Một người đàn ông đến ngân hàng để rút tiền tiết kiệm. Khi đếm lại số tiền nhận được, anh ta hơi sững lại. Thay vì 120.000 rupee (đơn vị tiền tệ của Ấn Độ, tương đương khoảng 36 triệu VNĐ) và trên giấy tờ cũng đã ghi nhận con số này, nhưng có lẽ giao dịch viên đã nhầm nên đã đưa cho anh ta tới 140.000 rupee (khoảng 42 triệu VNĐ). Thế nhưng, khi người đàn ông liếc nhìn giao dịch viên thì thấy người này không có biểu hiện gì là đã nhận ra sai sót, còn lịch sự chào anh. Thấy vậy, người đàn ông đã lẳng lặng cho tiền vào túi, rời đi trong im lặng.
Vừa đi, anh ta vừa nghĩ, cái ngân hàng này lớn như vậy, mất có 20.000 rupee thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới hoạt động của họ. Mà có phải do anh cố tình đâu. Đây là sai sót của họ mà, họ chẳng có lý do gì để kiện tụng hay làm khó anh cả. Từ trước đến nay, anh cũng thi thoảng trả nhầm tiền cho người khác, nhưng có ai đến tìm anh để trả lại đâu. Vì sao anh phải trả lại tiền cho ngân hàng. Cứ như thế, người đàn ông đã nghĩ ra đủ thứ lý do cho việc “ỉm” số tiền trả thừa của ngân hàng.
Song càng đi, càng về gần đến nhà, người đàn ông lại nhớ đến nụ cười lịch sự của giao dịch viên. Anh ta rất tử tế, hòa nhã và còn cảm ơn lúc anh rời đi nữa mà chẳng hề hay biết chuyện gì đang xảy ra. Không biết anh ta có phải đền số tiền này cho ngân hàng không nhỉ? Người đàn ông bắt đầu cảm thấy hơi có lỗi. Hai mươi ngàn rupee không phải số tiền quá lớn, nhưng cũng chẳng phải số tiền nhỏ. Nó có thể là thu nhập một tháng của bất kỳ người dân nào. Chẳng phải anh đang lợi dụng sai lầm của người khác ư?
Vậy là người đàn ông bắt đầu bồn chồn, mồ hôi túa ra khi đấu tranh tư tưởng có nên giữ số tiền đó hay không. Anh cảm thấy hơi khó thở. Rồi cuối cùng, anh nhìn đồng hồ, chỉ còn 1 tiếng nữa là ngân hàng đóng cửa và quyết định đem 20.000 rupee quay lại. Chỉ đến lúc này, sự căng thẳng trong anh mới bắt đầu giảm đi.
Khi nhận xong số tiền thừa từ người đàn ông, anh chàng giao dịch viên mới bắt đầu thở phào và cảm ơn anh rối rít. Anh ta lấy 1000 rupee từ trong túi của mình để cảm ơn người đàn ông và nói: “Cảm ơn anh rất nhiều. Hôm nay anh đã giúp tôi 1 việc lớn đấy. Tôi đang lo sẽ phải bù tiền lương của mình vào chỗ tiền bị nhầm lẫn. Thật hiếm có người nào trung thực như anh. Anh hãy nhận số tiền ít ỏi này của tôi thay cho lời cảm ơn và mua bánh kẹo cho các con của anh nhé”.
Người đàn ông nghe những lời nói này, vừa xúc động vừa lại có chút hổ thẹn. Chẳng phải ban đầu, anh đã định ỉm đi hay sao? May mắn là cuối cùng, lương tâm của anh đã chiến thắng. “Thực ra tôi mới là người phải cảm ơn anh đấy. Lẽ ra tôi mới là người phải tặng anh số tiền này. Vì thế, tôi xin phép không nhận món quà của anh”, người đàn ông từ tốn đáp.
Giao dịch viên lấy làm lạ, mới hỏi lại vị khách tại sao lại nói thế. “Hai mươi ngàn rupee anh trao nhầm đã cho tôi cơ hội được tự đánh giá bản thân mình. Nếu không có sự nhầm lẫn của anh, tôi sẽ không biết việc chiến đấu với lòng tham của bản thân lại khó khăn đến thế. Tôi đã mất hàng giờ để suy nghĩ, để đấu tranh tư tưởng, và may mắn là, cuối cùng tôi đã làm đúng. Tôi đã vượt qua được sự tham lam, ích kỷ để chiến thắng và giữ được sự trung thực. Đây đúng là 1 cơ hội hiếm có. Vì thế, người tôi muốn cảm ơn là anh”, người đàn ông thú nhận.
Cre: Cafebiz