THÁNH THỂ, MỘT ƠN BAN TỘT ĐỈNH CỦA THIÊN CHÚA – Phêrô Phạm Văn Trung
Phêrô Phạm Văn Trung
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô mà chúng ta cử hành Chúa nhật hôm nay là một biểu lộ hân hoan đối với sự hiện diện thường hằng của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Lễ này được cử hành theo truyền thống với một cuộc rước Thánh Thể khắp khu vực xung quanh nhà thờ sau thánh lễ. Kết thúc cuộc rước, Thánh Thể được đưa trở lại Nhà thờ để Chầu. Đó là một việc tôn sùng lớn lao hướng về Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.
1.Vài nét lịch sử
Trong Giáo Hội Sơ Khai, việc tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô chỉ giới hạn trong việc cử hành Thánh Thể và rước lễ, và các Giáo Phụ như Augustinô và Ambrôsiô khuyến khích thái độ thờ lạy trong Thánh Lễ. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13, để đền tạ những phạm thánh và bất kính của những người phủ nhận Bí tích Thánh Thể, nhiều phong trào giáo dân ở Bắc Âu đã cổ động lòng sùng kính bí tích này. Họ tổ chức những giờ chầu Thánh Thể, linh mục ban phép lành với Mình Thánh Chúa, kéo chuông nhà thờ khi linh mục thánh hiến bánh và rượu. Tại Liège, Bỉ, nhờ thánh nữ Juliana (1193-1258), một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của dòng Augustinô tại Mont-Cornillon, họ đã xin Đức cha Robert de Thorete, là giám mục địa phương, cử hành một lễ kính Mình Thánh vào ngày thứ năm sau Chúa nhật kính Chúa Ba Ngôi. Mặc dù ban đầu còn do dự, nhưng vào năm 1246, Đức Giám Mục Thorete chấp thuận lời thỉnh cầu cho phép cử hành lễ Mình Máu Chúa Kitô trên toàn giáo phận. Như vậy, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành lần đầu tiên tại Liège, Bỉ, vào năm ấy. Sau này tại Ý, năm 1263, trong nhà thờ thánh Catarina, tại Bolsena, phía bắc thành phố Rôma và phía nam thành phố Orvieto, một linh mục sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Máu và Thịt Chúa Giêsu. Tức thì Máu Thánh chảy đẫm khăn thánh và khăn bàn thờ. Ðức Giáo Hoàng nghe tin này, bèn ra lệnh đem khăn về để tạm tại nhà thờ Orviette. Chính Phép Lạ này khiến Ðức Giáo Hoàng Urbano IV (1262-1268) ban hành Tông sắc Transiturus de hoc mundo, năm 1264, thành lập lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu, như một ngày lễ cho toàn thể Giáo hội Latinh. Trong bức Tông Sắc của mình, Đức Urbano IV đã viết rằng: “Để củng cố và đề cao Đức Tin chân thật, sau khi cân nhắc cẩn thận, Ta truyền lệnh rằng, ngoài những cuộc tưởng nhớ hằng ngày mà Giáo hội thể hiện đối với Bí Tích rất thánh này, mỗi năm sẽ còn có một Đại Lễ đặc biệt nữa được cử hành vào một ngày nhất định, và cụ thể là vào ngày thứ Năm sau tuần Bát Nhật kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong ngày đó, dân thánh thiện sẽ sốt sắng và mau chóng tập trung lại trong các ngôi Thánh Đường của chúng ta, và tại đó, các bài Thánh Ca sẽ được vang lên bởi các Giáo sĩ và các Giáo dân với trọn niềm vui thánh thiện.” [1] Khi Đức Giáo Hoàng Piô V (1504-1572) sửa đổi Lịch Rôma chung, Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Corpus Christi – được ngài giữ lại cùng với Lễ Chúa Ba Ngôi.
Ðức Giáo Hoàng Urbano IV giao cho Thánh Tôma Aquinô, đang là nhà thần học của Giáo hoàng, soạn thảo những bản văn phụng vụ cho ngày lễ trọng này. Thánh Tôma Aquinô đã sáng tác một bài thánh ca dành cho Kinh Chiều của ngày lễ này, Pange Lingua, cũng được hát vào Thứ Năm Tuần Thánh trong cuộc rước Mình Thánh Chúa đến bàn thờ tạm. Hai câu cuối của Pange Lingua [2] trở thành bài thánh ca Tantum Ergo, được sử dụng cho các Giờ Chầu Mình Thánh Chúa.
2.Tin mừng và ý nghĩa của Thánh Thể
Mặc dù Thứ Năm Tuần Thánh cũng được coi là Lễ Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng ngày đó dành để nhớ đến việc Chúa Giêsu thiết lập Chức Linh mục: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22: 19) và giới răn yêu thương qua việc rửa chân phục vụ nhau: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 3: 13-15).
Lễ Mình Máu Thánh Chúa được thiết lập là để dành ra một ngày lễ chỉ tập trung vào Bí tích Thánh Thể: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6: 51).
Khi chúng ta quy tụ trong Thánh Lễ, chúng ta biết rằng với tư cách là những người đã được rửa tội, chúng ta tạo thành cộng đoàn Thánh Thể, cộng đoàn này với việc chủ sự của linh mục, sẽ tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua – cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh – của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hiệp dâng lễ vật của chúng ta với lễ vật của linh mục, Đấng đại diện cho Chúa Kitô, để lễ vật bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô, mà chúng ta lãnh nhận khi Rước lễ, để chúng ta có được sự sống thần linh muôn đời của chính Chúa Kitô: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6: 58).
Sự sống này bắt nguồn từ tâm điểm của Thánh Lễ: hiệp thông với Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6: 56). Thánh lễ – cuộc cử hành Bí Tích Thánh Thể – là sự tái hiện hành động của Chúa Giêsu vào đêm trước khi Ngài chịu chết. Trong Bữa Tiệc Ly: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Ngài cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22: 19-20).
Trong những lời nói và hành động đó, trong giây phút trao hiến thiêng liêng đó, Chúa Giêsu đã hình dung trước hành động cao cả nhất của Ngài là hiến thân trên Thập giá. Hội thánh tin tưởng và lặp lại hành động thánh thiêng đó để tuân theo mệnh lệnh của Ngài mỗi khi chúng ta tập trung quanh bàn thờ, kết hợp lại với nhau, để cùng nhau đón nhận Bánh được bẻ ra và Chén được chia sẻ, chính là Thân Mình bị tan nát và Máu bị đổ ra của Chúa Kitô, để đem lại sự sống đích thực đời đời cho những ai tin vào sự hiện diện của Ngài trong Giáo hội và trong Bí tích Thánh Thể: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6: 53-55).
Việc nâng tâm hồn chúng ta lên Thiên Chúa chắc chắn là một yếu tố quan trọng trong sự thờ phượng của chúng ta. Nhưng việc thờ phượng Thiên Chúa mà chúng ta dâng lên qua bí tích thánh thiêng này không chỉ đơn thuần là việc của riêng con người. Chính việc Chúa Giêsu biến đổi bánh, là “hoa mầu ruộng đất,” và rượu là “sản phẩm từ cây nho,” mà chúng ta được mời gọi tham dự vào bằng việc dâng “công lao của con người,” trở thành Mình và Máu của Ngài, mới làm cho việc thờ phượng của chúng ta trở nên việc thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực: là sự tự hiến của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá qua lời tuyên bố “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2: 19) báo trước về mầu nhiệm thập giá, về cái chết và sự phục sinh của Ngài. Giờ đây con người gặp gỡ Thiên Chúa không cần phải qua trung gian nào khác, kể cả Đền thờ và Lề luật, nhưng qua Chúa Kitô. Bánh và rượu được cộng đoàn dâng lên, tượng trưng cho lao động, cuộc sống với tất cả những khiếm khuyết của chúng ta, và chúng ta liên kết chúng với sự tự hiến của Chúa Kitô cho Chúa Cha để trở nên hy tế tột đỉnh: hy tế Thánh Thể. Nhờ đó, chúng ta được biến đổi và trở nên điều mà thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ nhất: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Chúa Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Ngài sao?” (1Cr 10: 16).
3.Sống ý nghĩa Thánh Thể
Một trong những cảnh gây xúc động nhất trong Tin Mừng của Thánh Gioan là cảnh Chúa Giêsu Biến Hình trên Núi Tabor. Các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn níu giữ giây phút chiêm niệm đó. “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9: 33). Nhưng giống như mọi khoảnh khắc xuất thần, thời gian trôi qua. Chúng ta phải trở về với những điều bình thường của cuộc sống.
Lễ Mình Máu Thánh Chúa là một cơ hội đặc biệt để chúng ta không chỉ chứng kiến mà còn tham dự vào sự biến hình của Chúa Giêsu khi chúng ta chiêm ngắm sự hiện diện luôn mãi của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng giây phút thiêng liêng này không thể kéo dài mãi được. Bởi vì chúng ta phải quay trở lại sự phức tạp của cuộc sống hiện tại. Nhiệm vụ của chúng ta là biến đổi thế giới mà chúng ta đang sống, như những lời của Thánh Irênê, tiến sĩ Hội Thánh: “Gloria Dei est vivens homo – Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống.”
Được nuôi dưỡng bằng Lương Thực từ Thiên Đàng này, chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa qua ân huệ của Chúa Thánh Thần, được trang bị và tăng thêm sức mạnh để tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô trong các khu phố, nơi làm việc, bệnh viện, trường học và các khu vực khác trong cộng đồng của chúng ta. Đây là ơn kêu gọi của chính chúng ta – trở thành bánh bẻ ra cho người khác, như Thân Mình Chúa Kitô tự hiến cho tất cả mọi người mọi nơi.
Vào ngày lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa này, một lần nữa chúng ta hãy nhận ra và quý trọng hơn nữa đặc ân được tham dự Bí tích Thánh Thể và tự do lãnh nhận món quà Mình và Máu Chúa Kitô để chúng ta luôn nghiệm được sự hiện diện đồng hành của Chúa Giêsu trên hành trình cuộc sống trần thế này: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con.” [3]
Phêrô Phạm Văn Trung
From: Langthangchieutim
LÚC NÀY VÀ Ở ĐÂY – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo!”.
“Đừng để bị đánh lừa bởi những tưởng tượng về tương lai hay gánh nặng của quá khứ. Hãy sống và yêu mến trong hiện tại, vì ở đó có Chúa!” – Giuse Marello.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta sống khoảnh khắc hiện tại – ‘lúc này và ở đây’ – đừng để mình bị đánh lừa bởi những tưởng tượng về tương lai hay gánh nặng của quá khứ!
Đừng tiếc xót về ngày hôm qua, nhưng phó thác toàn thân cho Chúa và lòng thương xót của Ngài; cũng đừng hành hạ bản thân về ngày mai, nhưng dâng tất cả cho sự quan phòng của Chúa. “Khoảnh khắc hiện tại là nơi duy nhất bạn có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Quá khứ đã chết, tương lai chưa hiện hữu. Chỉ ‘lúc này và ở đây’ là thật!” – Thomas Merton.
Sự bận tâm không bao giờ giải quyết được bất kỳ vấn đề nào. Điều có thể giải quyết các vấn đề là đức tin và sự tự tin. Chúa Giêsu nói, “Nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin!”. Bản thân cuộc sống không phải là vấn đề quá lớn; chính con người thiếu đức tin mới là vấn đề lớn! Sự tồn tại không phải lúc nào cũng dễ dàng, đôi khi có thể gây căng thẳng; và chúng ta thường cảm thấy bị tổn thương và sốc trước những gì xảy ra trong cuộc sống của mình hoặc của người khác. Hãy đối mặt với nó ‘lúc này và ở đây’ bằng đức tin và cố gắng sống từng ngày trong niềm tin rằng, Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài. Đức tin sẽ dẫn chúng ta đến với bình an và sự cứu rỗi.
Vậy “Ngày mai, cứ để ngày mai lo!” có nghĩa là gì? Nghĩa là hãy cố gắng sống một cuộc sống công bằng, theo logic của Vương Quốc, với sự tin tưởng, đơn sơ và từ bỏ; đồng thời ra sức tìm kiếm Chúa. Chúa sẽ lo liệu mọi thứ khác. Điều làm chúng ta mệt mỏi thường xuyên là quay trở lại quá khứ và sợ hãi về tương lai; đang khi nếu chỉ sống giây phút hiện tại, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh một cách bí ẩn. “Không, chúng ta sẽ có không quá một đứa con, không! Bởi khi đó chúng ta không thể đi nghỉ, không thể đến đây, không thể mua nhà. Theo Chúa Giêsu thì tốt và ổn nhưng chỉ đến một mức độ nhất định. Sự sung túc ngăn cản chúng ta tiến về phía trước, chúng ta cần có lòng can đảm để theo sát Chúa Giêsu!” – Phanxicô.
Anh Chị em,
“Ngày mai, cứ để ngày mai lo!”. Mỗi chúng ta có ân sủng Chúa để sống mỗi ngày. Và nếu ngày mai tôi phải đối mặt với những tình huống khó khăn hơn, Chúa sẽ gia tăng ân sủng. Ân sủng Chúa được ban cho chúng ta ngay tại thời điểm này – ‘lúc này và ở đây’ – từng ngày một. Sống giây phút hiện tại có nghĩa là chấp nhận những điểm yếu: từ bỏ việc làm lại quá khứ hoặc thống trị tương lai. Những gì tôi phải sống hôm nay là tin yêu phó thác trong vòng tay yêu thương của Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con bị đánh lừa bởi những tưởng tượng về tương lai hay gánh nặng của quá khứ, cho con yêu mến thật nhiều và làm những gì Chúa yêu thích ngay giờ này!’”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
***********************************************************
Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên, Năm Lẻ
Anh em đừng lo lắng về ngày mai.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 6,24-34
24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.
25 “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo lắng cho mạng sống : lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo lắng cho thân thể : lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao ? 26 Hãy xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? 27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay ? 28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào : chúng không làm lụng, không kéo sợi ; 29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết : ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin ! 31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? 32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
KHO TÀNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó!”.
“Trái tim con người được tạo ra cho những hứa hẹn về một kho tàng hạnh phúc, an toàn; cho những niềm vui mà nó mang lại. Nhưng vấn đề là bạn nên giao phó trái tim mình, con người mình cho loại kho tàng nào?” – Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ ra loại ‘kho tàng’ mà bạn và tôi nên “giao phó trái tim và toàn thể con người mình”; đồng thời, Ngài cũng cảnh báo về một loại kho tàng mà chúng ta thường ‘tưởng như kho tàng’ vốn đưa đến hư mất.
Điều mà con người ‘tưởng như kho tàng’ là của cải vật chất vốn đang giằng xé trái tim và lòng dạ nó mỗi ngày. Đó là những gì thuộc về trần gian như của cải, địa vị, quyền lực hay danh vọng. Vậy mà những điều này có thể bị lấy khỏi chúng ta bất cứ lúc nào; và vào lúc chúng ta cần sự giúp đỡ của nó nhất – lìa đời – những ‘của cải’ này sẽ ngoảnh mặt. “Không có chiếc túi nào trong tấm vải liệm!” – Ngạn ngữ Tây Ban Nha; “Đừng bám víu vào những điều chóng qua, kẻo bạn sẽ đánh mất điều vĩnh cửu!” – Gioan Thánh Giá.
Là Kitô hữu, chúng ta có một ‘kho tàng’ duy nhất xứng tầm với trái tim; không bao giờ phản bội hay hư mất, và sẽ cùng chúng ta vượt qua nấm mồ để bước vào mái vòm sự sống vĩnh cửu. Kho tàng đó là Chúa Kitô và tất cả những hành động tốt đẹp chúng ta làm vì Vương Quốc Ngài. Đó là các việc lành phúc đức dành cho tha nhân được làm trong tình yêu Ngài. Hôm nay, ‘Kho Tàng’ ấy lên tiếng, “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó!”.
Chúa Giêsu thúc giục chúng ta đặt niềm tin và sự an toàn của mình vào Ngài và chỉ một mình Ngài. Tuy nhiên, “tích trữ kho tàng trên trời” không chỉ là tích luỹ thật nhiều “việc lành” vì quỹ ‘tín dụng’ này cũng có thể mất rất nhanh khi chúng ta sa ngã hay để ma quỷ lợi dụng. Vấn đề quan trọng là làm sao bạn và tôi ngày càng phát triển thành ‘loại người’ thấm nhuần các giá trị và quan điểm Tin Mừng, nghĩa là, ngày càng nên giống Chúa Kitô. Đó không phải là vấn đề ‘làm’ hơn là vấn đề ‘là’, vấn đề ‘trở thành!’. Bên cạnh đó, bạn xây dựng kho tàng ấy bằng những gì bạn cho đi; đặc biệt, cho đi ‘Giêsu!’.
Anh Chị em,
“Kho tàng của anh ở đâu!”. Vậy kho tàng đích thực bạn và tôi đang vun quén là một ‘kho tàng thực’ hay chỉ là cái ‘tưởng như kho tàng?’. “Nhưng cha ơi, con là người làm việc, có gia đình, đối với con, thực tại quan trọng nhất là duy trì gia đình và công việc của con. Chắc chắn, điều này đúng và nó quan trọng! Nhưng sức mạnh nào đã gắn kết gia đình? Đó thực sự là tình yêu và Đấng gieo tình yêu vào lòng chúng ta – Chúa Kitô – Chính tình yêu của Ngài đã mang lại ý nghĩa cho những công việc nhỏ hằng ngày giúp chúng ta đối mặt với những thử thách lớn. Đây là kho tàng đích thực: tiến bước trong cuộc sống với tình yêu mà Chúa Kitô đã gieo vào lòng chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa!” – Phanxicô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, của cải lớn nhất không nằm trong két sắt, mà trong linh hồn biết yêu – yêu Thiên Chúa và yêu người khác vì Ngài!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
******************************************************
Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên, Năm Lẻ
Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 6,19-23
19 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. 20 Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. 21 Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.
22 “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh tốt, thì toàn thân anh sẽ sáng. 23 Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào !”
HỒNG ÂN THÁNH THỂ – Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
LỄ MÌNH MÁU CHÚA GIÊ-SU
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
(Suy niệm Lễ Mình Máu thánh Chúa)
Sứ điệp: Kết hợp nên một với Chúa Giê-su để được sống đời đời.
***
Sự sống quý hơn mọi báu vật trên đời
Trên cõi đời nầy, không gì quý bằng sự sống. Được sống vui, sống khỏe là mơ ước, là khát vọng mãnh liệt và thâm sâu nhất của con người. Vì thế, khi mắc những chứng bệnh nguy hiểm đe dọa mạng sống, người ta tìm cách chạy chữa với bất cứ giá nào, miễn là được khỏi bệnh và được sống.
Tuy nhiên, cuộc sống con người trên dương gian chỉ như bông hoa sớm nở tối tàn, có thể tan biến bất cứ lúc nào như sương, như khói…
Vì thế, ai cũng muốn sống lâu và tìm cách kéo dài tuổi thọ. Tuy vậy, con người không thể thắng được sự chết và sớm muộn gì cái chết cũng đến cướp đi sự sống của từng người trên dương gian.
Thiên Chúa thông ban sự sống đời đời
Thiên Chúa là Cha của mọi người và Ngài hết lòng yêu thương họ. Ngài cũng là chủ của sự sống, là cội nguồn thông ban sự sống cho muôn vật, muôn loài.
Ngoài việc thông ban cho loài người sự sống đời nầy, Thiên Chúa còn muốn ban sự sống vĩnh cửu của chính Ngài cho con người, để họ được sống đời đời với Ngài, để họ được hạnh phúc vĩnh cửu như Ngài
Nhưng làm sao thực hiện được điều tuyệt vời nầy?
Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho.
Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giê-su.
Để thực hiện điều nầy, Chúa Giê-su lập nên bí tích Thánh thể, hiến ban Thịt và Máu Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài cách xứng đáng, thì được hòa nhập nên một với Ngài như giọt nước hòa trong chén rượu, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).
Và những ai “ở lại trong Chúa Giê-su và có Chúa Giê-su ở lại với mình”, thì người đó là một với Chúa Giê-su và tất nhiên Sự Sống của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho người ấy.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.
Đức Giê-su khẳng định điều nầy khi nói rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…” (Ga 6, 54).
Thế là thông qua việc tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giê-su khi rước lễ, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu”[1] với Chúa Giê-su và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho họ. Họ sẽ được sống đời đời với Chúa! Hạnh phúc biết bao!
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con cơ hội để hiệp thông nên một với Chúa, hòa tan trong Chúa như giọt nước hòa trong chén rượu và nhờ đó Sự Sống đời đời của Chúa được thông truyền cho chúng con.
Xin cho chúng con sốt sắng tham dự Thánh lễ hằng ngày để đón nhận hồng phúc vô cùng cao quý nầy.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
PHÚC ÂM: Lc 9, 11b-17 năm C
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa”. Nhưng Người nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Các ông trả lời: “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này”. Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: “Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người”. Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.
[1] Trích từ bài giảng của thánh Lê-ô cả Giáo hoang
From: ngocnga_12 & NguyenNThu
THẦN LƯƠNG – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Vào năm 1263, tại nhà thờ thánh Catherine, thành Bolsène nước Ý, có một linh mục trong khi dâng lễ, sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa. Xảy ra là Máu Thánh chảy ướt khăn thánh và khăn bàn thờ. Đức Giáo Hoàng nghe tin và đã rước khăn thánh về để tạm tại nhà thờ Orviette. Sau đó, xây nhà thờ để thờ kính Máu Chúa nơi Khăn Thánh này. Ngày 8 tháng 9, 1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô IV (1262-1268) đã ban hành tự sắc Transiturus, lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô và cử hành sau tuần 8 ngày của lễ Chúa Thánh Thần. Thánh Tôma Aquinô đã sáng tác bài Pange Lingua và Adoro Te để tôn kính Mình Máu Thánh Chúa.
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ muôn loài và quan phòng mọi sự một cách lạ lùng. Mọi thụ tạo trong hoàn vũ đều thay đổi mỗi giây phút. Các loài có sự sống từ thực vật, động vật đến sinh vật đều theo một tiến trình phát triển, có sinh và có tử. Trong mọi loài Chúa đã dựng nên, được phát triển và nẩy nở theo thời gian năm tháng tùy theo mỗi loại. Nơi mọi loài có sự sống, đều phải hấp thụ dưỡng chất qua môi trường chung quanh để sinh tồn. Có nghĩa mọi loài hiện hữu cần có ăn uống, hấp thụ, tiêu hóa, đào thải, phát triển, già nua và tiêu diệt. Ăn uống là nhu cầu cần thiết để sống và sinh tồn. Ngày xưa dân Do-thái lữ hành trong sa mạc trên đường về miền Đất Hứa, Thiên Chúa đã nuôi dân bằng Manna, thịt chim cút và nước nguồn. Chúa đã nuôi dân suốt thời gian: Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng Manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới (Đnl 8, 16a). Manna lương thực nuôi dưỡng hằng ngày là hình ảnh của bánh trường sinh.
Khi ra rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Cả bốn phúc âm đều kể lại sự kiện biến hóa năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ. Chúa Giêsu đã cầm bánh và cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn và bẻ ra trao cho các tông đồ và các tông đồ trao cho hơn năm ngàn người ăn no nê và còn dư thừa. Chúa rộng ban một cách dồi dào dư giả. Chúa Giêsu nhận biết các nhu cầu cả tâm linh lẫn thể xác của những người đang đi theo Chúa. Chúa Giêsu đã dậy dỗ họ và đã nuôi dưỡng họ. Nhưng chúng ta biết Chúa đến trần gian không nhằm đáp ứng mọi nhu cầu đòi hỏi về thân xác của con người. Chúa làm phép lạ để minh chứng về sứ mệnh cứu độ của Chúa và để chuẩn bị tinh thần họ đón nhận của ăn cao quí hơn. Đó chính là của ăn nuôi hồn và là thần lương tinh tuyền. Chúa muốn dùng chính thân mình Ngài làm của ăn ban sự sống đời đời.
Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly, trước khi Ngài chịu chết. Như đã hứa, Chúa Giêsu đã chọn bánh miến và rượu nho làm của ăn nuôi hồn. Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể: Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, trao cho các môn đệ và nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được ơn tha tội. Và truyền: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Khi Chúa nói: Đây là Mình Thầy và đây là Máu Thầy, thì bản thể của bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúng ta hiểu Chúa Giêsu nói: Đây là Mình Thầy, chứ không phải là dấu chỉ của Mình Thầy.
Chúng ta có thể nhận biết hình dáng bên ngoài của bánh và rượu như mầu sắc, mùi vị, hình thù và kích cỡ. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta không thể nhìn thấy Chúa Kitô với con mắt trần. Chúng ta chỉ có thể nhìn với con mắt đức tin. Chúng ta tin rằng Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bánh rượu, bởi vì Chúa đã sống lại và không còn chết nữa (Rm 6, 9). Với quyền năng vô biên, Chúa đã biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúng ta học biết chính Chúa đã tạo dựng vũ trụ muôn loài từ hư vô. Chúa hóa bánh nuôi năm ngàn người. Chúa biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana. Chúa cho kẻ chết sống lại. Chúa đã làm rất nhiều phép lạ để chứng minh quyền năng vô biên. Bí tích Thánh Thể là sự lạ vượt trên tầm trí hiểu của con người. Đây là mầu nhiệm của đức tin.
Chúng ta có thực sự tin Chúa Giêsu ngự thật trong Bí tích Thánh Thể không? Chúng ta có tin bánh và rượu thực sự trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô sau khi linh mục đọc công thức truyền phép trong thánh lễ không? Trong cuộc thăm dò ý kiến (Gallup poll) mới đây về thái độ của một số người Công giáo về Bí tích Thánh Thể. Kết qủa làm cho nhiều người Công giáo bị lo lắng xôn sao về một trong những niềm tin căn bản nhất của Giáo Hội. Nói rằng chỉ có 30 phần trăm những người được hỏi ý kiến, tin là họ đã lãnh nhận Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu Kitô dưới hình bánh và rượu trong khi rước lễ.
Trải qua truyền thống của hai ngàn năm, lời Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội luôn dậy rằng Bí tích Thánh Thể chính là Mình và Máu của Giêsu Kitô, không còn là bánh và rượu bình thường. Phúc âm thánh Gioan chương 6 đã nêu rõ: Bấy giờ, Chúa Giêsu nói với họ: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Người, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi (Ga 6, 53). Chúa Giêsu nhấn mạnh về Thịt và Máu, chứ không phải chỉ là biểu tượng. Vì có một số môn đệ nghe lời Chúa nói về ăn thịt và uống máu Ngài, họ đã không thể chấp nhận và đã bỏ đi. Chúa Giêsu không kêu gọi các ông trở lại để giải thích rằng Ngài chỉ có ý nói một cách biểu trưng. Chúa Giêsu xác tín lời thật: Ai ăn thịt và uống Máu Ta, thì có sự sống đời đời và Ta, ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết (Ga 6, 54).
Thời kỳ Giáo Hội sơ khai đã khắc cốt ghi tâm những lời truyền này một cách rất cẩn thận. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu thành Corintô đã làm rất sáng tỏ: Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa (1Cor 11, 27). Phaolô đã tin nhận bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô thực sự. Giáo Hội luôn luôn dạy rằng qua lời truyền phép của linh mục trong Kinh Nguyện Thánh Thể, bánh và rượu đã được biến đổi bản thể. Mặc dầu hình dạng bề ngoài vẫn là bánh và rượu, nhưng bởi quyền năng của Chúa, bánh rượu đã trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Làm sao chúng ta có thể hiểu biết điều này? Đòi hỏi niềm tin. Sau khi truyền phép, linh mục nâng Mình Máu Chúa và tuyên xưng: Đây là mầu nhiệm đức tin. Là mầu nhiệm, giống như tình yêu, chúng ta không bao giờ hiểu thấu hoàn toàn. Tất cả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thần tính của Chúa Giêsu, sự Chết và Sống lại của Chúa Kitô đều là những mầu nhiệm.
Nhận lãnh Bí tích Thánh Thể, chúng được thông hiệp với Chúa và với nhau: Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông hiệp vào Mình Chúa đó sao? (1Cor 10, 16b). Thánh Thể liên kết chúng ta nên một. Thánh Phaolô diễn tả rất rõ: Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh (1Cor 10, 17). Chúa Giêsu đã dùng của ăn cụ thể nuôi thân xác để biến đổi trở thành của ăn nuôi hồn. Chúa hiện diện với đoàn con cái mọi nơi và mọi lúc qua Bí tích Thánh Thể trong Nhà Tạm.
Lạy Chúa, với quyền năng vô biên, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng bánh hằng sống. Xin cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để lãnh nhận của ăn thiêng liêng và hồng phúc này. Xin cho chúng con đáng hưởng phần gia nghiệp Chúa hứa ban: Ai ăn thịt và uống Máu Ta, thì có sự sống đời đời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
From:Langthangchieutim
Nguyễn Thị Mỹ Lynn, một tân tòng có đức tin tuyệt vời – Phùng Văn Phụng
Phùng Văn Phụng
Trước hết con – đại diện của nhóm đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót – xin chia buồn cùng anh Tâm, chị Liên, cháu Mẫn cùng toàn thể quý tang quyến.
Cách nay 4 năm, Lynn đến với đạo Chúa vào tháng 09 năm 2021 sau khi đã phát giác ra bịnh ung thư và đã được rửa tội vào mùa phục sinh năm 2022.
Trong lớp Tân tòng niên khóa 2021-2022 có tất cả 29 người ghi tên tham dự khóa học đạo trong vòng 9 tháng.
Đặc biệt có ba má Lynn và hai đứa con của Lynn cũng đã theo học đạo trong lớp tân tòng trên. Lynn cũng là thành viên của nhóm đọc kinh “Cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót” ở Houston, Texas.
Năm nay Lynn đã được 43 tuổi.
Mặc dầu Lynn mới theo đạo nhưng Lynn hoàn toàn phó thác và tin tưởng vào Chúa. Một trường hợp rất đặc biệt với niềm tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu.
*****
Đây là bức thơ của Lynn viết trước khi mất, (Lynn mất ngày 06-06-2025) để gởi cho tất cả những người thân yêu, đã đăng trong Facebook của Lynn như sau:
Lynh (Lynn) Nguyen is with Karen Tu Le and 18 others.
Hello tất cả mọi người, là Lynn đây…
Mình biết trong lòng mọi người Lynn rất là dễ thương, hiền lành, hòa đồng luôn luôn quan tâm đến mọi người xung quanh…
Lynn cảm ơn rất nhiều đến mọi người đặc biệt là gia đình Lynn 7 năm nay đã bỏ thời gian thăm Lynn, bên cạnh Lynn, động viên và cầu nguyện cho Lynn…
Trên thiên đàng, bận quá Lynn phải về phụ… Chúa đã gọi Lynn về với vòng tay ấm áp yêu thương của Chúa.
Mọi người ở lại giữ gìn sức khỏe nhen, Lynn đi lên thiên đàng đây…
Ý quên, trên thiên đàng Lynn sẽ cầu nguyện, phù hộ cho mọi người ở lại bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống trần gian…vậy nha!!!!
Lynn Cười nè
Bye tất cả mọi người!!!!!
Hình ảnh của Lynn (Lynh) rất lạc quan yêu đời (từ facebook của Lynn)
Kết:
Lynn Cười nè
Bye tất cả mọi người!!!!!
Hai câu nói trên đã biểu lộ niềm vui, hạnh phúc được về với Chúa yêu thương. “Lynn cười nè” chứng tỏ rằng Lynn đã cảm nghiệm sâu sắc câu nói: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” của thánh Phanxicô Assisi.
Tôi rất thán phục và quý mến tinh thần lạc quan của Lynn, đã chịu đựng những đau đớn về thể xác trong thời gian điều trị bịnh ung thư suốt thời gian dài khoảng 7 năm qua.
Lynn nói, có lúc Lynn không thấy đường vì bị ảnh hưởng của bịnh ung thư làm mờ mắt.
Chỉ vài dòng ngắn gọn trên của Lynn, tôi đã thấy Lynn có niềm tin mãnh liệt vào lòng nhân từ, lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa tình yêu.
Hy vọng Chúa đã đón linh hồn Faustina Lynn về nước thiên đàng vĩnh cửu của Chúa rồi.
Tuy nhiên, bổn phận của chúng ta là vẫn tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn Faustina Lynn.
Trong niềm an ủi và hy vọng của Chúa phục sinh, kẻ đi trước người đi sau, rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau trong ngày sau hết.
Phùng Văn Phụng
Ngày 18 tháng 06 năm 2025
Năm Điều răn của Hội thánh là điều nào? – Cha Vương
CON CỦA CHA – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Lạy Cha chúng con!”.
“Có hai điều không có số học để tính, không có thước mực để đo: một là mức độ mất mát của Thiên Chúa; hai là trương độ ân tứ của Ngài. Tội lỗi phải thực sự ‘vượt quá’ chính nó, khi Thiên Chúa buộc phải ban Con Một để kết thân với tội nhân; và bấy giờ, tội nhân được trở nên con cái Ngài!” – J.C. Ryle.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gợi lại nền tảng đức tin J.C. Ryle nhắc đến qua Kinh Lạy Cha. Với lời kinh này, Ngài dạy chúng ta cầu nguyện với tư cách ‘con của Cha’; trong đó, mọi khát khao và mọi biểu hiện của đức tin tỏ lộ.
Không bắt đầu bằng một khấn xin, nó bắt đầu bằng việc thừa nhận danh tính của mỗi người là ‘con của Cha’. Đây là nền tảng then chốt để “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu” được thưa lên đúng cách. Nó cũng tiết lộ cách tiếp cận căn bản mà chúng ta thực hiện trong mọi lời cầu nguyện của toàn bộ đời sống Kitô hữu. Nó bắt đầu rằng, “Lạy Cha chúng con!”. Hãy xem những gì nó chứa đựng ngay ở câu mở đầu!
Trong Thánh Lễ, Linh mục mời mọi người cầu nguyện thế này, “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng”. Sự “dám nguyện” táo bạo này đến từ một hiểu biết căn bản rằng, Thiên Chúa là Cha chúng ta. Mỗi Kitô hữu nhận thức Ngài là Cha với sự tự tin của một đứa trẻ. Mọi đứa trẻ tin cha mẹ chúng yêu chúng, cả khi chúng có tội. Đây là khởi điểm then chốt cho mọi lời cầu. Chúng ta phải bắt đầu với ý thức Chúa yêu tôi, bất kể điều gì xảy ra, bất kể tôi thế nào! Với hiểu biết này, chúng ta – ‘con của Cha’ – sẽ có tất cả tự tin cần thiết để kêu cầu Ngài.
Việc gọi Thiên Chúa là “Cha” thể hiện mối quan hệ được thiết lập trong bửu huyết Chúa Kitô. Đây là món quà mà không ai tự sức, hoặc tự mình có được; nghĩa là không ai có quyền gọi Chúa là Cha nếu không có Chúa Kitô. Hơn thế nữa, khi thưa “Cha chúng con”, chúng ta thừa nhận mỗi chúng ta là con của Chúa, thuộc về một gia đình lớn, và chúng ta, là anh chị em với nhau. Không có chỗ cho sự từ chối, thù hận, định kiến hay khinh miệt dưới bất kỳ hình thức nào dựa trên chủng tộc, quốc tịch, màu da, giới tính, khuynh hướng tình dục, giai cấp xã hội, tôn giáo hay bất kỳ điều gì khác. Nếu tôi không sẵn sàng đón nhận mọi người là anh chị em, tôi sẽ ‘gặp vấn đề’ ngay khi bắt đầu đọc lời cầu này.
Anh Chị em,
“Lạy Cha chúng con!”. Như vậy, chúng ta chỉ có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” trong chừng mực chúng ta ‘nên một’ với Chúa Kitô; đồng thời, trong chừng mực chúng ta ‘nên một’ với anh chị em mình. Trong Chúa Kitô, tất cả chúng ta là ‘con của Cha’. Ở đây, chủ nghĩa cá nhân bị bỏ lại; thay vào đó là hiệp nhất huynh đệ. Vì thế, mỗi ngày, đọc Kinh Lạy Cha, đặc biệt trong Thánh Lễ, chúng ta không chỉ kết nối sâu sắc với nhau, nhưng còn cùng nhau thờ phượng Cha mình; cùng lúc, nên một với nhau trong Chúa Kitô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, khi thưa “Lạy Cha”, đừng để con quên “chúng con”. Dạy con luôn mang theo anh chị em con trong tim – người gần nhất và xa nhất – khi con đứng trước Chúa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*********************************************
Thứ Năm Tuần XI Thường Niên, Năm Lẻ
Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 6,7-15
7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :
‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ;
12xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con ;
13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’
14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
VUI DÂNG HIẾN- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương!”.
“Hãy dâng hiến những gì bạn có, và bạn sẽ khám phá mình có nhiều hơn tưởng tượng!” – Oprah Winfrey.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay nói đến việc ‘vui dâng hiến’: dâng cho Chúa, dâng cho người; và bạn sẽ khám phá mình có nhiều hơn tưởng tượng. Thư Côrintô nói, “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương!”.
‘Vui dâng hiến’ hoàn toàn khác ‘dâng miễn cưỡng!’. Vậy điều gì khiến một người có thể vui lòng dâng hiến? Đó là tâm tình biết ơn! Trước hết, mỗi người biết ơn Đấng đã làm nên ‘những gì tôi có, những gì tôi là’. Trong niềm ‘biết ơn kép’ đó, chúng ta sống trong niềm kính sợ, tri ân và cảm tạ. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa!”.
Bên cạnh đó, kẻ ‘vui dâng hiến’ còn có một cảm giác biết ơn sâu sắc và tế nhị hơn. Đó là biết ơn ‘những người chúng ta giúp đỡ!’. Thật sao? Đúng vậy, sự hiện diện của họ là một phúc lành cho chúng ta. Đó là những con người mà tình yêu của họ đã chạm đến cuộc đời chúng ta; những người chúng ta quen biết, hoặc không quen biết; còn sống hay đã qua đời. Tắt một lời, ‘người nghèo là ân nhân của tôi’. Phaolô thật thâm trầm, “Cho thì có phúc hơn là nhận!”. “Cho đi cái bạn yêu thương, và nó sẽ trở lại với bạn gấp bội!” – Rumi. Vì thế, những người sống cho người khác ý thức họ chỉ là dụng cụ trong tay Chúa – hay khá hơn – những tôi bộc, quản lý của Ngài.
Tin Mừng nói đến việc ‘vui dâng hiến’ khi cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ. Ba lần, Chúa Giêsu nói, “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”. Chúa thường thấy những gì con người không thấy. Chúa Giêsu từng thấy sự hào hiệp của một bà goá; Ngài nghe hai đồng xu rơi leng keng vào hòm tiền; Ngài đọc được sự rộng lượng phi thường của cô khi cô dám ‘vui dâng hiến’ tất cả những gì mình có để nuôi thân. Ngài cũng ‘tự mời mình’ đến nhà Zakêu vì nhận ra rằng, ở con người này, có nhiều điều tốt lành hơn cả ‘tiếng tăm’ của ông; Zakêu sẽ đứng lên tuyên bố những gì ông sẽ ‘vui dâng hiến’. Và Ngài sẽ nói với ông và các thực khách rằng, Thiên Chúa sẽ ‘vui dâng hiến’ nhiều hơn – ơn cứu độ – “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ!”.
Anh Chị em,
“Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương!”. Ai ‘vui dâng hiến’ bằng Thiên Chúa! Ngài âm thầm cho hạt nảy mầm để muôn cánh rừng bát ngát xanh tươi; cho chim chóc bay lượn; cho con người sự sống. Và nhất là Ngài ‘vui dâng hiến’ cho thế gian Con Một yêu dấu. Mỗi ngày, trên các bàn thờ, Thiên Chúa tiếp tục vui dâng để nuôi sống và mời gọi chúng ta tiếp tục tặng trao như Ngài. Vào ngày giã biệt cuộc đời, bạn và tôi sẽ nghiệm ra rằng, “Tất cả những gì mang theo là những gì chúng ta đã dâng hiến”, mọi thứ khác chỉ là phù phiếm! Vì thế, những hành vi âm thầm trong sạch của chúng ta, những gì không bao giờ được thế giới công nhận, hoặc được nhìn nhận và đánh giá cao… một ngày kia, sẽ được đền đáp hậu hĩ trên thiên đàng.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, biết cho đi, con sẽ không còn thấy mình thiếu thốn điều gì; cho đi không phải là mất mát, mà là thể hiện sức mạnh của bản thân!” Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**********************************************
Thứ Tư Tuần XI Thường Niên, Năm Lẻ
Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 6,1-6.16-18
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
“Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16 “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, phải rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
Người lãnh bí tích Thêm sức được hưởng những gì?- Cha Vương
LỜI NGUYỆN XIN TĨNH LẶNG – Rev. Ron Rolheiser, OMI
Rev. Ron Rolheiser, OMI
Hãy làm thinh và biết Ta là Đức Chúa.
Kinh thánh quả quyết với chúng rằng nếu chúng ta làm thinh thì sẽ biết Chúa, nhưng có được sự lặng yên thì nói dễ hơn làm. Như Blaise Pascal từng nói, “Mọi khốn khổ của con người là do chẳng ai có thể ngồi yên trong một tiếng đồng hồ.” Đạt được sự tĩnh lặng có vẻ là việc quá tầm chúng ta, và như thế chúng ta gặp một song đề: chúng ta cần tĩnh lặng để tìm Chúa, nhưng cần Chúa giúp để tìm sự tĩnh lặng. Nghĩ như thế, tôi xin đưa gởi gắm các bạn một lời nguyện xin sự tĩnh lặng.
Lạy Thiên Chúa của tĩnh lặng…
Xin làm tĩnh lặng những bồn chồn tuổi trẻ của con, tĩnh lặng cơn đói khát cứ ập vào con, cơn đói khát muốn nối kết với mọi người, muốn thấy và thưởng nếm mọi thứ, cơn đói khát khiến con mất bình an những buổi tối cuối tuần. Xin tĩnh lặng những giấc mơ tự đại muốn mình nổi bật với người khác. Xin cho con ơn sống hài lòng hơn với bản thân con.
Xin tĩnh lặng cơn bồn chồn khiến con thấy mình quá nhỏ bé. Xin cho con biết rằng đời con là đủ, và con không cần đòi hỏi về mình, dù cho cả thế giới đang cố lôi kéo con làm thế với vô vàn những hình ảnh tiếng động khắp nơi. Xin cho con ơn sống bình an trong cuộc đời mình.
Xin làm tĩnh lặng tính dục của con, chỉnh đốn những khao khát bừa bãi, dục vọng của con, nhu cầu không ngơi muốn được thân mật hơn nữa của con. Xin tĩnh lặng và chỉnh đốn những dục vọng trần tục của con mà không cần phải xóa bỏ chúng đi. Xin cho con biết nhìn người khác mà không phải với con mắt tình dục ích kỷ.
Xin tĩnh lặng những lo âu, trăn trở của con và đừng để con lúc nào cũng sống ngoài giây phút hiện tại. Xin cho con biết ngày nào có mối lo của ngày ấy. Xin cho con ơn biết rằng Chúa đã gọi con trong yêu thương, viết sẵn tên con trên thiên đàng, và con được tự do sống mà không cần lo lắng.
Xin tĩnh lặng nhu cầu muốn bận rộn luôn mãi của con, muốn kiếm việc gì đó để làm, muốn lên kế hoạch cho ngày mai, muốn hoạt động mọi phút giây, muốn tìm cái gì đó để lấp đầy khoảng thinh lặng. Xin cho con biết thêm tuổi thêm khôn ngoan. Xin làm nguôi đi những cơn giận âm ỉ vô thức của con vì thấy quá nhiều mong muốn của mình chưa thành sự. Xin tĩnh lặng sự chua cay vì thất bại của con. Xin giữ con khỏi ghen tương khi con cay đắng chấp nhận những giới hạn của cuộc sống mình. Xin cho con ơn chấp nhận những thất bại và hoàn cảnh của mình.
Xin tĩnh lặng nỗi sợ chính mình, nỗi sợ trước những thế lực tăm tối đang đe dọa con trong vô thức. Xin cho con can đảm để đối diện với bóng tối cũng như ánh sáng của chính mình. Xin cho con ơn đừng sợ sự phức tạp của mình.
Xin tĩnh lặng nỗi sợ bẩm tại của con là sợ mình không được yêu thương, sợ con không xứng đáng để yêu. Xin làm tĩnh lặng sự hoài nghi dằn vặt rằng con luôn là kẻ ngoài cuộc, rằng cuộc sống thật bất công, rằng con không được tôn trọng và thừa nhận. Xin cho con ơn biết rằng con là con yêu dấu của Chúa, Đấng yêu thương con vô điều kiện.
Xin tĩnh lặng trong con nỗi sợ vô cớ đối với Chúa, để con đừng thấy Chúa xa cách và đáng sợ, mà thay vào đó là nhìn thấy Chúa nồng ấm và thân thiện. Xin cho con ơn liên kết với Chúa thật hồn nhiên, như một người bạn mà con có thể chuyện trò, đùa giỡn, vui vẻ và thân thiết.
Xin tĩnh lặng trong con những suy nghĩ bất dung, về những giận hờn từ quá khứ, những bội bạc, lăng mạ mà con phải chịu. Xin tĩnh lặng trong con những tội mà chính con đã phạm. Xin tĩnh lặng trong con những tổn thương, cay đắng và giận hờn. Xin cho con sự tĩnh lặng từ sự tha thứ, từ con và cho con.
Xin tĩnh lặng những nghi ngờ, lo lắng về sự hiện diện của Chúa, về lòng trung tín của Chúa. Xin tĩnh lặng trong con xung lực muốn để lại dấu ấn, muốn tạo nên gì đó bất tử cho bản thân mình. Xin cho con ơn biết tin tưởng, ngay cả trong tối tăm và nghi hoặc, rằng chính Chúa sẽ cho con sự sống đời đời.
Xin tĩnh lặng tâm hồn con để con biết Chúa là Thiên Chúa, và cho con biết Chúa đã tạo dựng và gìn giữ mọi hơi thở của con, rằng Chúa yêu thương con cũng như hết thảy mọi người, rằng Chúa muốn cuộc sống chúng con bừng nở, Chúa muốn chúng con hạnh phúc, Chúa yêu thương và chăm lo hết mọi người, rằng chúng con sẽ được an bình trong bàn tay nhân từ của Chúa, ở đời này và đời sau. Amen!
Rev. Ron Rolheiser, OMI
From Langthangchieutim