2 thánh Tông Đồ Philipphê và Giacôbê – Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình. Hôm nay 3/5 Giáo Hội mừng kính trong thể 2 thánh Tông Đồ Philipphê và Giacôbê. Mừng bổn mạng đến những ai chọn các ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 03/05/2025

Thánh Philipphê là người xứ Bethsaida. Ông là một trong những người đầu tiên được Đức Giêsu kêu gọi. Chính ông đã mách cho Nathanael Tin mừng lớn lao này: “Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng ta đã gặp. Đó là ông Giêsu, người Nazareth”. Thấy bạn mình còn hoài nghi, ông đã giục: “Cứ đến mà xem”. Nathanael sau khi đã gặp Đức Giêsu và nghe Ngài nói thì đã tin. Philipphê đã xuất hiện nhiều lần trong Phúc âm: Lúc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều; làm trung gian cho những người ngoại giáo muốn gặp Đức Giêsu. Philipphê cũng là người đã xin Đức Giêsu: “Lạy Ngài, xin chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là đủ cho chúng con”. Người ta nghĩ rằng ông đã đem Tin mừng đến cho người Scythen sau ngày lễ Ngũ tuần và chết rất thọ ở Hiérapolis, tại Phrygie.

    Còn thánh Giacôbê mà chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con ông Alphê. Gọi là Giacôbê hậu để phân biệt với Giacôbê tiền, là con của ông Dêbêđê. Phân biệt này không mang ý nghĩa gì khác ngoài việc tránh sự nhầm lẫn. Khoa Thánh Kinh còn nghi ngờ không biết có phải Giacôbê hậu này có phải là “anh em của Đức Giêsu” và là tác giả của lá thư Giacôbê hay không? Nhưng Phụng vụ Rôma lại có sự đồng hoá và xác nhận. Trước khi các Tông đồ tản mác mỗi người một nơi, thì họ chỉ định thánh Giacôbê làm Giám mục Giêrusalem. Ngài là linh hồn của cộng đoàn Giêrusalem. Vì ngài đã làm cho nhiều người trở lại với Đức Giêsu nên bị bản án ném đá. Ngài đã chịu tử đạo đang khi quỳ gối cầu nguyện cho tên lý hình đang kết thúc đời Ngài bằng một thanh sắt giáng xuống trên người, trong thời điểm mừng lễ Vượt Qua. (Theo “Tự điển các thánh”, trang 268-269 và trang 159).

Noi gương thánh Philipphê và thánh Giacôbê, bạn có thể trở thành tông đồ của Chúa qua lối sống hằng ngày của mình hôm nay bằng cách làm những việc nhỏ với một con tim chân thành, với một thái độ cởi mở. Đây là một minh chứng hùng hồn và cụ thể nhất cho đức tin của mình đó. 

Xin thánh Philipphê và thánh Giacôbê, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

**************************

Mai Thảo, Thanh Sử – Hãy Theo Thầy

Thánh A-tha-na-xi-ô  (295- 373) – Cha Vương 

Đêm qua ngủ có ngon không? Đừng có ngáp ngủ nhé. Nếu có ngáp thì hãy thốt lên: “Lạy Chúa xin giúp con…” Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh A-tha-na-xi-ô (296? – 373), Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh. Xin Chúa chúc lành cho bạn và gia đình.

Cha Vương 

Thứ 6, 2PS: 02/05/2025

Cuộc đời Thánh A-tha-na-xi-ô đầy bôn ba vì tận tụy phục vụ Giáo Hội. Ngài là quán quân bảo vệ đức tin đối với sự lan tràn của lạc thuyết Arian. Sự nhiệt huyết của ngài được thể hiện trong các trước tác giúp ngài xứng đáng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

    Sinh trong một gia đình Kitô Giáo ở Alexandria khoảng vào năm 295 và được giáo dục kinh điển, A-tha-na-xi-ô gia nhập hàng giáo sĩ và là thư ký cho Ðức Alexander, Giám Mục của Alexandria, và sau đó chính ngài được nâng lên hàng giám mục. Vị tiền nhiệm của ngài, Ðức Alexander, từng là người lớn tiếng chỉ trích một phong trào mới đang bành trướng ở Ðông Phương thời bấy giờ, đó là lạc thuyết Arian, họ khước từ thiên tính của Ðức Kitô và không coi Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.

    Khi Ðức A-tha-na-xi-ô đảm nhận vai trò Giám Mục của Alexandria, ngài tiếp tục chống với lạc thuyết Arian. Lúc đầu, cuộc chiến dường như dễ dàng để chiến thắng và lạc thuyết Arian sẽ bị kết án. Nhưng thực tế thì trái ngược. Công Ðồng Tyre đã được triệu tập và vì một vài lý do không rõ ràng, Hoàng Ðế Constantine đã trục xuất Ðức A-tha-na-xi-ô đến miền bắc nước Gaul. Ðây là chuyến đi đầu tiên trong một chuỗi hành trình và lưu đầy có nét phảng phất như cuộc đời Thánh Phaolô.

    Khi Constantine từ trần, người con trai kế vị đã phục hồi quyền giám mục của Ðức A-tha-na-xi-ô. Nhưng chỉ được có một năm, ngài lại bị truất phế vì sự liên hiệp của các giám mục theo phe Arian. Ðức A-tha-na-xi-ô đã đệ đơn lên Rôma, và Ðức Giáo Hoàng Julius I đã triệu tập một công đồng để duyệt qua vấn đề và các khó khăn liên hệ.

    Trong bốn mươi sáu năm làm giám mục, ngài đã phải lưu đầy mười bảy năm chỉ vì bảo vệ tín điều về thiên tính của Ðức Kitô. Trong một thời gian, ngài được an hưởng 10 năm tương đối bình an để đọc sách, viết lách và cổ võ lý tưởng của đời sống đan viện mà ngài hết lòng tận tụy.

    Các văn bản và giáo lý của ngài hầu hết là các bài bút chiến, trực tiếp chống lại mọi góc cạnh của lạc thuyết Arian. Trong các văn bản của ngài về đời sống khổ hạnh, cuốn Ðời Sống Thánh Anthony được nhiều người biết đến và góp phần lớn trong việc thiết lập đời sống đan viện trên khắp thế giới Kitô Giáo Tây Phương.

    Sau một cuộc đời đức hạnh và chịu đau khổ gian nan nhưng vẫn trung kiên với Đức Tin Công giáo. Ngài là một vĩ nhân của thời đại đã an nghĩ đời đời trong Chúa vào ngày 2 tháng 5 năm 373. Thánh tích của ngài hiện còn ở San Croce, Venice, nước Ý.

    Thánh A-tha-na-xi-ô được tuyên dương là Tiến sĩ của Hội Thánh do Đức Giáo Hoàng Pius V năm 1568.

LỜI TRÍCH: Những khó nhọc mà Thánh A-tha-na-xi-ô đã phải đau khổ trong khi lưu đầy – trốn tránh, bỏ chạy từ nơi này sang nơi khác – nhắc nhở chúng ta về những gì mà Thánh Phaolô đã đề cập đến trong cuộc đời ngài: “Trong nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, ở sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; trong vất vả mệt nhọc, qua những đêm không ngủ, qua sự đói khát, thường xuyên phải nhịn ăn uống, qua sự lạnh lẽo và trần truồng. Ngoài những điều này, tôi còn bị ray rứt hằng ngày vì sự ưu tư lo cho tất cả các giáo hội” (2 Corinthians 11:26-28). (Nguồn: Người Tín Hữu online)

Bạn đã và đang làm gì để giữ vững đức tin? Cái giá bạn phải trả là gì?

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho thánh giám mục A-tha-na-xi-ô được can đảm đứng lên bênh vực niềm tin của Giáo Hội về thần tính của Đức Ki-tô, Con Một Chúa. Xin nhậm lời thánh nhân chuyển cầu mà ban cho chúng con biết nghe lời người giảng dạy, để ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chúng con cầu xin… 

(Lời nguyện trong kinh Thần Vụ)

From: Do Dzung

*******************************

Con Tin Chúa Ơi – Lm Duy Thiên

Thánh Catarina ở Siena, Tiến Sĩ Hội Thánh (1347-1380) – Cha Vương

Một ngày yêu thương nhiều hơn giận hờn ghen ghét nhé bạn. Hôm nay 29/04 Giáo hội mừng kính thánh Catarina ở Siena, mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng.

Cha Vương

Thứ 3: 29/04/2025

Thánh Catarina ở Siena, Tiến Sĩ Hội Thánh (1347-1380). Tên thật là Catarina Benincasa sinh ngày 25 tháng 3 năm 1347 tại Siena, Tuscany, Ý Đại Lợi và là người con út trong gia đình 25 người con. Ngài là một nữ tu Dòng Đa Minh, một nhà huyền bí nồng nhiệt, một chiến sĩ bảo vệ sự thánh thiện của Giáo Hội Công giáo. Ngài sinh sống trong thế kỷ thứ XIV, một thời kỳ mà Giáo Hội đang gặp phải những khó khăn chia rẽ dường như khó mà hàn gắn được. 

    Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Ðức Kitô. Khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Cô sống ẩn dật trong một căn phòng nhỏ tại gia đình ở Siena. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina tập luyện tinh thần qua lối sống khắc khổ. Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm. Dần dà, người ta nhận thấy dường như Thánh Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần – giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng – bắt đầu tuốn đến với ngài để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của ngài, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận. Ngài có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên. Tất cả công việc ngài thi hành đều được thúc đẩy bởi ngọn lửa tình yêu. Cuộc sống của ngài luôn ẩn náu trong những vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh. Ngài cảm nhận trong thâm sâu của con tim và trong đức tin của ngài, những thảm họa của Giáo Hội và của xã hội ngài đang sống, vẫn còn tiếp tục đóng đinh Chúa Kitô. Ngài đã làm trung gian để đem lại hòa bình giữa các đô thị và giữa các phe nhóm thù nghịch. 

    Một vài tuần trước khi chết, ngài đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Ðền Thánh Phêrô, ngài trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của ngài. Con thuyền xô ngài ngã quỵ và người ta phải khiêng ngài về nhà. Ngài hầu như bất toại cho đến khi từ trần ngày 29 tháng 4  năm 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Pius II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào ngày 04 tháng 10 năm 1970, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự  này. 

(Tóm lược từ nguồn: Nhóm Tinh Thần)

 Sau đây là những câu nói của ngài:

❦ Phạm tội là con người, nhưng ngoan cố trong tội là ma quỷ.

❦  Đối với các linh hồn hoàn thiện mọi nơi đều là nguyện đường. 

❦ Ta [Thiên Chúa] thương yêu con nhiều hơn con có thể yêu thương bản thân con, và ta ân cần chăm sóc cho con cả ngàn lần hơn con có thể chăm sóc bản thân con. 

❦ Con người được tạo dựng nên do tình yêu, để con người sống cho tình yêu. 

+ Câu nào đánh động bạn nhất?

Xin thánh Catarina thành Siena cầu bầu cho chúng con.

From: Do Dzung

***********************

Tình Yêu Thiên Chúa – Vy Oanh

 Thánh Gianna Molla (1922 – 1962)- Cha Vương

Chào buổi sáng! Hôm nay 28/4, Giáo Hội mừng kính Thánh Gianna Molla, quan thầy của các bà mẹ, bác sĩ và thai nhi. Ngài nêu gương sống từ bỏ phi thường. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thư 2: 28/4/2025

Gianna Beretta Molla (sinh 4-10-1922, mất 28-4-1962) là con thứ 10 trong gia đình Công giáo sùng đạo có 13 người con, được người mẹ dạy cách sống thánh thiện và thanh khiết. Hồi còn trẻ, bà viết trong nhật ký: “Con dâng Chúa mọi công việc, mọi thất vọng và đau khổ của con… thà chết hơn phạm tội.” Bà học trường y ở Milan và hành nghề thầy thuốc.

Trước khi kết hôn, bà viết: “Được gọi bước vào đời sống gia đình không có nghĩa là đính hôn ở tuổi 14… Người ta không thể đi theo con đường này nếu không biết cách yêu. Yêu nghĩa là muốn hoàn thiện chính mình và người bạn đời, để vượt qua tính ích kỷ và trao tặng chính mình trọn vẹn.” Bà kết hôn với Pietro Molla khi bà 33 tuổi.

Bà viết cho vị hôn phu vài ngày trước đám cưới: “Với sự nâng đỡ và ơn Chúa, chúng ta sẽ làm được những điều chúng ta có thể để làm cho một gia đình mới trở thành nơi Chúa Giêsu điều khiển tình cảm, ước muốn và hành động… Chúng ta sẽ hành động với Chúa trong sự sáng tạo của Ngài; theo cách này chúng ta có thể trao tặng Ngài con cái của chúng ta, chúng sẽ yếu mến và phụng sự Ngài.”

Cả gia đình cùng tham dự Thánh lễ và cầu nguyện hằng ngày. Là một bác sĩ, bà tin mình có ơn gọi đem Chúa đến những nơi mà các linh mục không thể hiện diện. Bà xác tín: “Ai chạm đến thân thể bệnh nhân là chạm đến thân thể của Đức Kitô.”

Năm 1961, Gianna mang thai người con thứ tư. Không may bà được chẩn đoán bị ung thư. Để được cứu sống, bà phải chọn lựa mình sống hay con sống. Trước khi vào phòng sinh ngày thứ bảy tuần thánh năm 1962, bà nói với chồng: “Anh phải chọn em hay con, đừng lưỡng lự: Anh hãy chọn con. Em xin anh đó. Hãy cứu lấy con.” Vài ngày sau, bà yêu cầu chồng đưa bà về nhà.

Bà nói với chồng: “Anh có biết em thấy gì không?… Ở trên trời, chúng ta thỏa mãn, rất hạnh phúc, rất yêu mến, và Thiên Chúa đưa em đến đây để chịu đau khổ một chút, vì chúng ta không thể sống mà không đau khổ.” Trong cơn hấp hối, bà luôn lặp lại câu: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Ngài.” Bà được Chúa gọi về khi bước qua tuổi 40.

Bà Gianna Molla được ĐGH Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1994 và phong thánh ngày 16-5-2004, Gianna Molla là nữ thầy thuốc đầu tiên được phong thánh trong thời hiện đại ngày nay.

Chúng ta được mời gọi đáp lại Ý Chúa bằng cách riêng theo cuộc đời của chúng ta. Bạn còn giữ lại gì cho mình? Bạn cần từ bỏ những gì để theo Chúa ngay bây giờ?

Thánh nữ Gianna Beretta Molla là một thầy thuốc, một người mẹ làm việc, một người vợ yêu thương. Thánh nhân là mẫu mực cho chúng ta noi gương.

(Nguồn: TRẦM THIÊN THU)

From: Do Dzung

*****************************

Thánh Ca Bảo Vệ Sự Sống Tuyển Tập Hay Nhất

THÁNH PHANXICÔ PAOLA ẨN TU (1416-1507) 

Phanxicô chào đời tại Paola miền Calabria ngày 27 tháng 5 năm 1416.  Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng rất đạo đức.  Lập gia đình đã lâu mà không có con, họ xin thánh Phaxicô khó khăn cần bầu.  Họ được nhận lời và khi đưa con trẻ tới bờ giếng rửa tội, họ đã đặt tên cho con trẻ là Phanxicô để tỏ lòng biết ơn. 

Người mẹ thánh thiện đã muốn tự mình nuôi dưỡng đứa trẻ và có thể nói, bà đã cho con hấp thụ nền đạo đức cùng với dòng sữa mẹ.  Bởi thế ngay từ thuở ấu thơ, Phanxicô đã yêu thích cầu nguyện và hy sinh là hết lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.

 Một ngày trời lạnh, bà mẹ thấy con quỳ lần chuỗi ngoài vườn, bà bảo: “Cầu nguyện lâu như vậy sao con không lấy nón mà đội?”

 Phanxicô nói mình phải để đầu trần vì: “Việc đó lại không phải để lòng tôn kính Đức Trinh Nữ là Nữ Vương Thiên quốc sao?”

 Một trẻ em đạo đức cũng là một gương mẫu vâng phục.  Người ta kể lại rằng: ngày kia bà thân mẫu bảo Phanxicô ngừng cầu nguyện để giải trí đôi chút, thánh nhân đã mau mắn trả lời: “Mẹ biết con rất thích nói chuyện với Chúa, nhưng con xin vâng theo lời mẹ dạy.”

 Lúc 13 tuổi, Phanxicô vào dòng thánh Marcô của các cha dòng Phanxicô, để thực hiện lời khấn của cha mẹ Ngài, khi Ngài bị bệnh sưng mắt.  Tại tu viện, Phanxicô dù không có lời khấn, nhưng đã sống đời gương mẫu nhiệm nhặt.  Các thầy dòng cảm kích vì gương mẫu của thánh nhân đã tìm cách giữ Ngài lại trong dòng.  Nhưng hai năm sau, Phanxicô cùng với cha mẹ đi hành hương Roma.  Trở về, Ngài biết rõ ý Chúa muốn kêu gọi mình cách khác.  Được sự đồng ý của cha mẹ, Ngài lui vào nơi thanh vắng và nhiệt tâm sống đời cầu nguyện hy sinh.

 Hương thơm nhân đức của vị ẩn sĩ 15 tuổi lan rộng khắp nơi.  Đến năm 19 tuổi, vì sự khẩn nài tha thiết Ngài đã nhận một số bạn trẻ.  Họ làm ba phòng và một nhà nguyện gần hang đá của Ngài.  Hàng ngày một lần đến cử hành thánh lễ và ban các phép bí tích.  Đó là nguồn gốc của dòng Anh em rất hèn mọn (Minimes), được tòa thánh phê chuẩn năm 1506.  Các tu sĩ của dòng này kiên trì thực hành Đức khiêm tốn và Bác ái.  Ngoài ba lời khấn họ còn giữ chay trường.

 Chắc chắn trong dòng không ai sống đời nhiệm nhặt khắc khổ, khiêm tốn và vui tươi hơn thánh Phanxicô.  Đời sống như một hiến tế không ngừng ấy làm đẹp lòng Chúa, khiến thánh nhân được ơn làm nhiều phép lạ.

 Chúng ta ghi lại một vài phép lạ như sau:

 – Một lần kia, thánh nhân muốn đi từ Calabria về Sicilia.  Nhưng vì không có tiền trả lộ phí cho mình và cho một người bạn đường, các thủy thủ đã không cho Ngài xuống tàu, Thánh nhân liền trải áo xuống nước và cùng với người bạn đường áp con tàu kỳ lạ này về Sicilia.

 – Một lần khác công nhân xây cất tu viện của Ngài thiếu nước Ngài làm cho một cái giếng nước chảy ra từ một phiến đá.  Giếng này không bao giờ cạn.

 – Đặc biệt nhất phải kể đến việc Ngài phục sinh cho đứa cháu của mình.  Em Ngài là Birgitta có một đứa con muốn vào tu dòng của cậu.  Nhưng với sự quyến luyến tự nhiên của một người mẹ, bà luôn tìm cách ngăn cản.  Đứa bé đã chết.  Bà tìm đến gặp anh mình để mong được an ủi.  Bà nói: – Chính em đã gây ra cái chết này, nếu em đồng ý cho nó đi tu thì nó đã không phải chết.

 Thánh nhân trả lời em mình: – Nếu nó còn sống thì em có đồng ý không?

 – Dĩ nhiên nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi.

 Không nói thêm một lời, Phanxicô đến gần đứa trẻ và làm cho nó sống lại.  Người mẹ dường như không tin ở mắt mình nữa.  Người ta còn nói có tới 60 người được thánh nhân làm cho sống lại như vậy. 

Đức giáo hoàng Phaolô II muốn biết rõ những lời đồn thổi về thánh nhân.  Ngài sai một người đến tìm hiểu thực hư.  Vị sứ giả đến tu viện mà không báo tin trước.  Thấy Phanxicô, Ngài muốn cung kính hôn tay thánh nhân, nhưng vị tu sĩ đã phản đối.

 Ngài nói: – Chính con phải hôn đôi tay đã 33 năm dâng hy lễ mới phải.  Vị sứ giả rất đỗi kinh ngạc vì Phanxicô đã không hề biết tới Ngài trước đây.  Để sáng tỏ hơn, Ngài đàm luận riêng với thánh nhân và rất thán phục vì những lời đáp đầy khôn ngoan và đức tin của Thánh nhân.  Trở về trình bày cho Đức Giáo hoàng, vị sứ giả cho biết những lời đồn thổi về công việc và công đức của thánh Phanxicô Paola còn kém xa sự thực rất nhiều. 

Vua Luy XI đau nặng.  Ông muốn mời thánh nhân đến Pháp để xin được chữa lành.  Thánh nhân còn ngập ngừng, nhưng vâng lệnh Đức giáo hoàng, Ngài liền lên đường không một suy nghĩ đắn đo.  Đáp lại nguyện vọng sống lâu của nhà vua Thánh nhân trả lời: – Cuộc sống của vua Chúa cũng có giới hạn như bao người khác.  Lệnh của Thiên Chúa không thể xoay đổi được, tốt hơn cả là hãy vâng theo ý Chúa và dọn mình chết lành. 

Cảm động vì những lời khuyên này, nhà vua đã hối cải và qua đời cách thánh thịên.

 Phanxicô vội trở về Italia.  Nhưng vua Charles VIII đã giữ không lại.  Cả vua Luy XII sau này cũng vậy.  Thánh nhân được coi như vị cố vấn soi sáng lương tâm và trong cả việc nước của hai vị vua nước Pháp ấy.  Tại đây Ngài thiết lập nhiều nhà dòng.

 Khi cảm thấy sắp phải lìa trần, thánh nhân như được tiếp nhận một tin vui.  Ngày thư năm tuần thánh, Ngài tập họp các tu sĩ lại, khuyên họ giữ chay trường và luật dòng.  Cầm than nóng trong tay Ngài nói: – Cha đoan quyết với con rằng: đối với người yêu mến Chúa, việc hoàn thành điều mình đã hứa với Chúa không khó hơn việc Cha cầm lửa trong tay này dâu.

 Sau đó dựa vào một tu sĩ, Ngài dự lễ và rước mình thánh Chúa.  Vì được ơn nói tiên tri và làm phép lạ, được mọi người từ vua quan tới dân chúng kính trọng, Ngài cột giây vào cổ và muốn người chết như một tội nhân.  Ngày thứ sáu tuần thánh sau khi chỉ định người kế vị, chúc lành cho con cái, Ngài hôn thánh giá và tắt thở.  Hôm ấy là ngày 02 tháng 04 năm 1507, hưởng thọ 91 tuổi.

Sưu tầm

From: Lanthangchieutim


 

NHỮNG PHÉP LẠ CỦA THÁNH GIUSE…

 

 Những phép lạ sau thường được gắn liền với lòng tin mạnh mẽ của những người cầu xin. Thánh Giuse được kính nhớ như một vị thánh thầm lặng nhưng đầy quyền năng, luôn sẵn sàng giúp đỡ những ai kêu cầu Ngài .

 1/ Phép lạ cứu sống trong cơn bão:

 Vào thế kỷ 17, tại một ngôi làng nhỏ ở Pháp, một nhóm ngư dân bị mắc kẹt ngoài khơi trong một cơn bão dữ dội. Gió mạnh và sóng lớn đe dọa nhấn chìm con thuyền nhỏ của họ. Trong cơn tuyệt vọng, họ cùng nhau cầu xin Thánh Giuse, vị thánh được kính nhớ như người bảo trợ những người lao động và những ai gặp nguy khốn. Bỗng nhiên, một người trong nhóm nhìn thấy một bóng dáng mờ ảo đứng ở mũi thuyền, trông giống như một người đàn ông cầm cây gậy – hình ảnh thường được liên tưởng đến Thánh Giuse. Gió lặng dần, sóng yên ả trở lại, và con thuyền an toàn cập bến. Dân làng tin rằng Thánh Giuse đã can thiệp để cứu họ, và từ đó, họ xây một bàn thờ nhỏ để tôn kính ngài.

 2/ Phép lạ chữa lành bệnh tật 

Có một câu chuyện từ thế kỷ 19 ở Ý, liên quan đến một người đàn ông tên là Antonio, một thợ mộc nghèo khổ. Antonio bị bệnh lao phổi nặng, một căn bệnh không có thuốc chữa vào thời đó. Gia đình ông rất nghèo, và các bác sĩ nói rằng ông không còn sống được bao lâu. Vợ của Antonio, với lòng sùng kính lớn lao, đã cầu xin Thánh Giuse suốt nhiều đêm, đặt một bức tượng nhỏ của ngài bên giường bệnh. 

Một đêm, Antonio mơ thấy một người thợ mộc đến bên ông, đặt tay lên ngực ông và nói: “Hãy đứng dậy, con còn việc phải làm.” Sáng hôm sau, Antonio tỉnh dậy với sức khỏe hồi phục kỳ diệu, không còn dấu hiệu của bệnh lao. Ông sống thêm nhiều năm và dành cả đời để làm việc thiện, tin rằng Thánh Giuse đã chữa lành cho mình. 

  1. Phép lạ tìm được việc làm

Một câu chuyện hiện đại hơn xảy ra vào thế kỷ 20 tại Hoa Kỳ, trong thời kỳ Đại suy thoái kinh tế. Một người đàn ông tên là Joseph (tình cờ trùng tên với Thánh Giuse) mất việc làm, không thể nuôi gia đình 5 người con.

 Trong lúc tuyệt vọng, ông nghe một linh mục khuyên nên cầu xin Thánh Giuse, vị thánh bảo trợ của người lao động. Joseph bắt đầu cầu nguyện hàng ngày, xin Thánh Giuse giúp ông tìm được việc làm. Chỉ vài ngày sau, một người lạ đến gõ cửa nhà ông, nói rằng ông ta cần một người giúp việc trong xưởng gỗ của mình và đã nghe về Joseph từ một người bạn. Công việc này không chỉ giúp Joseph nuôi sống gia đình mà còn trở thành sự nghiệp lâu dài của ông. Ông luôn tin rằng đó là phép lạ từ Thánh Giuse. 

Lạy Thánh Cả Giuse, xin luôn ban cho chúng con Đức tin mạnh mẽ , sức khỏe và công ăn việc làm . Chúng con cầu xin Thánh Cả . Amen

From: ngocnga_12 & NguyenNThu


 

 Lễ Thánh Giuse (19/3)- Cha Vương

Mừng bổn mạng đến những ai chọn Thánh Giuse làm quan thầy nhé.  Chúc mừng! Chúc mừng!

Cha Vương

Thư 4, 2 MC: 19/3/2025

TIN MỪNG: Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. (Mt 1:19)

SUY NIỆM: Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu. Kinh thánh không nói nhiều về Thánh Giuse ngoại trừ trong Phúc âm Matthew. Thánh Matthew cho chúng ta biết rằng Thánh Giuse là “một người công chính”.  Chữ “công chính” có 2 nghĩa:

(1) nghĩa thông thường là “công bình”, điều gì không phải của mình thì mình không nhận. Giuse biết thai nhi không phải của mình nên không dám nhận làm cha, do đó muốn bỏ đi;

 (2) nghĩa đạo đức: công chính là tuân theo ý Chúa. Khi được thiên sứ cho biết việc Thiên Chúa muốn Giuse làm. 

Trong bầu không khí mừng Lễ Thánh Giuse, bạn hãy noi gương các nhân đức của ngài, luôn luôn tìm cách thực thi thánh ý Chúa trong cuộc sống. 

LẮNG NGHE: Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. (Mt 5:6)

CẦU NGUYỆN: Lạy Thánh Giuse yêu dấu, xin nhận con làm con của Cha. Xin Cha chăm lo phần rỗi con, xin trông chừng con ngày đêm, xin gìn giữ con khỏi các dịp tội, xin cho con được trong sạch hồn xác. Nhờ lời chuyển cầu của Cha với Chúa Giêsu, xin cho con được lòng khiêm nhượng, hy sinh và bỏ mình; một tình yêu nồng cháy dành cho Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể; một tình yêu dịu ngọt dành cho Đức Maria – Mẹ con; một tình yêu vâng phục dành cho Đức Thánh Cha và Hội Thánh. Lạy Thánh Giuse, xin ở với con khi sống và lúc chết. Xin cho con được sự phán xét may lành của Chúa Giêsu – Chúa Cứu Thế nhân hậu của con. Amen. (Kinh Dâng Mình Cho Thánh Giuse)

THỰC HÀNH: Làm một hy sinh cầu nguyện cho những người đang hấp hối

From: Do Dzung

*********************

Ca Mừng Thánh Giuse

CÔNG CHÍNH, VÂNG PHỤC – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Giuse, chồng bà, là người công chính!”; “Tỉnh giấc, Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”.

“Hãy nhớ đến vị tộc trưởng vĩ đại bị bán sang Ai Cập! Thánh Giuse không chỉ nhận tên ông mà còn nhận sự trong trắng của ông! Giuse Cựu Ước ‘giỏi đọc’ giấc mơ; Giuse Tân Ước ‘giỏi tin’ giấc mơ. Giuse Cựu Ước ‘tích trữ ngũ cốc’ cho một dân; Giuse Tân Ước ‘trông coi Bánh Hằng Sống’ cho muôn dân. Và còn hơn thế, bảo tồn những gì Chúa hứa cho Abraham và nhà Đavít!” – Thánh Bernard.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng ngày lễ kính thánh Giuse cho thấy sự vĩ đại của ngài chủ yếu là do sự ‘công chính’ về mặt đạo đức và sự ‘vâng phục’ ý muốn của Thiên Chúa.

Thánh Giuse không được thụ thai vô nhiễm như Đức Mẹ, không thần thánh như Chúa Giêsu; nhưng Giuse là người đứng đầu của Thánh Gia, người bảo vệ và là người nuôi sống Thánh Gia. Giuse trở thành người cha hợp pháp của Đấng Cứu Thế và là chồng của Mẹ Thiên Chúa. Như vậy, trước hết và quan trọng nhất, Giuse vĩ đại vì những lựa chọn mà ngài đã thực hiện trong cuộc sống mình. Tin Mừng hôm nay gọi Giuse là người “công chính” và là người “làm như sứ thần Chúa dạy”. Vì vậy, sự vĩ đại của Giuse chủ yếu là do sự ‘công chính’ về mặt đạo đức và sự ‘vâng phục’ ý muốn của Chúa Trời.

Trước hết, sự ‘công chính’. Nhờ đâu Giuse có thể tin? Thưa, một lương tâm trong sạch! Yêu Maria, tuy nhiên, sự thật – “Maria có thai” – quá khắc nghiệt; và dẫu quan tâm Maria, Giuse vẫn cảm thấy bị phản bội! Nhưng với một lương tâm trong sạch, Giuse hy sinh ước mơ cưới Maria để sau đó, lặng lẽ “bỏ bà cách kín đáo”. Và Chúa đã nhìn thấy sự ‘công chính’ này, Ngài tiết lộ cho Giuse sự thật về sự chính trực của Maria. Một ‘thông điệp ngắn’ trong một ‘giấc mơ ngắn’ đủ để Giuse đón nhận tất cả với sự ngạc nhiên!

Tiếp đến, sự ‘vâng phục’. Hãy nhìn vào bốn giấc mơ! Giấc mơ đầu tiên, “Đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần!”. Giấc mơ thứ hai, “Hãy đứng dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập!”. Giấc mơ thứ ba, “Hãy đứng dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người về Israel!”. Và giấc mơ thứ tư, Giuse được cảnh báo nên về Galilê thay vì Giuđê.

Khi những giấc mơ này được đọc liên tiếp, rõ ràng Giuse đã tiếp nhận chúng như những thông điệp hiển nhiên từ Thiên Chúa. Giuse đã đáp lại tất cả những gì Ngài chỉ dạy bằng một sự ‘vâng phục’ và quyết tâm trọn vẹn. Những mệnh lệnh Giuse nhận được không phải là không đáng kể! Sự mềm mỏng của Giuse đòi hỏi ngài và gia đình phải đi xa, trú ngụ ở những vùng đất lạ lẫm và Giuse đã làm như vậy với tất cả lòng tin.

Anh Chị em,

Đức Gioan Phaolô II đã trao tặng thánh Giuse danh hiệu “Người bảo vệ Đấng Cứu Chuộc”, vì Giuse đã thể hiện sự cam kết không lay chuyển trước những gì Thiên Chúa trao. “Trong các Tin Mừng, Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ và can đảm; tuy nhiên, trong trái tim ngài, chúng ta thấy một sự dịu dàng vô cùng, đó không phải là nhân đức của kẻ yếu đuối mà là dấu hiệu của sức mạnh tinh thần và khả năng quan tâm vì lòng trắc ẩn, vì sự cởi mở chân thành với người khác, vì tình yêu!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy thánh Giuse, dạy con ‘công chính’ và ‘vâng phục’ như ngài, để sự hiện diện ẩn giấu của Chúa trong con được phát triển và đạt đến sự trưởng thành trọn vẹn!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

************************************

KÍNH THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA, 

Thứ Tư Tuần II Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

16 Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 24a Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

GIUSE: CON NGƯỜI CỦA MÙA CHAY- ĐGM Giuse Vũ Duy Thống

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống

 

Trong niên lịch Phụng vụ hiện hành tháng ba kính Thánh Giuse thường trùng hợp với thời gian Phụng vụ Mùa Chay, tín hữu được mời gọi để nhìn lên Thánh Giuse như một mẫu gương và đồng thời hướng đến lễ Phục sinh như một chuẩn đích đang đến gần.  Sự trùng hợp ấy lặp đi lặp lại khiến tôi có ý nghĩ: Giuse là con người của Mùa Chay.

 Gọi như thế không muốn nói ngài đã thực hành việc ăn chay nghiệm ngặt hơn mấy ông Biệt phái; gọi như thế cũng chẳng có ý xa gần ám chỉ đến kiếp chồng chay chồng hờ chả sơ múi gì như kiểu nói vui của mấy vị xồn xồn; nhưng gọi như thế chỉ muốn nêu lên những đức tính nổi bật của ngài, vừa tự nhiên, vừa dễ dàng gần gũi cho mọi người trong hướng sống Mùa Chay, nhất là trong khuôn khổ những ngày tĩnh tâm ở đây.

1. Gọi Giuse là con người của mùa Chay vì lý do thứ nhất là ngài yêu thích sự lặng thầm.

Cuộc đời của Giuse qua Phúc Âm là một cuộc đời gắn liền với gia đình thánh, một cuộc đời có nhiều sóng gió bất ngờ.  Thế nhưng, trên nền những sóng gió ấy, người ta gặp thấy một Giuse hoàn toàn lặng thầm, lặng thầm đến độ khó tin.  Trong Phúc Âm, Đức Maria vốn thích giữ kín và suy niệm trong lòng, ít ra người ta cũng nghe được nơi Mẹ bảy lời vắn gọn gợi mở suy tư, đằng này, tìm đỏ mắt cũng chẳng gặp một lời nào của Giuse hết, ngay cả một lời vâng vắn gọn, ngay đến một tiếng thở dài.  Tuyệt đối không.

Điều này được chứng thực qua những biến cố trong đời của ngài.  Sau biến cố truyền tin, thuở Giuse và Maria mới quen nhau, người ta muốn thấy một Giuse nhút nhát không nói được một câu nào.  Rồi khi đã đính hôn, Giuse bỗng thấy Maria đã đổi khác nơi vòng số hai, thì thay vì phải làm cho ra lẽ, người ta lại thấy một Giuse băn khoăn, cạy miệng cũng chẳng hé lời.  Có người bảo Giuse yếu, có kẻ nói Giuse dại.  Mặc kệ.  Ồn ào quá dễ, còn biết im lặng trong tình huống căng thẳng như thế không phải ai cũng làm được.  Im lặng vốn là quê hương của những tâm hồn lớn mạnh. “Phải can đảm mới bền gan yếu đuối, phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ.”

Nhưng phải đến biến cố tìm lại Chúa Giêsu sau ba ngày lạc mất trong Đền thánh, người ta mới thấy lặng thầm là điều Giuse đã chọn lựa như châm ngôn cuộc đời.  Trong biến cố ấy, thay vì trong tư cách trưởng gia đình, có thể trách móc Chúa Giêsu như những người cha khác, người ta thấy Giuse lùi lại đằng sau cho Maria tiến lên, người ta thấy Giuse rút vào im lặng cho Maria cất tiếng mở lời.  Rõ ràng, đây không chỉ là một tính cách tự nhiên, mà còn là một chọn lựa thực thi đến độ thuần thục.

Thinh lặng là nét đẹp của chay tịnh.  Giuse yêu thích sự im lặng, ngài là con người của Mùa Chay.

Trong dịp hành hương tại Nagiarét quê hương của Giuse, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy ngoài đường phố, trong cửa hiệu buôn bán, thậm chí ngay ở quầy tiếp tân của khách sạn, tuyệt nhiên không có lấy một bóng người phụ nữ.  Họ ở đâu, không ai biết rõ, chỉ biết chắc rằng tất cả mọi sinh hoạt công khai ngoài mặt phố đều do đàn ông đảm trách.  Tôi thắc mắc, và hướng dẫn viên đã giải thích rằng: đây là xã hội của đàn ông, đàn bà không có quyền ăn nói, thậm chí không có quyền xuất hiện.  Trong một nếp sống như thế, lẽ ra Giuse có quyền và có bổn phận phải nói, nhưng một khi ngài đã chọn thinh lặng, ắt hẳn sự thinh lặng ấy phải có một giá trị đặc biệt.  Vâng, đó là tĩnh tâm, đó là đi vào sa mạc tâm hồn, đó là đường vào của một tình yêu.  Thảo nào cha Philippon, OP, đã có lần viết : “Ai yêu mến sự thinh lặng sẽ được Thiên Chúa dẫn tới thinh lặng của mến yêu.”

2. Gọi Giuse là con người của Mùa Chay, vì lý do thứ hai, ngài biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Cầu nguyện theo định nghĩa đầy đủ gồm nhiều động tác như thờ lạy, tạ ơn, tạ tội, dâng hiến, xin ơn.  Nhưng với Giuse, đơn giản thôi, cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe và thực thi ý Chúa.  Sự lặng thầm của ngài không phải là một thứ ù lì chẳng có gì để nói ra, hay một thứ trống rỗng chẳng thấy chi mà ghi nhận vào.  Ngược lại, đó là điều kiện để ngài cầu nguyện.  Từ ngữ “giấc mơ” mà Phúc Âm nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không muốn nói tới một điều gì khác ngoài hình ảnh của một tâm hồn bỏ ngỏ cho thánh ý Thiên Chúa tự do tác động.  Giống như chiếc ống sáo sẵn đợi đó cho làn hơi Thiên Chúa thổi vào làm phát ra những giai điệu ngọt ngào đầm ấm.

Trong biến cố phải đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria lánh nạn sang Ai Cập, rồi sau đó từ Ai Cập trở về Nagiarét, Giuse đã cho thấy một dáng hình cầu nguyện không thể quên được.  Ngài vâng nghe và thực hành lệnh Chúa mau mắn đến độ lạ lùng.  Thảo nào, con người ấy phút trước đã có thể đi vào giấc ngủ một cách ngon lành, lại còn mơ một cách vô tư, phút sau đã choàng tỉnh dậy khẩn trương lên đường.  Thế mới biết người quen lắng nghe và thực thi ý Chúa thì tâm hồn họ bình an chừng nào.  Ta gọi đó là tâm tình phó thác.  Nghe tưởng dễ, nhưng thực ra từ nghe Lời Chúa đến thực hành Lời Ngài là cả một khoảng cách không chỉ đo bằng thiện chí, mà còn bằng nỗ lực không ngừng.  Vất vả đường lưu lạc và bơ vơ nơi đất khách, đó là cái giá Giuse phải trả cho đời phó thác tin yêu.

Mùa Chay cũng là mùa cầu nguyện, là mùa bắc những nhịp cầu thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa bằng những kinh nguyện hằng ngày, nhưng cầu nguyện không chỉ là cầu kinh, nghĩa là đọc những kinh quen thuộc soạn sẵn trong sách toàn niên như thói quen đạo đức vốn được thực hiện trong các giáo đường, mà cầu nguyện còn là lắng đọng tâm hồn nhận ra ý Chúa mà đem ra thực hiện.  Bằng một hình ảnh khá gợi ý, có tác giả tu đức bảo rằng : nhiều người chỉ quen chắp tay cầu nguyện mà không biết mở tay ra đón nhận ý Chúa.  Trong ý hướng ấy, tinh thần cầu nguyện biết lắng nghe và thực thi ý Chúa của Giuse cũng là tinh thần cầu nguyện Mùa Chay cần có cho đời tín hữu.

Có lần một bạn trẻ tân tòng hỏi tôi phải làm những gì khi cầu nguyện, bởi anh không thuộc kinh như những giáo dân đạo gốc, đạo dòng vốn đọc kinh từ khi còn bé, tôi hỏi xem anh đã làm gì khi đến nhà thờ.  Anh cho biết: mỗi lần đến nhà thờ anh chỉ biết ngồi đực ra nghe: nghe đọc, nghe giảng, nghe hát.  Thế thôi, Anh thích lắm nhưng không làm gì hơn được.  Tôi bảo anh: tốt lắm, anh đã bắt đầu cầu nguyện rồi đấy, nhưng mới được một nửa, còn một nửa nữa anh có thể tự làm lấy không cần sách vở kinh kệ gì cả, đó là hãy sống những gì anh tâm đắc khi nghe được nơi giáo đường.  Cứ nghe và thực hiện như thế, dần dần anh sẽ biết cách cầu nguyện cho mà xem.  Qủa nhiên, sau này mỗi khi gặp lại tôi, anh đều xa gần nhắc lại:  cách cầu nguyện như thế đã giúp anh sống đạo rất nhiều, nhất là nó đã giúp anh vượt qua được những nghịch cảnh không thiếu trong cuộc sống hiện tại, khi mà vẫn thấy đó đây cái cảnh dật dờ dắt díu dây dưa, đạo đời điên đảo đá đưa đôi đàng.

3. Gọi Giuse là con người của Mùa Chay, còn vì ngài đã tận tụy quên mình phục vụ.

Qua cương vị là “bạn thanh sạch của Đức Maria trọn đời đồng trinh”, có lẽ người ta chỉ cảm nhận được một sự hiện diện nhạt nhòa của Giuse cặm cụi làm được mọi việc, trừ mỗi việc làm chồng, thế mà trên vai lại chất chồng không biết bao nhiêu là trách nhiệm.  Nhưng chính ở đó đã sáng lên hình ảnh của một con người tận tụy hy sinh.  Đối với thánh nhân, làm là cách nói hay hơn cả.  Không băn khoăn, chẳng dị ứng, ngài hết mình làm việc bổn phận được trao phó và hết tình gắn bó yêu thương để trở nên trụ cột không phải của một mái nhà che nắng trú mưa cho qua ngày đoạn tháng, mà là cột trụ của một mái ấm gia đình ở đó mọi thành viên đều cảm nhận được hạnh phúc an sinh.

Qua cương vị là “cha nuôi của Đấng Cứu Thế,” có lẽ người ta cũng chỉ thấy sự có mặt của một người đàn ông lủi thủi, phải cưu mang giọt máu chẳng phải của mình.  Nhưng đó lại là ơn gọi lớn Giuse đã khẳng định được với tất cả ý thức trách nhiệm cao độ quên mình.  Tất nhiên, không có Thánh Giuse vẫn có Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu ấy sẽ khác lắm, không có một gia đình đúng nghĩa, cũng chẳng được pháp luật chở che.  Nhưng bởi vì đã có Thánh Giuse, nên Chúa Giêsu đã có nơi an toàn để mà lớn lên trước mặt Thiên Chúa và trước mắt người đời.  Chính ở điểm này, hậu thế thích xưng tụng Thánh Giuse là người tận tụy canh giữ Đấng Cứu Thế, đúng như tên gọi một Tông huấn về Thánh Giuse của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Thực ra thì Phúc Âm có gọi Thánh Giuse là người công chính, nhưng danh xưng đẹp nhất của thánh nhân chính là danh xưng đặt ngài trong tương quan với Chúa Giêsu và Đức Maria.  Thành thử, qua cương vị “bạn thanh sạch Đức Maria” và “ Cha nuôi Đấng Cứu Thế,” Thánh Giuse đã xuất hiện như một người tận tụy hy sinh quên mình phục vụ.  Với tính cách ấy, ngài chính là con người của Mùa Chay, bởi Mùa Chay cũng là mùa phục vụ.

Tuần trước, ở một giáo xứ nhỏ mới tách ra khỏi giáo xứ mẹ được vài tháng, thấy hầu hết những người trong ban đại diện đều là người trẻ độ 30, tôi ngẫu hứng nói đến tính cách trẻ của yếu tố nhân sự trong Giáo hội.  Sau đó, một người trẻ chia sẻ lại với tôi rằng: anh góp mặt trong ban hành giáo không nhắm đến một quyền lợi nào trong tôn giáo cả, mà chỉ muốn đóng góp cùng với người khác một chút gì đó gọi là phục vụ.  Bởi anh hiểu phục vụ không phải là nói mà là làm, phục vụ không phải là làm vì mình mà là làm cho người khác, rồi phục vụ không phải là làm để cho người khác biết, mà chỉ để một mình Chúa biết thôi.  Tôi lưu ý anh: coi chừng, khi nhấn mạnh đến phục vụ như thế là dấu hiệu cho biết mình vật lộn để có tinh thần phục vụ ấy.  Anh thú nhận rằng đúng, và bảo rằng đó là điều anh phải chọn lại mỗi ngày.  Tôi bỗng hiểu ra: quên mình chính là điều kiện tiên quyết cho phục vụ, và phục vụ có ý nghĩa nhất là phục vụ khởi đi từ sự quên mình.  Như Thánh Giuse đã quên mình, như Thánh Giuse đã phục vụ Đấng Cứu Thế.

Tóm lại, im lặng, nghe và thực thi Lời Chúa, đồng thời quên mình để phục vụ, đó là ba đức tính làm nên một Giuse, con người của Mùa Chay.

Trong một thành phố lớn khá ồn ào như Sài Gòn đây, có là lạc điệu không khi nói đến sự tĩnh lặng?  Trong một nhịp sống kinh tế nhốn nháo thời hội nhập có đầy đủ gió đông gió tây ùa vào, vàng thau lẫn lộn, như một mời mọc giới trẻ, có là lỗi điệu không khi đề cao việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa?  Và cuối cùng, trong một bầu khí cạnh tranh thi thố khả năng, qua đó người tài mới được tuyển dụng, còn phó thường dân nam bộ chỉ biết cặm cụi ngày hai buổi đến xưởng đến trường, có là đơn điệu không khi nhà thờ lại cứ thích kêu gọi sống tinh thần phục vụ?

Những câu hỏi ấy và những câu tương tự có thể do người khác hay do tự ta đặt ra với mình, luôn luôn là những trăn trở gợi mở suy tư và gọi mời chọn lựa.  Không có câu trả lời soạn sẵn như những người thi vào quốc tịch Mỹ, chỉ cần nhấn nút cuốn Kim Tự Điển là gặp thấy đáp án, rồi ráng học thuộc lòng là xong.  Vâng, không có giải pháp làm sẵn, nhưng bù vào đó vẫn có những mẫu gương, những kinh nghiệm, và Thánh Giuse chính là một trong số những mẫu gương gần gũi bình dị ấy.

Thật vậy, đặt ngài trong tương quan với tiếng gọi Mùa Chay, người ta sẽ thấy Giuse như một mẫu gương đời thường khiến ta sẵn sàng noi theo soi bóng, như một kẻ đồng hành dầy dạn kinh nghiệm sẵn sàng chỉ bảo cho ta phương cách hữu hiệu để sửa chữa đổi đời, và còn hơn thế nữa, như một Vị bổn mạng đầy thế lực sẵn sang chuyển cầu cho ta trong những tình huống khó khăn gay cấn nhất của sức khoẻ linh hồn.

Xin nhờ kinh nghiệm của ngài ngày xưa đã thành công trong trách vụ anh giữ Đấng Cứu Thế, ngày nay cũng nâng đỡ phù trợ mọi người trong nhiệm vụ gìn giữ Đấng Cứu Thế trong chính cuộc đời ta và cuộc đời những người lân cận, có thể không bằng cánh tay ở phía trước, nhưng rất thường là bàn tay âm thầm phía sau cho ta được nâng đỡ thôi thúc vững vàng đi lên.

Xin Thánh Giuse cầu cho chúng con biết sống Mùa Chay trọn vẹn như ngài.  Amen.

 ĐGM Giuse Vũ Duy Thống

From: Langthangchieutim

Thánh Patrick (Patricio), Giám mục—385?-461- Cha Vương

Mừng Lễ Thánh Patrick đến bạn và gia đình nhé! Đây là ngày lễ hội truyền thống của nước Ái Nhĩ Lan. Ở phương Tây, màu y phục thích hợp cho ngày hôm nay là màu xanh lá cây. Tối thiểu bạn phải mang một tí màu xanh trên người, nếu không có thì bạn sẽ bị thiên hạ nhéo cho bầm người luôn đó.

Cha Vương

Thứ 2, 2MC: 17/3/2025

Thánh Patrick (Patricio), Giám mục—385?-461. Truyền thuyết về Thánh Patrick thì quá nhiều; nhưng điều có ích lợi cho chúng ta là khi nhìn đến hai đức tính chắc chắn của ngài: khiêm tốn và dũng cảm. Chính thái độ cương quyết khi chấp nhận đau khổ cũng như thành công đã hướng dẫn cuộc đời của Thánh Patrick, một khí cụ của Thiên Chúa, để chiến thắng cho Ðức Kitô hầu như tất cả tâm hồn người Ái Nhĩ Lan.

    Chi tiết về đời ngài thì không chắc chắn. Về nơi sinh trưởng của Thánh Patrick, có người cho là ở Kilpatrick, Tô Cách Lan, có người nói ở Cumberland, Anh Quốc. Cha mẹ ngài là người Rôma sống ở Anh Quốc với nhiệm vụ cai quản các bán đảo.

    Khoảng 14 tuổi, chính ngài và phần lớn các nô lệ cũng như các quần thần của cha ngài bị hải tặc Ái Nhĩ Lan bắt và bán làm nô lệ để chăn cừu. Trong thời gian này, Ái Nhĩ Lan là đất của người Druid và ngoại giáo. Ở đây, ngài học ngôn ngữ và phong tục của dân tộc đang bắt giữ ngài.

    Sáu năm sau, Patrick vượt thoát, có lẽ đến nước Pháp, và sau đó trở về Anh đoàn tụ với gia đình. Trong thời gian bị bắt tinh thần ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài bắt đầu học làm linh mục, và được chịu chức bởi Thánh Germanus, Ðức Giám Mục của Auxerre.

    Sau đó, khi 43 tuổi ngài được tấn phong giám mục. Trong một thị kiến, dường như “mọi trẻ con ở Ái Nhĩ Lan từ trong lòng mẹ vươn cánh tay” đến ngài. Ngài hiểu thị kiến này là một lời mời gọi đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoại giáo Ái Nhĩ Lan. Ngài đến phía tây và phía bắc, là nơi chưa bao giờ đức tin được rao giảng ở đây, và ngài đã được sự bảo vệ của các vua chúa trong vùng và đã hoán cải rất nhiều người.

    Ngài tấn phong nhiều linh mục, chia quốc gia này thành các giáo phận, tổ chức các công đồng, thành lập vài đan viện và tiếp tục thúc giục dân chúng sống thánh thiện hơn. Ngài chịu đau khổ vì bị các tăng sĩ ngoại giáo chống đối, và bị chỉ trích cả ở Anh và Ái Nhĩ Lan vì đường lối truyền giáo của ngài.

    Trong 40 năm rao giảng và hoán cải, ngài đã làm nhiều phép lạ và đã viết Confessio nói về tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa. Ngài từ trần năm 461 ở Saul, County Down, Ái Nhĩ Lan là nơi ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên.

    Ngày nay cả toàn dân Á Nhĩ Lan qua các thời đại, nhớ công ơn người, ngày 17 tháng 3 được coi là ngày quốc lễ. Ái Nhĩ Lan, qua các vị thừa sai, các dòng tu đã đem Tin Mừng cho nhiều nước khác. (Nguồn: Nhóm Tinh Thần)

    Thánh Patrick viết: “Khao khát của tôi là: dù không có khả năng chu toàn một công trình tốt đẹp và xứng đáng, tôi ước ao giống như những người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng làm chứng cho Người trên khắp thế giới.” (Trích “Lời tuyên xưng đức tin của thánh Patriciô Giám mục,” Bài đọc 2 Kinh Sách, ngày 17/3)

    Ước mong bạn hãy noi gương thánh nhân luôn nuôi dưỡng khát khao làm điều tốt đẹp, rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, và đưa mọi người đến gần với Chúa hơn mỗi ngày. 

From: Do Dzung

************************

Thánh Ca Phụng Vụ  – Hãy Sống Cuộc Đời Ngôn Sứ

Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo.- Cha Vương

Chúc một ngày thật ấm áp bên Chúa và người thân yêu nhé! Hôm nay 5/2, Giáo Hội mừng kính Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo. Đặc biệt là qua lời chuyển cầu của thánh nhân nhiều bệnh nhân bị ung thư vú đã được chữa lành. Vậy hôm nay mời bạn hãy dành thời gian để cầu nguyện cho những ai đang mắc bệnh liên quan đến vú.

Cha Vương

Thứ 4: 05/02/2025

Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agata, ngoại trừ sự kiện ngài chịu tử đạo ở Catania  trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.

Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng năm 235 tại Catania, Sicily (nước Ý) trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ, ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một trong những người say mê ngài là Quintian, là người có địa vị cao trong xã hội nên nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử – bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và cái chết, thánh nữ sẽ đành phải trao thân cho ông, nhưng ngài nhất quyết tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: “Lạy Ðức Kitô Giêsu, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con – chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ một cách xứng đáng.”

Sau đó, Quintian tống Agata vào nhà gái điếm lấy cớ ngài là người Công Giáo với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định. Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, Quintian ra lệnh tra tấn. Ðể trả thù, bạo quan hạ lệnh nướng ngài trên giường sắt. Sau đó, người ta lại tống giam thánh nữ. Tương truyền thì trong đêm đó, thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành cho ngài. Dù bị quan trấn Quintian nhiều lần dụ dỗ, ngài vẫn một lòng trung kiên với đạo Chúa. Dù đau đớn lăn lộn trên than hồng và mảnh chai nhọn, ngài vẫn tin cậy vào Chúa, Ðấng sẽ cứu linh hồn ngài. Chính cử chỉ của thánh nữ khiến cả thành phố náo động, Quintian sợ dân nổi loạn nên truyền giam thánh nữ trong ngục.

Ngài đã chết rũ tù ngày 25 tháng 2 năm 251 tại Catania, Sicily. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy hồn con.”

Thánh nữ đã làm nhiều phép lạ như che chở thành Catania khỏi hiểm họa núi lửa Etna. Ngay từ thời đó, người ta đã cầu khẩn và cậy trông vào sự cầu bầu của thánh nữ. Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania, và được chọn làm quan thầy các bà vú nuôi và cũng được cầu khẩn khi bị tai nạn vì lửa và vì bệnh nhủ bộ. (Nguồn: Người Tín Hữu )

Lạy Chúa, thánh nữ A-ga-ta đã luôn luôn làm đẹp lòng Chúa, vì vừa sống cuộc đời kiên trinh, vừa can trường hy sinh tử đạo. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho chúng con được ơn tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Ki-tô Chúa chúng con. A men. (Lời nguyện, Lễ nhớ)

From: Do Dzung

****************************

Niềm Tin Kiêu Hùng – Anna Trần Thanh Huyền 

Thánh Blase (Biagio)-Cha Vương

Mến chào bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Blase (Biagio), mời Bạn suy niệm về đời sống nhân đức của Ngài.

Cha Vương

Thứ 2: 03/02/2025

Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blase hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Ðông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn. Công Ðồng Oxford, vào năm 1222 đã cấm làm việc xác trong ngày lễ Thánh Blase (hay còn gọi là Thánh Biagio). Người Ðức và người Ðông  Au rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.

Chúng ta được biết Ðức giám mục Blase chịu tử đạo năm 316 ngay trong giáo phận của ngài ở Sebaste, Armenia. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài. Theo đó, Thánh Blase là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác.

Mặc dầu chỉ dụ Toleration, năm 311, đã cho phép tự do tôn giáo ở Ðế Quốc Rôma hơn năm năm, nhưng ở Armenia, việc bách hại vẫn còn dữ dội. Hiển nhiên là Thánh Blase buộc phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.

Một ngày kia, có nhóm thợ săn đi tìm thú dữ để dùng trong đấu trường và tình cờ họ đã thấy hang động của Thánh Blase. Từ kinh ngạc cho đến sợ hãi, họ thấy vị giám mục đi lại giữa đám thú dữ một cách điềm tĩnh để chữa bệnh cho chúng. Nhận ra ngài là giám mục, họ bắt ngài về để xét xử. Trên đường đi, ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ vì đó là của người đàn bà nghèo. Khi Thánh Blase bị giam trong tù và bị bỏ đói, người đàn bà này đã đền ơn ngài bằng cách lẻn vào tù cung cấp thức ăn cho thánh nhân.

Ngoài ra, truyền thuyết còn kể rằng, một bà mẹ có đứa con trai bị hóc xương đã chạy đến ngài xin cứu giúp. Và sau lời truyền của Thánh Blase, đứa bé đã khạc được chiếc xương ra khỏi cổ.

Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blase bỏ đạo mà thờ tà thần. Lần đầu tiên từ chối, ngài bị đánh đập. Lần kế tiếp, ngài bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể. Sau cùng ngài bị chém đầu năm 316. Người được tôn kính như quan thầy các thợ chải len, những người bị đau cuống họng.

 (Nguồn: Người Tín Hữu online)

Sau đây là Kinh cầu Thánh Blase được dùng để khẩn cầu cho những ai mang bệnh của cổ họng: “Qua lời cầu bầu của Thánh Blase, là giám mục và là vị tử đạo, xin Thiên Chúa chữa con khỏi bệnh tật của cổ họng và khỏi mọi sự dữ. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Kinh cầu Thánh Blase). Xin Thánh Blase, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

**************************

XIN CHÚA CHỮA LÀNH CON || ST: HUỲNH MINH KỲ || Trình bày: Triệu Ngọc Yến