HÃY DỠ BỎ NHỮNG CÁNH CỔNG TRONG ĐẦU CÁC THẾ HỆ

Luân Lê

Những đứa trẻ ở ngôi trường mầm non này làm sao hiểu được những gì chúng làm và càng không thể có đủ năng lực cảm nhận mọi giá trị hay ý nghĩa của những gì chúng (phải) làm – những thể nhân chưa có năng lực hành vi dân sự theo luật pháp. Chúng chỉ diễn tập lại, và tái hiện cảnh tượng của chiến tranh trên chiếc xe tăng 50 năm trước theo hướng dẫn của những người là giáo viên (và cả cha mẹ) của chúng.

Nếu ông TBT đã nói việc hoà hợp hoà giải là vấn đề quan trọng nhất hiện nay để tạo nên một dân tộc Việt Nam thống nhất – là một, thì người ta phải ngay lập tức cần hành động với một nguyên tắc cốt lõi, rằng chính những người ở hiện tại phải xây dựng một thực tại với hoà bình và tôn trọng, cũng như ông nói – không thể giữ mãi lòng hận thù mà cần xem lịch sử là các bài học.

Thử hỏi, những đứa trẻ hò reo lao vào húc đổ cánh cổng ấy học được gì, khi bản thân chúng còn không hiểu bất cứ điều gì về những gì mình làm?

Những đứa trẻ không có lỗi, nhưng những diễn cảnh được thực hành được tạo bởi những người có trách nhiệm nhận thức rõ ràng về lịch sử và giá trị các bài học của nó – nếu ở đó người ta tin rằng nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, hẳn sẽ không để cho thế hệ tiếp theo lớn lên húc đổ cánh cổng nào nữa, thay vào đó chúng sẽ xây nên những sự vĩ đại trên những mảnh đất rộng lớn hơn hay xa xôi hơn nhiều.

Hãy chắp những đôi cánh cho những đứa trẻ bay đi những chân trời mới, không phải là gắng mọi cách chỉ để buộc chặt chúng vào những cánh cổng của thương đau, vốn đã đổ sập. Người ta không thể bay lên nếu tiếp tục ghìm nhau bằng gánh nặng và tính uy nghi chết lặng của quá khứ. Muốn vậy, hãy dẹp bỏ mọi rào chắn trong trí óc của những thế hệ mà họ đang đứng trong vai trò và đảm nhận việc giáo dục của hiện tại – tương lai của những đứa trẻ phụ thuộc vào việc đứng cách xa bao nhiêu trong một thái độ khiêm nhường và bao dung trước lịch sử.


 

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay