Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh- Cha Vương

Nguyện xin tình yêu và ân sủng của Ðức Giêsu Kitô ở cùng Bạn và gia đình nhé. 

Cha Vương

Thứ 4: 16/07/2025

 Hôm nay Giáo Hội mừng kính Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, mời Bạn tìm hiểu sơ qua về nguồn gốc của Bộ Áo Đức Bà. Vào ngày 16 tháng 07 năm 1251, tại Tây Ban Nha, Thánh Simon Stock là vị Thánh đã sáng lập ra Dòng Carmelô, để đáp lại sự sốt sắng cầu nguyện của Thánh nhân, Đức Mẹ Maria đã hiện ra cầm trong tay Bộ Áo Đức Bà Carmelô và phán rằng: “Bất cứ ai mặc Bộ Áo Đức Bà Carmelô này khi chết sẽ không bị sa hỏa ngục. Bộ Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ sẽ là một dấu chỉ phần rỗi linh hồn, một sự bảo vệ trong lúc nguy hiểm và một lời hứa bình an”.

         Đức mẹ cũng nói thêm rằng: “hãy mặc Áo Đức Bà Carmelô một cách sùng kính và kiên trì. Đó là Áo của Mẹ. Mặc Áo Mẹ có nghĩa là các con liên tiếp nghĩ đến Mẹ, ngược lại Mẹ sẽ luôn luôn nghĩ về các con và giúp đỡ các con chiếm được sự sống đời đời.”

         Lời hứa vĩ đại này đồng thời lại được xác nhận khi Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng đã hiện ra với Đức Cha Jean Dreze (sau này là Đức Giáo Hoàng XXII) và nói với Ngài rằng: “Những ai mặc áo Đức Bà Carmelô sẽ được đưa ra khỏi Luyện ngục vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng sau khi chết.” Và rồi sau này chính Đức Giáo Hoàng Benedict XV cũng đã ban bố 500 ngày ân xá cho người nào mặc mỗi lần hôn kính Áo Đức Bà Carmelô.”

         Và 666 năm sau tại Fatima, vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, khi Đức Mẹ Maria hiện ra với 3 trẻ chăn cừu Lucia, Phanxicô và Giaxinta. Ngoài việc Đức Mẹ nhắn nhủ 3 trẻ “siêng năng lần chuỗi Kinh Mân Côi, cải thiện đời sống và tôn sùng Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-tội Mẹ…”. Đức Mẹ Maria lại còn cầm trong tay Bộ Áo Đức Bà Carmelô mà sau này Lucia có nói lại rằng: “Mẹ muốn tất cả mọi người mặc Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ và Mẹ muốn lòng sùng kính Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ được truyền bá.” Để chúng ta được hưởng đặc ân Đức Mẹ hứa ban sẽ giải thoát linh hồn chúng ta ra khỏi Luyện ngục vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng – ngày được dâng hiến cho Đức Mẹ, thì chúng ta: (1) Phải mặc Áo Đức Bà Carmelô; (2) Tuân giữ trong sạch theo điều kiện đời sống của mình; và (3) Lần chuỗi Kinh Mân Côi mỗi ngày.

 (Trích từ mạng Tin Mừng) 

+ KINH ÁO ĐỨC BÀ: Lạy Đức Bà Maria là Quan Thầy họ Áo Đức Bà, chúng con dốc lòng vào họ Áo Đức Bà, và mặc Áo Đức Bà mọi ngày cho đến trọn đời.  Khi chúng con gặp chước ma qủy cám dỗ, hiểm nghèo, phần hồn, phần xác, thì chúng con cậy Áo Đức Bà phù hộ, thêm sức và cứu chữa chúng con cho khỏi, và đến giờ chết, khi Đức Bà thấy Áo ấy ở nơi mình chúng con, thì xin Đức Bà nhận lấy chúng con là con Đức Bà, và đưa chúng con về Thiên Đàng chầu Chúa Ba Ngôi và Đức Bà cho đến muôn đời chẳng cùng.  Amen.

From: Do Dzung

******************************

Mẹ Đẹp Tươi (Lm. Kim Long) – Thanh Trúc

ÁCH ÊM ÁI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng!”.

Không cầm lòng nổi trước một cô bé ở chợ nô lệ, Lincoln mua cô về. Trên đường, ông thì thầm với cô, “Con sẽ được tự do!”. Cô gái không tin vào tai mình, “Ông nói gì? Con muốn làm gì, nói gì, đi đâu tuỳ ý?” – “Đúng thế!”; “Nếu vậy, con xin đi với ông!”. Về sau, Lincoln là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Ngày 15/4/1865, ông bị ám sát. Bên linh cữu, một thiếu nữ da màu xinh đẹp sùi sụt; cô là con nuôi của tổng thống!

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu Lincoln nhất quyết cất chiếc ách nô lệ của một em bé da màu thì Thiên Chúa càng kiên định cất mọi chiếc ách trói buộc nơi chúng ta! Không chỉ cất, Ngài muốn chúng ta mang lấy ‘ách êm ái’ của Con Một Ngài, “Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng!”.

“Ách” – vật gỗ buộc lỏng trên cổ một con vật – kèm theo những sợi dây để kéo một cỗ xe hay một chiếc cày. ‘Ách’ tượng trưng kiếp sống nô lệ, không có tự do. Bài đọc Xuất Hành nói đến ‘ách’ đè ‘lên cổ’ dân khi Pharaô bắt con cái Israel đúc gạch xây đền. Nhưng Thiên Chúa, Đấng mà “Giao ước lập ra, muôn đời Người nhớ mãi” – Thánh Vịnh đáp ca – không thể cầm lòng trước lời ta thán của dân, Ngài nhất định cất bằng được chiếc ách tủi nhục khỏi họ. Vì thế, Ngài sai Môsê đi, nói cho dân biết; này đây, Thiên Chúa sẽ giải thoát họ, đưa họ vào đất chảy sữa và mật, ban cho họ lề luật như một ‘ách êm ái’.

Với bài Tin Mừng, sau khi mời gọi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề đến với mình, Chúa Giêsu đề nghị họ mang ách của Ngài. Augustinô ví von ách của Chúa Giêsu như đôi cánh của loài chim. Nếu ai đó nghĩ, việc loại đôi cánh sẽ giúp chim nhẹ nhàng hơn, thì một hành động như thế sẽ giữ chúng dính chặt đất; trả lại đôi cánh cho chúng, chúng sẽ bay lên. “Nếu nói rằng tình yêu là một gánh nặng, một người đang yêu sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Đó là một gánh nặng có cánh!” – Augustinô. Phụng sự Chúa là đôi cánh mà vì đó chúng ta được tạo thành – bạn và tôi bay lên nhờ chúng. Cởi bỏ ách phụng sự Chúa, chúng ta bị kéo xuống như chim cánh cụt.

Anh Chị em,

“Vì ách tôi êm ái!”. Mang lấy ách của Chúa Giêsu là đi theo Ngài, sống cuộc sống mới được biến đổi nhờ Thánh Thần; là đi vào các lối hẹp Tin Mừng như Ngài đã đi – đồng thời – cho phép ân sủng của Ngài hoạt động bên trong chính mình. Chúa Kitô và sự hiến thân của Ngài phải là mẫu mực và động lực của chúng ta, Ngài đã trở nên Đấng Cứu Độ, và chúng ta cũng cứu độ như Ngài. Để từ đó, Nước Trời được rộng mở qua chúng ta, và qua những người chúng ta truyền lửa. Nếu chúng ta sống với một trái tim cháy lửa, thế giới quanh chúng ta sẽ thấy những con đường mới được mở ra. “Ơn cứu độ không phải là điều ta giữ cho riêng mình; nó là lửa – và lửa phải lan!” – Madeleine Delbrêl.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dù ở đấng bậc nào, cho con đừng khó chịu với ‘đôi cánh êm ái’ của Chúa; cho con đầy lửa, bay lên mỗi ngày, mang theo các linh hồn sốt mến cháy bỏng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

***************************************************

Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường Niên, Năm Lẻ

Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 11,28-30

28 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”


 

CẢ ĐỜI NGƯỜI, RỐT CUỘC LÀ MÊ MẢI TRUY CẦU ĐIỀU GÌ?

Công Tú NguyễnChuyện tuổi Xế Chiều

 “Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì chúng ta phải truy cầu nhiều thứ để rồi đánh mất niềm vui và hạnh phúc vốn có?

Ở một làng chài bên bờ biển có hai người đàn ông làm nghề đánh cá. Hàng ngày hai người đều rất tập trung vào công việc của mình. Nhưng một người thì cực kỳ chăm chỉ, ngày nào cũng làm từ mờ sáng đến tối muộn mới trở về nhà, quanh năm không lúc nào được nghỉ ngơi.

Còn người kia thì chỉ làm đến hết chiều là trở về nhà ăn cơm vui vẻ cùng gia đình. Khi nào đánh được nhiều cá thì ông dành thời gian còn lại nằm dài trên bờ biển phơi nắng, nghỉ ngơi nghe tiếng sóng vỗ hoặc cùng gia đình làm tiệc vui chơi với bà con bè bạn.

Một ngày, người đánh cá chăm chỉ kia được người đánh cá còn lại hỏi rằng:

– Vì sao mà ngày nào anh cũng bận rộn từ sáng đến đêm như vậy?

– Tôi muốn đánh được nhiều cá, bán lấy tiền để tích góp mua thuyền.

– Vậy mua thuyền xong thì anh sẽ làm gì?

Người chăm chỉ nhìn xa xa ra biển rồi trả lời:

– Tôi sẽ đánh nhiều cá hơn, kiếm được nhiều tiền để mua chiếc thuyền lớn hơn nữa.

– Có thuyền lớn hơn rồi thì anh sẽ làm gì tiếp?

– Tôi sẽ mua thuyền lớn hơn nữa, thuê người ra khơi đánh thật nhiều cá, tích cóp tiền lập công ty, gửi ngân hàng… Sau đó tôi sẽ nghỉ ngơi không đi đánh bắt cá nữa, mỗi ngày quây quần vui chơi bên gia đình, bạn bè, nằm dài trên bờ biển thư giãn nghe tiếng sóng vỗ.

Người chăm chỉ vừa nghĩ về tương lai tươi sáng vừa tự đắc trả lời.

Người kia nói: “Anh xem! Tôi hiện tại tôi chẳng phải vẫn được vui chơi mỗi ngày bên gia đình, bạn bè, nghỉ ngơi thư giãn trên bờ biển đấy sao!”.

Người chăm chỉ nghe xong, trầm ngâm suy nghĩ mà không nói thêm được lời nào.

Người chăm chỉ đánh cá, bận rộn đầu tắt mặt tối cả đời cuối cùng cũng là mong muốn được vui vẻ bên gia đình, nằm trên bờ cát hưởng thụ ánh nắng mặt trời và nghe tiếng sóng biển. Người làm việc ít hơn thế nhưng trong cuộc sống hàng ngày đã có được điều mà người cần mẫn kia mong muốn. Người cần cù kia, phải chăng đang sống một cuộc sống có chút mù quáng? Một chút thật đáng thương?

Cuộc sống hiện đại ngày nay, vật chất vô cùng phong phú, điều gì cũng có. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều người vẫn đang chìm đắm trong xa hoa trụy lạc, lệ thuộc vào vật chất mà không nhận ra. Không ít người vì xe cộ, nhà cửa, sắc đẹp, tình dục, tiền bạc, quyền thế mà đã trở thành nô lệ cho đồng tiền từ bao giờ.

Cuộc đời của một người bình thường nói chung là luôn truy cầu. Dẫu là người giàu hay nghèo đều không thể thoát khỏi điều này. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến vợ của người đánh cá trong câu chuyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Khi đã được cái máng ăn, bà lại cầu một căn nhà gỗ. Khi được căn nhà gỗ rồi, bà lại cầu một cung điện. Khi đã được rồi, bà lại cầu mình trở thành vua của biển cả để điều khiển cá vàng.

Người ta vẫn luôn truy cầu bất tận như vậy trong đời. Để rồi khi liên tục bành trướng dục vọng của mình, cái kết mà người vợ ông lão đánh cá nhận lại là… cái máng lợn, mọi thứ lại trở về số 0 tròn trĩnh.

Câu chuyện nói với chúng ta rằng truy cầu của con người trên thế gian này thật là vô nghĩa, chỉ như một giấc mộng vậy. Tất cả những gì có được chỉ là tạm thời, và cuối cùng, mọi thứ đều trở về với hư không. Con người sống truy cầu danh lợi vốn là để tương lai được hạnh phúc, vui vẻ, nhưng rất nhiều người vì thế mà lại đánh đi mất niềm vui, niềm hạnh phúc vốn có hiện tại. Đây đúng là cái vòng luẩn quẩn của nhân sinh.

Suy cho cùng: “Cao ốc ngàn gian, thì đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì chúng ta phải truy cầu lắm thứ như thế? Huống chi, tiền dù nhiều đến mấy, chức vị cao đến đâu đi nữa cuối cùng đến lúc sinh mệnh lìa đời thì đâu còn ý nghĩa gì?

Con người thường cố gắng làm việc, kiếm tiền cả đời nhưng đến gần cuối cuộc đời lại mong có được sự an nhàn, hưởng thụ. Chúng ta cứ mãi tìm kiếm sự bình yên bên ngoài mà quên đi mất đó là điều mà ai cũng có thể đạt được từ trong tâm. Chỉ cần buông tâm mình xuống, truy cầu ít hơn, mục tiêu nhỏ hơn, ràng buộc ít hơn, thì chẳng phải hạnh phúc đang nằm trong tay rồi đó sao?

st


 

KHI NGHE TIN “CON GÁI” ĂN TRỘM SÁCH- Truyen ngan HAY

Thầy Lê Văn Thông

 Vào một ngày nọ của nhiều năm về trước, cô giáo này đang nghỉ trưa ở nhà thì bỗng nhiên chuông điện thoại vang lên, cô ấy bắt máy và nghe thấy giọng nói xa lạ cộc cằn, thô bạo từ bên kia đầu dây: “Con của cô ăn trộm sách, hiện đang bị chúng tôi giữ lại, cô hãy nhanh chóng đến đây đi”.

Qua điện thoại, cô nghe thấy tiếng khóc của một bé gái và giọng mắng của người bên cạnh. Cô quay đầu lại nhìn cô con gái duy nhất của mình đang ngồi xem TV ở nhà, trong lòng cô lập tức hiểu được có chuyện gì xảy ra.

Đương nhiên cô có thể gác máy và mặc kệ, thậm chí còn có thể mắng người kia, bởi vì việc này chẳng có liên quan gì đến cô. Thế nhưng bản thân cô là một giáo viên, không chừng đó chính là học trò của cô thì sao? Qua điện thoại, cô có thể tưởng tượng thấy một bé gái ngây ngô nhất định đang vô cùng hoảng loạn, sợ hãi khi phải đối diện với hoàn cảnh khó xử này.

Sau phút do dự, cô đã hỏi rõ địa chỉ của tiệm sách và vội vàng đến đó. Đúng như những gì cô dự đoán, trong tiệm sách có một cô bé nước mắt lã chã đầy mặt, còn những người lớn xung quanh thì đang lớn tiếng mắng nhiếc cháu bé.

Cô xông vào, ôm bé gái đáng thương vào trong lòng, quay lại nói với người bán hàng: “Có chuyện gì thì cứ nói với tôi, tôi là mẹ của con bé, đừng dọa cháu như vậy”.

Sau lời giải thích miễn cưỡng khó chịu của người bán hàng, cô đóng tiền phạt rồi mới bảo lãnh được cháu bé ra khỏi tiệm sách, cô nhìn khuôn mặt ngơ ngác lo sợ và giàn giụa nước mắt của cô bé.

Cô mỉm cười và đưa cô bé về nhà, lau mặt xong, cô không hỏi gì cả mà để cô bé đi về. Khi sắp đi, cô còn đặc biệt dặn dò, nếu cháu muốn đọc sách thì cứ đến chỗ cô, cô có rất nhiều sách đấy.

Bé gái nọ rất bất ngờ, nhìn cô bằng ánh mắt rất sâu rồi chạy đi như bay, từ đó không thấy xuất hiện nữa…

……….

Thời gian như dòng nước, trôi không quản ngày đêm, bao nhiêu năm cứ thế trôi đi, cô đã quên việc này từ lâu rồi, cô vẫn sống bình yên ở căn nhà đó…

Vào một buổi trưa nọ, bên ngoài có tiếng gõ cửa. Sau khi cô mở cửa thì nhìn thấy một cô gái trẻ xinh đẹp đang tươi cười, trong tay ôm một món quà lớn.

“Cô tìm ai?”, cô hoài nghi hỏi, nhưng cô gái lại xúc động đến mức chẳng nói được câu nào.

Một lúc lâu sau, từ những gì mà cô gái kia kể lại, cô mới hiểu ra rằng thì ra cô gái này chính là bé gái lấy trộm sách năm nào, hiện đã tốt nghiệp trường đại học danh giá và tìm được một công việc mà nhiều người ngưỡng mộ, nay tìm đến thăm cô.

Đôi mắt cô gái nhòe nước, nhỏ nhẹ nói: “Năm đó cháu gọi điện thoại trong lúc cấp bách, may mà tìm trúng được nhà của cô. Tuy đến, nay cháu vẫn không hiểu được vì sao cô lại chịu nhận làm mẹ của cháu và giúp đỡ cháu, thế nhưng nhiều năm trôi qua, cháu luôn giữ một tâm nguyện đó là gọi cô một tiếng ‘mẹ’”. Vừa dứt lời, cô gái đã khóc òa lên.

Hai mắt cô giáo của nhòe đi, cô tò mò hỏi: “Nếu cô không giúp cháu thì chuyện gì sẽ xảy ra?”.

Nét mặt cô gái lập tức trở nên âu sầu, nhẹ nhàng lắc đầu nói: “Cháu cũng không biết ạ, có lẽ sẽ làm việc gì đó ngốc nghếch, thậm chí là đi chết”.

Tim của cô giáo hẫng đi một nhịp. Nhìn khuôn mặt tươi cười hạnh phúc của cô gái kia, cô cũng mỉm cười hạnh phúc.

NGỌC TRÚC biên dịch

(Ảnh: sinh viên Đại học Y Khoa Saigon trước 1975).


 

Bác Sĩ Tô Dương Hiệp – Đoá hoa âm thầm giữa vườn hoa điên loạn-Đoàn Xuân Thu

Đoàn Xuân Thu

Saigon Nhỏ

Bệnh Viện Tâm Thần Biên Hòa. (Hình minh họa: Hotovietnam.org)

Nếu có ai hỏi: “Con người nào đã chọn cái chết âm thầm để giữ lại sự bình yên cho người khác?” thì cái tên Tô Dương Hiệp chắc hẳn xứng đáng được xướng lên trong niềm kính phục.

Là bác sĩ chuyên khoa tâm thần, Bác Sĩ Tô Dương Hiệp sống một cuộc đời dung dị nhưng đầy tận hiến trong ngành y – một đời giữa những người điên và chết giữa họ, như một lời nguyện.

Sinh ngày 1 Tháng Mười Một năm 1935, tại Tân Uyên, Biên Hòa, BS. Hiệp trưởng thành trong một gia đình nho phong, trọng chữ nghĩa và đạo lý. Vừa thừa hưởng cốt cách nhân văn từ thân phụ, ông lại sớm chọn con đường y học như một sứ mạng.

Năm 1971, ở tuổi 36, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, một cơ sở y tế chuyên điều trị bệnh nhân tâm thần lớn nhất Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.

Dưỡng Trí Viện Biên Hòa không phải là nơi dành cho những trái tim yếu mềm. Ở đó, giữa âm thanh thảng thốt và ánh mắt vô định, người thầy thuốc không chỉ cần y lý vững vàng mà còn phải có lòng từ bi sâu rộng. BS. Tô Dương Hiệp không chỉ đáp ứng những điều ấy, mà còn vượt xa khỏi khuôn mẫu thường tình.

Một giai thoại thường được nhắc lại: có lần, viện tiếp nhận một thanh niên bị rối loạn tâm thần sau khi thi rớt tú tài đau lòng như muốn khóc, BS. Hiệp không dùng thuốc vội, mà thử nghiệm phương pháp “Tâm lý trị liệu” – một hướng điều trị còn rất mới mẻ lúc bấy giờ. Kết quả khiến đồng nghiệp khâm phục: chỉ sau thời gian ngắn, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Người ta nói, có lẽ ông đã chữa bằng cả trái tim.

Phòng mạch riêng của ông đặt tại đường Hàm Nghi, Biên Hòa. Nhưng chính dưỡng trí viện mới là nơi ông gửi gắm trọn đời mình, như một tu viện của khoa học và lòng nhân.

Khi biết mình mang một chứng bệnh hiểm nghèo -bệnh máu trắng (leukemia) – bác sĩ Hiệp không hề hoảng loạn hay than van. Ông âm thầm chịu đựng, âm thầm cống hiến như chưa có gì xảy ra. Ông không nói với ai, kể cả vợ con. Chỉ khi bệnh tình trầm trọng, ông mới đề nghị Bộ Y Tế VNCH cử người thay thế chức vụ giám đốc, vì biết mình không còn đủ sức cáng đáng công việc.

Bộ Y Tế khẩn trương lên kế hoạch đưa ông sang Thái Lan điều trị, chuyến bay định cất cánh lúc 10 giờ đêm ngày 21 Tháng Mười Một năm 1973. Nhưng định mệnh không chờ ai. Chỉ 15 phút trước khi buổi sáng ngày ấy tròn một giờ đồng hồ, tức 9 giờ 45 sáng, BS. Tô Dương Hiệp trút hơi thở cuối cùng. Ông ra đi ở tuổi 38, đúng vào tháng sinh của mình – như định mệnh đã viết sẵn.

Người ta kể rằng, trong lời trăn trối sau cùng, ông dặn được chôn ngay trong khuôn viên nghĩa trang dưỡng trí viện, giữa những người điên mà ông đã suốt đời săn sóc.

“Khi sống, tôi chăm sóc họ. Khi chết, xin được nằm bên cạnh họ,” ông nói như vậy.

Và lời ấy được thực hiện, không một tấm bia phô trương, chỉ là mộ phần lặng lẽ giữa vườn hoang tâm thức.

Câu chuyện của BS.Tô Dương Hiệp gợi nhớ đến nhân vật Naôê trong tiểu thuyết Vô Đăng Ảnh (tựa gốc Đèn Không Hắt Bóng) của bác sĩ Nhật Dzyunichi Watanabe. Naôê, một bác sĩ giải phẫu lừng danh, cũng phát hiện mình mắc ung thư cột sống (myeloma). Như bác sĩ Hiệp, ông cũng giấu bệnh, cũng đi qua từng ngày với trái tim bị mài mòn bởi nỗi cô đơn bệnh lý.

Nhưng trong khi Naôê tìm quên qua rượu, dục vọng và thuốc phiện, rồi kết thúc đời mình bằng cách gieo xác xuống hồ Sikôtsu lạnh lẽo, thì BS. Tô Dương Hiệp lại chọn con đường trầm tĩnh hơn: tiếp tục làm việc, tiếp tục chữa trị người điên bằng lý trí sáng suốt và sự thương yêu.

Cả hai đều là bác sĩ, đều can đảm, nhưng chọn cách khác nhau để đối mặt với định mệnh.

Bác Sĩ Hiệp là trưởng nam của nhà văn Bình Nguyên Lộc – cây bút lớn của văn học miền Nam. Hai cha con như có sợi dây kỳ lạ nối kết vận mệnh: Nhà văn Bình Nguyên Lộc sinh ngày 7 Tháng Ba và cũng qua đời đúng ngày đó; bác sĩ Hiệp sinh ngày 1 Tháng Mười Một và cũng mất trong Tháng Mười Một, ngày 21. Những trùng hợp lạnh lùng ấy như ẩn dụ cho một dòng máu văn-y, sống và chết như một bản giao hưởng ngắn ngủi mà sâu sắc.

Gia đình ông còn để lại dấu ấn đậm nét trong văn hóa Biên Hòa: vợ ông là một cựu giáo sư dạy Văn tại Trung Học Ngô Quyền, và ông để lại cho đời bốn người con – chắc chắn là bốn ngọn đèn âm thầm nối tiếp ánh sáng mà người cha đã đốt lên bằng chính sinh mạng mình.

Bác Sĩ Tô Dương Hiệp không phải là một danh y nổi tiếng ngoài xã hội, nhưng trong vũ trụ bé nhỏ của những người điên, ông là ánh sáng cuối đường hầm. Giữa thời buổi chiến tranh, hỗn mang và máu lửa, ông chọn lặng thầm hiến mình cho những mảnh đời mất lý trí. Và chính ông, bằng lý trí rực sáng, đã bước vào cái chết như bước vào giấc ngủ trưa – bình yên và vĩnh cửu.

Không tượng đài, không lễ tang rình rang, chỉ là nấm mộ nơi góc vườn Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, nơi có thể nghe được tiếng cười khóc vô định của những kẻ điên, nhưng nếu có ai hỏi “anh hùng là gì?”, thì xin hãy kể về Bác Sĩ Tô Dương Hiệp – người đã chọn nằm xuống giữa những người không ai muốn lại gần, vì ông yêu họ hơn cả chính bản thân mình.

(Melbourne)


 

BÉ MỌN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.

“Trí tuệ nhân loại dựng nên những mê cung, nhưng lòng tin trẻ thơ chỉ cần một cửa sổ mở ra ánh sáng. Sự thật là không phải mọi thứ đều quá rắc rối; chúng đơn giản đến mức đôi khi người thông minh nhất không nhận ra, nhưng đứa trẻ thì tin ngay!” – G.K. Chesterton.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy cuộc sống thật phức tạp khiến con người nhiều lúc đặt bao câu hỏi mà không có câu trả lời; nhưng sự thật, không nhất thiết phải như vậy. Vì lẽ, câu trả lời của Thiên Chúa thường đủ đơn giản để một đứa trẻ hiểu! Vấn đề nằm ở chỗ không ai muốn trở nên ‘bé mọn’ để có thể lắng nghe Ngài.

Trước hết, câu chuyện cậu bé Môsê được Chúa hiện ra qua bụi cây cháy bừng – bài đọc một. Cậu tò mò lại gần. Trẻ em thường tò mò! Chúa phán, “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh!”. Mọi cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đều tạo nên đất thánh! Khi cầu nguyện, linh hồn là đất thánh! Cũng từ đất thánh đó, Chúa sai Môsê đi giải phóng dân. Quá phức tạp! “Con ‘là ai’ mà dám đến với Pharaô?” – “Ta sẽ ở với ngươi!”. Quá bất ngờ! Đó là một câu trả lời đủ đơn giản cho một đứa trẻ; và Môsê hiểu. Từ nay, tên cậu không còn là “Môsê”, nhưng là “Ta Sẽ Ở Với Ngươi!”. Đấng đặt tên mới cho Môsê là Đấng cậu sẽ trải nghiệm dần, “Đấng từ bi nhân hậu!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu xác quyết, “Cha đã mặc khải các mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn”. Vậy liệu bạn và tôi nên ‘khôn ngoan thông thái’ hay nên người ‘bé mọn?’. Rõ ràng, tốt hơn sẽ là ‘bé mọn!’. “Một sinh vật càng lớn càng muốn khẳng định mình. Nó muốn ngày càng ít phụ thuộc hơn; do đó, ngày càng trở thành ‘một loại thần thánh’ không cần ai!” – Ratzinger.

Vậy mà trong cuộc sống, bao vấn đề từ bản thân, gia đình, bạn bè đến quá khứ, hiện tại, tương lai xem ra quá phức tạp! Sự thật này cho thấy, chúng ta cần trở nên thơ bé! Cả khi trưởng thành, bạn và tôi đừng bao giờ ngừng tỏ ra là trẻ thơ. “Khi tôi trưởng thành, tôi không từ bỏ những điều trẻ thơ; tôi chỉ học cách yêu thương chúng sâu sắc hơn. Một trái tim trẻ thơ trong một người trưởng thành – đó không phải là ngây ngô, mà là trưởng thành trong đức tin!” – C.S. Lewis.

Anh Chị em,

“Nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. Những người ‘bé mọn’ – trẻ em – tự mình là một kho tàng của thế giới và của Giáo Hội; vì lẽ, trẻ không ngừng gợi lên những điều kiện cần thiết để chiếm lĩnh Nước Trời – không tự coi mình có thể tự cung, tự cấp, nhưng cần được giúp đỡ, yêu thương và tha thứ. Trẻ trở thành biểu tượng của những ‘người nghèo’ mà Vương Quốc thuộc về. Để trưởng thành trong đức tin, tất cả chúng ta cần sự giúp đỡ, yêu thương và tha thứ. “Sự yếu đuối không phải là điều đáng xấu hổ. Nó là cánh cửa mở ra cho tình yêu Thiên Chúa. Và không ai dạy điều đó tốt hơn một đứa trẻ!” – Henri Nouwen.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cái tôi khiến con trở nên một loại thần thánh không cần ai. Cho con đừng bao giờ ngừng tỏ ra là trẻ thơ, và Chúa luôn có câu trả lời đủ đơn giản để con hiểu!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**********************************************

Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường Niên, Năm Lẻ

Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

25 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”


 

Câu chuyện cảm động …- Truyện ngắn HAY

Thầy Lê Văn Thông

 Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.

Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.

Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oằn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học:

– Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.

– Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm

Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở…

Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần…

Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân thấp chân cao đến phòng giáo vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.

Thầy Hùng phòng giáo vụ nhìn chị, nói:

-Chị đặt lên cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.

Chị cẩn thận tháo túi.

Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:

-Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây còn có cả ngô nữa… Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn được. Thầy vừa nói vừa lắc đầu.

– Nhận vào.

Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.

Mặt người mẹ đỏ ửng lên. Chị khẽ khàng đến bên thầy nói:

-Tôi có 50.000 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?

-Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.

Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.

Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:

– Chị lại nộp loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?

– Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế ! Người phụ nữ bối rối.

– Thật buồn cười cái nhà chị này ! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.

Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Chị lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.

Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với chị.

Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:

– Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận !

Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát. Chị khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, chị khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.

Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến thế. Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại.

– Thưa với thầy, gạo này là do tôi… Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm… Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất !

Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế. Trời còn tờ mờ, khi xóm làng còn chưa thức giấc, chị lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Chị đi khắp hang cùng,ngõ hẻm xóm khác xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Chị không muốn cho mọi người trong thôn biết.

Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rôi nhẹ nhàng đỡ chị đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ :

– Chị đứng lên đi, người mẹ trẻ ! Chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị. Thôi thế này, tôi nhận. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, để trường có chế độ học bổng hỗ trợ cho học sinh vượt khó.

Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lạy thầy. Giọng chị van lơn:

– Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được. Khổ mấy, vất vả mấy tôi cũng chịu được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này. Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.

Chị kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một hàm ơn lớn, đưa tay quệt mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.

Lòng thầy xót xa.

Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. Ngoài ra,học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học bổng của trường.

Cuối cấp, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của Thủ Đô. Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướng.

Có một điều rất lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dể dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc,không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì.

Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài. Cả trường lặng đi vì xúc động. Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng phòng giáo vụ đến mở ba bao tải ấy ra. Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.

Thầy nói:

– Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và nặng tình của người mẹ yêu con hết mực. Những hạt gạo đáng quý này, tiền, vàng cũng không thể mua nổi. Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.

Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc. Cả trường dồn mắt về phía người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu từng bước khó nhọc bước lên sân khấu.

Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại. Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.

– Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những nghĩa cử cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em…

Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động. Tai cậu ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả,mắt cậu nhòe nước. Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.

Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông. Run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã giành cho mình. Với chị, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị giành cho con trai. Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.

Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc thành tiếng:

– Mẹ ơi!!!!!!

Sưu tầm trên Internet


 

Thánh Bonaventura (1221-1274) – Cha Vương 

Mến chào bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay 15/7, Giáo hội mừng kính Thánh Bonaventura (1221-1274), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Mừng Bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương 

Thứ 3: 15/7/2025

Thánh Bonaventura sinh tại Bagnorea miền Toscane năm 1221. Ngài trải qua thời niên thiếu tại dòng thánh Phanxicô Khó Khăn thành Assise (1243). Dưới sự hướng dẫn của Alexandre de Hales, ngài theo học văn chương và cũng thâu lượm nhiều kiến thức khoa học. Bảy năm sau, ngài cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Commentaire sur les 4 livres des sentences” và nhiều sách có giá trị khác.

Ngài có lòng dịu hiền tột bậc, lòng khiêm nhường sâu xa và lòng mộ mến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Năm 35 tuổi, ngài được bầu làm Bề Trên của dòng Phanxicô (1257). Với trọng trách nặng nề này, ngài được mọi người biết đến, không những vì học thuyết và sự thánh thiện nhưng còn vì sự thông minh và khôn khéo của ngài nữa. Chính vì vậy, năm 1273, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô X đặt ngài làm Hồng Y coi địa phận Albanô. Ngài đã viết nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị và sau cùng ngài chết tại Lyon (1274), hưởng thọ 53 tuổi.

Ðức Giáo Hoàng Sixtô IV nâng ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1482 và Ðức Giáo Hoàng Sixtô V đặt ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1588, vì ngài là cột trụ chống đỡ Giáo Hội, lưu tâm đến vấn đề hiệp nhất Hy Lạp và La Mã, đồng thời duy trì và củng cố dòng Phanxicô được lớn mạnh, vững vàng.

 (Nguồn: Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt, Vietnamese Missionaries in Asia)

Sau đây là những câu nói của Thánh Bonaventura:

(1) Vinh quang và danh dự chỉ dâng lên Thiên Chúa.

(2) Tất cả của Mẹ là của con và tất cả của con là của Mẹ.

(3) Hỡi linh hồn các tính hữu, anh chị em muốn chứng tỏ tình yêu thật đối với người đã qua đời không? Anh chị em muốn gửi cho họ món quà trợ giúp quý nhất và chìa khoá mở cửa Thiên đàng không? Hãy năng rước lễ cho các linh hồn được an nghỉ.

(4) Nếu ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng thì Mẹ sẽ đáp lại ta bằng muôn ơn phúc.

(5) Thiên Chúa có thể tạo dựng một thế giới khác tốt đẹp hơn, nhưng không thể tạo dựng một người mẹ khác hoàn hảo hơn Mẹ Thiên Chúa được.

(6) Hạnh phúc cho những ai hiến dâng tâm hồn mình cho Mẹ! Hạnh phúc cho những ai hết tình phụng sự Mẹ!

(7) Ôi tình thương lạ lùng của Chúa! Muốn một ngày kia khỏi phải tuyên án tống giam chúng con vào ngục tuyệt vọng đời đời, Chúa đã ban Mẹ là Mẹ Chúa, là Chủ tối cao kho tàng ân sủng, làm Trạng sư bầu chữa chúng con.

Câu nào đánh động Bạn nhất? Đối với mình thì câu số 3 và 4.

From: Do Dzung

*****************************

Chúa Yêu Con Nhiều

THÁNH BÔNAVENTURA, GIÁM MỤC TIẾN SĨ HỘI THÁNH (1221-1274)

Thánh Bônaventura sinh năm 1221 tại Bagnorea, gần Viterbo, là con ông Giovanni di Fidanza và bà Ritella.  Ngài được đặt tên là Giovanni, lúc lên bốn, Ngài lâm trọng bệnh vô phương cứu chữa.  Người mẹ vội ẵm Ngài tới gặp thánh Phanxicô khó khăn.  Thánh nhân thương cha mẹ dâng lời cầu nguyện và Giovanni hết bệnh.  Sung sướng, người mẹ kêu lên: “O buona Ventura” (Ôi biến cố phúc hậu).  Từ đó Giovanni mang tên Bônaventura.  Ngài theo học tại dòng anh em hèn mọn.

 Tới tuổi 15, Bonaventura theo học tại Paris, trung tâm ánh sáng thời đó.  Ngài sống thanh trong đến nỗi Alexandre de Hales nhận xét: Anh giống như Adam chưa hề phạm tội.

 Ngài kết thân với sinh viên tài ba khác là Thomas Aquinô.  Ngỡ ngàng về sự hiểu biết của bạn mình.  Thomas hỏi Bonaventura xem Ngài đã học sách nào?  Bonaventura chỉ cây thánh giá trả lời: Đây là nguồn mọi hiểu biết của tôi.  Tôi học Chúa Giêsu bị đóng đinh.

 Năm 1257, Ngài được chọn làm bề trên cả dòng Phanxicô.  Tình thế Ngài phải đối diện rất là phức tạp.  Trong dòng đang có sự phân rẽ giữa những người nhiệt tâm muốn tuân giữ nghiêm nhặt luật dòng và những người muốn chước giảm.  Nhờ sự thánh thiện và tài khéo léo, Bonaventura đã giải quyết các vấn đề cách ổn thỏa, đến nỗi Ngài đang được gọi là Đấng sáng lập thứ hai của dòng.  Trong kỳ đại hội ở Narbonne 1250, Ngài đã ban hành hiến pháp đầu tiên cho dòng.  Sau đó Ngài liên tiếp thăm viếng không biết mệt các tỉnh dòng để quan sát việc thực hiện bản quy luật này.  Chính Ngài tổ chức việc học hành cho các giáo sĩ trong dòng, làm cho công cuộc tông đồ được phổ biến rộng rãi đến cả những bậc thức giả lẫn giới bình dân.  Chính Bonaventura là một nhà dòng giảng thuyết có biệt tài.  Ngài đã giảng thuyết từ các tu viện, tới các thành phố ở Âu Châu, trước mặt vua Louis IX, Đức Giáo Hoàng.

 Luôn luôn Ngài thu phục được cảm tình của thính giả.  Một thầy dòng khiêm tốn tên là Gilles hỏi Ngài: Các cha thông thái, được Chúa ban cho nhiều tài năng.  Còn chúng con, chúng con có thể làm gì được?

 Bonaventuratrả lời: Nếu Chúa ban cho một người tài năng khác là ơn yêu mến Ngài thế là đủ rồi, và là kho tàng quí báu nhất.

 Thầy dòng hỏi tiếp: Một người không biết đọc biết viết có thể yêu mến Thiên Chúa như một nhà thông thái biết mọi sự không?

 Thánh nhân trả lời: Chắc chắn rồi, một bà già có thể yêu Chúa hơn cả một nhà tiến sĩ thần học.

 Thầy dòng vui vẻ la lớn: Một bà già có thể yêu Chúa hơn cả cha Bonaventura của chúng ta nữa.

 Ngài còn tiếp: Biết một chút về Chúa còn hơn là biết mọi sự trong trời đất.

 Ngoài những hoạt động bên ngoài ấy.  Bonaventura còn lo viết sách để huấn luyện các tu sĩ và những sách về triết học, thần học và thánh kinh.  Chúng ta có thể kể đến cuốn “Chú giải luật dòng Phanxicô,” “Hạnh tích thánh Phanxicô” nhất là cuốn “Hành trình của linh hồn hướng về Thiên Chúa.”

 Trong nỗ lực xây dựng Hội Thánh, Bonaventura luôn tỏ ra khiêm tốn. Người ta kể rằng: Đức Giáo Hoàng Grêgoriô X truyền cho thánh Thomas và Bonaventura soạn thảo bộ kinh lễ Thánh Thể. Khi hai vị vào yết kiến Đức Giáo Hoàng trình bày công việc, thánh Bonaventura xé nát bản văn của mình.

 Cùng với lời khiêm tốn ấy, Bonaventura đã từ chối chức Tổng Giám mục thành York mà Đức Giáo Hoàng Clêment IV đề nghị, lòng khiêm tốn ấy không ngăn cản sự cương quyết và can đảm của Ngài chống lại thuyết sai lầm của thuyết Aristote và Avéoes…  Nhưng Đức Giáo Hoàng Grêgoriô X đã quyết định đặt Ngài làm hồng y cai quản giáo phận Albanô và truyền Ngài về Roma ngay.  Khi hai sứ thần mang mũ hồng y đến, Ngài còn đang rửa chân.  Ngày 28 tháng 5 năm 1273 Ngài nhận chức và là cánh tay đắc lực của Đức Giáo Hoàng.  Phần đóng góp của Ngài vào sự hợp nhất Giáo hội Hy lạp và Roma tại công đồng Lyon thật lớn lao.

 Nhưng khi công đồng Lyon còn đang nhóm họp thì Bonaventura từ trần ngày 14 tháng 7 năm 1274.  Đức Sixtô IV phong Ngài lên bậc hiển thánh năm 1482 và đức Sixtô V đã đặt Ngài làm Tiến sĩ Hội Thánh năm 1858.  Người ta gọi Ngài là “Tiến sĩ sốt mến.”

 Thánh Bônaventura đầy lòng thánh thiện và khiêm tốn.  Với lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta cũng biết sống gắn bó với Chúa và Giáo hội bằng tất cả tấm lòng yêu mến chân thành, nhờ lời cầu bầu của thánh nhân.

 Nguồn: tgpsaigon.net

 From: Langthangchieutim


 

Mọi người đều nghĩ cô bé đã ra đi

Xuan-Huong T Nguyen

Một bé gái 3 tuổi mất tích chỉ vài giờ trước khi trận lũ lụt thảm khốc ập vào một cộng đồng nông thôn ở Texas – khơi mào một cuộc tìm kiếm điên cuồng trên khắp các cánh đồng, con suối và những ngôi nhà đổ nát. Nhiều giờ trôi qua và mưa ngày càng nặng hạt, hy vọng bắt đầu lụi tàn.

Nhưng rồi phép màu đã đến.

Đội cứu hộ cuối cùng đã tìm thấy cô bé, cuộn tròn dưới một nhà kho đổ nát cách nhà cô bé hàng dặm – người lấm lem bùn đất, run rẩy nhưng vẫn còn sống. Và cô bé không hề đơn độc.

Bên cạnh cô bé là một chú chó – ướt sũng, bẩn thỉu và cũng kiệt sức không kém – mà không ai nhận ra. Nó không phải là thú cưng của gia đình cô bé. Nó cũng không phải người trong khu phố. Thực tế, chưa ai từng nhìn thấy nó trước đây.

Nhưng những gì nó đã làm trong những giờ trước khi cơn bão ập đến giờ đây được gọi là một phép màu của bản năng, lòng dũng cảm và lòng trung thành.

Theo những người ứng cứu khẩn cấp, chú chó đã bám chặt lấy cô bé trong suốt cơn hỗn loạn – che chở cho cô bé khỏi gió, cái lạnh và những mảnh vỡ. Dấu chân in trên bùn cho thấy nó thậm chí còn giúp dẫn đường cho cô bé đến nơi trú ẩn, đẩy cô bé vào dưới công trình duy nhất còn sót lại sau trận lũ.

“Chúng tôi tin rằng chú chó này đã cứu mạng cô bé”, một nhân viên cứu hộ nói, vẫn đang cố kìm nén cảm xúc. “Nó chưa bao giờ rời xa cô bé.”

Những bức ảnh chụp cặp đôi lấm lem bùn đất – cô bé nằm trên bộ lông ướt đẫm của chú chó, cả hai đều chớp mắt trước ánh đèn flash của đội cứu hộ – đã lan truyền chóng mặt, khiến trái tim tan chảy trên toàn cầu.

Và điều bất ngờ là gì?

Đó thậm chí không phải là chó của cô bé.

Không ai biết nó đến từ đâu, làm thế nào nó tìm thấy cô bé, hay tại sao nó lại ở lại. Nhưng giờ đây, nhiều người gọi con vật là thiên thần hộ mệnh có bàn chân – một người lạ xuất hiện đúng lúc và từ chối rời đi cho đến khi có sự trợ giúp.

Cô bé hiện đã an toàn, đang hồi phục tại nhà cùng gia đình. Còn chú chó thì sao? Người dân địa phương đã bắt đầu vận động để nhận nuôi người hùng bí ẩn này, mặc dù nhiều người cho rằng đã rõ nó đã chọn ai để bảo vệ.

Nguồn: news.topnewsource

Ảnh: Trí tuệ nhân tạo


 

QUEN VỚI NGƯỜI CHẾT HAY SAO MÀ CÚI ĐẦU CHÀO TIỄN HỌ VẬY ?

Xuyên Sơn

Buổi trưa, giờ tan học, trước cổng trường Tiểu học đang có rất nhiều phụ huynh chờ đón con, người thì dõi mắt tìm kiếm, người gọi tên con mình …

​Lúc ấy, có xe đám tang đi ngang qua. Nhiều người ngước nhìn xe đưa tang, bày tỏ sự phấn khích khi đội nhạc cử kèn trống vang lên inh ỏi.

Họ bàn tán xôn xao, có người khen ban kèn Tây chơi toàn nhạc Trịnh Công Sơn “nghe hết sảy”,

người khác góp ý như thế thì không hợp với khung cảnh, đáng lẽ phải chơi bài Lòng mẹ, Tình cha …

Duy nhất trong số phụ huynh đang ồn ào đó, có người đàn ông trên 50 tuổi lặng lẽ bước xuống xe, lấy chiếc mũ bảo hiểm đang đội trên đầu cầm tay rồi đứng thẳng người, đầu hơi cúi một chút.

Ông cứ đứng vậy, yên lặng chờ xe tang đi qua mới ngước mặt gọi cháu lên xe đi về.

Người đứng bên cạnh tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi:

– “Ủa, ông quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ vậy?”.

Ông trả lời:

– “Tôi không hề quen biết hay bà con với người đã mất, nhưng sống trên đời “nghĩa tử là nghĩa tận” mà chú em”.

Rồi ông giải thích:

– “Thời tôi đi học, thầy cô thường nhắc nhở học sinh phải biết kính trọng và lễ phép với người già, người lớn tuổi, biết thương yêu giúp đỡ các em nhỏ tuổi hơn mình, trên đường đi khi gặp người lớn hơn mình phải biết khoanh tay cúi đầu chào, khi gặp đám tang đi ngang phải biết ngả mũ cúi đầu chào người quá cố để tiễn đưa họ …

Chính vì vậy mà các việc ấy bây giờ trở thành thói quen với tôi, mà thói quen thì không bao giờ quên được, việc tôi làm chỉ xem là phản xạ tự nhiên từ nhỏ cho đến bây giờ”.

Tôi nghe ông nói, ngẫm nghĩ đó chỉ là chuyện nhỏ, chuyện đạo làm người mà hình như bây giờ trong xã hội không còn tồn tại hình ảnh đẹp hết sức trân trọng đó.

Tôi mong sao những bài học đạo đức như vậy được chú trọng dạy trong trường, thay vì chỉ tập trung dạy kiến thức sách vở để trẻ có thể hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống, như có thể giữ yên lặng và cúi chào tiễn đưa khi gặp đám tang đi qua.

Tiếc thay học tập và làm theo tấm gương đạo đức… trong sách vở hiện nay chẳng có trang nào dạy như vậy.

TRẦN VĂN TÁM


 

NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM….

Xuyên Sơn

Cách đây mấy ngày thấy có tờ báo đăng tin 2 thanh niên Nhật Bản bị bắt vì tội…dùng đũa cá nhân để gắp gừng trong chiếc lọ đựng gia vị trên bàn ăn của một nhà hàng, rồi quay clip và post lên mạng xã hội. Chủ quán báo cảnh sát, vì hành động “mất vệ sinh” này làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ! 

Thôi, chắc không cần bình luận nữa về sự nghiêm ngặt của luật pháp xứ ấy.

Tình cờ là cũng hôm trước, tôi có mấy người bạn ghé chơi, trong đó có 2 người mới từ Nhật về nước. 

Một ông nói, đi 7 năm, về VN 2 tháng rồi nhưng vẫn bị “sốc nhiệt”. 

Tôi hỏi vì sao bên đó đang làm ăn ngon lành thế mà lại về làm gì. 

– Bị đuổi về. Vi phạm pháp luật.

Anh ta kể rằng buôn xe ô tô, mua phải một chiếc xe ăn cắp, bị bắt và giam 15 ngày, sau khi điều tra, kết luận đúng là mua nhầm chứ không phải tự mình ăn cắp, thì được thả nhưng trục xuất luôn. 

Lạ là, dù bị bắt tạm giam, nhưng việc đầu tiên là cảnh sát hỏi về thực đơn và thói quen ăn uống của mình, thích ăn những món gì, khẩu vị ra sao…, có nhu cầu gì thay đổi về đồ ăn thì cứ “yêu cầu”, họ phải đáp ứng hết. 

Bị giam nhưng nhiều lúc quên mất là mình đang phạm tội, vì nào là kêu bật điều hòa, tăng nhiệt độ, giảm nhiệt độ, rồi nói đi mua thứ này, đi lấy thứ kia…, cảnh sát chỉ việc “ngoan ngoãn” làm theo yêu cầu. Không bao giờ có chuyện to tiếng hay tỏ thái độ bất lịch sự với mình, chỉ một lòng cúc cung “phục vụ”.

“Hết 15 ngày sau khi đã có kết luận thì được thả, về Đại sứ quán đang chuẩn bị lên đường hồi hương theo lệnh của chính quyền Nhật thì có người của sở cảnh sát tới, mang theo một chiếc áo. Chiếc áo này tôi bỏ quên ở chỗ giam giữ. Mà thực ra cũng chẳng phải bỏ quên, áo rẻ tiền, lại cũ rồi, vứt đi chứ lấy làm gì. Nhưng họ phái 3 cảnh sát mang tới tận nơi, hỏi có phải áo của anh không, giao lại đường hoàng rồi mới đi”.

Ở Nhật, nếu vì lý do nào đó mà anh “ngủ bờ ngủ bụi” thì sẽ có cảnh sát đứng canh cho ngủ, không để ai làm phiền, khi nào anh tỉnh dậy họ có làm gì mới làm, tuyệt đối không quấy rầy giấc ngủ của anh, chỉ tận tụy đứng đó, giữ đồ và  “canh giấc ngủ” cho anh!

Ông bạn này còn kể, có một ông già độc thân, cứ thi thoảng lại ăn trộm ít trái cây trong vườn nhà hàng xóm, để được đi tù! 

Thế là cứ ra tù là lại liền ăn trộm, vì ở trong tù sướng hơn ở ngoài nhiều. Trong đó, được chăm sóc tận tình và đối xử tử tế. 

Ở Nhật, cảnh sát và người nhà nước đúng nghĩa là “đầy tớ” luôn. 

Thử vi phạm giao thông mà xem, cứ ngồi trong xe bật điều hòa mát, 

họ tới ăn nói lễ phép, chỉ thiếu khúm núm xin được kiểm tra nữa thôi. 

Không bao giờ có chuyện hách dịch kiểu như ở VN chứ đừng nói chuyện vòi tiền…

Anh ta nói, ở Nhật đúng là có hơi “phát xít” thật, vì quy tắc rất nghiêm, cái gì cũng phải nhất nhất tuân thủ, nhưng quyền con người cao lắm, không ai được nhân danh nhà nước để xúc phạm hay đối xử thô bạo với anh, dù anh có phạm tội gì đi chăng nữa.

Còn một chuyện lạ đời này nữa: ví dụ, người dân trồng vài cây trái trong vườn nhưng chủ yếu để cho đẹp chứ rất ít khi ăn, thường để rụng đầy gốc, rồi ra siêu thị mua về dùng. 

Lý do là cây trái tự mình trồng thật đấy, nhưng vẫn không “chắc ăn”, cứ ra cửa hàng hay siêu thị mua về, ăn nếu lỡ có vấn đề gì thì có chỗ mà bắt đền. 

Thực phẩm trên thị trường Nhật gần như tuyệt đối an toàn, và nếu có nơi nào bán đồ mà ăn vào “có vấn đề gì” thì chỗ đó chỉ có điêu đứng. 

Oái oăm thay, ở ta mà muốn bán được hàng thì phải kèm theo câu “nhà làm”…

Những chuyện lan man không đầu không đuôi như thế nhưng cứ làm hiện dần lên hình ảnh của 2 đất nước, như thuộc về hai cõi khác nhau. 

Đến bao giờ chúng ta mới có được một xã hội vừa nghiêm khắc nhưng lại cũng rất tự do và nhân văn, không còn coi “Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay”* 

mà vụ án cô giáo Dung vừa minh họa một cách hùng hồn?

Ông bạn bảo, 200 năm nữa, may ra…

*Lời thơ cô giáo Trần Thị Lam:

“Đất nước mình lạ quá phải không anh

Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ

Những dự án và tượng đài nghìn tỉ

Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…”

Nguồn fb Thái Hạo