25/01/2025
Viết để những oan nghiệt như thế này đừng bao giờ lặp lại trên quê hương. Nếu vẫn lặp lại, việc viết chỉ có tác dụng an ủi cho những số phận kiếp người. Viết cho những hồn ma và cả cho người còn sống.Quê tôi, mấy ngôi làng nhỏ, mờ nhạt, bảy mươi năm trước. Hôm nay nhìn lại để suy ngẫm.
_____
Bấy giờ đang mưa lụt, nước dâng lên trắng đục cánh đồng và con đường đi từ làng nọ sang làng kia. Ở Châu Hạ, có mấy gia đình cố nông được chọn ra làm nơi ở cho các ông đội. Mỗi ngày, ông đội và cốt cán đi sang Hương Đồng làm việc phải đi bằng bè. Mùa lụt năm đó nước dâng cao. Nước lụt trắng xóa đồng Cồn Cừa, Cồn Chạo.
Một ông đội cải cách đến từ huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau buổi đấu tố tại hội quán Hương Đồng, ông đội và hai cốt cán lên bè về nhà bên Châu Hạ.
Ông đội và chị dân quân lên một bè. Hai ông cốt cán lên bè đi trước.
Ông đội quàng tấm nylon che mưa. Loại nylon màu cánh gián này ở làng quê chưa ai có nên người ta nhớ mãi.
Mưa xối xả, gió mạnh. Bè mới lướt được một đoạn đã gặp sự cố. Đầu chiếc sào đẩy bè cắm sâu trong bùn, bị những thân rạ quấn chặt, giữ lại. Ông đội cố sức rút sào lên. Bè trôi nhanh theo gió. Ông đội chới với giữa mặt nước, tấm nylon trùm lên người. Ông đội không biết bơi. Cô dân quân kêu cứu. Hai ông cốt cán quay bè lại thì thấy ông đội đâu nữa.
Hai ngày sau xác ông đội mới được tìm thấy đưa lên bờ.
Ai đã giết ông đội? Đoàn cải cách, cán bộ huyện về làng Châu Hạ họp gấp. Rễ, chuỗi được gọi đến. Ban điều tra vụ án được thành lập.
Hai ông cốt cán đi bè lướt trước bị kết tội đã giết ông đội.
Một trong hai ông cốt cán là người bà con với ông Hóa. Một bà nông dân đứng lên nói: Chính mắt tôi đã nhìn thấy ông Hóa làm cho thật nhọn cái sào tre để bẫy chết ông đội.
Làm cho cái sào thật nhọn để khi sào cắm xuống mắc sâu vào trong bùn không nhấc lên được.
Ô Hóa bị vu cho là chủ mưu vụ giết người.
Người ta dựng lại hiện trường tại con sông làng. Ông đội là hình nộm ngồi trên bè. Hai ông cốt cán diễn cảnh đẩy ông đội rơi xuống bè, nhấn chìm ông đội xuống nước. Nhà báo ở Tỉnh lên chụp ảnh, viết bài.
Ông Hóa là cha tôi.
Cha tôi ngày thường vào rừng lấy măng, lấy nứa. Đợt này mưa lụt nên ở nhà. Cha đang ngồi bên bàn hút thuốc lào thì một đoàn người đến.
Hôm đội về họp phân chia thành phần. Gia đình tôi là “trung nông lớp dưới”. Nghĩa là khá hơn bần nông một chút và dưới mức trung nông. Với xếp thành phần như thế, gia đình tôi ở ngoài cuộc đấu tranh cải cách. Không đi kể khổ, đấu tố ai và cũng không là đối tượng bị đấu tố.
Nhưng xảy ra cái chết của ông đội.
Cha tôi bị bắt.
Nhà tôi chẳng có của cải gì mà tịch thu. Trong bếp có vài cái nồi. Mở vung nồi ra thấy có ít cơm nguội. Là phần cơm chiều mẹ để dành cho tôi nhưng bây giờ là cơm của nông dân. Mỗi người một vốc ăn hết ngay trong bếp. Ngoài vườn có cái sành đựng nước tiểu, họ đổ nước tiểu, lấy sành.
Chúng tôi đến ở dưới mái nhà hoang. Nửa tháng sau, thêm một gia đình cũng bị đuổi ra ở mái nhà bên cạnh. Gia đình tôi bị quy là phản động. Gia đình kia là địa chủ. Hai gia đình địa chủ và phản động ở sát nhau sẽ câu kết tạo sức mạnh chống phá. Gia đình tôi bị đuổi ra ở một căn lều gần ngoài đường tàu.
Tôi đi men theo đường tàu chọt rau má, kiếm lá tàu bay. Mẹ và chị đi bắt cua. Ngày hôm nay đi bắt cua, ngày hôm sau đi chợ. Tôi đang ngủ say thì mẹ thức dậy, con đi ra đầu đường cho mẹ gặp lấy may. Gặp lấy may là trên đường đi chợ không bị dân quân bắt. Đã có lần giỏ cua bị giật khỏi tay mẹ. Họ đổ cua ra bên đường, giẫm nát. Tôi nghe mẹ gọi, bật dậy, vừa đi vừa dụi mắt. Gọi là đường nhưng chỉ là lối đi giữa đồng lên đường tàu. Chờ một lúc chưa thấy mẹ đi ra, tôi ngủ lăn trên bãi cỏ. Tỉnh dậy mặt trời đã lên. Tôi đi vào nhà xem có gì ăn. Hôm thì mẹ để cho củ khoai hoặc đọi ngô, hôm chẳng có gì, nhịn đói chờ mẹ về. Chờ mãi, quá trưa rồi sang chiều, mẹ chưa về, chị cũng chưa về, tôi đói, tôi khóc. Mẹ và chị mỗi người đã xong việc nhưng về đến gần làng thì trốn trong núi, đợi tối mịt, đoán chừng dân quân không chặn nữa thì mới dám về nhà.
Sau mỗi phiên chợ, mẹ dành được một chút tiền, mẹ giấu tiền trong cái bạng tre. Bạng tre là cái ống tre, thông hết các mắt tre, mỗi buổi tối người ta mang vào nhà đi tiểu, sáng mai ra tưới cây, tưới rau hoặc đổ vào cái sành tích lại để dành tưới rau.
Mẹ đi chợ, dân quân đến nhà dỗ dành tôi, hỏi tôi mẹ giấu gạo, giấu tiền ở đâu không, có phải mẹ dắt tiền tiền trên cặp tranh không. Tôi lắc đầu, không phải trên cặp tranh đâu, mẹ giấu trong cái bạng. Họ đổ bạng ra, lấy hết rồi đi.
Tối mẹ về nghe tôi kể lại, mẹ buồn vì con còn dại quá.
Anh trai tôi đi chăn trâu cho một gia đình công giáo ở dưới Phương Mỹ, làng ven sông Ngàn Sâu. Ở Hương Mỹ chuyện đấu tố địa chủ cũng có nhưng không ghê gớm như ở Hương Châu. Anh trai tôi được nhà người ta thương. Khi anh về thăm mẹ, họ gửi cơm nếp, gạo, mắm. Nhận được quà của người giáo dân, đêm hôm mẹ lén lút mang chia cho mấy gia đình cùng cảnh ở lân cận.
Buổi chiều hôm đó mẹ và chị ra đồng chặt sim. Mẹ bị đau bụng. Cơn đau khiến mẹ nằm vật vã giữa đồng sim. Chị dìu mẹ về. Một người đi qua lều ném vào một nắm chè xanh. Chị vò chè đun sôi, rót nước ra cho mẹ một bát. Uống bát nước chè nóng, mẹ thấy ấm bụng, cơn đau dịu bớt.
Sáng hôm sau, chị tôi đi qua ngõ nhà người chị họ, nghe tiếng khóc. Chị lén vào nghe ngóng xảy ra chuyện gì. Thoáng thấy bóng chị, chị họ khóc to. Chú Hóa bị bắn chiều qua rồi.
Chị tôi đưa tay lên bịt miệng lao về nhà.
Chiều qua, khi mẹ tôi đang chặt sim.
Nơi bắn cha tôi là trường cơ bản ở bên Hương Đồng. “Oan quá trời ơi”. Cha kêu lên một tiếng. Một nắm giẻ nhét vào mồm. Cha không kêu chi được nữa.
Phát súng đầu tiên không nổ. Phát thứ hai không nổ.
Thứ ba không nổ.
Chỉnh lại súng. Thay một bà nông dân khác lên bắn. Cha tôi gục xuống. Tràng vỗ tay hoan hô. Có người sợ quá nhắm tịt mắt lại.
Một đoạn dây thừng tròng vào cổ. Xác cha tôi bị kéo đi từ trường cơ bản xuống Bến Nại. Đoạn đường đá lởm chởm sắc nhọn. Đá chọc vào da thịt. Da thịt găm vào mỏm đá sắc. Con mương dài là lối trâu đi ra đồng. Xác cha nằm đó. Trong lối trâu đi. Xác ông Long cũng nằm đó, ông mới bị bắn chết hôm qua.
Trong con mương lối trâu đi. Xác cha tôi và ông Long, hai người làng Châu Hạ. Úp mặt xuống đất.
Chị gái tôi điên dại khi nghe kể lại. Chị lên cơn đau tim. Chị ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.
Ông Thành, một trong hai ông cốt cán bị đưa ra nhà tù ngoài huyện Thanh Chương. Khi được ra tù, ông Thành mang một cơi trầu xuống gặp mẹ tôi. Ông khóc. Bác tha tội cho con. Con sợ bị bắn nên con khai bác Hóa là chủ mưu.
Ông Thành đã thuật lại cho chúng tôi biết buổi chiều mưa lụt ngày năm đó.
Đội đi rồi, những người tù còn sống về làng. Mẹ con tôi được về vườn cũ, dựng lại nhà. Anh trai tôi không đi ở nữa, anh đi học, hết lớp bảy, anh ra Hà Nội học in tráng phim, khóa học 1964-1967. Năm 1968 anh nhập ngũ đi B. Trên đường hành quân, qua nhà, anh và đoàn quân nghỉ một đêm ở làng, đêm đó anh về nhà, giữa đêm anh gánh cho mẹ đầy chum nước. Sáng sớm anh đi, tôi chạy theo anh một quãng đường, các anh trong đoàn quân bảo em gái về đi, đôi chân tôi vẫn không ngừng được, tôi cứ chạy theo, cho đến con dốc dài, tôi đứng dưới nhìn theo. Mười năm không có tin tức gì về anh. Chiến tranh xong rồi, ba năm sau giấy báo tử đến nhà. Mẹ không đi làm đồng được nữa. Đêm đêm mẹ tôi ngồi bó gối trên giường. Mẹ không tin anh đã chết. Một buổi sáng tôi đi làm đồng về thấy mẹ nằm bất động. Mẹ đã bay cao đi tìm anh.