BIỂU HIỆN CỦA NÔ LỆ HIỆN ĐẠI TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI – Nguyen Anh Tuan

 Đặng Huệ Như  

Bài viết hay của  Nguyen Anh Tuan

1. Thờ ơ với thời cuộc:

“Chính trị không liên quan đến tôi”, “Miễn tôi sống yên là được”. Đó là suy nghĩ phổ biến trong xã hội độc tài, nơi người dân bị tước quyền can thiệp vào các vấn đề công cộng, và dần đánh mất nhu cầu lên tiếng. Họ sống trong im lặng, coi bất công là chuyện “bình thường”, và không còn đặt câu hỏi vì sao đất nước mãi trì trệ.

  1. Vô cảm với đồng loại:

Khi thấy người khác bị oan sai, bị đàn áp, họ chỉ nói: “Tránh xa ra cho an toàn”. Sự vô cảm này không bắt nguồn từ sự ác, mà từ nỗi sợ hãi và tâm lý sinh tồn trong môi trường không an toàn. Nhưng chính sự vô cảm đó đã làm tê liệt sức mạnh cộng đồng.

  1. Không quan tâm chính trị:

Họ không biết ai là người nắm quyền, ai chịu trách nhiệm cho sự yếu kém của quốc gia. Họ không bầu chọn thật sự, không dám phản biện. Họ tin rằng “chuyện đó để nhà nước lo”, và vô tình trao toàn bộ vận mệnh vào tay kẻ khác.

  1. Khôn vặt, khôn lỏi để tồn tại:

Thay vì đòi hỏi một xã hội công bằng, họ học cách “luồn lách”, “biết điều”, “né rắc rối”, “chắc nó trừ mình ra”…. Đó là kỹ năng sinh tồn trong hệ thống bất công, nhưng đồng thời cũng làm lệch chuẩn đạo đức và suy giảm nhân cách xã hội.

  1. Sống trong sợ hãi thường trực:

Họ sợ bị theo dõi, sợ bị ghi nhận phát ngôn, sợ bị mất việc, sợ bị “xử lý hành chính”, sợ bị gán nhãn “phản động”. Sự sợ hãi khiến họ tự kiểm duyệt bản thân, không còn khả năng phản kháng, và dần chấp nhận kiếp sống lệ thuộc như điều tự nhiên. Nô lệ hiện đại không cần kẻ canh gác, bởi con người đã trở thành người canh giữ chính tư tưởng của mình. Và một khi con người không còn biết mình đang bị trói buộc, thì chính họ sẽ tiếp tục truyền lại sự nô lệ ấy cho thế hệ mai sau.

  1. 6. Nguy hiểm nhất của nô lệ hiện đại là khi người dân không chỉ bị kiểm soát bằng bạo lực, mà còn bị dẫn dắt trong vô thức. Họ tin rằng đất nước đang ổn định và phát triển dù thực tế đầy rẫy bất công; tin lãnh đạo là thiên tài bất chấp sai lầm hiển hiện; tin phản biện là nguy hiểm, tự do là gây loạn, “lên đồng tập thể” có khi chỉ một trận bóng đá hay một thú vui bị định hướng dẫn dắt nho nhỏ…. Mọi tiếng nói khác biệt bị gán nhãn “phản động”. Họ tự hào vì “biết chịu đựng”, vì “không cần dân chủ kiểu phương Tây”, mà không nhận ra mình đang bảo vệ chính cái hệ thống khiến họ sống trong nghèo đói, sợ hãi và bất lực. Khi người bị áp bức quay sang tôn vinh kẻ áp bức, khi xiềng xích trở thành niềm tin thì đó không còn là sự phục tùng đơn thuần, mà là tâm trí đã bị chiếm đóng.

Không ai sinh ra để làm nô lệ. Một dân tộc chỉ thật sự phát triển khi từng người dân hiểu rằng tự do không phải là đặc ân mà là quyền bất khả xâm phạm. Độc tài có thể bành trướng, nhưng lịch sử chưa từng dung thứ cho nó mãi mãi. Hãy sống như một con người đúng nghĩa chứ không chỉ tồn tại như một công cụ thoi thóp thở.


 

Được xem 6 lần, bởi 6 Bạn Đọc trong ngày hôm nay