“CẦU XIN SẼ ĐƯỢC…”  ai đã từng ở Pleiku…

Sống sót tù Việt cộng tôi có thể sống sót mọi nơi, mọi hoàn cảnh vì tận cùng của sự khủng khiếp là Hỏa Ngục mà so với tù Vit Cộng chắc còn thua một bậc…

“CẦU XIN SẼ ĐƯỢC…”  ai đã từng ở Pleiku…

“…Ngày 22 tháng mười hai năm 1976 tôi bước chân ra khỏi nhà tù Pleiku. Tôi bị bắt ở Kontum cách đó khoảng bảy tháng. Từ Saigon đi xe đò lên cái tỉnh tận cùng biên giới ở phía Tây, chưa kịp nằm nóng lưng công an đã đến thăm hỏi, còng tay tống vào tù một tháng trời chờ xe đưa về trại giam tỉnh Pleiku. Hồi đó thời sinh viên khờ khạo, chưa bao giờ rời nơi sinh ra và lớn lên ở Saigon, chuyến đi Kontum là một mạo hiểm lớn. Vì quá nhiều lần toan tính vượt biên bằng tàu thất bại tôi quyết định thử thời vận lần nữa bằng đường bộ. Đâu có biết rằng những ngày vừa sau 30/4/ 75 VC chăng lưới tình báo nhân dân ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, ngơ ngơ ngáo ngáo như tôi khi đến một địa phương xa lạ chắc chắn sẽ lọt ngay vào tầm ngắm của an ninh.

Lục soát ba-lô tôi đem theo, bọn chúng thấy một cuộn dây đi rừng và tai hại hơn nữa, một viên đạn colt 45 nằm lẫn lộn trong mớ quần áo,bèn đẩy tôi vào ngay biệt giam. May cho tôi ngoại trừ tang vật hiện trường chúng không tìm được gì khác. Tôi vẫn còn giữ tấm thẻ sinh viên đại học Khoa Học Saigon và thẻ căn cước nên chúng không biết khép tôi vào tội gì . Sau này tôi mới biết với VC, tội tình nghi nặng hơn bất cứ tội nào khác. Ăn cắp ăn trộm còn có án về, tình nghi thì “mút chỉ cà tha”. Ba năm là chuyện nhỏ, có người đã phải “học tập” trên chục năm trời ngày trở về ba má vợ con nhìn không ra.

Khoảng một tháng sau khi tạm giam ở Kontum, CA chuyển tôi về Pleiku. Địa ngục trần gian bắt đầu hiện ra trước mặt tôi. Chỉ có ba phòng sức chứa khoảng 150 người, nay bị dồn nhét hơn ba trăm . Một biệt giam gồm khoảng trên mười hộc (dành cho 10 người) chất đến ba chục mạng.Lần đầu tiên ở tù tôi chỉ muốn tự tử. Chung quanh tôi đa số là Fulro cắc-kè-bông với vết thẹo ghẻ lở phủ kín người. Cấp bậc nhỏ nhất là thằng Giu Se Mới, khoảng 20 tuổi đại úy Fulro. Tôi nằm chung hộc với nó và thẳng Y Nguoun, thiếu tá, bị bắt vì chỉ huy một đại đội tấn công đồn Công An quân số khoảng mười bốn mạng. Đánh đấm thế nào mà thiếu tá Y Nguoun bị bắt sống, lính lác chạy tán loạn, đồn CA thì vẫn còn nguyên.

Đó là lần đầu tiên tôi biết con rận. Sáng sớm thức dậy nhìn thấy một giọt máu nhỏ bằng đầu kim đi chuyển trên cánh tay, tôi kinh ngạc không biết là cái gì. Giu Se Mới chụp ngay lấy bỏ vào miệng cắn cái cóc . Nó còn khuyến khích tôi “ thử đi, ngọt lắm”. Ông nội tôi cũng không dám thử.

Mỗi ngày, chúng tôi được múc nước vào rửa ráy buồng giam một lần, ai có nhiệm vụ trực hôm đó đuoc hưởng thêm phần cơm cháy. Một thằng giết người (dân tộc Kinh) đang chờ ngày ra tòa vẫn dành giựt nhiệm vụ này với Thượng để có thêm cơm ăn. Ỷ mình Việt Nam chính cống nó ăn hiếp bọn Thượng khờ khạo (hay giả khờ qua ải). Thùng đựng nước là một thùng đạn lớn dùng chứa đủ thứ từ rác rưởi, ỉa đái, khạc nhổ. Sáng sớm hai thằng khiêng đổ ra đống rác rồi súc sơ sài bằng nước giếng, sau đó múc nước cũng từ giếng vào tắm rửa. Có lần tôi còn thấy rõ cục đàm của thằng nào nổi lều bều trên mặt. Không ăn nhằm gì hết với tù biệt giam vì cắc-kè-bông không sợ lở, chỉ việc vớt bỏ rồi thoải mái mà xối lên người, kỳ cọ với xà bông cục . Dân Thượng địa phương có thăm nuôi , sáu thằng Việt Nam chúng tôi đói khát muôn năm.

Đó là lý do tại sao sạch sẽ tắm rửa như vậy mà anh Fulro nào cũng thành cắc-kè bông. Thăm nuôi nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng lại không ánh nắng mặt trời (biệt giam bị cấm ra khỏi khu vực buồng tối), vệ sinh tệ hại, không bị ghẻ đầy người mới là chuyện lạ.

Cuối cùng tôi chuyển đến phòng ngoài. Ra rồi tôi lại nhớ thời gian nằm “hộc “. Dù sao thỉnh thoảng cũng được chia cho vài hơi thuốc rê quấn giấy bọc lương khô Trung Cộng. Hút cháy cổ mà vẫn ngon, hoặc chí ít cũng nếm được mẩu bánh đậu xanh (lương khô Tàu) lớn bằng đầu ngón tay cái.

Tôi biết ơn Giu Se Mới đã “bố thí” vì trong biệt giam hai phong lương khô cộng với sáu điếu thuốc rê đổi được áo jacket lính Dù mặc rất ấm với khí hậu miền núi. “Thấy cái mặt mày khờ, tao tội nghiệp”. Không có sự tội nghiệp của đại úy Giu Se Mới suốt đời tôi cũng chẳng biết hương vị “ration C” Tàu nó như thế nào…

Nhất y nhất quởn từ ngày bước lên chiếc xe đò định mệnh vốn liếng đi theo tôi cho tới ngày rời khỏi nhà tù chỉ bấy nhiêu để chống chọi cái rét khủng khiếp mùa đông .

Tôi bắt đầu có ghẻ, ghẻ mọc khắp nơi trên người bất kể chỗ kín hay hở. Ghẻ và đói là hai kẻ thù khủng khiếp hành hạ những thằng tù ngày cũng như đêm. Ghẻ và đói lại tàn ác hơn với những thằng tù “xa xứ” quê quán ở tận Saigon như tôi. Tù Saigon đông lắm, nhưng đường xá xa xôi nhất là vào những ngày mới bị VC chiếm đóng miền Nam, phương tiện giao thông nghèo nàn, chẳng thằng nào có thăm nuôi. Bao nhiêu quần áo mang theo đã đổi lấy lương khô, thuốc rê, còn lại thì đem ra quấn hết vào người. Tù khổ nhưng rận rệp lại mừng vì càng ngày càng mập mạp, chỗ trú ẩn ấm cúng sau mấy lớp quần áo.

Buổi sáng tù được ra tắm nắng mỗi thằng tự mài lấy cho mình một cây kim từ những miếng sắt vụn kiếm được. Có hai lợi ích khi sở hữu một cây kim: để may lại bộ đồ rách (chỉ là những sợi nilon rút ra từ bao tải) và để bắt con ghẻ. Nhiều thằng tù không ngồi được vì đít đầy ghẻ mủ, chổng mông cho một thằng khác chà sát xịt máu rồi rửa bằng nước muối. Đó là cách trị ghẻ duy nhất tù nghĩ ra được.

(Sau 30/4/75, ở tù là chuyện dĩ nhiên đối với tất cả những ai sinh ra và sống dưới chế độ VNCH. Con nít ba tuổi còn phải đi tù với mẹ, nhiều bà lặc lè cái bụng cũng ngồi vài tháng vì tội vượt biên hoặc buôn bán lặt vặt. Hễ là người miền Nam (không theo VC) thì phải “học tập cải tạo”, đó là quy luật.)

Một đêm lúc còn trong hộc, bỗng dưng tôi thức dậy vào khoảng ba giờ sáng, chắc tại mấy con rận rệp cắn ngứa ngáy quá chịu không nổi. Thình lình tôi nghe văng vẳng từ xa vọng lại tiếng chuông nhà thờ. Tiếng chuông boong boong vọng vào tai rồi thấm dần đến quả tim từ lâu đã quên bẵng. Tôi nằm trong này hơn hai tháng rồi, chưa biết bao giờ mới được cho ra phòng ngoài chứ đừng nói gì đến được tha. Bao nhiêu ký ức hiện trong đầu tôi, những ngày còn ở ngoài đời.

Tôi là người Công Giáo, theo kiểu ông bà cha mẹ có đạo thì đương nhiên tôi cũng có đạo. Từ lúc lớn khôn tôi chẳng ý thức gì về vấn đề tôn giáo, nhưng phải đi lễ mỗi Chúa Nhật là một cực hình (tôi thà rong chơi với bạn bè trong mấy quán cà phê). Sinh viên năm thứ ba ĐHKH Saigon tôi thích những nơi có nhạc Trịnh Công Sơn, lơ mơ điếu thuốc quấn Bồ Đà. Hồi nhỏ ba má tôi vẫn buộc chúng tôi phải đi lễ chung với gia đình, nhưng khi bước vào đại học, ông bà để chúng tôi tự do. Tôi trịch thượng so sánh những linh mục với những con quạ đen.

Nhưng đêm hôm đó, tôi bị “đánh thức”. Tiếng chuông vọng lại nhắc đến những Giáng Sinh gia đình thiếu vắng tôi trong lễ nửa đêm. Hình ảnh ba má tôi chăm chỉ dự lễ đều đặn nhất là sau ngày đại tang của đất nước. Ông bà cầu nguyện điều gì tôi không biết nhưng gương mặt già nua của cha mẹ giờ đây hiện rõ ràng trong tâm trí. Tôi bật khóc, tự nhiên tôi ngồi dậy, hai cái còng chữ u dưới chân rọt rẹt làm Giu Se Mới cằn nhằn “ngủ đi thằng Sài Gòn”.

Tôi không ngủ được nữa, lần đầu tiên sau bao nhiêu lâu tôi mấp máy môi đọc một kinh Lạy cha, ba kinh Kính Mừng một kinh Sáng Danh. Rồi tôi quyết định make a deal với Thiên Chúa. Tôi thưa như thế này:

– Lạy Chúa, bao lâu rồi con đã không dự lễ với ba má, Xin cho con được về trước Giáng Sinh năm nay, con muốn cùng ba má con dự thánh lễ Giáng Sinh. Nếu có thể xin hãy cho con điều đó. Nếu không cho hãy cất linh hồn con, con hết chịu nổi rồi. Sau Giáng Sinh nếu còn ở trong này con sẽ chẳng tha thiết điều gì nữa, cho con chết đi thì hơn.

Như đã nói, tội của tôi là tội “tình nghi” mà đối với VC “tình nghi” nặng hơn “tình thiệt”. Tình thiệt còn có ngày về, tình nghi thì cứ “mút mùa Lệ Thủy”. Do đó cầu nguyện là một chuyện, cầu được ước thấy lại là chuyện khác. Tôi đinh ninh như thế và rồi tôi quên đi những gì mình đã thưa vào đêm thức dậy ba giờ sáng.

Ngày 22 tháng Mười Hai năm 1976. Đang lúc ra tắm nắng tù được lệnh trở vào phòng giam, thường là lệnh chuyến đi lao động những tù đã có án. Trước đó hai ngày ngày 20/12/1976 tôi chợt nhớ lại lời cầu xin của mình và lòng buồn rười rượi vì chắc chắn sẽ còn ở đây lâu. Thân thể tôi giờ như một bộ xương khô, cái đói chiếm trọn đầu óc. Đã có lần tôi suýt nhặt một trái ớt hiểm nằm giữa đống phân vì thèm. Tôi sắp chết rồi.

Đợt đầu được gọi ra để chuyển trại, cửa phòng giam mở khoảng mười lăm phút để tù có án tập trung . Sau đó lại đóng. Điều này hơi bất thường vì trước đây chưa từng . Hóa ra còn một đợt kêu tên nữa cho về. Tên tôi nằm hàng thứ ba mươi sáu.

Tôi đi như bay ra khỏi nhà giam, đầu óc tôi tê điếng chẳng còn cảm giác Điều tôi không ngờ đã đến. Tôi bước ngang Biệt Giam thấy mặt Giu Se Mới cười và nghe rõ tiếng nói của nó: “thằng Saigon về rồi!”. Cảm ơn mày nha Giu Se Mới, tao sẽ nhớ mày và Y Nguoun.

Hồi bị bắt tôi còn ít tiền, công an VC trả lại tôi đầy đủ (Điều này cũng đã làm tôi ngạc nhiên một thời gian, ít quá không đáng để lấy?). Tôi mua ngay một nải chuối, mấy cái bánh tét, tất cả những gì tôi thèm khát mà số tiền có thể mua được. Kết quả thấy ngay lập tức, tôi đứng dậy không nổi. Bao tử bị o ép thời gian dài nay căng ra quá độ làm tôi bị bội thực. Tôi ráng lết ra bến xe, trên người còn mặc bộ đồ tù trại phát. Ra đến đó tôi ngồi trên một băng ghế dài, ngẫm nghĩ cách để về nhà. Tiền đã hết, làm thế nào đây? Cách duy nhất tôi có thể thực hiện lúc này là cầu nguyện. Tôi lại thưa:

– Lạy Chúa, Chúa đã nghe lời con kêu xin, cho con được ra tù mà chỉ còn hai ngày nữa là đến Giáng Sinh, con lại không có tiền . Không lẽ Chúa bỏ con bơ vơ ở nơi này? Vậy thì cho con ra tù để làm gì?

Còn đang lẩm bẩm, tôi chợt nghe có tiếng nói

– Sao ngồi đây?

Tôi ngước lên, trước mặt là một người đàn ông trung niên, ăn mặc như nông dân. Giọng miền Nam hơi phảng phất Trung Phần. Anh nhìn tôi có vẻ thông cảm (chắc tại bộ đồ tù)

Tôi thưa thiệt:

– Dạ tôi mới tù ra, nhà ở tận Saigon không biết làm sao để về nhà .

– Vậy hả, tôi tên Tường, mà nè sáng giờ ăn uống gì chưa?

Mặc dù ăn no đến bội thực, bao tử đang hành hạ nhưng cái đói ám ảnh khiến tôi buông vội (vì tưởng như mình vẫn đang rất đói):

– Dạ chưa

– Vậy ngồi đây chờ chút tôi đi, chút xíu quay lại.

Tôi bàng hoàng, kinh ngạc. Như thể Chúa đang ở trước mặt tôi, Ngài đang trò chuyện, đang nghe những lời kêu van thống thiết và gởi một thiên sứ đến giúp tôi . Anh là Thiên Sứ của Thiên Chúa hay người thường vậy anh Tường?

Anh trở lại với khúc bánh mì:

– Nè ăn đi, tôi đã sắp xếp một chỗ cho anh trên chiếc xe đò về Saigon rồi.

Tôi theo anh, anh dẫn tôi lên chiếc xe, nói gì đó với người tài xế, rồi ngoắc tay:

– Về nhà bình yên nghe

Tôi vẫn không biết anh có phải là Thiên Thần Bổn Mệnh của tôi, vì thời điểm đó, đâu có ai muốn rắc rối, dây dưa với người lạ nhất là một thằng tù còn mang trên người bộ quần áo. Càng co cụm, khép kín càng tốt. Ai biết ai…là ai!

Tôi lên xe ôm cái bụng cóc ọc ạch vì thức ăn nằm ủ trong đó. Cứ khoảng một cây số tôi lại xin người tài xế ngừng lại để đi cầu. Trên dưới đều không ra được làm tôi như người sắp chết. Bụng tôi căng cứng giống trái banh chờ lúc bùng nổ. Tôi lại lâm râm cầu nguyện. Những lời kinh phần nào làm đau đớn dịu xuống, nhưng hỗn tạp hàng chục loại thức ăn trong dạ dày khiến tôi chỉ muốn chết cho xong.

Hành khách đi chung xe không ai dám nói chuyện với tôi, họ chỉ liếc mắt nhìn, người đầu tiên ngồi hàng cuối đứng dậy xuống, đi ngang qua ném cho tôi hai đòn bánh tét rồi đi thẳng. Người thứ hai, thứ ba giả bộ để rơi tờ giấy bạc, gói thuốc. Tôi cảm ơn họ những người xa lạ chỉ vì bộ đồ tù tôi mặc trên người sẵn sàng nhường nhịn chia sẻ chút vật thực rất nghèo nàn của họ. Những ngày đầu mất nước chẳng ai giàu có đủ để chia sẻ phần sở hữu của mình. Chắc họ đoán tôi là tù VC vừa được tha, mà đã là tù VC thì (ngoài hình sự ) tất cả đều là anh hùng. Cảm ơn họ, những người miền Nam giàu lòng vị tha.

Tối hôm đó xe ngừng lại ở Qui Nhơn. Nhờ có tiền tôi thuê được cái ghế bố. Tôi muốn ngủ nhưng đau đớn quá đến bật khóc. Tôi lại ngồi dậy thầm thì cầu xin:

– Lạy Chúa, Chúa đã cho con ra tù, cho con có phương tiện về nhà không lẽ Chúa để con chết ở đây? Chúa biết là con cũng sắp chết rồi. Con thở không nổi nữa, đau quá Chúa ơi

Cầu nguyện một chặp, tôi mệt nằm xuống thiếp đi. Đoán chừng khoảng mười lăm phút sau, tôi ngồi bật dậy. Một con nôn thốc nôn tháo tống khứ hết mọi thức ăn đã nằm trong bao tử tôi hai ngày nay.Tôi tưởng sau đó tôi sẽ chết, thật lạ, hết cơn nôn tôi cảm thấy mình khỏe khoắn như chưa bao giờ khỏe như thế. Tối hôm đó tôi ngủ say như một đứa trẻ vừa no sữa.

Xe đến ven thị xã Phan Thiết thì ngưng lại. Lệnh giới nghiêm không cho phép xe lưu thông qua thành phố sau nửa đêm. Đó là tôi đoán vậy, còn thật sự như thế nào tôi không biết. Đêm đó cũng như mọi người chúng tôi nằm lăn lóc ở hai bên vệ đường trong khách sạn “Ngàn Sao”( nhìn lên trời thấy sao không!)

Sáng ngày 24/12/1976 tôi về tới nhà. Con chó Lucky má tôi thừa hưởng từ người dì đã đi tản qua Canada để lại. Nó gốc quân khuyển thường được ăn đồ ngon cho tới khi về với má tôi và sống dưới chế độ VC. Tội nghiệp “thằng nhỏ” phải tập ăn mọi thứ má tôi có thể chia cho nó. Chơi láng hết từ khoai mì khoai lang, cám heo v..v . Hai “đứa” tụi tôi vẫn chơi thân với nhau trước ngày tôi đi tù.

Nghe tiếng người Lucky từ trong nhà chạy ào ra sủa dữ dội. Tôi la khẽ “Lucky, tao nè” nghe tiếng tôi nó ư ử mừng rỡ, chân cào lên hàng rào đuôi vẫy dữ dội. Má tôi đang ăn cơm, nghe chó sủa vội chạy ra coi là ai, tay vẫn còn cầm chén. Vừa nhìn thấy tôi, má chết sững

– Trời ơi, ông ơi, thằng Bảy nó về rồi nè.

Ba tôi chạy ra, mếu máo. Má tôi mở cổng, ôm chầm lấy tôi, Lucky nhảy chồm lên người tôi, ba tôi cứ cầm tay tôi mà lắc. Sau này khi bình tĩnh tôi mới biết ba má tôi tưởng tôi đã chết rồi vì không có tin tức gì hết từ ngày tôi bỏ đi. Ba má biết tôi tìm cách vượt biên đường bộ. Thú dữ, Khờ Me Đỏ, VC chắc là tôi không tài nào đi lọt. Thậm chí má tôi đã xin lễ cầu hồn cho tôi. Tôi đâu có dám cho ba má tôi biết bị tù ở Pleiku, sợ ông bà tuổi già sức yếu lại lo gồng gánh thăm nuôi. Cuối cùng tôi chịu hết nỗi đánh liều gởi lén thằng bạn được tha bức thư cầu cứu chỉ cách ngày tôi được tự do có một tuần lễ. May là thằng bạn chắc về tới nhà vui quá quên giao thư. Cảm ơn nó, nếu không tôi lại làm khổ ba má tôi lần nữa.

Tính ra VC giam tôi hơn sáu tháng. Sáu tháng với một thằng thư sinh như tôi, từ nhỏ tới lớn chỉ biết ăn bám vào cha mẹ là cả một khoảng thời gian khủng khiếp. Tôi biết được con rận hình dạng ra sao, con cái ghẻ nhớ như thế nào và làm cách nào bắt “quả tang hung thủ” bằng đầu kim mài nhọn từ mảnh sắt vụn. Tôi biết sự dã man khi bệnh “đói” hành hạ, cảm giác “sung sướng đến tê dại” lúc áp chai thủy tinh nước nóng vào hai cái mông đầy ghẻ, hoặc khi thằng bạn “ghẻ” chà bật máu mủ rồi chế nước muối lên. Gọi là bạn ghẻ vì chúng tôi sẽ luân phiên “điều trị” bệnh ghẻ cho nhau theo lối đó.

Tôi cũng phải cảm ơn VC. Nghe lạ quá ha? Nhưng đúng là nhờ VC, bao tử tôi giờ vô địch. Tôi có thể ăn bất cứ con gì miễn là nó nhúc nhích (tôi đã từng nếm “hương vị” rận no máu khi cắn cái cóc trong miệng ). Bây giờ nhiều khi ăn thức ăn để lâu hoặc cơm thiu người khác sẽ bị ngộ độc thực phẩm, còn tôi hả? “vô tư”! Vi trùng sợ tôi chứ tôi đếch ngán bất cứ vi trùng nào. Sống sót tù VC tôi có thể sống sót mọi nơi, mọi hoàn cảnh vì tận cùng của sự khủng khiếp là Hỏa Ngục mà so với tù VC chắc còn thua một bậc.

Câu chuyện này hoàn toàn có thật mà bao nhiêu năm nay tôi muốn kể lại để VINH DANH  CÁM ƠN Thiên Chúa, nhưng vì không biết cách viết, cộng thêm với sự lười biếng, lo toan cuộc sống tôi chưa làm được. Tin hay không tuỳ quý vị, nhưng ơn Thiên Chúa ban cho có thật, nhất là cộng thêm lời cầu bầu rất linh nghiệm của Mẹ Maria.

Còn đối với anh Tường tôi vẫn cầu nguyện cho anh ( tôi rất muốn biết anh chỉ là một người giàu lòng nhân đạo tình cờ đi ngang qua hay anh thật sự là một Thiên Sứ được sai đến?)

Tôi xin lỗi, tôi quên phần kết luận: chỉ trong vòng có hai ngày, từ trưa 22/12/1976 với một cái bụng bội thực gần chết, với phương tiện giao thông nghèo nàn dưới sự điều hành của VC đi từ Pleiku (cách xa Saigon bao nhiêu cây số ?) , tôi đã về tới nhà mình vào đúng trưa ngày 24/12/1976. Điều đó có nghĩa là đêm Giáng Sinh tôi đã được tham dự Thánh lễ nửa đêm với ba má mình như lời nguyện xin trong phòng biệt giam ở Pleiku…”

VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI
BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM

(Theo lời kể của một người bạn)
nguoiviettudo

 From: Bác sĩ Phùng Văn Hạnh gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay