Việc an táng Kitô hữu có đặc điểm gì?-Cha Vương

Nếu không có đường thì kẹo cũng là thứ bỏ đi. Nếu không có cà phê, thứ 6 sẽ chẳng còn tinh thần. Nếu không Chúa cuộc đời sẽ tàn úa. Nếu không nhận được tin nhắn hôm nay, bạn cũng thiếu thiếu gì đó… 🙂 Ngày thứ 6 bình yên vui zẻ nhé!

Cha Vương

♪ Mời bạn nghe bài nhạc của Cha Thức địa phận  nhà—Galveston-Houston, cây nhà lá vườn. Hoan hô cha Thức!

Thứ 6: 19/04/2024

GIÁO LÝ: Việc an táng Kitô hữu có đặc điểm gì? An táng Kitô hữu là việc được cộng đoàn Công giáo thực hiện để cầu cho người quá cố được ơn phúc. Lễ nghi an táng bày tỏ nỗi đau buồn của thân nhân người đã qua đời, tuy nhiên, qua lễ nghi, Hội thánh muốn làm nổi bật đặc tính Vượt qua để phục sinh của cái chết Kitô giáo. Chúng ta chết trong Chúa Kitô để có thể cử hành lễ Phục sinh với Người. (YouCat, số 278)

SUY NIỆM: Nhờ cái chết mà ta không xa lìa nhau, vì ta đều đi cùng một đường, và ta sẽ lại gặp nhau tất cả ở cùng một nơi. (Thánh Symêon người Thessalônica, 1429 nhà thần học). Khi tôn kính thi hài người qua đời, là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh tuyên xưng niềm tin vào sự sống vĩnh cửu, qua việc đọc kinh cầu nguyện từ khi hấp hối, tắt thở đến khi chôn cất. Với ý nghĩa đó, việc cầu nguyện cho người quá cố được diễn ra theo từng giai đoạn: canh thức tại nhà tang, lúc nhập quan, chuyển linh cữu đến nhà thờ, Thánh lễ an táng, và nơi phần mộ.

❦ Tại nhà tang: người thân và cộng đoàn tập họp lại để nghe Lời Chúa, như những lời an ủi và khơi lên niềm hy vọng sống lại. Việc đọc Lời Chúa vừa là việc công bố mầu nhiệm phục sinh, khơi lên niềm hy vọng sẽ gặp nhau trong Nước Thiên Chúa, vừa hướng lòng người tín hữu tưởng nhớ đến người quá cố, và thúc đẩy họ trở nên nhân chứng trong đời sống Kitô hữu.

❦  Tại Nhà Thờ: Linh mục cử hành Thánh lễ, với tư cách là người giáo dục đức tin và là thừa tác viên an ủi. Ngài phó dâng người quá cố cho Chúa, khơi lên niềm hy vọng nơi người hiện diện, hun đúc niềm tin của cộng đoàn vào mầu nhiệm chết và phục sinh.

❦  Tại Đất thánh: là nơi thân xác người tín hữu được chôn cất để chờ ngày phục sinh. Hội Thánh cho phép hoả thiêu, nhưng không được rải tro cốt xuống biển, xuống đất hay trong không khí, mà đặt ở Đất thánh, nhà hài cốt hoặc ở một nơi xứng hợp, để chờ ngày phục sinh.

❦  Ngoài Thánh lễ, Nghi thức an táng cử hành tại nhà thờ có thể do phó tế chủ sự. Giáo dân được khuyến khích chủ sự các nghi thức tại nhà tang và nghĩa địa.

LẮNG NGHE: Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. (Rm 5:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, Chúa đã chết để cho con được sống, xin tăng thêm niềm tin và hy vọng vào mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Vực Sâu.

From: Do Dzung

Có Chúa Đời Không Úa – Sáng Tác: Mido – Lm. Thao Thức

LỐC THÁNH THẦN-(Lm. Minh Anh, Tgp Huế)

(Lm. Minh Anh, Tgp Huế)

“Saun, Saun, sao ngươi bắt bớ Ta?”.

Trong một bữa tiệc, Mark Twain ngồi đối diện với một mệnh phụ xinh đẹp nhưng xem ra khá kênh kiệu. Ông nói, “Cô thật xinh!”. Phụ nữ ấy không hề cảm kích mà còn khích nộ, “Rất tiếc, không cách nào để tôi có một lời khen tương tự dành cho ông!”. Mark Twain bình thản, “Không sao cả, cô có thể nói một điều gì đó ‘hơi dối’ như tôi vậy!”. Nghe xong, cô ấy xấu hổ, cúi mặt và nói lí nhí, “Tôi, một con người cao ngạo, thành thật xin lỗi ông!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu hai tuần qua, chúng ta mục kích những hoạt động của Thánh Thần trên các tông đồ, những con người ‘được ru hời’ khi họ để mình ‘cuốn theo chiều gió’ Thánh Linh, thì trình thuật Phaolô – “một con người cao ngạo” – bị quật ngã và trỗi dậy hôm nay là một cái gì khốc liệt hơn, chớp nhoáng hơn và mạnh mẽ hơn. Nó được gọi là ‘lốc Thánh Thần!’.

“Saun, Saun, sao ngươi bắt bớ Ta?”, tiếng sấm từ trời ấy đã hỏi một con người nửa tỉnh nửa mê đang ngã quỵ; một người ‘cuồng nhiệt’ mang dáng dấp một kẻ ‘cuồng tín!’. Saun đâu biết, nhiệt thành với điều thánh thiêng không luôn đồng nghĩa với một con tim rộng mở trước Thiên Chúa. Saun gục ngã; nhưng may thay, lốc dịu lại và gió Thánh Thần lại nâng ông lên. Dẫu sợ hãi, nhưng tâm hồn Saun bắt đầu mở ra để ân sủng được ban xuống cho một phẩm giá được phục hồi. Vậy mà, tất cả những điều ấy chỉ xảy ra ngang qua sự khiêm nhường của một con người đã từng cao ngạo cuồng tín đáng thương.

Hành trình của Saun là hành trình của một người dám để Chúa biến đổi trái tim mình. Tiếng sấm từ trời không chỉ tra vấn Saun, nhưng còn mời ông “Đứng lên!”. Đứng dậy, Saun biết mình đã mù, ông đưa tay cho người ta dắt. Từ đó, tim ông mở ra và Thánh Thần đã biến Saun thành một “Phaolô” khiêm hạ. Cũng từ đó, Phaolô thi hành sứ mệnh mới, “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Phaolô không còn là mình, nhưng đã nên một với Chúa Kitô, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi!”. Tin Mừng hôm nay nói đến việc nên một – ở lại trong Chúa Kitô – nhờ việc rước Mình Máu Ngài, “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy!”. Chớ gì ‘lốc Thánh Thần’ không chỉ thổi tróc những cao ngạo của bạn và tôi nhưng còn ‘lôi kéo’ chúng ta đến với Thánh Thể hầu có thể nên một với Chúa Kitô mỗi ngày!

Anh Chị em,

“Sao ngươi bắt bớ Ta?”. Một khi mời gọi ai, Thiên Chúa luôn luôn tra vấn người ấy. Và Ngài cho phép xảy ra những gì cần thiết vốn chỉ nhằm giúp người ấy trở nên khiêm tốn để có thể mở rộng con tim cho Ngài. Thế nhưng, chúng ta đừng quên, nhân vật chính ở các câu chuyện của những con người được ‘lốc Thánh Thần’ không phải là các “đương sự” nhưng là Chúa Thánh Thần. Nhân vật chính trong Giáo Hội là Thánh Thần; chủ thể của các câu chuyện trong Tông Đồ Công Vụ là Thánh Thần. Ngài không ngừng hà hơi và nếu cần, tạo nên những cơn lốc. Có thể đó là việc quật ngã sự nhiệt thành cuồng tín hay một ý chí lệch lạc; cũng có thể là đánh sập một sự cao ngạo hay tự phụ nơi một ai đó. Tất cả như để dọn đường cho những kế sách Ngài đang hoạch định.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, cứ thổi tróc cao ngạo của con, nhưng đừng quên nâng con lên, cho con được ru hời hầu có thể trở nên con người Chúa muốn con trở thành!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp Huế)

From: KimBang Nguyen


 

ĐƯỢC LÔI KÉO – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy!”.

“Lo lắng là lãng phí thời gian hôm nay, xáo trộn các cơ hội của ngày mai với những rắc rối của ngày hôm qua! Đang khi điều đáng lo nhất là lúc bạn nghĩ rằng, tự sức bạn, bạn làm được mọi sự! Bạn quên Thiên Chúa là Đấng trợ giúp bạn. Bạn luôn ‘được lôi kéo’ về phía Ngài!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn luôn ‘được lôi kéo’ về phía Ngài!”. Đó là một nguyên tắc tuyệt vời trong đời sống thiêng liêng mà Tin Mừng hôm nay tiết lộ. Từng từ một, Chúa Giêsu xác định rất rõ, “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy!”.

“Chẳng ai đến được với tôi” nghĩa là chẳng ai tự sức mình có thể sống đức tin, lớn lên trong đức tin vào Chúa Kitô! Vì thế, Thiên Chúa luôn đi bước trước; Ngài không ngừng vươn tới, không ngừng nói, không ngừng cuốn hút và khơi lên cơn khát tâm linh trong trái tim mỗi người. Phần chúng ta, không phải thụ động chờ Chúa ra tay, nhưng luôn tỉnh thức, lắng nghe và đáp lại Ngài. Vì vậy, bạn và tôi cần hoà mình vào lời ‘tán tỉnh’ nhẹ nhàng và tiếng thầm thì của Thánh Thần. Điều này thường xảy ra dưới hình thức ân sủng, vốn tinh tế, thúc giục, gọi mời những ai biết mình được Chúa Cha lôi kéo.

Trong một thế giới bận rộn vốn tài tình trong việc khiến chúng ta “lãng phí thời gian hôm nay, xáo trộn các cơ hội của ngày mai với những rắc rối của ngày hôm qua”, chúng ta phân tâm! Tiếng thì thầm của Thiên Chúa lại hoàn toàn khác. Chúng chỉ được lắng nghe qua im ắng nội tâm, dẫu không cần ai đó phải ở trong một tu viện. Chỉ cần bền bỉ cầu nguyện và hình thành thói quen hướng về Chúa mọi lúc, bạn sẽ cảm nhận ân phúc này. Và điều đó sẽ đạt được khi mỗi người biết làm đi làm lại thói quen tốt lành này!

Câu chuyện viên thái giám của nữ hoàng Êthióp là một ví dụ – bài đọc một. Thần Khí nói với Philipphê, “Tiến lên, đuổi kịp xe đó!”. Philipphê tiến lên, được mời lên xe, giảng giải Thánh Kinh, nói về Chúa Giêsu cho ông; sau cùng, là phép rửa. Vị quan này ‘được lôi kéo’ qua vị tông đồ. Đây quả là việc của Thánh Thần! Thật thú vị, bản thân Philipphê cũng ‘được lôi kéo’; ông tiếp tục hành trình, lòng hỷ hoan. Mọi thành ông đi qua được rao giảng Tin Mừng. Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa!”.

Anh Chị em,

“Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy!”. Tiếng của thần dữ lôi kéo bao giờ cũng dễ nghe hơn tiếng của thần lành, tiếng của vật chất bao giờ cũng hấp dẫn hơn tiếng của Thiên Chúa. Vì thế, Ngài phải đi bước trước. Vấn đề là liệu chúng ta có sẵn sàng và cởi mở như viên thái giám – một gương mẫu đáng yêu – để lắng nghe và hoà mình trong lời ‘tán tỉnh’ nhẹ nhàng của Ngài không. Tuy nhiên, lời ‘tán tỉnh’ không phải luôn êm ái, lắm lúc nó nổ ran như sấm rền. Chớ gì bạn và tôi đủ bình tâm trước mọi biến cố, mọi vấn đề; luôn ý thức, “tôi không tự sức làm được mọi sự”, hầu có thể cảm nghiệm sự chèo kéo của Ngài. Bởi lẽ, nếu không cảm nhận ‘được lôi kéo’ bởi Chúa, bạn dễ dàng buông mình cho vô vàn chèo kéo thế gian!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lôi con về phía Chúa mỗi ngày, hầu con đủ sức kéo người khác về phía Chúa! Và con cảm nhận đang ‘được bay bổng’ bởi ân sủng từ trên!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen


 

Chặng đường Thánh giá là gì?- Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Nguyện xin Chúa cất đi những gánh nặng đang đè nặng trên vai bạn hôm nay.

Cha Vương

Thứ 5: 18/04/2024

GIÁO LÝ:  Chặng đường Thánh giá là gì? Theo Chúa Giêsu vác thánh giá lên núi Sọ bằng cách cầu nguyện và suy gẫm 14 chặng đàng là sự sùng kính rất cổ xưa trong Hội thánh, nhất là trong mùa Chay và Tuần Thánh. (YouCat, số 277)

SUY NIỆM: 

❦  Thánh giá của Chúa ôm ấp toàn thế giới. Đường thánh giá của Chúa đi ngang qua các lục địa và ngang qua cả thời gian. Theo dõi đường thánh giá, chúng ta không thể chỉ là những khán giả vô tư. Chúng ta cũng phải tham gia vào đường thánh giá và phải tìm xem chỗ của chúng ta là chỗ nào. Chúng ta đang ở đâu? (Đức Bênêđictô XVI, 14-4-2006)

❦  Thánh giá của bạn. Sự khôn ngoan vô cùng tự đời đời đã tặng ban cho bạn thánh giá như một món quà quý báu. Thánh giá này trước khi trao cho bạn, Người đã nhìn bằng đôi mắt biết hết mọi sự, Người đã suy nghĩ trong trí tuệ thần linh của Người, Người đã nghiên cứu với sự công chính dịu dàng của Người, Người đã đo để xem nó có to quá không, đã cân để xem nó có quá nặng không. Rồi Người đã chúc lành cho nó bằng danh Thánh của Người, Người đã xức dầu bằng ân sủng của Người, và nó được thấm nhuần sự an ủi của Người. Rồi Người còn đánh giá sự can đảm của bạn, và ngay bây giờ Người từ trời đến với bạn, như ân huệ của Thiên Chúa nhân lành, ân huệ của tình yêu thương xót của Người.—Thánh Phanxicô Salêsiô. (YouCat, số  277 t.t.)

LẮNG NGHE: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (Mt 16:24).

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa vác thập giá trên vai để biến nó thành Thánh Giá có gia trị cứu chuộc con và nhân loại, xin thêm ơn can đảm và sức mạnh cho con, để con tiếp tục vác thập giá theo Chúa cho đến cùng.

THỰC HÀNH: Đâu là những thập giá mà bạn đang phải gánh vác? Nhìn lên Thánh Giá Chúa Giê-su với niềm hy vọng vào ơn cứu độ của sự đau khổ.

From: Do Dzung

Thánh Giá Đức Kitô (Sáng tác: Sr. M. Tigon) 

MỤC TỬ NHƯ CHÚA – Lm. Joshepus Quang Nguyễn

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

Kết quả hình ảnh cho Chúa Chiên Lành Tu viện nổi tiếng nhất nọ cứ một lần trong năm mở cửa thâu nhận duy nhất 1 thỉnh sinh.  Viện Phụ đích thân phỏng vấn các ứng sinh chỉ hỏi một câu duy nhất.  Nhưng trớ trêu thay, không ai biết được câu hỏi duy nhất đó là câu gì, bởi vì tất cả những ứng viên nào mà rớt cuộc thi, đều phải uống một viên thuốc do chính Viện Phụ chế ra, công dụng làm cho các ứng sinh dự thi quên mất câu hỏi được đặt ra.  Chính vì thế mà việc chiêu sinh của Tu viện đã trải qua nhiều năm rồi mà chưa ai có thể biết câu hỏi đó là gì.  Thế là cậu Ramin là tỏ ra quyết chí hơn cả.  Cậu dành dài năm cố gắng đọc và học qua thật nhiều sách: lịch sử, địa lý, văn chương, triết lý, nghệ thuật, tâm lý, xã hội học, v.v…  Rồi mùa thi đến, Ramin vào thi và tin chắc mình sẽ trả lời được câu hỏi mà Viện Phụ sẽ hỏi.  Hồi hộp bước vào phòng thi, Ramin được Ngài hỏi câu duy nhất này là: Con hãy tự hỏi: Tôi là ai?  Và trả lời cho ta biết.  Tôi là ai?  Ramin lặp lại câu hỏi, nhưng không biết phải trả lời như thế nào cho đúng, bèn rút lui không bao giờ trở lại Đan viện nữa.

Tôi là ai?  Ðây là câu hỏi căn bản nhất, để bắt đầu mọi cuộc dấn thân thực hiện chương trình sống của đời Kitô hữu.  Nhất là cuộc sống tu luyện bản thân, trở nên mục tử tốt.  Như vậy rõ ràng những vốn liếng trí thức không mà thôi thì chưa đủ để trở nên mục tử tốt lành mà Lời Chúa mời gọi chúng ta hôm nay.

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta tham dự vào chức tư tế (chức linh mục cộng đồng) của Đức Kitô, tham dự vào sứ mạng Ngôn sứ, và vương đế của Ngài (GLHTCG, số 1267).  Vì thế, thánh lễ này Giáo Hội muốn kêu gọi mỗi người chúng ta hãy cầu nguyện và thực hành sứ mạng mục tử được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta giữa lòng thế giới hôm nay theo mẫu gương Mục Tử Nhân lành Giêsu.  Người là Mục tử nhân lành, còn chúng ta là đoàn chiên của Người.  Người chăn giữ đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết.  Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Thứ nhất, tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết.  Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí hay do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu.  Chẳng hạn, một đứa trẻ đang chơi ngoài đồng, chạy vào xin mẹ cho con mượn con dao.  Mẹ nói: con lấy để làm gì?  Nó nói: con làm cái này.  Mẹ nói không cho nhưng nài nỉ hoài mẹ nó đưa cho nó nhưng theo dõi nó làm cái gì?  Nó cầm dao chạy ra đồng và nhặt một trái lựa đạn 79 mà nó tưởng là trái ô ma, nó vừa cầm lên thì mẹ nó nhào tới chụp ngay con dao nó định cắt ra để ăn.  Vâng, chỉ tình yêu xuất phát từ trái tim, người mẹ mới biết trước được rủi ro hay chăm sóc kỹ lưỡng từng hành động đứa con, làm cho nó nên hoàn thiện.  Chúa Giêsu hôm nay nói: “Ta biết chiên Ta,” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta, biết rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, biết rõ tâm tư tình cảm của ta.  Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh.  Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu.  Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta.  Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta.  Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta nên Ngài luôn luôn muốn làm cho ta vơi được nỗi sầu, nhẹ đi âu lo sợ hãi bằng việc hiến mình cho ta và cư ngụ nơi tâm hồn ta mọi nơi mọi lúc khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Ngài.  Vì vậy, Ngài luôn mời gọi chúng ta rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc.  Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc.  Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu.  Có yêu mới quan tâm.  Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu.  Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc.  Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do.  Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhút nhát, yếu ớt nhưng là để giúp ta trưởng thành, mạnh mẽ tự tin.  Người chăm sóc ta không phải theo kiểu Mẹ con Sáng-Sang trong phim truyền hình Việt Nam “Hoa hồng không dành cho em”, bà chăm sóc con quá đến độ mà mẹ con bị bệnh tự kỷ.  Ngược lại, Chúa Giêsu chăm sóc ta bằng cách cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh đó là đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha.  Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh.  Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu.  Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều.  Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được.  Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).  Chính Người đã thực hiện điều ấy.  Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên.  Người đã tự hiến mạng sống vì ta.  Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Chúng ta hãy trở thành mục tử nhân lành theo gương Người.  Cha mẹ là mục tử của con cái, thầy cô giáo là mục tử của học sinh, giám đốc là mục tử của công nhân, y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân, anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ, linh mục là mục tử của giáo dân, tu sĩ là mục tử của tha nhân… hãy thực hiện lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Ngày Thế giới cầu cho ơn Thiên Triệu 2015 rằng hãy ra khỏi chính mình, đi ra khỏi sự thoải mái và cứng nhắc của cái tôi để đặt trọng tâm đời sống mình nơi Đức Giêsu Kitô, có nghĩa rằng phải lấy Tình yêu Chúa Giêsu là tiêu chí và lẽ sống cho đời Kitô hữu chúng ta.  Mà tình yêu Chúa cố ở điểm này là hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa.  Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong giáo xứ, trong khu phố và xã hội hôm nay hầu làm cho cuộc sống thêm phong phú và hạnh phúc hơn.  Amen!

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

From: Langthangchieutim


 

Đi “Hành hương” có mục đích gì?-Cha Vương

Ước mong bạn gặp được Chúa là Đấng đang tìm kiếm bạn. Xin một lời cầu nguyện cho linh hồn Tu Sĩ Linh Mục Phêrô Têrêsa Nguyễn Minh Gần, Dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ, 59 tuổi, mới qua đời ngày 14-4-2024,

Cha Vương

Thứ 4:17:04/2024

GIÁO LÝ:  Đi “Hành hương” có mục đích gì? Một ít người đi hành hương để “cầu nguyện bằng đôi chân”, họ có kinh nghiệm bằng các giác quan rằng cả cuộc đời mình là một cuộc hành trình dài tiến về cùng Thiên Chúa. (YouCat, số 276)

SUY NIỆM: Trong Cựu ước dân Israel hành hương lên Đền Thờ Giêrusalem. Các Kitô hữu thời Trung cổ cũng hành hương đến các nơi thánh, đến Giêrusalem, đến Rôma, đến mộ các thánh tông đồ … Kitô hữu đi bộ khi hành hương thường để đền tội, và thường người ta bị thúc đẩy bởi ý nghĩ sai lầm rằng những việc tự động hãm mình có thể làm cho mình nên công chính trước mặt Chúa. Ngày nay đã đổi mới, Kitô hữu đi hành hương để tìm sự bình an và sức mạnh xuất phát từ các nơi thánh. Nhiều người sống cô đơn lẻ loi, họ muốn ra khỏi cảnh tẻ nhạt đều đều hằng ngày, muốn được thoát thân khỏi những cái thừa thãi để nhẹ nhõm đi đến với Chúa. (YouCat, số  276 t.t.)

❦ Hội thánh bước đi vững vàng, tiến về đường hành hương của mình, giữa những thử thách trên đời và những an ủi của Thiên Chúa. (Thánh Augustinô)

❦ Những con đường của Thiên Chúa là những con đường mà chính Thiên Chúa đã mượn mà ngày nay ta phải bước đi cùng với Người. (Dietrich Bonhoeffer)

LẮNG NGHE: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa”. Chân chúng ta đã đứng nơi cửa tiền đình, Giêrusalem. (Tv 122:1-2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, “Ở trên đời, con là thân lữ khách”, xin cho mỗi bước chân con đi, những nơi con đến, những người con gặp hôm nay cũng là một cuộc hành hương nhỏ để gặp Chúa và gắn bó với Chúa nhiều hơn.

THỰC HÀNH: Mở rộng tầm nhìn để tìm gặp Chúa trong bất cứ thời điểm nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Td: Khi đang bị tắc đường, lúc ăn trưa, đến lớp học, lúc xếp hàng hay tham dự cuộc họp…

From: Do Dzung

Cho Con Thấy Chúa (Sáng tác: Sr. Hiền Hòa) – Uyên Nguyên 

KHÔNG GÌ LẤP ĐẦY-Lm. Minh Anh, Tgp Huế

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

“Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai!”.

“Tôi có cảm tưởng dường như trong tim tôi có một lỗ hổng lớn; và tôi không thể lấp đầy nó bằng bất cứ thứ gì!”. Đó là cảm nhận của một cô gái trẻ vừa trở lại với các Bí tích sau nhiều năm. Chúa Kitô không cho phép bất cứ điều gì lấp đầy trái tim cô! Nó đang khao khát Ngài, một khát khao cháy bỏng. Trái tim cô thuộc về Ngài, và chỉ một mình Ngài!

Kính thưa Anh Chị em,

Hẳn cô gái trẻ mà ‘không gì lấp đầy’ trái tim cô đã hiểu rất rõ câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai!”. Gặp lại Chúa Kitô, ngụp lặn trong lòng thương xót của Ngài, cô trải nghiệm một điều gì đó thật vĩnh cửu.

Được tạo dựng cho vô biên, mỗi người có một khao khát bên trong; cơn khát đó có tên ‘Lỗ Hổng’ của trái tim. Dù nhỏ hay không quá nhỏ, nó vẫn là một lỗ hổng ‘có kích cỡ bằng Chúa Kitô!’ và nó thuộc về Ngài. Ngài không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy! Vậy nếu điều đáng khao khát thực sự của trái tim bạn là Chúa Kitô, thì thử hỏi, điều gì có thể ngăn cản bạn và tôi đến với Ngài? Phải chăng đó là kiêu hãnh, lười biếng tinh thần, hay hời hợt thiêng liêng? Vậy mà, đằng sau những lý do ấy, thường là một nỗi sợ. Sợ mở lòng cho Chúa Kitô! Bởi lẽ, chúng ta thường nghĩ rằng, mở lòng cho Ngài, tôi sẽ thua cuộc! Chính xác! Đó là nỗi sợ đụng chạm đến cái tôi của mình.

“Đừng sợ   Kitô! Ngài không lấy gì đi, nhưng ban cho bạn tất cả. Hãy dâng toàn thân cho Ngài, chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng. Hãy mở ra, mở rộng những cánh cửa cho Chúa Kitô và bạn sẽ tìm thấy sự sống đích thực!” – Bênêđictô XVI. Trải nghiệm ‘mở ra’ này cũng là trải nghiệm của Saolô. Đó là một biệt phái cuồng tín, đã từng lầm lạc đến nỗi giết chóc Hội Thánh; một con người hãnh tiến, kiêu ngạo và mù quáng – bài đọc một. Thế nhưng, một khi mở ra cho Chúa Kitô, Saolô – nay là Phaolô – không còn là mình, nhưng trở nên một lợi khí của Ngài. Nhờ Phaolô, Hội Thánh mừng vui, dân ngoại vui mừng và hoàn vũ hân hoan, “Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Tôi sẽ không để mất một ai!”. Chúa Giêsu không để mất một ai, kể cả những kẻ chống đối Ngài, giết Ngài. Ngài đến tìm kiếm một nhân loại hư mất; trong đó, có những con người đã mất hoặc trên đà hư mất. Ngài tìm Matthêu, Giakêu; tìm người phụ nữ Samaria; tìm thiếu phụ ngoại tình; tìm biệt phái Nicôđêmô, Saolô. Và đến cuối đời, Ngài kịp tìm người trộm lành. Hãy để cho Ngài nhận ra bạn! Nói cho Ngài ‘nơi’ bạn và tôi đang hư mất! ‘Không gì lấp đầy’ trái tim chúng ta ngoài Ngài, Đấng không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy nó! Thú vị thay, đây cũng là ước vọng của chính Thiên Chúa, Đấng sở hữu muôn loài lại ước ‘được lấp đầy’ bởi bạn và tôi. Hãy để cho ‘giấc mơ kép’ của Ngài thành hiện thực bằng cách làm rỗng trái tim để Ngài tự do yêu bạn, sử dụng bạn, lấp đầy bạn! Và ngược lại, hãy lấp đầy trái tim Ngài bằng tình yêu của trái tim bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không được lấp đầy bởi Chúa, trái tim con sẽ được lấp đầy bởi những thứ khác. Cho con biết, con thuộc về ai. Hãy lấp đầy con, và con sẽ lấp đầy Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp Huế)

From: Nguyen Kim Bang


 

Có được tôn kính các thánh tích không?-Cha Vương

Nguyện xin Chúa đoái nhìn đến bạn và gia đình luôn mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 16/04/2024

GIÁO LÝ:  Có được tôn kính các thánh tích không? Thánh tích có nghĩa là xương cốt của các vị thánh, hoặc là các vật dụng mà các ngài dùng. Tôn kính thánh tích là nhu cầu tự nhiên của con người, là cách tỏ lòng tôn kính sùng mộ các thánh. Tôn kính các thánh vì các ngài đã dâng hiến cả đời sống cho Chúa, đó là ta ca ngợi hành động của chính Chúa vậy. (YouCat, số 275)

SUY NIỆM: Thánh tích là những di vật của thân xác các thánh hoặc những đồ vật mà các ngài dùng. (YouCat, số  275 t.t.) Thân xác của chúng ta không chỉ là “vỏ bọc” bề ngoài cho chính chúng ta trú ngụ, mà còn là chính chúng ta. Chúng ta được dựng nên có tinh thần, thân xác và linh hồn, cả ba yếu tố đó kết hợp lại làm nên con người của chúng ta. Đó là những gì chúng ta làm đối với các vấn đề thể lý về mức độ tâm linh.

Khi đọc chuyện hoặc đi thăm viếng đền của các thánh, chúng ta thấy nhiều phép lạ đã được kể lại và nhiều người đã được chữa lành sau khi chạm thánh tích vào vết thương của mình, điều mà khoa học không thể chứng minh. Thiên Chúa đã dùng thánh tích của các thánh làm PHƯƠNG TIỆN để ban ơn chữa lành. Cũng có khi Ngài ban ơn chữa lành qua việc dùng một vật nào đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nguyên nhân chữa lành là Thiên Chúa, còn thánh tích chỉ là phương tiện để Ngài tác động. Nói cách khác, thánh tích không làm phép lạ. Thánh tích không có quyền năng nếu tách ra khỏi Thiên Chúa. Bất cứ điều tốt lành nào xảy ra qua thánh tích là chính Thiên Chúa hành động. Thiên Chúa muốn dùng thánh tích của các thánh để chữa lành và làm phép lạ để chúng ta biết rằng Ngài muốn chúng ta chú ý tới các thánh là “những người cầu thay nguyện giúp” (Giáo lý Công giáo, số 828). Điều đó cũng cho chúng ta biết ý Ngài muốn dùng thánh tích để báo trước sự sống lại của nhân loại: Một ngày nào đó, các con cái trung tín của Thiên Chúa, các chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô, sẽ sống lại với Ngài trong vinh quang, và Ngài vẫn tác động trên thế gian qua thánh tích của các thánh.

 *Điều cần phải chú ý: “không được trưng bày thánh tích của các Thánh và các Chân phước cho các tín hữu tôn kính nếu không được thẩm quyền của Giáo hội chứng nhận tính xác thực của thánh tích ấy”. (Phụ lục của Huấn thị Sanctorum Mater, 2008)

LẮNG NGHE: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (St 1:27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, tình yêu và sức mạnh của Chúa mãi mãi tác động trong Giáo hội qua nhiều hình thức, xin giúp con nhận ra được sức mạnh và quyền năng của Chúa qua sự chuyển cầu của các thánh.

THỰC HÀNH: Đọc kinh thánh quan thầy của mình và xin ngài cầu bầu cho bạn hôm nay.

From: Do Dzung

TÌNH YÊU CHÚA TUYỆT VỜI – Mary Nguyễn

NO THOẢ VÔ TẬN-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”.

Cha linh hướng của chị Catarina Siêna kể, “Một hôm, có việc phải đi sớm, tôi không dâng lễ. Chiều về, Catarina đến thưa, “Thưa cha, con đói lắm!”. Tôi hiểu, chị muốn rước Chúa. Tôi nói, “Nhọc lắm, không dâng lễ được”. Catarina buồn bã rời đi; nhưng vài phút sau, trở lại, thưa như trước. Không thể cầm lòng, tôi ra kéo chuông và dâng lễ. Lạ lùng thay, khi vừa bẻ Mình Thánh làm hai, một nửa trong tay tôi biến mất. Tôi lo sợ tìm kiếm, nhưng Catarina nói, “Chúa đã đến với con!”. Quả thực, lúc ấy, mặt chị sáng như mặt thiên thần”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Con đói lắm!”. Cơn đói của chị thánh Catarina Siêna – ‘cơn đói của linh hồn’ – sẽ được Chúa Giêsu khai triển trong Tin Mừng hôm nay. Ngài nói đến cơn đói siêu nhiên; đồng thời, nói đến “lương thực thường tồn”, đem lại sự ‘no thoả vô tận!’.

Trước hết, thật hữu ích khi bạn và tôi xem xét những lời của Chúa Giêsu trong bối cảnh của nó. Kìa, mới hôm qua, Ngài làm phép lạ bánh cá hoá nhiều để nuôi hàng ngàn người; và bây giờ, họ muốn điều đó tái diễn. Nhân dịp này, Chúa Giêsu bắt đầu dạy họ về Bí tích Thánh Thể và Ngài cũng muốn làm như thế cho bạn và tôi!

Vậy bạn đói khát điều gì nhất? Có lẽ bạn có nhiều thức ăn, hoặc cũng có thể là không. Nhưng như Catarina, một khi xác định được cơn đói sâu xa nhất của mình ngay giờ này – đói Giêsu – bạn hãy cho phép Ngài nói với bạn về “Bánh Ban Sự Sống”. Hãy nói với Ngài, “Đó đúng là cơn đói của con!”. Sau đó, hãy để linh hồn lắng nghe Ngài, “Ta muốn ban cho con nhiều hơn nữa. Ta là những gì con thực sự mong đợi. Hãy đến với Ta, con sẽ ‘no thoả vô tận!’”. Đây là nội dung diễn từ Chúa Giêsu đã nói với đám đông đương thời trong suốt chương 6 Tin Mừng Gioan.

Đừng quên, Thánh Thể có khả năng biến đổi bạn ở mức độ sâu xa nhất! Bởi lẽ, chúng ta thường đến với Bí tích này cách uể oải và hay sao nhãng; kết quả là, bạn và tôi thường không thực sự tiếp nhận Chúa Giêsu ở mức độ mang lại niềm vui, sự phấn khích, cũng như sự ‘no thoả vô tận’ sâu sắc nhất. Như Catarina Siêna, Têphanô – mặt sáng như mặt thiên thần – cho thấy sự no thoả đó khi ông sắp phó linh hồn cho Chúa, “Kìa, tôi thấy trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” – bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con!”.

Anh Chị em,

“Ai đến với tôi, không hề phải đói!”. Thánh Thể, Bánh Ban Sự Sống cho con người không còn phải đói chính là Chúa Kitô. Đó là quà tặng có khả năng không chỉ nâng đỡ tâm hồn và thể xác mà còn lôi kéo chúng ta vào những niềm vui lớn nhất của thiên đàng. Bánh Ban Sự Sống mang lại ý nghĩa và niềm hy vọng cho hành trình thường xuyên quanh co của cuộc sống; đồng thời, trao cho chúng ta một nhiệm vụ – đến lượt chúng ta – làm thoả mãn cơn đói tinh thần và vật chất của anh chị em mình, bằng cách loan báo Tin Mừng cho khắp thế giới. Nhờ đó, linh hồn bạn và linh hồn bao người được ‘no thoả vô tận’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đói lắm! Bao anh chị em con trong thế giới này đói lắm! Cho con no thoả Chúa và con sẽ đi đến tận mút chân trời, mang Chúa đến cho anh chị em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen


 

SỰ THINH LẶNG CỦA THIÊN CHÚA TRƯỚC SỰ DỮ – Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Các thần học gia đôi khi cố gói gọn ý nghĩa sự sống lại của Chúa Giêsu bằng một câu: “Trong sự phục sinh, Thiên Chúa chứng thực cho Chúa Giêsu, cho cuộc sống, sứ điệp và lòng trung tín của Ngài.”  Như vậy nghĩa là gì?

Chúa Giêsu đi vào thế gian để rao giảng về đức tin, tình yêu và sự tha thứ, nhưng thế gian không đón nhận.  Thay vào đó, thế gian đóng đinh Ngài trên thập giá, và hành động đó dường như cũng là chế giễu thông điệp của Ngài.  Chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất nơi thập giá, khi Chúa Giêsu bị sỉ nhục, chế giễu và thách thức: Nếu ông là con Thiên Chúa thì xuống khỏi đó đi!  Nếu thông điệp của ông là đúng, thì để Thiên Chúa xác nhận ngay đi!  Nếu lòng trung tín của ông không phải chỉ là sự cứng đầu và ngu muội của con người, vậy tại sao ông lại chết trong tủi nhục?

Thiên Chúa đáp lại thế nào với những lời chế nhạo này?  Dường như Ngài chẳng có đáp lại gì, chẳng có bình luận, biện hộ, biện giải, phản bác gì, chỉ có thinh lặng.  Chúa Giêsu chết trong thinh lặng.  Cả Chúa Giêsu lẫn Thiên Chúa mà Ngài tin đều không cố gắng lấp đầy hố thẳm ghê gớm đó bằng một lời an ủi hay giải thích nào, không thách thức con người nhìn vào bức tranh tổng thể hay nhìn vào những mặt tươi sáng hơn.  Hoàn toàn không có gì.  Chỉ có thinh lặng.

Chúa Giêsu chết trong thinh lặng, trong thinh lặng của Thiên Chúa và trong vô tri của thế gian.  Và chúng ta bực bội trước sự thinh lặng này, cũng như chúng ta bực bội bởi cái dường như chiến thắng của sự dữ, đau đớn và thống khổ nơi trần gian.  Thiên Chúa dường như thinh lặng trước sự dữ và cái chết, điều này có thể làm chúng ta bực bội mãi: như trong cuộc diệt chủng Do Thái, những cuộc diệt chủng sắc tộc, những cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo, trong những trận động đất và sóng thần cướp đi hàng ngàn sinh mạng và tàn phá nhiều quốc gia, trong cái chết của vô số người vì ung thư và vì bạo lực, trong những bất công của cuộc đời, trong lề thói của những người vô lương tâm có thể hủy hoại cả một lãnh vực cuộc sống mà không chịu hậu quả gì.  Trong mọi chuyện này, Thiên Chúa ở đâu?  Câu trả lời của Ngài là câu trả lời nào?

Câu trả lời của Thiên Chúa là sự phục sinh, sự phục sinh của Chúa Giêsu và sự phục sinh mãi mãi của sự thiện trong chính sự sống.  Nhưng sự phục sinh không nhất thiết là sự giải cứu.  Thiên Chúa không nhất thiết giải cứu chúng ta khỏi những tác hại của sự dữ, hay thậm chí là sự chết.  Sự dữ làm việc của nó, thiên tai là thiên tai, và những kẻ vô lương tâm có thể hủy hoại khi họ đang bị ngọn lửa thiêng của sự sống thôi thúc.  Thông thường, Thiên Chúa không can thiệp.  Biển Đỏ rẽ làm đôi không phải là chuyện chúng ta thấy hàng ngày.  Thiên Chúa để những người Ngài yêu thương chịu đau khổ và chết, cũng như Chúa Giêsu để cho Lazarô bạn của Ngài chết và Thiên Chúa để cho Chúa Giêsu chết.  Sau đó, Thiên Chúa cứu chuộc, nâng chúng ta lên, trong một chứng thực sâu sắc hơn, trường tồn hơn.  Hơn nữa, sự thật của tuyên bố này còn có thể được kiểm nghiệm.

Bất chấp mọi thể hiện ngược lại, đến cuối cùng, tình yêu chiến thắng hận thù.  Hòa bình chiến thắng hỗn loạn.  Tha thứ chiến thắng chua cay.  Hy vọng chiến thắng yếm thế.  Trung tín chiến thắng tuyệt vọng.  Đức hạnh chiến thắng tội lỗi.  Lương tâm chiến thắng nhẫn tâm.  Sự sống chiến thắng cái chết, sự thiện chiến thắng sự dữ, luôn là vậy.  Mohandas K. Gandhi đã viết: “Khi tôi tuyệt vọng, tôi nhớ lại mọi chuyện đã trải qua suốt dòng lịch sử, chân lý và tình yêu luôn chiến thắng.  Có những kẻ sát nhân và bạo chúa, và chúng dường như bất khả chiến bại suốt một thời gian.  Nhưng đến tận cùng, chúng luôn sụp đổ.  Cứ nghĩ đi, luôn là thế.”

Sự phục sinh đã chứng thực điều đó một cách mạnh mẽ nhất.  Đến cuối cùng, Thiên Chúa là người phán quyết.  Sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là phán quyết đó.  Từ tro tàn của hổ thẹn, của cái dường như là thất bại và cái chết, một sự sống bất diệt mới thâm sâu hơn tuôn trào vĩnh viễn.  Đức tin của chúng ta bắt đầu từ chính lúc mọi sự dường như kết thúc, từ trong cái dường như là sự thinh lặng của Thiên Chúa trước sự dữ.

Và điều này yêu cầu chúng ta điều gì?

Trước hết, đơn giản là yêu cầu chúng ta tin vào sự thật của sự phục sinh.  Sự phục sinh yêu cầu chúng ta tin vào điều mà Gandhi đã xác nhận, cụ thể là, đến cuối cùng, sự dữ sẽ không có quyền phán quyết.  Nó sẽ thất bại.  Sự thiện cuối cùng sẽ chiến thắng.

Cụ thể hơn nữa, sự phục sinh yêu cầu chúng ta đánh cược vào tin tưởng và sự thật, tin tưởng rằng lời Chúa Giêsu dạy là đúng.  Đức hạnh không ngây dại, kể cả khi bị sỉ nhục.  Tội lỗi và yếm thế mới ngây dại, kể cả khi chúng có vẻ đang chiến thắng.  Những ai đã dùng lương tâm mà cúi mình trước Thiên Chúa và tha nhân, thì sẽ tìm được ý nghĩa và niềm vui, kể cả khi họ bị tước đi một số lạc thú thế gian.  Những ai vô lương tâm múc lấy và thao túng sinh lực thần thiêng thì sẽ không tìm được ý nghĩa sự sống, kể cả khi họ đã nếm trải lạc thú.  Những ai sống trung thực bằng mọi giá, thì sẽ tìm được tự do.  Những ai dối trá và lý luận sẽ thấy mình bị cầm tù trong sự ghét mình.  Những ai sống trong tin tưởng thì sẽ tìm được tình yêu.  Có thể tin tưởng sự thinh lặng của Thiên Chúa, kể cả khi chúng ta chết trong đó.  Chúng ta cần phải giữ vững sự thành tín trong tình yêu, tha thứ và lương tâm, bất chấp tất cả đang cho rằng chúng ta làm thế là ngây dại.  Chúng sẽ cho chúng ta điều sâu thẳm nhất trong sự sống.  Đến cuối cùng, Thiên Chúa chứng thực cho đức hạnh.  Thiên Chúa chứng thực cho tình yêu.  Thiên Chúa chứng thực cho lương tâm.  Thiên Chúa chứng thực cho sự tha thứ.  Thiên Chúa chứng thực cho sự trung tín.  Đến tận cùng, Thiên Chúa chứng thực cho Chúa Giêsu và chứng thực cho cả chúng ta nếu chúng ta vẫn giữ lòng trung tín.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim


 

Việc “Đạo đức bình dân” quan trọng thế nào?-Cha Vương

Ngày Thứ 2 tràn đầy nhiệt huyết để phục vụ Chúa và tha nhân nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 15/04/2024

GIÁO LÝ:  Việc “Đạo đức bình dân” quan trọng thế nào? Lòng đạo đức bình dân được biểu lộ qua sự tôn kính các thánh tích, rước kiệu, đi hành hương và các loại tôn sùng khác, đó là những việc giúp ta nhận ra tầm quan trọng của việc đức tin phải hội nhập vào văn hóa. Đó là việc tốt, bao lâu còn tùy thuộc vào Hội thánh, và đưa dẫn tới Chúa Kitô, chứ không nhằm để “vào” Thiên đàng nhờ các việc đó, mà không cần nhờ tin vào ơn Chúa. (YouCat, số 274)

SUY NIỆM: Đạo đức bình dân là một trong những sức mạnh của

chúng ta, vì nó diễn tả những lời cầu nguyện ăn sâu vào tận thâm tâm con người. Ngay cả những người đã xa Hội thánh, hoặc không có cảm thức nhiều lắm về đức tin, cũng có thể xúc động vì những hình thức cầu nguyện đó. Chỉ cần “làm cho sáng tỏ” các cử chỉ đó và “thanh tẩy” cái truyền thống đó, để tất cả được hội nhập trong đời sống Hội thánh. (Đức Bênêđictô XVI, 22-2-2007, YouCat, số  274 t.t.)

LẮNG NGHE: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, xin giúp con luôn làm cho danh Chúa được sáng tỏ qua những việc đạo đức bình dân mà con thực hiện trong ngày, và xin đừng để con làm một cách máy móc qua loa hình thức nhưng với một con tim yêu mến và tin tưởng vào Chúa.

THỰC HÀNH: Đọc kinh hàng ngày với một tấm lòng chân thành đầy niềm xác tín nhé.

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=R5mUmESSOiI

Niềm Xác Tin Của Con – Nguyễn Hồng Ân

 

CƠN ĐÓI CỦA LINH HỒN-(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh!”.

Allen Gardiner trải qua nhiều gian khổ khi truyền giáo tại Picton, cực nam Nam Mỹ. Năm 1851, ở tuổi 57, ông qua đời. Thi thể ông được tìm thấy với cuốn nhật ký ghi lại những trải nghiệm về đói, khát và cô đơn. Dòng cuối cùng cho thấy sự vật lộn của bàn tay run rẩy khi ông cố sức để viết cho dễ đọc, “Tôi choáng ngợp với cảm giác về sự tốt lành của Thiên Chúa, và đó là điều duy nhất thoả mãn cơn đói của linh hồn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Cơn đói của linh hồn’ Gardiner được Chúa Giêsu chỉ ra trong Tin Mừng hôm nay, đó là “đói chính Ngài, sự tốt lành của Thiên Chúa!”. Ngài là “Lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh!”. Vậy bạn đang nỗ lực làm việc cho lương thực nào? Loại “mau hư nát?”, hay loại “thường tồn?”.

Nhìn chung quanh, chúng ta nhận ra rằng, có rất nhiều nguồn cung cấp ‘lương thực’ không đến từ Thiên Chúa và xem ra, chúng có vẻ hấp dẫn. Một số người nuôi dưỡng bản thân bằng tiền bạc; số khác, bằng thành công và danh tiếng; số khác nữa, bằng quyền lực và kiêu hãnh. Vậy mà, ‘lương thực’ đích thực thoả mãn ‘cơn đói của linh hồn’ chỉ có thể là Giêsu, ‘Lương Thực’ đến từ trời!

Chúa Giêsu coi trọng “lương thực hay hư nát” cho nhu cầu thể chất; Ngài không chịu được cảnh hàng ngàn người phải đói giữa đồng vắng. Ngài cho họ ăn, chữa lành bệnh tật; Ngài kêu gọi người giàu chia sẻ cho người nghèo. Tuy thế, Ngài cũng tiết lộ cho chúng ta một chân trời không thuộc thế giới này; Ngài muốn chúng ta đi đến tận cuối chân trời đó, ở đúng vị trí của Ngài, để có thể nhìn thấy vinh quang “Con Một của Chúa Cha”, cũng là “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”, chính Ngài! Ngài kêu gọi những kẻ kiếm tìm Ngài hãy để cho mình đói một cơn đói sâu xa hơn, cơn đói tinh thần, ‘cơn đói của linh hồn’ mà chỉ mình Ngài có thể thoả mãn. Đó là tin vào Ngài.

Têphanô, người đã được Thánh Thần dẫn đến tận cuối chân trời đó. Kìa! Ông ngước mắt lên và nhìn thấy “vinh quang Thiên Chúa và Đức Giêsu đứng bên hữu”. Ở đó, ‘cơn đói của linh hồn’ vị phó tế được no thoả; người ta thấy “mặt ông như mặt thiên sứ” – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát!”. Khi chúng ta ra công làm việc, phép lạ ‘bánh hoá ra nhiều’ vẫn tiếp tục xảy ra. Nhưng như những người đương thời với Chúa Giêsu, bạn và tôi hãy không ngừng hỏi, “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” và chúng ta hãy nghe cho được câu trả lời của Chúa Giêsu, “Hãy tin vào Đấng Người đã sai đến!”; nói cách khác, “Hãy đói khát Giêsu!”. Thú vị thay, chính Chúa Giêsu cũng đang thực sự đói khát chúng ta; Ngài mong chờ tình yêu của của chúng ta. Ước gì, chúng ta không ngừng tìm đến với Chúa Giêsu, chuyên cần rước lấy Thánh Thể Ngài; vì chỉ nơi Ngài, ‘cơn đói của linh hồn’ mới được thoả mãn; cũng chỉ nơi Ngài, ‘cơn đói của Ngài, của Thiên Chúa và của con người’ được no thoả!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết đói khát Chúa vì biết rằng, Chúa cũng đang đói khát linh hồn con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen