Người ủng hộ ông Trump bị mất tiền oan vì thiếu cảnh giác?
09/04/2021
Ông Trump ném một chiếc nón Trump về phía người ủng hộ trong một cuộc tập hợp vận động tranh cử
Một người gốc Việt ủng hộ nhiệt thành cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã mất tiền chỉ vì không cảnh giác khi lên mạng mua đồ ủng hộ và quyên góp cho chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống.
Tờ New York Times mới đây có bài phóng sự điều tra về chiến thuật từ ban vận động tranh cử của ông Trump với nhan đề ‘Làm cách nào ông Trump dụ người ủng hộ quyên tiền mà họ không hề hay biết?’
Theo tờ báo này thì sau khi phát hiện nhiều người đã kiện cáo đòi tiền lại và đã được hoàn trả, nhưng số tiền đóng góp trước đó của họ được xem là ‘khoản vay không có lãi suất để giúp duy trì chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump’.
Dòng chữ nhỏ xíu
Chiến thuật áp dùng là đánh dấu sẵn một ô nói là khoản đóng góp thay vì là một lần thì sẽ là đóng góp liên tục hàng tháng mà nếu ai không tinh ý sẽ không thấy để bỏ đánh dấu đó ra. Những người quyên góp phải đọc một dòng chữ nhỏ xíu mới biết được điều này, theo New York Times.
Cuộc điều tra cho thấy đây là một nỗ lực có chủ đích nhằm tăng ngân quỹ cho chiến dịch vận động của Trump và công ty WinRed, đơn vị xử lý các khoản quyên góp. Hồi tháng 9 năm ngoái khi gần đến ngày bầu cử, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã bị thiếu thốn tiền bạc và bị phía ông Biden qua mặt về chi tiêu vận động. Chính vào lúc đó mà ban vận động của ông Trump mặc định tất cả các khoản quyên góp sẽ là quyên góp nhiều lần.
Không lâu sau đó, ban vận động của ông Trump đã thêm một ô được đánh dấu trước nữa để tự động tăng khoản tiền đóng góp lên gấp đôi mà họ gọi là ‘bom tiền’ vào ngày sinh nhật của ông Trump.
Càng gần đến ngày bầu cử, dòng chữ nhỏ xíu để biết bỏ đóng góp đó ngày càng khuất và khó đọc. Chiến thuật này đã đánh lừa được nhiều người trung thành của ông Trump bao gồm cả những người đã nghỉ hưu, cựu chiến binh và thậm chí một số nhà hoạt động chính trị lão luyện.
Tờ New York Times đã kể về trường hợp của ông Stacy Blatt, 63 tuổi. Sau khi nghe trên radio rằng chiến dịch vận động của ông Trump đang hết sức cần tiền, bệnh nhân ung thư này đã lên mạng và quyên góp hết mức khả năng của ông là 500 đô la. Đó là một số tiền lớn đối với ông Blatt, vốn đang chiến đấu với bệnh ung thư và sống với mức chưa tới 1.000 đô la mỗi tháng. Hồ sơ liên bang cho thấy đây là khoản quyên góp đầu tiên của Blatt.
Khoản quyên góp 500 đô la lẽ ra là một lần duy nhất đó đã nhanh chóng tiếp diễn. Thêm 500 đô la nữa đã được rút từ tài khoản của Blatt vào ngày hôm sau và 500 đô la khác mỗi tuần sau đó. Cho đến giữa tháng 10, tài khoản của ông cạn sạch tiền mà ông vẫn không biết. Chỉ cho đến khi tiền nhà và tiền điện nước của ông không thanh toán được thì ông mới biết và báo cho em trai để xin giúp đỡ.
Họ đã phát hiện ra chiến dịch của ông Trump đã rút 3.000 đô la của ông trong vòng chưa đầy một tháng. Cho rằng mình là nạn nhân của trò lừa đảo, họ gọi đến ngân hàng khiếu kiện. Ông Blatt đã qua đời vì ung thư vào tháng Hai năm nay.
Ông Blatt không phải là người duy nhất nghĩ rằng mình đã bị lừa.
Ông Victor Amelino, 78 tuổi, đã quyên góp 990 đô la cho chiến dịch tranh cử của Trump hồi tháng 9. Tuy nhiên, khoản đóng góp đó lại trở thành đóng góp định kỳ, khiến ông mất gần 8.000 đô la. Ông Amelino được New York Times dẫn lời nói: “Quân ăn cướp! Tôi đã nghỉ hưu. Tôi không đủ khả năng để quyên góp nhiêu đó tiền.”
Các khoản quyên góp định kỳ đã giúp ông Trump có được hàng chục triệu đô để duy trì chiến dịch vận động của ông vào tháng 9 và tháng 10. Sau bầu cử, ông Trump vẫn tiếp tục huy động tiền với lý do bị gian lận bầu cử nhưng không đưa ra căn cứ để có tiền hoàn lại các khoản mà các nhà tài trợ kiện cáo.
“Trên thực tế, số tiền mà ông Trump cuối cùng phải hoàn lại là khoản vay không lấy lãi từ những người ủng hộ không hề hay biết vào thời điểm quan trọng nhất của cuộc đua,” New York Times nhận định.
Ngay cả một số người sành sỏi về chính trị cũng trở thành nạn nhân của việc bị rút tiền ngoài ý muốn.
Giám đốc điều hành của quỹ bảo thủ Oregon Capitol Watch, Jeff Kropf, nói ông đã ‘rất cẩn thận’ để bỏ sự lựa chọn đóng góp nhiều lần, nhưng không thấy ô ‘bom tiền’ và bị rút tiền thêm một lần nữa.
Chừng nào WinRed sửa lại cách làm lén lút của họ để lấy thêm tiền từ thẻ tín dụng như họ đã làm với tôi, tôi sẽ không đóng góp cho họ nữa,” ông Kropf khẳng định.
Khiếu nại gia tăng
Các nhân viên phụ trách xử lý các khiếu nại gian lận tại các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng cho biết có sự gia tăng đáng kể các khiếu nại nhắm vào ban vận động của ông Trump và công ty WinRed.
Trong hai tháng rưỡi cuối năm 2020, chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump đã phải hoàn tiền hơn 530.000 khoản với tổng giá trị 64,3 triệu đô la. Để so sánh, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden đã hoàn tiền 37.000 lần, tương đương 5,6 triệu đô la trong cùng thời gian đó, theo đài KUTV.
64,3 triệu đô la chỉ trong hơn hai tháng là quá nửa số tiền 122 triệu đô la mà ban vận động của ông Trump hoàn lại cho các nhà tài trợ trong cả năm 2020, một mức độ hoàn tiền đáng kinh ngạc đối với bất kỳ chiến dịch chính trị nào.
Tất cả các chiến dịch vận động tranh cử đều phải hoàn lại tiền tài trợ vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như đóng góp nhiều hơn số tiền cho phép.
Không rõ có phải chính ông Trump đã chỉ đạo thực thi hay thậm chí biết về cách làm này hay không. Tuy nhiên, phát ngôn nhân của ông Trump, ông Jason Miller, đã phản công cáo buộc gian lận khi nói với tờ The Hill rằng chỉ có 0,87% các giao dịch quyên tiền cho WinRed đã bị kiện cáo chính thức.
“Việc chúng tôi có tỷ lệ kiện cáo dưới 1% tổng số tiền quyên góp mặc dù huy động được nhiều tiền hơn bất kỳ chiến dịch vận động nào trong lịch sử là điều đáng chú ý. Chiến dịch của chúng tôi được tạo nên bởi những người đàn ông và phụ nữ Mỹ làm việc chăm chỉ và trân trọng các khoản đóng góp của họ là điều tối quan trọng đối với chúng tôi so với bất kỳ điều gì khác,” ông Miller nói.
Theo WinRed, tất cả các mạnh thường quân đều nhận được trước ít nhất một email sau đó về các khoản đóng góp định kỳ đang chờ được rút và họ giúp mọi người lấy lại tiền ‘đặc biệt dễ dàng’.
‘Thôi bỏ qua’
Ông Tommy Lưu, một nhân viên chính phủ sống ở miền bắc bang Virginia và là người ủng hộ trung thành của ông Trump từ mấy năm nay, cho biết ông cũng là nạn nhân của ‘ô đánh dấu sẵn này’.
Ông kể lại rằng ông lên mạng mua một cái cốc Trump hồi năm 2018 để góp tiền cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. Lúc đó ông thao tác rất nhanh và cuối cùng nhấp vào chỗ đồng ý mua mà không đọc kỹ các chi tiết.
Đến khi nhận được báo cáo chi tiêu tín dụng thì ông mới tá hỏa vì thấy tiền mình bị trừ thêm 42 đô la tiền quyên góp cho ông Trump, ông nói. Lúc đó, để thử lại, ông mới giả vờ tìm mua thêm một cái nón Trump nữa. Lần nữa, ông cẩn thận đi từng bước rất chậm và đọc kỹ thì mới phát hiện ra có một ô đã được đánh dấu sẵn nói ông đồng ý đóng góp hàng tháng.
“Mỗi tháng góp 42 đồng, nhưng qua đến tháng mười năm 2020 là chuyển qua góp hàng tuần cho đến hết ngày 6/1,” ông Tommy nói và cho biết tổng cộng số tiền ông đóng góp cho ông Trump trong gần ba năm qua là 1.800 đô la.
“Tôi cũng giống như bao nhiêu người khác là nhanh hơn một giây mà không đọc cái dòng đó, không bỏ chọn cái ô đó nên hàng tháng bị mất tiền,” ông nói. “Nếu anh không để ý cái ô đó thì tức là anh đồng ý góp tiền hàng tháng.”
Ông nói sau khi phát hiện ông có cãi với nhà băng, nhưng sau đó ông nghĩ lại ‘chỉ có 42 đồng một tháng thôi nên cho họ lấy’.
“Tôi hy vọng đến ngày 3/11 ông Trump sẽ thắng nên số tiền đóng góp cho quỹ bầu cử của ông Trump tôi cứ để họ làm luôn,” ông giải thích.
Ông cho biết hàng ngày ông nhận được rất nhiều email, ‘cái nào cũng Trump mời gọi mua đồ, quyên góp ủng hộ’. Ông nói những lời chào mời đó đến từ nhiều tổ chức khác nhau, cho nên nếu nhấp vào mà phải đăng ký một tài khoản mới thì ‘đó là đóng góp cho một nguồn khác nữa’.
Ông cảnh báo có nhiều tài khoản không cần mật khẩu mà chỉ cần ‘nhận diện khuôn mặt’ là đã mở ngay trang mua hàng. “Tôi đang cầm chiếc phone trước mặt tự dưng nó nhận diện gương mặt chuyển thẳng tôi đến trang ủng hộ Trump có ô chọn sẵn là góp tiền hàng tháng,” ông nói.
Ông thừa nhận cách làm này ‘có phần lừa đảo’ nhưng ‘cũng có phần không vì là tự nguyện’.
“Đó là do mình không đọc kỹ những gì đã được đánh dấu sẵn cho mình thôi, nếu mình không muốn thì có thể bỏ đánh dấu,” ông Tommy nói.