenNThu


 

Thánh James ở Marche (1394-1476)- Cha Vương

Một ngày ấm áp trong tình yêu Chúa nhé. Hôm nay mời bạn tìm hiểu câu chuyện của vị thánh ngoài lịch, Thánh James ở Marche (1394-1476). Xin thánh nhân cầu bầu cho chúng ta nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 28/11/2023

Thánh James sinh ở Marche thuộc tỉnh Ancona miền trung nước Ý, dọc theo bờ biển Adriatic. Sau khi lấy tiến sĩ giáo luật và dân luật tại Ðại Học Perugia, ngài gia nhập dòng Phanxicô, và bắt đầu một cuộc sống thật khắc khổ. Ngài ăn chay chín tháng trong một năm, và mỗi đêm chỉ ngủ có ba tiếng. Ngài hãm mình đến độ Thánh Bernardine ở Siena phải bảo ngài giảm bớt lại.

Thánh James học thần học với Thánh John ở Capistrano. Ðược thụ phong linh mục năm 1420, Thánh James bắt đầu cuộc đời rao giảng, và bởi đó, ngài đã đi khắp nước Ý cũng như đến 13 quốc gia thuộc Trung và Ðông Âu Châu. Sự hăng say của ngài đã giúp nhiều người trở lại đạo (người ta ước lượng khoảng 250.000 người), và giúp lan tràn việc sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Bài giảng của ngài thúc giục giáo dân cải thiện đời sống, và nhiều thanh niên gia nhập dòng Phanxicô vì sự ảnh hưởng của ngài.

Cùng với Thánh John ở Capistrano, Thánh Albert ở Sarteano và Thánh Bernardine ở Siena, Thánh James được coi là một trong “bốn cột trụ” của phong trào Nghiêm Thủ (Observant) của dòng Phanxicô. Các ngài nổi tiếng vì sự rao giảng.

Ðể chống với tệ nạn xã hội về số phân lời quá cao, Thánh James thiết lập một tổ chức gọi là “montes pietatis” (núi bác ái) – đó là một tổ chức bất vụ lợi, để cầm đồ với lãi suất thật thấp. Dĩ nhiên, các tay cầm đồ ác đức không hài lòng với tổ chức này, nên đã hai lần họ thuê người đến giết ngài, nhưng cứ mỗi lần đối diện với ngài là các hung thủ đều quên hết dự tính ở trong đầu. Ngài từ trần ở Naples ngày 28.11.1476, và được phong Thánh năm 1726.

LỞI BÀN: Thánh James muốn lời Chúa ăn sâu trong tâm hồn của người nghe. Lời giảng của ngài là để chuẩn bị mảnh đất tâm hồn, bằng cách lấy đi những sỏi đá, và làm mềm lòng những cuộc đời đã khô cằn vì tội lỗi. Chúa muốn lời của Người bén rễ trong đời sống chúng ta, nhưng để được như thế, không những chúng ta cần người rao giảng đầy sùng tín, nhưng chính chúng ta cũng phải tích cực lắng nghe.

LỜI TRÍCH: “Lời Chúa thật thánh thiện và đáng yêu quý dường nào! Chỉ có lời Chúa mới soi tỏ mọi tâm hồn tín hữu, làm thoả mãn người đói khát, an ủi kẻ đau khổ; lời Chúa giúp linh hồn tạo được công nghiệp và giúp mọi nhân đức phát triển; lời Chúa gìn giữ linh hồn khỏi nanh vuốt ma quỷ, giúp người độc ác nên thánh thiện, và mọi người trên mặt đất trở thành công dân nước Trời” (Trích Bài giảng của Thánh James).

From: Do Dzung

Hãy đi rao giảng Tin Mừng _ Quý Báu

Thánh Nữ Cecilia, đồng trinh tử đạo-Cha Vuong

The Feast of St. Cecilia - Chant Café

Mến chào bình an! Hôm nay 22/11 Giáo Hội mừng kính Thánh Nữ Cecilia, đồng trinh tử đạo, bổn mạng của những ai yêu thích nhạc. Mừng Bổn Mạng đến những ai chọn Ngài làm quan thầy nhé!

Cha Vương.

Thư 4: 22/11/2023

Trong thành Roma có một thiếu nữ đồng trinh rất xinh đẹp. Cha mẹ nàng gả cho một thanh niên con nhà giàu có danh vọng tên là Valerian. Dưới bộ áo quần xinh đẹp, nàng mang một bộ áo gai ngứa xót. Nàng thường ăn chay cầu nguyện xin các đấng thánh, các thiên thần, các thánh đồng trinh giữ gìn nàng được luôn trinh khiết.

Sau lễ cưới, nàng nói với chồng: “Em sẻ kể cho anh một bí mật nếu anh thề là không kể lại với ai.” Sau khi chồng thề hứa nàng nói tiếp: “Có một thiên thần gìn giữ em không cho phép ai được đụng tới người em.” Chồng nàng nói:”Nếu đúng như vậy thì em cho anh thấy thiên thần đó đi!” “Ðiều đó chỉ có thể xẩy ra nếu anh cũng tin vào Thiên Chúa và chịu phép rửa tội.”

Nàng đã nhờ Ðức Giáo Hoàng Urban rửa tội cho chồng và khi người chồng trở về nhà thì thấy vợ đang cầu kinh trong phòng và bên cạnh nàng có một thiên thần đang đứng, cánh rực như lửa, tay đang cầm hai vương niệm một bằng hoa hồng và một bằng hoa huệ sau đó đội lên đầu cho hai vợ chồng Cecilia và Valerian rồi biến mất. Một lúc sau Tibertius, em của Valerian bước vào ngửi thấy mùi hoa thơm dịu dàng và những bông hoa đẹp tuyệt vời, lấy làm lạ làm sao có thể có hoa đó trong mùa này.

Sau khi được nghe kể lại câu chuyện về vương niệm bằng hoa thì Tibertius xin được chịu phép rửa tội. Trong thời kỳ này các tín hữu bị bắt bớ và bị hành quyết rất dã man, hai anh em đã đi thâu lượm hài cốt các thánh tử đạo đem về chôn cất. Quan quân tìm bắt hai anh em và ra lệnh phải dâng hương quỳ lạy thần của họ nhưng hai anh em quyết liệt chối từ, nên chúng đã dùng gươm mà đâm chết các ngài.

Trong lúc đó thì Thánh Cecilia không ngừng rao giảng Tin Mừng, và hàng ngàn người đã xin gia nhập đạo Chúa. Cuối cùng thì thánh nhân cũng bị bắt và nhốt trong phòng tắm hơi nóng cho chết ngột, nhưng thánh nhân đã không chết, nên quan tổng trấn cho người đến chặt đầu. Tên đao phủ đã chặt đến ba nhát nhưng đầu vẫn chưa lìa khỏi cổ. Hoảng sợ hắn liền bỏ đi, và thánh nhân đã sống như vậy trong ba ngày. Dân chúng đem khăn vải đến tẩm máu của thánh nhân để tôn kính, trong lúc đó thánh nhân vẩn không ngừng rao giảng Lời Chúa cho họ.

Câu chuyện về thánh Cecilia đẹp như một bài tình ca cao thượng nên các nhạc sĩ chọn Cecilia làm bổn mạng và được trình bày như môt thiếu nữ xinh đẹp ngồi bên chiếc đàn thụ cầm. 

(Phó Tế JB Huỳnh Mai Trác)

Lạy thánh nữ Cecilia, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con để mọi người chúng con được mạnh mẽ, can đảm làm chứng cho Chúa như thánh nhân đã chứng minh cho mọi người.

From: Do Dzung

Ca mừng thánh nữ Cecilia – ca đoàn Cecilia 

Thánh Nữ Frances Xavier Cabrini – Cha Vương

Chúc Bạn có một tâm hồn trong sạch  để được thấy mặt Đức Chúa Trời nhé. Hôm nay 13/11 Giáo hội mừng kính Thánh Nữ Frances Xavier Cabrini. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng. Chúc mừng!

Cha Vương

Thứ 2: 13/11/2023

Thánh Frances Xavier Cabrini là công dân Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh. Chính lòng tin tưởng mãnh liệt vào sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ sức mạnh để trở nên một phụ nữ dũng cảm làm việc cho Ðức Kitô.

Francesca Cabrini sinh năm 1850 ở Sant’Angelo Lodigiano, Lombardi, nước Ý trong một gia đình có đến 13 người con. Khi 18 tuổi, ngài ao ước trở thành một nữ tu nơi ngài theo học sư phạm, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên bị từ chối. Sau đó thánh nữ làm việc bác ái ở Cô Nhi Viện Ðấng Quan Phòng ở Cadogne, nước Ý. Vào tháng 9 năm 1877, ngài tuyên khấn và mặc áo dòng.

Khi đức giám mục đóng cửa cô nhi viện vào năm 1880, ngài đặt sơ Frances làm tu viện trưởng tu hội Nữ Tu Thánh Tâm Truyền Giáo (the Missionary Sisters ở the Sacred Heart) và bảy phụ nữ khác làm việc ở cô nhi viện cũng đã gia nhập tu hội này.

Ngay từ khi còn nhỏ, Thánh Frances đã có ý định đi truyền giáo ở Trung Cộng, nhưng theo sự khuyên bảo của Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII, cùng với sáu nữ tu khác, ngài đến thành phố Nữu Ước để phục vụ hàng ngàn người Ý di dân đang sinh sống ở đây.

Ngài gặp nhiều chán nản và khó khăn trên bước hành trình. Khi đến thành phố Nữu Ước năm 1889, căn nhà được hứa để làm cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ thì lại không có. Ðức tổng giám mục khuyên ngài trở về Ý. Nhưng Frances, một phụ nữ can đảm có thừa, đã rời bỏ tư dinh của đức Tổng và tự tay gầy dựng cô nhi viện. Và ngài đã thành công.

Trong 35 năm, mẹ Frances Xavier Cabrini đã thành lập 67 trung tâm để chăm sóc người nghèo, trẻ mồ côi, người ít học và bệnh nhân. Nhận thấy nhu cầu cần thiết của người di dân Ý trước viễn ảnh bị mất đức tin, ngài mở trường học và các lớp dạy giáo lý người lớn.

Mẹ Francesca Cabrini qua đời vì bệnh sốt rét ngày 22 tháng 12 năm 1917 tại Chicago, Illinois, USA . Thi hài của mẹ được chuyển về nhà thờ ở New York kế cận “Mother Cabrini High School” do mẹ sáng lập. Tu hội của Mẹ ngày nay đã có mặt tại các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Nam Mỹ.

Đức Chân Phước Giáo Hoàng Pius XI đã tôn phong Chân Phước cho mẹ Frances Xavier Cabrini ngày 13 tháng 11 năm 1938 liên quan đến một phép lạ chữa lành đôi mắt của một cậu bé do sự chuyển cầu của Đấng Đáng Kính Frances Xavier Cabrini.

Tám năm sau, Đức Giáo Hoàng Pius XII đã tuyên phong Mẹ Frances Xavier Cabrini lên hàng hiển thánh ngày 07 tháng 7 năm 1946 liên quan đến một phép lạ chữa lành căn bệnh lâu năm của một nữ tu và đặt Thánh Frances Xavier Cabrini là quan thầy của người di dân.

Trong nghi lễ phong thánh cho Mẹ Cabrini Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố: “Mặc dù hiến pháp của tu hội ngài rất đơn sơ, nhưng ngài được ban cho một tinh thần phi thường đến nỗi, một khi tin rằng đó là ý Chúa, ngài không để bất cứ điều gì cản trở việc thực hiện mà những công trình ấy vượt quá sức lực của một phụ nữ.”

(Nguồn: Người Tín Hữu)

Sau đây là những cầu nói của ngài:

(1) Xin cho con một trái tim lớn rộng như vũ trụ.

(2) Nếu bạn gặp nguy hiểm, nếu lòng bạn bối rối, hãy hướng về Mẹ Maria; Mẹ là niềm an ủi và sự giúp đỡ của bạn; hãy  chạy đến Mẹ bạn sẽ được cứu.

(3) Nếu bạn sẵn lòng vác Thánh Giá thì Thánh Giá sẽ vác bạn.

(4) Chúng ta phải cầu nguyện không mệt mỏi, vì sự cứu rỗi của nhân loại không phụ thuộc vào thành công vật chất. . . nhưng trên một mình Chúa Giê-su mà thôi.

(5) Tôi sẽ đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì để loan truyền tình yêu của Chúa Giê-su cho những người chưa biết Ngài hoặc đã quên Ngài.

Câu nào đánh động bạn nhất? Đối với mình là câu số 3.

From: Do Dzung

Chúa sai tôi đi -tinmung.net 

Thánh Maria Faustina

 

Cha Vương

05/10/2023

Hôm nay 05/10, Giáo hội mừng kính Thánh Maria Faustina sứ giả của lòng thương xót Chúa.

Uớc mong bạn cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Chúc mừng quan thầy đến những ai chọn Ngài làm bổn mạng.

Khi vị thánh nữ này cất tiếng khóc chào đời tại Ba Lan ngày 25 tháng Tám năm 1905, thì song thân thánh nữ đã đặt tên cho ngài là Helen. Trong cuộc đời ngắn ngủi tại thế, Helen đã thực hiện một sứ vụ quan trọng là dạy cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu. Ngay từ lúc lên 7, Helen đã muốn sống cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa như một nữ tu. Khi được 25 tuổi, Helen vào tu trong dòng Chị Em Con Đức Mẹ Thương Xót, và nhận tên là sơ Maria Faustina.

Công việc của sơ Maria Faustina thật giản dị. Sơ nấu ăn, làm vườn và giữ cửa cho tu viện. Chỉ có sự tốt bụng, trầm lặng và hồi tâm là đáng lưu ý. Và ít có người biết được những chiều sâu đích thực về đời sống tâm linh của sơ Faustina. Thiên Chúa đã chúc lành cho sơ Faustina Maria bằng nhiều ân sủng đặc biệt, kể cả ơn thị kiến, ơn tiên tri và ơn được nhận năm Dấu Thánh cách vô hình.

 

 

Trong một thị kiến mà sơ Maria Faustina nhận được, Chúa Giêsu đã hiện ra trong y phục màu trắng. Người giơ cao một tay để chúc lành và tay kia thì chạm vào Thánh Tâm Người. Có hai tia sáng phát ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một màu đỏ và một màu nhạt. Tia sáng đỏ tượng trưng cho Máu cứu chuộc của Chúa Kitô, còn tia xanh nhạt biểu trưng nước thanh tẩy trong bí tích Rửa tội. Chúa Giêsu nói: “Con hãy cho vẽ lại bức ảnh như con xem thấy Cha, kèm theo dòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa!” Chúa Giêsu đã nói với sơ Maria Faustina rằng Chúa nhật sau lễ Chúa Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót.

Sơ Maria Faustina đã viết nhật ký, chép lại mọi điều Chúa Giêsu muốn cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Người. Trong đó, Maria Faustina đã viết những lời cầu nguyện thật dễ thương, biểu lộ mối tương quan rất mực thân thiết đối với Đức Chúa Giêsu. Và Đức Chúa Giêsu nói với Maria Faustina rằng thánh nữ chính là thư ký nhỏ của Người. Chính công việc đặc biệt của thánh nữ Maria Faustina đã khích lệ nhiều người tin tưởng vào Lòng Thương Xót vô hạn lượng của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu hứa ban ơn tha thứ và ân sủng dư tràn cho bất cứ ai tôn sùng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Tận hiến cho Lòng Thương Xót Chúa bao gồm tin tưởng vào lòng nhân hậu Chúa, yêu thương tha nhân, năng lãnh nhận bí tích Hòa giải để luôn ở trong tình trạng có ân sủng và rước lễ ngày Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

 

 

Chỉ sau 13 năm sống trong bậc tu trì, sơ Maria Faustina Kowalska đã về trời vào ngày mùng 5 tháng Mười năm 1938 vì bệnh lao phổi, vừa tròn 33 tuổi.

Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Maria Faustina Kowalska: “Cha mong muốn con hãy luôn bày tỏ lòng thương xót ra khắp mọi nơi. Con không thể tự biện minh gì về điều này!” Phương thế tốt nhất để chứng tỏ chúng ta tin cậy vào Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu là biết tỏ bày lòng thương xót và luôn tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng cùng nhau thực hiện như vậy không? Vậy hôm nay mời bạn dành thời gian lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa để đền tội mình và tội lỗi của toàn thế giới. Sau đây là câu nói của ngài:

(1) Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh! Bao nhiêu lần hít thở, bao nhiêu lần nhịp tim đập, bao nhiêu lần dòng máu luân chuyển trong cơ thể con là bấy nhiêu ngàn lần con muốn tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa. (Thánh Faustina)

(2) Chúa Thánh Thần không nói với một linh hồn chia trí và lắm lời. Chúa Thánh Thần nói qua những soi động lặng lẽ của người với một linh hồn tịnh tâm, một linh hồn biết giữ thinh lặng. (Thánh Faustina)

Câu nào đánh động bạn nhất?

.
Previous slide
Next slide

Phim, Nhạc về Lòng Thương Xót Bao La Vô Cùng Tận của Chúa

Ngợi Ca Lòng Thương Xót Chúa
PlayPlay
Phim Cuộc Đời Thánh Nữ Maria Faustina
PlayPlay
Đên Với Lòng Chúa Xót Thương - Diệu Hiền
PlayPlay
Tiểu Sử Thánh Nữ Faustina
PlayPlay
Các Bài Hát Ca Ngợi Lòng Thương Xót Chúa
PlayPlay
previous arrow
next arrow
Ngợi Ca Lòng Thương Xót Chúa
Phim Cuộc Đời Thánh Nữ Maria Faustina
Đên Với Lòng Chúa Xót Thương - Diệu Hiền
Tiểu Sử Thánh Nữ Faustina
Các Bài Hát Ca Ngợi Lòng Thương Xót Chúa
previous arrow
next arrow

Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa - Thánh nữ Faustina ---Tập 1 đến 106

Nhat Ký Lòng Thương Xót Chúa 1-10
PlayPlay
Tập 1-10
Nhat Ký Lòng Thương Xót Chúa 11-20
PlayPlay
Tập 11-20
Nhat Ký Lòng Thương Xót Chúa 21-30
PlayPlay
Tập 21-30
Nhat Ký Lòng Thương Xót Chúa 31-40
PlayPlay
Tập 31-40
Nhat Ký Lòng Thương Xót Chúa 41-50
PlayPlay
Tập 41-50
Nhat Ký Lòng Thương Xót Chúa 51-60
PlayPlay
Tập 51-60
Nhat Ký Lòng Thương Xót Chúa 61-70
PlayPlay
Tập 61-70
Nhat Ký Lòng Thương Xót Chúa 71-80
PlayPlay
Tập 71-80
Nhat Ký Lòng Thương Xót Chúa 81-90
PlayPlay
Tập 81-90
Nhat Ký Lòng Thương Xót Chúa 91-106
PlayPlay
Tập 91-106
previous arrow
next arrow

Thánh Phanxicô Átxidi (Assisi)

Catholic Gifts and More: The Feast of Saint Francis of Assisi

 

 

Cha Vương

Thứ 4: 04/10/2023

Hôm nay 04/10 Giáo Hội mừng kính thánh Phanxicô Átxidi (Assisi). Mừng lễ Bổn Mạng đến những ai nhận thánh Phanxicô làm quan thầy nhé. Nguyện cho bình an của Chúa toả lan trên khắp thế giới hôm nay.

Thánh Phanxicô sinh khoảng năm 1181, tại thành phố Átxidi nước Ý. Thánh Phanxicô Átxidi chỉ sống cuộc đời trần thế có 45 năm. Nhưng cuộc đời của Ngài là cả một bài ca. Một bản nhạc với những dòng nhạc,với những cung bậc, hòa nên một bản trường ca tình yêu tuyệt vời.

Người ta trong nhiều thế kỷ đã không ngớt ca ngợi thánh nhân vì con người lạ lùng của thánh nhân giữa cuộc đời. Ngay anh em trong Dòng cũng không nhận ra Ngài có gì đặc biệt mà sao lạ lùng thu hút mọi người. Thánh nhân đã rất khiêm nhượng, sự khiêm tốn của một tâm hồn thánh thiện đã nhìn ra con người đầy khiếm khuyết, đầy tội lỗi của mình và có làm được gì là do ân huệ nhưng không của Chúa, đã biến cái tầm thường nên cái phi thường, đã biến cái đơn sơ, nhỏ bé nên cái vĩ đại khôn lường.

Vì thế, tình yêu của Phanxicô Átxidi là một tình yêu mang tính cụ thể, thánh nhân yêu mọi người, mọi vật, Ngài biến mọi sự vật, mọi thụ tạo nên sinh động và có nhân tính. Ngài yêu tất cả vì Ngài thấy Thiên Chúa nơi tất cả mà trung tâm là Chúa Giêsu. Thánh nhân yêu thương mọi người với tất cả con tim của mình, với cả cuộc đời mình vì chính Chúa đã chết cho nhân loại trong đó có cả Phanxicô Átxidi. Tình yêu của Phanxicô Átxidi là tình yêu mang tính vui tươi, thoải mái,  Ngài sống trong niềm vui vì lúc nào Ngài cũng mang Chúa trong con người của mình, Ngài đồng hóa mọi sự và nhân cách hóa tất cả để tất cả ca ngợi Chúa trong niềm vui.

Thánh nhân sinh ở Átxidi khoảng năm 1182. Cha Ngài là ông Bênađô là một thương gia tơ sợi nổi tiếng và mẹ Ngài là bà Pica, một người đạo đức, thánh thiện đã hun đúc Ngài nên một vị thánh thời danh. Cuộc nổi loạn của những người lê dân chống lại những nhà quí tộc.

Thánh nhân bị bắt và bị giam cầm trong suốt một năm trời ròng rã. Ngài bị một căn bệnh hiểm nghèo và được Chúa cứu chữa, Ngài được khỏi bệnh và Chúa đã cảm hóa Ngài với câu:” Lạy Cha chúng tôi ở trên trời “.

Năm 1206, thánh nhân quyết định rũ bỏ bụi trần, từ bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu, dù rằng bị người cha già hết sức phản đối, thánh nhân rất thương cha nhưng không dám làm trái ý Chúa.

Thánh nhân phân phát tất cả của cải mình có cho những người nghèo, Ngài chỉ giữ lại một chiếc áo choàng cũ kỹ, rồi ra đi rao giảng Tin Mừng. Ðược Chúa thúc đẩy, soi sáng, thánh nhân đã lập Dòng anh em hèn mọn.

Thời gian sau đó, Ngài lui về Alverne, một nơi thật cô liêu phía Bắc Átxidi để ăn chay, cầu nguyện và sống tình thân với Thiên Chúa.

Chúa yêu thương Ngài cách đặc biệt, nên trong lúc Ngài xuất thần, Ngài nhìn thấy Tổng Lãnh Thiên Thần Séraphim và một ảnh chuộc tội. Tỉnh dậy, Ngài đã được Chúa in năm dấu thánh trên người lúc đó là năm 1224.

Chỉ hai năm sau đó, Ngài lâm trọng bệnh. Trước khi ra đi về với Chúa, thánh nhân khuyên nhủ anh em trong Dòng giữ đức khó nghèo tuyệt đối và trung thành với Giáo Hội Chúa Kitô.

Thánh nhân qua đời vào ngày 4.10.1226. Ðức Thánh Cha Grêgoriô đã tôn Ngài lên bậc hiển thánh.

(Nguồn: SimonDalat)

ST. FRANCIS OF ASSISI | A CHRISTIAN PILGRIMAGE

Nói đến Thánh Phanxicô thì chúng ta nghĩ ngay đến Kinh Hòa Bình. Có thể nói, từ những tư tưởng này, ngài được mệnh danh là Sứ giả hòa bình bởi vì chúng là điểm qui chiếu cho đời sống an hòa nơi ngài.

Vậy hôm nay mời Bạn dành thời gian để suy niệm Kinh Hòa Bình nhé:

Lạy Chúa, xin hãy dùng con / Như khí cụ bình an của Chúa / Để con đem yêu thương vào nơi oán thù / Đem thứ tha vào nơi lăng nhục / Đem tin kính vào nơi nguy nan / Đem trông cậy vào nơi thất vọng / Dọi ánh sáng vào nơi tối tăm / Đem niềm vui đến chốn ưu sầu. / Lạy Chúa, xin hãy dạy con / Tìm an ủi người hơn được người ủi an / Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết / Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu / Vì hiến thân chính là nhận lãnh / Tha thứ cho người chính là được thứ tha / Cam lòng chịu chết là được sống muôn đời. 

Câu nào đánh động bạn nhất? Mời bạn hãy đưa câu đó áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày. Đối với mình thì câu, “Đem yêu thương vào nơi oán thù.

From: Do Dzung

KINH HÒA BÌNH – Thánh Phanxico thành Assisi – Nhạc: Lm Kim Long

Thánh Phaxico chia sẻ

Tóm lược cuộc đời thanh Phanxico Assisi – Francis Assisi theo Wikipedia

Phanxicô (Francis) là con trai của Pietro di Bernadone, một doanh nhân thành đạt, và Pica Bourlemont. Người ta không biết nhiều về người mẹ ngoại trừ quê quán của bà là nước Pháp. Hai người có bảy người con, Francis chào đời khi người cha đang ở Pháp, mẹ ông cho con chịu lễ rửa tội với tên Gionanni di Bernadone, theo tên của Gioan Baotixita, với mong ước con trai của bà sẽ lớn lên trở thành một nhân vật tôn giáo. Khi trở về Assisi, người cha hết sức tức giận vì ông không muốn con mình trở nên người của giáo hội. Pietro gọi con theo một tên khác, Francesco (một hình dung từ trong tiếng Ý nghĩa là “thuộc về Pháp”, ngụ ý sự thành công của ông trên thương trường, và lòng đam mê của ông dành cho mọi sự thuộc về nước Pháp.

Đề kháng lại nghề nghiệp kinh doanh cũng như khát vọng giàu sang của người cha, cậu bé bộc lộ nỗi đam mê dành cho sách vở (cần nên biết chính nhờ tiền bạc của người cha giàu có mà Francis được hưởng một nền giáo dục ưu tú, nhờ đó cậu thành thạo trong kỹ năng đọc một số ngôn ngữ, trong đó có tiếng Latin). Francis nổi tiếng trong vòng bạn bè nhờ tửu lượng cao và giao du rộng, đa phần là với con cái của giới quý tộc. Ngay từ những ngày này, Francis đã tỏ ra thất vọng đối với thế giới cậu đang sống, thể hiện qua cách xử sự của công tử Francis khi gặp một người hành khất. Vào một ngày, lúc đang vui chơi trác táng với bạn bè, một người hành khất tìm đến nài xin của bố thí, trong khi mọi người không hề quan tâm đến tiếng kêu la của người ăn mày, Francis dốc hết túi của mình cho người ấy. Bạn bè xúm lại chế giễu, và khi về nhà, cậu lại hứng chịu cơn thịnh nộ của người cha vì nghĩa cử này.

Francis thành Assisi,
tranh của José de Ribera

Năm 1201, Francis gia nhập đội quân viễn chinh đến Perugia, bị bắt giữ làm tù binh trong một năm tại Collestrada. Có lẽ trải nghiệm tâm linh đã đến với Francis trong thời gian này. Sau khi trở về Assisi trong năm 1203, Francis buông mình trở lại cuộc sống phóng túng. Nhưng đến năm 1204, một cơn bạo bệnh đánh động tâm hồn của Francis và dẫn cậu vào một cuộc khủng hoảng tâm linh. Năm 1205, Francis rời bỏ Perugia để gia nhập đạo quân của Gualtiero di Brienne. Trên đường đi, tại Spoleto, một khải tượng lạ lùng đã khiến Francis quay trở lại Assisi và nhấn chìm cậu sâu hơn trong cuộc khủng hoảng tâm linh.[1]

Người ta kể lại rằng khi cố từ chối những trò giải trí và những buổi hội hè đình đám với bạn bè, những người này trêu chọc Francis và hỏi có phải cậu sắp kết hôn không, câu trả lời là “phải, với một cô dâu đẹp hơn bất cứ người phụ nữ nào mà các cậu từng gặp” – Francis ngụ ý “sự nghèo khó” (lady poverty), một thuật từ mà ông thường sử dụng sau này. Francis dành nhiều thời gian sống trong cô độc, nài xin sự soi dẫn từ Thiên Chúa. Dần dà, Francis tìm đến chăm sóc những người mắc bệnh phong, căn bệnh bị xã hội thời ấy xa lánh, đang sống trong những trại phong gần nhà. Khi hành hương đến La Mã, Francis ngồi bên cửa các nhà thờ để hành khất cho những người nghèo.

Cha của Franics, Pietro, trong cơn giận dữ cố làm cho con trai tỉnh trí, trước tiên bằng những lời dọa nạt rồi đến sự trừng phạt thể xác. Sau cùng, trước sự hiện diện của một Giám mục, Francis từ bỏ quyền làm con của Pietro cũng như từ bỏ quyền thừa kế của mình. Trong hai tháng kế tiếp, Francis đi hành khất trong vùng Assisi. Khi trở lại thị trấn, Francis bắt tay vào việc phục hồi các ngôi nhà thờ đổ nát, trong đó có Porziuncola, ngôi nhà nguyện nhỏ bé trong khuôn viên Đại Giáo đường Đức Bà Các Thiên Thần, ngay bên ngoài thị trấn, sau này trở thành nơi ở ông ưa thích.

Thành lập Dòng Anh em Hèn mọn

Vào cuối giai đoạn này (theo Jordanus là ngày 24 tháng 2 năm 1209), một bài thuyết giáo đã thay đổi cuộc đời của Phanxicô. Nội dung bài giảng tập chú vào Phúc âm Matthew 10:9, thuật lại lời của Chúa Giê-su bảo các môn đồ chớ đem theo mình tiền bạc, ngay cả gậy hoặc giày khi họ đi ra rao giảng phúc âm. Từ sự soi dẫn này, Phanxicô hoàn toàn cung hiến mình cho cuộc sống nghèo khó.

 

 

Mặc áo vải thô, đi chân đất, và theo giáo huấn của Chúa Giê-su ký thuật trong các sách phúc âm, không đem theo gậy hoặc túi xách, Phanxicô khởi sự rao giảng thông điệp ăn năn. Môn đệ đầu tiên đến với Phanxicô là Bernado di Quintavalle, một luật gia tên tuổi trong thành phố. Rồi những người khác tìm đến, trong vòng một năm Phanxicô có được mười một môn đệ. Phanxicô quyết định không tìm kiếm chức vụ linh mục, và quy định cộng đồng của ông sống trong tình huynh đệ, vì vậy có tên “fratres minors” nghĩa là “những anh em hèn mọn”.

Cộng đồng theo đuổi nếp sống đạm bạc trong một trại phong bị bỏ hoang tại Rivo Torto gần Assisi; dành nhiều thời gian dong ruổi đến các ngôi làng trong vùng đồi núi Umbria, thể hiện tinh thần lạc quan và thường ca hát, tạo ấn tượng sâu đậm trên người nghe bằng những lời khuyên giải chân tình.

Năm 1209, Phanxicô cùng 11 môn đệ đầu tiên tìm đến La Mã để xin Giáo hoàng Innocent III cho phép thành lập một dòng tu mới.[8] Họ gặp Giám mục Guido thành Assisi đang đi cùng Hồng y đẳng Giám mục Sabina là Giovanni di San Paolo. Vị Hồng y có thiện cảm ngay khi gặp Phanxicô, và đồng ý tiến cử ông gặp Giáo hoàng. Hôm sau, Giáo hoàng Innocent miễn cưỡng tiếp Phanxicô và các môn đệ. Sau vài ngày, Giáo hoàng chuẩn thuận, Phanxicô được phong chức phó tế, và được phép đọc Phúc âm trong nhà thờ.[9]

Từ đó, dòng tu mới của Phanxicô phát triển nhanh chóng.[10] Ngày 8 tháng 5 năm 1213Bá tước Orlando di Chiusi ban tặng Phanxicô Núi La Verna.[11][12] Ngọn núi này là một trong những địa điểm ẩn cư Phanxicô thường đến để cầu nguyện.[12] Trong năm ấy, Phanxicô đi thuyền đến Maroc nhưng bệnh tật buộc ông phải bỏ dỡ cuộc hành trình và quay về Tây Ban Nha. Sau khi trở lại Assisi, một vài nhà quý tộc (trong đó có Tommasco da Celano, người viết tiểu sử Phanxicô) và một số nhà trí thức tìm đến gia nhập dòng tu.

Ngày 29 tháng 11 năm 1223, bản nội qui của dòng tu (12 chương) được chuẩn thuận bởi Giáo hoàng Honorius III.

Ngày 14 tháng 9 năm 1224, theo tự thuật, từ một khải tượng đặc biệt Phanxicô nhận lãnh và mang trên mình các dấu nhục hình của Chúa Giê-su khi ngài bị treo trên thập tự giá.[13] Theo lời thuật của Sư huynh Leo, người có mặt vào thời điểm ấy, “Đột nhiên ông nhìn thấy một seraph, thiên thần có sáu cánh trên một cây thập tự. Thiên thần này ban cho ông năm vết thương của Chúa Ki-tô.”[13] Mặc dù có những tra vấn về tính xác thực của chúng, hiện tượng này trong trải nghiệm Phanxicô thuật lại được giáo hội chấp nhận.[14].

Nhà thờ Thánh Phanxicô ở Assisi.

Bị đau mắt, và có lẽ do sự đau đớn bởi các dấu nhục hình, Phanxicô được đưa đến chữa trị tại một vài thành phố (Siena, Cortona, Nocera) nhưng không hiệu quả. Cuối cùng ông quay về Porziuncola, ngụ trong một transito, túp lều dành cho các tu sĩ già yếu, kế cận Porziuncola. Cảm nhận được sự cuối cùng đã gần kề, Phanxicô dành thì giờ thuật lại những trải nghiệm tâm linh của mình. Ông từ trần vào chiều tối ngày 3 tháng 10 năm 1226 khi đang ngâm nga Thánh Vịnh 141. Ngày lễ của ông cử hành ngày 4 tháng 10 hằng năm.

Phanxicô được Giáo hoàng Grêgôriô IX tuyên thánh ngày 16 tháng 7 năm 1228. Grêgôriô IX chính là Hồng y Ugolino di Conti, một người bạn và là người bảo trợ của Thánh Phanxicô. Hôm sau, Giáo hoàng đặt viên đá đầu tiên xây dựng Giáo đường Thánh Phanxicô tại Assisi.

Các nhà phê bình văn học xem Thánh Phanxicô là nhà thơ đầu tiên của nước Ý. Phanxicô tin rằng giáo dân nên cầu nguyện với Thiên Chúa bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Những trước tác của ông được viết bằng phương ngữ Umbria thay vì tiếng Latin, chúng được xem là những tác phẩm lớn cả trong lĩnh vực văn học và tôn giáo.[15] Tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của ông là bài Kinh Hòa Bình, bài kinh được hàng triệu Kitô hữu cất lên khi cầu nguyện cho hòa bình nhân loại trong suốt hàng trăm năm qua.

Các   Bài   Hát   Phan   Sinh

Kinh Hòa Bình – Angelina Ý Đại Lợi – thu hình đài EWTN – 4.6 triệu người xem

Bài Ca Ngợi Chúa của Anh Mặt Trời – Thánh Phanxico sáng tác

Anh Mặt Trời, Chị Mặt Trăng ơi! – Thánh Phanxico sáng tác

Kinh Hòa Bình hợp ca – Đại Học Wisconsin, Hoa Kỳ

Kinh Hòa Bình hợp ca – Dàn hợp xướng Thanh niên Cantanima,  Bang Styrian, Đức Quốc

Kinh Hòa Bình hợp ca – Thiếu Nhi trường Oxford, Anh Quốc

Kinh Hòa Bình hợp ca trong thời dịch COVID

Phim cuộc đời thánh Phanxico thành Assisi

Thánh Giêronimô (Jerome) Linh mục Tiến sĩ người Ý (340-420).

Chúc bình an nhé! Hôm nay Ngày 30/09 Giáo Hội mừng kính Thánh Giêronimô (Jerome) Linh mục Tiến sĩ người Ý (340-420). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 30/09/2023

Thánh Giêronimô sinh quãng năm 340 tại Xơ-tri-đôn, Đan-ma-xi-a. Người đến Rô-ma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đó. Người sang Đông Phương và làm linh mục. Trở lại Rô-ma, người làm thư ký cho đức giáo hoàng Đa-ma-xô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng La-tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống ba mươi lăm năm cuối đời ở Bê-lem, gần cái hang nơi Đức Giê-su ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình, chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh. Thánh Jerome qua đời tại Bethlehem ngày 30 tháng 9 năm 420. Xác thánh nhân được chôn cất kế bên hai người con thiêng liêng (Thánh Paola và Eustochium) dưới hầm mộ của thánh đường Giáng Sinh. Nhưng sau đó thánh tích của thánh Jerome được chuyển về La Mã. Thi hài của ngài hiện được chôn cất trong Ðền Ðức Bà Cả ở Rôma.

Đức Giáo Hoàng Boniface XIII đã tuyên xưng Thánh Jerome và Thánh Augustine là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 20 tháng 9 năm 1295

Thánh Giêrôme là một người thẳng tính, cương quyết. Ngài có nhân đức cũng như các tính xấu của một người ưa chỉ trích tất cả những vấn đề luân lý thường tình của con người. Như có người nhận xét, ngài là người không chấp nhận thái độ lưng chừng trong phẩm hạnh cũng như trong việc chống đối sự xấu xa. Ngài mau nóng, nhưng cũng mau hối hận, và rất nghiêm khắc với những khuyết điểm của chính mình. Người ta kể, khi nhìn thấy bức tranh vẽ Thánh Giêrôme đang cầm hòn đá đánh vào ngực, một giáo hoàng nói, “Ngài cầm hòn đá đó là phải, vì nếu không, Giáo Hội không bao giờ phong thánh cho ngài” (Ðời Sống Thánh Nhân của Butler)

Sau đây là những câu nói để đời của Thánh Nhân, bạn hãy bỏ ra mấy phút đọc và suy niệm coi thánh nhân đang muốn nhắn nhủ bạn điều gì để đến gần với Chúa hơn mỗi ngày qua việc đọc và suy niệm Lời Chúa.

(1) Tốt, tốt hơn, tốt nhất. Đừng bao giờ nghỉ ngơi cho tới khi cái tốt của bạn trở nên tốt hơn và cái tốt hơn trở nên tốt nhất.

(2) Người phạm tội thì trong lòng không có Thiên Chúa, những việc họ yêu thích đều trở thành chúa của họ….

(3) Vừa khi bị nhục dục tấn công, chúng ta hãy than thở: “Lạy Chúa, xin cứu giúp con, xin đừng để con xúc phạm đến Chúa.”

(4) Phần chúng ta là hiến dâng những gì chúng ta có thể, phần của Chúa là chu cấp những gì chúng ta không thể.

(5) Có bao nhiêu thương tích đau thương trên thân xác Chúa Giêsu, thì cũng có bấy nhiêu vết thương xé nát Trái Tim Mẹ.

(6) Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô. (Thánh Giêronimô)

Câu nào đánh động bạn nhất. Đối với mình thì câu 1.

Thánh Giêronimô, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

Lắng Nghe Lời Chúa – Phan Đinh Tùng