LÝ DO TÔI VIẾT

Trần Bang shared a post.

 

Ly’ DO TÔI VIẾT

Thời gian gần đây, rất nhiều bạn bè lo lắng khuyên tôi cẩn trọng khi viết về ông Tất Thành Cang (Phó Bí thơ Saigon), về khu đô thị Thủ Thiêm và những vấn đề hết sức nhạy cảm của thành phố Saigon. Tôi chỉ cười…!

Kể cả sau khi tôi viết về những đề tài nhạy cảm này, khi thương vụ khủng Tân Thuận – Quốc Cường Gia Lai bị Thành ủy chặn đứng và có khả năng nhiều quan chức lãnh đạo cao cấp “nhúng chàm” tại Saigon sẽ bị rớt ghế, tôi vẫn cười….!

Hôm nay, ngày lành tháng tốt , tôi xin chia sẻ rằng động lực chính yếu để tôi tham gia tìm hiểu và viết loạt bài này chính là hình ảnh của những cụ bà 70, 80 tuổi đầu tóc bạc phơ và nhiều gia đình suốt hơn chục năm qua lang thang đi kêu cứu vì quy hoạch “bất bình thường” tại Thủ Thiêm.

Điều khiến tôi và rất nhiều đồng nghiệp làm báo dũng cảm tại Saigon đau xót nhất chính là việc rất nhiều người dân lương thiện, kể cả những Đảng viên cư dân Thủ Thiêm xưa, bỗng nhiên biến thành những con người bị xua đuổi, gần như bị xem như tội phạm, bị quản thúc và theo dõi…chỉ vì họ muốn bảo vệ những ngôi nhà, mảnh đất nơi mấy chục năm trời gia đình họ từng sống.

Nhiều giá trị đã bị đảo lộn trong suốt gần 20 năm qua ngay tại Sài Gòn phồn hoa, thật đáng sợ khi nó lại bắt đầu từ chính CHIẾC BẢN ĐỒ QUY HOẠCH THỦ THIÊM bị thất lạc.

==> Những gia đình tan nát, chồng con đều chết…
==> Những người mẹ khóc hết nước mắt nhìn con mình bị đánh đập…
==> Những thanh niên thay vì như chúng bạn được học hành, công tác, nay lại vùi đầu vào mớ hồ sơ kêu cứu oan ức cho gia đình…

Càng đau xót tận cùng, nếu bất kỳ người có lương tri khi bước đến Thủ Thiêm để xem khu đất hoang tàn khi xưa chính là Ngôi chùa Liên Trì. Và nếu tôi và các nhà báo không lên tiếng, khu di tích Giáo xứ Thủ Thiêm – một cơ sở tôn giáo mang đậm tính lịch sử được lập từ 1840, có thể cũng sẽ không còn.

20 NĂM QUA, câu chuyện Thủ Thiêm đã trở thành vận mệnh đen tối, đối đầu giữa người dân và các thế lực muốn thôn tính đất với giá rẻ mạt, bất chấp lương tri và công lý.

Các thế lực đen tối này đe dọa tôi rất nhiều, tung tin kiểu như tôi được đặt hàng 10 tỷ đánh ông Tất Thành Cang, tôi đánh nhau vì phe phái…Thật đáng nực cười và hổ thẹn vì những trò hề đó ! Người dân Thủ Thiêm mặc áo bà ba, những bộ đồ sờn rách và cái chòi tạm cư thì làm gì có tiền để đặt hàng này nọ.

Cũng chẳng có đại gia nào “to gan lớn mật” dám đặt hàng đánh ông Phó Bí thơ quyền lực nhất Sài Thành đương nhiệm cả !

Chính ông Phó Bí thơ Sài Gòn Tất Thành Cang cần phải xem lại đạo đức công vụ của mình trong suốt 29 năm qua.

Tại sao trong hàng ngàn cán bộ lãnh đạo tại Sài Gòn này – ông là một trong thiểu số ít người bị người dân bêu tên thù ghét. Theo tôi, thay vì ông căm ghét dân và nhà báo vì “lật tẩy” bộ mặt của mình, ông nên cảm thấy xấu hổ và gập đầu trước Đức Phật, Thiên Chúa vì những hành động trong quá khứ của mình.

Tôi – một Nhà báo đương công tác báo chí chính thống, truyền thống 3 đời làm báo, sẽ không ngu dại viết mà không có bằng chứng.

Tôi – người sinh ra và lớn lên trong gia đình nội ngoại gồm các Đảng viên lâu năm, được làm việc trong tổ chức tuân thủ pháp luật, bất kỳ bài viết nào của tôi cũng được báo cáo với các cấp thẩm quyền có trách nhiệm.

Tôi cũng xin lỗi vì hàng ngàn comment chống lại chế độ này sẽ không tồn tại trên fb của tôi. Không phải vì tôi sợ hay bưng bít, mà tôi không có nhu cầu trở thành anh hùng, càng không muốn mình viết vì các tranh cãi ý thức chính trị khác biệt.

Chỉ đơn giản tôi viết vì “nếu chúng ta không dũng cảm lên tiếng vì công lý và lương tri, ai cũng hèn nhát, ai cũng sợ hãi trước cường quyền…thì đến bao giờ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước biết được sự thật từng bị các nhóm lợi ích chôn vùi !”

Cảm ơn các thế hệ nhà báo dũng cảm Tùng Quang (Đại Đoàn Kết), Hà Phan (Tiền Phong), Nguyễn Công Khế – Hoàng Hải Vân (Thanh Niên), Trương Huy San (Sài Gòn Tiếp Thị), Vũ Kim Hạnh (Tuổi Trẻ), Đặng Tâm Chánh (Sài Gòn Tiếp Thị), Hoàng Linh (Tuổi Trẻ)… chính các anh chị thế hệ đi trước là đèn soi sáng cho lớp nhà báo sau kế tục viết về đề tài Thủ Thiêm oan khiên khắc nghiệt.

Làm báo trong bất kỳ quốc gia nào, dưới bất kỳ thể chế nào, trong bất kỳ thời kỳ nào, đã là dấn thân nguy hiểm.

Nhưng nếu sống mà không viết, thấy lẽ phải bị chôn vùi mà câm lặng. Khác gì đã chết !

By Steven Nguyễn

#ThủThiêm
#Mãikhônglãngquên

—–
Ảnh 1: Ký ức về Chùa Liên Trì và vùng đất hoang tàn ngày nay.

Ảnh 2: Tác giả trong vòng tay thương yêu của bà con dân oan Thủ Thiêm

Ảnh 3: Giáo xứ Thủ Thiêm và khu nhà dòng các Sơ đang ở, trước nguy cơ bị thôn tính – ảnh của nhà báo Minh Tú (CafeF)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay