Những bẫy rập đằng sau việc tu chính hiến pháp Việt Nam-*Đặng Đình Mạnh

Ba’o Nguoi-Viet

March 29, 2025eb

*Chuyện Vỉa Hè
*Đặng Đình Mạnh

Lúc này, hệ thống truyền thông chính thức của nhà cầm quyền CSVN đã công khai nói đến khả năng tu chính/sửa đổi hiến pháp hiện hành.

Vì lẽ, khá nhiều chủ trương mà chế độ muốn áp dụng vào đất nước để duy trì mạnh mẽ hơn chế độ độc tài đã chạm phải ngưỡng giới hạn của cả hiến pháp và pháp luật. Theo đó, nếu áp dụng chủ trương mà thiếu tham chiếu pháp lý cần thiết sẽ vô hình trung, vô hiệu hóa các mặt tích cực mà chủ trương mới có thể mang lại.

Những người phụ nữ này vừa kéo vừa đẩy một cái xe chở đầy thùng trái cây Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam tại cửa khẩu Lạng Sơn, giúp đảng CSVN kéo nhân dân cả nước “tiến lên xã hội chủ nghĩa” mà chẳng ai biết bao giờ sẽ tới cái thiên đường hoang tưởng đó. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Hiến pháp CSVN tu chính gần đây nhất là vào năm 2013. Đây là bản hiến pháp thứ 7 sau 1 lần ban hành và 6 lần tu chính, kể từ bản hiến pháp đầu tiên vào năm 1946 và tu chính vào các năm 1959 (tại miền bắc), 1980 (sau khi thống nhất lãnh thổ), 1989, 1992, 2001, 2013. Chưa kể các bản hiến pháp, hiến chương và ước pháp ban hành tại miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Nhân dịp này, nhiều người ngây thơ đã cho rằng chế độ Cộng Sản trong nước đang muốn cải cách thể chế. Thế nên, họ đã vội đặt những vấn đề mang tính chất nền tảng của một hiến pháp mà khá nhiều quốc gia văn minh, tiến bộ đã từng có, như: Thiết lập hệ thống chính quyền tam quyền phân lập, chấp nhận đa đảng, đa nguyên về chính trị, xây dựng nền kinh tế thị trường tự do, thừa nhận quyền tư hữu đất đai, chính thức chấm dứt việc theo đuổi lý tưởng xã hội chủ nghĩa đầy mơ hồ….

Thực ra, không cần quá tinh ý, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nguyên nhân chính trong việc đưa hiến pháp ra tu chính vào thời điểm này. Chúng chỉ nhằm đáp ứng, phục vụ cho việc đưa các chủ trương mà ông Tô Lâm đã công khai kêu gọi áp dụng vào đất nước mà thôi. Trong đó, bao gồm chủ trương sáp nhập các tỉnh thành và bãi bỏ hoàn toàn cơ quan hành chánh cấp huyện.

Cho dù có là nhà cải cách triệt để đến mức nào đi nữa, thời điểm này chưa phải là lúc thuận lợi để ông Tô Lâm bộc lộ ý tưởng cải cách đó (nếu có). Nhất là khi tuyệt đại đa số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản đều đang là người cũ, do người tiền nhiệm là ông Nguyễn Phú Trọng đưa vào. Và cũng số ủy viên đó đã từng thẳng thừng bỏ phiếu bác bỏ đề nghị của ông Tô Lâm đưa ông Lương Tam Quang vào ghế Bộ Chính trị trong Hội nghị Trung ương 5, vào giữa năm 2024, để có cơ sở nắm giữ chức vụ Bộ Trưởng Bộ Công an do ông Tô Lâm.

Thế nên, việc tu chính hiến pháp lúc này chỉ là biện pháp “chắp vá” tạm thời về phương diện pháp lý, để ông Tô Lâm có thể đưa các chủ trương về sáp nhập tỉnh và bãi bỏ cơ quan hành chính cấp huyện mà thôi.

Tuy vậy, điều cần lưu ý là việc việc tu chính hiến pháp sẽ được đưa ra cho toàn dân thảo luận, góp ý để tạo bộ mặt dân chủ “giả hiệu”. Đằng sau đó, chúng sẽ đều là những bẫy rập rất nguy hiểm về phương diện pháp lý mà công chúng cần biết.

Năm 2013, nhà cầm quyền cũng từng kêu gọi nhân dân thảo luận góp ý tu chính hiến pháp. Khi ấy, nổi tiếng nhất trong việc nhân dân góp ý là bản kiến nghị thường được gọi tên là Kiến nghị 72, do 72 nhân sĩ trí thức ký tên gởi đến Quốc hội.

Công an và dân phòng chặn các ngả đường dẫn đến tòa án Hà Nội khi có phiên tòa xử án chính trị. Cấm dân đến tòa án dự khán, kể cả thân nhân bị cáo, dù phiên xử được loan báo là “xét xử công khai”. (Hình: Ian Timberlake/AFP/Getty Images)

Trong thực tế, không có một điểm nào trong Kiến nghị 72 của họ được chấp nhận cả. Chưa kể, Tổng bí thư đảng Cộng Sản khi ấy là ông Nguyễn Phú Trọng còn công khai đánh giá cho rằng bản kiến nghị đó “Thể hiện sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức cần phải được xử lý”.

Chưa kể rằng, cùng với nhiều tù nhân chính trị, trong đó bao gồm cả thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh. Thầy chỉ chia sẻ bản kiến nghị đó về trang Facebook cá nhân, thì sự chia sẻ đó đã bị xem như là chứng cứ về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Thầy bị tuyên hình phạt lên đến 11 năm tù giam. Nhiều tù nhân chính trị khác cũng bị tuyên những hình phạt tù giam rất nặng nề.

Cho nên, người dân lưu ý, đừng tin cậy vào những lời tuyên truyền của nhà cầm quyền, nhân danh quyền tự do, hoặc quyền dân chủ gì cả. Vì nó không phải là sự thật, hay lời kêu gọi chân thành, mà chỉ là những bẫy rập khiến những người có tâm với đất nước vô tình bộc lộ ý chí, quan điểm chính trị của mình trước cơ quan an ninh, để rồi sau đó phải trả giá bằng những năm tháng tù đày dài đằng đẵng mà thôi.

Hoa Thịnh Đốn, ngày 27 Tháng Ba 2025

Đặng Đình Mạnh


 

Được xem 5 lần, bởi 5 Bạn Đọc trong ngày hôm nay