(bài của fb Kieu Duong)
Bức ảnh này là một sự ám ảnh kỳ quặc đối với tôi bao năm qua. Thời gian đó tôi ở Nhà Bè, sau này tách ra một phần thành quận 7.
Đó là thời gian gia đình tôi bốn người sống trong căn nhà lá ở đường số 10, xã Tân Qui Đông. Trước mặt nhà, cách một cái ao nhỏ là một cái đầm lúc nào cũng mênh mông nước. Rau muống mọc tự nhiên khắp nơi, loại rau muống cọng hơi cứng, màu đỏ. Thú thật chẳng bao giờ tôi dám hái vì chung quanh cái đầm đó toàn là … cầu tỏm. Những năm đó mưa ngập lụt cả một vùng quanh nơi tôi sống. Mỗi lần ra khỏi nhà là cả một vấn đề: quần xắn lên cao, giày dép bỏ lên xe, đẩy xe ra khỏi vùng nước lúp súp.
Năm đó, tôi phải ở nhà chăm sóc má chồng tôi và đứa con gái nhỏ mới mười tháng tuổi. Ông xã tôi lúc đó đang lám báo PL cùng lúc cộng tác với báo TT.
Trong một lần đi làm, ông xã bị xe tông trúng mắt cá, phải nằm một chỗ. Má chồng bệnh, con còn nhỏ, giờ chồng không đi làm được. hàng ngày tôi phải vừa lo việc nhà vừa chăm sóc mẹ chồng, chồng và con gái nhỏ.
Đến khi tôi thấy ông xã bớt đau nhức, tôi nói ổng viết bài, tôi sẽ mang đến báo gửi, và nhận tiển nhuận bút để xoay sở việc sinh nhai.
Một buổi sáng tôi chạy gửi bài sớm. Lúc trở về ngang cầu Khánh Hội cũ, tôi đã nhìn thấy bà cụ bán rau (ảnh đính kèm, bức ảnh này tình cờ tôi thấy trên mạng, giật mình đó đúng là bà cụ tôi vẫn gặp). Đôi gióng được làm bằng sợi kẽm to với chiếc đòn gánh to đặt bên lối đi dành cho người đi bộ. Nhìn dáng bà ngồi, chiếc lưng cong như không thể cong hơn được nữa làm tôi nhớ tới bà ngoại tôi cũng lưng còng như vậy nhưng lúc noại già vẫn có con cháu lo lắng, chăm sóc. Tôi tự hỏi con cháu bà đâu, sao để bà gồng gánh đi bán rau, những mớ rau đó chắc cũng do chính bà cắt hái từ ao quanh nhà bà.
Hai chiếc thau nhôm đặt lọt thỏm trong chiếc gióng với vài bó rau. Bà ngồi đó im lặng không nói gì, chỉ nhờ vào lòng hảo tâm của người qua đường mua giúp mấy mớ rau. Bà ngồi trên cầu như một bức tượng đài về nỗi thống khổ của con người.
Từ đó về sau, mỗi lần đi ngang qua cầu Khánh Hội, tôi hay đưa mắt nhìn, tìm kiếm bà dù không biết để làm gì.
Tôi không thể mua rau, vì chỗ tôi ở ngập nước rau mọc tùm lum tôi còn không hái. Tôi cũng không thể giúp gì được vì tôi cũng đang lâm vào cảnh khốn khó. Tôi phải tự lo, chẳng kêu gào ai giúp đỡ cả. Lúc nào cũng vội vội vàng vàng về nhà, nơi đó có ba con người đang chờ tôi về. Gần hai tháng sau, ông xã tôi mới tự đi xe, đi làm lại. Tôi ít ra ngoài hẳn…
Đến lúc có dịp đi thì không thấy bà cụ bán rau bên cầu Khánh Hội, nghe nói bà cụ đã qua đời. Tôi thoáng bâng khuâng, nhớ bà, nhớ những mảnh đời bất hạnh khác như ông đạp xích lô già hơn bảy mươi gầy tong teo vẫn phải oằn lưng chở người kiếm sống, rồi nhớ lại trước đây có lần tôi nhờ người chở hàng cho chủ, lúc lên dốc cầu tôi phải xuống xe đẩy phụ xe qua dốc cầu …
Rồi tôi nhớ về hoàn cảnh của mình, tôi bỗng trở nên “sến” khi nhớ đến câu hát trong bài bolero “Thói đời’: “Đường thương đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người…”.
Bao con người khốn khổ mà tôi gặp có phải là người không? Hình ảnh bà cụ ngồi bên thành cầu Khánh Hội cũ theo tôi cả cuộc đời như một nỗi day dứt về sự dửng dưng của con người với nhau.