“Mua tội” bằng tiền mặt và đất vàng: Đại án Phúc Sơn phơi bày mặt thật chống tham nhũng

Ba’o Dat Viet

May 1, 2025

Trong một vở kịch chống tham nhũng ngày càng trở nên nhàm chán với khán giả, cái tên Hoàng Thị Thúy Lan – cựu bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc – bất ngờ được nhắc đến với “nỗ lực khắc phục hậu quả” bằng cách… nộp lại tiền mặt cùng hai lô đất, sau khi bị cáo buộc nhận hơn $2 triệu hối lộ từ Hậu “Pháo”, đại gia xây dựng đứng sau tập đoàn Phúc Sơn.

Theo cáo trạng vừa được Viện Kiểm Sát Tối Cao ban hành, bà Lan không chỉ nộp lại 20 tỷ đồng (~$769,000) mà còn “tự nguyện” giao hai lô đất gồm một lô mặt tiền rộng 304 mét vuông và một lô đất kho vận hơn 3,000 mét vuông – một hành động được ca ngợi là “tích cực khắc phục hậu quả.”

Cựu chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành, cũng “tự nguyện” đóng góp không kém phần hào phóng: 15 tỷ đồng cùng $830,000, tất cả để đổi lấy sự khoan hồng từ cơ quan tố tụng. Tổng cộng, các bị can trong đại án này đã nộp gần 119 tỷ đồng và $900,000, không phải để trả lại cho dân mà để… giảm án.

Đáng nói, ông Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu “Pháo,” bị cáo buộc đã chi tổng cộng hơn $5 triệu cho loạt quan chức tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Quảng Ngãi, nhằm trúng thầu và thâu tóm dự án. Riêng tại Vĩnh Phúc, nơi được xem là “trung tâm lộ sáng” của vụ án, có đến 15 quan chức bị đề nghị truy tố, trong đó có hai cựu bí thư tỉnh và hai cựu chủ tịch.

Cáo trạng tiết lộ chi tiết gây sốc: “Chị có việc, chuẩn bị ngay cho chị 1 triệu Mỹ,” bà Lan thản nhiên yêu cầu. Không cần giấy tờ, không cần ngụy trang, chỉ một cái giơ ngón tay là ông Hậu hiểu ngay: tiền mặt, và chỉ tiền mặt.

Nghe qua tưởng như chuyện kịch bản trong phim, nhưng đây là thực tế tại một địa phương ở miền Bắc Việt Nam. Tài sản quốc gia bị bòn rút trắng trợn thông qua “quan hệ – tiền tệ – hậu tệ,” và khi bị lộ, giải pháp lại là dùng chính phần tiền hối lộ để “khắc phục hậu quả.” Thật trớ trêu, đây được xem là “tình tiết giảm nhẹ,” là lý do để các bị can mong chờ mức án nhẹ nhàng hơn khi ra tòa.

Chống tham nhũng kiểu này chẳng khác nào bật đèn xanh cho sai phạm: “Cứ ăn đi, nếu bị bắt thì nộp lại một ít là xong.”

Trong khi đó, người dân, giới lao động và những ai dám lên tiếng chống bất công xã hội vẫn đang chịu cảnh lao lý, không tiền để nộp “khắc phục hậu quả,” cũng chẳng có đất để tự nguyện hiến tặng. Luật pháp rõ ràng không mù, nhưng dường như luôn chọn cách nhìn theo… số dư tài khoản.


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay