VN xuất than sang TQ nhưng lại nhập về với giá cao hơn

VN xuất than sang TQ nhưng lại nhập về với giá cao hơn

RFA
2018-09-11

Khai thác than ở Quảng Ninh năm 2007.

Khai thác than ở Quảng Ninh năm 2007.

 AFP

Việt Nam xuất khẩu than sang Trung Quốc nhưng đồng thời lại nhập than từ Hoa Lục về với giá cao hơn.

Tổng Cục Hải quan Việt Nam được trích dẫn cho biết trong 7 tháng đầu năm, VN tăng nhập khẩu than lên 49%, kim ngạch tăng 71%. Số than được VN nhập về chủ yếu là từ Trung Quốc, đắt hơn nhiều so với các nước khác, chẳng hạn như than của TQ có giá 8,2 triệu đồng/ tấn trong khi than của Indonesia chỉ có 1,6 triệu đồng/ tấn.

Một báo cáo của Tổng cục Hải quan hồi tháng 5 vừa qua cho thấy giá nhập khẩu than là 2,67 triệu đồng/ tấn, thấp hơn 330.000 đồng so với giá xuất khẩu. Các nhà phân tích cho rằng điều này cho thấy VN xuất khẩu loại than có giá trị và nhập khẩu than chất lượng thấp về sử dụng.

Than được nhập về chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, các ngành luyện kim, trong đó có nhà máy gang thép Formosa từng gây thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung kể từ tháng tư năm 2016.

VN chủ yếu nhập mặt hàng than cám chất lượng thấp từ Trung Quốc, trong khi xuất sang Hoa Lục những loại than chất lượng như antraxit, than đá vỉa, than cốc.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng giá các mặt hàng TQ bán cho VN thường cao hơn nhiều so với các thị trường khác và cao hơn giá mà chính Hoa Lục nhập khẩu từ Việt Nam.

Báo chí VN từng đưa tin về tình trạng tồn đọng hàng tấn than trong nước nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập về. Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ đầu năm nay đã kiến nghị Bộ Công an điều tra thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tại Tập đoàn Than – Khoáng sản VN, lên đến 15.000 tỷ đồng.

Cũng trong 8 tháng đầu năm nay, Bộ Công thương VN đã xuất khẩu hơn 1,7 triệu tấn than, trị giá 224 triệu đô la, tăng 27,4% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu than chủ yếu của VN là Nhật Bản, Nam Hàn và Ấn Độ. VN dự tính sẽ khai thác 41,5 triệu tấn than trong năm nay, tăng hơn 9% so với năm ngoái và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ khai thác 86,4 triệu tấn, đến năm 2030 là 256 triệu tấn than

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay