February 27, 2025
*Chuyện Vỉa Hè
*Đặng Đình Mạnh
“Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên”[*].
Sài Gòn, danh xưng đã có từ hơn ba thế kỷ để chỉ một vùng lãnh thổ trung tâm phía Nam Việt Nam, nơi đã từng hào phóng đón nhận biết bao thế hệ người Việt cất công nam tiến khai phá vùng đất mới.
Sài Gòn, nhờ vị trí đắc địa đã trở thành một điểm giao thoa của nhiều tôn giáo, nền văn hóa, dân tộc, thành phần … biến sự thân thiện, chân thật, hào sảng trở thành tâm tính địa phương.
Một quán cà phê ở Sài Gòn ngày nay có tên là “Sài Gòn Xưa” như một hoài niệm một thời đã được sống mà không thể nào quên. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)
Sài Gòn, nơi đã từng là thủ đô của cả một quốc gia dưới nền Cộng Hòa trước khi ngơ ngác thấy mình có danh tính mới vào ngày 2 Tháng Bảy 1976.
Trước đó, thời thuộc Pháp, Sài Gòn vốn đã là trung tâm hành chính của vùng Đông Dương bao gồm Việt, Miên (Cambodia ngày nay) và Lào. Khi ấy, dinh toàn quyền Đông Dương (Dinh Norodom) được người Pháp cho đặt tại Sài Gòn.
Sau khi giành được độc lập, tư cách pháp lý của đô thành Sài Gòn được xác lập vào ngày 22 Tháng Mười 1956, với Sắc lệnh số 143-NV của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhằm đổi tên các tỉnh thành miền Nam Việt Nam, theo đó, đổi tên Sài Gòn – Chợ Lớn thành đô thành Sài Gòn của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, quản lý vùng lãnh thổ từ dưới vĩ tuyến 17 đến Cà Mau theo Hiệp định Genève năm 1954.
Đến ngày 2 Tháng Bảy 1976, sau khi chế độ Cộng Sản thống nhất được lãnh thổ, họ đã thông qua quốc hội để đổi tên đô thành Sài Gòn trở thành thành phố Hồ Chí Minh, vốn là tên giả lãnh tụ của họ: ông Nguyễn Sinh Cung.
Lần giở tài liệu từ khối ý thức hệ Cộng Sản, họ đã từng có tiền lệ đổi tên địa danh bằng tên lãnh tụ.
Trong đó, năm 1925, họ đã đổi tên thành phố Volgograd, tọa lạc tại bờ tây hạ lưu sông Volga, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của nước Nga, thuộc Liên Xô cũ trở thành thành phố Stalingrad, tên lãnh tụ Joseph Stalin của Liên Xô khi ấy. Đến năm 1961, sau khi Stalin đã qua đời, thì thành phố mới được phục hồi lại tên cũ Volgograd.
Cũng vậy với thành phố Saint Peterburg. Năm 1924 bị đổi thành thành phố Leningrad, tên lãnh tụ Cộng Sản. Đến tận năm 1991,sau khi Liên Xô tan rã, thành phố mới được phục hồi tên cũ.
Lấy cảm hứng từ các sự kiện đổi tên thành phố này, một bác sĩ thân Cộng là ông Nguyễn Hữu Nghiệp đã vận động nhóm thân hữu cùng đề xuất lấy tên ông Hồ Chí Minh để đổi tên cho đô thành Sài Gòn. Đề xuất này đăng tải trên báo Cứu Quốc, xuất bản tại Hà Nội vào ngày 27 Tháng Tám 1946.
Đến 30 năm sau, khi cưỡng chiếm được miền Nam, giành quyền quản lý toàn lãnh thổ, trong đó có đô thành Sài Gòn, chế độ Cộng Sản đã thay đổi thành thành phố Hồ Chí Minh.
Dịp ấy, người miền Nam, người Sài Gòn tiếc nuối danh tính cũ, vốn đã có từ hàng trăm năm, đã uất hận than thở: “Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên”.
Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn thường được gọi là “Nhà thờ Đức Ba” tọa lạc ở trung tâm thành phố. Lễ Giáng Sinh hàng năm, không phải chỉ có tín đồ Thiên Chúa Giáo, cả triệu người đổ dồn về đây và các đường phố chung quanh hân hoan chào mừng ngày lễ Chúa giáng trần. (Hình: Chris Jackson/AFP/Getty Images)
Tuy đã bị khai tử, nhưng sau nửa thế kỷ, có vẻ như danh xưng Sài Gòn chưa một lần mất dấu. Cái tên Sài Gòn vẫn cứ tồn tại nhờ chính hệ thống truyền thông của chế độ Cộng Sản trong nước, khi bị gắn tên vào những sự kiện tiêu cực, như: Nếu mưa thì “Sài Gòn ngập đến đầu gối”, nếu nắng “Sài Gòn vật vã dưới nắng nóng”, nếu chết “Phát hiện xác chết nam giới nổi trên sông Sài Gòn”, nếu nghiện ngập “Bắt khối lượng ma túy lớn ở Sài Gòn”, nếu chơi bời “Phát hiện ổ mại dâm ở Sài Gòn”, nếu tệ nạn “Chém nhau trên phố Sài Gòn”, thậm chí, nếu hỏa hoạn “Cháy lớn ở Sài Gòn” … đều là những cái tít trên mặt báo của chế độ.
Nhờ vậy, dù nằm ngoài toan tính của chế độ, nhưng đã góp phần giữ gìn lại cái tên Sài Gòn.
Điều đó như đúng tính chất Sài Gòn, nơi không chỉ giao thoa của nhiều tôn giáo, văn hóa, dân tộc, thành phần. Mà còn chứa chấp đủ mọi loại hỷ, nộ, ái, ố tồn tại trong cuộc đời mà vẫn bao dung thân thiện, cũng từ đó mà định hình tính cách hào sảng chẳng dễ thấy từ những nơi khác.
Mới đây, đến cả người đứng đầu chế độ Cộng Sản là ông Tô Lâm cũng đã phải nhắc cái tên Sài Gòn với đầy vẻ tiếc nuối, ông dẫn câu chuyện về Singapore đã từng thèm muốn vị thế Sài Gòn từ thập kỷ 60 như thế nào…
Được nhắc nhở thường xuyên bởi chính những kẻ muốn khai tử cái tên Sài Gòn, giờ lại còn được công khai ca ngợi, thì xem ra, Sài Gòn bất tử. Sài Gòn sống dai dẳng hơn cả đời người, chủ nghĩa, ý thức hệ, sự thắng thua … Sài Gòn cũng chẳng cần đến một lời tuyên bố về sự hồi sinh. Bởi lẽ, Sài Gòn đã từng chết bao giờ mà cần phải hồi sinh?
Hoa Thịnh Đốn, ngày 26 Tháng Hai 2025
Đặng Đình Mạnh
[*] Nước Mắt Cho Sài Gòn (Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên) – Nguyễn Đình Toàn