Vì sao gọi “VÀO (VÔ) NAM, RA BẮC”

Image may contain: mountain, sky, outdoor, nature and water

Image may contain: plant, tree, grass, bridge, outdoor and nature
Image may contain: sky, tree and outdoor

Nguyễn- Chương Mt is with Nguyễn Kiều Phương.

Vì sao gọi “VÀO (VÔ) NAM, RA BẮC” (mà không gọi “vào Bắc, ra Nam”)?
“Đàng” có nhiều nghĩa, NHƯNG riêng chữ “ĐÀNG” (Đàng Trong, Đàng Ngoài), NGHĨA ĐÚNG LÀ GÌ?

Ngôn ngữ là bằng chứng sinh động lưu lại SỰ THẬT LỊCH SỬ, không xóa được!

&1&
Người Việt nói “vào (vô) trong”, chớ không ai đi nói “vào (vô) ngoài” hết. Cũng vậy, nói “ra ngoài, ra bên ngoài”, chớ không ai nói “ra trong”. Nghe trớt hướt, trật lất.
Vậy, khi nói “vào (vô) Nam” – tức là miền Nam được xem là “TRONG” (bên trong); còn “ra Bắc” – tức là miền Bắc được xem là “NGOÀI” (bên ngoài).

Từ đâu, từ hồi nào mà miền Nam trở thành “TRONG” còn miền Bắc lại trở thành “NGOÀI”?

&2&
Tới đây ắt hẳn quí bạn đều nhớ tới cuộc phân ranh hai miền NAM / BẮC, với danh xưng “Đàng Trong” (để chỉ từ phía Nam sông Gianh thuộc Quảng Bình cho đến tận Cà Mau) và “Đàng Ngoài” (để chỉ từ phía Bắc sông Gianh cho đến biên giới Việt – Tàu), vào thế kỷ 17.

Tôi có hỏi một vài bạn trẻ sinh viên, “ĐÀNG, nghĩa là gì?”.
Có bạn trả lời từ nhỏ đến lớn đi học không được thầy cô giải nghĩa, chỉ nghe nói “Đàng Trong / Đàng Ngoài” rồi học thuộc, vậy thôi. Thiệt sự vậy sao, trời? Lại có bạn bèn tra Google, gõ Wikipedia là từ điển “mở” (kêu bằng “mở” tùm lum, loạn xạ có đúng có sai), được giải thích như sau:
“Đàng là road, Trong là inside, Ngoài là outside. Đàng Trong tức là con đường bên trong, Đàng Ngoài tức là con đường bên ngoài”.

Đàng Trong là “con đường bên trong (hoặc) bên trong con đường”, đọc lên thấy khó hiểu (thế nào là “trong con đường”?), mờ mịt ý nghĩa hết sức. Rồi, đó là con đường nào vậy, mà lạ lùng, đặc biệt tới mức “bên trong con đường” thì… gồm cả một cõi miền Nam mênh mông luôn?

&3&
“Đường”, nếu theo đúng âm Hán-Việt thì có khoảng 20 chữ Hán khác nhau lận, cũng đều đọc là “đường”. Và, không có chữ “đường” nào mang ý nghĩa là “con đường” (road, street) hết ráo!

Để hiểu là “con đường” (road, street, avenue…), trong chữ Hán gọi là 路: “lộ” (như đại lộ 大路), hoặc là 道: “đạo”…Thành thử nếu cho rằng “đàng trong/đàng ngoài” nghĩa là “trong/ngoài con đường” thì phải viết chữ Hán là “nội lộ/ngoại lộ” (nên nhớ: hồi thế kỷ 17, chúng ta vẫn còn viết bằng chữ Hán chớ không phải chữ Quốc ngữ).

&4&
Thành thử tra tự điển chữ Nôm. Hồi xửa hồi xưa, thế kỷ 17, người Việt vừa xài chữ Hán vừa xài chữ Nôm (tức cũng dựa trên chữ Hán mà có những cách cấu tạo đủ kiểu, phức tạp lắm đa).
Trong Từ điển chữ Nôm, có ghi phát âm “Đàng” theo hai ký tự khác nhau: 唐, và 塘 . Để coi “đàng” nghĩa là gì.
唐, đọc là “đàng” (cũng được đọc là “đường”): có nhiều nghĩa nhưng không dính gì tới “con đường”, trong đó có một nghĩa hơi gần chút xíu, là “lối đi trong đình viện (sân nhỏ)”. Ừm, “ĐÀNG” (tỉ như trong danh xưng “Đàng Ngoài”) mà hiểu là… lối đi trong sân, coi bộ không ổn rồi đa.

Còn chữ thứ hai, 塘 (đọc là “đàng”, cũng được đọc “đường”) có mấy nghĩa lận, là cái ao, cái đầm, cái nhà… Coi bộ không hạp gì ráo với danh xưng “Đàng Trong / Đàng Ngoài”.

Thời may, trong Từ điển Thiều Chửu, Từ điển Trần Văn Chánh có ghi chú cái nghĩa nữa của chữ 塘 (đàng/đường) này là: “con đê, bờ đê”!

&5&
Quí bạn hãy cùng ngược dòng lịch sử…
Năm 1630, để ngăn chặn những cuộc tấn công từ Bắc hà (phía bắc sông Gianh) do vua chúa triều đình Thăng Long phát động, Chúa Nguyễn mời cậy nhờ Đào Duy Từ xây hệ thống hào lũy. Đặc biệt là “Lũy Thầy” với tổng chiều dài khoảng 34km, bắt đầu từ núi Đầu Mâu tựa vào dãy Trường Sơn kéo ngang ra tới cửa biển Nhật Lệ. Bề mặt thành lũy như mặt đê rộng rãi cho người lẫn voi, ngựa có thể dễ dàng đi lại trên đó.

Phòng tuyến giăng ngang giữa hai đầu núi và biển đã bịt kín các lối ra vào và hoàn toàn khống chế các mũi tấn công từ phía Bắc, phía bên ngoài thành lũy. Từ đó Nam hà (phía Nam sông Gianh trở vào) của Chúa Nguyễn được giữ vững.

=> ĐÀNG TRONG 塘 là cõi bên trong thành lũy (bờ đê 塘 của Lũy Thầy), về phía Nam.
ĐÀNG NGOÀI 塘 外 là cõi bên ngoài thành lũy, về phía Bắc.

&6&
Danh xưng “Đàng Trong”/”Đàng Ngoài” được lưu trong sách vở còn được nhìn thấy, đầu tiên là trong “Từ điển Việt – Bồ – La” của Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) vào năm 1651. Như vậy, cách gọi Đàng Trong/Đàng Ngoài xuất hiện trong quãng thời gian sau năm 1630 (xây đắp Lũy Thầy) và trước năm 1651 (được ghi trong Từ điển).

Rõ rành cách gọi hai miền là “Đàng Trong/Đàng Ngoài” được lấy theo hệ qui chiếu của miền Nam (từ phía Nam sông Gianh trở vào, Chúa Nguyễn gọi là “TRONG” – để phân định khác với Chúa Trịnh là “NGOÀI”).
Và, theo dòng thời gian sau đó, người dân miền Bắc cũng đã chấp nhận hệ qui chiếu này để gọi mình là “Đàng Ngoài”.

&7&
Vì lẽ, theo các sử liệu, trong giai đoạn phân tranh thì Đàng Trong phát triển mạnh mẽ hơn, mở rộng lãnh thổ tới Cà Mau; đồng thời xác lập những chuẩn mực văn hóa đa dạng!
Về đại thể, sự chuyển dịch trọng tâm về phía Nam là có lợi cho sự phát triển của người Việt và nước Việt nói chung.

Nguyễn Huệ (Quang Trung hoàng đế) vào năm 1789 đánh tan quân Thanh, đồng thời đặt dấu chấm hết đối với triều đình Hậu Lê tại Thăng Long. Cần nhớ: Nguyễn Huệ dựng nghiệp tại Qui Nhơn thuộc Đàng Trong. Nguyễn Huệ là người Đàng Trong.

Nguyễn Ánh, sau nhiều thăng trầm, đánh tan Tây Sơn, thống nhứt giang sơn, lên ngôi Gia Long hoàng đế năm 1802. Cần nhớ: Nguyễn Ánh dựng nghiệp dựa vào Gia Định và vùng châu thổ sông Cửu Long, đều thuộc về Đàng Trong.

&8&
Thực tế lịch sử đã in dấu ấn không bao giờ phai trong ngôn ngữ của người Việt, cho đến hiện nay! Gọi “ngoài Bắc” là xuất phát từ chữ “Đàng Ngoài”; gọi “trong Nam” là xuất phát từ danh xưng “Đàng Trong”.

Đã “TRONG (Nam)”, thành thử phải gọi là “VÀO/VÔ (Nam)”.
Cũng vậy, đã “NGOÀI (Bắc)” thì phải là “RA (Bắc)” (không ai đi nói “vào Bắc” hết ráo).
————————————————————————-
* Thắc mắc còn lại: “ĐÀNG” 塘 là con đê/bờ đê, vậy “lên đàng” bấy lâu nay được hiểu là “lên đường”, đúng hay sai?
Rồi, “Đàng Thổ” hồi thế kỷ 17 dùng để chỉ vùng Sài Gòn, Bến Nghé, đâu có bờ đê/con đê nào mà vẫn gọi là “Đàng”?
Bài viết tới đây dài rồi, để dành cho kỳ 2 giải đáp, đặng có cái mà đọc.

Hình ảnh: Sông Gianh ở Quảng Bình.
Di tích Lũy Thầy: cổng thượng Võ Thắng quan.
Di tích Lũy Thầy: cổng hạ Quảng Bình quan.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay