May 17, 2025
VIỆT NAM – Trong những bức tường ngột ngạt của hệ thống trại giam Cộng Sản Việt Nam, những tiếng nói phản kháng lại tiếp tục vang lên bằng cách thầm lặng và đau đớn nhất: tuyệt thực.
Tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, 60 tuổi, hiện đang bước sang ngày tuyệt thực thứ năm trong trại giam, theo lời kêu cứu của con trai ông, anh Lê Đình Hiếu, đăng tải trên mạng xã hội hôm 15 Tháng Năm. “Sức khỏe và tinh thần của bố tôi đang suy kiệt nghiêm trọng,” anh Hiếu viết. “Ông đã nhiều lần xin được khám bệnh, nhưng tất cả đều bị từ chối.”
Bị bắt từ năm 2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” ông Lượng – một giáo dân và nhà hoạt động nhân quyền nổi bật trong các cuộc đấu tranh phản đối Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung – bị kết án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế. Sự im lặng của hệ thống tư pháp trước tình trạng giam giữ ông kéo dài trong biệt giam, cấm đoán sinh hoạt tôn giáo, và từ chối chăm sóc y tế là một bản cáo trạng về sự vô cảm của nhà cầm quyền đối với những người dám nói thật.
Cuộc gọi ngắn ngủi từ ông Lượng đến người vợ hôm 15 Tháng Năm chỉ đủ để ông thều thào “như lời kêu cứu cuối cùng,” theo lời gia đình.
Không riêng gì ông Lượng. Cùng thời điểm, một tù nhân lương tâm khác – ông Lê Trọng Hùng – bắt đầu cuộc tuyệt thực 30 ngày để phản đối việc chính quyền Hà Nội tìm cách sửa đổi hiến pháp mà không hỏi ý kiến thực sự từ người dân. Là một nhà báo độc lập từng ra ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Hùng bị kết án 5 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vào năm 2021. Trong tù, ông đã nhiều lần dùng hình thức tuyệt thực để phản kháng.
Câu chuyện của họ chỉ là hai trong hàng loạt trường hợp tuyệt thực từng diễn ra trong các trại giam từ Bắc chí Nam. Những cái tên như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đình Bách hay Bùi Văn Thuận – những người đấu tranh vì môi trường, đất đai, tự do ngôn luận – đều đã phải dùng đến biện pháp cuối cùng: lấy thân thể và mạng sống của mình để buộc chế độ phải lắng nghe.
Trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức, người từng tuyệt thực đến gần 4 tháng trước khi được thả vào Tháng Chín năm 2024, là một minh chứng cho cái giá đắt của tự do trong một thể chế mà nhân quyền vẫn là một khái niệm xa xỉ.
Tuyệt thực trong nhà tù cộng sản không phải là hành vi tự hành xác, mà là lời kháng cự cuối cùng – khi không còn một công cụ pháp lý nào để đấu tranh. Đó là khi thân thể gầy mòn trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, khi từng hơi thở là một tiếng gào trong câm lặng.
Và trong sự câm lặng ấy, có cả tiếng gọi chúng ta – những người còn tự do – hãy lên tiếng thay họ.