10-2-2025
Nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất khoái “nhân cách hóa” đồ vật thành con người. Đến thăm tỉnh nào, anh “Bãi” đều chỉ đạo tỉnh đó phải là đầu tàu để kéo nền kinh tế cả nước đi lên. Không chỉ “nhân cách hóa” 63 đầu tàu trong nước, anh “Bãi” còn “nhân cách hóa” cột đèn tuốt bên Mỹ bằng câu ví von linh ứng “Cột đèn bên Mỹ nếu có chân sẽ đi về Việt Nam hết”. Và y như trong kinh – in như trong ky, tổng thống Trump đã trả đợt “cột đèn” đầu tiên về Ấn độ, sắp tới sẽ có “cột đèn về Việt Nam” đúng tâm tư của anh “Bãi”.
Cho dù, có nhiều hãng xe hơi (vốn FDI) lắp ráp ở Việt Nam, nhưng tỷ lệ nội địa hóa các linh kiện rất thấp, đến con ốc, vít còn chưa làm được, thậm chí bác Tổng bí thư Tô Lâm còn chỉ ra “hàng dệt may, túi xách, giày da xuất khẩu mấy tỷ đô, nhưng vải, da, cây kim, sợi chỉ của người ta hết, mình chỉ bỏ công thôi”, nhưng thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt hàng các công ty trong nước “nội địa hóa” thép đường ray, “nội địa hóa” toa tàu điện mới ớn chứ!
Việt Nam có nhiều tập đoàn thép rất hoành tá tràng, doanh số hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng chỉ luyện được thép CT.3, cao lắm là thép carbon C.45, chưa luyện được thép cứng hơn như nhíp xe hay thanh tà vẹt nói gì đến thép hợp kim? Ai ở Hà Nội đều bết huyện Thạch Thất còn kỹ nghệ nấu sắt vụn bằng than đá, dầu cặn, để đúc ra phôi sắt, cán thành sắt xây dựng; và những nhà nấu sắt thủ công này đều phất lên giàu có, thì Hòa Phát không là đại tỷ phú sao được?
Ai ở TP.HCM đều thấy hàng ngày có nhiều xe container chở một cuộn thép chạy từ cảng Bến Nghé ra, vì Việt Nam chưa cán được sắt tấm, Tôn Hoa Sen phải nhập sắt tấm 3 zem – 5 zem về đưa vào máy cán sóng thành tole. Nếu Hòa Phát “nội địa hóa” đúc đường ray, chắc chắn phải nhập phôi thép về đúc, mà chưa chắc đã khử được bọt khí!
Khoảng năm 1996, khi thủ tướng Võ Văn Kiệt họp với các chủ tịch tỉnh tại dinh Thống Nhất, tôi có hỏi Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư “Tại sao trong 6 ngành mũi nhọn để Việt Nam thành nước “hiện đại hóa – công nghiệp hóa” có “cơ khí chế tạo máy”, có “vật liệu mới” mà không có mũi nhọn “luyện kim”, mà Việt Nam chỉ sản xuất CT.3 và C.45 thì lấy thép hợp kim đâu mà chế tạo máy và dụng cụ cắt gọt?” Suy nghĩ một hồi Bộ trưởng Đặng Vũ Chư nói “Thôi ông ơi, ông báo Phụ Nữ mà hỏi chi chuyện chuyên môn sâu?”
Vì không xem luyện kim là ngành mũi nhọn, nên kỹ nghệ thép Việt Nam đến giờ còn nhập phôi cán sóng, đúc thành sắt hộp, sắt ống…. Nước mình quá vui khi có hai đời thủ tướng “nhân cách hóa” rồi “nội địa hóa”. Hy vọng chỉ đạo “Nội địa hóa” sẽ thành hiện thực để ngành luyện kim Việt Nam sánh vai cùng Đức, Anh, Mỹ, Nhật…