Thọ” chưa hẳn là may mắn
Vu Trung Hien
Cứ mỗi lần có dịp phải vào nhà dưỡng lão để thăm người quen hay bạn bè, tôi thường có những suy nghĩ và ám ảnh, liệu rồi sau này lúc già yếu, bệnh hoạn, tôi có phải vào nằm ở đây không, mà ví như cha mẹ tôi còn sống, tôi có khả năng nuôi nấng săn sóc cha mẹ tôi ở nhà không hay lại phải đưa quý cụ vào đây?
“Nước mắt chảy xuôi” là thành ngữ Việt Nam nói đến tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, từ cao xuống thấp, để khuyên chúng ta đừng đòi hỏi một sự báo đáp từ con cái. Nhưng sự thật, các bậc cha mẹ cũng buồn lòng khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc, nhất là đến tuổi già, bệnh tật, có khi bị bỏ quên, cha mẹ cảm thấy cô đơn, cần sự an ủi, săn sóc. Trong một bài viết về nỗi niềm của cha mẹ già bị bỏ quên trong xã hội hôm nay, tôi nhận được lá thư của một vị cao niên ở tận miền Ðông, bày tỏ ý kiến của cụ:
“Tôi đã khóc, khóc cho chính mình và cho ai trong tuổi già ở xứ này.
Ông kể lại có cụ già đã chết cả một hai tuần, không ai biết.
-Con cái ở đâu?
Ðó là những người có con mà còn vậy, còn những người không con thì chắc phải vô trường hợp này quá. Vì tôi không con gái, chỉ hai ‘đực rựa’, một ở Cali, một ở gần đây, nhưng ít khi kêu, và có khi không kêu hỏi thăm được một tiếng, lúc cần tiền hay cần gì đó mới kêu.
– Có lúc tôi nghĩ:
Hay mình bất hiếu với cha mẹ nên con cái nó bạc với mình chăng?
Ở Florida này cũng có một bà Việt Nam ở riêng, mỗi tuần có cậu con trai mang đồ ăn tới.
Hôm đó cậu ta kêu cửa, nhưng không ai ra mở.
Cậu ta tưởng bà cụ đi vắng bèn treo gói đồ ăn vào hàng rào cổng.
Mấy ngày sau trở lại, thấy gói đồ ăn vẫn còn, mới khám phá ra bà mẹ đã chết.
-“Thật là thảm!”
Ðây chắc chắn là chuyện này có thể tránh được.
-Nếu mẹ ở nhà riêng, con nên có một cái chìa khóa nhà để dùng lúc cần thiết.
-Ðem thức ăn đến cho mẹ, khi mẹ đi vắng, dù bận thế nào đi nữa, thì cũng vào nhà, để thức ăn vào tủ lạnh cho mẹ.
-Nếu mẹ ngủ thì cũng vào nhà xem mẹ có khỏe không?
-Ðiện thoại cho mẹ nhiều lần mà không nghe trả lời thì phải nhờ người ở gần, đến gõ cửa nhà mẹ xem sao, hay vội vàng chạy lại xem sự thể thế nào?
-Câu chuyện như trên có thể xẩy ra bất cứ ở đâu.
-Trái tim của người mẹ có nhiều chỗ dành cho đứa con, như đôi cánh của một con gà mẹ có thể dang ra che kín mười đứa con bé dại, nhưng người mẹ có chỗ nào trong trái tim của con.
Ngày xưa, mẹ chưa bao giờ biết nói tiếng “bận” với con.
-Khi đang ăn mà con “làm bậy” cũng phải buông đũa đứng dậy.
-Nửa đêm dù đau yếu, mỏi mệt nghe tiếng con khóc cũng phải mở mắt, vỗ về và ôm con vào lòng.
-Sao các con bây giờ vẫn thường nói tiếng “bận” với cha mẹ.
-Vì bận nên các con đưa cha mẹ già lú lẫn vào nursing home,
-Vì bận, nên theo lời một cô y tá cho biết, nhiều gia đình bỏ cha mẹ vào đây rồi không bao giờ lui tới thăm viếng.
-Cô cho biết nhiều người đã ở đây năm sáu năm rồi, không hề có ai lai vãng.
-Có bao nhiêu lý do để những đứa con có thể nêu ra để không còn chỗ nào trong lòng, nhớ đến cha mẹ.
-Đàn ông chúng ta nên vui, vì hiện nay trong các nhà dưỡng lão 70% là quý bà, vì các ông đã quy tiên sớm hơn vợ mình, thông thường ít nhất là 6 năm, để ngày nay khỏi phải chịu cảnh cô đơn, buồn tẻ.
-Trước ngày Giáng Sinh tôi có dịp vào viếng thăm một người bạn sắp qua đời trong một nursing home.
Trên hành lang dẫn vào phòng người bạn, và ngay trước chỗ làm việc của nhân viên ở đây, tôi thấy nhiều ông bà cụ ngồi trên những chiếc xe lăn, nhìn những người qua lại.
Các cô y tá đã sắp xếp cho các cụ ra ngồi trên hành lang đối điện với văn phòng làm việc, một phần để trông chừng các cụ, một phần cho các cụ đỡ buồn.
Nhưng các cụ nhìn sự vật một cách dửng dưng, đôi mắt đờ đẫn, có người đã gục đầu xuống ngủ. Giá mà có người đẩy xe lăn đưa các cụ đi dạo một vòng ngoài trời nắng ấm kia, chắc hẳn các cụ vui hơn và biết đâu cuộc sống sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa.
Giờ này trong công viên hay trên những con đường trong thành phố nhiều người mẹ đang đẩy chiếc xe đưa con đi dạo, nhưng vài mươi năm nữa ai sẽ đẩy chiếc lăn cho bà.
Phải chăng định luật của cuộc sống và tình thương là “nước mắt chảy xuôi”, sẽ không bao giờ có một dòng nước chảy ngược về nguồn.
Người Âu Mỹ thường thèm địa vị của các bậc cha mẹ người Á Ðông lúc về già vẫn còn được con cái lui tới săn sóc, nhưng họ cũng nên nhớ lại, họ chỉ nuôi con cho đến năm 18 tuổi là hết bổn phận, trên pháp lý, không ai trừng phạt gì họ được, mà trên mặt tình cảm cũng không có gì phải cắn rứt lương tâm.
Trong xã hội văn minh này, một đứa trẻ bỏ học, đi lang thang ngoài đường hay bị đối xử tàn tệ, cha mẹ có thể ra tòa và mất quyền nuôi dưỡng, còn những cụ già vô gia cư, đói khát bị bỏ bên lề đường, không ai có trách nhiệm và chẳng có ai phải ra tòa.
Ðiều đáng nói là các cụ già cũng như những đứa trẻ, đều yếu đuối, không có khả năng tự bảo vệ và rất dễ xúc động, buồn vui.
Trong một xã hội đáng gọi là văn minh, các trẻ em và người cao niên đều được che chở, bảo vệ và săn sóc chu đáo.
Các cụ có các cơ quan xã hội lo thuốc men, thực phẩm nhưng với nỗi cô đơn, phiền muộn ai là người lo cho các cụ, trong khi những đứa trẻ có người an ủi, vỗ về và nói với nó những lời dịu ngọt.
Ngân khoản của liên bang cấp để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng có đến 90% dành cho việc ngăn ngừa lạm dụng trẻ con, 7% để ngăn ngừa bạo hành trong gia đình nhưng chỉ có 2% sử dụng trong việc ngăn ngừa ngược đãi người già.
Không biết có bao nhiêu đạo luật và ngân khoản dành cho việc chống lại việc ngược đãi súc vật?
Cứ vào “Pet-Abuse.com” chúng ta sẽ tìm thấy hàng nghìn trường hợp công dân Mỹ, già và trẻ, đàn ông lẫn đàn bà bị tù tội, phạt tiền vì bạc đãi, bỏ đói, đánh đập hoặc giết những con vật thân yêu trong nhà.
Bỏ quên một bà mẹ già trong nhà dưỡng lão nhiều năm có phải là một trường hợp ngược đãi không ?
Tôi nghĩ là không……. Nếu có, luật pháp đã bắt đứa con phải phạt vạ hay vào nhà tù.
Theo người xưa, tuổi thọ là một ơn Trời và là một phúc đức lớn cho gia đình nào có cha mẹ tuổi thọ cao, trước nhất là của chính người cao tuổi nhưng đồng thời cũng là cho con cháu, bởi vì cha mẹ có sống lâu, con cháu mới có cơ hội được thể hiện lòng hiếu thảo. Có ba điều người ta thường mong ước ở đời là
Phước, Lộc, Thọ.
Phước có chỗ đứng cao hơn hết, Lộc thì phù du, mà ở đây Thọ chưa hẳn đã là may mắn.
Tác giả bài viết: Vu Trung Hien