HY VỌNG VÀ DẤN THÂN

HY VỌNG VÀ DẤN THÂN

Mức độ dấn thân: “thí mạng” như Chúa Giêsu

Tôi Tớ Chúa ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

(Mẹ Têrêxa thành Calcutta)

Để sống trọn vẹn niềm Hy Vọng, phải dấn thân một cách triệt để.

Mẹ Têrêxa thành Calcutta tình nguyện sống khó nghèo với người nghèo, cũng như cha Paul Maheu đã sống với người phong hủi tại trại phong Quy Hoà ở Qui Nhơn và chết với căn bệnh phong.

Nhằm mục đích phục vụ thanh thiếu niên hoảng loạn sau Đệ Nhị Thế Chiến, cha Gaston Courtois đã thành lập Phong Trào “Hùng Tâm Dũng Chí”.

Để truyền giáo cho người Trung Hoa một cách hữu hiệu, cha Vincent Lebbe đã sống hoàn toàn như người Trung Hoa. Cũng như để làm việc tông đồ cho giới thợ thuyền, trước đây một số linh mục Pháp đã trở nên những “linh mục thợ”.

Riêng cha Simon đã đi làm xiệc, lấy tiền giúp xây nhà ở cho giáo dân nghèo để họ có thể tham dự Thánh lễ mỗi Chúa nhật.

Ban Biên Tập


Dấn thân vì người nghèo

Ngày nay trên thế giới, mọi người đều hết lòng khâm phục mến yêu Mẹ Têrêxa thành Calcutta. Từ thuở nhỏ, Mẹ đã quen sống trong nếp sống văn minh vật chất, đầy đủ tiện nghi; nhưng Chúa đã thầm kín kêu gọi đi đến một quyết định táo bạo: từ bỏ tất cả để dấn thân theo Chúa.

Mẹ Têrêxa rời bỏ quê hương, trẩy sang Ấn Độ, một quốc gia có từng triệu người chết đói hàng năm. Tại đây, Mẹ ra sức tìm hiểu tập tục, học hỏi ngôn ngữ xứ Ấn Độ, và sau một thời gian ngắn, Mẹ nhập tịch trở thành một người dân Ấn Độ thực sự.

Rồi sau những tháng năm sống trong bốn bức tường của Tu viện, Mẹ Têrêxa đã nhìn ra xã hội bên ngoài: Mẹ đã chứng kiến tận mắt hàng trăm người chết đói, hàng ngàn kẻ hấp hối nằm lăn lóc trên các ngã đường của đô thị. Mẹ đã xin phép bề trên rời bỏ tu viện để ra sống giữa khu xóm lao động nghèo nàn: ăn mặc và lao động vất vả như người nghèo, hoàn toàn giống như mọi người để làm chứng nhân đích thực cho đức ái trọn hảo.

Gương sáng của Mẹ Têrêxa đã thu hút nhiều thiếu nữ Ấn độ. Và sau một thời gian thử luyện, Mẹ đã thành lập một dòng cho các chị em muốn theo lý tưởng sống khó nghèo và phục vụ giai cấp nghèo. Ngày nay dòng của Mẹ Têrêxa mọc lên tại nhiều nơi trên thế giới.


Thí mạng cho người phong hủi Việt Nam

Người ta nghe nói nhiều đến nhà phung Quy Hoà, ở ngoại ô thị xã Quy Nhơn, nhưng mấy ai biết đến vị sáng lập nhà phung ấy! Đó là cha Paul Maheu, một linh mục người Pháp đã từ giã quê hương thân yêu với cuộc sống tiện nghi, để chôn đời mình giữa đám người xa lạ, mắc phải thứ bệnh khủng khiếp nhất trong loài người.

Thật thế, bệnh phung cùi là một thứ bệnh khủng khiếp nhất. Nhưng cha Paul Maheu thì lại khác: ngài đã dấn thân vào nếp sống của người cùi, chọn họ làm con cái quý yêu cật ruột, sống trong một ngôi nhà bé nhỏ ngay giữa làng phung để đêm ngày săn sóc họ, lo cho họ đầy đủ vật chất cũng như tinh thần.

Đối với cha Maheu, không gì quý bằng các người phong hủi. Ngài không thể rời họ một ngày, không thể không tìm cách khen lao họ khi có dịp. Mỗi khi khách từ xa tới thăm, ngài thường mời ở lại dùng bữa. Trong lúc ăn, miệng ngài liên tiếp giới thiệu:

Mời dùng trứng này, do gà của người phung nuôi đấy! Mời dùng cá này cũng của người phung mới câu hồi sáng; còn đây là xà-lách cũng do tay người phung trồng đấy! Tốt lắm!

Vừa mời, ngài vừa ăn một cách ngon lành trong lúc khách thì quá khiếp sợ, chẳng dám dùng một tí chứ đừng nói chuyện ăn với uống.

Không mấy năm sau, cha Maheu đã trở thành người phung thực sự. Càng đau đớn càng có dịp để chia sẻ cuộc đời của họ, họ càng yêu mến trọng kính ngài. Và rồi một hôm, người hùng dấn thân đã nằm xuống, xác ngài được  chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người con thân yêu nhất.

Ông tổ “Hùng tâm dũng chí”

Sau đại chiến thứ hai, thanh thiếu niên ở các nước Âu châu, nhất là nước Pháp, cảm thấy thể chất tâm lý tan nát rã rời. Rất nhiều em phải thất lạc gia đình, không  biết đi về đâu; em khác lại mất cha, chết mẹ; có em lại phải bệnh hoạn tàn tật, lang thang khắp nơi, tụ tập lại  thành từng bè, từng lũ, chia nhau đi cướp bóc, đập đánh, chơi bời phóng đảng…Các em cần tình thương, cần lý tưởng để xây dựng cuộc đời mới.

Linh mục Gaston Courtois, người Pháp đã dấn thân vào công việc ấy. Theo gương thánh Gioan Boscô, ngài săn sóc các em, yêu thương các em, hướng dẫn các em trong nhiều buổi sinh hoạt thoải mái, hùng mạnh. Thế rồi hàng vạn thanh thiếu niên đã tìm lại được tuổi xuân, niềm hy vọng lại bừng sáng, lý tưởng sống lại hiện rõ. Phong trào “Hùng Tâm Dũng Chí” ra đời và chẳng mấy chốc lan rộng khắp năm châu.

Cha Gaston Courtois được mời tham gia nhiều tổ chức quốc tế đặc trách thanh thiếu niên. Về sau, ngài  được gọi sang phục vụ bên cạnh Toà Thánh. Dù đã lớn tuổi nhưng chủ nhật nào người ta cũng thấy ngài đi sinh hoạt với nhóm thanh thiếu niên ở Roma, vẫn tươi vui hăng hái như thuở nào.

Hoá nên người Trung Hoa để chinh phục người Trung Hoa

Tuy là người Bỉ, cha Vincent Lebbe (1877-1940) đã tình nguyện dấn thân sang truyền giáo ở Trung quốc. Suốt bao năm tháng, ngài luôn miệt mài thao thức: làm sao để dấn thân truyền giáo và phục vụ xã hội Trung Hoa cho đắc lực. Thế rồi, dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa, câu trả lời đã đến với cha: muốn đến với người Trung Hoa phải trở nên người Trung Hoa thực sự.

Cha Viencent Lebbe đã triệt để dấn thân theo đường hướng ấy, từ lối cắt tóc, để râu, ăn mặc cho đến cách suy tư, cử hành phụng vụ, giảng dạy giáo lý (ngài xin nhập tịch Trung Hoa và lấy tên là Lôi Minh Viễn).

Và trong tinh thần ấy, ngài đã thành lập một Hội Dòng lấy tên “Anh em hèn mọn của Thánh Gioan Tẩy Giả” để vận dụng cách sáng tạo nếp sống khổ tu vào hoàn cảnh cụ thể của xã hội và tâm hồn người Trung hoa và áp dụng nguyên tắc truyền giáo của ngài.

Tại nước Bỉ, quê hương ngài, cũng có rất nhiều người sùng mộ tinh thần ấy. Họ đã lập nên một Tu hội Truyền giáo cho các linh mục viết tắt là S.S.H, tạm dịch là “Hội trợ tá của các xứ truyền giáo”. Họ cũng lập thêm một Tu hội cho nữ giới viết tắt là A.F.I (“Nữ trợ tá quốc tế”).

Tinh thần cốt yếu của cha Lebbe là không đi theo phương pháp bấy lâu: đến một quốc gia, nhận trách nhiệm coi sóc một giáo phận hoặc một giáo xứ, đứng đầu hàng giáo sĩ địa phương… mà là theo một phương pháp mới: đến một quốc gia, một giáo phận do hàng giáo phẩm bản xứ quản trị và làm những người trợ tá phục vụ dưới quyền họ, cho dù họ kém khả năng hơn mình.

Trước đây, tại các xứ truyền giáo, hầu như chẳng có một vị Giám Mục bản xứ nào, huống nữa là sự kiện các linh mục thừa sai đi làm trợ tá cho hàng giáo sĩ bản xứ. Quả là táo bạo!

Và còn táo bạo hơn nữa là trong một chuyến trở về công tác ở Âu Châu, cha Lebbe đã sang Roma xin được yết kiến Đức Thánh Cha Piô XI, vị Giáo Hoàng được mệnh danh là “Giáo Hoàng của Công Giáo Tiến Hành” “Giáo Hoàng của Truyền Giáo”.

Trong buổi triều yết, ngài đã trình bày với Đức Piô XI, xin đặt các Giám Mục bản xứ cho người Trung Quốc. Đức Thánh Cha hỏi ngài có biết rõ linh mục Trung Quốc nào xứng đáng được tấn phong làm Giám Mục không? Cha Lebbe liền lấy giấy bút ra, viết ngay liền một danh sách gồm tên 10 linh mục Trung Quốc và đệ trình lên Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha phán:

Tốt lắm! Cha sẽ xúc tiến ngay việc này.

Ngày lễ Chúa Kitô Vua, 28.10.1926, chính Đức Piô XI chủ sự phong chức cho 6 Giám Mục Trung Quốc đầu tiên tại đền thờ Thánh Phêrô, trong số đó hầu hết đều nằm trong danh sách của cha Lebbe đề nghị. Lúc ấy tại một góc đền thờ, người ta thấy ngài quỳ gối âm thầm cảm tạ Chúa, vì đã cho ngài chứng kiến tận mắt điều ngài mong ước bấy lâu nay.

Thế rồi, tiếp sau các Giám Mục Trung Quốc ngày 30.10.1928, Đức Piô XI cũng tự tay phong chức cho vị Giám Mục Nhật Bản tiên khởi địa phận Nagasaki, rồi các Giám Mục Ấn Độ, Indonêsia…

Ngày 11.6.1933, cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng cũng được chính tay Đức Piô XI tấn phong làm Giám Mục Việt Nam tiên khởi.

Sau những tháng năm dấn thân phục vụ cho công cuộc truyền giáo, cha Vincent Lebbe đã nằm xuống (1940). Dân tộc Trung Quốc coi ngài như một vị anh hùng quốc gia. Hội Thánh coi ngài như vị tiền phong của những công cuộc truyền giáo hiện đại. Thân xác ngài được chôn vùi ngay tại lòng đất Trung Hoa, để lại tấm gương sáng cho Kitô hữu thuộc đủ mọi thời.

Các hạng linh mục thợ

Chung quanh những năm 1950-1955, vấn đề linh mục thợrất sôi nổi ở Pháp.

Phải thành thực công nhận rằng những linh mục dấn thân làm thợ trong các công xưởng, hầm mõ, sẵn sàng hoà mình với giới lao động thợ thuyền để gần gũi họ, mang Chúa đến cho họ, là những người đầy thiện chí và rất có nhiệt huyết tông đồ.

Có nhiều người hết sức hăng say nhiệt tình bênh vực quyền lợi của giới cần lao nhưng lại bỏ quên các giờ đọc kinh, nguyện gẫm, bỏ cả làm lễ, cử hành các Bí Tích, dần dần trở nên nguội lạnh, thờ ơ và ra đi vĩnh viễn, mất ơn gọi…

Có một số khác thấy gương ra đi của các anh em thì sinh chán nản thất vọng, không còn dám dấn thân nữa. Họ lui về với cuộc sống thầm lặng, tìm nguồn an ủi, “sợ bỏ quên Chúa, tôi không dấn thân”.

Với hai hạng người trên đây, phong trào linh mục thợ đã phải trải qua một cơn khủng hoảng sâu đậm.

Nhưng một số trong họ đã can đảm vượt mọi trở ngại, tin tưởng và khiêm tốn đối thoại với hàng giáo phẩm, thành thật kiểm điểm chặng đường đã qua, rồi vạch ra một hướng đi mới có sự cân bằng giữa việc dấn thân đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người mang lại sự giải phóng đích thực cho giới lao động, và đời sống nội tâm nền tảng của mọi việc tông đồ.

Hàng giáo phẩm hết sức nâng đỡ họ và cùng với sự chấp thuận khuyến khích của Toà Thánh, với sự cộng tác của họ, các Giám Mục đã lập nên “Hội truyền giáo cho nước Pháp” (La Mission de France) để truyền giáo lại cho các giai cấp thợ thuyền trong nước, vì tuy là một quốc gia được mệnh danh là “Trưởng Nữ của Hội Thánh”, nước Pháp vẫn còn có  không biết bao nhiêu người hoá ra vô đạo, nguội lạnh. Hàng linh mục thợ cuối cùng này sau khi vượt qua nhiều thử thách, đã đạt tới thành công, suốt đời luôn sống trong hạnh phúc và dấn thân triệt để.

Linh mục làm trò xiếc

Cha Simon được thuyên chuyển đến một vùng dân chúng rất nghèo khó, khổ nhất trong nước Pháp! Mà chúng ta biết: một khi thân xác quá đói thì việc phượng thờ Chúa và lo lắng cho phần hồn cũng gặp nhiều khó khăn đáng kể (có thực mới vực được đạo!). Cha Simon dâng lễ tại nhà thờ rất sốt sắng, nhưng... chỉ có một mình ngài, nhà thờ hoàn toàn trống rỗng, đánh muốn vỡ cả chuông mà chẳng có ai tới, vì cái đói buộc họ suốt ngày sản xuất lao động.

Cha Simon quá buồn nản, nhưng ngài nhất định không chịu thua. Nhiều lần ngài đến tận mỗi gia đình để ân cần hỏi thăm và khuyên lơn tha thiết. Dần dần các trẻ em trong giáo xứ bắt đầu tới, một ít người đã phấn đấu đi lễ Chúa nhật. Thế nhưng, nhiều hàng ghế trong nhà thờ vẫn còn trống. Suy nghĩ mãi, nhưng cha Simon sẽ làm gì đây, vì ngài không một xu dính túi, không một người quen biết để vay mượn. “Thôi đành liều mạng vậy! Biết đâu ta sẽ thành công!”

Cha Simon hăng hái bắt tay vào việc, ngài chuẩn bị dụng cụ, chở trên một chuyến xe và đi đến thành phố đầu tiên. Công việc trước hết là vào toà soạn của một nhật báo để thuê họ đăng tin: “Ngày … cha Simon sẽ biểu diễn nhảy cao 36 mét xuống nước, mời đồng bào đến xem ở bờ sông… lúc… giờ!” Rồi ngài lê mê đem cọc sắt đến, vặn đinh ốc vào, dựng một giàn nhảy ở bờ sông cao 36 mét.

Đúng giờ hẹn, thiên hạ ùn ùn kéo nhau đến xem ông cha biểu diễn. Cha Simon mình mặc đồ tắm, từ từ leo lên tận đỉnh, khom mình chào khán giả, rồi nhanh như tia điện xẹt, ngài phóng mình xuống nước, bọt tung lên cao mấy mét. Lát sau, ngài ngoi lên và bơi vào bờ. Khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt: “Bis! Bis! Thêm lần nữa!” Cha Simon không ngần ngại theo ý họ nhảy liên tiếp 2, 3 lần nữa.

Biểu diễn xong, giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt, ngài lau mình mặc áo vào và ngỏ lời với khán giả:

Thưa anh chị em, tôi là một cha xứ, tên Simon. Giáo dân tôi nghèo quá, tôi không biết làm sao để cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của họ được thoải mái hơn, hết bệnh tật, hết đói rách, hết mù chữ… Tôi quyết tâm xây cho mỗi gia đình một ngôi nhà cỏn con, làm lớp học cho trẻ em, dạy thêm nghề phụ cho người lớn… Tôi không bán vé, mà cũng chẳng có tiền để làm vé, nhưng nếu anh chị em muốn giúp tôi, thương con cái tôi, thì kẻ ít người nhiều, xin anh chị em bỏ vào chiếc mũ tôi đây… Ai chưa có hoặc muốn cho riêng, xin gửi về địa chỉ của tôi… Tôi xin cám ơn thay cho con cái tôi.

Nghe ngài nói ai cũng cảm động. Họ hết lòng ủng hộ ngài; chẳng mấy chốc chiếc mũ đã đầy, tiếng đồn lan ra khắp xứ.

Rồi từ đó, hằng tuần, cứ chiều thứ bảy cha Simon lại về giáo xứ, đem theo một số tiền, dâng lễ Chúa nhật, rồi lại đi tiếp tục biểu diễn khắp nơi. Cứ mỗi lần cha Simon trở về lại giáo xứ thì khuôn mặt ngôi làng được biến đổi hơn một chút, nhà nhà cảm thấy vui tươi phấn khởi, nhiều mái ngói đỏ chói mọc lên, nhiều vách tường được xây dựng, nhất là nhà thờ có tiếng hát cầu kinh ngày càng lớn mạnh, sốt sắng.

Sau ba năm, mỗi gia đình đều có được một ngôi nhà ngói khang trang sạch sẽ. Năm thứ tư, trường học đã mọc lên, bệnh xá cũng được tu bổ, thuốc men dồi dào. Không ai còn nhìn ra dáng dấp của ngôi làng cũ nghèo nàn năm xưa. Tâm hồn các Kitô hữu trong giáo xứ đã biến đổi, họ tìm thấy tình yêu Chúa trong con người cha xứ của họ.

NGUỒN: NNLHTĐHV – Trích dẫn: Chương 26 –  DẤN THÂN

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

HY VỌNG VÀ ĐỨC TIN

HY VỌNG VÀ ĐỨC TIN

Ðốt sáng trần gian với ngọn lửa đức tin

Tôi Tớ Chúa ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận

Đức Tin là động lực của Hy Vọng.

Thánh Phanxicô Salêsiô cầu nguyện một mình sốt sắng trước Mình Thánh Chúa trong đêm tối đã nêu gương Đức Tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể cho người ngoại giáo, cũng như Thánh Phêrô Veren đã lấy máu đào của mình viết lên hai chữ “Tôi Tin”. Riêng anh Shirley – một công nhân Công giáo – đã âm thầm sống đức tin trong hảng xưởng, khiến ông giám đốc cảm kích mà theo đạo Công giáo.

Còn Thánh Phaolồ Miki và các bạn tử đạo đã ươm trồng cây Đức Tín cho các tín hữu Nhật Bản trong 200 năm cấm đạo dữ dội, khiến họ kiên trì giúp nhau giữ đạo, mặc dù không có giáo sĩ hướng dẫn.

Riêng Giáo Hội Việt Nam, trong ba trăm năm, Tổ Tiên chúng ta đã anh dũng nêu gương Đức Tin bằng cái chết của trên 130.000 vị Tử Đạo. Các ngài gồm đủ mọi thành phần trong xã hội và chịu đủ mọi cực hình dã man.

Ban Biên Tập

Trong bóng tối giáo đường

(Thánh Phanxicô Salêsiô)

Vào những buổi chiều tà nhà thờ vắng vẻ, thánh Phanxicô Salêsiô thường đến trước Chúa Giêsu Thánh Thể sốt sắng cầu nguyện.

Một hôm đang lúc mãi mê cầu nguyện thì ngài nghe tiếng sột soạt trong bóng tối. Tưởng là kẻ trộm, ngài vụt đứng dậy cất tiếng hỏi: “Ai?” Một bóng lạ mặt tiến đến gần ngài và nói: “Thưa Đức Giám Mục, con không có đạo, con nghe Đức Giám mục giảng về Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng con không tin. Vì thế hôm nay, thừa lúc chiều tối, con lẻn vào nhà thờ, rình xem thử Đức Giám Mục viếng Mình Thánh Chúa như thế nào? Con thú thực: con đã thấy rõ đức tin của Đức Giám Mục. Giờ đây con vững vàng tin…”

Tuyên xưng bằng máu

Đức tin là con mắt thần, là sức mạnh vũ bão. Người có đức tin trông thấy điều mà những kẻ khác không thể trông thấy, làm được những cái kẻ khác không thể làm được.

Khi đứng trước lưỡi gươm trần của tên đao phủ đang đưa lên cao, Thánh Phêrô Veren vẫn hiên ngang tuyên bố: “Tôi tin”. Khi miệng bị chém không thể nói được nữa, ngài vẫn bình tĩnh lấy ngón tay thấm máu đang chảy ràn rụa trên ngực và viết lên mặt đất, nơi ngài sắp gục ngã làm của lễ, hai chữ: “Tôi Tin”.

Đúng như lời Thánh Kinh: “Sự chiến thắng của tôi chính là đức tin kiên vững”.

Đức tin của anh công nhân

Ông giám đốc của một xưởng kỹ nghệ chuyên sản xuất nông cụ, không tin có Thiên Chúa và cũng chẳng tin vào tinh thần trách nhiệm của các công nhân trong xưởng. Sáng hôm ấy, hơn 1000 công nhân trong xưởng nghe nói ông giám đốc đã lên đường đi công tác nơi xa, mà sớm lắm cũng một tháng sau mới trở về, nhưng đến tối ông âm thầm về lại xưởng.

Sáng ngày hôm sau, ông đứng trên văn phòng ở lầu hai quan sát các công nhân làm việc. Bộ mặt thực của mỗi người đều bị lộ: ai ai cũng lười biếng, nhác nhớn, duy chỉ một anh công nhân lúc nào cũng làm việc tận tụy, hăng say. Tên anh là Shirley, người Công giáo duy nhất của xưởng.

Hôm sau các công nhân nghe rằng, ông giám đốc đã hoãn chuyến đi vì trở ngại kỹ thuật! Riêng Shirley, chàng được gọi lên văn phòng:

Anh Shirley, tôi hết lòng khen ngợi anh, anh là một công nhân tốt. Tôi không thấy đức tin của anh, nhưng nhìn qua công việc lao động và thái độ sống của anh, tôi cũng hiểu được phần nào

Mấy tháng sau, các công nhân nghe tin ông giám đốc bắt đầu học giáo lý Công giáo.

Ba câu hỏi của giáo dân Nhật Bản

Giáo hội Nhật Bản rất anh dũng. Họ có nhiều vị Tử Đạo rất oanh liệt, chẳng hạn như Thánh Phaolô Miki và 25 bạn đồng đội đã bị bắt và bị treo trên những cây thập tự giá đối diện với bờ biển trên một chiếc tàu… Tuy phải gia hình đau đớn, Phaolô Miki và các bạn vẫn vui tươi và không ngừng giảng đạo cho những kẻ đến xem. Các Ngài kêu gọi họ ăn năn trở lại, tha thứ cho những ai sỉ nhục và kết án mình.

Thái độ đó khiến nhiều người đến xem điên tiết. Họ lấy giáo đâm chết tu sĩ Miki và các bạn. Hôm ấy là ngày 5.2.1597, ngay giữa một thời kỳ bắt bớ khá gắt gao, nhưng vẫn còn có tính cách địa phương.

Cuộc bắt bớ này, đến năm 1613 thì lan ra khắp mọi nơi và mọi chỗ. Năm đó chiếu chỉ của Daifusanna vừa được ban hành, Giáo Hội Nhật Bản liền rơi vào tình trạng nguy kịch. Dấu hiệu mở màn là cuộc xử tử công khai 50 Đấng Tử Đạo ở Nagasaki ngày 22.9.1622.

Cuộc bách hại trở nên dã man và ác liệt trên đất Kiu-shu vào những năm 1636-1638 sau khi quân sĩ của Shimbara, một viên tướng Công giáo đứng lên bảo vệ đức tin và sinh mạng, bị đánh tan hoàn toàn: gần 35.000 người Công giáo bị giết trong cuộc nổi dậy ấy.

Các vua Nhật tưởng đã diệt được đạo Công giáo tận gốc rể. Bên ngoài, các nước cũng nghĩ rằng đức tin của giáo dân Nhật còn quá non yếu, khó đương đầu nổi cơn bắt đạo gắt gao như vậy, nhất là với chính sách bế quan tỏa cảng của các vua Nhật, chính sách cấm các nhà truyền giáo đặt chân lên đất Phù Tang.

Thế nhưng thực tế lại khác. Vì các Kitô hữu không có linh mục, không Thánh lễ, không thánh đường, đã anh dũng ngoan cường sống đạo tới 200 năm sau, đến khoảng giữa thế kỷ XIX, thời Minh Trị Thiên Hoàng, khi các nhà truyền giáo lại được đặt chân lên đất Nhật.

Sau đây là một chứng tích hùng hồn cụ thể:

Một hôm, cha Petitjean đi đến giảng đạo tại Nagasaki trước mặt một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ toàn là lương dân nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi: “Có ai thắc mắc gì không?” Một người đưa tay chất vấn:

Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời cho chúng tôi có hay không?

Tốt lắm, xin quí vị cứ đặt câu hỏi.

Họ hỏi cha Petitjean: “Các ông có tin Đức Mẹ đồng trinh không? Các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không? Là linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không?”

Cha Petitjean đáp: “”.

Và họ nói: “Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi toàn là Công Giáo cả!”

Cha Petitjean hết sức bàng hoàng, ngạc nhiên, như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm nhau, không cầm được nước mắt vì quá sung sướng cảm động. Nhà truyền giáo hỏi:

Bấy lâu nay có ai giảng dạy cho anh chị em không?

Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi!

Vậy thì sao anh chị em còn sống đạo sốt sắng đến thế?

Thưa Cha, đó là nhờ ông bà Tổ Tiên chúng con truyền lại, sau là nhờ chúng con biết âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết yêu thương đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhưng tại sao anh chị em lại đặt cho cha ba câu hỏi vừa rồi?

Thưa cha, vì ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: sau này có ai đến giảng đạo, chúng con phải cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà đánh giá xem họ có phải là những nhà thừa sai chân chính không. Nay chúng con quá đỗi vui mừng vì các cha đích thực là những người được Hội Thánh sai đến. Chúng con sẽ nghe lời các cha và giữ vững Đức Tin Tổ Tiên chúng con truyền lại.

Đức Tin Tiên Tổ

Suốt ba thế kỷ liền, kể từ năm 1533, Phúc Âm của Chúa đến Việt Nam cùng với Thánh giá Chúa. Biết bao tín hữu Chúa bị lưu đày, bị chiếm đoạt tài sản, lẩn lút sống trong rừng sâu nước độc, cam chịu mọi đau khổ để trung thành với Đức Tin.

Cho đến cuối thế kỷ XIX, người ta có thể tính được trên 130.000 đấng thuộc mọi thành phần đã được diễm phúc Tử Đạo. Trong số đó có 117 vị đã được các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô X và Đức Piô XII phong lên bậc Chân Phước. Và ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã tôn phong các ngài lên bậc Hiển Thánh.

Chúng ta có thể chia ra như sau: Đời Trịnh Doanh: 2 vị.  Đời Trịnh Sâm: 2 vị. Đời Cảnh Thịnh: 2 vị. Đời Minh Mạng: 57 vị. Đời Thiệu Trị: 3 vị. Đời Tự Đức: 51 vị.

Thành phần các Thánh ấy gồm có: 8 Giám mục. 50 Linh mục. 16 Thầy giảng. 1 Chủng sinh. 42 Giáo dân.

Gương sống đạo của Tổ Tiên chúng ta

Đây là chi tiết các khổ hình đã dành cho các ngài như sau: Có những giáo xứ (ở Quảng Trị) bị lính lùa vào nhà thờ rồi chất rơm chung quanh đốt cháy tất cả. Các nữ tu Nhà Dòng Mến Thánh Giá Phan Rang bị vứt xuống giếng và lấp đất chôn sống đi. Có những thiếu nữ Công giáo non yếu bị đưa về Huế phạt gia hiệu, phơi nắng ngày này sang ngày khác rồi chặt một ngón tay trước khi đánh đập và tha về.

Ngoài ra, gương 12 vị Chánh trương, trùm trưởng khắp nơi bị đưa về Huế, giam trên thành Lồi (bức thành người Chàm xưa đắp lên để đánh với người Việt Nam, xa thị xã độ 10 cây số). Các ông phải bứt cỏ nuôi voi cho nhà vua cho đến khi chết dần chết mòn tất cả; nay 12 ngôi mộ của các ông vẫn còn nguyên vẹn dưới chân thành ấy.

Duới đây, xin ghi lại vắn tắt gương sống của một vài vị để soi chiếu cho chúng ta:

– Những vị có chức vụ trong nhà nước hoặc quân đội như: Thánh Micae Hồ Đình Hy làm quan Thái bộc tới Hàm tam phẩm. Thánh Phaolô Tống Viết Bường làm chức Thị vệ. Thánh Phanxicó Trần Văn TrungThánh Giuse Lê Đăng Thị làm cai đội. Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ là một lý trưởng gương mẫu liêm khiết.

Các vị này là những công dân tận tụy với chức vụ, trung thành với Tổ quốc và nhân dân, nhưng chỉ vì không bỏ đạo mà phải chịu án tử hình.

– Những giáo dân lãnh trách nhiệm tông đồ trong hội đồng giáo xứ như: Thánh Giuse Nguyễn Vân LưuThánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, Thánh Antôn Nguyễn ĐíchThánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng.

– Một phụ nữ Công giáo Việt Nam đã anh dũng tuyên xưng đức tin là Thánh Anê Lê Thị Thành.

– Những anh hùng vô danh từ Nam chí Bắc. Đó là các cụ ông, cụ bà trước đây đã bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn rồi bị người ta rạch mặt lấy mực tàu xâm lên trên má hai chữ “Tả đạo” để dù đi đến đâu, nhân dân ai cũng nhận ra đây là những người theo đạo tả; nhưng đối với giáo dân, đây là biểu tượng của Đức Tin kiên cường sáng chói.

“Chúng ta hãy ca tụng những bậc vĩ nhân, những bậc tiền bối của chúng ta”. (Giảng viên 44, 1).

NGUỒN: NHỮNG NGƯỜI LỮ HÀNH TRÊN ĐƯỜNG HY VỌNG (NGLHTĐHV): Trích dẫn: Chương 13 – ĐỨC TIN

Phép Thánh Thể

5 Chiếc Bánh Và 2 Con Cá


4. Chiếc Bánh Thứ Tư

Sức mạnh độc nhất của tôi:

Phép Thánh Thể

Quanh bàn tiệc Thánh Thể được thực hiện và được tỏ bày sự hiệp nhất hài hòa của Hội Thánh, mầu nhiệm hiệp thông truyền giáo, trong đó mọi người nhận thấy mình là con Chúa và là anh chị em trong một đại gia đình. (Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 7)

Trong tù cha có dâng lễ được không?“, đó là câu hỏi mà bao nhiêu lần nhiều người đã hỏi tôi. Và thực sự họ có lý, vì Thánh Thể là kinh nguyện đẹp nhất, là đỉnh cao của cuộc đời Chúa Giêsu. Mỗi khi tôi trả lời “có”, thì tôi đã biết ngay câu hỏi tiếp sau: “Làm sao cha kiếm ra rượu lễ, bánh lễ?

Lúc tôi bị bắt, tôi phải đi ngay và đi tay không. Hôm sau tôi được phép viết về nhà để xin đồ cần dùng nhất như áo quần, kem đánh răng, v.v… Hàng đầu tiên, tôi viết: “Xin gửi cho tôi ít rượu thuốc trị bịnh đường ruột“. Bên ngoài, giáo dân hiểu ngay. Hôm sau, ông trưởng ban chấp pháp cầm đến một ve nhỏ bên ngoài có dán giấy đề chữ “thuốc trị bịnh đường ruột” và bánh lễ xé nhỏ bỏ trong một cái lọ chống ẩm, ông ta hỏi:

– Ông có bị bịnh đường ruột không?

– Có.

– Ðây là thuốc bên ngoài gửi vào cho ông!

Không bao giờ tôi vui bằng hôm đó: từ đấy mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi dâng thánh lễ.

Tuy nhiên cách dâng lễ mỗi nơi mỗi khác. Dưới hầm tàu thủy chở tôi ra miền Bắc, ban đêm tôi ngồi giữa mấy bạn tù, bàn thờ là túi cói đựng đồ, dâng lễ thánh Phanxicô quan thầy của tôi và cho các bạn chịu lễ. Lúc ở trại Vĩnh Quang tôi phải dâng lễ trong góc cửa ban sáng lúc người ta đi tắm sau giờ thể dục. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50 cm, đầu đụng nhau, chân quay ra ngoài. Chúng tôi đã tự thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi. Ðến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi người phải nằm trong mùng muỗi cá nhân; tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi đưa tay dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi. Chúng tôi tin một sức mạnh: Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống, “Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào” (Ga 10, 10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Ðất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (Ga 6, 53).

Mỗi tuần, sáng thứ Sáu có một buổi học tập, tất cả 250 anh em phải tham dự. Ðến lúc xả hơi, các bạn Công giáo thừa dịp đó mang các túi nylon đựng Mình Thánh đến chia cho bốn đội kia, mỗi người thay nhau mang trong túi áo một ngày.

Ai cũng biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng. Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều anh em không Công giáo, Phật giáo tìm hiểu Phúc âm và lãnh phép Thánh tẩy trong trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do. Không có gì cưỡng lại được tình yêu Chúa Giêsu. Ðêm tối của ngục tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất đang lúc trời giông tố phong ba. Những ơn trọng này do Chúa Giêsu Thánh Thể chứ không phải do sức loài người.

Trong chín năm biệt giam, tôi dâng lễ một mình lúc 3 giờ chiều, giờ Chúa Giêsu hấp hối trên Thánh giá. Tôi ở một mình nên có thể hát tiếng Latinh, tiếng Việt, tiếng Pháp… Tôi luôn mang Mình Thánh trong mình “như Cha ở trong con và con ở trong Cha”.

Ðó là những thánh lễ đẹp nhất của đời tôi. Kinh Lauda Sion, Pange Lingua, Adoro Te, Te Deum và nhiều kinh Việt ngữ, mặc cho tiếng loa trước cửa từ 5 giờ sáng đến 11 giờ rưỡi đêm. Tôi cảm nghiệm cách đặc biệt một sự bình an, một niềm vui trong tâm hồn vì Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và thánh Giuse ở với tôi. Tôi hát Salve Regina, Salve Mater, Regina Coeli, v.v… hiệp với toàn thể Hội thánh. Mặc cho Hội thánh bị vu cáo, chống đối, tôi hát “Này con là đá… Ta hãy nguyện xin cho Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô”…

Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng dân chúng theo Người trên sa mạc; trong phép Thánh Thể Chúa Giêsu tiếp tục làm của ăn ban sự sống muôn đời.

Mỗi lúc dâng lễ, đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại lời “giao ước mới, giao ước vĩnh cửu” với Chúa Giêsu. Không phải để sống an nhàn, nhưng để bắt đầu một cuộc cách mạng, đổi mới nhân loại, được máu Chúa cứu chuộc, sống xứng đáng phẩm giá con Thiên Chúa, trong văn hóa của tình thương và sự sống.

Trong Thánh Thể chúng tôi loan truyền sự chết của Chúa Giêsu và tuyên xưng sự sống lại của Ngài. Có lúc buồn nản vô cùng, tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên Thánh giá: Ngài không giảng dạy, thăm viếng, chữa lành bệnh tật; Ngài hoàn toàn bất động. Ðối với con mắt loài người, cuộc đời Chúa Giêsu là vô ích, là thất bại. Nhưng đối với đôi mắt Thiên Chúa, chính giây phút ấy lại là giây phút quan trọng nhất của đời Ngài, vì trên Thánh giá Ngài đã đổ máu mình để cứu chuộc nhân loại.

Chúa Giêsu là mẫu gương của tình yêu tuyệt đối với Ðức Chúa Cha và các linh hồn. Ngài đã cho tất cả, yêu thương đến cùng (Ga 13, 1), cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng và nói lên tiếng “hoàn tất” (Ga 19, 30).

Khi nhìn thấy đoàn lũ theo Ngài, Ngài nói: “Tôi thương xót dân này” (Mt 15, 32). Ngài đã làm phép lạ cho bánh và cá hóa nhiều để nuôi họ. Ðây là dấu hiệu loan báo phép Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập về sau.

Các bạn trẻ thân mến,

Mời các bạn nghe lời Ðức Thánh Cha: Chúa Giêsu sống giữa chúng ta, trong phép Thánh lễ; giữa những sự bất trắc, những hoang mang trong cuộc đời mỗi ngày, các bạn hãy noi gương hai môn đệ trên đường về Emmau… Hãy cầu xin Chúa Giêsu, để dọc các nẻo đường về bao nhiêu xóm nhỏ Emmau của thời đại ta, Ngài ở lại với các bạn. Ngài phải là sức mạnh của các bạn, là trung tâm của các bạn, là hy vọng trường cửu của các bạn. (Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 7)

Biệt giam tại trại Phú Khánh, Nha Trang,

1-9-1976

Lễ các Thánh Tử Ðạo Việt Nam

5 Chiếc Bánh Và 2 Con Cá

Chào Bạn.

“5 Chiếc Bánh & 2 Con Cá” là quyển hồi ký của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, người mà giáo hội đang mở án phong thánh. Quyển sách gồm 07 chương, Bạn sẽ nhận được 07 mail trong vòng 07 ngày là xong cuốn sách.

Thân chào.

—►◄—

5 Chiếc Bánh Và 2 Con Cá


1. Chiếc Bánh Thứ Nhất

Sống Phút Hiện Tại

Các bạn có thể gặp Chúa Giêsu, dọc theo những nẻo đường của cuộc sống mỗi ngày!… Ðây là chiều kích nền tảng của sự gặp gỡ đó: Không phải các bạn gặp một biến cố hay một sự vật gì đó, nhưng các bạn gặp một con người, đó là Thiên Chúa hằng sống. (Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 1)

Tên tôi là Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, người Việt Nam. Ðối với người ngoại quốc tên tôi khó đọc, nên ở Tanjania, Nigeria, Ðại Hàn, Ðài Loan, các bạn trẻ gọi tôi là “Bác Francis” (Uncle Francis) hay đơn giản hơn nữa là “Francis!”

Ðến 23-4-1975 tôi làm Giám mục đã được tám năm, tại Nha Trang, Trung phần Việt Nam, Giáo phận đầu tiên Tòa Thánh trao phó cho tôi. Tôi đã sống những ngày tháng hạnh phúc ở đó và Nha Trang vẫn chiếm một chỗ đặc biệt trong quả tim tôi. Ngày 23-4-1975, Ðức Phaolô VI đã đặt tôi làm Tổng Giám mục phó Sàigòn. Khi cộng sản đến Sàigòn, họ đã bảo rằng: “Việc bổ nhiệm một Giám mục một tuần trước khi chúng tôi đến Sàigòn là một âm mưu giữa Vatican và đế quốc, nhằm tổ chức chống cộng sau này”.

Ba tháng sau, ngày 15-8-1975, tôi được mời vào Dinh Ðộc lập lúc 2 giờ chiều và bị bắt ở đó.

Ðêm đó, trên đường dài 450 km, xe công an chở tôi về nơi quản thúc. Bao nhiêu tâm tình lẫn lộn trong đầu óc tôi: lo lắng có, cô đơn có, mệt mỏi có, sau mấy tháng căng thẳng… nhưng trong trí tôi, một quyết định sáng tỏ đã đánh tan mây mù. Tôi nhớ lời Ðức Cha John Walsh, một Giám mục truyền giáo gốc Mỹ, đã nói lúc ngài được tự do sau 12 năm tù ở Trung cộng: “Tôi đã mất nữa đời người để chờ đợi”. Rất đúng! tất cả mọi tù nhân, trong đó có tôi, phút giây nào cũng mong đợi tự do. Suy nghĩ kỹ, trên chiếc xe Toyota trắng, tôi đã đặt cho mình một quyết định: “Tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương”.

Ðây không phải là một cảm hứng đột xuất, nhưng là một xác tín đã ấp ủ suốt quãng đời mãi từ tiểu chủng viện: “Nếu tôi mất giờ đợi chờ, không làm gì hết, biết đâu những điều tôi đợi sẽ không bao giờ đến. Chỉ có một điều, dù không đợi cũng vẫn đến, đó là sự chết!”

Trong làng Cây Vông, nơi tôi bị quản thúc, ngày đêm có nhân viên an ninh chìm nổi theo dõi. Trong óc một tư tưởng không ngừng làm tôi xót xa, thao thức: “Giáo dân của tôi! một đoàn chiên hoang mang, giữa bao hiểm nguy, thách đố của một giai đoạn lịch sử mới. Làm sao tôi có thể gần gủi, liên lạc với họ, trong giai đoạn họ cần đến người mục tử nhất! Các nhà sách Công giáo bị đóng cửa, trường học Công giáo do Nhà nước quản lý, tôn giáo sẽ không còn được dạy dỗ trong các trường nữa; các linh mục, sư huynh, nữ tu có khả năng phải đi ra thôn quê, đi nông trường lao động, không được dạy học nữa! Sự xa lìa giáo dân là một cú “sốc” giày vò tan nát quả tim tôi.

Tôi không đợi chờ. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Nhưng làm thế nào?

Một đêm, một tia sáng đến với tôi: “Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù, không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Ðơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?”

Sáng hôm sau, vừa mới tinh sương, giữa tháng 10 năm 1975, tôi làm hiệu cho một cậu bé 7 tuổi, tên Quang, vừa đi lễ 5 giờ ra, trời còn mù và lạnh: “Quang! con về nói má con mua cho ông mấy “bloc” lịch cũ, ông cần dùng”. Chiều tối, chú bé mang lại mấy “bloc” lịch cũ. Thế là mỗi đêm trong tháng 10 và tháng 11, 1975, tôi đã đóng hết cửa, lấy giấy xi-măng dán bên trong và viết “Sứ điệp từ ngục tù” cho giáo dân của tôi, dưới ánh đèn dầu leo lét, mặc cho muỗi tha hồ đốt. Mỗi sáng thực sớm tôi trao cho bé Quang, mấy tờ lịch tôi đã viết sau lưng, mang về cho anh, chị của Quang chép lại kẻo mất. Nếu để trên bàn tôi, “ông An” (một giáo dân) thấy sẽ sinh tai họa. Ðấy là đầu đuôi sách “Ðường Hy Vọng”, sứ điệp lao tù thành hình là như thế. Hiện nay sách đã được xuất bản bằng tám thứ tiếng.

Chúa đã ban ơn cho tôi có nghị lực để tiếp tục làm việc, kể cả những lúc chán nản nhất. Tôi đã viết đêm ngày trong một tháng rưỡi, vì tôi sẽ bị “chuyển trại” và không có điều kiện hoàn tất được. Lúc viết đến số 1001 tôi quyết dừng lại, xem đây như công trình “nghìn lẻ một đêm”. Ngày 8-12-1975, lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Tội, tôi đã tạ ơn Ðức Mẹ cho tôi viết xong “Ðường Hy Vọng” và trao trong tay Ðức Mẹ gìn giữ, đó là của Ðức Mẹ, nhờ ơn của Ðức Mẹ, xin Ðức Mẹ tiếp tục lo liệu. Ðoán vậy mà không sai, đến ngày 18-3-1976, tôi bị đưa vào trại Phú Khánh, biệt giam vất vả nhất.

Năm 1980, lúc bị đưa ra quản thúc ở Giang Xá, Bắc Việt, tôi đã tiếp tục viết mỗi đêm trong bí mật cuốn thứ hai, “Ðường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng Vatican II”, cuốn thứ ba, “Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng”.

Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương.

Trong Phúc âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn”… Nhưng Chúa Giêsu muốn hành động trong phút hiện tại: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Lc 9, 1). Trên thánh giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đàng” (Lc 23, 42-43). Trong tiếng “hôm nay” của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài.

Cha Maximiliano Kolbe sống tinh thần ấy khi ngài khuyên các tập sinh trong dòng: “Tất cả, tuyệt đối, không điều kiện”. Tôi đã nghe Ðức Cha Helder Camara nói: “Cả cuộc đời là học yêu thương”. Một lần Mẹ Têrêxa Calcutta gửi thư cho tôi, Mẹ viết: “Ðiều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc”.

Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là “đẹp nhất” của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi : tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa…

Tôi đã viết trong sách Ðường Hy Vọng: “Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (x Mt 6, 34; Gc 4, 13-15). Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó (ÐHV 997).

Các bạn trẻ thân mến, trong thời đại này, Chúa Giêsu cần đến các bạn. Ðức Gioan Phaolô II tha thiết kêu gọi các bạn hãy đương đầu với những thách đố của thế giới hôm nay:

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đầy biến chuyển kinh khủng. Những lý thuyết được xem là đủ sức thi gan cùng tuế nguyệt nay đã đến lúc xế chiều. Trên hoàn cầu, cần phải phác họa lại ranh giới của nhiều quốc gia. Nhân loại tự cảm thấy mình rất lúng túng, hốt hoảng, lo lắng (Mt 9, 36). Nhưng lời Chúa không bao giờ qua đi; đọc lại lịch sử, chúng ta thấy bao nhiêu biến cố thăng trầm, đang lúc ấy lời Chúa đứng vững và chiếu sáng (Mt 24, 35). Ðức tin của Hội thánh được xây dựng trên Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu thế độc nhất: hôm qua hôm nay và mãi mãi (Eb 13, 18). (Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 2)

Cây Vông, Nha Trang

nơi tôi bị quản thúc

16-8-1975, hôm sau lễ Ðức Mẹ Lên Trời.

CẢI TẠO NGƯỢC

CẢI TẠO NGƯỢC

Trích EPHATA  634

Dưới đây là một trích đoạn trả lời phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Đức với đài RFA:

“Tôi đã từng làm trong Phòng Tôn Giáo của Bộ Công An. Trong Phòng ấy người ta có “đối sách” về Đức Cha mà sau này là Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Ông bị chuyển đổi từ miền Nam ra với cái tội rất to là vì ông là cháu của Ngô Đình Diệm và trở về Sàigòn làm Phó Tổng Giám Mục theo ý là lót ổ để lên Tổng Giám Mục.

Và ông cứ thế bị chuyển ra ngoài Bắc. Trong thời gian ông ấy bị cầm cố ở Hà Nội ( có nghĩa là không ở tù ) tức là được giữ trong mật viện. Có một đội trông ông ta, nhưng tôi là một cán bộ cũng khá lâu năm, một sĩ quan khá lâu năm nên tôi đề nghị để tôi ra học tiếng Pháp với cha, trên tinh thần là luyện tiếng Pháp chứ không phải để trông cha. Cụ thể là như thế…

Sau khi học tiếng Pháp với ngài thì tôi cảm nhiễm tinh thần của Đức Cha. Sau này thì tôi thôi việc, lý do là sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn tôi không còn muốn làm công an nữa, vì tôi làm ở Cục Chống Phản Động nên biết dễ phải đi đàn áp và tôi đã xin chuyển ngành nhưng không được, tôi xin thôi việc cũng không cho. Tôi vẫn cứ bỏ việc.

Sau khi vào Sàigòn tôi làm cho dầu khí Việt Nam. Tôi có đi một số các Nhà Thờ, Nhà Thờ trung tâm Đức Bà, Nhà Thờ Kỳ Đồng… Sau khi ra Hà Nội thì tôi được mặc khải trong một giấc mơ là tôi đi Nhà Thờ và tôi có rửa tội.

Đúng đêm tôi rửa tội ở Nhà Thờ lớn thì cha Ngân, bây giờ trở thành Giám Mục, bảo với cha Hùng, hiện nay đang học bên Ý hay bên Pháp gì đấy, mời tôi viết diễn giải về Đức Tin, và tôi có viết bài “Con đường Đức Tin qua cây cầu FX. Nguyễn Văn Thuận”. Bài này đã gởi qua Tòa Thánh và nằm trong hồ sơ và đã được cha Sỹ đang ở Việt Nam xin đưa chữ ký vào những bản dịch khoảng 4, 5 thứ tiếng. Tôi hiểu là việc phong Thánh cần phải có phép lạ. Phép lạ thứ nhất là Đức Tin. Phép lạ thứ hai là chữa bệnh. Phép lạ thứ ba là mồ mả phát. Tôi là một trong những phép lạ về Đức Tin.”

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC – RFA link

Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức nguyên là công an, từng học tiếng Pháp với Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Anh đã viết một chuyên luận về: “Hành trình Đức Tin qua cây cầu FX. Nguyễn Văn Thuận” để mô tả lại quá trình biến đổi tình cảm, tâm lý và đến với Chúa của anh. Tài liệu đó hiện đang được Bộ Phong Thánh ở Roma lưu giữ xem như một phép lạ Đức Tin.

Được Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình Tòa Thánh Vatican mời qua Rôma làm chứng về Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận nhân dịp lễ kết thúc điều tra phong Chân Phúc cấp Giáo Phận. Ngày 2.7.2013 anh lên đường sang Rôma, nhưng đã bị công an ngăn chặn và thu hộ chiếu tại sân bay Nội Bài mà không có lý do rõ ràng.

Đức cố Hồng Y sống 13 năm trong ngục tù Cộng Sản, một số sự việc trong đời sống tù đày đã được ngài kể lại trong “Năm chiếc bánh và hai con cá”, tác phẩm được dịch ra 8 thứ tiếng, để phục vụ các tham dự viên ‘Những Ngày Giới Trẻ’ tại Paris năm 1997. Mời bạn đọc xem lại vài trích đoạn sau:

Có lúc Chúa dùng Giáo Dân để dạy tôi cầu nguyện

Thời gian bị quản thúc ở Giang Xá, có ông lão nhà quê, tên là ông quản Kính, từ Giáo Xứ Ðại Ơn lẻn vào thăm tôi. Tôi không bao giờ quên được lời ông khuyên tôi: “Thưa cha, cha không hoạt động tông đồ được thì xin cha cầu nguyện cho Hội Thánh; ở trong tù cha đọc một kinh hơn một nghìn kinh cha đọc lúc ở ngoài tự do !”

Ðức Mẹ còn sử dụng cả người cộng sản để nhắc tôi cầu nguyện

Ông Hải đã từng ở tù, nằm cùng buồng với tôi để mật thám tôi, sau đã thành bạn của tôi. Trước ngày ông ta ra về, ông đã hứa với tôi: “Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách La Vang 3km, tôi sẽ đi La Vang cầu nguyện cho anh”.

Tôi tin lòng thành thật của anh bạn, nhưng tôi hoài nghi làm sao một người cộng sản mà đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho tôi ! Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi đã được một bức thư của ông Hải, lạ lùng thật ! Lạ hơn nữa là lời lẽ của ông như sau: “Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi Chủ Nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Ðức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập Nhà Thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này: Thưa Ðức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Ðức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”.

Tôi hết sức cảm động. Tôi đọc đi đọc lại rồi đặt thư xuống nhắm mắt lại: “Lạy Mẹ, Mẹ đã dùng anh cộng sản này để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con mới còn sống đây !” ( Ảnh chụp Đức Hồng Y Thuận và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tại Roma )

Ở trại giam Phú Khánh, một đêm tôi đau quá, thấy một người gác đi qua, tôi kêu: “Tôi đau quá, xin anh thương tình cho tôi thuốc !” Anh ta đáp: “Ở đây chẳng có thương yêu gì cả, chỉ có trách nhiệm“.

Ðó là bầu khí chúng tôi ở trong tù.

Lúc tôi bị biệt giam, trước tiên người ta trao cho năm người gác tôi: đêm ngày có hai anh trực. Cứ hai tuần đổi một tổ mới, để khỏi bị tôi làm nhiễm độc. Một thời gian sau không thay nữa, vì “cấp trên” nói: “Nếu cứ thay riết thì sở công an bị nhiễm độc hết !”

Thực thế, để tránh nhiễm độc, mấy anh không nói với tôi, họ chỉ trả lời “có” hoặc “không”. Họ tránh nói chuyện với tôi. Buồn quá ! Tôi muốn lịch sự vui vẻ với họ, họ vẫn lạnh lùng. Phải chăng họ ghét “cái mác phản động” nơi tôi: Tất cả áo quần đều đóng dấu hai chữ lớn “cải tạo”, kể từ ngày bước chân vào trại Vĩnh Quang ở Bắc Việt.

Tôi phải làm thế nào ?

Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi: “Tại sao con dại thế ? Con còn giàu lắm: Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con”.

Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói… Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Ðức, Úc, Áo, v.v… Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời…

Dần dần chúng tôi trở thành bạn. Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp… tôi giúp họ. Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi ! Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa họ với tôi tốt đẹp hơn. Thậm chí cả những ông xếp công an, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gửi anh khác đến học.

Tôi sống theo lời Chúa Giêsu dạy: “Ðiều gì con làm cho một người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta”. Khi nào có hai hay ba người hợp nhau vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”.

Hát kinh “Veni Creator”

Một hôm một ông xếp hỏi tôi:

– Ông nghĩ thế nào về tờ tuần báo “Người Công Giáo” ?

– Nếu viết đúng cả nội dung cả hình thức thì có lợi; nếu ngược lại thì không thêm đoàn kết, lại còn thêm chia rẽ, bất lợi cho cả người Công Giáo và cho cả nhà nước.

– Làm thế nào cải thiện tình trạng ấy ?

– Những cán bộ phụ trách về tôn giáo phải hiểu đúng mỗi tôn giáo thì việc đối thoại, tiếp xúc các chức sắc mỗi tôn giáo cũng như các tín hữu mới có tính cách xây dựng, tích cực và tạo nên thông cảm giữa đôi bên.

– Ông có thể giúp được không ?

– Nếu các vị muốn, tôi có thể viết một cuốn Lexicon ( từ điển bỏ túi ) gồm những danh từ thông dụng nhất trong tôn giáo, từ A đến Z, chừng nào các vị có giờ rảnh, tôi sẽ giải thích rõ ràng, khách quan. Hy vọng các vị có thể hiểu lịch sử, cơ cấu, sự phát triển và hoạt động của Giáo Hội…

Họ đã trao giấy mực cho tôi, tôi đã viết cuốn “lexicon” đó, bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Latinh, Tây Ban Nha, và Trung Quốc với phần giải thích bằng Việt ngữ. Dần dà tôi có cơ hội giải thích hoặc giải đáp thắc mắc, tôi chấp nhận làm sáng tỏ những chỉ trích về Giáo Hội. “Lexicon” ấy trở thành một cuốn giáo lý thực hành.

Ai cũng muốn biết Viện Phụ là gì, Thượng Phụ là gì, Công Giáo khác Anh Giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo chỗ nào ? Tài chánh của Tòa Thánh từ đâu mà có ? Có bao nhiêu tu sĩ, giáo dân làm việc trong giáo triều, huấn luyện Tu Sĩ, Giáo Sĩ thế nào ? Giáo Hội phục vụ nhân loại thế nào ? Tại sao Giáo Hội gồm có nhiều dân tộc, sống qua nhiều thời đại cũng bị bắt bớ, tiêu diệt, cũng mang nhiều khuyết điểm mà vẫn tồn tại ? Ngang đây là đến biên giới của siêu nhiên, của sự quan phòng của Thiên Chúa… Cuộc đối thoại từ A đến Z giúp xóa tan một số hiểu lầm, một số thành kiến, có những lúc trở nên thú vị và hấp dẫn. Tôi tin tưởng có nhiều người cởi mở, muốn tìm hiểu và với những biến chuyển trong thời đại ta, đã có những tầm nhìn mới mẻ và xây dựng.

Thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, tôi được biết có 20 chiến sĩ nam nữ trẻ học tiếng Latinh với một cựu Tu Sĩ, để có thể đọc các tài liệu của Giáo Hội. Trong số mấy anh gác tôi có hai anh trong nhóm học Latinh. Trông thấy bài vở, tôi nhận thấy họ học tốt. Một hôm, một trong hai anh ấy hỏi tôi:

– Ông có thể dạy tôi một bài hát tiếng Latinh không ?

– Có nhiều bài hay tuyệt, nhưng biết anh thích bài nào ?

– Ông hát cho tôi nghe, tôi sẽ chọn.

Tôi đã hát Salve Regina, Veni Creator, Ave Maris Stella… Các bạn biết anh ta chọn bài nào không ? Anh ta chọn bài Veni Creator ( Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm… ). Tôi đã chép trọn cả bài cho anh ta và anh ta học thuộc lòng. Mỗi sáng quãng 7 giờ, tôi nghe anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước vừa tắm vừa hát: Veni Creator Spiritus… Tôi rất cảm động, làm sao mỗi sáng trong nhà tù cộng sản lại có một cán bộ hát kinh “Veni Creator” cho mình nghe !

Nguồn: Diễn Đàn Người Giáo Dân

Phép Lạ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận

Phép Lạ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận

(báo Công Giáo CNA đã đăng chi tiết 12-11-2010)

Được khỏi bệnh nhờ cầu nguyện xin ơn với ĐHY Nguyễn Văn Thuận

Ngày 12 tháng 11 năm 2010, đài EWTN và báo điện tử Công Giáo CNA đã đăng chi tiết về phép lạ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận tại Denver, Colorado như sau:

Các bác sĩ đã tuyên bố anh Joseph Nguyễn đã chết sau khi tim của anh ngừng đập và chấn đồ não hòan tòan ngưng chạy. Nhưng trong khi họ đang viết giấy chứng tử thì gia đình của anh đã cất lời kinh kêu cầu lên ĐHY Nguyễn Văn Thuận. Được biết cố ĐHY Nguyễn Văn Thuận là một tôi tớ Chúa đang được cứu xét trong lịch trình phong thánh tại Roma.

Ngày hôm nay thì anh Joseph Nguyễn đã trở lại chủng viện để tiếp tục chương trình học làm linh mục. Khi nhìn tờ giấy chứng tử của chính mình bây giờ đã đóng dấu “VOID” (Vô Hiệu), sau 32 ngày hôn mê, anh chỉ có thể kể lại hai biến cố trong khỏang thời gian dài mà anh mô tả như là một “Giấc ngủ tuyệt vời.”

Thoi thóp trên giừơng bệnh giữa cái sống và cái chết kéo dài nhiều tuần lễ trong năm 2009, anh Joseph chỉ nhớ lại đã được gặp Đức Hồng Y François Xavier Nguyễn Văn Thuận hai lần.

Vị Hồng Y đáng tôn kính người Việt Nam này đã qua đời năm 2002. Năm 2007 Ngài được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nhắc nhở tới trong thông điệp “Spe Salvi” (Niềm Hy Vọng Cứu Rỗi), trong đó gương chứng nhân của 13 năm tù đày của ngài đã được đề cao. Tháng 10 vừa qua, Vatican đã bắt đầu thủ tục điều tra phong Thánh cho Ngài.

Mặc dù anh Joseph Nguyễn chưa bao giờ gặp mặt ĐHY, nhưng gia đình anh đã biết ngài từ khi ngài còn là một linh mục thuờng. Cha của anh là người khá thân thiết với ĐHY, coi ngài như là một ‘người nhà’.

Khi ĐHY trở thành Tổng Giám Mục Saigon thì mối liên hệ với gia đình anh càng trở nên thắm thiết hơn và sau khi ngài trở thành một tù nhân của chế độ Cộng Sản thì ông nội của anh cũng đã từng bị giam chung với đức Tổng một thời gian.

Năm 1975, gia đình anh Joseph Nguyễn di cư tới Hoa Kỳ, và anh Joseph đã được sinh ra ở đây.

Anh Joseph được kể nhiều về cuộc sống anh hùng của cố ĐHY Nguyễn Văn Thuận và trân quí thông điệp hòa bình và hy vọng của Ngài. Nhưng anh không bao giờ tưởng tượng là anh sẽ phải mô tả chi tiết về cuộc sống riêng của mình, và cái kinh nghiệm của sự chết gần kề, cho các nhà điều tra của ủy ban phong thánh.

Sự thể khởi đầu vào tháng Tám năm 2009, lúc đó Joseph đang học năm thứ 3 tại chủng viện. Anh được giao việc thăm viếng và đưa Mình Thánh cho các bệnh nhân tại các bệnh viện. Vào đầu mùa Thu thì anh bắt đầu có vài triệu chứng bị cúm. Nhưng cơn bệnh trở nên trầm trọng,và anh xin nghỉ để về nhà dưỡng bệnh.

Trong cuộc phỏng vấn với CNA, anh kể lại: “Tôi nhớ đó là ngày 01 tháng mười, tôi không hiễu tại sao mà mình không thở được.” Cha anh chở anh đến bệnh viện, anh còn tỉnh táo để làm thủ tục nhập viện, nhưng sau đó thì không còn nhớ gì nữa.

Anh chỉ được nghe kể lại về những gì đã xảy ra trong ngày anh chết, biết rằng cha mẹ của anh vẫn không mất hy vọng và cầu nguyện nhiệt thành với ĐHY Nguyễn Văn Thuận. Anh cũng nghe kể rằng trong ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, trong lúc hôn mê, anh bắt đầu dứt bỏ các ống truyền nước khỏi mình một cách hung bạo cho tới khi cha của anh đặt một chuổi mân Côi vào tay thì anh mới nguôi.

Một lần thứ hai cơ thể của anh cũng đã ngừng sống, nhưng lần này thì người ta đợi chứ không tuyên bố khai tử anh. Tuy nhiên mọi người cũng nghĩ rằng cơ hội phục hồi thì dường như là vô vọng.

Khi Joseph tỉnh lại 32 ngày sau, anh không còn nhớ chi tiết gì về những cơn đau đớn cả. Một bác sĩ giải thích là anh đã bị ‘cúm heo’ H1N1 kèm với bệnh viêm phổi nặng.

Khi bắt đầu nói chuyện được, Joseph cho biết anh đã gặp ĐHY Thuận 2 lần.

“Trong thời gian hôn mê của tôi, tôi chỉ nhớ có hai điều, ” anh nói.”Hai điều duy nhất tôi nhớ là hai lần thấy Đức Hồng Y Thuận hiện ra… ĐHY đã hiện ra với tôi hai lần.”

Joseph nói rằng anh không chỉ nhìn thấy Ngài mà thôi, nhưng với những tình tiết sống động mà anh mô tả về “lúc linh hồn rời khỏi xác”, anh đã thực sự gặp gỡ và nói chuyện với Đức Hồng Y. Mặc dù anh không thể tiết lộ chi tiết của câu chuyện, anh nghĩ hai lần ấy đã xảy ra trong lúc mà các bác sĩ quan sát thấy các hoạt động của não và cơ thể của anh ngưng họat động.

“Sau lần gặp gỡ thứ hai với ĐHY”, anh nói, “Thì tôi tỉnh dậy.” Anh hòan tòan “không có ý tưởng về những gì đã xảy ra,” hay tại sao anh đã “có những ống dây cuốn chằng chịt khắp người”, đặc biệt là các ống ở cổ làm anh không nói được.

Các bác sĩ đã nghĩ rằng anh cần phải mất nhiều tháng hoặc có thể là nhiều năm trước khi anh có thể nói, đi, hoặc học lại. Nhưng chỉ trong vài ngày là anh đã nói chuyện và thở bình thường, và các y tá phải lo đi tìm anh khắp nơi quanh cơ sở phục hồi.

Anh cũng bất ngờ được người em gái của ĐHY Nguyễn Văn Thuận đang sống ở bên Canada gọi điện thoại sang, bà đã gửi tặng cho anh ta một chuỗi tràng hạt của ĐHY.

Joseph đã trở lại chủng viện vào đầu học kỳ sau đó, một sự kiện khác xa với việc các bác sĩ chuẩn đóan là anh phải mất hai năm để phục hồi sức khỏe.

Sau đó thì tiếng đồn về phép lạ lan truyền ra, anh Joseph đã cung cấp thông tin cho các nhân viên làm việc cho vụ án phong chân phước của ĐHY tại Roma. Nhưng ngòai việc đóng góp đó, anh chủng sinh trẻ tuổi này bây giờ chỉ nhắm vào một mục tiêu duy nhất trước mặt là chức linh mục. Khi anh trở lại chủng viện, Joseph một lần nữa đã được giao nhiệm vụ phục vụ tại bệnh viện.

Trong khi anh giữ kín đáo về khía cạnh phép lạ của mình, Joseph đã rất nhiệt tình nói chuyện về các công việc hiện tại bệnh viện. Anh cho biết tình trạng hôn mê và kinh nghiệm phục hồi của anh đã giúp anh đem hy vọng và niềm an ủi đến cho bệnh nhân.

Những bệnh nhân này dù không biết về cuộc hội ngộ bí ẩn của anh với một vị thánh, hoặc biết về cuộc sống lại ngoạn mục từ cõi chết của anh. Nhưng điều quan trọng hơn là khi họ nhìn thấy vết sẹo trên cổ họng của anh, họ biết rằng anh hiểu được họ. “Thực là mãn nguyện khi có thể bước vào một căn phòng và nói… Quí ông bà không phải chịu đựng những đau khổ như thế này một mình đâu, bởi vì chính tôi cũng đã trải qua đó… nằm ngay tại giường bệnh như thế này”

Joseph coi những kinh nghiệm của anh đã đem đến một “đức hy vọng” trong lòng của anh và cung cấp cho anh một thông điệp mà anh hy vọng sẽ có thể chia sẻ với những người trong hoàn cảnh tuyệt vọng. “Đó là có một ĐHY Thuận trong cuộc sống”.

Trần Mạnh Trác ……………………………….

http://www.catholicnewsagency.com/news/seminarian-may-owe-his-life-to-cardinal-van-thuans-intercession/

Seminarian may owe his life to Cardinal Van Thuan’s intercession

By Benjamin Mann, Staff Writer CATHOLIC NEWS AGENCY

Seminarian Joseph Nguyen

Denver, Colo., Nov 12, 2010 / 06:30 am (CNA/EWTN News).- Doctors said Joseph Nguyen was dead. His heart rate was dropping beyond recovery, and all brain activity was gone. But while they wrote his death certificate, Joseph’s parents were asking an old family friend for help: a Vietnamese cardinal who is being considered for beatification.

Joseph Nguyen has since re-enrolled in seminary. He’s seen his own death certificate, now stamped “VOID.” He has only two memories of the 32-day coma, which he says felt otherwise like a “great night’s sleep.”

During the weeks that he hovered between life and death in 2009, Joseph says he had two encounters with Cardinal Francois-Xavier Nguyen Van Thuan.

The revered Vietnamese Cardinal died in 2002. In 2007 he received a prominent mention in Pope Benedict XVI’s encyclical “Spe Salvi,” where the Holy Father cited his exemplary Christian witness during his 13 years as a political prisoner. His cause for beatification began in 2007 as well. In October 2010, the Vatican began its own inquiry into his possible sainthood.

Long before anyone thought to declare him a saint, the future cardinal was simply a priest– often celebrating private Masses in the homes of some Vietnamese faithful. Although Joseph Nguyen never met Cardinal Van Thuan during his earthly life, his father’s family knew “Father Van Thuan” quite well. They thought of the priest “almost like a family member.”

That family bond deepened when Cardinal Van Thuan became Archbishop of Saigon, and subsequently a prisoner of the Communist regime.

In 1975, Joseph Nguyen’s parents immigrated from Southeast Asia to the United States, where their son was later born. Joseph knew about Cardinal Van Thuan’s heroic life, and appreciated his message of peace and hope. But the young seminarian never imagined he would be describing details of his own life, and near-death, to investigators for the cardinal’s canonization.

It began in August 2009, during Joseph’s third year in the seminary. He was assigned to hospital work, visiting and counseling the sick, as well as bringing the Eucharist to Catholic patients. Early in the fall, he caught what he thought was only a common seasonal flu. When the illness worsened, he asked for leave from the seminary to recover at home.

“I remember October 1st,” he recounted to CNA. “I had no idea why I was gasping for air.” His father drove him to the hospital, where he checked himself in. But Joseph has no memory of that event, or the emergency tracheotomy he received after losing the ability to breathe.

Later, he would hear about the day he was pronounced dead, while his parents kept hope alive and prayed fervently for Cardinal Van Thuan’s intercession. He would also hear about how, on the feast of Our Lady of the Rosary, while still comatose, he began violently pulling the tubes from his body, stopping only when his father placed a rosary in his hand.

He’d also learn about the second time his body seemed to be shutting down. That time, no one declared his death. They’d already seen one seemingly impossible recovery.

When Joseph awoke, after 32 days, he knew nothing about any of this. A doctor explained he had fallen ill not only with a seasonal flu, but also the H1N1 “Swine Flu,” and severe pneumonia. Friends and family later told him the details of his month in the coma.

But when he could speak again, Joseph had his own story to tell.

“During my coma, there are only two things I remember,” he said. “The only two things I remember are two visions of Cardinal Van Thuan … He appeared to me twice.”

Joseph said he not only saw, but actually met and spoke with Cardinal Van Thuan, during two vivid incidents he described as a “separation of soul and body.” Although he said he couldn’t reveal the details of the ecounters, he did say that he suspected that they occurred while his doctors were observing his loss of brain activity and decline in vital signs.

“Soon after the second visit” with the cardinal, he said, “I woke up from the coma.” He had “no idea what had happened,” or why he had “all these tubes and wires” coming out of his body, particularly the tube in his neck that kept him from speaking.

Doctors thought it would be months or years before he could speak, walk, or study. But within days he was talking and breathing normally, racing his nurses around the rehabilitation room.
He also received an entirely unexpected phone call from Cardinal Van Thuan’s sister in Canada, who ended up giving him one of her brother’s rosaries.

Joseph returned to the seminary at the beginning of the following semester– a far cry from the two years his doctors had advised him to wait.

As others learned about Cardinal Van Thuan’s possible involvement in Joseph’s healing, he ended up providing information to officials working on the cardinal’s cause for beatification in Rome. Apart from that contribution, though, the young seminarian just wants to move forward toward the goal of ordination. When he returned to the seminary, Joseph was assigned once again to hospital duties.

While he was reticent about some potentially miraculous aspects of his healing, Joseph spoke enthusiastically about his current hospital work. He said his coma and recovery experience have allowed him to give hope and comfort to patients.

Those patients don’t need to know about his mysterious meetings with a possible saint, or his breathtaking return from death. What matters more is to see the scar on his throat, and know he understands. “It’s very fulfilling to be able to walk into a room and say … ‘You don’t have to feel this alone, because I’ve been there’ – physically, there, in that hospital bed.”

Joseph recalled that his experiences in the coma instilled “the virtue of hope” in his heart, giving him a message he hopes to share with those in desperate circumstances. “That’s Cardinal Van Thuan in my life,” the future priest reflected.

 

Căn phòng lưu niệm kỷ vật của vị Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận

Căn phòng lưu nim k vt ca v Tôi T Chúa c Hng Y Phanxico Xaviê Nguyn văn Thun


Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Hộp thuốc chữa bệnh

Căn phòng lưu niệm kỷ vật của Vị Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận ở Tu viện Cellitinnen thuộc Tổng giáo phận Köln (Cologne), đã được Đức Hồng Y Gioakim Meisner, Tổng giám mục Cologne làm phép khánh thành hôm 26.10.2013.

Căn phòng kỷ niệm này lưu giữ bảo quản những vật lưu niệm, mà đức cố Hồng Y Phanxico Nguyễn văn Thuận sau khi qua đời đã trối lại cho nhà Dòng. Mối liên hệ của đức cố Hồng Y với nhà Dòng có bề dầy lịch sử từ những năm 50 của thế kỷ trước. Số là khi còn là linh mục trẻ sang du học bên Roma, vào những dịp nghỉ hè, ngài hay sang nhà Dòng Cellitinnen bên Đức để học tiếng Đức cùng giúp việc mục vụ linh hướng dâng Thánh lễ Misa cho nhà Dòng.

Mối dây liên lạc đó đức cố Hồng Y nhà ta luôn quan tâm chăm sóc đều đặn cả sau sau khi trở về quê hương Việt Nam làm giáo sư chủng viện làm giám đốc Chủng viện, làm Cha Chính Tổng giáo phận Huế, làm Giám mục Nha Trang, thời kỳ bị tù giam giữ và thời gian sang sinh sống lưu vong bên Roma cho tới khi đước Chúa gọi trở về đời sau ngày 16.09.2002.

Mối dây liên lạc tình nghĩa con người đó giữa ngài với nhà Dòng thật linh thiêng đạo đức cùng thắm thiết. Chính vì thế, ngài đã trối lại cho nhà Dòng những kỷ vật cá nhân của ngài, như lời cám ơn mối thịnh tình nhà Dòng đã trao tặng ngài từ mấy chục năm qua.

Trong tiến trình Gíao Hội lập dự án phong Á Thánh cho ngài, nhà Dòng đã dành một căn phòng 40 mét vuông chỉ để trưng bày trong tủ kính bảo quản những di vật của Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận đã để lại.

Căn phòng này không chỉ để tôn vinh Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận, nhưng còn hơn thế nữa. Đến thăm căn phòng kỷ vật này, người hành hương còn học hỏi được gương sống nhân đức của vị Tôi Tớ Chúa còn lưu lại qua chứng từ những vật dụng ngài đã dùng để thờ phượng kính mến Chúa.

Một di vật qúi báu không phải chỉ theo khía cạnh lịch sử, nhưng ẩn chứa thâm sâu lòng đạo đức của ngài là chiếc hộp với hai lọ hộp dầu cù là đựng rựơu lễ, chiếc khăn lễ, chiếc muỗm, mà thân nhân gia đình ngày xưa gửi vào nhà tù tiếp tế nuôi ngài.

Năm 2000 trong tuần tĩnh tâm mùa chay cho Giáo triều Roma với Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đệ nhị, mà bây là Á Thánh và ngày 27.04.2014 sắp tới sẽ được tôn phong lên bậc Hiển Thánh, ngài đã giảng nói về những chiếc hộp thăm nuôi đó như sau. „ Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã sống giờ phút tột đỉnh trong cuộc đời trần thế của Ngài: món qùa tuyệt vời biểu lộ tình yêu đối với Chúa Cha và với chúng ta được bày tỏ qua hy tế trao ban chính Mình và Máu Ngài.

Chúa để lại cho chúng ta giờ phút tột đỉnh ấy để tưởng niệm Ngài, chứ không phải giờ phút khác, cho dù giờ phút đó có chói sáng rạng ngời thế nào đi nữa, như lúc Chúa hiển linh hoặc một trong những phép lạ của Ngài. Nghĩa là Ngài để lại trong Hội Thánh sự hiện diện tưởng niệm của giờ phút tột đỉnh của tình yêu thương và đau khổ trên thập gía mà Chúa Cha đã biến nó thành vĩnh cửu và để sống nhờ Ngài, để sống và chết như Ngài.

Chúa Giêsu muốn Hội Thánh tưởng niệm Ngài và sống những tâm tình cũng như những đòi hỏi của việc tưởng niệm ấy qua sự hiện diện sinh động của Ngài. „ Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy“ ( cf 1 Cr 11,24)

Trở lại kinh nghiệm của tôi. Khi bị bắt, tôi phải đi tay không, đi ngay lập tức. Ngày hôm sau, tôi được phép viết cho những người thân để xin những thứ cần thiết nhất như quần áo, kem đánh răng…Tôi viết:“ Xin vui lòng gửi cho tôi một chút rượu thuốc để chữa bệnh đường ruột“. Các tín hữu hiểu ngay. Họ gửi cho tôi mội chai nhỏ đựng rượu lễ, bên ngoài có ghi „ thuốc chữa bệnh đường ruột“, còn bánh lễ thì họ giấu trong một ống nhỏ chống ẩm thấp.

Giám thị hỏi tôi:

– „ Ông bị bệnh đường ruột_

– Phải.

– Đây, có ít thuốc cho ông đây.“

Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ, và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ chính tòa của tôi.

Đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi: „ Thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sự sống trong Chúa Giêsu“ , như Thánh I-Nha-xiô thánh Antiokia đã nói.

Mỗi làn như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào Thập gía với Chúa Giêsu và cùng với Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi.“ ( Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma, mùa chay 12.- 18. tháng Ba năm toàn xá 2000, Dân Chúa Âu châu 2001, trang 166 )

Những di vật lịch sử của người tù Tổng Giám mục Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận hiện còn được lưu để cho tham quan cùng học nhớ đến gương sống đức tin vào Chúa của một chứng nhân niềm hy vọng trong căn phòng kỷ niệm ở nhà Dòng Cellitinnen, Koeln.

„ Con phải cố gắng không ngừng để mỗi ngày con đổi mới, để máy thu thanh của thế gian bắt được làn sóng Tin Mừng do con phát âm, đem tiếng con vào tận mỗi tâm hồn, mỗi gia đình. Con hãy nên người của thời đại.“ ( Phanxico Nguyễn văn Thuận, Đường hy vọng số 661.)

Địa chỉ liên lạc tới thăm Căn phòng

Stiftung der Celittinen zur hl. Maria

Graseggerstrasse 105

50737 Koeln- Longerich

Tel. 0049 (0) 221-974514-51

Herr Diakon W. Allhorn: 0221- 97451420

Email: info@cellitinnen.de

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Linh đạo của người tù Giám mục Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận.

Linh đạo của người tù Giám mục Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

3/1/2014

Trong căn phòng lưu giữ những kỷ vật của Tôi Tớ Chúa cố Hồng Y Phanxico Nguyễn văn Thuận có cuốn sách mỏng cũ kỹ bản in lần thứ nhất: Năm chiếc bánh và hai con cá. Tập sách mỏng này do người tù Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận trong suy tư cầu nguyện đã được Chúa soi sáng viết ra thành chữ nghĩa trong nhà tù ở Cây Vông, Phú Khánh, ngày 08.12 1975. Nội dung những suy niệm của người tù trong hoàn cảnh khốn khó tuyệt vọng là linh đạo cho đời sống trong nhà tù của mình. Linh đạo đó của người tù Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận bây giờ đọc lại người ta khám phá ra đó là bản hùng ca trong tương quan chiều dọc thẳng đứng hướng lên trời cao, chiều ngang đường chân trời vươn ra tới lòng xã hội con người nơi sinh sống, và con đường chiều hướng về nội tâm bản thân lòng mình. Linh đạo đó người tù Giám mục Phanxico Xavie Thuận có lẽ đã lấy cảm hứng từ sách Khải huyền của Thánh Gioan diễn tả thị kiến trên trời nói về 24 vị Kỳ Mục: „ Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách, thì bốn Con Vật hai mươi bốn Vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay năng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của các Thánh.“ (Khải huyền 5, 8). Dựa theo con số 24 trong Kinh Thánh người tù Giám mục Phanxico Xavie đã hòa lẫn trong suy tư cầu nguyện sáng tác thành 24 lời cầu nguyện như 24 ngôi sao con đường linh đạo trong bài suy niệm thứ bảy về con cá thứ hai:

Hai mươi bốn ngôi sao

1* Con muốn thực hiện một cuộc cách mạng: canh tân thế giới. Hoài bảo lớn lao đó, sứ mệnh cao đẹp đó, Chúa trao cho con; con thi hành với “quyền lực Chúa Thánh Thần”. Mỗi ngày con chuẩn bị lễ Hiện Xuống mới quanh con.

2* Con xúc tiến một chiến dịch: làm cho mọi người hạnh phúc. Con hy sinh mình từng giây phút với Chúa Giêsu, để đem an bình trong tâm hồn, phát triển thịnh vượng cho các dân tộc. Ðường lối tu đức thầm kín và thiết thực!

3* Con nắm vững một đường lối tông đồ: “Thí mạng vì anh em”, vì không có tình yêu nào lớn lao hơn (x. Ga 15, 13). Con hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục anh em về với Chúa.

4* Con hô một khẩu hiệu: “Tất cả hiệp nhất”, hiệp nhất giữa các người Công Giáo, hiệp nhất giữa các Kitô hữu, hiệp nhất giữa các dân tộc. Như Chúa Cha và Chúa con là một (x. Ga 17, 22-23).

5* Con tin một sức mạnh: Thánh Thể. Thịt máu Chúa sẽ làm cho con sống, “Ta đã đến, là để chúng được có sự sống và có một cách dồi dào” (Ga 10, 10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Ðất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (x. Ga 6, 53).

6* Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ: Bác ái. Bác ái là chứng tích để biết con là môn đệ Chúa (x. Ga 13, 35), là dấu hiệu rẻ mà khó kiếm nhất. Bác ái là sinh ngữ số một mà thánh Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của loài người và các thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất sẽ tồn tại trên thiên đàng (x. 1 Cor 13, 1).

7* Con nắm một bí quyết: Cầu nguyện. Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Khi các con hiệp nhau cầu nguyện có Chúa ở giữa các con (x. Mt 18, 20). Cha tha thiết khuyên con ngoài giờ kinh, hãy cầu nguyện mỗi ngày tối thiểu một giờ, nếu được hai giờ càng tốt. Không phải là mất mát vô ích đâu! Trên quãng đường cha đi, cha đã thấy lời thánh Têrêxa Avila ứng nghiệm: “Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục”.

8* Con giữ một nội qui: Phúc âm. Ðó là hiến pháp trên tất cả mọi hiến pháp, là hiến pháp Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ (x. Mt 4, 23). Hiến pháp ấy không khó khăn, phức tạp, gò bó như các hiến pháp khác; ngược lại, linh động, nhân hậu, làm phấn khởi tâm hồn con. Một vị thánh ngoài Phúc âm là “thánh giả”.

9* Con trung thành theo một vị lãnh đạo là Chúa Kitô và đại diện của Ngài: Ðức Giáo Hoàng, các Giám mục, kế vị các thánh tông đồ (x. Ga 20, 22-23). Hãy sống và chết vì Hội thánh như Chúa Kitô. Ðừng nghĩ chết vì Hội thánh mới hy sinh. Sống vì Hội thánh cũng đòi hỏi nhiều hy sinh.

10* Con có một tình yêu: Mẹ Maria. Thánh Gioan Maria Vianney đã nói: “Mối tình đầu của tôi là Mẹ Maria”. Nghe Mẹ sẽ không lầm lạc, hoạt động vì Mẹ sẽ không thất bại, làm vinh quang Mẹ sẽ được sống đời đời.

11* Con có một sự khôn ngoan: Khoa học Thánh giá (x. 1 Cor 2, 2). Nhìn Chúa Giêsu trên thánh giá, con giải quyết ngay được vấn đề đang khiến con xao xuyến. Thánh giá là tiêu chuẩn để chọn lựa và quyết định, tâm hồn con sẽ bình an.

12* Con có một lý tưởng: Hướng về Chúa Cha, một người Cha đầy yêu thương. Cả cuộc đời Chúa Giêsu, mọi tư tưởng, hành động đều nhắm một hướng: “Ðể cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha, và như Cha truyền dạy Ta sao, Ta làm như vậy” (Ga 14, 31), “Ta hằng làm những sự đẹp lòng Người” (Ga 8, 29).

13* Con chỉ có một mối lo sợ: Tội lỗi. Triều đình hoàng đế Hy Lạp đã nhóm họp để bàn cách trả thù thánh Gioan Kim Khẩu bởi ngài đã khẳng thắn khiển trách bà hoàng hậu.

Kế hoạch I: Bỏ tù. Nhưng ông ấy sẽ được dịp cầu nguyện, chịu khó vì Chúa như ông hằng mong muốn.

Kế hoạch I: Lưu đày. Nhưng đối với ông ấy, đâu cũng là đất Chúa.

Kế hoach III: Tử hình. Ông sẽ được tử đạo, chúng ta sẽ thỏa mãn nguyện vọng của ông: được về với Chúa.

Tất cả kế hoạch I, II, III, không làm cho ông khổ đau, ngược lại ông sẽ vui sướng chấp nhận.

Kế hoạch IV: Chỉ có một điều ông khiếp sợ nhất, gớm ghét nhất là tội lỗi, nhưng bắt ông phạm không được.

Nếu con chỉ sợ tội, thì không ai mạnh hơn con.

14* Con ôm ấp một ước nguyện: “Nước Cha trị đến, ý Cha được thành sự, dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6, 10). Dưới đất lương dân biết Chúa như trên trời. Dưới đất mọi người khởi sự yêu nhau như trên trời. Dưới đất đã bắt đầu hạnh phúc như trên trời. Con sẽ nỗ lực thực hiện nguyện vọng ấy. Khởi sự đem hạnh phúc thiên đàng cho mọi người ngay từ trần thế.

15* Con chỉ thiếu một điều: “Có gì đem bán mà cho kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta!” (Mt 10, 21), nghĩa là con phải dứt khoát. Chúa cần hạng tình nguyện thoát ly!

16* Con dùng một phương pháp tông đồ hữu hiệu: tiếp xúc để hòa mình, nhập thể với mọi người để hiểu, để nghe, để yêu mọi người. Tiếp xúc hữu hiệu hơn giảng, hơn viết sách. Tiếp xúc giữa người với người, lòng bên lòng, bí quyết bền đỗ, bí quyết thành công.

17* Con chỉ có một việc quan trọng nhất, Maria đã chọn phần tốt nhất: “Ngồi bên Chúa” (x. Lc 10, 41-42). Nếu con không sống nội tâm, nếu Chúa Giêsu không phải là linh hồn các hoạt động của con thì … Con thấy nhiều, hiểu nhiều rồi, cha miễn nói.

18* Con chỉ có một của ăn: “Thánh ý Chúa Cha” (x. Ga 4, 34), nghĩa là con sống, con lớn lên bằng ý Chúa, con hành động do ý Chúa. Ý Chúa như thức ăn làm con sống mạnh, vui; ngoài ý Chúa con chết.

19* Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: Giây phút hiện tại (x. Mt 6, 34; Gc 4, 13-15). Sống tron tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó!

20* Con chỉ có một tuyên ngôn: “Phúc thật tám mối”. Trên núi, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Bát phúc” (x. Mt 5, 3-12). Hãy sống như vậy, con sẽ nếm được hạnh phúc rồi rao truyền cho mọi người con gặp.

21* Con chỉ có một công việc quan trọng: Bổn phận, không kể lớn hay nhỏ, vì lúc ấy “con làm việc của Cha con” trên trời. Ngài chỉ định cho con thực hiện chương trình của Ngài trong lịch sử (x. Lc 2, 49; Ga 17, 4). Làm bổn phận là đường lối tu đức chắc chắn nhất. Nhiều người bày vẽ một lối tu đức rắc rối, rồi phàn nàn là khó!

22* Con chỉ có một cách nên thánh: Ơn Chúa và ý chí con (x. 1 Cor 15, 10). Chúa không bao giờ thiếu ơn; con có đủ ý chí không?

23* Con chỉ có một phần thưởng: Thiên Chúa (x. Mt 25, 21, 23; 2 Tim 4, 7-8; Kh 2, 26-28; 3, 21-22). Khi Chúa hỏi Tôma Aquinô: “Con viết rất đúng về Ta, con muốn phần thưởng nào? – “Con chỉ muốn Chúa!”

24* Con có một Tổ Quốc.

Một nước Việt Nam,

Một dân tộc Việt Nam,

Một tâm hồn Việt Nam,

Một văn hóa Việt Nam,

Một truyền thống Việt Nam.

Là người Công Giáo Việt Nam

Con phải yêu Tổ quốc gấp bội.

Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,

Cha mong giòng máu ái quốc,

Sôi trào trong huyết quản con.“

Xin mời cùng đến thăm viếng Căn Phòng, và học hỏi linh đạo của người tù Giám mục Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận.

Địa chỉ liên lạc tới thăm Căn phòng

Stiftung der Celittinen zur hl. Maria

Graseggerstrasse 105

50737 Koeln- Longerich

Tel. 0049 (0) 221-974514-51

Herr Diakon W. Allhorn: 0221- 97451420

Email: info@cellitinnen.de

Tháng kính Thánh cả Giuse 03.2014

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Linh Đạo của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận

Linh Đạo của  Đức C Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận

Tác giả: Phùng văn Phụng

Ngài viết các cuốn sách : “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá”, “ Cầu Nguyện Hy Vọng”; “Đường Hy vọng dưới Ánh Sáng Lời Chúa và  Cộng  Đồng Vaticanô II”; “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng”; “Chứng Nhân Hy Vọng “ Tất cả bài viết và bài giảng của Ngài đều mang ý nghĩa của niềm tin vào Chúa và Đức Mẹ, luôn luôn có niềm Hy vọng lớn lao.

1) Về  Hy Vọng:

 

Ngài viết: “

Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.

Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.

Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.

Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.

Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.”

Sách “Đường Hy Vọng và Dẫn giải” câu 978 trang 385.

Do đó “Đường Hy Vọng” là linh đạo của Ngài để hướng dẫn chúng ta trên con đường lữ thứ trần gian này lúc nào cũng sống tốt, sống trong Hy vọng .

2)      Về Cầu nguyện:

Ngài dạy chúng ta cầu nguyện bằng câu chuyện sau đây: “

Đức Mẹ còn  sử dụng cả người cộng sản để nhắc nhở tôi cầu nguyện.

Ông Hải đã từng ở tù, nằm cùng buồng với tôi để mật thám tôi, sau đã thành bạn tôi. Trước ngày ông ta về, ông đã hứa với tôi: Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách La vang 3km, tôi sẽ đi La vang cầu nguyện cho anh.

Tôi tin lòng thành thật của anh bạn, nhưng tôi hoài nghi làm sao một người cộng sản mà đi cầu nguyện Đức Mẹ cho tôi! Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi đã được một bức thư của ông Hải, lạ lùng thật,! Lạ hơn nữa là lời lẽ của ông như sau:
“ Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi Chúa nhật nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước Đài Đức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này: Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy.”

Đức HY viết: Tôi hết sức cảm động. Tôi đọc đi đọc lại rồi đặt thư xuống nhắm mắt lại: Lạy Mẹ , Mẹ đã dùng anh cộng sản này để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con mới còn sống đây.

Sách” Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá” trang 48

Đức Hồng Y đã cảm hóa anh Hải, người cộng sản này đi La Vang cầu nguyện Đức Mẹ cho Ngài.

3)Yêu kẻ thù:

 

Đức Hồng Y viết: “

Có một hôm mấy anh gác hỏi tôi:

–          Ông có thương chúng tôi không?

–          Có chứ, tôi yêu thương các anh cách thành thực, không có gì là khách sáo đâu!

–          Kể cả khi người ta giam ông, mất tự do năm này sang năm khác? Không xét xử gì cả.?

–          Anh nghĩ lại bao nhiêu năm ở với nhau. Tôi làm sao giấu được. Tôi thực sự yêu thương các anh.

–          Chừng nào được tự do anh có sai giáo dân của anh trả thù không?

–          Không, tôi vẫn tiếp tục yêu thương, dù các anh có muốn giết tôi.

–          Nhưng tại sao lại yêu kẻ thù hại anh?

–          Vì Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương; nếu tôi không tuân giữ, tôi không đáng gọi là Kitô hữu nữa.”

(Sách đd  trang 76)

Ngài đã dạy chúng ta yêu thương tột cùng, yêu thương như Chúa Kitô đã dạy chúng ta rằng: “ Còn Thầy Thầy bảo anh em, Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em” (Mt 5,44)

Thật là tuyệt diệu biết bao nếu chúng ta đem áp dụng vào đời sống hàng ngày, thì chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui, niềm hy vọng khi sống trong hiện tại cũng như sau này khi chúng ta qua đời về với Chúa. Sống với tất cả tình yêu thương như Chúa dạy yêu cả kẻ thù của mình thì huống hồ gì trong gia đình chồng (vợ), cha(con), anh chị em với nhau trong gia đình hay bạn hữu sinh hoạt trong các đoàn thể của nhà thờ hay cộng đoàn làm sao mà thù ghét nhau được nếu nhớ lời dạy của Thầy Chí Thánh, Đức Chúa Kitô đã  dạy “yêu kẻ thù”.

Lạy Chúa,  giúp cho con biết khiêm nhường, nhận mình yếu đuối,  khó mà yêu thương những kẻ đã hành hạ mình. Xin cho con biết thứ tha, biết thật sự yêu thương kẻ đã gây biết bao đau khổ khó khăn cho con và gia đình con. Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết sống khoan dung hơn, biết nhẫn nhục, khiêm nhường hơn, biết sống yêu thương nhiều hơn từ trong gia đình cho tới ngoài xã hội. Con cầu xin Chúa. Amen

Gioan Phùng văn Phụng

 

Mời xem :

httpv://www.youtube.com/watch?v=omus-TOMSuk

httpv://www.youtube.com/watch?v=mXdKI89gnvU

Road_of_Hope